Đức Bồ tát Siddhattha chứng đắc tam minh

Đức Bồ tát Siddhattha chứng đắc tam minh

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY 
    THERAVĀDA 

    NỀN TẢNG PHẬT GIÁO 
    (MŪLABUDDHASĀSANA) 

    QUYỂN I 

    TAM BẢO 
    (RATANATTAYA) 

    Tỳ Khưu Hộ Pháp 
    (Dhammarakkhita Bhikkhu)  

     

    ĐỨC-BỒ-TÁT SIDDHATTHA CHỨNG ĐẮC TAM-MINH 

    Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã toàn thắng Ác-ma-thiên vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Đức-Bồ-tát thực hành pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) với đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới: 

    - Đệ-nhất-thiền sắc-giới có 5 chi-thiền là hướng- tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất tâm, do chế ngự được  5 pháp chướng-ngại là tham-dục, sân-hận, buồn-chán - buồn-ngủ, phóng-tâm - hối-hận, hoài-nghi. 

    - Đệ-nhị-thiền sắc-giới có 3 chi-thiền là hỷ, lạc, nhất tâm, do chế ngự được 2 chi-thiền là hướng-tâm, quan-sát. 

    - Đệ-tam-thiền sắc-giới có 2 chi-thiền là lạc, nhất tâm, do chế ngự được 1 chi-thiền là hỷ. 

    - Đệ-tứ-thiền sắc-giới có 2 chi-thiền là xả, nhất tâm, do chế ngự được 1 chi-thiền lạc, thay bằng chi-thiền xả. 

    Đó là 4 bậc thiền sắc-giới làm nền-tảng để chứng đắc Tam-Minh. 

    TAM-MINH (TEVIJJA) 

    TIỀN-KIẾP-MINH (PUBBENIVĀSĀNUSSATIÑĀṆA) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ-tứ- thiền sắc-giới thiện-tâm, có định-tâm trong sáng thanh-tịnh, thiền-tâm không lay động, làm nền-tảng để Đức- Bồ-tát hướng tâm đến chứng đắc tiền-kiếp-minh: trí-tuệ nhớ rõ lại tiền-kiếp, từ một kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp, ... cho đến vô lượng kiếp không giới hạn.(1) 

    Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ nhớ rõ tiền-kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, trong cõi-giới nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, thực hành đại-thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp, ... 

    Tiền-kiếp-minh là minh thứ nhất mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch). 

    THIÊN-NHÃN-MINH (DIBBACAKKHUÑĀṆA) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ-tứ- thiền sắc-giới thiện-tâm, có định-tâm trong sáng thanh- tịnh, thiền-tâm không lay động làm nền tảng để Đức-Bồ- tát hướng tâm đến chứng đắc thiên-nhãn-minh: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh hơn thiên-nhãn của chư-thiên, phạm-thiên. 

    Thiên-nhãn-minh có 2 loại: 

    - Tử-sinh-minh (Cutūpapātañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh muôn loài trong các cõi-giới, do nghiệp nào, do quả của nghiệp nào… 

    - Vị-lai kiến-minh (Anāgataṃsañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh. 

    Chư Phật sử dụng vị-lai kiến-minh này để thọ ký, xác định thời gian còn lại của các Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- giác, Đức-Bồ-tát Độc-giác, các vị Bồ-tát thanh-văn-giác, v.v…, xác định thời gian còn lại của các chúng-sinh trong kiếp vị-lai xa xăm 

    Thiên-nhãn-minh là minh thứ nhì mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch). 

    TRẦM-LUÂN TẬN-MINH (ĀSAVAKKHAYAÑĀṆA) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha dùng đệ- tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền-tảng, để thực hành pháp-hành thiền-tuệ suy xét thấy rõ các pháp thập-nhị duyên-sinh (paṭiccasamuppāda) là đối-tượng pháp-hành thiền-tuệ của chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên- sinh theo chiều thuận như sau: 

    • Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh. (Avijjāpaccayā saṅkhārā) 

    • Do các hành làm duyên, nên tái-sinh-thức sinh. (Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ) 

    • Do tái-sinh-thức làm duyên, nên danh-pháp, sắc-pháp sinh. (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ) 

    • Do danh-pháp sắc-pháp làm duyên, nên lục-xứ sinh. (Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ) 

    • Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc sinh. (Saḷāyatanapaccayā phasso) 

    • Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ sinh. (Phassapaccayā vedanā) 

    • Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái sinh. (Vedanāpaccayā taṇhā) 

    • Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ sinh. (Taṇhāpaccayā upādānaṃ) 

    • Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu sinh. (Upādānapaccayā bhavo) 

    • Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh sinh. (Bhavapaccayā jāti) 

    • Do tái-sinh làm duyên, nên lão tử… sinh. (Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ…) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên- sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ “sự-sinh” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý khổ-Thánh-đế và nhân sinh khổ- Thánh-đế. 

    * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau: 

    • Do diệt tận vô-minh, nên diệt các hành. (Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho) 

    • Do diệt các hành, nên diệt tái-sinh-thức. (Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho) 

    • Do diệt tái-sinh-thức, nên diệt danh-pháp, sắc-pháp. (Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho) 

    • Do diệt danh-pháp sắc-pháp, nên diệt lục-xứ. (Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho) 

    • Do diệt lục-xứ, nên diệt lục-xúc. (Saḷāyatananirodhā phassanirodho) 

    • Do diệt lục-xúc, nên diệt lục-thọ. (Phassanirodhā vedanānirodho) 

    • Do diệt lục-thọ, nên diệt lục-ái. (Vedanānirodhā taṇhānirodho) 

    • Do diệt lục-ái, nên diệt tứ-thủ. (Taṇhānirodhā upādānanirodho) 

    • Do diệt tứ-thủ, nên diệt nhị-hữu. (Upādānanirodhā bhavanirodho) 

    • Do diệt nhị-hữu, nên diệt tái-sinh. (Bhavanirodhā jātinirodho) 

    • Do diệt tái-sinh, nên diệt lão, tử…. (Jātinirodhā jarāmaraṇa … nirodho) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị nhân- diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ “sự-diệt” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý Diệt khổ-Thánh-đế và Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế. 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên-sinh, thập-nhị nhân-diệt theo chiều-thuận, chiều-nghịch, chiều-sinh, chiều-diệt; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự-sinh, sự-diệt của mỗi pháp; trí-tuệ- thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi pháp; dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được 4 pháp-trầm-luân (āsava) bằng 4 Thánh-đạo-tuệ theo tuần tự như sau: 

    1. Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ diệt tận được một pháp- trầm-luân  là  tà-kiến  trầm-luân  (diṭṭhāsava)  đồng  thời diệt được tất cả mọi tà-kiến khác. 

    2. Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được một pháp- trầm-luân là tham-dục trầm-luân (kāmāsava) trong ngũ-dục loại thô (còn loại vi-tế chưa diệt được) đồng thời diệt được tất cả mọi tham-tâm loại thô khác. 

    3. Bất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được một pháp- trầm-luân là tham-dục trầm-luân (kāmāsava) trong ngũ-dục loại vi-tế không còn dư sót, đồng thời diệt được tất cả mọi tham-tâm loại vi-tế khác. 

    4. A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ diệt tận được hai pháp- trầm-luân là kiếp-sinh trầm-luân (bhavāsava) và vô- minh trầm-luân (avijjāsava), đồng thời diệt tận hoàn toàn mọi tham-ái, mọi phiền-não, mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt tận được tất cả mọi tiền-khiên- tật-xấu (vāsanā) đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ. 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng đầu tiên trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh. 

    Trầm-luân tận-minh là minh thứ 3 mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), trước lúc rạng đông (aruṇa). 

    Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng đầu tiên trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị có danh hiệu là Đức- Phật Gotama tại cội cây Assattha, đúng như 24 Đức- Phật quá-khứ đã từng thọ ký, nên cây Assattha này trở thành Mahābodhirukkha (1): cây Đại-Bồ-đề của Đức- Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagayā tại nước Ấn-Độ (India)). 

    ĐỨC-PHẬT GOTAMA XUẤT HIỆN TRÊN THẾ GIAN (589 TCN) 

    Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama lúc tròn đúng 35 tuổi. 

    Mười ngàn cõi-giới chúng-sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, chư-thiên, phạm-thiên vô cùng vui mừng hoan-hỷ thốt lên lời: 

    Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! 

    *Buddho uppanno! 

    (Đức-Phật-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!) 

    *Dhammo uppanno! 

    (Đức-Pháp-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!) 

    * Saṃgho uppanno! 

    (Đức-Tăng-Bảo cũng sẽ xuất hiện trên thế gian này!) 

    Tiếng hoan hô vang dội khắp toàn mười ngàn cõi-giới chúng-sinh. 

    Điều phi thường chưa từng có trên thế gian này là: 

    - Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường đến Đức-Phật. 

    - Tất cả các loại cây ăn trái đều cho quả ngon ngọt. 

    - Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy rõ mọi vật trên đời. 

    - Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh. 

    - Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không đi lại được, thì nay họ đi lại dễ dàng. 

    - Đặc biệt nhất, địa-ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với ba cõi-giới, dành cho những chúng-sinh có tà-kiến cố-định (niyatamicchādiṭṭhi) hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Địa-ngục tối tăm ấy, dù ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu sáng đến nơi ấy, song ánh sáng hào quang của Đức-Phật Gotama tỏa khắp mười ngàn cõi-giới, chiếu sáng đến tận địa-ngục Lokantarika, cho nên, những chúng-sinh ở trong cõi địa-ngục ấy có thể nhìn thấy lẫn nhau, … 

    - Toàn thể mười ngàn cõi-giới, chư-thiên, phạm-thiên đem những phẩm vật quý báu nhất từ các cõi trời đến cúng dường Đức-Phật Gotama và tán dương ca tụng hằng ngàn bài kệ. 

    PHẬT NGÔN ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC-PHẬT GOTAMA 

    Khi ấy, Đức-Phật Gotama tự thuyết ở trong tâm bằng hai bài kệ rằng: 

    “Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ.

    Gahakāraṃ gavesanto, dukkhā jāti punappunaṃ. 

    Gahakāraka! diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi.

    Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūṭaṃ visaṅkhataṃ.

    Visaṅkhāragataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ khayamajjhagā.(1) 

     

    Này người thợ “tham-ái” xây nhà “thân” Như-Lai cố tìm ngươi mà chưa gặp, 

    Nên tử sinh luân-hồi vô số kiếp, Tái-sinh mãi trong tam-giới là khổ. 

    Này “tham ái”! người thợ xây nhà “thân” Bây giờ Như-Lai đã gặp ngươi rồi. 

    Tất cả sườn nhà, “phiền-não” (1) của ngươi, Như-Lai đã hủy hoại sạch cả rồi, 

    Đỉnh nhà “vô-minh” cũng bị tiêu diệt, Nay ngươi không còn xây nhà Như-Lai,

    Tâm Như-Lai đã chứng ngộ Niết-bàn, Diệt tận tất cả mọi “tham-ái” (2) Như-Lai đã chứng đắc A-ra-hán. 

    Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm của Đức- Phật Gotama này là Phật ngôn đầu tiên của Đức-Phật Gotama (Paṭhamabuddhavacana). 

    ĐỨC-PHẬT AN HƯỞNG PHÁP VỊ GIẢI THOÁT NIẾT-BÀN 

    Sau khi đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, Ngài an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày như sau: 

    1. Tuần lễ thứ nhất: Đức-Phật ngự trên ngôi bồ-đoàn quý báu, tại cội Đại-Bồ-đề, ban ngày nhập A-ra-hán Thánh-quả, ban đêm suy xét thập-nhị duyên-sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh; suy xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt. Và tiếp theo 6 ngày sau, Đức- Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn, suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 22 tháng 4, gọi là tuần lễ “Pallaṅkasattāha”. 

    2.Tuần lễ thứ nhì: Đức-Phật rời khỏi ngôi bồ-đoàn quý báu, ngự về phía Đông Bắc, cách cội Đại-Bồ-đề 14 sải tay. Đức-Phật đứng nhìn về ngôi bồ-đoàn quý báu, nơi mà Ngài đã toàn thắng 5 loại māra, đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. 

    Đức-Phật đứng nhìn ngôi bồ-đoàn quý báu không nháy mắt, suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4, gọi là tuần lễ “Animisasattāha”. 

    3. Tuần lễ thứ ba: Đức-Phật đi kinh hành trên đoạn đường dài 60 hắc tay, được làm bằng 7 loại châu báu, do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật. 

    Đoạn đường này ở phía Bắc gần cội Đại-Bồ-đề theo chiều Đông Tây. Đức-Phật hóa phép-thần-thông yamakapaṭihāriya  hóa  thành  2  dòng  nước  và  lửa  song song phát ra từ nơi kim thân của Ngài, rồi Đức-Phật ngự đi kinh hành, suy xét về chánh-pháp suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5, gọi là tuần lễ “Caṅkamasattāha”. 

    4. Tuần lễ thứ tư: Đức-Phật ngự tại lâu đài bằng vàng, về phía Tây Bắc của cội Đại-Bồ-đề do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật. Tại đây, Đức-Thế-Tôn suy xét về Tạng Vi-Diệu-Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ: 

    • Bộ Dhammasaṅganī: Bộ Pháp-hội-tụ. 

    • Bộ Vibhaṅga: Bộ Pháp-phân-tích. 

    • Bộ Dhātukathā: Bộ Pháp-phân-loại. 

    • Bộ Puggalapaññatti: Bộ Chúng-sinh chế-định. 

    • Bộ Kathāvatthu: Bộ Pháp-luận-đề. 

    • Bộ Yamaka: Bộ Pháp-song-đối. 

    • Bộ Paṭṭhāna: Bộ Pháp-duyên-hệ. 

    Suy xét suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ratanagharasattāha”. 

    5. Tuần lễ thứ năm: Đức-Phật ngự đến cội cây da ở phía Đông, cách cội Đại-Bồ-đề 32 sải tay, khi thì Đức- Phật suy xét chánh-pháp, khi thì Đức-Phật nhập A-ra- hán Thánh-quả. Khi ấy, có ba cô thiên-nữ: Taṇhā, Aratī và Rāgā là con gái của Ác-ma-thiên, từ cõi Tha-hóa-tự- tại-thiên hiện xuống để quyến rũ Đức-Phật với lời nói lẳng lơ và bằng điệu bộ gợi tình, nhưng Đức-Phật không quan tâm, Ngài vẫn an nhiên tự tại nhập A-ra-hán Thánh-quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn. 

    Ba nàng đã dùng hết khả năng của mình mà không  thể cám dỗ được Đức-Phật, bởi vì Đức-Phật là bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái,  mọi phiền-não không còn dư sót, nên không một  ai trong tam-giới này có thể làm cho tâm Đức-Phật xao động. Ba nàng không quyến rũ được Đức-Phật nên hồi tâm tán dương ca tụng Đức-Phật, rồi từ giã trở về cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên. 

    Đức-Phật ngự tại cội da này nhập A-ra-hán Thánh- quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ajapālasattāha”. 

    6. Tuần lễ thứ sáu: Đức-Phật ngự đến cội me gần hồ Mucalinda, cách xa cội Đại-Bồ-đề 51 sải tay về phía Đông Nam, Đức-Phật ngồi nhập A-ra-hán Thánh-quả. Khi ấy, trời mưa lớn, Đức-Long-Vương Mucalinda hiện ra dùng thân mình cuộn thành vòng tròn, chồng lên 7 vòng, để bao bọc xung quanh kim thân Đức-Phật, và phồng mang che trên đầu Đức-Phật, để mưa không làm ướt và lạnh. Đức-Long-vương tỏ lòng thành kính cúng dường Đức-Phật. 

    Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 27 tháng 5, gọi là tuần lễ “Mucalindasattāha”. 

    7. Tuần lễ thứ bảy: Đức-Phật ngự đến cội cây gọi là Rājāyatana cách xa cội Đại-Bồ-đề 4 sải tay, về phía Nam. Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, gọi là tuần lễ “Rājāyatanasattāha”. 

    Như vậy, Đức-Phật đã an hưởng pháp vị an-lạc giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày xung quanh cội Đại-Bồ-đề.(1) 

    CÚNG DƯỜNG VẬT THỰC ĐẦU TIÊN LÊN ĐỨC-PHẬT 

    Sau khi Đức-Phật Gotama an hưởng pháp vị an-lạc giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ gồm có 49 ngày đêm xong, Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi dưới một cội cây. Khi  ấy,  hai  anh em lái buôn tên Tapussa   và  Bhallika 

    dẫn đoàn xe bò 500 chiếc đi ngang qua, một thiên-nữ trong kiếp quá-khứ đã từng là mẹ của hai anh em lái buôn hiện ra, báo cho hai anh em lái buôn biết rằng: 

    - Này hai con! Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian rồi, Đức-Phật an hưởng pháp vị an-lạc suốt 7 tuần lễ gồm có 49 ngày qua, chưa độ vật thực. Vậy, hai con là người đầu tiên đem vật thực đến cúng dường lên Đức-Phật. 

    Nghe thiên-nữ báo tin như vậy, hai anh em vô cùng hoan-hỷ đem vật thực ngon lành đến đảnh lễ, rồi cúng dường lên Đức-Phật Gotama. 

    Đức-Phật Gotama thọ nhận vật thực của hai anh em lái buôn đầu tiên. Sau khi Đức-Phật Gotama độ vật thực và độ nước xong, hai anh em đảnh lễ Đức-Phật, kính xin thọ phép quy-y Nhị-bảo rằng: 

    “Ete mayaṃ Bhante,

    Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi,

    Dhammañca, upāsake no Bhagavā dhāretu.

    Ajjatagge pāṇupete saraṇaṃ gate. (1)” 

     

    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con thành kính xin quy y nơi Đức-Thế-Tôn và xin quy y nơi Đức-Pháp-bảo. 

    Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận hai chúng con là người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy y Nhị-bảo kể từ hôm nay cho đến trọn đời. 

     

    Hai anh em Tapussa và Bhallika cũng là hai cận-sự- nam (upāsaka) đã quy y Nhị-bảo đầu tiên trong giáo- pháp của Đức-Phật Gotama. 

    Hai anh em Tapussa và Bhallika kính xin Đức-Phật ban cho báu-vật để tôn thờ. Đức-Phật Gotama ban 8 sợi tóc gọi là 8 sợi xá-lợi tóc cho hai anh em lái buôn thỉnh về tôn thờ (nay 8 sợi xá-lợi tóc được tôn thờ trong ngôi bảo tháp lớn Shwê-đa-gôn tại thủ đô nước Myanmar). 

    ĐỨC-PHẬT SUY XÉT VỀ PHÁP SIÊU-TAM-GIỚI 

    Đức-Phật suy xét về 9 pháp siêu-tam-giới (Lokuttara- dhamma) mà Đức-Phật đã chứng đắc: 

    *4 Thánh-đạo (Ariyamagga) là pháp diệt tận mọi phiền-não. 

    *4 Thánh-quả (Ariyaphala) là pháp làm vắng lặng mọi phiền-não. 

    *1 Niết-bàn là pháp giải thoát khổ tử sinh luân-hồi. 

    9 pháp siêu-tam-giới này là pháp của bậc Thánh- nhân mà thôi. Còn chúng-sinh phàm-nhân đang bị dính mắc trong ngũ-dục, bị say mê trong ngũ-dục, bị đắm chìm trong ngũ-dục, làm tôi tớ của 108 loại tham-ái và làm nô lệ 1.500 loại phiền-não, thì khó mà chứng ngộ được chân-lý tứ Thánh-đế, khó mà chứng đắc được 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn là 9 pháp siêu-tam- giới này. 

    Đức-Phật suy nghĩ: “Nếu Như-Lai thuyết pháp mà chúng-sinh không thấu hiểu chánh-pháp, không chứng đắc pháp siêu-tam-giới cao thượng, thì chỉ làm cho Như- Lai vất vả, mệt nhọc, hoài công vô ích mà thôi.” 

    Vì vậy, Đức-Phật chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

    Theo lệ thường, Chư Phật thuyết pháp cần phải có đầy đủ hai điều kiện: 

    - Chủ thể: Đức-Phật có tâm đại-bi (mahākaruṇā) muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh giải thoát mọi cảnh khổ. Điều kiện này đã sẵn có nơi Đức-Phật. 

    - Khách thể: Vị Đại-Phạm-thiên thỉnh cầu Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

    Đó là điều kiện làm cho chúng-sinh phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Bởi vì các đạo-sĩ, tu-sĩ, sa- môn, bà-la-môn, vua chúa, dân chúng, kể cả chư-thiên đều tôn kính Đại-Phạm-thiên. Nay Đại-Phạm-thiên tôn kính Đức-Phật, thỉnh cầu Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh, thì ắt hẳn phần đông chúng-sinh nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, … cũng tôn kính Đức-Phật. 

    Do đại-thiện-tâm tôn kính ấy, chúng-sinh mới có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo. Cho nên khi Đức-Phật thuyết pháp thì tất cả chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, ... mới lắng nghe chánh-pháp, rồi thực hành theo chánh-pháp của Đức-Phật. 

    ĐẠI-PHẠM-THIÊN THỈNH ĐỨC-PHẬT THUYẾT PHÁP 

    Biết Đức-Phật Gotama đang còn do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh, nên vị Đại-Phạm-thiên Sahampati bèn thông báo cho toàn cõi phạm-thiên, chư- thiên khắp mười ngàn cõi-giới chúng-sinh hay biết rằng: 

    - Nassati vata Bho loko! 

    - Vinassati vata Bho loko! (1) 

    - Này chư vị! Toàn cõi-giới chúng-sinh bị bất lợi! 

    - Này chư vị! Toàn cõi-giới chúng-sinh bị thiệt hại! 

    Bởi vì, Đức-Phật Gotama đang do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ, cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

    Cho nên, Đại-Phạm-thiên Sahampati cùng chư-thiên, phạm-thiên khắp mười ngàn cõi-giới hiện xuống kính lễ Đức-Phật, đồng kính thỉnh rằng: 

    - Desetu Bhante Bhagavā dhammaṃ. 

    - Desetu Sugato dhammaṃ. 

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con hết lòng thành kính, cung thỉnh Đức-Thế-Tôn mở tâm đại-bi thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

    - Kính bạch Đức-Thiện-Ngôn, chúng con hết lòng thành kính, cung thỉnh Đức-Thiện-Ngôn mở tâm đại-bi thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

    Có số chúng-sinh nào phiền-não nhẹ, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn. Nếu số chúng-sinh ấy không  có  cơ hội lắng nghe chánh-pháp của Đức-Thế-Tôn, thì sự thiệt hại sẽ lớn lao biết dường nào! 

    Nghe lời thỉnh cầu của vị Đại-Phạm-thiên Sahampati cùng chư-thiên, chư phạm-thiên, Đức-Thế-Tôn có tâm đại-bi suy xét bằng Phật-nhãn (Buddhacakkhu) thấy rõ có số chúng-sinh có phiền-não nhẹ, có số chúng-sinh có phiền-não nặng, có số chúng-sinh có 5 pháp-chủ: tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ đủ năng lực, có số chúng-sinh có 5 pháp- chủ ít năng lực, có số chúng-sinh dễ dạy, có số chúng- sinh khó dạy, … 

    Ví như 4 đóa hoa sen (1): 

    1. Có đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm ấy. 

    2. Có đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau. 

    3. Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian ba hoặc bốn hôm nữa mới nở được. 

    4. Có đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá, ... 

    Bốn loại hoa sen này được so sánh như bốn hạng người ở trong đời: 

    1. Ugghāṭitaññū: Hạng người có trí-tuệ bậc thượng, bén nhạy khi được nghe tiền đề của chánh-pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có bốn câu, chỉ nghe hai câu đầu, hạng người có trí-tuệ bậc thượng ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, ngay khi ấy. 

    2. Vipañcitaññū: Hạng người có trí-tuệ bậc trung khi được nghe tiền đề của chánh-pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ bốn câu, hạng người có trí- tuệ bậc-trung ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, ngay sau đó. 

    3. Neyya: Hạng người có trí-tuệ bậc hạ khi được nghe tiền đề của chánh-pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh- nhân, bậc thiện-trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, hạng người có trí-tuệ bậc hạ ấy mới có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết- bàn, trong kiếp hiện-tại này. 

    4. Padaparama: Hạng người có trí-tuệ kém dù được nghe nhiều, học nhiều đi nữa hoặc có thân cận với bậc thiện-trí, người có trí-tuệ kém ấy cũng chưa có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trong kiếp hiện-tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp-hạnh Ba-la-mật, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trong kiếp vị-lai. 

    Đức-Phật xem xét tất cả chúng-sinh bằng Phật-nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy, cho nên, sự thuyết pháp của Đức-Phật sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho ba hạng người trước có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết- bàn, ngay trong kiếp hiện-tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (padaparama) trong kiếp vị-lai. 

    Vì vậy, Đức-Phật nhận lời thỉnh cầu của vị Đại- Phạm-thiên Sahampati, Đức-Phật sẽ thuyết pháp tế độ chúng-sinh. Đức-Phật dạy rằng: 

    - Này Đại-Phạm-thiên Sahampati! Trước đây chưa có đủ điều kiện nên Như-Lai chưa thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

    - Này Đại-Phạm-thiên Sahampati! Bây giờ, Như-Lai nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Như-Lai sẽ thuyết pháp tế độ cho những chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, để giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài. 

    Khi biết Đức-Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vị Đại- Phạm-thiên Sahampati cùng toàn thể chư phạm-thiên, chư-thiên vô cùng hoan-hỷ đảnh lễ Đức-Phật, rồi xin phép trở về cõi trời. 

    Trong đời này, chỉ có Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót và chư Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót mới không cần lắng nghe chánh-pháp từ một vị thầy nào, mà tự mình thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được tất cả mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị trong toàn cõi-giới chúng-sinh, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác mà thôi. 

    Ngoài Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót và  chư Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót ra, còn tất cả chư Bồ-tát thanh-văn-giác bậc nào cũng đều cần phải lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi thực hành theo pháp-hành thiền-tuệ mới có thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác, chứng đắc như sau: 

    * Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. 

    * Chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai. 

    * Chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não sân (dosa) loại vi-tế, trở thành bậc Thánh Bất-lai. 

    * Chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), buồn-chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội- lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa), trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng. 

    Trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử bậc nào của Đức-Phật là hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín pháp- chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ- pháp-chủ của mỗi bậc Thánh-nhân. 

    Thật vậy, trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh Tối-Thượng thanh-văn-giác xuất sắc bậc nhất về trí-tuệ, trong hàng Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. 

    Vậy mà tự Ngài không có khả năng chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế, cho đến khi Ngài lắng nghe Ngài Đại- Trưởng-lão Assaji thuyết dạy một bài kệ gồm bốn câu, vừa nghe hai câu đầu, Ngài liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. 

    Vì vậy, gọi là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật. 

    CHUYỂN-PHÁP-LUÂN ĐẦU TIÊN 

    Đức-Phật Gotama suy xét nên thuyết pháp tế độ cho ai đầu tiên, Đức-Phật liền nghĩ đến vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta là bậc thiện-trí có trí-tuệ, nếu vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta được nghe chánh-pháp thì sẽ nhanh chóng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn. 

    Khi ấy, chư-thiên đến hầu Đức-Phật và bạch rằng: 

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đạo-sư Ālāra Kālāma- gotta đã viên tịch được 7 ngày qua. 

    Đức-Phật xem xét thấy đúng là vị Đạo-sư Ālāra Kālā- magotta đã viên tịch, đệ-tam-thiền vô-sắc-giới thiện- nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi Vô-sở-hữu-xứ-thiên thuộc cõi trời vô-sắc-giới. Đức-Phật suy nghĩ rằng: 

    “Thật là sự bất lợi lớn lao quá! (1)” 

    Tiếp đến, Đức-Phật nghĩ đến vị Đạo-sư Udaka Rāma- putta là bậc thiện-trí có trí-tuệ, nếu vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta được nghe chánh-pháp thì sẽ nhanh chóng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn. 

    Khi ấy, chư-thiên đến hầu Đức-Phật và bạch rằng: 

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Đạo-sư Udaka Rāma- putta vừa mới viên tịch chiều hôm qua. 

    Đức-Phật xem xét thấy đúng là vị Đạo-sư Udaka Rāma-putta đã viên tịch, đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ- thiên thuộc cõi trời vô-sắc-giới. Đức-Phật nghĩ rằng: 

    “Thật là sự bất lợi lớn lao quá!” 

    Tiếp đến, Đức-Phật nghĩ đến nhóm năm tỳ-khưu đã từng phụng sự, hộ độ cho Đức-Phật trong suốt thời gian còn là Đức-Bồ-tát thực hành pháp-hành khổ-hạnh. Đức- Phật nghĩ rằng: 

    “Vậy, Như-Lai nên thuyết pháp tế độ nhóm năm tỳ- khưu này đầu tiên.” 

    Khi ấy, nhóm năm tỳ-khưu đang trú tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī. Đức-Phật từ khu rừng Uruvelā ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana ấy, để thuyết pháp tế độ nhóm năm tỳ-khưu: Ngài Koṇḍañña trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji. 

    ĐỨC-PHẬT THUYẾT KINH CHUYỂN-PHÁP-LUÂN 

    Đức-Phật ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, nhằm vào ngày rằm tháng 6, sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tròn đúng hai tháng. 

    Nhóm 5 tỳ-khưu nhìn thấy Đức-Phật Gotama từ xa đi đến, họ nghĩ lầm rằng: “Sa-môn Gotama đã từ bỏ sự tinh- tấn thực hành pháp-hành khổ-hạnh để trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà trở lại đời sống sung túc.” 

    Vì nghĩ như vậy, nên nhóm năm tỳ-khưu không còn đức-tin và sự kính trọng Đức-Phật như trước, họ đồng ý thỏa thuận với nhau rằng: 

    “Chúng ta không đứng dậy đón rước, không tiếp nhận y và bát, không đảnh lễ, chỉ nên sắp đặt chỗ để cho Sa- môn Gotama ngồi mà thôi.” 

    Nhưng khi Đức-Phật Gotama đến gần, do oai lực và tâm đại-bi của Đức-Phật, nhóm năm tỳ-khưu không còn nhớ lời giao ước, mà mỗi người đều tự động đứng dậy cung kính đón rước. Vị nhận y bát, vị lấy nước rửa  chân, vị thì sắp đặt trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Đức- Phật ngự đến ngồi chỗ cao quý ấy. Nhưng cách xưng   hô của họ đối với Đức-Phật vẫn bằng cách gọi “Āvuso” không hợp lẽ đạo, thiếu sự cung kính đối với Đức-Phật. Nghe vậy, Đức-Phật dạy rằng: 

    - Này chư tỳ-khưu! Các con không nên gọi Như-Lai bằng tiếng “Āvuso” (1). Như-Lai là Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác, Như-Lai sẽ thuyết pháp giảng dạy chánh- pháp mà Như-Lai đã chứng ngộ. Các con hãy lắng nghe chánh-pháp, rồi thực hành theo chánh-pháp, các con cũng sẽ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Như-lai, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, y theo Như-Lai đã chứng đắc. 

    Nhóm năm tỳ-khưu vẫn chưa tin theo lời dạy của Đức-Phật, vì nghĩ: 

    “Trước đây Sa-môn Gotama thực hành pháp-hành khổ-hạnh đến như thế mà không trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Nay, Sa-môn Gotama trở lại đời sống sung túc như vậy lại có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được hay sao?” 

    Thấu hiểu rõ sự hoài-nghi của nhóm năm tỳ-khưu, nên Đức-Phật đã giải thích làm cho nhóm năm tỳ-khưu hiểu rõ, không còn hoài-nghi nữa, cuối cùng, họ hết lòng tôn kính Đức-Phật và phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. 

    Khi ấy, mặt trời sắp lặn ở hướng Tây, mặt trăng ló dạng ở hướng Đông, lần đầu tiên Đức-Phật Gotama thuyết-pháp giảng giải kinh Dhammacakkappavattana-sutta (1): Kinh Chuyển-Pháp-Luân, để tế độ nhóm 5 tỳ- khưu: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī. (Toàn ý nghĩa bài kinh này ở trong phần Đức-Pháp sau.) 

    NGÀI TRƯỞNG-LÃO AÑÑĀSIKOṆḌAÑÑA 

    Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết giảng bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân xong, trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy chỉ có Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña là bậc thanh-văn đệ-tử đầu tiên của Đức-Phật Gotama chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. 

    Cho nên, Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña, có pháp danh mới gọi là Aññāsikoṇḍañña: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế. Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia sa-di và tỳ-khưu. 

    Đức-Phật xem xét thấy Ngài Trưởng-lão Aññāsi- koṇḍañña có đầy đủ phước-thiện phát sinh tám thứ vật dụng cần thiết của tỳ-khưu do quả của phước-thiện phát sinh như thần thông, nên Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách gọi “Ehi bhikkhu” truyền gọi rằng: 

    - Ehi Bhikkhu! Svākkhāto dhammo, cara brahma- cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya. 

    - Này Aññāsikoṇḍañña! Con hãy lại đây, con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối, con hãy nên cố gắng tinh-tấn thực hành phạm-hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. 

    Ngay sau khi Đức-Phật truyền dạy vừa dứt câu, Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña mất hình tướng cũ, liền trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ tám thứ vật dụng của tỳ- khưu được thành tựu do quả của phước như thần thông. 

    Ngài Đại-Trưởng-Lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, có vẻ trang nghiêm như Ngài Đại-Trưởng-lão có 60 hạ. 

    Ngay khi ấy, Tam Bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn lần đầu tiên xuất hiện trên thế gian. 

    Ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, chính là lúc Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo đồng thời xuất hiện trên thế gian. Nhưng Đức-Tăng-bảo chưa xuất hiện trên thế gian. 

    Ngày rằm tháng 6 (2 tháng sau khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian) mới có Ngài Đại- Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử cũng là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. 

    Do đó, ngày rằm tháng 6 là ngày Tam-Bảo: Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn lần đầu tiên xuất hiện trên thế gian. 

    Vào ngày 16 tháng 6, Đức-Phật Gotama nhập hạ đầu tiên cùng với nhóm năm tỳ-khưu tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī. 

    Ngày 16 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Vappa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. 

    Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”. 

    Ngày 17 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Bhaddiya chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. 

    Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”. 

    Ngày 18 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Mahānāma chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. 

    Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”. 

    Ngày 19 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Assaji chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu. 

    Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”. 

    - Ngày 20 tháng 6, Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài Kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Trạng-thái-vô-ngã, tế độ nhóm năm tỳ-khưu đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán. 

    (Ý nghĩa bài Kinh Trạng-Thái-Vô-Ngã này sẽ được trình bày trong phần Đức-Pháp tiếp theo sau.) 

    Như vậy, trong cõi người này, khi ấy, có năm bậc Thánh A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. 

    NGÀY LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI TRONG PHẬT-GIÁO 

    Trong Phật-giáo, có những ngày lễ lịch sử trọng đại đáng ghi nhớ: 

    Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời tại khu vườn Lumbinī (nay thuộc về nước Nepal). 

    - 35 năm sau, cũng vào ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ- tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā (nay là Buddhagayā, nước Ấn Độ). 

    - Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng-sinh  suốt 45 năm, cũng vào ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ), lúc tròn đúng 80 tuổi. 

    Ngày rằm tháng sáu (2 tháng sau khi trở thành Đức- Phật Gotama), Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu, chỉ có Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nên Ngài có tên mới là Aññāsikoṇḍañña. 

    Đức-Phật Gotama cho phép Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña xuất gia theo cách gọi “Ehi bhikkhu trở thành vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, đồng thời Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo đầy đủ trọn vẹn hoàn toàn xuất hiện trên thế gian, vào ngày rằm tháng 6. 

    Ngày rằm tháng sáu cũng là ngày đáng ghi nhớ vì là ngày Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu chuyển kiếp từ cõi trời Tusita xuống đầu thai vào lòng mẫu hậu Mahāmāyādevī. 

    Đức-vua Bồ-tát Siddhattha trốn khỏi kinh-thành Kapilavatthu đi xuất-gia, cũng nhằm vào ngày rằm tháng sáu, lúc Đức-vua Bồ-tát Siddhattha 29 tuổi. 

    Ngày rằm tháng giêng (7 tháng sau khi Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-luân) có 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đến hầu Đức-Phật, tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, đất nước Magadha gọi là ngày “Đại-hội Chư Thánh-Tăng”duy nhất của Đức-Phật Gotama hợp đủ 4 chi-pháp là: 

    1- Ngày rằm tháng giêng. 

    2- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán tự động đến hầu Đức-Phật.

    3- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đều được Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách gọi “Ehi bhikkhu. 

    4- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đều đắc lục-thông. 

    - Ngày rằm tháng giêng cũng là ngày đáng ghi nhớ vì là ngày Đức-Phật Gotama hứa với Ác-ma-thiên tại ngôi tháp Cāpālacetiya, ba tháng nữa sẽ tịch diệt Niết-bàn. 

    BUDDHAKICCA: PHẬN SỰ CỦA ĐỨC-PHẬT 

    Đức-Phật hằng ngày đêm có 5 phận sự: 

    1- Purebhattakicca: Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ.

    2- Pacchābhattakicca: Phận sự sau khi độ ngọ. 

    3- Paṭhamayāma: Phận sự canh đầu đêm.

    4- Majjhimayāma: Phận sự canh giữa đêm.

    5- Pacchimayāma: Phận sự canh chót đêm. 

    Giảng giải 

    1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào? 

    Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thức, khi thì Đức-Phật ngự đi một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự đi cùng với chư tỳ-khưu-Tăng vào xóm làng, kinh-thành, … để khất thực. Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng kính thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, hoặc số dân chúng xin thọ phép quy-y Tam-bảo, hoặc số người xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa. 

    2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào? 

    Khi ngự trở về chùa, rửa chân xong, Đức-Phật đứng trên bục giảng khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng: 

    “Bhikkhave appamādena sampādetha!

    Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ. 

    Dullabho manussattapaṭilābho.

    Dullabhā khaṇasampatti. 

    Dullabhā pabbajjā. 

    Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ.”  
     

    - Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi (không thất niệm) thực hành pháp-hành tứ- niệm-xứ. 

    - Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. 

    - Được sinh làm người là một điều khó. 

    - Có cơ hội thực hành phạm-hạnh cao thượng là một điều khó. 

    - Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều  khó. 

    - Được nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó. 

    Đó là các điều khó được mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy nhắc nhở chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi. 

    Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi, thực hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực hành pháp-hành thiền-tuệ. 

    3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào? 

    Canh đầu đêm, Đức-Phật giáo huấn chư tỳ-khưu, có số chư tỳ-khưu hỏi chánh-pháp, có số chư tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, có số chư tỳ- khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp. Qua hết canh đầu đêm, chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Phật, trở về chỗ ở của mình. 

    4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào? 

    Canh giữa đêm, Đức-Phật cho phép chư-thiên, chư phạm-thiên trong các cõi trời dục-giới, các tầng trời sắc- giới phạm-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp, Đức-Phật giảng giải các câu hỏi của chư-thiên, chư phạm-thiên xong. Qua hết canh giữa đêm, chư-thiên, chư phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật, xin phép trở về cõi-giới của mình. 

    5- Phận sự canh chót đêm như thế nào? 

    Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời: 

    - Thời gian đầu: Đức-Phật ngự đi kinh hành. 

    -Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh-niệm và trí- tuệ-tỉnh-giác định giờ tỉnh đậy. 

    - Thời gian cuối: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong các cõi-giới bằng Phật-nhãn, xem xét chúng-sinh nào đã từng có duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực hành các pháp- hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ. Kiếp hiện-tại này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù ở gần dù ở xa, dù trong cõi người, dù trong cõi-giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến tận nơi để tế độ chúng-sinh ấy. 

    Mỗi ngày mỗi đêm, Đức-Phật thực hành đầy đủ 5 phận sự suốt 45 năm, cho đến phút cuối cùng Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn. 

    -oo0oo- 

    (1) Đối với Đức-Phật Độc-Giác và Thanh-văn-Giác có giới hạn. 

    (1) Dưới cội cây nào mà mỗi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác, cây ấy được gọi là Mahābodhirukkha: Cây Đại- Bồ-đề. Mỗi Đức-Phật có mỗi cây Đại-Bồ-đề khác nhau. Cây Assattha này là cây Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā đồng sinh cùng một lúc với Đức- Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha, 35 năm về trước. 

    --- 

    (1) Dhammapadagāthā số 153 và số 154. 

    (1) Phiền-não có tất cả 1.500 loại. 

    (2) Tham-ái có tất cả 108 loại. 

    --- 

    (1) Hiện-tại Buddhagayā nước Ấn-Độ quanh cội Đại-Bồ-đề có đánh dấu kỷ niệm 7 nơi mà Đức-Phật Gotama đã an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn. 

    --- 

    (1) Vinayapiṭakapāḷi, Mahāvagga, Rājāyatanakathā. 

    --- 

    (1) Bộ Majjhimanikāyapāḷi, Mūlapaṇṇāsapāḷi, Pāsarāsisutta. 

    --- 

    (1) Bộ Chú-giải Majjhimanikāya, Mūlapannāsa, kinh Pāsarāsisutta. 

    --- 

    (1) Sự bất lợi ở đây có nghĩa: Chúng-sinh ở cõi trời vô-sắc-giới không có sắc-uẩn nên không có tai để nghe được chánh-pháp, đã mất đi cơ hội tốt hiếm có, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn. 

    --- 

    (1) “Āvuso” từ dùng để gọi vị nhỏ hạ. “Bhante” từ dùng để gọi vị cao hạ một cách tôn kính. 

    --- 

    (1) Saṃyuttanikāya, Mahāvagga, Dhammacakkappavattanasutta. 

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.