Đối tượng của Thiền Minh Sát

Đối tượng của Thiền Minh Sát

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

     

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    21. ĐỐI TƯỢNG CỦA THIỀN MINH SÁT

    Khi hành Thiền Minh Sát thiền sinh phải chú tâm vào những gì? hay đối tượng của Thiền Minh Sát là gì ?

    hông thường trong Thiền Minh Sát tất cả mọi sự vật nổi bật hay hiển lộ trong hiện tại đều là đối tượng của Thiền Minh Sát. Nhưng đối tượng Thiền Minh Sát cũng cần một số đặc tính của nó. Đó là:

    Đối tượng mà ta hướng đến phải là chân đế (sự thật tuyệt đối). Có hai loại sự thật được Đức Phật dạy trong Phật giáo. Đó là chân đế và tục đế. Chân đế còn được gọi là sự thật tuyệt đối. Tục đế gọi là sự thật chế định.

    Khi chúng ta nói đây là một người, là nói thật, không phải nói dối, nhưng sự thật ở đây là sự thật chế định. Theo sự thật tuyệt đối thì không có cái gì gọi là một người mà chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn hay sự kết hợp của vật chất và tâm. Như vậy, vật chất và tâm mới gọi là sự thật tuyệt đối. Nhưng khi vật chất và tâm kết hợp lại thì thành một người hay một chúng sinh. Rồi sự kết hợp đó được chúng ta đặttênlàđànônghayđànbà. Chữđànông,đànbàđặtraởđâyđểchỉchokhối kết hợp vật chất và tâm. Như vậy, đàn ông, đàn bà hay chúng sinh thật ra chỉ là sự hiện hữu do tưởng tượng của chúng ta mà chẳng có cái gì là con người hay chúng sinh trong đó. Tên mà chúng ta gọi hay đặt cho người hay sự vật chỉ là đại diện cho sự biểu hiện của các kết hợp vật chất và tâm mà thôi. Đó là tục đế hay là sự thật chế định. Từ sự thật chế định, chúng ta có thể rút ra sự thật tuyệt đối. Như từ con người chúng ta tìm ra vật chất và tâm. Vật chất và tâm là sự thật tuyệt đối, bởi vì vật chất và tâm thật sự hiện hữu, và chúng ta có thể kinh nghiệm được, có thể thấy được qua sự thực hành Thiền Minh Sát. Như vậy, sự thật chế định là những gì không hiện hữu thật sự, nhưng nó hiện hữu trong tâm của chúng ta, nó chỉ là ý niệm hay tên gọi. Chúng ta đã sử dụng ý niệm hay tên gọi trong đời sống hàng ngày, nhưng khi hành Thiền Minh Sát chúng ta không lấy ý niệm hay tục đế làm đề mục bởi vì mục tiêu của Thiền Minh Sát là để thấy được sự vật vô thường, khổ, và vô ngã. Còn ý niệm hay tục đế thì không có ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã. Chúng ta không biết lúc nào ý niệm đến và lúc nào ý niệm đi. Tam tướng hay ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã này rất quan trọng cần phải thấy rõ, bởi vì chỉ khi nào thấy rõ ba đặc tính vô thường khổ vô ngã của sự vật bạn mới vứt bỏ nó. Ba đặc tính này chỉ có trong chân đế (sự thật tuyệt đối).

    Có bốn chân đế hay bốn sự thật tuyệt đối:

    Tâm Vương,
    Tâm Sở,
    Vật Chất (sắc pháp), và Niết Bàn.

    Trong bốn chân đế trên, chỉ có ba chân đế đầu tiên là Tâm Vương, Tâm Sở, và Vật Chất là đối tượng của Thiền Minh Sát. Niết Bàn không phải là đối tượng của Thiền Minh Sát. Nhưng không phải tất cả các loại Tâm Vương, các loại Tâm Sở, và các loại Vật Chất đều là đối tượng của Thiền Minh Sát. Như vậy, khi quán sát một phần lớn các Tâm Vương, một phần lớn các Tâm Sở, và một phần lớn Vật Chất là chúng ta hành Thiền Minh Sát. Đối tượng hành thiền về Vật Chất và Tâm phải là đối tượng hiệp thế, không phải là đối tượng siêu thế. Các siêu thế tâm, và những Tâm Sở đi kèm khởi sinh vào lúc giác ngộ không phải là những đối tượng của Thiền Minh Sát. Lý do đơn giản là vì thiền sinh chưa giác ngộ nên chưa có những tâm này.

    Khi bạn hành Thiền Minh Sát, bạn quán sát theo dõi tâm, quán sát theo dõi cảm thọ, quán sát theo dõi tâm vương, quán sát theo dõi tâm sở... nhưng chỉ những loại tâm nào đang hiện diện bạn mới quán sát theo dõi. Bạn chỉ quán sát những tâm hiệp thế, không quán sát tâm siêu thế. Chỉ có những gì bạn kinh nghiệm, chỉ có những gì khởi sinh trong tâm, bạn mới có thể lấy chúng làm đề mục hành thiền. Như vậy, đối tượng của Thiền Minh Sát trước tiên phải là chân đế. Trong số những chân đế thì chỉ những gì thuộc về hiệp thế mới là đối tượng để hành thiền. Những bậc thánh đạt được những tầng mức giác ngộ thấp trong Thiền Minh Sát có thể lấy đối tượng siêu thế làm đề mục hành thiền. Nhưng mặc dầu các bậc thánh hạng thấp này, có thể trú trên tâm siêu thế, nhưng trú trên tâm siêu thế cũng chẳng đem lại lợi ích gì, bởi vì trong tâm siêu thế làm gì có phiền não để loại trừ. Tâm siêu thế không có phiền não nên không phải là đề mục của Thiền Minh Sát.

    Thiền sinh hành Thiền Minh Sát chỉ lấy các đối tượng thuộc tâm hiệp thế để hành thiền. Trong tâm hiệp thế, có những tâm thuộc về tâm thiền (Jhāna), có những tâm không thuộc về tâm thiền. "Thiền Tâm" chỉ khởi sinh trong tâm người hành Thiền Định. Đề mục thiền của người hành Thiền Định là tục đế. Thiền sinh chú tâm vào các đề mục này để phát triển định tâm và đạt các tầng thiền định (Jhāna). Khi thiền sinh hành Thiền Định đến một giai đoạn nào đó sẽ khởi sinh trong thiền sinh một tâm gọi là Jhāna (thiền tâm). Có thể lấy tâm Jhāna (thiền tâm) này làm đối tượng minh sát. Nhưng chỉ những người hành thiền định, đắc các tầng thiền (Jhāna) thì mới lấy các tầng thiền (Jhāna) làm đối tượng.  Nếu bạn không đắc thiền, chưa đạt tầng thiền nào thì bạn hãy trực tiếp hành Thiền Minh Sát, lý do đơn giản là vì bạn chưa đạt các tầng thiền này .

    Có hai loại tuệ minh sát: trực tiếp minh sát và gián tiếp minh sát. Khi hành thiền thì bạn đạt được tuệ minh sát trực tiếp. Chẳng hạn như khi bạn đặt tâm trên đối tượng, bạn thấy rõ chúng là vô thường, khổ, vô ngã, đó là trực tiếp minh sát. Sau khi có trực tiếp minh sát về vô thường, khổ, vô ngã thì một trực nhận hay trực giác đến khiến bạn ý thức rõ rằng: "Đối tượng ta đang quán sát là vô thường thì những đối tượng khác cũng vô thường." Đó là gián tiếp minh sát. Gián tiếp minh sát là cái mà bạn không thật sự kinh nghiệm, nhưng có được sau khi đã kinh nghiệm trực tiếp minh sát. Gián tiếp minh sát là thành quả phải đến của trực tiếp minh sát. Gián tiếp minh sát không phải là suy tư mà là sự trực nhận hay trực giác đến một cách tự nhiên. Như vậy gián tiếp minh sát chỉ có thể xảy ra sau trực tiếp minh sát. Gián tiếp minh sát là cái tự động đến ngay sau khi có trực giác minh sát. Trước tiên bạn có trực tiếp minh sát, như thấy một sự vật nào đó là vô thường, sau đó bạn mới có gián tiếp minh sát: "Vật này vô thường thì những vật khác cũng vậy". Trong trực tiếp minh sát thì bạn lấy đối tượng là những gì bạn có thể kinh nghiệm hay đã từng kinh nghiệm qua. Khi bạn chưa đắc các tầng Thiền Định thì không thể lấy các tầng Thiền Định làm đề mục cho Thiền Minh Sát. Bạn phải lấy các Tâm Vương và Tâm Sở không thiền làm đối tượng hành Thiền Minh Sát.

