NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN II
QUY-Y TAM-BẢO (TISARAṆA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
ÂN-ĐỨC PHẬT-BẢO THỨ TƯ: SUGATO ITIPI SO BHAGAVĀ SUGATO
(Cách đọc: Í-tí-pí xô Phá-gá-voa Xú-gá-tô)
Nghĩa:
- So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
- Itipi: Do Ngài là Bậc thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
- Sugato: Do đó, Đức-Thế-Tôn có Ân-đức Thiện Ngôn.
SUGATO CÓ 4 Ý NGHĨA
- Thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh. - Ngự theo chánh-đạo.
- Ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
- Ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí.
Giải thích:
1- Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh như thế nào?
Đức-Thế-Tôn tùy thời thuyết pháp chân-lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, nếu không đem lại sự lợi ích thì Đức-Thế-Tôn không thuyết pháp. Đức-Thế- Tôn biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau:
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức- Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
- Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh.
2- Sugato có ý nghĩa ngự theo chánh-đạo như thế nào?
Đức-Thế-Tôn ngự (hành) theo chánh-đạo hợp đủ 8 chánh là:
* Chánh-kiến: Trí-tuệ chân-chánh là trí-tuệ thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
* Chánh-tư-duy: Tư-duy chân-chánh là:
- Tư-duy thoát khỏi ngũ-dục.
- Tư-duy không thù oán.
- Tư-duy không hại chúng-sinh.
* Chánh-ngữ: Lời nói chân-chánh là:
- Không nói-dối.
- Không nói lời đâm thọc chia rẽ.
- Không nói lời thô tục.
- Không nói lời vô ích.
* Chánh-nghiệp: Hành nghiệp chân-chánh là:
- Không sát-sinh.
- Không trộm-cắp.
- Không tà-dâm.
* Chánh-mạng: Nuôi mạng chân-chánh là không sống theo tà-mạng do thân hành ác, khẩu nói ác.
* Chánh-tinh-tấn:
Tinh-tấn chân-chánh đó là:
- Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho sinh.
- Tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh.
- Tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được sinh.
- Tinh-tấn làm cho tăng trưởng thiện-pháp đã sinh.
* Chánh-niệm:
Niệm chân-chánh là:
- Niệm thân, thân là đối-tượng của chánh-niệm...
- Niệm thọ, thọ là đối-tượng của chánh-niệm...
- Niệm tâm, tâm là đối-tượng của chánh-niệm...
- Niệm pháp, pháp là đối-tượng của chánh-niệm...
* Chánh-định:
Định chân-chánh là định-tâm trong các bậc thiền siêu-tam-giới có Niết-bàn làm đối-tượng:
- Định trong đệ nhất thiền siêu-tam-giới.
- Định trong đệ nhị thiền siêu-tam-giới.
- Định trong đệ tam thiền siêu-tam-giới.
- Định trong đệ tứ thiền siêu-tam-giới.
- Định trong đệ ngũ thiền siêu-tam-giới.
Chánh-đạo hợp đủ 8 chánh này đồng sinh trong Thánh-đạo-tâm, Thánh-quả-tâm, có Niết-bàn làm đối-tượng.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự theo chánh-đạo.
3- Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối như thế nào?
Đức-Thế-Tôn là Bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là: 4 Thánh-đạo- tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ, nên Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
Về sau, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ- tử cũng chứng ngộ Niết-bàn cũng bằng Thánh-đạo-tuệ, Thánh-quả-tuệ, nhưng những bậc Thánh thanh-văn đệ- tử này không có ân-đức Sugato như Đức-Thế-Tôn, vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn mới có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối mà thôi.
4- Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào?
Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-
Đẳng-Giác. Lần đầu tiên, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp nữa, sẽ trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Từ đó, Đức-Bồ-tát trở thành Đức-Bồ-tát cố-định tiếp tục thực-hành cho đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất một cách bất thoái chí.
Đến kiếp chót, Đức-Bồ-tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.
Ân-đức Sugato có 4 ý nghĩa tóm tắt này, đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa ân-đức Sugato là Đức-Thế-Tôn thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh
NIỆM ÂN-ĐỨC SUGATO
Các hàng thanh-văn đệ-tử thường niệm tưởng đến ân- đức Phật-bảo, niệm “ân-đức Sugato” này, sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, có trí-tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức-Thế- Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước-thiện được tăng trưởng.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Phật- bảo, niệm ân-đức Sugato như sau:
Câu ân-đức Sugato rằng: “Itipi so Bhagavā Sugato, ... Itipi so Bhagavā Sugato, ... Itipi so Bhagavā Sugato, ...” làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc danh từ ân-đức Sugato rằng: “Sugato, ... Sugato, ... Sugato, ...” làm đối-tượng thiền-định.
Đề-mục thiền-định niệm ân-đức Phật-bảo, niệm ân- đức Sugato này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi-tế, rộng lớn vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc được bậc thiền sắc-giới nào.
Như vậy, tâm cận-định này vẫn còn trong dục-giới thiện-tâm.
(Phần còn lại giống như ân-đức Arahaṃ)
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.