Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 30
KĀLENADHAMMASĀKACCHA: Nết hạnh biện luận về Phật pháp hợp theo thời buổi, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Sự biện luận về Phật Pháp hợp theo thì giờ bằng cách nào?
ĐÁP: Phải biện luận về phương pháp tu hành, là nói về chương trình hành đạo như là: bố thí, trì giới, tham thiền là pháp giữ gìn răn trị thân khẩu, và ý cho thanh tịnh, không nên nói lời trái nghịch chơn lý (TIRACCHĀNA KATHĀ) trong những ngày quan trai giới, vì nói những lời trái nghịch chơn lý, nó sẽ là vật bất tịnh của quan trai giới.
Lại nữa, hàng thức giả nhứt là bậc xuất gia đắc đạo rồi mỗi khi vào nơi hội hợp, các ngài hằng biện luận kinh luật, cùng sự thật hành trong đạo Phật, mà các hàng thức giả có nhiều trí tuệ sẽ giải thích phân minh, dứt hẳn sự hoài nghi cho, cũng như hai Đại Đức Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên, là hai vị thượng túc đệ tử của Phật. Khi hai ngài hội họp thì ngài Mục Kiền Liên hỏi qua Đức Xá Lợi Phất, bằng những sự thọ khổ, vui, của chúng sanh ở quốc độ, v.v…. Lại nữa, sự biện luận về Phật, Pháp hằng dứt trừ sự hoài nghi, cho phát minh trí tuệ đắc thành đạo quả. Cũng như một sự tích của người Bà La Môn có sự nghi ngờ hỏi rằng:
“Những người không được bố thí, trì giới, tham thiền gì cả, chỉ có tâm trong sạch ngưỡng mộ ngay đến Đức Bổn Sư Thích Ca, khi chết có được sanh về cõi trời hay không?”
Phật thuyết rằng:
“Này ông Bà La Môn, chúng sanh chỉ có tâm trong sạch ngưỡng mộ ngay đến Như Lai, khi chết cũng được sanh lên cõi trời, như con của nhà ngươi chỉ có tâm ngưỡng mộ đến hào quang của Như Lai, khi mạng chúng được sanh lên cõi trời Đao Lợi, cung điện bằng vàng, bề cao tới 30 do tuần, có một ngàn thiên nữ tùy tùng. Khi Đức Thượng Sư xuất thế gian, thuyết đến đây ngài bèn chú nguyện cho vị trời ấy ngự xuống luôn với cung điện tùy tùng vào hầu đức Bổn Sư, khi đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngài phán hỏi :
“Này Thiên Tử, đời trước ngươi làm phước chi vậy? Mà được bửu điện và thiên nữ tốt đẹp như thế?”
Vị thiên thần hiến lễ và bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn là bậc tối thượng! Đệ tử chỉ có tâm trong sạch ngưỡng mộ ngay đến hào quang chói sáng của ngài thôi. Đến khi tan rã ngũ uẩn, được sanh lên cõi trời Đao Lợi, hưởng quả báo tròn đủ như vầy!”
Nói đoạn Đức Sư Tử Tượng Vương thuyết pháp độ cho ông Bà La Môn và vị Thiên Tử. Sau khi dứt thời pháp cả hai đều đắc quả luôn. Tứ chúng tụ hội tại đó cũng đắc đạo quả rất đông.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm