Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 22
GᾹRAVOCA: Sự tôn kính những bậc đáng tôn kính, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Tôn kính bậc nào mới gọi là đáng tôn kính?
ĐÁP: Bậc đáng tôn kính có tới 7:
- BUDDHAGᾹRAVATᾹ: Cung kính Phật.
- DHAMMAGᾹRAVATᾹ: Cung kính Pháp.
- SAṄGHAGᾹRAVATᾹ: Cung kính Tăng.
- SIKKHᾹGᾹRAVATᾹ: Cung kính điều học.
- SAMᾹDHIGᾹRAVATᾹ: Cung kính thiền định.
- APPAMᾹDAGᾹRAVATᾹ: Cung kính sự không dể duôi.
- PATISANTHᾹRAGᾹRAVATᾹ: Cung kính trong sự giao thiệp hay tiếp đãi.
Cung kính Phật, là tôn thờ kim thân và bảo tháp, cây bồ đề, chỗ ngài giáng sanh, chỗ ngài thành đạo, chỗ ngài chuyển pháp luân, chỗ ngài nhập vô dư Niết Bàn.
Cung kính Pháp, là tôn trọng kinh, luật, luận, và ngồi nghe pháp một cách kính cẩn, không nói chuyện, không nằm mà nghe, không vấn trùm khăn trên đầu, không đội nón, mũ, dù, khăn mà nghe, không ngồi xổm 2 đầu gối khoanh tay choàng ở dưới mà nghe.
Cung kính Tăng, là nghiêng mình lễ bái, không nói lời đê hèn mà hạ mạt các ngài. Nên kính cẩn tôn thờ chư Tăng.
Cung kính điều học, là học hỏi cho thấu rõ giới luật, theo phẩm vị xuất gia hoặc tại gia, đại khái là thận trọng thâu thúc thân khẩu cho trong sạch, y theo giới luật.
Cung kính thiền định, là hằng niệm đề mục cho phát sanh chi thiền luôn khi.
Cung kính sự không dể duôi, là cần có trí nhớ, dứt tội lỗi tạo trữ phước thiện, nhứt là hằng tu theo phép giới, định, tuệ.
Cung kính trong sự giao thiệp có 2:
- ᾹMISAPAṬISANTHᾹRA: Tiếp đãi bằng tài vật như là mời thỉnh bà con thân quyến, người xa kẻ gần hoặc liên hữu, hằng lui tới nhà, nên cho những vật nào đáng cho, hoặc chia sớt cho người.
- DHAMMAPATISANṬHᾹRA: Tiếp đãi bằng pháp, là chỉ dẫn điều hành lẽ phải, khiến cho có đức tin, biết trì giới, biết bố thí tu hành cho đến ngày vô sanh bất diệt.
Lại nữa, người đáng tôn kính có 3 dạng là:
- ᾹYUVUḌḌHO: Người trưởng lão đáng bậc trên trước nên cung kính.
- GUṆAVUḌḌHO: Bậc có nhiều ân đức như cha, mẹ, thầy, tổ, chư Sa Môn, Bà La Môn, và những người có giới đức thanh cao nên cung kính.
- PUÑÑAVUḌḌHO: Kẻ nhiều phước sanh vào giòng dõi cao sang, như là vua chúa v.v… là bậc nên cung kính. Song sự kính trọng những bậc có nhiều phước báo, hãy nhớ như vầy: “Các vị đó từ trước có đức tin trì giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, cho nên nay những kẻ đó mới đặng sanh vào nơi cao sang như vậy. Khi nghĩ thế rồi, sự cung kính ấy thành ra phước báo”.
Tư cách tôn trọng kính nhường lẫn nhau như vậy, là hạnh phúc sẽ tiến triển cả đời nầy và kiếp sau.
Có một tích như vầy: “Thuở nọ, đức Thế Tôn ta còn làm bồ tát, ngài thọ sanh làm con chim đa đa, ở trên cây da to. Lại có một con voi và một con khỉ, cả ba con vật ấy kết thân ái với nhau, và có sự kính mến nhau. Vả lại cả ba con ấy đều giữ ngũ giới trong sạch, do quả báo của sự cung kính nhau và trì giới được trang nghiêm. Sau khi chết hóa sanh lên cõi trời cả”.
Tướng mạo của sự tôn kính có 3 điều:
- KᾹYAPANAMA: Cung kính bằng thân, như là nghiêng mình lễ bái chẳng hạn.
- VACῙPANᾹMA: Cung kính bằng miệng như là xưng dương tán thán các đức tánh tốt.
- MANOPANᾹMA: Cung kính bằng tâm, là chơn thành cung kính và ngưỡng mộ một cách hết lòng.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Tỳ Khưu Giới Nghiêm)