PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY- THERAVĀDA
-----
LUẬT XUẤT GIA
Quyển hạ
TỨ THANH TỊNH GIỚI
(CATUPĀRISUDDHISĪLA)
---
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
GIẢI VỀ KAṬHINA (KAṬHINA KATHĀ)
Vấn: Tiếng gọi kaṭhina nghĩa như thế nào? Đáp: Tiếng kaṭhina là 1 tiếng trong Phật giáo phát sanh theo lời chuẩn hành của đức Thế Tôn, để buộc chặt 5 quả báo cho thành tựu đến tỳ khưu, người thọ và người anumodanā, cho đến hạn kỳ quả báo ấy.
5 QUẢ BÁO (ĀNISANSA)
Tỳ khưu thọ kaṭhina rồi được hưởng 5 quả báo là: 1) nếu kaṭhina chưa xả, tỳ khưu không từ giả vị trong nhóm, rồi đi cũng được, nghĩa là không phạm tội trong điều học cāritta; 2) tỳ khưu không đem tam y theo mình rồi đi cũng được, không phạm tội trong điều học asamādānacāro; 3) tỳ khưu thọ thực chung nhiều vị cũng được, không phạm tội trong điều học ganabhojana; 4) cất giữ y, dầu không ādhitthāna không gởi cũng được, không phạm tội trong điều học pathamakaṭhina; 5) y của tỳ khưu hoặc sa di tịch hoặc y họ dâng đến tăng, y phát sanh do tài sản của tăng thì tỳ khưu đã thọ kaṭhina được phép lãnh dùng. Tóm lại tỳ khưu đã thọ kaṭhina được hưởng 5 quả báo ấy.
CÁCH THỨC THỌ KAṬHINA (KAṬHINATTHĀNA VIDHĀNAKATHĀ)
Vấn: Người hạng nào mới thọ kaṭhina được. Người hạng nào thọ kaṭhina không được? Đáp: Nếu nói về số người phải có ít lắm là 5 vị trở lên(59) mới thọ kaṭhina được, ít hơn 5 vị không phép thọ kaṭhina.
Còn nói về nhập hạ, tỳ khưu nhập hạ trước (purimikavassā) pavāraṇā trong ngày pavāraṇā trước (là pavāraṇā trong ngày rằm tháng 9 Việt Nam) mới thọ kaṭhina được. Tỳ khưu đứt hạ hoặc nhập hạ sau (nhập hạ ngày 16 tháng 6 sau, năm nhuần) và tỳ khưu nhập hạ chùa khác, thọ kaṭhina không được.
Vấn: Người hạng nào mới nên dâng kaṭhina? Đáp: Một trong mấy hạng người sau này là: chư thiên, người thiện tín, tỳ khưu, sa di đều dâng được cả. Thí chủ phải vào dâng trong hắc, tăng ngồi hoặc đứng trong chùa nhập hạ rồi dâng, nói như vầy: Chúng tôi xin dâng y kaṭhina (Kaṭhina cīvaraṃdema).
Vấn: Khi thí chủ dâng y kaṭhina, tăng phải thọ bằng cách nào? Đáp: Không nên thọ bằng thân hoặc khẩu, phải cần thọ bằng tâm của tăng, là phải thọ bằng cách làm thinh.
Vấn: Tỳ khưu nào đáng thọ kaṭhina? Đáp: Tăng giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào, tỳ khưu ấy phải thọ.
Vấn: Tăng phải giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào? Đáp: Tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho tỳ khưu ấy. Nếu nhiều vị có y cũ, tăng phải giao cho vị cao hạ hơn và thông rõ 8 pháp, có thể làm phép thọ cho kịp trong ngày ấy. Nếu tỳ khưu cao hạ không thông thì giao cho tỳ khưu thấp hạ thông hiểu phép thọ. Nhưng tăng nên bàn tính trước với vị trưởng lão, cầu ngài thọ rằng: bạch ngài, xin ngài thọ đi, rồi chúng tôi giúp làm với ngài. Khi tăng được y kaṭhina rồi, hội họp nhau ngồi (trong hắc) trong sīmā, chỉ định 2 vị để tuyên ngôn trình cho tăng rõ.
Vị thứ nhất Hỏi: Bạch đại đức tăng, y kaṭhina đã phát sanh đến tăng rồi, tăng nên giao kaṭhina này cho tỳ khưu nào thọ kaṭhina? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho vị ấy.
Vị thứ nhất nói: Tỳ khưu có cīvaraṃ cũ, có nhiều vị, hoặc nói trong nơi đây không có vị nào có y cũ cả. Vị thứ hai nói: tăng nên giao kaṭhina cho vị trưởng lão.
Vị thứ nhất nói: Trong nơi đây, tỳ khưu nào cao hạ? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu (... để pháp danh tỳ khưu thọ vào đây ...).
Vị thứ nhất nói: Vị trưởng lão ấy có thể làm y được và thọ kịp trong ngày nay chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài làm được; hoặc nói: Tăng nên tiếp độ đến vị trưởng lão.
Vị thứ nhất hỏi lại nữa rằng: Vậy ngài trưởng lão ấy có đủ 8 chi chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài trưởng lão có đủ 8 chi rồi.
Nếu vị thứ nhất bằng lòng thì nói: Sādhu, đúng rồi. Tăng nên giao cho ngài trưởng lão ấy. Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình cho tăng hay.
Vấn: Tăng hội cần giao kaṭhina cho tỳ khưu, người thọ bằng cách thức như thế nào? Đáp: Tăng phải giao bằng cách tụng tuyên ngôn 2 bận (ñattidutiyakammavācā). Cách thức để tụng tuyên ngôn 2 bận để giao y ấy, theo lời Phật chuẩn hành(60) (buddhānuññātta) trong phẩm Mahāvagga rằng: Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình đến tăng biết như vầy:
Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannam, yadi saṅghassa pattakallaṃ, saṅgho imaṃ kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa)(61) bhikkhuno dadeyya kaṭhinaṃ attharituṃ, esāñatti.
Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannaṃ, saṅgho imam kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno deti kaṭhinamattharituṃ, yassāyasmato khaman amassa kaṭhina dussassa (itthannāmassa) bhikkhuno dānam kaṭhinaṃ attharituṃ, so tuṇhassa yassa nakkhamati, so bhāseyya, dinnaṃ idaṃ saṅghena kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno kaṭhinaṃ attharituṃ, khamati saṅghassa, tasmā tunhi evametaṃ dhārayāmi.
Nghĩa là: Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi, nếu (giờ này) vừa đến tăng rồi, nên giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina, ấy là lời trình.
Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi (nay) tăng giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina, sự giao y kaṭhina cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina vừa đến ngài nào, ngài ấy nên làm thinh, không vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nói lên. Y kaṭhina ấy, tăng đã giao cho tỳ khưu (...) rồi để thọ kaṭhina (sự này) vừa đến tăng rồi, vì lẽ ấy, tăng nên làm thinh, tôi ghi nhớ sự này do trạng thái làm thinh ấy.
Vấn: Nếu tăng giao y kaṭhina như thế rồi, tỳ khưu thọ kaṭhina phải làm như thế nào? Đáp: Tỳ khưu thọ kaṭhina ấy phải giặt, vò, phơi, đo, cắt, may, nhuộm, làm dấu cho xong trong ngày ấy rồi thọ kaṭhina. Nếu thí chủ đã cắt may sẵn, tỳ khưu thọ chỉ phải nhuộm hoặc làm dấu (kappabindu) thôi, rồi thọ kaṭhina.
Nếu muốn thọ y 2 lớp (sanghati) phải (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ, adhiṭṭhāna y 2 lớp mới rồi đọc làm lễ thọ (hoặc muốn thọ y vai trái (uttārāsānga), hoặc y nội (antaravāsaka) cũng nên làm như nhau.
Vấn: Tỳ khưu phải thọ kaṭhina bằng thế nào? Đáp: trong phẩm parivāna có nói rằng: nếu tỳ khưu muốn thọ y 2 lớp (saṅghāti) cần (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ của mình, rồi adhiṭṭhāna y 2 lớp mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Imāya saṅghātiya kaṭhinaṃ atthārāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y 2 lớp này).
Nếu thọ y bằng y vai trái uttarāsanga, phải (paccuddhāra) xả y vai trái cũ của mình adhiṭṭhāna y vai trái mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā uttarāsangena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y vai trái này).
Nếu thọ y antaravāsaka, phải paccuddhāra xả y nội cũ của mình, adhiṭṭhāna y mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā antaravāsakena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y nội này).
Khi tỳ khưu đã thọ kaṭhina theo cách thức ấy rồi(62), vào gần tăng hoặc gana hoặc pugala, mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp 2 tay đọc cho các vị ấy (anumodanā) rằng: “Atthataṃ bhante(63) saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā(64)” (Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng tôi đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina ấy đúng theo pháp, xin các đại đức anumodanā đi).
Về phần tỳ khưu anumodanā, phải mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp hai tay đọc anumodanā rằng:
Atthataṃ āvuso(65) saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā(66) (Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng ngài đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina (ấy) đúng theo pháp, chúng tôi xin anumodanā).
Trong kinh chú giải: Evaṃ sabbesaṃ atthataṃ hoti kaṭhinaṃ (nếu một vị thì đọc kaṭhina, các vị khác anumodanā như thế gọi là kaṭhina đủ cả các vị).
GIẢI VỀ THỂ THỨC THỌ KAṬHINA KHÔNG ĐƯỢC KẾT QUẢ (ANATTHATAKAṬHINAKATHĀ)
Vấn: Tỳ khưu thọ kaṭhina không kết quả do 24 cách thế nào? Đáp: Tỳ khưu thọ kaṭhina không kết quả do 24 điều là: 1) ullikhitamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới đo; 2) dhovanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới giặt; 3) civaravicāranamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới sắp sửa theo cách cắt; 4) chedanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới cắt; 5) bandhanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới may lược; 6) ovattikakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới may bìa; 7) kandūsakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới để rải khung đặng cột; 8) dalhīkammakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng y thường của mình, chỉ lấy vải kaṭhina đến may nhập với nhau; 9) anuvātakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải y chưa may rồi, mới để biên xuôi thôi; 10) paribhaṇdakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải y chưa may rồi, mới để biên ngang thôi; 11) ovatteyyakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng y chưa làm rồi, mới để điều; 12) kambalamaddaṇamattena: thọ kaṭhina bằng y nhuộm còn non màu67; 13) nimittakatena: thọ kaṭhina bằng y phát sanh do tỳ khưu nói cách này, thế nọ (ta thọ y này được, tốt); 14) pārikathākatena: thọ kaṭhina bằng y phát sanh vì tỳ khưu bảo thí chủ dâng (được phước lớn); 15) kukkukatena: thọ kaṭhina bằng y mượn của người hoặc tự mình kiếm, hoặc bằng y của mình đã có sẵn; 16) sannidhikatena: thọ kaṭhina bằng y để dành qua ngày sau; 17) nissaggiyena: thọ kaṭhina bằng y đang làm để qua ngày khác; 18) akappakatena: thọ kaṭhina bằng y chưa làm dấu; 19), 20), 21) aññatra saṅghātiyā, aññatra uttarāsaṅgena, anntra antaravāsakena: thọ kaṭhina bằng y 2 lớp, y vai trái, y nội; 22) aññatra pañcakena và atirepañcakena và tadaheva sañchinnena samandalīkatena: thọ kaṭhina bằng y không cắt điều may, hoặc cắt điều không đúng phép; 23) aññtra puggalassa atthāra: thọ kaṭhina nhiều vị (2, 3, 4 vị trở lên); 24) nissīmattho anumodati: tỳ khưu đem y ra ngoài vòng sīmā mà mình nhập hạ, nếu chùa ấy chưa có bandhasīmā, chỉ ra tụng tuyên ngôn rồi trở vào thọ kaṭhina trong chùa mà mình nhập hạ cũng được. Kaṭhina mà tỳ khưu làm phép thọ phạm 1 trong 24 điều ấy không thành kaṭhina đâu.
GIẢI VỀ CÁCH THỨC THỌ KAṬHINA ĐƯỢC KẾT QUẢ ĐƯỢC (ATTHATAKAṬHINAKATHĀ)
Thọ 17 thứ vải sau này được thành kaṭhina: 1) ahatena: thọ kaṭhina bằng y người chưa mặc; 2) ahatakappena: thọ kaṭhina bằng y người mới giặt 1, 2 lần song còn như mới; 3) polotikāya: thọ kaṭhina bằng y làm bằng vải cũ; 4) paṃsukūlena: thọ kaṭhina bằng y làm bằng vải lượm hoặc y mà tỳ khưu hành đầu đà tìm được; 5) āpaṇikena: thọ kaṭhina bằng vải bỏ rơi gần chợ mà thí chủ lượm đem dâng làm y; 6) animittakatena: thọ kaṭhina bằng y không phải vì nói ướm mà được, trái với y thứ 13 trong antthatākāra; 7) aparikathākatena: trái với y thứ 14 anatthatākāra; 8) akukkukatena: trái với y thứ 15 anatthatākāra (không phải y mượn); 9) asnannidhikatena; trái với y thứ 16 anatthatākāra; 10) anissaggiyena: trái với y thứ 17 anatthatākāra; 11) kappaketena: trái với y thứ 18 anatthatākāra; 12), 13), 14) saṅghātiyā uttarāsangena antaravāsakena: trái với y thứ 19, 20, 21 (là làm lễ thọ 1 trong 3 y, không thọ 3 hoặc 2 y một lần); 15) pañcakena và atirekapañcakena và tadaheva sañchinnenasamandalīketena: trái với y thứ 22 là y làm đúng theo điều trong nội ngày; 16) puggalassa atthārā: trái với y thứ 23 (là 1 vị tỳ khưu làm lễ thọ); 17) sīmattho anumodāti: trái với y thứ 24 là tỳ khưu ở trong sīmā làm lễ thọ hoan hỉ theo (không ở ngoài vòng sīmā). Trong 17 thứ y này, từ thứ 1 đến thứ 5 chỗ chặng giữa 12, 13, 14 là y không định, miễn dâng theo 1 thứ nào cũng được, từ thứ 6 đến thứ 11, từ 15 đến 17 là y nhất định, phải có điều đủ theo phép mới làm lễ thọ được.
GIẢI VỀ NGUYÊN NHÂN KAṬHINA XẢ (UBBHATAKAṬHINAKATHĀ)
Đức Phật có dạy: Kathañca bhikkhave ubbhataṃ hoti kaṭhinaṃ aṭṭhimā bhikkhave kaṭhinassa ubbhārāya. Nghĩa là: “Này các tỳ khưu, 8 mātikā này là nguyên nhân làm cho kaṭhina xả”.
Tiếng “mātikā” nghĩa là mẹ, hay là người sanh đẻ, cớ sao vì 8 mātikā ấy mà cho kaṭhina xả? Đáp: 8 mātikā ấy là:
1) Pakkamanantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi tính rằng: “Ta không trở lại chùa nữa đâu”, rồi đem y đã làm đi ra, vừa ra khỏi vòng sīmā, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, tỳ khưu ấy hết được 5 quả báo. Như thế gọi “pakkamanantikā” là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ nhất.
2) Nithānantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi đem y của mình (y thọ kaṭhina) (y làm chưa xong) đến chùa khác, đi ra vừa khỏi vòng sīmā, tính rằng: “Ta nhờ người giùm làm y này, trong chùa này, ta không trở lại chùa cũ đâu”. Tỳ khưu ấy cậy người làm y ngoài vòng sīmā mà mình nhập hạ, chỉ làm y vừa xong, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi nitthānantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ nhì.
3) Sannitthānantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, đem y chưa làm, đến chùa khác tính rằng: “Ta không cậy người làm y này đâu, ta không trở về chùa cũ đâu”. Chỉ tính quyết định như thế, thì kaṭhina xả, gọi sannithanantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ ba.
4) Nāsanatikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, đem y chưa làm đến chùa khác tính rằng: “Ta nhờ người làm y trong chùa này, ta không trở lại chùa cũ đâu”, đương làm y, y đó bị trộm hoặc cướp đoạt mất, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi nāsanantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ tư.
5) Savanantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”, rồi đem y chưa làm ra đi. Khi đến chùa khác tính rằng: “Ta cậy người làm y trong nơi này”. Khi đã làm xong, lại nghe tin rằng tỳ khưu tăng trong chùa đọc xả kaṭhina rồi. Chỉ nghe tin như thế, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi savanantikā, kaṭhina xả theo mātikā thứ 5.
6) Āsāvacchedikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, ra đi có ý tìm y trong nơi khác. Khi đi đến nơi khác, tính rằng: “Ta tìm kiếm y ngoài sīmā đây, ta không trở lại chùa cũ đâu”. Tỳ khưu chỉ tìm kiếm y trong nơi ấy, khi kiếm không được, sự mong được y ấy đứt, chỉ đứt sự mong mỏi kiếm y, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi āsāvacchedikā là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 6.
7) Sīmātikkantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”, rồi đem y chưa làm ra đi đến chùa khác cho người làm giùm, khi đã làm y xong, cũng còn tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa”, nhưng chần chờ ở ngoài vòng sīmā cho đến hết hạn kỳ kaṭhina xả, nghĩa là qua khỏi ngày rằm tháng 2 Việt Nam, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi là sīmātikkantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 7.
8) Sahubbhārā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”. Rồi đem y chưa làm xong ra đi. Khi đã nhờ người làm y ấy rồi tính rằng: “Ta sẽ về chùa”, rồi trở về kịp kỳ xả kaṭhina trong chùa. Kaṭhina của tỳ khưu ấy xả chung với các tỳ khưu trong chùa, xả như thế gọi sahubbhārā là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 8.
Trong phẩm Mahāvagga có giải rộng 8 mātikā ấy, đây chỉ xin giải tóm tắt bấy nhiêu. Nếu vị nào muốn biết cho rộng, nên xem trong phần ấy.
BÓ BUỘC (PALIBODHA)
Theo Phật ngôn trong phẩm Mahāvagga có giải rằng: Dve me bhikkhave kaṭhinassa palibodhā. Nghĩa là: Này các tỳ khưu! Cả 2 điều ấy là palibodhā của kaṭhina.
Palibodhā là điều buộc kaṭhina không cho xả, có 2: āvāsapalibodha: sự bận trong chùa (là chỗ đã thọ kaṭhina); civarapalibodha: sự bận trong y ca-sa (là y ca-sa về quả báo của kaṭhina).
Giải: Đức Phật có dạy trong phẩm Mahāvagga rằng: Idha bhikhave bhikkhu vasatitasmiṃ āvāse vā sāpekkho vā pakkamati paccessanti evaṃ kho bhikhave āvāsapalibodho hoti. Nghĩa là: Này các tỳ khưu, tỳ khưu trong giáo pháp này, ngụ trong chùa hoặc đi ra khỏi chùa, nhưng còn tiếc rằng: “Ta sẽ trở lại”. Này các tỳ khưu, như thế gọi là sự bận trong chùa (āvāsapalibodha).
Về phần civarapalibodha, đức Phật có giảng trong phẩm Māhāvagga rằng: Idha bhikkhave bhikkhuno civaraṃ akataṃ vā hoti vippankataṃ vā cīvarāsā vā anupacchinnā, evaṃ kho bhikkhave civarapalibodho hoti. Nghĩa là: Này các tỳ khưu, y ca-sa của tỳ khưu trong giáo pháp này, chưa làm hoặc làm chưa rồi, hay là sự mong trong(68) y chưa dứt. Này các tỳ khưu! Như thế gọi là civarapalibodha.
Có 2 điều ấy thuộc về kaṭhina không cho xả, miễn là còn mắc trong 2 điều, kaṭhina cũng chưa xả. Chỉ khi đứt cả 2 điều ấy, kaṭhina mới xả.
HÀNH TRÌNH KAṬHINA XẢ (UBBHĀRA HAY UDDHĀRA)
Hành trình kaṭhina xả có 2 (vì thế lực của 8 mātikā): ubbhāra, antarubbhāra. (Nếu chia ra nữa có đến 9 là 8 mātikā ubbhāra và 1 antarubbhāra).
Giải: Atthamātikā nghĩa là hành trình kaṭhina xả theo 8 mātikā là:
1) Hành trình kaṭhina xả, để cho tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, rồi làm cho kaṭhina xả 1 lượt trong nơi ấy.
2) Hành trình kaṭhina xả, là sahubbhāra, để cho tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, xong trở lại kịp kaṭhina xả trong giữa thời gian hạn kỳ, trong chùa thọ kaṭhina, rồi được vào làm phép xả chung với các tỳ khưu.
Tám hành trình kaṭhina xả ấy gọi là aṭṭhamātikā ubbhāra, vì kể vào trong 8 mātikā.
3) Antarubbhāra nghĩa là hành trình kaṭhina xả trong giữa thời gian hạn kỳ, là hành trình kaṭhina xả do tụng tuyên ngôn 2 bận (dutiyakammavācā) để xả kaṭhina, không kể vào trong 8 mātikā gọi là antarubhāra, vì là hành trình kaṭhina xả để cho các tỳ khưu không đi ra ngoài vòng sīmā chỉ ngồi trong chùa hội họp nhau làm, trong giữa thời gian hạn kỳ (chưa đến thời kỳ định). Trong phẩm Vinayālaṅkāratikā có giải thêm rằng: antarubbhāra, sahubbhāra, natthidutiyakammavācāyena katāpakkamanantikādayo satta kathinubbhārā nā kammavācā yakatā. Nghĩa là: Trong antarubbhāra và sahubbhāra, tỳ khưu tụng tuyên ngôn 2 bận thì kaṭhina mới xả, còn 7 kathinubbhāra nhất là pakkamānantikā, tỳ khưu không cần tụng tuyên ngôn, nghĩa là nếu có dịp đáng cho kaṭhina xả, kaṭhina xả tự nhiên không cần phải tụng tuyên ngôn.
Vấn: Hai hành trình kaṭhina xả là antarubbhāra và sahubbhāra khác nhau như thế nào? Đáp: Trong phẩm Vinayālaṅkāratikā có giải rằng: antarubbhāra để cho các tỳ khưu (nhiều vị) không ra ngoài vòng sīmā chỉ ngồi trong chùa tụ hội nhau làm phép xả. Còn sahubbhāra để cho một vị tỳ khưu đã ra ngoài vòng sīmā rồi trở lại kịp antarubbhāra ấy vào làm phép xả chung cùng nhau với các tỳ khưu ngụ trong sīmā ấy. Đó là điều khác nhau của hai hành trình ấy.
Vấn: Antarubbhāra tuồng như một hành trình kaṭhina xả khác ngoài 8 mātikā; nếu như thế, mātikā là nguyên nhân cho kaṭhina xả cho đến 9 chăng? Đáp: Không phải như thế, hành trình kaṭhina xả có 1 thôi, song giải ra làm 2 gọi là: 1) sahubbhāra: để cho tỳ khưu đã đi ra ngoài vòng sīmā rồi trở về; 2) antarubbhāra: để cho nhiều vị tỳ khưu không được ra ngoài vòng sīmā. Nên hiểu rằng khi tăng tụ hội tụng xả kaṭhina trong giữa thời gian hạn kỳ, nếu có tỳ khưu đã ra ngoài vòng sīmā, trở về làm phép xả chung cùng nhau, một lần cũng được gọi là 2 trong một lần, bằng không có cũng gọi chỉ có 1 lần thôi. Cho nên Đức Phật chỉ chế ra có 8 mātikā như đã có giải.
Vấn: Tỳ khưu tăng cần phải tụng tuyên ngôn xả kaṭhina trong thời gian giữa hạn kỳ, vì nguyên nhân chi? Đáp: Tỳ khưu tăng cần phải tụng tuyên ngôn xả kaṭhina trong giữa thời gian hạn kỳ như thế vì có các thí chủ thỏa thích làm đại lễ, họ cầu tụng xả cho họ dâng cúng y ngoài thời kaṭhina đến tăng ở phương xa đến hội họp nhiều(69). Tích này Đức Phật cho phép tỳ khưu ni vì có một người cận sự nam bạch cầu xin. Đức Thế Tôn có dạy tụng xả kaṭhina như vầy: phải cho tỳ khưu thông hiểu trình cho tăng biết rằng:
Sunātu me bhante saṅgho yadi saṅghassapattakallaṃ saṅgho kaṭhinaṃ uddhareyya, esānatti.
Sunātu me bhante saṅgho kaṭhinaṃ uddharati yassāyasmato khanati kaṭhinassa uddhā roso tunhassa yassa nakkhamati so bhāseyya ubbhataṃ sanghena kaṭhinaṃ khamati saṅghassa tasmā tunhī evametaṃ dhārāyāmi.
Nghĩa là: Bạch hóa đại đức tăng được rõ, xin tăng nghe tôi trình (sự này) nếu đã vừa thời đến tăng rồi, tăng nên xả kaṭhina ấy là lời trình.
Bạch hóa đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, (nay) tăng xả kaṭhina. Sự xả kaṭhina vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nín thinh, không vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nói lên. Kaṭhina tăng đã xả rồi (sự ấy) vừa đến tăng rồi, vì nguyên nhân tăng làm thinh, tôi ghi nhớ sự ấy do trạng thái tăng làm thinh như thế, lẽ thường kaṭhina xả chỉ vì lìa khỏi 5 quả báo, do đứt cả hai palibodhā.
Cho nên, nếu đứt cả 2 palibodhā phải biết rằng kaṭhina xả rồi, tỳ khưu ấy cũng không còn được 5 quả báo nữa. Nếu còn cả 2 hoặc 1 trong 2 palibodhā, thì kaṭhina chưa xả, tỳ khưu ấy còn được hưởng 5 quả báo; nhưng muốn cho biết palibodhā nào đứt, palibodhā nào không dứt, hoặc palibodhā nào đứt trước, palibodhā nào đứt sau hoặc đứt một lượt cùng nhau chỉ giải phân biện theo 8 mātikā như đã có giải trong phẩm parivāra và phẩm taliyasamantapāsātikā aṭṭhakatha rằng:
1) Trong mātikā thứ nhất pakkamananantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt từ khi còn ngụ tại chùa, vì y đã làm xong, không còn bận việc làm nữa. Avāsapalibodha đứt sau, là đứt một lượt với 1 hành trình tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, kaṭhina xả trong thời ấy.
2) Trong mātikā thứ 2 nitthānantikā, āvāsapalibodha đứt trước là đứt trong khi tỳ khưu định rằng không trở lại chùa cũ nữa. Civarapalibodha đứt sau là đứt khi đã làm y rồi, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
3) Trong mātikā thứ 3 sanniṭṭhānantikā, cả 2 palibodha đứt 1 lượt cùng nhau không trước không sau là đứt khi tỳ khưu quyết định rằng y cũng không nhờ người làm giùm, chùa cũ cũng không trở về, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
4) Trong mātikā thứ 4 nāsanantikā, āvāsapalibodha đứt trước là đứt khi tỳ khưu quyết định rằng không trở lại chùa cũ nữa, civarapalibodha đứt sau là đứt trong khi y đã hư mất, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
5) Trong mātikā thứ 5 savanantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt trong khi đã làm y rồi, āsāsapalibodha đứt sau là đứt 1 lượt vừa khi nghe tin rằng tăng trong chùa tụng xả kaṭhina rồi, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
6) Trong mātikā thứ 6 āsāvacchekika, āvāsapalibodha đứt trước là đứt trong khi tỳ khưu định rằng: không trở lại chùa cũ nữa, civarapalibodha đứt sau là đứt trong khi không còn mong được y nữa, kaṭhina cũng xả trong thời kỳ ấy.
7) Trong mātikā thứ 7 sīmatikkantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt trong khi đã làm y xong, āsāsapalibodha đứt sau là đứt trong khi hết hạn kỳ, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
8) Trong mātikā thứ 8 sahubbhāra, cả 2 palibodha đứt 1 lượt cùng nhau không trước không sau là đứt trong khi tăng tụng dứt 2 bản tuyên ngôn, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
Vấn: Hành trình kaṭhina xả trong sīmā có mấy, ngoài sīmā có mấy, có khi trong sīmā có khi ngoài sīmā có mấy? Đáp: Hành trình kaṭhina xả trong sīmā có 2 là: antarubbhāra và sahubhāra. Ngoài sīmā có 3 là: pakkamanantika, savanantika và sīmātikkantika. Có khi trong sīmā, có khi ngoài sīmā có 4 là: niṭṭhanantika, sanniṭṭhānantika, nāsanantika và āsāvacchedika.
Giải rằng: antarubbhāra và sahubhāra kaṭhina xả trong thời chung cùng nhau là xả vì năng lực tăng tụ hội tụng xả trong vòng sīmā thọ kaṭhina ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả trong vòng. Pakkamanantika, savanantika và sīmātikkantika, kaṭhina xả đối với 1 tỳ khưu, đi làm cho kaṭhina xả, phía ngoài vòng sīmā thọ kaṭhina ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả phía ngoài vòng sīmā. Niṭṭhānantika, samuṭṭhānantika, nāsanantika và āsāvacchedika, kaṭhina xả đối với 1 tỳ khưu. Nhưng nếu tỳ khưu ấy khi trước không bận tìm phần y mà mình phải được, rồi đi ra ngoài vòng sīmā, hết tiếc rằng: “Thôi trở lại”, mà sau đó tỳ khưu khác thức tỉnh ép, cho đi đoạt phần y đó lại, rồi trở về làm cho kaṭhina cũng xả trong vòng sīmā đã thọ kaṭhina. Vậy chỉ về việc phần y mà mình phải được ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả trong vòng sīmā. Nếu tỳ khưu đem phần y mà mình phải được ra ngoài vòng sīmā rồi làm cho kaṭhina xả trong nơi ấy, chỉ 1 lần thì thuộc về hành trình kaṭhina xả ngoài vòng sīmā.(70)
PAKIṆṆAKAKATHĀ
Vấn: Mūla của kaṭhina có mấy? Vatthu có mấy? Bhūmi có mấy? Đáp: Mūla của kaṭhina có 1 là: Tăng tụ hội. Vatthu có 3 là: saṅghāti, uttarāsaṅga và antaravāsaka. Bhūmi có 6 là: y làm bằng chỉ cây, y làm bằng bông, y làm bằng tơ, y làm bằng lông thú, y làm bằng vỏ cây.
Thật vậy, kaṭhina thì đủ mūla, vatthu, bhūmi như đã có giải, thọ mới kết quả được. Nếu chỉ thiếu 1 điều nào, như số tỳ khưu ít hơn 5 vị hoặc thọ kaṭhina bằng y khác ngoài 1 trong 3 y, hoặc y ấy họ làm bằng vật nào khác ngoài 6 thứ chỉ ấy, thì kaṭhina không được kết quả.
Vấn: Pháp chỉ về phần đầu kaṭhina, pháp chỉ về phần giữa, pháp chỉ về phần cuối cùng là thế nào? Đáp: Pubbakaraṇa thuộc về phần kaṭhina, sự xả y cũ adhiṭṭhāna y mới về phần giữa, sự thọ và anumodanā về phần cuối cùng.
Giải: Trong sự phải thọ kaṭhina (kaṭhinatthārakicca) chia ra làm 3 giai đoạn. Đoạn đầu phải lo làm pubbakaraṇa (giặt, vò, nhuộm y) nếu thí chủ họ chưa làm. Đoạn giữa phải xả y cũ (paccuddhāra) của mình rồi adhithāna y mới để thọ kaṭhina ấy. Đoạn cuối cùng phải thọ ra tiếng cho tăng hội được nghe rõ, rồi làm tăng gana, puggala, phải anumodanā, được anumodanā như thế gọi là sự phải thọ kaṭhina (kaṭhinatthārakicca) được kết quả.
Vấn: Người có mấy chi không nên thọ kaṭhina, người có mấy chi nên thọ kaṭhina? Đáp: Người có 8 chi không nên thọ kaṭhina: 1) người không biết pubbakaraṇa (sự phải làm trước khi thọ kaṭhina); 2) không biết paccuddhāra (xả y cũ); 3) không biết adhiṭṭhāna (nguyện đặt tên y mới); 4) không biết atthāra (sự thọ kaṭhina); 5) không biết mātikā (nguyên nhân xả kaṭhina); 6) không biết palibodha (sự buộc kaṭhina); 7) không biết uddhāra (hành trình kaṭhina xả theo 8 mātikā); 8) không biết quả báo (nguyên nhân không phạm tội).
Người có đủ 8 chi (trái với 8 điều giải trên) mới nên thọ kaṭhina được là: 1) biết pubbakaraṇa; 2) biết paccuddhāra; 3) biết adhiṭṭhāna; 4) biết atthāra; 5) biết mātikā; 6) biết palibodha; 7) biết uddhāra; 8) biết quả báo cānissamsa. Tỳ khưu thọ kaṭhina phải biết nhớ rõ rệt 8 điều trên đó mới nên thọ kaṭhina. Vị tỳ khưu biết nhớ các pháp ấy được rõ rệt mới có thể làm cho kaṭhinatthārakicca được kết quả là: 1) phải pubbakaraṇa ngừa sợ e y mà thí chủ họ chưa làm xong (vì không thông hoặc chưa làm kịp); 2) phải biết paccuddhāra để xả y cũ của mình ra; 3) phải biết adhiṭṭhāna để adhiṭṭhāna y kaṭhina sắp thọ; 4) phải biết atthāra để thọ kaṭhina cho đúng theo phép; 5) phải biết mātikā, palibodha, uddhāra cho biết hành trình khi kaṭhina xả; 6) phải biết quả báo cho rõ thế lực của kaṭhina. Nếu không biết, không nhớ các pháp ấy cho rõ rệt, không nên thọ kaṭhina đâu, trừ ra tỳ khưu là vị trưởng lão có tăng hộ trợ lo sắp đặt thế cho.
Vấn: Pubbakaraṇa (sự phải làm trước) giải như thế nào? Đáp: Có 7 điều: 1) dhovana (giặt, vò); 2) vicārana (đo); 3) chedana (cắt); 4) bandhana (may, lượt); 5) sibbana (may xong); 6) rajana (nhuộm); 7) kappakaraṇa (làm dấu y).
Giải rằng: cả 7 điều ấy, nếu còn sót điều nào, tỳ khưu phải làm cho rồi trước khi thọ kaṭhina, không nên thọ rồi sau mới làm. Điều thứ nhất: Nếu vải kaṭhina ấy còn mới, dính bột dệt, hoặc vải cũ dơ thì phải giặt. Điều thứ nhì: phải lo đo cho đúng theo luật định. Điều thứ ba: phải cắt bằng dao hoặc bằng kéo cho đứt có điều lớn, điều nhỏ. Điều thứ tư: phải lượt theo đường đã cắt ấy. Điều thứ năm: phải may theo đường chỉ đã lượt. Điều thứ sáu: phải nhuộm bằng nước nhuộm mà đức Phật cho phép có màu vừa theo sắc bậc Sa-môn. Điều thứ bảy: phải làm dấu bằng 1 trong 3 màu(71) cho hoại sắc y. Phải làm theo thứ tự, từ thứ nhất đến thứ nhì là không nên làm sai, trước làm sau, sau làm trước, nhưng nếu họ đã làm xong thì càng tốt, bằng còn sót điều nào phải làm cho rồi mới được (hiện thời chỉ còn sót điều thứ 7, tỳ khưu thọ cần phải làm có bấy nhiêu thôi).
Vấn: Paccuddhāra, adhiṭṭhāna giải như thế nào? Đáp: Paccuddhāra nói về 3 pháp là: saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka. Adhiṭṭhāna cũng nói về 3 pháp ấy. Nhưng paccuddhāra nói về saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka cũ mà mình đã dùng, còn adhiṭṭhāna nói về saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka là y kaṭhina ấy. Nếu muốn thọ bằng saṅghāti, phải paccuddhāra xả saṅghāti cũ, rồi adhiṭṭhāna saṅghāti mới. Thọ uttarāsanaga hoặc antaravāsaka cũng phải xả uttarāsanaga hoặc antaravāsaka cũ ra, rồi adhiṭṭhāna uttarāsanaga hoặc antaravāsaka mới như nhau.
Vấn: Atthāra (sự thọ) nói về mấy pháp? Đáp: Atthāra chỉ nói về 1 pháp là nói ra tiếng. Giải: Tỳ khưu thọ phải nói ra tiếng cho tăng hội nghe rõ rệt mới kết quả kaṭhina, nếu thọ thầm thì một mình(72), tăng hội không được nghe với, thì kaṭhina không được kết quả. Còn về cách thức phải thọ như thế nào đã giải ở phía trước đều đủ rồi.
