Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 27
AHANTĪCA: Sự nhịn nhục ở trong tâm, không rung động, khi gặp các nguyên nhân phát hiện ngay trước mặt, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Sự nhẫn nhục trong tâm bằng cách nào?
ĐÁP: Phải nín nhịn đừng cho tâm tham lam, sân hận, si mê, và chớ cho tâm nhiễu hại, gây thù kết oán cùng kẻ khác hay vật khác. Phải dùng tâm xả nghĩa là tâm trung lập, gọi là nhẫn nhục.
VẤN: Sự nóng nảy phát sanh do cái chi?
ĐÁP: Phát sanh do hai cảnh tượng:
- IṬṬHĀ RAMMAṆA: Do trần cảnh thích hợp, là cảnh tượng mà tâm mong mỏi thích hạp.
- ANIṬṬHĀRAMMAṆA: Do trần cảnh bất hợp, là cảnh tượng mà tâm không mong mỏi thích hạp.
VẤN: Sự sân hận phát sanh do mấy nguyên nhân?
ĐÁP: Do Phật ngôn có chín cách là:
3 nguyên nhân tự mình phát sanh.
3 nguyên nhân phát sanh do sự thương.
3 nguyên nhân phát sanh do sự ghét.
Cả chín điều này gọi là ĀGHĀTAKAVATTHU.
Do theo chú giải thêm một điều AṬṬHĀNA KOPA vào, nên gồm cả là 10 nguyên nhân. Giải rộng 10 sự nóng giận như vầy:
- Chúng đã nhiễu hại ta, trong thời gian qua.
- Chúng đã nhiễu hại ta, ngay bây giờ.
- Chúng đã nhiễu hại ta, trong thời gian sắp tới.
- Chúng đã nhiễu hại những vật đáng yêu của ta, trong thời gian qua.
- Chúng đang nhiễu hại những vật đáng yêu của ta, ngay bây giờ.
- Chúng sẽ nhiễu hại những vật đáng yêu của ta, trong thời gian sắp tới.
- Chúng đã làm (lợi ích) đến cho những vật mà ta không ưa trong thời gian qua.
- Chúng đang làm (lợi ích) đến cho những vật mà ta không ưa ngay bây giờ.
- Chúng sẽ làm (lợi ích) đến cho những vật mà ta không ưa, trong thời gian sắp tới.
- AṬṬHĀNAKOPA: Giận những vật không đáng giận, như là giận đất, nước, gió, lửa, mưa, nắng, lạnh, nóng, năm, tháng, ngày, mặt trời, mặt trăng v.v….
Lại nữa, cái tướng của sự nóng giận có 3:
- PADUSSATI DOSO: Tâm tính nhiễu hại chúng sanh và vật, do sự sân hận.
- PAHĀRATI DOSO: Tâm tính nhiễu hại chúng sanh và vật, bằng lối đánh đập hay là chém giết v.v. do sự sân hận.
- VERĀNUVERAVASENA DOSO: Tâm sân hận rồi lại thêm có sự hiếp hại và cưu thù kết oán với chúng sanh và vật kế tiếp.
Sự nóng có 2:
- Nhiễu hại mình.
- Nhiễu hại người.
Ví dụ như lửa cháy chỗ này, rồi cháy lan tới chỗ khác.
VẤN: Sự sân hận có nhiều chi tiết quá lấy chi để khử trừ?
ĐÁP: Cần phải dùng nước nhẫn nhục là nín nhịn, đè nén tâm mà dập tắt nó.
Cũng như có một vị đạo sĩ tên KHANTĪVĀDĪ. Nghe rằng: Đức Thế Tôn ta trong đời quá khứ, ngài đi tu làm đạo sĩ, ở trong rừng tuyết lãnh, ngài tham thiền đắc rồi mới bay về ở trong vườn thượng uyển của Vua BĀRĀNĀSI. Một hôm, đức vua ngự đến vườn dạo chơi, thấy đạo sĩ bèn phán hỏi rằng: “Ngài đạo sĩ, vậy chớ ngài dùng pháp chi để đặng tự mình thống trị lấy mình?”
– Tâu đại vương bần đạo dùng pháp nhẫn.
VẤN: Pháp nhẫn là thế nào?
ĐÁP: Nhẫn là dằn lòng không giận hờn kẻ nào nhiễu hại đến mình.
Vua nghe qua bèn phân bảo quân lính hãy hủy hại ông đạo sĩ, rồi hỏi pháp nhẫn thử xem nào!
Quân đều vâng mệnh hủy hại vị đạo sĩ, để kiếm hỏi pháp nhẫn.
Vị đạo sĩ cũng đáp như trước rằng: “Sự nhẫn là dằn lòng không giận hờn ai.”
Vua bảo cắt tay cắt chơn và hớt mũi, rồi hỏi pháp nhẫn.
Đạo sĩ vẫn trả lời như trước rằng: Pháp nhẫn nhục không ở nơi tay chơn và lỗ mũi đâu, nghĩa là ở trong tâm của bần đạo kia chớ. Vua nghe xong càng thạnh nộ, mới đưa chân đạp ngay vào ngực, làm cho vị đạo sĩ té nhào xuống đất. Khi vua BĀRĀṆASĪ đạp vị đạo sĩ là Đức Bồ Tát nhào lăn ra tới cửa vườn hoa, thì ngay lúc ấy quả đất bể hai mà rút nguyên hình đức vua, đọa vào vô gián địa ngục. Riêng phần đức Bồ Tát thọ khổ rất đau đớn, bèn chết và sanh về cõi trời sắc giới hưởng quả báo của thiền định.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm