NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN III
PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
GIỚI CẤM VÀ GIỚI HÀNH
Trong bát-giới Uposathasīla có 2 phần giới:
1- Phần giới-cấm (vārittasīla) là giới không được phạm.
2- Phần giới-hành (cārittasīla) là giới nên thực-hành.
1-Phần giới-cấm (vārittasīla) trong bát-giới uposatha- sīla có 4 điều-giới là:
- Tránh xa sự sát-sinh.
- Tránh xa sự trộm-cắp.
- Tránh xa sự nói-dối.
- Tránh xa sự uống rượu, bia và các chất-say.
Bốn điều-giới-cấm này có trong ngũ-giới là thường- giới của tất cả mọi người không ngoại trừ một ai cả, nếu người nào giữ gìn 4 điều-giới này được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp của 4 điều-giới ấy, có quả báu an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Nếu người nào phạm điều-giới-cấm nào thì người ấy đã tạo ác-nghiệp điều-giới-cấm ấy, rồi phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Thật vậy, ví dụ: nếu người nào phạm điều-giới sát- sinh, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp sát-sinh giết hại sinh- mạng chúng-sinh.
Cũng như vậy, nếu người nào phạm điều-giới trộm- cắp, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp của cải tài sản của người khác.
Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối.
Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
Trong kiếp hiện-tại người ấy phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.
Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác- nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy, v.v...
2- Phần giới-hành (cārittasīla) trong bát-giới uposatha- sīla có 4 điều-giới là:
- Tránh xa sự hành-dâm.
- Tránh xa sự dùng vật thực phi thời.
- Tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...
- Tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.
Hành-giả là cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ trì bát-giới Uposathasīla có bốn điều-giới-hành này:
* Nếu hành-giả nào thực-hành giữ gìn 4 điều-giới- hành ấy được trong sạch và trọn vẹn thì hành-giả ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, hưởng được sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Nếu hành-giả nào phạm điều-giới-hành nào thì hành-giả ấy không tạo đại-thiện-nghiệp cao quý đặc biệt của điều-giới-hành ấy, nhưng không tạo ác-nghiệp nào, bởi vì hành-giả ấy tuy đã phạm điều-giới-hành ấy nhưng không tự làm khổ mình, cũng không làm khổ người khác.
Thật vậy, ví dụ: nếu hành-giả nào bị khổ vì đói bụng, nên phạm điều-giới-hành dùng vật thực phi thời (quá 12 giờ) nghĩa là hành-giả ăn trái cây, ăn bánh ngọt, uống sữa, v.v... của mình (không phải của người khác) thì hành-giả ấy không cảm thấy khổ thân, khổ tâm, dù người khác nhìn thấy hành-giả ăn trái cây, ăn bánh ngọt, uống sữa, v.v... cũng không làm cho người khác khổ thân, khổ tâm. Cho nên, hành-giả ấy không tạo ác- nghiệp nào cả.
Tóm lại, hành-giả đã thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, nếu hành-giả nào giữ gìn 4 điều-giới-hành ấy được trong sạch và trọn vẹn thì hành-giả ấy đã tạo đại- thiện-nghiệp cao quý của 4 điều-giới hành ấy.
Nếu hành-giả nào phạm điều-giới-hành nào thì hành-giả ấy không tạo đại-thiện-nghiệp cao quý của điều-giới-hành ấy, nhưng không tạo ác-nghiệp của điều-giới-hành ấy.
Thật vậy, trong các hàng cận-sự-nam, cận-sự-nữ tại gia, có một số người là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai sống tại gia, các bậc Thánh-nhân ấy chắc chắn có ngũ-giới là thường-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, các bậc Thánh-nhân ấy vẫn có vợ hoặc có chồng và có con. Cho nên, hai bậc Thánh-nhân tại gia ấy hành- dâm là điều không thể tránh khỏi, nhưng chắc chắn hai bậc Thánh-nhân ấy không bao giờ phạm điều-giới tà- dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác.
* Ví như trường hợp bà Visākhā, khi bà còn là một tiểu-thư của ông phú hộ Dhanañjaya mới lên 7 tuổi, tiểu-thư Visākhā đã trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Khi tiểu-thư Visākhā trưởng thành, đã kết hôn với công-tử Puññavaḍḍhana là con trai của ông phú hộ Migāra.
Bà Visākhā sinh được 20 người con (10 người con trai và 10 người con gái). Bà Visākhā trang điểm tấm áo choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý giá.
Như vậy, những bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai sống tại gia, nếu khi bậc Thánh-nhân thọ trì bát-giới Uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng thì những vị ấy mới giữ gìn 4 điều-giới-hành được trong sạch và trọn vẹn.
Ngoài những ngày bát-giới Uposathasīla ra, bậc Thánh-nhân có ngũ-giới là thường-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.
Riêng bậc Thánh Bất-lai đã diệt tận được tâm tham-ái trong cõi dục-giới, dù sống tại gia bậc Thánh Bất-lai cũng không bao giờ ham thích hành-dâm.
Cho nên bậc Thánh Bất-lai sống tại gia tuyệt nhiên không có vợ hoặc có chồng.
Trước khi trở thành bậc Thánh Bất-lai, nếu đã có vợ hoặc có chồng thì sau khi trở thành bậc Thánh Bất-lai, tuyệt nhiên không bao giờ sống chung với người vợ cũ hoặc người chồng cũ của mình như trước nữa.
Trong thời-kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, có 2 ông trưởng giả cùng tên Ugga: Trưởng giả Ugga người xứ Vesālī và trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji. Cả 2 trưởng giả này sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, rồi thực-hành pháp- hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, và chứng đắc Bất-lai Thánh- đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, đã diệt tận được tâm tham-ái trong cõi dục-giới, trở thành bậc Thánh Bất-lai tuyệt nhiên không bao giờ còn hành-dâm nữa.
Ông trưởng giả Ugga có 4 người vợ, sau khi trở thành bậc Thánh Bất-lai trở về nhà, ông gọi 4 người vợ cũ đến rồi ban của cải cho mỗi bà và ông bảo rằng:
“Từ nay về sau, quý bà được tự do, ai muốn có chồng khác thì được quyền chọn lựa theo ý của mình.”
NHỮNG TÍCH NGƯỜI THỌ TRÌ BÁT-GIỚI UPOSATHASĪLA
QUẢ CỦA BÁT-GIỚI UPOSATHASĪLA CHỈ TRONG MỘT ĐÊM
Tích Sāmavatīvatthu (1) có một đoạn vị chư-thiên ngự ở cội cây thuật lại tiền-kiếp của mình đã thọ trì bát-giới Uposathasīla trong thời gian ngắn một đêm, được tóm lược như sau:
Một vị chư-thiên ngự ở cội cây da lớn, có nhóm đạo- sĩ ở dưới cây da lớn ấy. Vị Đạo-sĩ trưởng nghĩ rằng:
“Cây da lớn như thế này có chư-thiên ngự trên cây, và chư-thiên này chắc chắn có nhiều oai lực.
Quý hóa biết dường nào! Nếu vị chư-thiên ấy bố-thí cho chúng tôi nước uống” thì ngay tức thì, chư-thiên ấy dâng nước uống đến cho nhóm đạo-sĩ.
Vị Đạo-sĩ trưởng mong muốn rằng:
“Xin chư-thiên bố-thí nước tắm” thì ngay tức thì, chư- thiên ấy dâng nước tắm đầy đủ đến cho nhóm đạo-sĩ.
Vị Đạo-sĩ trưởng mong muốn rằng:
“Xin chư-thiên bố-thí vật thực” thì ngay tức thì, chư- thiên ấy dâng vật thực đầy đủ đến cho nhóm đạo-sĩ.
Vị Đạo-sĩ trưởng mong muốn rằng:
“Chư-thiên này có nhiều phước báu, có nhiều oai lực, ta mong muốn những thứ nào, chư-thiên ấy đều dâng cúng dường những thứ ấy.
Quý hóa biết dường nào! Nếu ta được diện kiến vị chư-thiên ấy” thì ngay tức thì, vị chư-thiên ấy xuất hiện trước sự hiện diện của nhóm đạo-sĩ.
Nhóm đạo-sĩ bèn hỏi chư-thiên rằng:
- Này vị thiên-nam! Ngươi có nhiều phước-thiện, có nhiều oai lực. Tiền-kiếp của ngươi đã tạo phước-thiện nào mà nay ngươi có nhiều oai lực như vậy?
Vị thiên-nam có vẻ e thẹn, mắc cở vì phước-thiện ít ỏi nhỏ bé của mình, nên không muốn trình bày cho nhóm đạo-sĩ biết. Nhưng nhóm đạo-sĩ vẫn khẩn khoản, năn nỉ, vị thiên-nam không còn cách nào có thể từ chối được, nên đành phải thuật lại phước-thiện mà mình đã tạo trong tiền-kiếp như sau:
Người nghèo khổ thọ trì bát-giới Uposathasīla
Vị thiên-nam thuật lại tiền-kiếp rằng:
- Kính thưa quý Ngài, kiếp trước tôi là người nghèo khổ đi làm thuê để nuôi mạng sống qua ngày. Một hôm, tôi đến nhà ông phú hộ Anāthapiṇḍika xin việc làm thuê kiếm sống.
Khi đến ngày giới, ông phú hộ từ chùa Jetavana trở về hỏi người nhà rằng:
- Này các con! Hôm nay là ngày giới Uposathasīla, có ai nói cho người làm công mới đến biết hay không?
Người trong nhà thưa rằng:
- Thưa ông, không có ai nói cho người làm công mới ấy biết.
Ông phú hộ dạy bảo rằng:
- Này các con! Chiều nay, chỉ nấu cơm cho một mình người làm công mới ấy mà thôi, còn lại tất cả mọi người ở trong nhà đều thọ trì bát-giới Uposathasīla cả thảy.
Tôi là người làm công mới ấy, sáng hôm ấy, dùng vật thực xong đi vào rừng làm việc đến chiều mới trở về nhà ông phú hộ. Khi tôi trở về đến nhà, nhìn thấy trong nhà vắng vẻ, yên tịnh, không giống như mấy ngày hôm trước, mọi người xôn xao ăn uống món này món kia, chuyện trò ồn ào. Hôm nay vắng lặng yên tịnh, chỉ có một người lo việc nấu ăn mang đến cho tôi một phần cơm bảo tôi ăn. Tôi chưa vội ăn mà hỏi người đem cơm rằng:
- Này bà! Hôm nay, mọi người ăn xong rồi đi nghỉ hết, chỉ còn lại một mình tôi chưa ăn phải không?
Người đem cơm trả lời cho tôi biết rằng:
- Này anh! Hôm nay là ngày bát-giới Uposathasīla, nên mọi người trong gia đình từ ông phú hộ, phu-nhân, các con, các cháu nhỏ, cho đến mọi người làm công trong nhà, tất cả đều thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, rồi giữ gìn bát-giới Uposathasīla.
Mọi người đều tìm nơi thanh vắng yên tịnh để giữ gìn bát-giới Uposathasīla, và thực-hành pháp-hành thiền- định hoặc pháp-hành thiền-tuệ cả thảy.
Chúng tôi quên nói cho anh biết hôm nay là ngày bát- giới Uposathasīla, nên chỉ có một mình anh đi làm, đây là phần cơm nấu cho anh, anh hãy ăn cơm một mình vậy.
Nghe người đem cơm cho biết như vậy, tôi nghĩ rằng:
Mọi người trong nhà ai cũng đều thọ trì bát-giới Uposathasīla, chẳng lẽ một mình ta không thọ trì bát- giới Uposathasīla được hay sao? Ta cũng nên thọ trì bát-giới Uposathasīla như mọi người trong nhà này vậy.
Nghĩ như vậy, không chịu ăn phần cơm, tôi đi đến tìm ông phú hộ Anāthapiṇḍika, trình bày ý nguyện của tôi xin thọ trì bát-giới Uposathasīla.
Khi ông phú hộ nghe tôi nói như vậy, ông phú hộ hoan hỷ nói lên lời “Sādhu! Lành thay!”
Ông phú hộ Anāthapiṇḍika giảng giải cho tôi hiểu ngày bát-giới Uposathasīla bắt đầu từ rạng đông của ngày này đến rạng đông của ngày hôm sau gồm có 1 ngày 1 đêm.
Ông phú hộ Anāthapiṇḍika dạy tôi rằng:
Nếu con thọ trì bát-giới Uposathasīla ngay chiều tối nay thì con thọ trì bát-giới Uposathasīla được 1 đêm là một nửa Uposathasīla.
Tôi vô cùng hoan hỷ xin thọ trì bát-giới Uposathasīla từ nơi ông phú hộ Anāthapiṇḍika xong, trở về chỗ ở, rồi giữ gìn bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới cho được trong sạch và trọn vẹn.
Bởi vì tôi đi làm vất vả suốt ngày mà chiều về không ăn, cho nên tối đến bụng đói. Ban đêm tôi bị lâm bệnh phong (gió), căn bệnh hành hạ đau khổ khiến tôi không chịu nổi.
Khi biết tôi bị lâm bệnh phong nặng ông phú hộ đem thuốc đến cho tôi uống.
Tôi thưa với ông phú hộ rằng:
- Thưa ông, những người khác đều dùng thuốc rồi phải không?
Ông phú hộ dạy rằng:
- Này con! Những người khác không có bệnh nên không dùng, chỉ có một mình con có bệnh nên được phép dùng thuốc mà thôi.
Tôi thưa với ông phú hộ rằng:
- Thưa ông, con xin giữ gìn bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Dù chỉ thọ trì bát-giới một nửa (một đêm), con cũng không thể để cho phạm điều-giới nào hoặc để bị đứt điều-giới nào.
Ông phú hộ một mực khuyên tôi dùng thuốc để mau khỏi bệnh nhưng tôi quyết tâm giữ gìn bát-giới uposatha- sīla có 8 điều-giới cho được trong sạch và trọn vẹn.
Tuy thân thể của tôi có khổ nhưng tâm của tôi vô cùng hoan hỷ cho đến khi yếu dần rồi chết.
Sau khi tôi chết, đại-thiện-nghiệp giữ gìn bát-giới Uposathasīla một đêm của tôi cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam ở tại cội cây da này, được hưởng quả báu an-lạc của đại-thiện-nghiệp giữ gìn bát- giới Uposathasīla một đêm như quý Ngài đã thấy.
Bát-giới Uposathasīla là giới có hạn định theo thời gian dài hoặc ngắn tùy theo hành-giả đã phát nguyện.
Nếu hành-giả thực-hành giữ gìn bát-giới Uposathasīla với thời gian dài thì tạo được nhiều đại-thiện-nghiệp đặc biệt cao quý.
QUẢ BÁU THỌ TRÌ BÁT-GIỚI UPOSATHASĪLA MỘT ĐÊM
Tích Gaṅgāmālajātaka (1) tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, phần đầu của tích, Đức-Phật thuyết lại chuyện tiền-kiếp của Đức-Phật, khi còn là Đức-Bồ-tát nghèo đi làm công ở nhà phú hộ, Đức-Bồ-tát thọ trì bát-giới upaḍḍhuposathasīla và giữ gìn trong thời gian một đêm uposathasīla, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức-Phật đang ngự tại chùa Jetavana của phú hộ Anāthapiṇḍika gần thành Sāvatthi.
Khi ấy, Đức-Phật thuyết dạy những người cận-sự- nam, cận-sự-nữ nên bố-thí, nên thọ trì bát-giới uposatha- sīla có 8 điều-giới, rồi giữ gìn bát-giới cho được trong sạch và trọn vẹn. Đức-Phật thuyết lại rằng:
“Tiền-kiếp của Như-lai còn là Đức-Bồ-tát thọ trì bát- giới Uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới trong sạch và trọn vẹn chỉ có một đêm gọi là upaḍḍhuposathasīla mà hưởng được quả báu vô cùng lớn lao.”
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nghe Đức-Phật thuyết như vậy, muốn biết tiền-kiếp của Đức-Phật nên thỉnh cầu Đức-Phật thuyết thuật lại tiền-kiếp của Đức- Phật còn là Đức-Bồ-tát thuở ấy.
Đức-Phật thuyết dạy rằng:
“Một thuở nọ, Đức-vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī. Trong xứ ấy, một phú hộ tên là Siripavara có đức-tin trong sạch thường bố-thí, giữ ngũ-giới. Đặc biệt vào 6 ngày giới Uposathasīla trong mỗi tháng là ngày 8 - 14 - 15 - 23 - 29 và ngày 30 cuối tháng. Ông phú hộ cùng vợ con, tôi tớ, những người làm công cho đến người chăn bò,... tất cả mọi người đều phải thọ trì và giữ gìn bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới.
Thời ấy, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama còn là Đức- Bồ-tát sinh trong một gia đình nghèo khổ. Hằng ngày, người cha phải đi làm công để nuôi gia đình.
Khi Đức-Bồ-tát trưởng thành cũng phải tự đi làm công để nuôi sống.
Một hôm, Đức-Bồ-tát đến nhà ông phú hộ để xin việc làm, ông phú hộ nhận Đức-Bồ-tát vào làm công.
Thông thường, ông phú hộ nhận người vào làm công có kèm theo điều kiện là đến ngày giới mỗi tháng phải thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, rồi giữ gìn bát-giới ấy. Nhưng trường hợp Đức-Bồ-tát thì ông quên không đề cập đến điều kiện ấy.
Mấy ngày đầu, Đức-Bồ-tát thức dậy sớm, dùng cơm sáng xong đi ra đồng làm việc đến chiều mới trở về.
Đức-Bồ-tát làm công việc rất siêng năng và cần mẫn, nên ông phú hộ rất hài lòng.
Hôm ấy, nhằm vào ngày giới, Đức-Bồ-tát là người mới vào làm công nên không biết gì về chuyện thọ trì bát-giới Uposathasīla trong các ngày giới, cho nên, sau khi ăn cơm sáng, Đức-Bồ-tát vẫn đi ra đồng sớm, làm việc như mọi ngày.
Sáng hôm ấy, ông phú hộ gọi mọi người đến dạy rằng:
- Này các con! Hôm nay là ngày bát-giới Uposathasīla, những người làm công dùng sáng xong, không phải đi làm việc, chỉ thọ trì bát-giới Uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới, thực-hành pháp-hành thiền-định mà thôi.
Tất cả mọi người trong gia đình ông phú hộ, bao gồm vợ, con, cháu, người tôi tớ, người làm công đều thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, rồi sau khi dùng cơm sáng xong, mỗi người đều tự tìm cho mình nơi thanh vắng, để giữ gìn bát-giới Uposathasīla và thực- hành pháp-hành thiền-định.
Đức-Bồ-tát đi làm suốt cả ngày, đến chiều trở về nhà ông phú hộ, nhìn thấy trong nhà vắng vẻ, yên tịnh, khác với những ngày qua, mọi người xôn xao, ăn uống, nói cười, chuyện trò vui vẻ. Đức-Bồ-tát tìm người hỏi để biết xem chuyện gì đã xảy ra.
Đức-Bồ-tát gặp một người, hỏi người ấy cho biết rằng:
- Này anh! Hôm nay là ngày bát-giới Uposathasīla, nên mọi người đều đã thọ trì bát-giới Uposathasīla, mỗi người đều tìm nơi thanh vắng yên tịnh để giữ gìn bát- giới và thực-hành pháp-hành thiền-định.
Anh mới đến làm công nên chưa biết nội quy ở đây. Đức-Bồ-tát nghe nói như vậy, nghĩ rằng:
“Bát-giới Uposathasīla là thế nào? Mọi người ở đây đều có giới, chỉ có một mình ta không có giới hay sao?
Ngay bây giờ, ta thọ trì bát-giới Uposathasīla có được hay không?”
Nghĩ như vậy xong, Đức-Bồ-tát liền tìm đến ông phú hộ, nhờ giảng giải những điều thắc mắc của mình.
Khi Đức-Bồ-tát thưa với ông phú hộ rằng:
- Thưa ông phú hộ, bát-giới Uposathasīla là như thế nào, xin ông giảng giải cho tôi hiểu biết rõ.
Sau khi nghe ông phú hộ giảng giải về bát-giới Uposathasīla và đã hiểu biết rõ rồi Đức-Bồ-tát thưa rằng:
- Thưa ông phú hộ, ngay bây giờ, tôi có thể thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới được hay không?
Ông phú hộ dạy bảo rằng:
- Này con! Bát-giới Uposathasīla gồm có 8 điều-giới, hành-giả thọ trì bát-giới 1 ngày 1 đêm cũng tốt, hoặc nửa ngày cũng tốt, hoặc một đêm kể từ bây giờ cho đến rạng đông của ngày mai cũng tốt.
Đức-Bồ-tát thưa với ông phú hộ rằng:
- Thưa ông phú hộ, ngay bây giờ, tôi xin thọ trì bát- giới Uposathasīla có 8 điều-giới cho đến rạng đông ngày mai.
Ông phú hộ vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức- Bồ-tát rằng: “Sādhu!: Lành thay!”
Đức-Bồ-tát xin thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới từ ông phú hộ xong, trở về chỗ ở riêng của mình, giữ gìn bát-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, và thực-hành pháp-hành thiền-định.
Bởi vì Đức-Bồ-tát làm việc vất vả suốt ngày, đến chiều không dùng vật thực, trong bụng đói, đến canh chót đêm phát sinh bệnh phong (gió) đau đớn như dao cắt ruột, vô cùng đau khổ.
Ông phú hộ cho thuốc uống, Đức-Bồ-tát nghĩ rằng:
“Ta đã thọ bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, ta quyết tâm giữ gìn bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, thà ta chịu chết chứ không để phạm một điều-giới nào.”
Đức-Bồ-tát chịu đựng sự đau đớn cho đến sáng ngày hôm sau, sức khoẻ yếu dần, mọi người biết không thể sống được nên đem Đức-Bồ-tát ra nằm ở ngoài hiên nhà.
Sáng hôm ấy, Đức-vua Bānāṇasī ngự trên xe ngựa cùng các quan đi ngoài đường ngang qua nhà ông phú hộ, Đức-Bồ-tát nằm nhìn thấy Đức-vua, phát sinh tâm tham muốn trở thành Đức-vua.
Sau khi Đức-Bồ-tát chết, đại-thiện-nghiệp giữ gìn bát- giới uposathasīla trong sạch và trọn vẹn trong thời gian 1 đêm ấy cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai vào lòng bà chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Bārāṇasī.
Bà Chánh-cung Hoàng-hậu mang thai đúng 10 tháng, sinh hạ được Thái-tử khôi ngô tuấn tú. Thái-tử được đặt tên là Udayarājakumāra.
Thái-tử trưởng thành và theo học các bộ môn theo truyền thống Vua chúa đều xuất sắc, văn võ song toàn... Đức-Bồ-tát nhớ rõ lại tiền-kiếp của mình nên thường tự truyền dạy rằng:
“Ngày nay ta được hưởng mọi sự an-lạc như thế này, là do quả báu giữ gìn bát-giới Uposathasīla trong sạch và trọn vẹn trong thời gian ngắn, chỉ một đêm ở kiếp trước của ta.”