Vấn: Sự thọ kaṭhina của mấy hạng người không được kết quả, mấy hạng người được kết quả? Đáp: Sự thọ kaṭhina của 3 hạng người không được kết quả là: người ở ngoài vòng sīmā thọ anumodanā kaṭhina; người thọ anumodanā kaṭhina không nói ra tiếng; người thọ ra tiếng không cho kẻ khác nghe hiểu nghĩa lý.
Sự thọ kaṭhina của 3 hạng người sau này mới được kết quả là: người ở trong vòng sīmā thọ anumodanā kaṭhina; người thọ anumodanā kaṭhina được nói ra tiếng; người nói ra tiếng cho người khác nghe nghĩa lý được rõ rệt.
Vấn: Sự thọ kaṭhina mấy cách không kết quả, mấy cách được kết quả? Đáp: 3 cách thọ kaṭhina không kết quả là: vatthuvipanna, kālavipanna, karaṇavipanna. Cách thọ kaṭhina được kết quả là: vatthusampanna, kālasampanna, karaṇasampanna.
Giải: Tiếng vatthuvipanna nghĩa là vật sái nói về y kaṭhina không nên dùng (akapiya) là y không đúng phép. Kālavipanna nghĩa là ‘thời sái’, nói về thời là họ dâng y trong ngày nay, tăng giao cho tỳ khưu người thọ trong ngày mai. Karaṇavipanna: nghĩa là ‘làm sái’, nói về thí chủ họ chưa làm y xong, rồi tỳ khưu không cắt làm cho rồi trong ngày ấy. Tiếng vatthusampanna nghĩa là ‘vật phải’, nói về y kaṭhina làm đúng theo phép. Kālasampanna nghĩa là ‘thời phải’, nói về thí chủ họ dâng trong ngày nào, tăng giao cho tỳ khưu người thọ trong ngày ấy. Karaṇasampanna nghĩa là ‘làm phải’, nói về thí chủ dâng y làm đúng theo phép hoặc họ làm chưa xong, tăng giao cho trong ngày nào, tỳ khưu người thọ được cắt làm cho đúng trong ngày ấy, không để qua đến ngày khác. Nói tóm lại, tỳ khưu thọ kaṭhina bằng y không nên dùng (akappiya) như y có bông, có màu sái, thí chủ dâng y đến trong ngày nay, tăng giao cho tỳ khưu thọ đến ngày mai, thọ như thế thì kaṭhina không được kết quả. Trừ ra y làm bằng vải, nên dùng (kappiya), tăng cũng giao cho tỳ khưu thọ trong ngày ấy, thọ như thế kaṭhina mới được kết quả.
Vấn: Tháng nào nên thọ kaṭhina? Đáp: Tháng nên thọ kaṭhina là trong 1 tháng cuối cùng của mùa hạ. Giải: Sự thọ kaṭhina, đức Thế Tôn chỉ cho phép thọ được trong 1 tháng chót mùa hạ: kể từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10. Trong khoảng 29 ngày ấy, ngày nào cũng thọ được cả. Ngoài vòng 29 ngày ấy, thọ kaṭhina không kết quả, dầu có thọ cũng chẳng kết quả chi.
Vấn: Sự thọ kaṭhina sái (atthāravipatti) hay là thọ phải (atthārasampati), phải biết bằng cách nào? Đáp: sự thọ kaṭhina sái hoặc thọ phải biết theo 24 thể thọ, không kết quả và 17 thể thức thọ được kết quả như đã có giải.
Trích dịch trong Kaṭhinakhandhaka thứ 7 của phẩm Mahāvagga, cũng vừa đủ nghĩa lý chỉ có bấy nhiêu.
Khemam pappontu pānino. Cầu cho tất cả chúng sanh đều được vui.
Bhikkhu Vansarakkhita
Tỳ Khưu Hộ Tông
-oo0oo-
(59) Nói 5 vị mới thọ kaṭhina được là 4 vị làm tăng để giao y kaṭhina, 1 vị làm người thọ kaṭhina.
(60) Cho phép thi hành.
(61) Để pháp danh Tỳ khưu thọ Kaṭhina vào chỗ (“itthannāmassa”).
(62) Nếu không có tỳ khưu anumodāna đã thọ rồi thì xong.
(63) Nếu tỳ khưu thọ cao hạ hơn tỳ khưu anumodāna thì đọc āvuso.
(64) Nếu có nhiều vị anumodāna hoặc có một vị cao hạ hơn thì vị đọc anumodātha, còn một vị anumodāna thấp hạ thì đọc anumodāhi.
(65) Nếu tỳ khưu anumodāna cao hạ hơn tỳ khưu thọ thì đọc āvuso, bằng thấp hạ hơn thì đọc bhante.
(66) Nhiều vị thì đọc anumodāna, một vị thì đọc anumodāmi.
(67) Nên nhuộm như màu cây mít.
(68) Mong rằng chắc sẽ được y trong nơi khác.
(69) Có giải trong tạng Luật, phẩm thứ 5, nếu tăng không tụng xả kaṭhina, lộc của tăng phát sanh trong chùa ấy về phần tỳ khưu trong chùa ấy thôi, các tỳ khưu khác không được thọ kaṭhina, hoặc ở phương xa đến không được phép lãnh. Tăng tụng xả kaṭhina thì lộc của tăng phải chia đến các tỳ khưu khác.
(70 Muốn rõ điều này nên xem tạng Luật, phẩm thứ 8.
(71) Màu xanh, sám tro, đen sậm.
(72) Là nói nhỏ đủ một mình nghe.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.