NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN II
QUY-Y TAM-BẢO (TISARAṆA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
Chỉ có chư Thánh-nhân mới có đức-tin vững chắc nơi Tam-bảo mà thôi, bởi vì chư Thánh-nhân là bậc đã diệt tận được phiền-não hoài-nghi nơi Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, cho nên, không có một ai hoặc một sự việc gì có thể làm cho bậc Thánh-nhân mất đức-tin nơi Tam-bảo, mà sự thật chỉ có đức-tin trong sạch vững chắc hoàn toàn nơi Tam-bảo cho đến kiếp chót mà thôi.
Đối với các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật là cận- sự-nam, cận-sự-nữ, tỳ-khưu, sa-di còn là hạng phàm-nhân, có đức-tin luôn luôn trong sạch nơi Tam-bảo không phải điều dễ dàng, bởi vì các hàng phàm-nhân còn có nhiều phiền-não chi phối, nhất là phiền-não hoài-nghi nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, chưa có đủ tin hoàn toàn nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Như vậy, để dễ dàng phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, cần phải có đối-tượng cao cả và rõ ràng. Như Đức-Phật dạy trong kinh Cundīsutta:
- Đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo là đức-tin nơi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Ngài có 9 ân-Đức, là Bậc cao cả nhất trong tất cả các loài chúng-sinh trong toàn cõi-giới.
- Đức-tin trong sạch nơi Đức-Pháp-bảo là đức-tin nơi 10 chánh-pháp nhất là Niết-bàn pháp ly-ái diệt tận được mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
- Đức-tin trong sạch nơi Đức-Tăng-bảo là đức-tin nơi chư Thánh-Tăng, có 4 bậc là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán, là phước điền cao thượng của chúng-sinh không nơi nào sánh được.
Khi có đối-tượng Tam-bảo cao cả và rõ ràng, thì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ mới dễ dàng phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo và giữ gìn duy trì được đức-tin ấy, chắc chắn sẽ có được quả báu cao cả nhất trong các quả báu trong đời.
Đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo làm nền tảng cho mọi thiện-pháp đó là đức-tin có trí-tuệ dẫn đầu trong tất cả mọi thiện- pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô- sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Bậc Thánh-nhân có đức-tin vững chắc nơi Tam-bảo
Người nào muốn có đức-tin vững chắc không lay chuyển, người ấy không chỉ học hiểu biết rõ pháp-học chánh-pháp (pariyatti saddhamma) mà còn phải thực- hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ- thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp dẫn đến trí-tuệ-thiền- tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết- bàn, diệt tận được diṭṭhi: tà-kiến thấy sai chấp lầm, vicikicchā: hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu có đức-tin vững chắc không lay chuyển nơi Tam-bảo: Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
Thật vậy, tích cận-sự-nam Sūrambaṭṭhavatthu (1) được tóm lược như sau:
Trong thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha là người cận-sự-nam trong kinh-thành Haṃsavatī, đến nghe Đức- Phật Padumuttara thuyết-pháp. Khi ấy, Đức-Phật tuyên dương một cận-sự-nam có đức-tin nơi Tam-bảo đệ nhất, vững chắc không lay chuyển, trong hàng cận-sự-nam.
Tiền-kiếp của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha có ý nguyện muốn trở thành cận-sự-nam có đức-tin đệ nhất vững chắc không lay chuyển nơi Tam-bảo, trong hàng cận-sự- nam của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.
Tiền-kiếp của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha đã thỉnh Đức- Phật Padumuttara cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tư gia, để làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.
Đến ngày cuối, tiền-kiếp của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha kính bạch với Đức-Phật về ý nguyện muốn trở thành cận-sự-nam có đức-tin đệ nhất vững chắc không lay chuyển nơi Tam-bảo, trong hàng cận-sự-nam của Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.
Đức-Phật Padumuttara thọ ký từ kiếp trái đất ấy còn 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, cận-sự-nam này sẽ được thành-tựu như ý nguyện.
Tiền-kiếp của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha tiếp tục cố gắng tinh-tấn bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, trải qua tử sinh luân-hồi trong cõi người và cõi trời dục-giới suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất.
Thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của cận-sự-nam ấy sinh trưởng trong gia đình phú hộ trong kinh-thành Sāvatthī, được đặt tên là công- tử Sūrambaṭṭha.
Khi công-tử Sūrambaṭṭha trưởng thành lập gia đình trở thành phú hộ thường hộ độ nhóm tu-sĩ ngoại đạo.
Vào canh chót đêm, Đức-Thế-Tôn sau khi xả đại bi định, suy xét chúng-sinh nào có duyên lành nên tế độ thì thấy rõ, biết rõ phú hộ Sūrambaṭṭha có phước duyên trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Sáng hôm ấy, Đức-Thế-Tôn mang bát ngự đi khất thực đến đứng cổng tư gia của phú hộ Sūrambaṭṭha. Nhìn thấy Đức-Thế-Tôn, phú hộ Sūrambaṭṭha nghĩ rằng:
“Sa-môn Gotama xuất thân từ dòng vua Sakya cao quý, danh tiếng của Ngài được lan truyền khắp mọi nơi trong thế gian. Vì vậy, nếu ta không đón rước Sa-môn Gotama thì đó là điều không nên đối với ta.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, nên phú hộ Sūrambaṭṭha đi ra tận ngoài cổng, cung-kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Thế-Tôn, rồi xin nhận cái bát, kính thỉnh Đức- Thế-Tôn vào trong nhà, thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự trên chỗ cao quý nhất, kính dâng vật thực lên Đức-Thế-Tôn.
Sau khi Đức-Thế-Tôn thọ thực xong, phú hộ cung- kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tế độ phú hộ Sūrambaṭṭha.
Sau khi nghe Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp xong, phú hộ Sūrambaṭṭha thực-hành pháp-hành thiền-tuệ liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được diṭṭhi: tà-kiến thấy sai chấp lầm, vicikicchā: hoài-nghi nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Sau khi tế độ phú hộ Sūrambaṭṭha xong, Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana.
Ngay khi ấy, Ác-ma-thiên nghĩ rằng:
“Phú hộ Sūrambaṭṭha vốn là người nằm trong quyền năng của ta, nhưng sáng nay Đức-Thế-Tôn ngự đến ngôi nhà của phú hộ, thuyết-pháp tế độ phú hộ. Sau khi nghe pháp, phú hộ Sūrambaṭṭha có chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào không? Vậy ta nên thử xem phú hộ ấy đã thoát ra khỏi quyền năng của ta hay là chưa thoát khỏi?”
Ác-ma-thiên liền biến hóa ra giống như kim thân Đức-Phật Gotama có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, 80 tướng tốt phụ, mang bát đến đứng trước cổng nhà của phú hộ Sūrambaṭṭha.
Nhìn thấy Đức-Thế-Tôn ngự đến đứng trước cổng nhà, phú hộ Sūrambaṭṭha nghĩ rằng: “Đức-Thế-Tôn vừa mới ngự đi về rồi liền ngự trở lại, đó là điều bất thường.”
Tuy vậy, nhưng vì cung-kính Đức-Thế-Tôn, nên phú hộ Sūrambaṭṭha liền vội vã đi ra tận cổng cung-kính đảnh lễ dưới 2 bàn chân của Đức-Thế-Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ, kính bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đức-Thế-Tôn đã ngự trở về rồi, do nhân nào, duyên nào Đức-Thế-Tôn ngự trở lại? Bạch Ngài.
Ác-ma-thiên truyền bảo rằng:
- Này Sūrambaṭṭha! Như-lai không suy xét kỹ nên dạy rằng:“Tất cả mọi ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn đều là vô-thường, là khổ, là vô-ngã.” Nhưng thật ra, không phải là tất cả mọi ngũ-uẩn, mà có một số ngũ-uẩn là thường, là bền vững, là trường tồn, vĩnh cửu.
Nghe như vậy, cận-sự-nam Sūrambaṭṭha là bậc Thánh-Nhập-lưu đã có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành- uẩn, thức-uẩn hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới đều có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng- thái khổ, trạng-thái vô-ngã, nên suy xét rằng:
Ác-ma-thiên thường là đối nghịch với Đức-Phật. Vậy, người này chắc chắn là Ác-ma-thiên.
Cận-sự-nam Sūrambaṭṭha khảng khái nói rằng: “Ngươi chính là Ác-ma-thiên!”
Với lời đanh thép của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha, bậc Thánh Nhập-lưu, nên Ác-ma-thiên không thể chối được, đành phải thú thật rằng:
- Này phú hộ Sūrambaṭṭha! Tôi chính là Ác-ma-thiên. Khi ấy, cận-sự-nam Sūrambaṭṭha chỉ ngón tay về phía Ác-ma-thiên mà khảng khái nói rằng:
- Này Ác-ma-thiên! Hằng trăm Ác-ma-thiên, hằng ngàn Ác-ma-thiên đến đây cũng không thể làm cho đức- tin của ta lay chuyển được. Đức-Phật Gotama thuyết-pháp tế độ ta thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp hữu-vi là ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp đều vô-thường, không bền vững, không vĩnh cửu. Ngươi hãy biến đi, không được đứng trước cổng nhà của ta nữa!
Nghe lời chỉ trích một cách thậm tệ của cận-sự-nam Sūrambaṭṭha, Ác-ma-thiên không thể nói được lời nào, nên biến mất tại nơi ấy.
Vào buổi chiều, cận-sự-nam Sūrambaṭṭha đi đến ngôi chùa Jetavana vào hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi thuật lại chuyện Ác-ma-thiên đến đứng trước cổng nhà rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ác-ma-thiên đã cố gắng, nhưng không thể làm cho đức-tin nơi Tam-bảo: Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo của con lay chuyển được như vậy. Bạch Ngài.
Nhân chuyện cận-sự-nam Sūrambaṭṭha như vậy, tại ngôi chùa Jetavana, giữa tứ chúng thanh-văn đệ-tử, Đức- Thế-Tôn tuyên dương cận-sự-nam Sūrambaṭṭha rằng:
“Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ upāsakānaṃ aveccappasannānaṃ yadidaṃ Sūro ambaṭṭho.”
- Này chư tỳ-khưu! Cận-sự-nam Sūrambaṭṭha là cận- sự-nam có đức-tin nơi Tam-bảo đệ nhất vững chắc không lay chuyển, trong các hàng cận-sự-nam thanh-văn đệ-tử của Như-lai.
Kiếp hiện-tại này, cận-sự-nam Sūrambaṭṭha được thành-tựu danh hiệu là cận-sự-nam có đức-tin nơi Tam- bảo đệ nhất vững chắc không lay chuyển, trong các hàng cận-sự-nam thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đó
là quả của vô số kiếp quá-khứ từ khi tiền-kiếp của cận- sự-nam Sūrambaṭṭha gặp Đức-Phật Padumuttara trong thời quá-khứ đã phát nguyện và được Đức-Phật thọ ký.
Đức-tin nơi Tam-bảo
Để có đức-tin vững chắc nơi Tam-bảo, các hàng thanh-văn đệ-tử không chỉ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo mà còn phải có trí-tuệ trong 3 pháp như sau:
- Pháp-học Phật-giáo (Pariyatti sāsana).
- Pháp-hành Phật-giáo (Paṭipatti sāsana).
- Pháp-thành Phật-giáo (Pativedha sāsana).
1- Pháp-học Phật-giáo (Pariyatti sāsana) đó là học hỏi, ghi nhớ thuộc lòng thấu suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú- giải Pāḷi, lời giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, để làm nền tảng căn bản cho pháp-hành Phật-giáo.
2- Pháp-hành Phật-giáo (Paṭipatti sāsana) đó là thực-hành pháp-hành giới cho trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng cho thực-hành pháp-hành thiền-định được phát triển dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện- tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng cho thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền- não, trở thành 4 bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
3- Pháp-thành Phật-giáo (Pativedha sāsana) đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, gọi là 9 pháp siêu-tam-giới (navalokuttaradhamma).
4 Thánh-đạo (Magga)
1- Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
2- Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
3- Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
4- A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
4 Thánh-quả (Phala)
1- Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
2- Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
3- Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
4- A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
4 bậc Thánh-nhân (Ariyapuggala)
1- Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
2- Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
3- Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).
4- Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
Thật ra, chỉ có bậc Thánh-nhân mới thật sự có đức- tin nơi Tam-bảo vững chắc không lay chuyển mà thôi, bởi vì mỗi bậc Thánh-nhân đã diệt tận được phiền-não như sau:
* Bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được 2 loại phiền- não là tà-kiến và hoài-nghi.
* Bậc Thánh Nhất-lai đã diệt tận được 1 loại phiền- não là sân loại thô.
* Bậc Thánh Bất-lai đã diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế.
* Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được 7 loại phiền- não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng- tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội- lỗi không còn dư sót nữa.
Cho nên, chỉ có 4 bậc Thánh-nhân chắc chắn có đức- tin nơi Tam-bảo vững chắc không lay chuyển mà thôi.
(Xong chương III Ân-đức Tam-bảo )
-oo0oo-
(1) Bộ Aṅg, Ekanipātaṭṭhakathā, Etadaggavagga, Sūrambaṭṭhavatthu.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.