Giảng câu hỏi thứ nhì của Quỉ vương

Giảng câu hỏi thứ nhì của Quỉ vương

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    QUỈ VƯƠNG VẤN ĐẠO
    (YAKKHA PAÑHĀ)

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    GIẢNG CÂU HỎI THỨ NHÌ CỦA QUỈ VƯƠNG

    Vấn: Kinsu suciṇṇo sukhamāvahāti? ‒ Tích trữ cái chi mới vui nhất?

    Đáp: Chứa chất pháp mới là được vui”.

    Vấn: Tiếng “pháp” đây chỉ về Pháp nào?

    Đáp: Tiếng “pháp” đây chỉ về thập thiện và pháp nhứt là bố thí, trì giới. Hai pháp này mà người tích trữ đúng đắn thì hằng được hạnh phúc ở cõi người, Trời và Niết-bàn như trong sự tích: ratthapala về đức Đế Thích Mahapadula(6).

    Vấn: Còn “thập thiện” đem hạnh phúc đến cho, là như thế nào?

    Đáp: Hạnh phúc được “thập thiện” đem đến như vầy: Nếu tin thập thiện thì không gây oan trái, tội lỗi, không sợ bị người ta làm hại.

    Vấn: Được quả phúc tức là không có oan trái, không có lo sợ nghĩa là sao?

    Đáp: Nếu mình không hại kẻ khác, thì họ không hại mình: không trộm cướp của người; người không cướp của mình, mình không bị hành phạt; không tà dâm, thì không bị người làm khổ mình; mình không dối gạt người, người không oán giận mình; không chửi mắng người, mình không bị người chửi mắng; không nói sang dường, họ không nói lời vô ích với mình; không tham của họ, họ không tính lấy của mình; không oán ghét họ, họ không oán ghét mình; không tà kiến thì mình không hiểu quấy, không nói càn làm càn, tránh được nguyên nhân sanh quả khổ.

    Vấn: Như đã giảng đó là tội hiện tại hay vị lai?

    Đáp: Tội cả hai kiếp, song phần nhiều là quả báo hiện tại; phần vị lai thì nặng hơn: Nghĩa là tội sát sanh sau khi thác, phải sa địa ngục, luân chuyển trong 4 ác đạo rất lâu; Khi được lên làm người, còn phải bị yểu tử. Tội trộm cướp phải đọa trong 4 ác đạo, chừng trở nên làm người; phải chịu cảnh nghèo đói. Tội tà dâm phải đọa trong 4 ác đạo, khi được làm người thì có thù nghịch. Tội hay nói dối sau khi khỏi ác đạo, sẽ là người hay bị vu oan giá họa (2). Tội chửi mắng, sẽ thường nghe kẻ khác chửi mắng. Tội xúi giục người chia rẽ nhau, phải sa trong 4 ác đạo, lên làm người thì sẽ bị xúi giục chia rẽ nhau. Tội nói sai đàng sa trong 4 ác đạo, sau không có ai tín nhiệm mình .v.v...

    Sự chất chứa thập thiện, nhất không sát sanh, là nhân cho quả vui, vô oan trái, không có sự kinh sợ như đã giải đó, mới gọi là nhân sanh hạnh phúc. Thực hành chân chánh theo thập thiện thì khỏi sa vào trong 4 ác đạo (địa ngục, Ngạ quỉ, A-tu-la, cầm thú). Trái lại sẽ thọ sanh trong hai nhàn cảnh (cõi người và Thiên đàng).

    Trên đây phước báu của thập thiện và phần tội đã được giải rỏ, đây xin giảng thêm về những phương tiện để bài trừ thập ác.

    Vấn: Nghĩa là làm thế nào người đời mới trừ bỏ thập ác và chỉ hành theo thập thiện được?

    Đáp: Phải hành như vầy:

    1) Phải quan sát đến tội của thập ác cho nhiều; nghĩa là mình phải nhận thức rằng: Tội sát sanh là nhân làm cho mình phải bị người giết trong hiện tại, hoặc sau khi thác phải đọa trong 4 ác đạo, đến lúc tái sanh làm người, thì yểu tử (chết trong thai bào, chết khi khai hoa, chết lúc còn bé) v.v... Trái lại còn phải xét kỹ đến quả phúc hành thập thiện cho nhiều, nghĩa là phải biết chắc rằng: không sát sanh, mình sẽ không bị người hại, đến khi thác không sa đọa trong địa ngục, được sanh trong nhàn cảnh (người, trời), là người trường thọ, thân tâm được yên vui v.v... Những niệm tưởng để thấy tội như trên, là những nguyên nhân sanh hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Còn những suy nghĩ đến phước như trên kia, là những nguyên nhân phát sanh sự vừa lòng (chanda), tinh tấn (viriya), quan tâm (citta), nghĩ ngợi về nhân quả (vimaṃsā) gọi là tứ như ý túc (iddhipāda) rồi trừ bỏ được dễ dàng.

    2) Phải cố quan sát về người và ta, nghĩa là suy nghĩ rằng: họ không muốn bị hại, bị cướp, bị vợ ngoại tình, bị lừa phỉnh chửi mắng, chia rẽ v.v... Nếu gắng sức nghĩ ngợi thường thường như thế thì sẽ bài trừ được thập ác không khó.

    Vấn: Nếu kẻ biếng nhác thì phải làm thế nào?

