Giới bị chấm dứt và giới không bị chấm dứt (Pariyantasīla và Apariyantasīla)

Giới bị chấm dứt và giới không bị chấm dứt (Pariyantasīla và Apariyantasīla)

    NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)

    QUYỂN III

    PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)

    Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

     

    Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 2 loại:

    - Giới bị chấm dứt (pariyantasīla).

    - Giới không bị chấm dứt (apariyantasīla).

    GIỚI BỊ CHẤM DỨT (PARIYANTASĪLA)

    - Giới bị chấm dứt vì tham muốn lợi lộc (của cải) (lābhapariyantasīla).

    - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ thuộc hạ (yasapariyantasīla).

    - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ thân quyến (ñātipariyantasīla)

    - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ các bộ phận trong thân (aṅgapariyantasīla).

    - Giới bị chấm dứt vì bảo vệ sinh-mạng (jīvitapariyantasīla).

    * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì tham muốn lợi lộc?

    Trong đời này, số người phạm giới vì tham muốn lợi lộc là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị phạm) vì tham muốn lợi lộc.

    * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ thuộc hạ ?

    Trong đời này, số người phạm giới vì muốn bảo vệ thuộc hạ của mình (danh vọng của mình) là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị phạm) vì bảo vệ thuộc hạ của mình.

    * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ thân quyến?

    Trong đời này, số người phạm giới vì muốn bảo vệ thân quyến của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị phạm) vì bảo vệ thân quyến của mình.

    * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ các bộ phận trong thân?

    Trong đời này, số người phạm giới vì muốn bảo vệ các bộ phận trong thân của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị phạm) vì bảo vệ các bộ phận trong thân của mình.

    * Thế nào gọi là giới bị chấm dứt vì bảo vệ sinh-mạng?

    Trong đời này, một số người phạm giới vì muốn bảo vệ sinh-mạng của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới bị chấm dứt (giới bị phạm) vì bảo vệ sinh-mạng của mình.

    Vì vậy cho nên, khi giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan, số người ấy không còn tự chủ, làm tôi tớ của tham-ái, không được bậc thiện-trí tán dương ca tụng, bị tà-kiến và tham-ái khống chế, không thể làm nền tảng để phát sinh cận-định, an-định, làm cho thân tâm nóng nảy khổ tâm, không làm cho tâm thoải mái, không làm cho tâm hoan hỷ, không làm cho thân tâm an tịnh, không làm cho thân tâm an-lạc, không có thiền-định; không có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp danh-pháp; không phát sinh trí-tuệ-thiền- tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp danh- pháp; không có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ khổ-đế của sắc-pháp danh-pháp; không có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán sắc-pháp danh-pháp; không ly dục trong tử sinh luân-hồi, không diệt được phiền-não, không làm vắng lặng được phiền-não, không chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.

    Đó gọi là hậu quả của giới bị chấm dứt (giới bị phạm).

    GIỚI KHÔNG BỊ CHẤM DỨT (APARIYANTASĪLA)

    - Giới không bị chấm dứt vì lợi lộc (của cải).

    - Giới không bị chấm dứt vì thuộc hạ.

    - Giới không bị chấm dứt vì thân quyến.

    - Giới không bị chấm dứt vì các bộ phận trong thân.

    - Giới không bị chấm dứt vì sinh-mạng.

    * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì lợi lộc?

    Trong đời này, số người không để phạm giới vì lợi lộc (của cải) là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì lợi lộc.

    * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì thuộc hạ?

    Trong đời này, số người không để phạm giới vì thuộc hạ của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì thuộc hạ của mình.

    * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì thân quyến?

    Trong đời này, số người không để phạm giới vì thân quyến của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì thân quyến của mình.

    * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt, (giới không bị phạm) vì các bộ phận trong thân?

    Trong đời này, số người không để phạm giới vì các bộ phận trong thân của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì các bộ phận trong thân của mình.

    * Thế nào gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì sinh-mạng?

    Trong đời này, số người không để phạm giới vì sinh- mạng của mình là nhân, là duyên, là nguồn gốc.

    Đó gọi là giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm) vì sinh-mạng của mình.

    Vì vậy cho nên, giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan, số người tự chủ, không làm nô lệ của tham-ái, được bậc thiện-trí tán dương ca tụng, tà-kiến và tham-ái không thể khống chế được, có thể làm nền tảng để phát sinh tâm cận-định, tâm an-định, làm cho thân tâm mát mẻ, làm cho tâm thoải mái, phát sinh tâm hoan hỷ, làm cho thân tâm an tịnh, làm cho thân tâm được an-lạc, có định-tâm trong sáng; có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp danh-pháp; làm phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp danh-pháp; có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ khổ-đế của sắc-pháp, danh-pháp; có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán sắc-pháp danh-pháp; tâm ly dục trong tử sinh luân-hồi, diệt được phiền-não, làm vắng lặng được phiền-não; trí-tuệ-thiền- tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh- đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, làm vắng lặng mọi phiền-não.

    Đó gọi là quả báu của giới không bị chấm dứt (giới không bị phạm).

    (Tóm lược trong bộ Paṭisambhidāmagga)

    GIẢI THÍCH

    - Giới bị chấm dứt

    - Giới không bị chấm dứt

    1- Giới bị chấm dứt nghĩa là phạm giới, giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan do nguyên nhân vì lợi lộc, hoặc vì nhóm thuộc hạ, hoặc vì người thân quyến, hoặc vì bộ phận trong thân thể, hoặc vì sinh- mạng của mình, do nguyên nhân nào đó mà người ấy bị phạm giới, bị đứt giới, không thể giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn như trước nữa.

    2- Giới không bị chấm dứt nghĩa là không phạm giới, giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan dù bất cứ nguyên nhân nào như vì lợi lộc, hoặc vì nhóm thuộc hạ, hoặc vì người thân quyến, hoặc vì bộ phận trong thân thể, hoặc vì sinh- mạng của mình, mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    Ví dụ:

    1- Nguyên nhân vì lợi lộc

    * Hành-giả nào đang giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu khi thấy món lợi lộc nhỏ thì hành-giả ấy không phát sinh tâm tham, không quan tâm đến món lợi lộc nhỏ ấy, hành-giả ấy vẫn giữ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    Nhưng nếu khi thấy món lợi lộc lớn, mà không ai thấy, không ai biết, cũng không ai nghi ngờ, thì người ấy mới phát sinh tâm tham, quan tâm đến món lợi lộc lớn ấy, người ấy chiếm đoạt món lợi lộc lớn ấy làm của mình, người ấy đã phạm điều-giới trộm cắp.

    Như vậy, giới của người ấy bị chấm dứt (giới bị đứt) do nguyên nhân vì lợi lộc.

    * Hành-giả nào đang giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù thấy món lợi lộc lớn mà không ai thấy, không ai biết, cũng không ai nghi ngờ, hành-giả ấy cũng không phát sinh tâm tham, không quan tâm đến món lợi lộc lớn ấy.

    Hành-giả ấy vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, không để bị phạm điều-giới nào.

    Như vậy, giới của hành-giả ấy không bị chấm dứt (giới không bị đứt) do nguyên nhân lợi lộc, mà vẫn giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn.

    2- Nguyên nhân vì nhóm thuộc hạ

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu thấy một người không thân, không phải là thuộc hạ của mình có hành vi phạm pháp thì hành-giả ấy vẫn giữ thái độ thản nhiên.

    Nhưng nếu thấy một người thân là thuộc hạ của mình có hành vi phạm pháp thì người ấy phát sinh tâm thiên vị vì thương, nên đứng ra làm chứng gian, người ấy phạm điều-giới nói-dối để giúp cho người thân, thuộc hạ của mình tránh khỏi bị tù tội.

    Như vậy, giới của người ấy bị chấm dứt (giới bị phạm) do nguyên nhân vì người thân thuộc hạ của mình.

