NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN III
PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
ĐIỀU-GIỚI THỨ BẢY: ĐIỀU GIỚI NÓI LỜI VÔ ÍCH
Samphappalāpā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
* Samphappalāpā: Sampha + palāpā
- Sampha: Làm mất sự lợi ích và sự an-lạc.
- Palāpā: Lời nói.
- Samphappalāpā: Lời nói làm mất sự lợi ích và sự an-lạc.
* Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
* Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói lời vô ích.
CHI-PHÁP PHẠM ĐIỀU-GIỚI NÓI LỜI VÔ ÍCH
Người nào phạm điều-giới nói lời vô ích phải hợp đủ 2 chi-pháp:
1- Tác-ý trong ác-tâm nói lời vô ích.
2- Nói lời vô ích.
Nếu người nào hội đủ 2 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới nói lời vô ích. Nếu không đủ 2 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói lời vô ích.
GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NÓI LỜI VÔ ÍCH
Trường hợp người nào nói hoặc người viết sáng tác những chuyện không có thật thành câu chuyện để cho người nghe hoặc người đọc tin theo, say mê theo lời nói của mình, rồi họ thấy sai làm mất sự lợi ích, sự an-lạc.
Như vậy, lời nói của người ấy gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa).
Trường hợp người nào nói hoặc người viết những câu chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để làm cho người nghe, người đọc say mê tiêu khiển trong chốc lát, làm mất thì giờ mà không đem lại lợi ích, gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa), nhưng không gọi là lời nói-dối (musāvāda), bởi vì người nói hay người viết không có tác-ý trong ác-tâm nói-dối làm cho người nghe, người đọc tin theo rồi gây ra sự tai hại.
Nếu người nào nói hoặc người viết những chuyện nhảm nhí, hoang đường, không có thật, để người nghe hoặc người đọc say mê, tin theo rồi làm mất lợi ích, gây ra sự tai hại, thì người nói hoặc người viết phạm điều- giới nói lời vô ích và phạm điều-giới nói-dối nữa.
Trường hợp người nào nói hoặc người viết những chuyện không có thật để làm ví dụ trong việc giảng dạy, để giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu theo lời dạy ấy thì lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.
Trường hợp người nào nói hoặc người viết trình bày những câu chuyện có thật, đúng theo sự thật, nhưng không đem lại lợi ích gì cho người nghe hoặc người đọc.
Như vậy, lời nói của người ấy không gọi là lời nói vô ích.
PHẠM ĐIỀU-GIỚI NÓI LỜI VÔ ÍCH TẠO ÁC-NGHIỆP
Nếu người phạm điều-giới nói lời vô ích trở thành thói quen hằng ngày như các diễn viên hài, viết chuyện vui cười, chuyện nhảm nhí,...thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng.
Nếu thỉnh thoảng hoặc đôi khi nói lời vô ích, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.
QUẢ XẤU CỦA ÁC-NGHIỆP NÓI LỜI VÔ ÍCH
* Người nào phạm điều-giới nói lời vô ích, tạo ác- nghiệp nói lời vô ích nặng, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nặng ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại- thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
* Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói lời vô ích, tạo ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người có nhiều người không tin theo lời nói của mình.
2- Là người có nhiều người không ưa thích.
3- Là người không được nhiều người kính trọng.
4- Là người không thể nói cho người khác tin theo.
5- Là người nghèo khổ túng thiếu.
6- Là người không có quyền lực.
7- Là người thiểu trí (ngu dốt).
QUẢ-CỦA ĐẠI-THIỆN-NGHIỆP TRÁNH XA SỰ NÓI LỜI VÔ ÍCH
* Người nào đã thọ trì bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla, giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói lời vô ích, tạo đại-thiện- nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Hoặc sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi- kāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an- lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, trường hợp nếu đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện- tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả- tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Quả tốt của đại-thiện-nghiệp tránh xa sự nói lời vô ích là hoàn toàn trái ngược với quả xấu của ác-nghiệp nói lời vô ích như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người có nhiều người tin theo lời nói của mình.
2- Là người có nhiều người thương yêu, quý mến.
3- Là người có nhiều người kính trọng.
4- Là người có thể nói cho người khác tin theo.
5- Là người sống hạnh phúc an-lạc.
6- Là người có nhiều quyền lực.
7- Là người có nhiều trí-tuệ có tài đối đáp nhanh nhẹn.
NÓI LỜI VÔ ÍCH
Nói lời vô ích (niratthakathā) là nói những lời không đem lại sự lợi ích. Trong kinh Sāmaññaphalasutta (1) Đức-Phật thuyết giảng có 32 chuyện không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ gọi là tiracchānakathā, đó là:
1- Rājakathā: Nói chuyện về Đức-vua, Hoàng tộc, ...
2- Mahāmattakathā: Nói chuyện về các quan trong triều đình, trong chính phủ.
3- Corakathā: Nói chuyện về bọn trộm cướp.
