Giới Thiệu: Chuyện Thiên Cung

Giới Thiệu: Chuyện Thiên Cung

    TIỂU BỘ - KHUDDHAKA NIKAYA

     

    LỜI GIỚI THIỆU CHUYỆN THIÊN CUNG VÀ CHUYỆN NGẠ QUỶ

    (*) Vimānavatthupāḷi là tập thứ sáu của Khuddakanikāya - Tiểu Bộ, Suttantanikāya - Tạng Kinh. Tập Kinh Vimānavatthupāḷi gồm các câu chuyện kể về các cung điện ở cõi Trời và chủ nhân của các Thiên cung ấy; đồng thời nêu rõ hành động phước thiện nào trong kiếp trước đó đã giúp cho các vị Thiên nhân ấy thành tựu phước báu đang được thọ hưởng.

    Chú giải của tập Kinh Vimānavatthupāḷi - Chuyện Thiên Cung có tên là Vimānavatthu-aṭṭhakathā. Thêm vào đó, ở phần kết thúc của tập Chú Giải này còn thấy đề cập đến hai tên gọi khác nữa là Paramatthadīpanī và Vimānavatthu-aṭṭhavaṇṇanā. Chú Giải thuật lại câu chuyện và cung cấp nhiều chi tiết bổ sung cho phần kệ ngôn ở Chánh Tạng, xen kẻ vào đó là lời giải thích ý nghĩa của một số từ đã được chọn lọc. Được biết Chú Giải này đã được Ngài Dhammapāla thực hiện trong lúc ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra. Chú Giải Sư Dhammapāla sống ở thế kỷ thứ 5 theo Tây Lịch và là người đã kế tục công việc của Chú Giải Sư Buddhaghosa. Chú Giải Sư Dhammapāla đã thực hiện các bộ Chú Giải cho các tập Kinh thuộc Tiểu Bộ là: ItivuttakaThera-gāthā, Therī-gāthā, Udāna, Vimāna-vatthu, Peta-vatthu, Cariyā piṭaka, và Nettippakaraṇa. Thêm vào đó, Ngài còn là tác giả của các tài liệu Sớ Giải (Ṭīkā) có tên là: ParamatthamañjūsāDīgha-nikāya-ṭīkāMajjhima-nikāya-ṭīkāSamyutta-nikāya-ṭīkāJatakaṭṭhakathā-ṭīkāBuddhavaṃsaṭṭhakathā-ṭīkā, và Nettippakaraṇa-ṭīkā (Somapala Jayawardhana, Handbook of Pali Literature, trang 48).   

    Tập Kinh Vimānavatthupāḷi - Chuyện Thiên Cung gồm có bảy phẩm (vagga) được sắp xếp thành hai phần theo giới tính: Itthivimānaṃ - Thiên Cung Nữ Giới gồm 4 phẩm đầu và Purisa-vimānaṃ - Thiên Cung Nam Giới gồm 3 phẩm còn lại.

    Các phẩm được liệt kê chi tiết như sau:

    1. Pīṭhavaggo - Phẩm Chiếc Ghế có 17 câu chuyện (vatthu),

    2. Cittalatāvaggo - Phẩm Cittalatā có 11 câu chuyện,

    3. Pāricchattakavaggo - Phẩm Pāricchattaka có 10 câu chuyện,

    4. Mañjeṭṭhakavaggo - Phẩm Mañjeṭṭhaka có 12 câu chuyện,

    5. Mahārathavaggo - Phẩm Cỗ Xe Lớn có 14 câu chuyện,

    6. Pāyāsivaggo - Phẩm Pāyāsi có 10 câu chuyện,

    7. Sunikkhittavaggo - Phẩm Khéo Đặt Xuống có 11 câu chuyện.

    Tổng cộng có 85 câu chuyện liên quan đến 123 Thiên cung.

    Về nội dung, Vimānavatthupāḷi - Chuyện Thiên Cung có chủ đề là nghiệp thiện và quả thành tựu của các nghiệp thiện ấy. Các nghiệp thiện được đề cập ở đây chủ yếu không ngoài Thập Thiện Nghiệp gồm có bố thí, trì giới, v.v... Nội dung của các câu chuyện được trình bày một cách sinh động thông qua hình thức vấn đáp. Nhân vật đưa ra các câu hỏi này đã được xác định ở Chánh Tạng, đa phần là của ngài Moggallāna, một số khác do đích thân đức Thế Tôn hỏi, một số khác do trưởng lão Vaṅgīsa và Thiên Chủ Sakka. Các câu trả lời là do chính các vị Thiên nhân cai quản các Thiên cung đã nói lên.

    CHUYỆN NGẠ QUỶ

    Petavatthupāḷi là tập thứ bảy thuộc Khuddakanikāya - Tiểu Bộ, Suttantanikāya - Tạng Kinh. Tập Kinh Petavatthupāḷi kể lại các câu chuyện (vatthu) của hạng chúng sanh gọi là peta. Từ peta được phân tích theo văn phạm như sau: pa + ita, với ita là quá khứ phân từ của động từ gốc √i (đi, di chuyển) cộng thêm vào tiếp đầu ngữ paPeta có ý nghĩa căn bản là “đã ra đi,” nghĩa là “đã quá vãng, đã chết.” Cụ thể hơn, peta là tên gọi của hạng chúng sanh đã bị đọa vào cảnh giới pettivisaya,[1] luôn có trạng thái bị đói, khát, rách rưới, thiếu thốn, khổ sở; trong ngữ cảnh này peta được dịch sang tiếng Việt là “ngạ quỷ” hay “quỷ đói.” Tập Kinh này còn đề cập đến một hạng peta khác nữa là vimānapeta, tạm dịch là “quỷ thần;” hạng này mặc dầu phải chịu đựng khổ đau nhưng do thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ nên cũng được hưởng phần nào phước báu cõi Trời và còn đạt được quyền lực lớn lao (mahiddhikā) của chư Thiên nữa. Các tài liệu tiếng Anh trước đây ghi nghĩa peta là “hungry ghost” (ma đói), nhưng về sau này một số học giả giữ nguyên từ peta ở văn bản, không dịch.

    Chú giải của tập Kinh Petavatthupāḷi - Chuyện Ngạ Quỷ có tên là Petavatthu-aṭṭhakathā. Thêm vào đó, ở phần kết thúc của tập Chú Giải này còn thấy đề cập đến hai tên gọi khác nữa là Paramatthadīpanī và Petavatthu-aṭṭhasaṃvaṇṇanā. Chú Giải thuật lại câu chuyện và cung cấp nhiều chi tiết bổ sung cho phần kệ ngôn ở Chánh Tạng, xen kẻ vào đó là lời giải thích ý nghĩa của một số từ đã được chọn lọc. Được biết Chú Giải này đã được Ngài Dhammapāla thực hiện trong lúc ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra.

    Tập Kinh Petavatthupāḷi - Chuyện Ngạ Quỷ gồm có bốn phẩm (vagga) được liệt kê chi tiết như sau:

    1. Uragavaggo - Phẩm Rắn có 12 câu chuyện,

    2. Ubbarīvaggo - Phẩm Ubbarī có 13 câu chuyện,

    3. Cūḷavaggo - Tiểu Phẩm có 10 câu chuyện,

    4. Mahāvaggo - Đại Phẩm có 16 câu chuyện.

    Tổng cộng có 51 câu chuyện và số lượng các kệ ngôn ở văn bản Pali-Sinhala được ghi nhận là 823.

    Về nội dung, tập Kinh Petavatthupāḷi - Chuyện Ngạ Quỷ được trình bày một cách sinh động thông qua hình thức vấn đáp. Nhân vật đưa ra các câu hỏi đã được xác định ở Chánh Tạng gồm có đức Phật, trưởng lão Nārada, và trưởng lão Sāriputta. Chú Giải cung cấp thêm hai vị nữa là trưởng lão Moggallāna và đức vua Ajātasattu. Các câu trả lời là do chính các ngạ quỷ đã nói lên. Ở một số câu chuyện, còn có các kệ ngôn của các vị Trưởng Lão đã tham gia cuộc kết tập thêm vào để giải thích hoặc kết luận sự việc.

    ----

    (**) Thiên cung sự (Vimanavatthu) và Ngạ quỷ sự (Petavatthu) là hai tập 6 và 7 của Tiểu Bộ kinh (Khuddàka Nikàya). Hai tập kinh này được xếp thành một đôi vì cách trình bày hình thức lẫn nội dung đều tương tự. Cả hai tập kinh đều đề cập đến sự tương quan giữa nghiệp và quả (Kamma-vipàka) giữa đời này và đời sau.

    Chuyện Thiên cung (Vimanavatthu) gồm bảy chương, trong đó có 4 chương miêu tả các lâu đài trên Thiên giới dành cho các nữ nhân và 3 chương dành cho nam nhân. Tất cả các vị này đều đã sống đời đạo hạnh, hành trì Ngũ giới và Bát quan trai giới cùng các việc thiện khác, tùy theo phương tiện khả năng của mình.

    Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên) tường trình lên Ðức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Ðức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.

    Ở tập kinh này, chúng ta được dịp thưởng thức các vần thi kệ miêu tả đầy đủ mọi chi tiết về các kỳ quan trên thiên giới mà ta chưa từng gặp trong các tập kinh trước đây của 5 bộ Nikàya. Các vần kệ đầy thi vị hòa lẫn đạo vị ấy nói lên tính cách phong phú trữ tình của văn học Pàli được chư Tỷ kheo sáng tác với mục đích khuyến giáo sự tu tập của giới Phật tử tại gia.

    Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu) là tập kinh song hành với tập chuyện Thiên cung, miêu tả cảnh giới đau khổ của những người đã tạo ác nghiệp từ Tăng chúng cho đến giới cư sĩ tại gia. Các loài quỷ (Peta) trong các chuyện này gồm hai loại: một loại Ngạ quỷ hoàn toàn chịu khổ đau mọi mặt, và một loại quỷ thần được hưởng một phần hạnh phúc do một số thiện nghiệp đã làm và một phần khổ đau do ác nghiệp đời trước.

    Tuy nhiên một số quỷ này được hưởng phước báo khi may mắn gặp thân nhân hay một vị Tỷ kheo thương xót nhận làm các thiện sự, bố thí, cúng dường v.v... rồi hồi hướng công đức về chúng để mong chúng được thoát khổ cảnh. Ở đây ta gặp những vần kệ miêu tả sự tương phản giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và thần tiên của các loài quỷ.

    Qua hai tác phẩm trên, tôi hy vọng chư vị Phật tử và độc giả thưởng thức những công trình văn học Pàli đầy tính cách đạo đức khuyến dụ mọi giới Phật tử một nếp sống đạo hạnh chân chánh để được hưởng hạnh phúc ở đời sau, nếu chưa được giác ngộ giải thoát hoàn toàn theo lý tưởng Phật giáo.

    -oo0oo-

    [1]  Bốn đọa xứ (apāyabhūmi): địa ngục (niraya), súc sanh (tiracchānayoni), ngạ quỷ (pettivisaya), và A-tu-la (asurakāya).

    (*) Trích một phần lời giới thiệu Chuyện Thiên Cung, Chuyện Ngạ Quỷ (Dịch giả TK Indacanda)

    (**) Trích lời giới thiệu của Giáo Sư Trần Phương Lan.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.