    * Hành-giả nào đang giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù thấy người thân thuộc hạ của mình có hành vi phạm pháp, hành-giả ấy không bao che cho thuộc hạ của mình để tránh khỏi bị tù tội, mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    Như vậy, giới của hành-giả ấy không bị chấm dứt (giới không bị phạm) do nguyên nhân người thân thuộc hạ, vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    3- Nguyên nhân vì người thân quyến

    * Người nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu thấy một người không quen có hành vi phạm pháp thì hành-giả ấy vẫn giữ thái độ thản nhiên.

    Nhưng nếu thấy một người thân quyến của mình có hành vi phạm pháp thì người ấy phát sinh tâm thiên vị vì thương, nên đứng ra làm chứng gian, người ấy phạm điều-giới nói-dối để giúp cho người thân quyến của mình tránh khỏi bị tù tội.

    Như vậy, giới của người ấy bị chấm dứt (giới bị phạm) do nguyên nhân vì người thân quyến của mình.

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù thấy người thân quyến của mình có hành vi phạm pháp, hành-giả ấy không bao che cho người thân quyến của mình để tránh khỏi bị tù tội, mà vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    Như vậy, giới của hành-giả ấy không bị chấm dứt (giới không bị phạm) do nguyên nhân người thân quyến, vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    4- Nguyên nhân vì bộ phận trong thân thể

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu người ấy bị thương nhẹ, thì dùng thuốc có sẵn để chữa trị vết thương. Nhưng nếu khi người ấy bị thương nặng gãy cánh tay (hoặc bị gãy chân) mà vị thầy thuốc hướng dẫn cần phải giết một con gà quạ (đen) trộn chung với các vị thuốc đắp vào chỗ gãy xương ấy mới có thể lành, khỏi bị thương tật. Người bệnh nhân ấy chấp nhận làm theo lời hướng dẫn của vị thầy thuốc, nên sai bảo người khác giết chết con gà quạ, người ấy phạm điều-giới sát-sinh để chữa trị chỗ xương bị gãy của mình cho lành lại.

    Như vậy, giới của người ấy bị chấm dứt (giới bị phạm) do nguyên nhân vì bảo vệ bộ phận trong thân thể.

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù hành-giả ấy bị thương nặng gãy cánh tay (hoặc bị gãy chân) và đã được vị thầy thuốc hướng dẫn cần phải giết một con gà quạ (đen) trộn chung với các vị thuốc đắp vào chỗ gãy xương ấy mới có thể lành, khỏi bị thương tật, nhưng hành-giả ấy không chấp nhận làm theo lời hướng dẫn của thầy thuốc, không chịu cho người khác giết chết con gà quạ để làm thuốc.

    Hành-giả ấy thà chịu hy sinh chặt cánh tay (hoặc chân), chứ không chịu phạm điều-giới sát-sinh, giết chết con gà quạ để làm thuốc.

    Như vậy, giới của hành-giả ấy không bị chấm dứt (giới không bị phạm) do nguyên nhân bộ phận trong thân thể, vẫn giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    5- Nguyên nhân vì sinh-mạng

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, nếu khi bị con vật gì cắn thì hành-giả ấy dùng thuốc để chữa trị. Nếu khi bị con trăn quấn siết chặt vào thân mình làm cho đau đớn thì người ấy dùng khí giới giết con trăn ấy, người ấy phạm điều-giới sát- sinh để cứu sinh-mạng của mình.

    Như vậy, giới của người ấy bị chấm dứt (giới bị phạm) do nguyên nhân vì bảo vệ sinh-mạng của mình.

    * Hành-giả nào giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, dù bị con trăn quấn siết chặt vào thân mình làm cho đau đớn kinh khủng, người ấy có khả năng giết chết con trăn ấy, nhưng vì có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, hiểu biết rõ tai- hại của sự phạm điều-giới sát-sinh và hiểu rõ quả báu của giới tránh xa sự sát-sinh, nên hành-giả ấy có sự nhận thức đúng đắn rằng:

    Quyết tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, thà chịu hy sinh sinh-mạng để bảo vệ giới của mình được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.

    Như vậy, giới của hành-giả ấy không bị chấm dứt (giới không bị phạm) do nguyên nhân sinh mạng, vẫn giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.