PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
QUỈ VƯƠNG VẤN ĐẠO
(YAKKHA PAÑHĀ)
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
GIẢNG CÂU HỎI THỨ BA CỦA QUỈ VƯƠNG
Saccaṃ have sādhutaraṃ rasānaṃ
Ngay thật là vị ngon nhất, có 6 là: 1) vācāsacca: lời nói chân thực; 2) viratisacca: kiêng cữ chân thực; 3) diṭṭhisacca: kiến thức chân thực; 4) brahmanasacca: sự chân thực của bà- la-môn; 5) paramatthasacca: kỳ diệu chân thực; 6) ariyasacca: Thánh nhân chân thực.
Chú thích: 1) Chỉ về lời nói người thốt ra ngay thật. 2) Chỉ về sự ngay thật của điều kiêng cữ theo sở nguyện: “pānātipātā veramani”: tôi kiêng sự sát sanh; v.v..., 3) Chỉ về sự ngay thật theo sở kiến; nghĩa là người thấy thế nào thì nói ngay thật như vậy; nếu tự mình không được thấy, thì nói rằng không thật, như phái ngoại đạo đã cãi cọ nhau rằng: điều này thật, điều kia không thật v.v... 4) Chỉ về 4 điều thật của các Sa-môn, bà la môn là: không nên sát sanh; ngũ dục là không thường, là khổ; các cõi vô thường là khổ, theo lẽ tự nhiên; sự rỗng không. 5) Chỉ về sự thực mầu nhiệm là Niết-bàn, vì Niết-bàn là mầu nhiệm thật “Như hiểu rằng: ngũ uẩn, yếu tố, ngũ căn”v.v... Vì chấp theo đời gọi là người, chúng sanh v.v.... Nhưng hiểu theo đạo thì gọi là ngũ uẩn, lục căn, lục trần v.v..... Chẳng phải người, chúng sanh chi chi, nhưng chỉ là phỏng đoán ước lệ cho hiểu nhau mà thôi. 6) Ariyasacca: Tứ đế (4 điều chân thật).
Vấn: Trong câu “Ngay thật là vị ngon nhất” vậy chớ đó là vị gì?
Đáp: Các vị nhất là vị sanh từ rễ và thân cây cùng vị của sắc, tiếng, v.v...
Vấn: Đó là chỉ về vị bên ngoài phải không?
Đáp: Nếu nói tóm tắt có 2 vị: vị bên ngoài và vị bên trong. Bên ngoài chỉ về vị của các vật thể; vị bên trong chỉ về 3 vị chân thật. Lời nói chân thật, kiêng cữ chân thật, kỳ diệu chân thật.
Vấn: Cả 3 vị này cao quý ra sao?
Đáp: Vị của các vật thể như thực phẩm là nhân sanh sắc v.v... Còn vị của sắc, tiếng v.v... thuộc ngũ dục, là nhân sanh của phiền não, làm cho khó chịu. Phần vị của chân thật trong sự kiêng cữ hằng khiến cho phấn khởi tâm hướng về thiền định, thông tuệ và không cho sanh phiền não, khó chịu. Vị của kỳ diệu chân thực hằng cho sanh sự giải thoát khỏi luân hồi.
Vấn: Xin chỉ cho thấy rõ vị của chân thực quý hơn vị bên ngoài thế nào?
Đáp: Vị bên ngoài như vị cây tốt, thì chỉ tốt nhứt thời thôi, như vị của thực phẩm vừa qua khỏi cổ thì hết ngon. Còn vị của chân thật thì vui sướng đều đều; nghĩa là tự mình biết vui sướng vừa lòng luôn luôn, như có kẻ nói thực với mình làm cho chính mình biết vừa lòng, không làm trái. Nếu bị người dối gạt thì mình không hài lòng, càng làm cho mình thất lợi, mình thêm bất bình.
Vấn: Song làm thế nào cho mọi người chỉ thốt lời ngay thực luôn luôn được?
Đáp: Phải thấy tội của lời dối gạt, thấy phước của tiếng chân thực mới được.
Vấn: Về sự kiêng, làm thế nào mới có thể kiêng được đứng đắn theo lời nguyện, như nguyện với nhà sư rằng: “Pānātipātā veramani sikkhapadaṃ samādiyami” (Tôi xin thọ trì điều học tức là kiêng sự sát sanh) v.v... rồi làm sao chừa cải hẳn được mãi mãi?
Đáp: Phải xem xét về phước của sự kiêng cho thấy rõ trong tâm, cho đến khi thừa nhận dám bỏ của cải, bỏ tứ chi, máu, thịt, hy sinh mới được, nếu không sẽ phạm vì tiếc của, lưu luyến thân thể hay nghĩ đến sinh mệnh.
Vấn: Về kỳ diệu chân thực tức Niết-bàn làm thế nào mới thấy rõ rằng: Niết-bàn là quý báu hơn tất cả cái chi hết?
Đáp: Phải quan sát cho nhiều đến sự khổ, cho đến khi thấy đời toàn là khổ, dù là mình chấp rằng là vui, như ăn no; ngủ thì toàn là khổ, vì phải làm để ăn, phải làm để ngủ; ngủ nhiều là nhân cho say mê, mệt mỏi không vui. Như đi xem lễ cũng là khổ, vì nếu xem không vừa lòng thì sanh bất mãn, chơi khuya thì buộc phải tiêu phí tốn hao, v.v... Khi quan sát thì càng thấy khổ, rồi chỉ thấy Niết-bàn là vui nhất. Phải hành như thế, mới hiểu Niết-bàn là chân thực, vui thực, như thế mới là nhân mong đắc Niết-bàn. Đấy là nhân sanh từ bỏ các tội lỗi, chỉ làm việc phước đức, khi phước đức dồi dào đầy đủ là nhân cho thấy Niết-bàn vừa với sở nguyện.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.