Khi Đức-phụ-vương đến tuổi già băng hà, các quan làm lễ đăng quang suy tôn Thái-tử lên ngôi Vua để trị vì xứ Bārāṇasī. Đức-vua Udaya trị vì xứ Bārāṇasī dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng. Đức-vua hưởng mọi sự an-lạc, thần dân được an cư lạc nghiệp.
Đó là quả báu thọ trì và giữ gìn bát-giới Uposathasīla trong sạch và trọn vẹn trong một thời gian ngắn ngủi (một đêm) của tiền-kiếp Đức-Bồ-tát.
QUẢ BÁU GIỮ GÌN BÁT-GIỚI UPOSATHASĪLA MỘT LẦN
Bộ Therī-apadāna, Ngài Đại-đức Tỳ-khưu-ni Ekuposathikātherī (1) kể lại chuyện tiền-kiếp của Ngài, được tóm lược như sau:
Trong kinh-thành Bandhumati, vào ngày rằm Đức- vua Bandhumā thọ trì bát-giới Uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới Uposathasīla.
Ở thời kỳ ấy, tôi là người tớ gái tên là Kumbhadāsī trong kinh-thành Bandhumati ấy, tôi được biết Đức-vua Bandhumā cùng các quan trong triều đều thọ trì bát-giới Uposathasīla trong ngày giới hằng tháng, rồi giữ gìn bát-giới nên tôi nghĩ rằng:
“Đức-vua nghỉ việc triều chính mà thọ trì bát-giới Uposathasīla trong ngày giới hằng tháng. Chắc chắn bát-giới Uposathasīla ấy có quả báu tốt lành nên mọi người đều hoan-hỷ thọ trì bát-giới Uposathasīla.”
Tôi đã suy xét với trí-tuệ thấy rõ, biết đúng đắn rằng: “Con người nghèo khổ sống trong đời đầy khổ não, và chúng sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ- quỷ, súc-sinh lại càng phải chịu quả khổ nhiều hơn”, nên tôi phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, rồi giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn trong thời-kỳ Đức-Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian.
Sau khi tôi chết, đại-thiện-nghiệp giữ gìn bát-giới Uposathasīla cho quả tái-sinh làm thiên-nữ xinh đẹp trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên trong lâu đài nguy nga tráng lệ cao 1 do tuần, được trang hoàng hết sức lộng lẫy, có 100.000 (một trăm ngàn) thiên-nữ hầu hạ.
Tôi đã từng là chánh-cung Hoàng-hậu của Vua trời Sakka suốt 64 đời Vua trời liên tiếp. Khi tôi sinh làm người, tôi cũng đã từng là chánh-cung Hoàng-hậu của Đức Chuyển-luân Thánh-vương, trải qua 63 đời Vua trong cõi người.
Tôi là người rất xinh đẹp, có màu da như màu vàng, tôi sinh ra ở kiếp nào cũng là người cao quý trong cõi ấy. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới Uposathasīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi có đủ các loại xe, xe ngựa, voi,... được trang hoàng lộng lẫy. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới uposatha- sīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi có đủ các thứ vải, vải lụa, lông thú,... toàn là những thứ vải tốt. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới uposatha- sīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi có nhiều thứ vàng, ngọc quý báu, có giá trị. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới Uposathasīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi có đầy đủ các thứ nước hoa thơm, đồ trang điểm quý báu. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới uposatha- sīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi có đủ các kiểu lâu đài nguy nga và tráng lệ. Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới Uposathasīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tôi sinh làm người, mới lên 7 tuổi, tôi xin cha mẹ đi xuất gia. Sau khi tôi xuất gia trở thành sa-di-ni được nửa tháng, tôi đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh- quả và Niết-bàn, đã diệt tận được tất cả mọi phiền-não, đã nhổ tận gốc rễ vô-minh và tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, không còn tái-sinh kiếp nào nữa.
