Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh?
Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ tám
SIPPᾹNCA: Sự rành rẽ trong tất cả nghề nghiệp gọi là hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Rành rẽ trong việc nào?
ĐÁP: Rành rẽ trong các nghề nghiệp, nếu đàn ông thì sĩ, nông, công, thương, làm thầy làm thợ v.v… Nếu là đàn bà thì rành rẽ việc nữ công, nữ hạnh, buôn bán, tề gia nội trợ, nhứt là rành rẽ trong việc vật thực, bánh trái v.v…
Lại nữa, ngài giải rằng nghề nghiệp có hai cách là:
A) ᾹGᾹRASIPPA: Nghề nghiệp của người tại gia, đặc chỉ về sự rành rẽ trong các ngành thợ như là thợ mộc, thợ vôi, thợ bạc v.v..
Bởi vì tất cả nghề nghiệp trên đây hằng đem lợi lạc đến cho trong kiếp này và những đời sau. Như sự tích dưới đây:
“Có một người thợ làm ngọc, đi kiếm đào những cái hầm theo các xứ cũ. Một hôm được nghe xứ kia, nguyên trước có một ông Bá hộ. Khi ông ta chết, vợ ông chôn của tới bốn trăm triệu. Vì lúc gần tắt hơi, tâm ông nghĩ đến của ấy, nên sau khi chết, lại tái sanh làm một con chuột ở giữ cái hầm của đó, con chuột vừa thấy anh thợ đi, thì ngỏ ý mừng, rồi tha bạc đưa cho người thợ, và tỏ dấu muốn được đồ ăn. Anh thợ đi mua vật thực đem lại cho con chuột ăn mỗi bữa. Ít lâu con chuột chỉ hầm của cho. Anh thợ ấy được bốn trăm triệu, là nhờ có nghề nghiệp và chịu khó tìm kiếm. Nếu trí tuệ và nghề nghiệp không có thì chắc khó đặng của cải”.
Có một sự tích nữa rằng: “Hai cha con người thợ mộc, có đức tin trong sạch, ngưỡng mộ Đức Phật Độc Giác, nên hai cha con tạo tịnh thất dâng cúng cho ngài, và thỉnh ngài an cư kiết hạ. Ít lâu hai cha con chết được sanh về cõi trời. Vị trời con sau giáng sanh làm hoàng tử của một đức vua, lớn lên phụ hoàng truyền ngôi báu cho. Khi ấy, do cái quả phước của sự tạo tịnh thất hoá thành 1 toà đền đài bằng bảy báu, để hiến cho hoàng tử hưởng an bệ vàng. Theo lời chư Tổ, chú giải rằng:
“Toà lầu bằng bảy báu ấy, để dành cho đức Phật Di Lạc xuất thế. Song hiện nay sụp chìm xuống đáy biển”.
B) ANᾹGᾹRASIPPA: Sự rành rẽ của bậc xuất gia, là chỉ về sự lão thông rành rẽ theo điều kiện của giới luật, như sự cắt may y của đức ANANDA chẳng hạn, đức ANANDA theo hầu cận Phật, ngự đến xứ MAGADHA, ngài xem thấy đám ruộng bèn phán với ANANDA rằng: “Này ANANDA! Người hãy cắt y Ca Sa giống như đám ruộng ấy, thì kẻ trộm nó không lấy vì y cắt nhỏ ra từng miếng, cho nên khỏi bị mất như trước. ANANDA vâng lời cắt y giống đám ruộng xứ MAGADHA, nghĩa là cắt làm năm điều, may nhuộm xong, đem vào trình Đức Thế Tôn. Ngài bèn khen ngợi trí sáng của đức ANANDA.
Rồi ngài cấm chế rằng: “Nếu Tỳ Khưu nào không dùng y cắt phạm tội tác ác, ấy là điều luật cấm chế đến nay”.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Đại Đức Giới Nghiêm)