    Đáp: Kẻ lười biếng thì khó, nhưng có 11 phương pháp làm cho họ nỗ lực được, là: 1) Cho họ tưởng đến cảnh khổ trong 4 ác đạo; 2) Cho họ tưởng đến phước báu của sự cần mẫn; 3) Cho họ tưởng đến lỗi hành trình của bậc hiền nhân; 4) Cho họ tưởng đến thực phẩm mà họ dùng, dễ tìm hay khó kiếm; 5) Cho họ tưởng đến di sản của nghiệp dữ cho quả; 6) Cho họ tưởng rằng đã được gặp Phật Pháp; 7) Cho họ tưởng đến sự sanh ra làm người là cao quý (là khó được); 8) Cho họ tưởng đến người đã được hạnh phúc bằng sự cố gắng; 9) Không nên thân cận cùng kẻ biếng nhác; 10) Nên gần gũi bậc siêng năng về đạo đức; 11) Phải khuynh hướng về tinh tấn nghĩa là nghĩ rằng “ta phải cố gắng”.

    Vấn: Nếu họ không tưởng đến hoặc hành theo 11 điều ấy thì làm sao cho họ tinh tấn được?

    Đáp: Phải bỏ liều cho lửa thiêu họ cho đến khi họ được cảnh tỉnh lấy họ.

    Vấn: Lửa gì thiêu họ?

    Đáp: Lửa tức là sự lười biếng của họ đó.

    Vấn: Xin cho một thí dụ?

    Đáp: Khi họ lười biếng, tìm dịp hại người, trộm cướp của người v.v..., thì không lâu họ phải bị lửa đốt tức là phải chịu hành phạt vì tội hại người và tội trộm cướp đốt họ, nghĩa là phải chịu hành phạt theo quy lực như vậy.

    Vấn: Xin hỏi tiếp thêm: Trong 10 nhân sanh phước, nhân nào cho hạnh phúc hiện tại, và cho thế nào?

    Đáp: Vậy, nên cố gắng nghe cho chơn chánh: tài thí làm cho con người kính mến; trì giới, giữ giới luật làm cho tâm mát mẻ; niệm Phật tập trung tư tưởng cho tâm yên lặng trong sáng.

    1) Dāna: trì thí làm cho con người kính mến. 2) Sīla: trì giới, giữ giới luật cho tâm mát mẻ. 3) Bhāvana: tập trung tư tưởng (niệm phật, tham thiền) cho tâm yên lặng. 4) Apacãyana: từ tốn, nhún nhường và khiêm tốn làm cho bậc trưởng thượng mến yêu và cho kẻ nhỏ kính trọng. 5) Veyyāvaca: phụng dịch, vui lòng giúp đỡ công việc của kẻ khác làm cho họ vừa lòng đẹp ý. 6) Pattidāna: hồi hướng, chuyển phước của mình đã được, cho kẻ khác được dung nạp vui thích nhau. 7) Pattānumodanā: hoan hỷ phước mà người hồi hướng, thì mình sẽ bài trừ được lòng ganh tỵ, ngã mạng, tự cao. 8) Dhammasssavanam: nghe pháp được 5 quả bảo: được nghe pháp mà mình chưa từng nghe; làm cho pháp mình đã nghe càng nhuần nhã; trừ được sự hoài nghi; làm cho sự hiểu biết thêm chân chánh, (tâm của người nghe pháp hằng vui thích) là nhân sanh trí tuệ. 9) Dhammadesanā: thuyết pháp do tâm trong sạch, không mong lợi, được vật dâng cúng, là quả phúc thanh cao của người thuyết pháp và thính giả chú tâm nghe thì hằng phát tâm hoan hỷ sẽ trừ được phiền não. 10) Diṭṭhujūkamma: Kiến thức chân chánh; nghĩa là thấy rằng: chúng sanh đều có cái nghiệp là của mình; ai làm lành được vui; làm dữ chịu khổ, tạo nghiệp nào phải chịu quả nấy. Sự thấy biết chân chánh là quan trọng nhất, có thể giúp ta thoát ly khổ hãi, như Phật ngôn sau đây: Sammādiṭṭhi samādānā sabbaṃ dukkhaṃ apacca. Nghĩa: “Những người thoát khổ được là do tuân theo chánh kiến.” Vì thế làm cho sự hiểu biết thêm chân chánh mới khép vào trong nhân cho sanh quả.

    Mười nhân cho sanh quả phước đã giải là căn bản để bổ túc phước trong Phật giáo, đây là nền tảng để tạo hạnh phúc, có thể cắt đứt những phiền não thô thiển bực trung và vi tế cho đến khi tận diệt lậu phiền não, được thoát ly thống khổ.

    Vấn: Quả vui đó là quả tin tưởng hay quả ấn chứng (thấy)?

    Đáp: Là quả thấy hiện thật, không phải tin, nghĩa là chính mình thấy khi làm được, không phải tin lời nói của kẻ khác. Người hành điều nào sẽ thấy rõ quả phúc trong điều ấy. Nếu ai không tin hãy thử thật hành rồi sẽ rõ.

    Tóm lại, nói cho thiết thật thì chư Phật tử thường hành pháp, bố thí, trì giới, niệm Phật, nghe Pháp hằng rõ rệt phát sanh đến tâm trạng của tín đồ, trừ phi kẻ nào không lưu ý thì thôi.

    Vấn: Quả báo đã giải trên là như thế nào mới gọi là kết quả trong hiện tại?

    Đáp: Nên lắng nghe cho kỹ: 1) bố thí sẽ trở thành người giàu có; 2) trì giới sẽ sanh sắc đẹp; 3) niệm Phật phát sanh trí tuệ; 4) từ tốn được sanh trong dòng dõi cao sang; 5) phụng sự có nhiều kẻ tùy tùng; 6) hồi hướng phước được nhiều hạnh phúc đến mình và người.

    -oo0oo-

    (6) Xem tại link tích truyện đế thích.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.