Kể từ khi tôi đã thọ trì bát-giới Uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới trong sạch và trọn vẹn cho đến kiếp chót này, trải qua suốt 91 đại-kiếp trái đất. Trong vòng tử sinh luân-hồi suốt khoảng thời gian ấy, tôi không hề bị sa đọa vào trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh). Đó là quả báu một lần thọ trì bát-giới uposathasīla và giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn của tôi.
Tôi đã đến xuất gia nơi Đức-Phật Gotama cao thượng, thật là điều vô cùng diễm phúc cho tôi.
Tôi đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với lục- thông. Tôi đã hoàn thành phận sự của người nữ xuất- gia, tôi đã thực-hành đúng theo lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama.
Những tích tương tự như vậy có rất nhiều trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
NHẬN XÉT VỀ BÁT-GIỚI UPOSATHASĪLA
Đối với người tại gia cư-sĩ có 2 loại giới: ngũ-giới, bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là thường-giới (niccasīla) chung cho tất cả mọi người tại gia cư-sĩ, không phân biệt dân tộc nào, không ngoại trừ một ai cả, người thọ trì hoặc người không thọ trì 2 loại giới này.
Nếu người nào giữ gìn 2 loại giới ấy được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày và đêm cho đến trọn đời trọn kiếp thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp, rồi cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Nếu người nào phạm điều-giới nào trong 2 loại giới ấy thì người ấy đã tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại và vố số kiếp vị-lai.
* Còn bát-giới Uposathasīla này là loại giới có quy định các ngày trong một tháng. Ngày bát-giới Uposatha-sīla bắt đầu từ lúc rạng đông của ngày hôm ấy cho đến lúc rạng đông của ngày hôm sau.
Như vậy, mỗi ngày bát-giới Uposathasīla có khoảng thời gian trọn 1 ngày và một đêm.
Đối với người tại gia muốn có được phước-thiện giữ- giới đặc biệt cao quý hơn ngũ-giới và bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla thì nên thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới, rồi giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn. Hành-giả thọ trì bát-giới Uposathasīla do tự nguyện, hoàn toàn không có bị bắt buộc.
Các hàng cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thọ trì bát-giới Uposathasīla có 8 điều-giới trong các ngày bát-giới Uposathasīla hằng tháng, để tạo đại-thiện-nghiệp đặc biệt cao quý, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Hành-giả thọ trì bát-giới Uposathasīla rồi giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn dù thời gian ngắn, dù thời gian dài vẫn có nhiều quả báu đặc biệt hơn cả ngũ-giới và bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là thường-giới, bởi vì trong bát-giới Uposathasīla có 4 điều-giới không chỉ thuộc về giới của người tại gia cư-sĩ, mà còn thuộc về giới của bậc xuất-gia tu-sĩ sa-di, tỳ-khưu nữa. 4 điều- giới ấy là:
1- Điều-giới tránh xa sự hành-dâm.
2- Điều-giới tránh xa sự dùng vật thực phi thời.
3- Điều-giới tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe cá hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái.
4- Điều-giới tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.
Đó là 4 điều-giới trong phần giới của vị sa-di, vị tỳ- khưu, mà hành-giả là cận-sự-nam, cận-sự-nữ giữ gìn cho được trong sạch trọn 1 ngày và 1 đêm.
Nếu hành-giả nào là cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã thọ trì bát-giới Uposathasīla, trong đó có 4 điều-giới-hành này trong sạch và trọn vẹn thì chắc chắn hành-giả ấy tạo đại- thiện-nghiệp giữ gìn bát-giới Uposathasīla đặc biệt cao quý và cho quả báu của đại-thiện-nghiệp ấy cũng đặc biệt cao quý.
-oo0oo-
(1) Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Appamādavagga, Tích Sāmavatīvatthu.
(1) Khu. bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Aṭṭhakanipāta, Tích Gaṅgāmālajātaka.
(1) Khuddakanikāya, bộ Therī apadāna, Tích Ngài Đại-đức Tỳ-khưu-ni Ekuposathikātherī.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.