4- Senākathā: Nói chuyện về quân đội.
5- Bhayakathā: Nói chuyện về tai họa.
6- Yuddhakathā: Nói chuyện về chiến tranh.
7- Annakathā: Nói chuyện về vật thực: cơm, gạo, ...
8- Pānakathā: Nói chuyện về đồ uống.
9- Vatthakathā: Nói chuyện về vải, quần áo.
10- Mālākathā: Nói chuyện về các loại hoa, vòng hoa.
11- Sayanakathā: Nói chuyện về chỗ nằm, chỗ ở.
12- Ghandhakathā: Nói chuyện về mùi thơm, dầu thơm.
13- Ñātikathā: Nói chuyện về bà con, dòng họ.
14- Yānakathā: Nói chuyện về xe cộ.
15- Gāmakathā: Nói chuyện về xóm làng.
16- Nigamakathā: Nói chuyện về quận, huyện.
17- Nagarakathā: Nói chuyện về thành phố.
18- Janapadakathā: Nói chuyện về vùng quê,
19- Itthikathā: Nói chuyện về đàn bà.
20- Purisakathā: Nói chuyện về đàn ông.
21- Kumārakathā: Nói chuyện về những chàng trai.
22- Kumārīkathā: Nói chuyện về những cô gái.
23- Surakathā: Nói chuyện về sự can đảm.
24- Visikhākathā: Nói chuyện về đường xá.
25- Kumbaṭṭhānakathā: Nói chuyện về bến nước.
26- Pubbapetakathā: Nói chuyện về bà con đã qua đời.
27- Nānattakathā: Nói những chuyện nhảm nhí.
28- Lokakkhāyika: Nói chuyện về thế giới tạo thiên lập địa.
29- Samuddakkhāyika: Nói chuyện về đại dương.
30- Itibhavābhavakathā: Nói chuyện về kiếp nhỏ, kiếp lớn luân-hồi.
31- Araññakathā: Nói chuyện về rừng.
32- Pabbatakathā: Nói chuyện về núi, ...
Mười Chuyện có ích (Kathāvatthu) (1)
Đức-Phật dạy có 10 chuyện nên nói đem lại lợi ích là:
1- Appicchakathā: Nói chuyện về ít tham muốn.
2- Santutthikathā: Nói chuyện về biết tri túc.
3- Parivekakathā: Nói chuyện về ở nơi thanh vắng.
4- Asaṃsaggakathā: Nói chuyện về sự sống không tiếp xúc nhiều người, sống riêng một mình.
5- Vīriyārambhakathā: Nói chuyện về sự cố gắng tinh-tấn giải thoát khổ.
6- Sīlakathā: Nói chuyện về giới trong sạch và trọn vẹn.
7- Samādhikathā: Nói chuyện về định vững chắc.
8- Paññākathā: Nói chuyện về trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp.
9- Vimuttikathā: Nói chuyện về giải thoát khỏi phiền-não.
10- Vimuttiñāṇadassanakathā: Nói chuyện về tri kiến giải thoát khỏi phiền-não.
Đó là 10 chuyện nên nói, nên đàm đạo để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc
Gặp nhau có hai phận sự nên hành
Đức-Phật khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:
“Sannipatitānaṃ vo bhikkhave dvayaṃ karaṇīyaṃ dhammī vā kathā ariyo vā tuṇhibhāvo.” (2)
- Này chư tỳ-khưu! Các con khi gặp mặt nhau có 2 phận sự nên hành là: nên nói đúng theo chánh-pháp, hoặc nên im lặng như bậc Thánh-nhân.”
* Trường hợp Đức-Phật thuyết pháp
Đức-Phật tùy thời thuyết pháp chân-lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, nếu không đem lại sự lợi ích thì Đức-Phật không thuyết pháp.
Đức-Phật biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng:
1- Đức-Phật biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
2- Đức-Phật biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
3- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
4- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, người nghe cũng không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
5- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, nhưng người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Đức-Phật biết tùy người, tuỳ nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
6- Đức-Phật biết rõ pháp nào chân thật và đem lại sự lợi ích, người nghe cũng hài lòng, hoan hỷ. Đức-Phật biết tùy người, tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
Cho nên, muốn nói sự thật để đem lại sự lợi ích cho người nghe thì cần phải hội đủ 3 điều kiện là:
1- Người nghe hiểu biết sự thật (puggala).
2- Người nghe ấy có thời gian thích hợp nghe sự thật (kāla).
3- Người nghe ấy có thời gian thích hợp và có nơi chốn thích hợp nghe sự thật (desa).
Nếu khi hội đủ 3 điều kiện này thì người nói sự thật đem lại sự lợi ích cho người nghe.
-oo0oo-
(1) Dīghanikāya, Sīlakkhandhavagga. Kinh Sāmaññaphalasutta.
---
(1) Aṅg. Dassakanipāta, kinh Kathāvatthusutta.
---
(2) M. Mū. Kinh Pāsarāsisutta.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.