Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 24
SANTUTTHĪ CA: Sự thật hành pháp tri túc, là người mong tầm sự lợi ích ở tiền đồ, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Hành pháp tri túc có mấy cách?
ĐÁP: Có 2 cách:
- Xuất Gia tri túc.
- Tại Gia tri túc.
Sự tri túc của bậc xuất gia, là nên ưa thích nơi thanh tịnh, ở riêng một mình, không ham muốn trong tứ vật dụng, chỉ hoan hỷ tùy sở thọ, là có được thế nào thọ dụng thế ấy, không tính kiếm chác gì thêm, không tham đắm trong vật thực là trạng thái làm cho kẻ chưa phát tâm trong sạch, tin tưởng như sự tích sau đây:
“Có một người Bà La Môn, chưa ngưỡng mộ đạo Phật, một hôm nọ ông ta nghĩ rằng: “Chư vị Tỳ Khưu không ham muốn trong việc ăn uống. Vậy ta thử mấy ổng coi, tính xong bèn đem một tô cơm đi vào chùa. Khi đó, có 30 vị sư tụ hội lại để độ ngọ. Ông ấy dâng tô cơm đến vị trưởng lão, ngài thọ xong múc một ít rồi trao cho chư Tỳ Khưu kế tiếp, cứ mỗi vị múc một chút. Tô cơm ấy được chia đều đủ cả 30 vị Tỳ Khưu. Ông Bà La Môn thấy những phẩm hạnh như thế, bèn phát tâm trong sạch xuất tài sản, cất chùa xây tháp rất huy hoàng, mỹ lệ”.
Sự tri túc của kẻ tại gia, là tri túc về vấn đề vợ chồng, nghĩa là chỉ đặng một vợ một chồng thôi, đừng ham mê trong đường ái dục thái quá, nếu ai là người ham mê thái quá thì phải bị hại chẳng sai, như có sự tích thế này:
“Một vị hoàng tử bị vua cha đày ra khỏi xứ, mới dẫn vợ đi vào rừng. Bữa nọ thấy một con giả nhơn (KINARA) đi đến, coi có vẻ đẹp bèn bỏ vợ mà đi theo con giả nhơn ấy. Người vợ buồn bã vô hạn, mới đi đến chỗ tu hành của vị đạo sĩ, xin học về đề mục tu luyện, được thần thông rồi bay lên hư không. Nói về hoàng tử ấy đi theo con giả nhơn gần tới thì nó bay lên trời, vị hoàng tử một khi trút đổ bao nhiêu hư vọng xuống biển, rồi trở về kiếm vợ lại chẳng thấy, mới ân hận ngồi khóc một mình ở giữa rừng.”
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Đại Đức Giới Nghiêm