Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 33
ARIYASACCᾹNADASSANAṂ: Tư cách thấy các pháp diệu đế, là chơn lý chắc thiệt, bằng trí tuệ, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Pháp diệu đế là chơn lý có mấy? Những gì?
ĐÁP: Có bốn: khổ diệu đế, tập diệu đế, diệt diệu đế, đạo diệu đế.
Khổ diệu đế như là: sanh, già, đau, chết, và khổ về sự thọ khổ buồn, rầu, than, tiếc, uất ức, bực tức trong thâm tâm. Sự mong cầu không đặng cũng khổ, mong cầu được như ý muốn, rồi tiêu hoại mất đi, do một lẽ nào đó cũng là khổ. Sự gặp gỡ chúng sanh và vật mà ta không vừa lòng cũng khổ. Sự chia lìa nhơn vật thương yêu của ta cũng là khổ. Tóm tắt lại như vầy:
SAṂKHITTENA PAÑCUPᾹDᾹNAK KHANDHᾹ
PIDUKKHᾹ nghĩa là: nếu nói bằng cách vắn tắt, chỉ ngay về năm pháp chấp thủ là: chấp thủ về sắc, chấp thủ về thọ, tưởng, hành, thức. Cả năm pháp này là khổ đế. Tập đế là nói về nguyên nhân hay là mẹ đẻ của sự khổ, nghĩa là lòng ái dục, có ba điều như vầy:
- KᾹMATAṆHᾹ: Tâm ái dục ưa thích miệt mài khao khát, trằn trọc, thèm thuồng các sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi xúc chạm êm dịu và pháp trần là những trạng thái đáng ưa, do thọ, tưởng và hành, chất chứa vào ở trong tâm, sẵn chờ dịp có tà tư duy mở đường thì tâm tiện bề ưa muốn.
- BHAVATAṆHᾹ: Sự ưa muốn miệt mài trong chỗ sanh (hữu).
- VIBHAVATAṆHᾹ: Sự ưa muốn miệt mài trong cõi không cho sanh (vô hữu).
Ái dục bên trong có 6 là: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý.
Bên ngoài có 6 là: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, cộng là 12 rồi nhơn với quá khứ, hiện tại, vị lai thành 36, rồi nhơn với cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, thành 108 cái tâm ái dục.
Diệt diệu đế, là sự vụt tắt lửa khổ và lửa phiền não, nghĩa là diệt trừ tâm ái dục cho sạch, bằng cái dao bén là SACCHITABBADHARMA, nghĩa là: Sự giải thoát do quả A La Hán, đặng cắt đứt ái dục cho rời ra khỏi, không cho sanh trưởng vào trong tâm.
Đạo diệu đế là nói về tám con đường giữa, cũng gọi tám phương pháp đúng:
1) SAMMᾹDITTHI: Thấy đúng đắn có 4 cách:
– Thấy sự khổ.
– Thấy ái dục là nơi sanh khổ (tập).
– Thấy chỗ dứt khổ (Niết Bàn).
– Thấy con đường hay là lối hành trình đi đến chỗ diệt khổ (Đạo)
2) SAMMᾹSAṄKAPPA: Suy xét đúng đắn, có 3 cách:
– Suy nghĩ lánh xa ngũ dục, sắc trần, thinh trần, v.v….
– Suy nghĩ không hủy hoại chúng sanh và vật.
– Suy nghĩ không lấn hiếp chúng sanh khác.
3) SAMMAVACA: Nói lời đúng đắn có 4:
– Không nói dối.
– Không nói lời đâm thọc đặng chia rẽ.
– Không nói lời độc ác, như chửi rủa, mắng nhiếc v.v….
– Không nói lời vô ích sang đàng.
4) SAMMᾹKAMMANTᾹ: Việc làm đúng đắn, có 3:
– Không sát sanh làm cho mất mạng sống của chúng sanh.
– Không trộm cắp của kẻ khác.
– Không tà dâm với phụ nữ mà có người chăn giữ.
5) SAMMᾹᾹJῙVA: Nuôi mạng đúng đắn có 5:
– Không bán người.
– Không bán thú còn sống cho họ sát.
– Không bán khí cụ giết người và thú.
– Không bán rượu và các chất say.
– Không bán thuốc độc.
6) SAMMᾹVᾹYᾹMA: Tinh tấn đúng đắn có 4:
– Phòng thủ các tội lỗi chưa có, đừng cho phát sanh vào trong tâm.
– Tội ác đã phát sanh cố gắng dứt cho sạch.
– Các phước thiện chưa có, cố gắng làm cho phát sanh lên.
– Các phước thiện đã phát sanh, cố gắng làm cho tiến triển thêm.
7) SAMMᾹSATI: Ghi nhớ đúng đắn có 4:
– Ghi nhớ về thân cả bên trong và bên ngoài.
– Ghi nhớ về thọ cả bên trong và bên ngoài.
– Ghi nhớ về tâm cả bên trong và bên ngoài.
– Ghi nhớ về pháp cả bên trong và bên ngoài.
8) SAMMᾹSAMᾹDHI: Định tâm đúng đắn, hiệp theo chỉ tịnh thiền (SAMATHA JHᾹNA), có 5 chi:
– VITAKKA: Tâm tầm là đưa tâm lên nắm đề mục,hay nắm bắt đề mục.
– VICᾹRA: Tâm quan sát là sự nhận xét đề mục.
– PῙTI: Tâm phỉ lạc là sự no nê thỏa mãn thân tâm.
– SUAHA: Tâm an lạc là sự yên vui của thân tâm.
– EKAGGATᾹ: Tâm định là sự an trụ nơi nhứt cảnh.
Cả 8 pháp thành đạo này, hiệp theo 3 pháp là: giới, định, huệ.
VẤN: thấy tứ diệu đế rồi trở thành ra thế nào?
ĐÁP: Người thấy tứ diệu đế rồi thì được giác ngộ đạo quả, như chàng thiện nam tử tên YASA ở trong xứ BᾹRᾹNASῙ, không ưa thích dục trần, mới chạy đến chỗ Phật ngự tại vườn Lộc Dã (ISῙPATTANA MAGGADᾹYAVNA).
Khi ấy, Đức Phật thuyết pháp tế độ cho chàng YASA dùng trí tuệ mà quan sát về tứ diệu đế, thấy rõ liền đắc Tu Đà Hườn quả.
Sáng mai lại người cha đến kiếm, đức Phật cũng thuyết pháp cho nghe, song ngài dùng thần thông nghe không cho thấy nhau. Chàng YASA khi ngồi nghe pháp rồi, quán thấy rõ tứ diệu đế, đặng đắc quả A La Hán, như đã giải đáp đây.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm