Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 36
ASOKAṂ: Sự không khóc than tiếc, do những nguyên nhân phát sanh, gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Sự khóc lóc than tiếc phát sanh do những nguyên nhân gì?
ĐÁP: Sự khóc lóc than tiếc phát sanh, bởi nhân trằn trọc của sự thương mến, miệt mài, đắm đuối trong dục trần, nhứt là sắc dục.
VẤN: Muốn diệt sự than tiếc cần phải diệt bằng pháp gì?
ĐÁP: Diệt bằng hai cách là: Chỉ tịnh thiền và quán minh thiền hay là minh sát tuệ. SAMATHA KAMMAṬṬHĀNA VĀ VIPASSANĀ KAMMAṬṬHĀNA.
VẤN: Pháp chỉ tịnh có mấy?
ĐÁP: Có bốn chục đề mục chỉ tịnh là:
- Mười đề mục thường niệm (ANUSSATI)
- Mười đề mục bất tịnh (quán) (ASUBHA)
- Mười đề mục KASIṆA
- Bốn đề vô sắc (ARŪPAJHĀNA)
- Bốn đề vô lượng tâm PRAHMAVIHĀRA
- Một đề thiệt nhận về tứ đại DHĀTUVAVAT THĀNA.
- Một đề quán vật thực đáng nhờm gớm ĀHĀRE PATIKŪLA.
Mười đề thường niệm là:
- BUDDHĀNUSSATI: Niệm Phật
- DHAMMĀNUSSATI: Niệm Pháp
- SAṄGHĀNUSSATI: Niệm Tăng
- SILĀNUSSATI: Niệm giới
- CĀGĀNUSSTI: Niệm sự bố thí mà ta đã làm rồi.
- DEVATĀNUSSATI: Niệm Pháp của chư Thiên đã tu.
- UPASAMĀNUSSATI: Niệm Niết Bàn.
- MARAṆĀNUSSATI: Niệm sự chết.
- ĀNĀPĀNUSSATI: Niệm hơi thở (sổ tức quán)
- KĀYA GATĀSATI: Niệm 32 thể trược của than đáng ghê gớm.
Mười đề bất tịnh quán là:
- UDDAMĀTUKAṂ: Tử thi sình lên
- VISULAKAṂ: Tử thi có màu xanh
- VIPUBBAKAṂ: Tử thi có mủ máu chảy ra.
- VICCHIDDAKAṂ: Tử thi mà người ta cắt đứt nửa thân.
- VIKKHĀ YITTAKAṂ: Tử thi mà thú cắn xé ăn.
- VIKKHITTAHAṂ: Tử thi rời rạc ra ở nhiều chỗ.
- HATAVIKKHITTAKAṂ: Tử thi mà người ta vằm chặt đứt ra nhiều mảnh lớn nhỏ.
- LOHITAKAṂ: Tử thi lấm máu.
- PULUVAKAṂ: Tử thi có dòi bò ra.
- ATTHIKAṂ: Tử thi chỉ còn xương.
Mười đề mục KASIṆA là:
- PATHAVĪKASĪṆAṂ: Xem KASIṆA đất làm cảnh giới.
- ĀPOKASIṆAṂ: Xem KASIṆA nước làm cảnh giới.
- TEJOKASIṆAṂ: Xem KASIṆA lửa làm cảnh giới.
- VĀYOKASIṆAṂ: Xem KASIṆA gió làm cảnh giới.
- NĪLAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA sắc xanh làm cảnh giới.
- PĪTAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA sắc vàng làm cảnh giới.
- LOHITAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA sắc đỏ làm cảnh giới.
- ODĀTAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA sắc trắng làm cảnh giới.
- ALOKAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA ánh sáng làm cảnh giới.
- ĀKĀSAKASIṆAṂ: Xem KASIṆA hư không làm cảnh giới.
Bốn đề vô sắc là:
- ĀKASĀ NAÑCĀ YATANAJHĀNA: Sự tham thiền lấy hư không là chỗ rỗng không làm cảnh giới.
- VIÑÑĀ NAÑ CĀ YATANA JHĀNA: Sự tham thiền lấy thức làm cảnh giới.
- ĀKIÑCAÑ ÑĀYATANA JHĀNA: Sự tham thiền không có thức làm cảnh giới.
- NEVA SAÑÑĀ NĀ SAÑÑĀ YATANA JHĀNA: Sự tham thiền có tưởng và không tưởng làm cảnh giới.
Bốn đề vô lượng tâm là:
- METTĀ CETO: Tâm từ ái rải khắp cho tất cả chúng sanh.
- KARUṆĀ CETO: Tâm bi mẫn đến tất cả chúng sanh.
- MUTUTĀ CETO: Tâm hỉ là tâm nhu hòa mềm mại, không sát hại chúng sanh và thấy chúng sanh được lợi lạc, lại tỏ ý vui vẻ, mừng dùm cho.
- UPEKKHĀ CETO: Tâm xả là tâm trung lập, bình đẳng không thương ghét chúng sanh.
Một điều DHĀTUVAVAṬṬHĀNA là: Quán sát thiệt nhận về tứ đại.
Một điều ĀHĀRAPATI KŪLA là: Quán tưởng vật thực cho nhận thấy đáng nhờm gớm.
Cả 40 đề nầy gọi là đề chỉ tịnh (SAMATHA KAMMAṬṬHANA), là pháp để tẩy trừ những phiền não, bề trong của chúng sanh cho thanh tịnh và thoát ly các sự lầm than khổ sở, cho trở thành VIKHAṂBHANAPAHĀRA (tiệm trừ).
Như sự tích truyền rằng:
Thuở nọ đức Thế Tôn đang còn Bồ Tát, sanh làm một ông Bà La Môn, có một bà vợ, một cậu con trai, một cô con gái, một cô dâu, một người tớ gái. Cả thảy là 6 người.
Riêng Đức Bồ Tát, ngài hằng giáo huấn, cho cả 5 người ấy, biểu thường niệm sự chết, sẽ đặng hiểu rõ rằng: “Tất cả pháp hữu vi (ngũ uẩn) của chúng sanh, đã sanh ra rồi, sẽ có sự chết là lẽ tự nhiên, không trừ một người nào cả, dầu già trẻ mạnh yếu v.v…; lẽ thường có sanh ra ắt có sự chết, ở chực sẵn nơi cuối cùng giống nhau cả. Chúng ta chẳng nên dể duôi rằng: sự chết chưa đến ta.”
Cả năm người đều nghe lời giáo huấn đức Bồ Tát, thường niệm sự chết, không dám dể duôi.
Một bữa nọ, Bồ Tát và người con trai đi cầy ruộng. Lúc ban mai, người con trai cầm một con dao phát, đi cắt cỏ, dọn dẹp bờ ruộng đem gom lại để đốt, khói thổi vào lùm cỏ, trong ấy có một con rắn độc. Khi bị khói nó bò ra thấy chàng thanh niên đang đốt cỏ ấy, nó giận quá bèn cắn chàng ấy ngã xuống chết ngay chỗ đó.
Khi Bồ Tát thấy con ngã xuống chết như vậy, liền đi đến vác thây ma của con đem để ở dưới bóng cây. Song, ngài không buồn rầu than tiếc, là bởi nhờ quán sát rằng: con của ta chết đây lìa bỏ xác dơ, cũng như loài rắn lột vỏ cây. Theo lẽ thường, loài rắn thay vỏ rồi, nó không quyến luyến hay mến tiếc cái vỏ ấy. Bây giờ con của ta chết đây, cũng như con rắn lột vỏ bỏ đi nơi khác, dầu ta khóc lóc, than tiếc nào có lợi ích gì?
Ngài nghĩ như vậy, rồi xuống cày ruộng nữa, bằng một cách thản nhiên. Khi đó có một người đi tới. Bồ Tát kêu mà nhắn như vầy: “Nếu người đi ngang qua nhà tôi, xin cảm phiền cho người nhà tôi hay, nên ra đây hết cả và chỉ đem một phần ăn thôi, đừng bới hai phần như trước.”
Người ấy cũng nói giùm y như lời. Người nhà của Bồ Tát được nghe như vậy, đều đi ra ruộng cả. Khi tới thấy chàng thanh niên chết nằm ở dưới cội cây như thế, cả thảy đều quán tưởng sự chết, tùy theo mỗi người mỗi cách khác nhau như vậy.
Người mẹ quán tưởng rằng: “Con của ta khi đến đầu thai vào ở trong bụng ta thì ta cũng không kêu nó đến, khi nó đi cũng không từ giã ta, và ta cũng không cho phép nó đi. Khi nó đến thế nào thì nó đi cũng như thế ấy, ta khóc than làm gì, không lợi ích chi.” Bà mẹ suy nghĩ như thế, rồi thản nhiên không khóc than.
Nàng em gái suy nghĩ rằng: “Anh ta chết nếu ta khóc lóc than tiếc, chẳng qua làm cho tiều tụy thân thể, bằng một cách không không vậy thôi. Chứ anh ta cũng chẳng được nghe và biết ta khóc, người em gái suy nghĩ như vậy, nên vẫn thản nhiên không khóc than.
Người vợ suy nghĩ rằng: “Nếu ta khóc lóc buồn than chồng chết, thì cũng vô hiệu quả, chẳng nhằm gì. Cũng như trẻ em trong buổi ban đêm bú vú mẹ nó, ngó trật lên trên thấy mặt trăng, dù cho đứa trẻ em kia có khóc đòi đến đâu đi nữa, cũng không ai có tài nào lên lấy mặt trăng cho nó.” Người vợ suy nghĩ như thế, nên không buồn than đối với người chồng đã chết ấy.
Nàng tớ gái suy nghĩ rằng: “Con trai chủ ta chết đây, cũng như cái nồi đất bể ra làm bảy mảnh, dù có kẻ khoe tài hay sức giỏi để gắn liền trở lại thì ắt khó liền lại được. Nếu ta khóc than với cái xác chết nầy, thì người ấy cũng chẳng sống lại được.” Nàng tớ gái suy nghĩ như vậy, nên thản nhiên không khóc lóc than tiếc và không quyến luyến đối với người chết ấy.
Cả 5 người dùng sự suy xét chơn chánh ấy, cho nên không rơi một nhểu nước mắt. TASSĀVASENA do mãnh lực của sự thường niệm điều chết ấy, làm cho chỗ ngự của đức vua cõi trời nóng, nên ngài ngồi không yên, bèn dùng thiên nhãn quán thấy rõ nguyên do, mới hiện ra một ông Bà La Môn già, từ cung trời Đao Lợi xuống đi đến chỗ đó. Ngài hỏi rằng:
“Nầy các người! Con của các người bị rắn cắn chết như vậy, chớ vì lẽ nào mà các người không khóc than buồn rầu?”
Đức Bồ Tát đáp như vầy:
“Nầy ông Bà La Môn! Người nào buồn rầu than tiếc đau khổ, do lòng quyến luyến kẻ đã chết rồi, người ấy là kẻ ngu si tâm còn tối mê lắm, do vô minh che đậy. Người ấy không hiểu sự thắng lợi của pháp, là phương tiện diệt trừ sự khóc than buồn rầu. Bởi sự không đoàn tụ, nghĩa là do sự chia lìa nhơn vật mà mình thương yêu.”
TAṂSUTVĀ. Đức ngọc hoàng được nghe như vậy, ngài có tâm hân hoan lắm và tán dương một cách nhiệt liệt, lại làm cho mưa sa xuống một đám bằng bảy báu, rớt ngay vào cả nhà đức Bồ Tát, rồi ngài mới ngự trở lên cõi trời Đao Lợi.
Những người hằng niệm sự chết, thì tránh khỏi sự than tiếc và được nhiều của cải như vậy đó.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm