Đây giải về 38 điều Hạnh Phúc mà Đức Thế Tôn là đấng thượng sư tự thuyết ra có ý nghĩa như vầy:
Một hôm nọ, Đức Thế Tôn an ngự tại Kỳ Viên Tự JETAVANᾹRᾹMA, là chùa của ông bá hộ Cấp Cô Độc tạo dâng, gần thành Xá Vệ. Khi ấy, có vị Trời ở dục giới hoài nghi về Hạnh Phúc thuyết, bèn lìa cõi trời bay xuống, vào đảnh lễ đấng Đại Từ, và làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ, đi hữu nhiễu 3 vòng, rồi đứng tại chỗ phải lẽ, kính lễ hỏi về ý nghĩa hạnh phúc rằng:
KIṂ MAṄGALAṂ BHANTE BHAGAVᾹ = Ngưỡng bạch Đức Thế Tôn! Cái gì gọi là hạnh phúc sự tiến triển của tất cả chúng sanh?
Khi ấy, Đức Phật giải đáp về hạnh phúc bằng những kệ ngôn như vầy:
Điều hạnh phúc thứ bảy
BᾹHUSACCAÑCA: Nết hạnh của người được nghe nhiều học rộng về Pháp Bảo gọi hạnh phúc cao thượng.
VẤN: Nên nghe Pháp của ai?
ĐÁP: Nên nghe Pháp của đức Phật và của chư Thanh Văn đệ tử Phật, hay của các Sa Môn, Bà La Môn có giới, định, huệ, hằng thuyết diễn chỉ dẫn con đường nhơn, Thiên, Niết Bàn, hoặc là bậc tại gia cư sĩ học hiểu kinh, luật, luận rõ rệt đúng đắn đem ra diễn giải đều nên nghe cả.
VẤN: Kẻ đa văn quảng kiến có mấy bậc?
ĐÁP: Có hai hạng:
- Thiện trí thức là bậc học nhiều hiểu rộng và hành đúng.
- Hàng tại gia học rộng hiểu pháp nhiều cũng khép vào hạng đa văn. Bởi người ấy có thể đem cho kẻ khác được sự lợi ích, và điều an vui, nhứt là lợi lộc, lại có năng lực cứu thoát cho kẻ khác khỏi khổ nữa. Có sự tích như vậy:
“Thời quá khứ, tiền thân của Phật Thích Ca, thọ sanh làm con vua, đức vua đó có 3 hoàng tử. Song mỗi hoàng tử lại là con khác mẹ. Nhưng hoàng đế cho 3 vị hoàng tử ở chung với nhau. Một hôm cả 3 hoàng tử ngự vào rừng, vị hoàng huynh khát nước quá, nên bảo hoàng tiểu đệ xuống hồ múc nước. Trong hồ ấy có phi nhơn Dạ Xoa nó thấy hoàng nhi thì bèn bắt đem giấu một chỗ. Hoàng huynh thấy lâu mà em không về, bèn bảo hoàng thứ đệ theo kiếm. Khi vừa tới cũng bị phi nhơn bắt giấu luôn. Hoàng huynh là Bồ Tát, ngóng theo vệ đường càng lâu không thấy. Ngài liền theo kiếm. Khi đến chỗ, đức Bồ Tát dùng trí tuệ suy xét biết rằng: “Có phi nhơn bắt em mình giấu không cho lên”. Bồ Tát bèn hỏi thì Dạ Xoa ấy đáp rằng: “Hồ này do lệnh vua VESSAVAṆṆA bảo ta gìn giữ, hễ ai đến đây hãy bắt ngay. Nếu biết thuyết pháp chư Thiên thì sẽ được tha, bằng thuyết pháp không đặng thì ta giữ làm vật thực để ăn”.
Bồ Tát hỏi: “Vậy ngươi muốn nghe pháp Chư Thiên sao? Ta sẽ thuyết cho ngươi nghe. Này Dạ Xoa!
Pháp thứ nhứt là sự hổ thẹn, hoặc nhờm gớm tội lỗi (HIRI).
Pháp thứ nhì là sự ghê sợ tội lỗi (OTAPPA).
Đây là pháp của bậc hiền triết, khi Dạ Xoa nghe Pháp Chư Thiên xong, hoan hỷ, tín thọ, liền đi dẫn hoàng thứ đệ lại cho Bồ Tát. Đức Bồ Tát phán rằng: “Ta muốn được em út của ta”. Dạ Xoa nói người chỉ hiểu DEVADHARMA thôi, không hiểu pháp Cung Kính APPACᾹYANA DHARMA.
Đức Bồ Tát phán rằng: “Ta hiểu cả hai pháp, vả chăng em út ta là khác mẹ, nếu ta không dẫn em út ta về xứ thì dân chúng ắt chê trách ta rằng: Đã giết bỏ em khác mẹ rồi, mà chỉ đem em của mình về thôi”. Bởi thế cho nên ta mong rằng người hãy đem em út của ta lại cho ta.
Dạ Xoa vui lòng đem hai hoàng tử giao cho Bồ Tát. Sự cứu thoát cho 2 hoàng đệ đó khỏi khổ, cũng do nhờ Bồ Tát có nhiều Trí Tuệ, và học nhiều hiểu rộng vậy. Lại nữa, bậc xuất gia là kẻ chăm lo học những Phật ngôn chú giải cho trở thành bậc đa văn, như các bậc hộ trì kinh luật của Phật đã di truyền thì cũng hằng được lợi lộc phát sanh. Như đức ANANDA của em Phật.
KIRA = có nghe như vầy:
“Khi Phật còn tại thế, có một người Bà La Môn đến yết kiến ngài và bạch rằng: “Ngưỡng bạch Thế Tôn! Đệ tử có tâm tín thành đã cúng dường Phật Bảo và Tăng Bảo rồi, chỉ còn Pháp Bảo chưa. Vậy nay đệ tử muốn cúng dường Pháp Bảo thì nên cúng ở đâu?
Đức Phật đáp rằng: “Này Bà La Môn người muốn cúng dường Pháp Bảo thì hãy cúng dường các bậc đa văn quảng kiến đi, vì kẻ ấy hằng nâng đỡ Pháp Bảo”. Chàng Bà La Môn lui ra bạch hỏi chư Tăng, ai là bậc đa văn, thì chư Tăng ai nấy đều chỉ đức ANANDA là bậc đa văn, vì ngài là kẻ nâng đỡ Pháp Bảo vậy. Chàng ấy đem bốn món cúng dường đến dâng cho đức ANANDA, rồi vào bạch với Phật, Phật ban khen rằng: SᾹDHU, lành thay, quả cúng dường Pháp Bảo của người thật cao quý. Nói về phần đông thiện tín, kể từ đó tiếp tục dâng cúng Pháp Bảo ngay đến đức ANANDA không ngớt, do nết hạnh được nghe nhiều hoạ rộng và nâng đỡ Pháp Bảo của Ngài.
Trích: Hạnh Phúc Kinh (Đại Đức Giới Nghiêm)