    Trong số những tâm không thiền, những tâm nào chỉ khởi sinh trong tâm của vị A La Hán mà thôi thì không thể lấy đó làm đề mục để hành thiền. Bởi vì không phải là A La Hán thì làm sao bạn có các tâm này mà quán sát ghi nhận. Như vậy, chỉ có một số Tâm Vương, Tâm Sở, và một số đối tượng vật chất có thể làm đối tượng cho việc hành thiền. Chỉ có những đề mục nào thật rõ ràng cụ thể, thiền sinh mới nên lấy làm đối tượng để hành thiền. Thiền sinh mới bắt đầu hành Thiền Minh Sát phải chọn những đề mục hiển lộ rõ ràng, những đề mục dễ quán sát. Lúc mới đầu hành thiền không nên cố gắng tìm hiểu hay cố gắng để thấy những gì quá vi tế không thể thấy dễ dàng. Bạn hãy bắt đầu bằng những đề mục thật rõ ràng, dễ dàng hiểu, dễ dàng thấy. Đây là điều rất quan trọng. Nếu bạn mới hành thiền mà chú ý những đề mục quá vi tế, thì bạn khó thấy rõ ràng. Khi thấy đề mục không rõ thì làm sao bạn thấy được đặc tính của chúng, bạn sẽ không thấy chúng vô thường, khổ, và vô ngã. Bởi vậy lúc mới hành Thiền Minh Sát, bạn hãy chú tâm vào những đề mục gì hiển hiện, nổi bật, dễ thấy.

    Có hai loại đối tượng: đối tượng bên trong và đối tượng bên ngoài. Đối tượng bên trong là những gì xảy ra trong tâm bạn hay trong chính cơ thể bạn mà bạn thực sự kinh nghiệm. Đối tượng bên ngoài là đối tượng xảy ra trong thân tâm người khác hay sự vật khác bên ngoài như núi non, cây cỏ... Mặc dầu đối tượng bên trong hay bên ngoài đều là đối tượng Thiền Minh Sát, nhưng thiền sinh phải chú tâm quán sát đối tượng bên trong bởi vì đây là những đối tượng hiển hiện rõ ràng, dễ kinh nghiệm, dễ thấy. Những đối tượng bên ngoài như thân, tâm kẻ khác làm sao bạn có thể kinh nghiệm được. Chẳng hạn như tâm người khác, bạn không thể thấy không thể hiểu tâm người khác. Bạn có thể cảm nhận rằng một người đang giận, một người đang vui, nhưng bạn không thể chính mình thấy được tâm vui, tâm buồn của người đó như những gì xảy ra chính trong tâm bạn mà bạn thật sự thấy, thật sự kinh nghiệm: Đây là giận, đây là vui...

    Vậy, điều quan trọng là thiền sinh phải chú tâm vào đối tượng bên trong của chính thiền sinh, những gì xảy ra trong tâm thiền sinh, những gì xảy ra trên thân thể của chính thiền sinh v.v... Sau khi thiền sinh đã quán sát đối tượng bên trong và thấy rõ một cách trực tiếp chúng là vô thường, khổ, vô ngã, lúc đó thiền sinh sẽ có minh sát gián tiếp về những đối tượng bên ngoài như thân tâm của kẻ khác. "Tâm ta là vô thường thì tâm kẻ khác cũng vô thường." Gián tiếp minh sát đến một cách tự nhiên, bạn không cần hướng tâm đến, suy tư đến. Thiền sinh phải quán sát trực tiếp vào đối tượng xảy ra trong thân tâm mình, đừng suy tư đến thân tâm người khác. Suy tư đến thân tâm của người khác thật ra chỉ là sự vọng tâm hay phóng tâm, làm như thế thì định tâm không phát triển.

    Điều quan trọng đối với thiền sinh hành Thiền Minh Sát là đối tượng phải trong hiện tại mới có thể quán sát một cách rõ ràng. Bởi vì chỉ có đối tượng trong hiện tại mới là đối tượng dễ quán sát, dễ thấy một cách rõ ràng. Bạn không thể quán sát một đối tượng ở quá khứ, đã trôi qua. Dầu cho bạn có thể nhớ lại đối tượng quá khứ đó thì bạn cũng không thể thấy chúng một cách rõ ràng, nói chi đến việc có thể thấy bản chất thật sự của chúng. Và những đối tượng sắp đến thì bạn cũng không thể quán sát chúng, không thể thấy chúng, vì chúng không có mặt; do đó, bạn cũng không thể thấy rõ bản chất thật sự của chúng. Chỉ có đối tượng trong giây phút hiện tại mới là đối tượng để bạn quán sát tìm hiểu hay ý thức về chúng; bởi thế, đối tượng hành thiền trong hiện tại rất quan trọng. Đối tượng hiện tại có thể là chân đế nào cũng được: những diễn biến trong thân, chuyển động phồng xẹp của bụng, hơi thở ra vào ở mũi, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc trong tâm. Đừng để cho quá khứ ảnh hưởng đến bạn cũng đừng mong đợi tương lai chưa tới. Thiền sinh phải chú tâm vào đối tượng trong hiện tại. Khi đề mục xuất hiện thiền sinh phải phát triển chánh niệm và định tâm ghi nhận ngay để khỏi bị tham ái, tà kiến làm ô nhiễm.

    Khi thiền sinh đã thấy rõ đối tượng trong hiện tại, trực tiếp thấy rõ chúng là vô thường thì gián tiếp minh sát sẽ đến và sẽ thấy đối tượng quá khứ, đối tượng tương lai cũng vô thường. Nhưng thiền sinh cần nhớ một điều là tuệ giác trực tiếp sẽ đến trước, bởi vì chỉ tuệ giác minh sát trên đối tượng mới là cái hiển lộ rõ ràng, sau đó tuệ giác gián tiếp mới xảy ra. Tóm lại chỉ những đối tượng hành thiền xảy ra trong giây phút hiện tại mới là những đề mục rõ ràng, sống động mà thiền sinh phải chú tâm vào.

    Như vậy, thiền sinh lấy đối tượng trong hiện tại làm đề mục hành thiền, rồi chú tâm theo dõi chánh niệm trên nó hoặc vừa chú tâm theo dõi, vừa niệm thầm. Thiền sinh sẽ thấy rõ đối tượng mình chú tâm đến là vô thường, khổ, vô ngã v.v... Sau khi thiền sinh đã thấy rõ sự vật là vô thường, khổ, vô ngã v.v... lúc đó thiền sinh mới có gián tiếp minh sát: "Đối tượng trong hiện tại là vô thường, vậy đối tượng trong quá khứ, đối tượng trong tương lai cũng vô thường." Vậy gián tiếp minh sát, sẽ tự động đến với bạn. Khi thiền sinh thấy rõ đối tượng trong hiện tại thì biết rằng đối tượng trong quá khứ và trong tương lai cũng như vậy.

    Đức Phật dạy môn đệ của Ngài: "Hãy chánh niệm vào đề mục đang diễn ra trong hiện tại". Đừng hướng đến tương lai hay trở về quá khứ, bởi vì đề mục quá khứ và tương lai thật ra không có thật. Dầu cố gắng chú tâm đến thì đó cũng chỉ là đề mục tưởng tượng chứ không có thật nên không thể thấy rõ ràng. Một khi không thể thấy rõ ràng thì làm sao kinh nghiệm được đặc tính của chúng. Đề mục hành thiền trong hiện tại rõ hơn, vì chúng đang ở đây, trước mắt bạn, bạn có thể theo dõi chúng, quán sát chúng, có thể thấy chúng một cách rõ ràng. Khi thấy đề mục một cách rõ ràng thì bạn cũng biết rằng chúng khởi sinh và biến mất. Chúng khởi sinh rồi biến mất thì chúng là vô thường. Chúng khởi sinh rồi biến mất thì chúng luôn luôn bị áp chế bởi sự sinh diệt: Cái này khởi sinh rồi hoại diệt, và cái kia khởi sinh và hoại diệt tiếp theo. Chúng bị áp lực của sự sinh diệt liên tục nên chúng là khổ. Chúng ta không thể can thiệp vào sự đến và đi, sự sinh và diệt của chúng nên chúng ta không làm chủ được chúng. Chúng ta chỉ chấp nhận thôi. Chúng ta không thể nào làm cho sự "vô thường" thành "thường còn". Chúng ta không thể làm cho "đau khổ" trở nên "hạnh phúc" được. Bởi vì chúng ta không thể kiểm soát, không thể điều khiển chúng. Đó là vô ngã.

    Ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã rất quan trọng. Nếu thiền sinh không thấy được ba đặc tính này thì thiền sinh không tiến bộ, không đạt đến nơi mọi tham ái không còn, mọi hiện tượng vật chất và tâm không còn. Khi thấy rõ ba đặc tính trên, đạt đến nơi mọi tham ái không còn, mọi hiện tượng vật chất và tâm không còn thì không còn dính mắc, không còn đau khổ. Như vậy, chú tâm đến đối tượng trong hiện tại là một điều quan trọng. Đừng để tâm bị lôi kéo về quá khứ hay hướng đến tương lai.

    Quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa đến. Nếu bạn nghĩ đến những gì đã xảy ra trong qua khứ, nghĩ đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai, tâm của bạn sẽ lang bạt ra khỏi đề mục. Khi tâm ra khỏi đề mục, bạn không thể ghi nhận đề mục hành thiền một cách rõ ràng. Nếu không thấy đối tượng hành thiền một cách rõ ràng thì định tâm và trí tuệ không thể phát triển. Vì để tâm hướng về quá khứ hay tương lai nên một số thiền sinh mặc dầu đã để nhiều thì giờ thực hành, có thể cả ngày hay cả tuần, nhưng không tiến bộ trong việc hành thiền.

    Tôi xin nhắc lại một lần nữa để các bạn nhớ:

    Điều quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát là đối tượng hành thiền phải là chân đế. Đối tượng bạn hướng đến phải dễ dàng để thấy, phải rõ ràng để ghi nhận, phải là đề mục trong hiện tại.

    Khi hành thiền, thiền sinh cần phải hiểu đâu là đề mục của Thiền Minh Sát. Nhưng khi thiền sinh hành thiền với một thiền sư có đủ thẩm quyền và năng lực thì thiền sinh khỏi lo lắng về điều này. Thiền sinh chỉ cần thực hành theo những điều mà thiền sư chỉ dẫn. Nếu theo lời hướng dẫn của thiền sư một cách đúng đắn thì thiền sinh khỏi cần phân vân, thắc mắc về đề mục nào cần chú tâm, đề mục nào cần bỏ qua.

    Nhưng nếu bạn hành thiền một mình thì bạn phải hiểu rằng Thiền Minh Sát không lấy tục đế làm đối tượng. Thiền Minh Sát chỉ lấy chân đế làm đối tượng. Chân đế ở đây là Vật Chất và Tâm, biểu hiện qua: sự suy nghĩ, sự xúc động, cảm giác trên cơ thể, chuyển động của bụng, hơi thở ra vào v.v... Đó là những đề mục chân đế. Ngoài yếu tố đề mục phải là chân đế ra, đề mục chân đế đó còn phải là đề mục hiệp thế.

    Trong số những đề mục hiệp thế, đề mục bạn chú tâm đến phần lớn không phải là các Tầng Thiền hay các Tâm Sở liên quan đến các tầng thiền.

    Đề mục hiệp thế bao gồm tất cả yếu tố vật chất và tâm. Những đề mục này có thể ở bên ngoài, có thể ở bên trong. Nhưng bạn nên chú tâm đến những đề mục ở bên trong hơn là đề mục bên ngoài. 

    Đề mục bên trong nằm trong cơ thể bạn, trong tâm bạn là đề mục biểu hiện rõ ràng trong hiện tại rất dễ ghi nhận. Thực ra, bạn có thể ghi nhận đề mục ở ngoài khi chúng đập vào tâm bạn. Chẳng hạn như âm thanh. Bạn cũng cần nhớ là khi hành Thiền Minh Sát bạn phải cố gắng chánh niệm vào đối tượng trong hiện tại. Phải định tâm vào đề mục trong hiện tại chứ không phải đề mục trong quá khứ hay tương lai. Đôi khi đề mục hiện tại là hơi thở, đôi khi là chuyển động của bụng, đôi khi là sự suy nghĩ đó đây, đôi khi là những cảm xúc, đôi khi là cảm giác trên cơ thể. Bất kỳ những gì hiện khởi một cách rõ ràng trong giây phút hiện tại đều là đối tượng của Thiền Minh Sát. Nếu bạn có thể chú tâm vào đối tượng hiện tại mà không trở về quá khứ hay tương lai, bạn sẽ phát triển định tâm nhanh chóng. Khi định tâm phát triển thì bạn sẽ thấy rõ bản chất thật sự của đối tượng, thấy rõ chúng là vô thường, khổ, vô ngã. Đó là mục đích hay nhiệm vụ của Thiền Minh Sát. Nghĩa của chữ "Vipassanā" là thấy bằng nhiều cách. Nhiều cách ở đây có nghĩa là thấy các hiện tượng vật chất và tâm là vô thường, khổ, và vô ngã.

    Tóm lại, khi bạn hành Thiền Minh Sát điều quan trọng hay mục tiêu thiết yếu của Thiền Minh Sát là thấy rõ ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.