NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN III
PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
GIẢNG GIẢI BÁT-GIỚI ĀJĪVAṬṬHAMAKASĪLA
* Ājīvaṭṭhamakasīla: Ājīva + aṭṭhamaka + sīla.
- Ājīva: Mạng sống, nuôi mạng
Có 2 cách:
- Micchājīva: Cách sống tà-mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành 3 ác-nghiệp, khẩu hành 4 ác-nghiệp, làm 5 nghề buôn bán: buôn bán vũ khí, buôn bán người làm nô lệ, giết gia súc bán thịt, buôn bán rượu, bia và các chất say, buôn bán thuốc độc giết hại chúng sinh, ...
- Sammā ājīva: Cách sống chánh-mạng, nghĩa là sống bằng cách thân hành 3 thiện-nghiệp, khẩu hành 4 thiện- nghiệp, không làm 5 nghề buôn bán như không buôn bán vũ khí, không buôn bán người làm nô lệ, không giết gia súc bán thịt, không buôn bán rượu, bia và các chất say, không buôn bán thuốc độc giết hại chúng sinh, ...
- Aṭṭhamaka: Thứ 8.
- Sīla: Điều-giới.
- Ājīvaṭṭhamakasīla: Điều-giới thứ 8 là điều-giới tránh xa cách sống tà-mạng, sống theo chánh-mạng.
Bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla có 8 điều-giới, 4 điều-giới đầu là điều-giới thứ nhất, điều-giới thứ nhì, điều-giới thứ ba và điều-giới thứ tư đã giảng giải trong phần ngũ-giới.
- Điều-Giới Thứ 5
Pisuṇavācā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Pisuṇavācā: Pisuṇa + vācā
- Pisuṇa: Làm cho chia rẽ, phá tan sự đoàn kết.
- Vācā: Lời nói.
- Pisuṇavācā: Lời nói chia rẽ nhau, lời nói làm mất tình thương yêu đoàn kết nhau.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói lời chia rẽ.
CHI-PHÁP PHẠM ĐIỀU-GIỚI NÓI LỜI CHIA RẼ
Người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ phải hợp đủ 5 chi-pháp:
1- Nói lời chia rẽ giữa hai người đang thân thiết với nhau.
2- Tác-ý ác làm cho hai người ấy chia rẽ nhau.
3- Cố gắng bằng khẩu để hai người ấy chia rẽ nhau.
4- Hai người nghe và tin lời người nói, rồi lánh xa nhau.
5- Hai người oán ghét lẫn nhau, rồi chia rẽ xa lánh.
Nếu người nào hội đủ 5 chi-pháp này thì người ấy đã phạm điều-giới nói lời chia rẽ. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói lời chia rẽ.
GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NÓI LỜI CHIA RẼ
SỰ NÓI LỜI CHIA RẼ NHƯ THẾ NÀO?
Cậu A và cô B là hai người bạn thân thiết với nhau, thường giúp đỡ lẫn nhau. Cô C nhìn thấy họ như vậy nên sinh tâm ganh tỵ, tìm cách làm cho cậu A và cô B nghi ngờ lẫn nhau, rồi ghét nhau dẫn đến xa lánh nhau.
Cô C lén tìm đến gặp cậu A nói rằng:
- Này anh A! Em nói cho anh biết, cô B lén lút quan hệ với người con trai khác, anh nên thận trọng là hơn.
Ban đầu cậu A không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cậu A phát sinh tâm nghi ngờ về cô B.
Vì nghi ngờ nên mỗi khi gặp cô B, cậu A thường có thái độ dè dặt.
Lúc khác cô C lén tìm đến gặp cô B khuyên rằng:
- Này em B! Chị nói cho em biết, cậu A lén lút quan hệ với người con gái khác, em hãy thận trọng trong việc quan hệ với cậu ấy để tránh sự hối hận về sau.
Ban đầu cô B không tin, nhưng do cô C nói nhiều lần khiến cho cô B phát sinh tâm nghi ngờ về cậu A.
