Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 31
TAPOCA: Tư cách của người có sự cố gắng thiêu hủy phiền não ở trong tâm, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Sự thiêu hủy phiền não phải làm sao?
ĐÁP: Cần làm các việc lành, như bố thí, trì giới, niệm Phật, tham thiền, văn kinh, thính pháp và cúng dường Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, hay là xuất gia làm thầy Tỳ Khưu, Sa Di trong Phật giáo. Tất cả các pháp này gọi là pháp thiêu hủy (TAPA) nghĩa là pháp làm cho tất cả phiền não phải bị
thiêu hủy đi.
VẤN: Phiền não là cái gì?
ĐÁP:
RAGA: Tâm quyến luyến ưa thích say đắm trong ngũ trần, là sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm dịu.
DOSA: Sự sân hận, hiếp đáp hủy hoại các chúng sanh và vật khác.
MOHA: Sự lầm lạc trong các trần cảnh, nhứt là sắc trần.
Lại nữa, sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác bằng hai cách như vầy:
- Sự tinh tấn đoạn tuyệt điều ác chưa sanh, là nói về sự thu thúc gom thâu hay đóng nhặt lục căn, nghĩa là thu thúc mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
- Cố gắng đoạt tuyệt điều ác đã phát sanh, bằng pháp ghê sợ và hỗ thẹn (HIRIOTAPA), là có sự ghê sợ tội lỗi và hỗ thẹn hay nhờm gớm tội lỗi, do dùng phương pháp của trí tuệ sẵn dành ở trong tâm, nghĩa là nhờ pháp chỉ tịnh và quán minh SAMATHA VIPASSANĀ.
Giải rằng: một khi thiếu pháp ghê sợ và hỗ thẹn rồi, thì sự thu thúc lục căn cũng không, pháp thu thúc lục căn không, thì giới cũng chẳng có. Mà hễ giới không có rồi, thì dứt thiện duyên xa lìa Phật Giáo. Vả lại giới không, thì chẳng sanh định, định không có thì chẳng sanh trí tuệ quán minh. Pháp trí tuệ quán minh không có, phải dứt hẳn thiện duyên, xa lìa đạo quả và Niết Bàn.
Lại nữa, tinh tấn trong thiện pháp có 2:
- Tinh tấn làm cho điều lành nào chưa có, được phát sanh lên.
- Tinh tấn làm cho các thiện pháp đã có, hằng sanh trưởng, tiến triển nhiều lên.
Cũng như sự tích người Bà la Môn, xem thấy chư Tỳ Khưu đứng đắp y. Những chéo y bị lắm ướt, do nước mù sương trên đầu ngọn cỏ. Ông Bà La Môn liền lấy cuốc dẫy xớt sạch hết cỏ, qua sáng mai ông ta lại thấy chu Tỳ Khưu, đứng đắp y và chéo y bị dính bụi. Ông Bà La Môn liền chở cát đến rải khắp cho bằng thẳng.
Một hôm thấy chư Tỳ Khưu thọ thực giữa trời nắng, ông ta bèn làm một cái trại lợp bằng cỏ. Ít lâu gặp mưa dột ướt cả y phục chư Tỳ Khưu. Ông Bà La Môn thấy vậy, liền kiếm cây gỗ đến cất một cái phước xá, do đức tin của ông ta đã dồi dào thêm.
Khi làm xong khánh thành phước xá, lại thỉnh đức Phật và chư Tăng đến thọ thí, rồi ông Bà La Môn đem hết tự sự bạch với Phật, khi nói đoạn; đức Phật ban thêm sự tinh tấn ấy làm cho càng tiến triển thêm và ngài thuyết pháp cho ông tăng phần tín ngưỡng. Sau khi dứt thời pháp, ông Bà La Môn đắc quả Tu Đà Hườn, do các quả lành của ông đã sẵn dành trong những kiếp trước, và sự lành ở kiếp này bảo trợ.
Chúng ta cũng nên tạo trữ phước thiện, cho thêm phần tiến triển đi, ấy là thiện duyên qua những kiếp sau.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm