Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh? Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ 38
KHEMAM: Sự tự tại giải thoát khỏi các điều triền phược (YOGA), gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Pháp trói buộc tâm của chúng sanh có mấy?
ĐÁP: Có bốn cách là:
1) KᾹMA YOGA: Sự ưa thích say đắm trong ngũ dục là vật hằng giam hãm trói buộc chúng sanh.
2) PHAVA YOGA: Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cả ba cõi này là vật hằng giam hãm trói buộc chúng sanh.
3) DIṬṬHI YOGA: Sự hiểu thấy thường kiến rằng: chúng sanh thường như vậy mãi, không thay đổi, hoặc là sự thấy đoạn kiến rằng: tất cả chúng sanh tạo thiện, ác thế mấy, một khi chết là mất, sự hiểu như thế là vật giam hãm trói buộc chúng sanh.
4) AVIJJᾹ YOGA: Sự không thấy rõ các pháp hữu vi, là vật hằng giam hãm trói buộc chúng sanh (vô minh triền phược).
VẤN: Cần phải lấy pháp gì để diệt?
ĐÁP: Phải nương theo giới, định, huệ là bảo vật hằng gìn giữ cho tâm trở nên hùng dõng, đặng dùng minh sát mới có thể dứt trừ các sự triền phược ấy được. Khi nào diệt được các pháp trói trăn ở bề trong như thế rồi, mới mong thấy tâm tự tại và an vui, tránh xa các điều rủi ro, tai hại, dù cho có người khác tính nhiễu hại cũng không được.
Như sự tích sau này:
Có một chàng thanh niên, do đức tính mạnh dạn bỏ vợ đi vào tu trong Phật Giáo, tinh tấn tu về pháp chỉ tịnh và quán minh không bao lâu thì đắc quả A La Hán. Nói về người vợ cố ý, muốn cho chồng hoàn tục về ở chung với mình, mới bảo người đi thỉnh ông sư chồng về thọ thực ở nhà. Ngài cũng vẫn vào nhà độ như ý. Khi ngài độ vừa xong, nàng ấy tính rủ nhau bao vây đặng bắt buộc phải hoàn tục. Khi Đại Đức thấy thái độ bất tiện như thế, ngài bèn nhập định dùng định lực bay lên trên hư không, thoát khỏi sự tai hại được, đó là nhờ ngài đã thoát ly ra ngoài các sự trói trăn, tâm của ngài không chịu triền phược nữa (YOGA).
ETᾹDISᾹNIKATVᾹNA: Tất cả chư Thiên và Nhơn loại nếu được thật hành theo những điều hạnh phúc như thế, gọi là người được thắng quá trong mọi nơi, nhứt là thắng quá các nghiệp lực và những phiền não, cùng là sự rủi ro tai hại, trong các cơ hội, và hằng đem lại nhiều sự tiến hóa sự bình an trong mọi nơi. Giải rằng: nếu chúng sanh nào được thực hành các điều hạnh phúc ấy cho đầy đủ thì sẽ đắc thành đạo quả cao thượng, tận trừ hết thảy vi tế phiền não, là vật hằng ngủ ngầm trong tâm, mới nhập Niết Bàn, hưởng an tối thượng. Bằng như chưa đắc nhập Niết Bàn, vẫn luân hồi trong tam giới này, thì cũng khỏi sa vào bốn đường ác.
VẤN: Nghiệp lực có mấy?
ĐÁP: Có hai là thiện nghiệp và ác nghiệp. Nên hiểu chữ nghiệp y theo kinh PALI đã giải rằng: “Sự làm” là tất cả hành động tạo tác và “lời nói ý nghĩ”. Vả lại, cả hai món nghiệp này, ngài chia ra mười một
điều như sau.
1) DIṬṬHA DHAMMAVE DANῙYA KAMMA: Phước, tội làm trong kiếp này, trả quả rõ rệt ngay ở kiếp này.
2) UPAPAJJAVE DANῙYA KAMMA: Phước, tội làm trong kiếp này, trả quả kiếp sau.
3) APARᾹPARAVE DANῙYA KAMMA: Phước, tội làm trong kiếp này, trải qua 1-2-3-4-5 kiếp, hoặc 10 kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, mới trả quả chẳng hạn. Có khi đến ngày đắc Niết Bàn trả quả cũng có.
4) GARUKAMMA: Trọng nghiệp, nói về bên thiện thì tâm thiền định, nói về bên ác thì ngũ vô gián tội; giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, chích máu Phật, chia rẻ Tăng.
5) ᾹCIṆṆAKAMMA: Phước, tội mà chúng sanh hằng làm, hay chỉ làm một lần, song tâm cứ tưởng nhớ mãi mãi, thì nó sẽ có sức mạnh đàn áp các sự phước tội mỏng nhẹ khác.
6) ᾹSANNAKAMMA: Phước, tội làm gần khi sắp chết, hoặc là tưởng nhớ ngay khi sắp chết thì phước tội ấy trả quả trước, cũng như con bò già ở gần cửa chuồng, hẳn ra trước các con bò khác.
7) KATATTᾹ VᾹPANAKAMMA: Phước, tội khi làm bởi không có trí tuệ hiệp theo, cho nên sức mạnh ít lắm, đợi khi nào các phước tội khác không trả quả thì nó mới vào trả.
8) JANAKAKAMMA: Phước, tội là mãnh lực dắt thần thức đi gả sanh vào trong các cõi, ví như kẻ đem thơ (Bưu tá).
9) UPATTHAMBHAKAKAMMA: Phước, tội là mãnh lực tiếp vào giúp đỡ, cho phước tội trước càng có sức mạnh nhiều lên.
10) UPAPῙḶIKAMMA: Phước, tội hằng theo dính mà lấn hiếp các phước hay tội trước, đặng trả quả; nói về tội, cũng dường như con chó rượt thú rừng, nếu kịp trong nơi nào thì cắn tại chỗ đó.
Nói về phước, cũng như người vú chạy rượt trả em, kịp trong chỗ nào thì bồng ẳm lên từ chỗ đó.
Giải rằng: làm phước ít và làm tội nhiều, song phước trả quả trước, tội dính theo; làm phước nhiều và làm tội ít, song tội trả quả trước, phước cũng dính theo; ý nói như là: Ta không biết đến sanh ở chỗ này, nếu ta biết rõ thì ta không cho đến sanh đây đâu!
11) UPAGHᾹṬAKAAMMA: Phước, tội vào dứt ngang các phước, tội nhẹ, cho tiêu hoại đi, hay là vào cắt đứt sanh mạng của chúng sanh, là chết bằng lối vô bịnh, nghĩa là có người đến giết chết hoặc là uống nhầm thuốc độc rồi chết v.v….
Cả 11 cái nghiệp như đã giải trên đây, hễ chúng sanh còn phàm phu tới phút nào, thì những giờ phút ấy, hằng chịu lặn hụp mãi trong tam giới, để thọ quả vui, quả khổ mãi, cứ như vậy luân chuyển hết vui tới khổ, hết khổ tới vui không ngừng nghỉ.
Bởi thế cho nên chúng ta đã sanh đặng làm người và nay lại được gặp Phật Pháp, thì chúng ta nên cố gắng mà thiệt hành những pháp thanh cao, nghĩa là 38 điều hạnh phúc này, cho tròn đủ ở trong tâm của mình, thì chắc hẳn được sự an vui hạnh phúc, và được thắng quá cả thảy các nghiệp báo và các phiền não, ngỏ hầu làm cho tâm được giải thoát tịch tịnh Niết Bàn, là nơi cuối cùng an vui tuyệt đối.
Trích: Hạnh Phúc Kinh – Tỳ Khưu Giới Nghiêm