Vì nghi ngờ nên cô B có thái độ dè dặt, bắt đầu để ý, dò xét thấy gần đây cậu A có thái độ dè dặt đối với cô. Cô B tin lời cô C nói thật và nghĩ rằng:
“Chị C thật tâm thương mình nên nhắc nhở.”
Về phía cậu A, từ khi nghe lời cô C, cậu A cũng dò xét để ý thấy cô B gần đây có thái độ bớt thân thiết như trước, đáng nghi ngờ, nên nghĩ rằng:
“Chắc có lẽ điều mà cô C nói là sự thật.”
Một hôm, bất ngờ cậu A nhìn thấy cô B đang nói cười vui vẻ với một người con trai khác ở một nơi. Cậu A lẫn tránh không cho cô B nhìn thấy, rồi nghĩ rằng:
“Cô C có tâm tốt đối với ta, cô ấy không muốn ta thất vọng.”
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Cậu A tìm đến gặp cô B, mắng nhiếc cô B rằng: - Cô là con người lừa dối, không thật tâm với tôi.
Khi nghe cậu A mắng như vậy, cô B do bị xúc phạm quá nặng và vì quá oan ức, nên cô cũng phản ứng gay gắt rằng:
- Anh cũng không tốt gì đâu!
Hai người tin theo lời nói chia rẽ của cô C, hiểu lầm nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.
Như vậy, cô C đã phạm điều-giới nói lời chia rẽ.
Nói lời chia rẽ do khẩu là chính, nhưng cũng có trường hợp thuộc về phần thân: Không nói mà có cử chỉ, hành động, hoặc viết thư gửi cho hai người khiến cho họ hiểu lầm nhau, ghét bỏ nhau, rồi xa lánh nhau.
PHẠM ĐIỀU-GIỚI NÓI LỜI CHIA RẼ TẠO ÁC-NGHIỆP
Người phạm điều-giới nói lời chia rẽ tạo ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ tùy thuộc vào đối tượng người có giới đức hoặc người không có giới đức.
Nếu người nào có tác-ý trong ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người có giới đức thì người ấy tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng.
Nếu người nào có tác-ý trong ác-tâm nói lời chia rẽ giữa hai người không có giới đức, thì người ấy tạo ác- nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ.
QUẢ XẤU CỦA ÁC-NGHIỆP NÓI LỜI CHIA RẼ
* Người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ, tạo ác- nghiệp nói lời chia rẽ nặng, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nặng ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại- thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
* Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói lời chia rẽ, tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người thường sống bất hòa với cha mẹ, anh em, bà con thân quyến, bạn bè, vợ chồng, ...
2- Là người thường bị người khác đánh đập, bị tàn tật.
3- Là người không có bạn bè thân thiết.
4- Là người có bạn bè không bền vững, không lâu sẽ bỏ nhau.
5- Là người có nhiều người không ưa thích, không thân thiết.
6- Là người thường có tâm bị ô nhiễm bởi phiền-não, thường khổ tâm, ...
QUẢ CỦA ĐẠI-THIỆN-NGHIỆP TRÁNH XA SỰ NÓI LỜI CHIA RẼ
Người nào đã thọ trì bát-giới ājivaṭṭhamakasīla, giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói lời chia rẽ, tạo đại-thiện- nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Hoặc sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi- kāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an- lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, trường hợp nếu đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện- tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả- tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Quả tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời chia rẽ là hoàn toàn trái ngược với quả xấu của ác-nghiệp nói lời chia rẽ như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người thường sống hòa thuận với cha mẹ, anh em, bà con thân quyến, bạn bè, vợ chồng, ...
2- Là người không bị người khác đánh đập, không bị tàn tật.
3- Là người có nhiều bạn bè thân thiết.
4- Là người có bạn hữu thân thiết không bỏ nhau.
5- Là người có nhiều người thương yêu, quý mến.
6- Là người thường có tâm ít bị ô nhiễm bởi phiền-não, sống an-lạc.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.