Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 34
NICCĀNA SACCHI AIRIYĀCA: Sự làm cho thấy rõ Niết Bàn do trí tuệ, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Làm cho thấy rõ Niết Bàn do trí tuệ ấy bằng cách nào?
ĐÁP: Cần phải hành theo 8 nẻo chánh gồm có giới, định và huệ, cho tròn đủ mới thấy rõ Niết Bàn được.
VẤN: Ý nói trí tuệ thế nào?
ĐÁP: Ý nói về mười pháp minh sát tuệ (VIPASSANĀ) là:
- SAMASANAÑĀṆA: Trí tuệ quán sát trong năm uẩn cho thấy rõ là vô thường, khổ não, vô ngã.
- UDAYABAYAÑĀṆA: Trí tuệ quán sát cho thấy chỗ sanh diệt của năm uẩn.
- BHANGAÑĀṆA: Trí tuệ quán thấy sự rã tan của năm uẩn như bọt nước.
- BHAYATŪPAṬṬHĀNAÑĀNA: Trí tuệ quán sát thấy năm uẩn là vật đáng sợ như đống lửa.
- ĀDĪNAVAÑĀṆA: Trí tuệ quán sát thấy tội của năm uẩn, hằng chịu sự đau ốm đàn áp mãi.
- NIBBIDĀÑĀṆA: Trí tuệ quán sát thấy tội của năm uẩn, rồi đâm ra chán ngán năm uẩn ấy.
- MUÑCICITUKĀMAYATĀÑĀṆA: Trí tuệ quán sát tìm phương pháp đặng thoát ly năm uẩn cũng như cá ở trong lưới.
- SAMKHĀRŪPEKAHĀÑĀṆA: Trí tuệ quán sát cho tròn đủ thêm trong năm uẩn, theo phương pháp vô ký hay tâm xả đặng làm cho tâm trung lập không thương, không ghét đối với năm uẩn.
- ANULOMAÑĀṆA: Trí tuệ quán sát thấy tứ diệu đế và cả năm uẩn xuôi ngược mãi đặng diệt trừ vô minh.
- GOTRABHŪÑĀNA: Trí tuệ quán sát đưa tâm lên nắm thánh đạo, tùy theo dấu vết hay mãnh lực của pháp Ba La Mật mà mình đã tạo trữ.
Cả 10 pháp nầy là lối làm cho thấu rõ Niết Bàn.
VẤN: Niết Bàn có mấy?
ĐÁP: Có hai:
- SAUPĀDISESANIBBĀNA: Diệt những DHAMMADHĀTU là các pháp thế gian, nghĩa là sự ưa, sự ghét hay là sự vừa lòng đẹp ý, và sự không vừa lòng đẹp ý, cho tiệt tận, trái lại cho trở thành ra tâm xả gồm có sáu chi (CHALAṄGU PEKKHĀ). Và trí tuệ làm cho mình khắng vào trong pháp, không cho động theo tám pháp thế gian tức là bậc đắc A La Hán.
- ANUPĀDISESANIBBĀNA: Diệt tận phiền não và sự khổ, nghĩa là ngọn lửa khổ và lửa phiền não thôi cháy, khỏi bị lửa đốt nữa.
Lại nữa, đức Phật thuyết như vầy: AṬṬHI BHIKKHAVETADĀYATANAṂ:
Nầy các Tỳ Khưu, hễ lục căn còn là pháp tạo tác,(SAṂKHATA DHĀTU bản chất tạo tác) và còn DHĀTUAYĀTANA danh pháp, sắc pháp, trong nơi nào, mà cho rằng đây là đất, nước, gió, lửa, thứ tánh, bay bổng lên hư không chăng nữa, cũng chẳng phải (Niết Bàn). Chỉ có sự diệt khổ và diệt nguyên nhân của khổ, ấy mới gọi là Niết Bàn.
Trích : Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm