Giới thiệu kinh đại niệm xứ Phần 2

Giới thiệu kinh đại niệm xứ Phần 2

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    26. GIỚI THIỆU KINH ĐẠI NIỆM XỨ

    Phần 2

     

    4. Ðây là con đường duy nhất để chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc

    Muốn chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc chúng ta phải thực hành Chánh Niệm. "Lo âu, phiền muộn" là một Tâm Sở có thể phân làm hai khía cạnh: phiền muộn là khổ tâm về những chuyện đã qua, lo âu là khổ tâm về những chuyện chưa xảy ra, "uất ức than khóc" là: "vừa phiền muộn vừa khóc ra tiếng và vừa than thở". Ðể chế ngự lo âu phiền muộn chúng ta phải thực hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát bạn phải nhận biết mọi chuyện xảy ra nơi bạn. Bạn phải ghi nhận mỗi một chuyện đến với bạn trong giây phút hiện tại. Khi bạn nhận biết mọi chuyện, khi bạn quán sát mọi chuyện trong lúc hành thiền thì phiền não không thể sinh khởi. Khi đạt đến tầng mức cuối cùng là A La Hán thì mọi lo âu phiền muộn, uất ức than khóc của bạn đều bị tận diệt. Rất nhiều người nhờ hành Thiền Minh Sát mà lo âu phiền muộn, uất ức than khóc được chế ngự.

    5. Ðây là con đường duy nhất để diệt khổ thân và khổ Tâm

    Khổ thân ở đây là sự đau nhức trong cơ thể, những sự khó chịu trong thân; và khổ tâm là tâm đau khổ, xuống tinh thần, thất vọng, giận hờn, ghét bỏ v.v... Khi ngồi thiền một thời gian lâu bạn cảm thấy đau nhức. Lúc đầu có thể bạn không chế ngự được đau nhức, nhưng nếu bạn kiên nhẫn quán sát hay ghi nhận sự đau, và khi Tâm Định của bạn mạnh mẽ thì đau nhức sẽ biến mất, và bạn chế ngự được cơn đau. Có thể sự đau nhức kéo dài, nhưng nhờ Chánh Niệm bạn có thể sống với cơn đau và chấp nhận sự đau nhức. Như Ðại Ðức Anuruddha nói: "Khi bạn có thể sống với sự đau nhức, chấp nhận đau nhức thì tâm của bạn sẽ không bị quấy nhiễu, loạn động. Một khi tâm bạn không còn bị quấy nhiễu bởi sự đau nhức của cơ thể thì có thể nói đau nhức không còn nữa".

     

    Sống với đau nhức Chấp nhận đau nhức Tâm không loạn động, Không bị quấy nhiễu Tâm không loạn động, Không bị quấy nhiễu Đau có như không

    Như vậy, muốn loại trừ hay chế ngự khổ thân, chúng ta phải hành Thiền Minh Sát. Bạn cũng có thể chế ngự được khổ tâm: xuống tinh thần, thất vọng, giận dữ, ghét bỏ v.v... nhờ hành Thiền Minh Sát. Và khi việc hành thiền của bạn tiến triển, tâm bạn đạt đến tầng mức cao nhất thì khổ thân và khổ tâm sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

    Khổ tâm là một Tâm Sở, lo âu phiền muộn cũng là một Tâm Sở. Chúng luôn luôn liên kết với nhau. Bạn có thể chế ngự, loại trừ hay tránh xa những Tâm Sở bất thiện này nhờ hành Thiền Minh Sát.

    Mỗi thời điểm tâm chỉ nhận một đối tượng. Tâm không thể nhận hai đối tượng cùng lúc. Tôi nghĩ rằng chúng ta thật may mắn khi tâm chỉ ghi nhận được một đối tượng. Nếu tâm có thể nhận hai hay nhiều đối tượng một lúc thì đau khổ của chúng ta còn lớn hơn nhiều. Nhờ ở chỗ mỗi thời điểm tâm chỉ ghi nhận một đối tượng nên chúng ta mới có thể chế ngự khổ tâm và lo âu phiền muộn bằng cách thực hành Thiền Minh Sát. Lấy sự sân hận làm thí dụ. Chẳng hạn tôi đang giận ông A. Càng nghĩ đến ông A thì cơn giận tôi càng gia tăng. Cơn giận của tôi tăng mãi bởi vì tôi đã lấy ông A làm đối tượng cho tâm. Nhưng khi tôi đã chuyển tâm tôi từ sự nghĩ đến ông A, nguồn gốc của sự giận dữ, sang chính sự giận dữ. Nghĩa là thay vì chú tâm vào ông A, tôi chú tâm vào chính sự giận dữ. Vào lúc tôi chuyển sự chú tâm vào chính sự giận dữ thì lúc lấy ông A không còn hiện diện trong tâm tôi nữa. Ông A, đối tượng của sự giận dữ, hay nguyên nhân của sự giận dữ không còn ở trong tâm tôi nữa thì sự giận dữ cũng biến mất luôn. Ðây là phương cách có hiệu quả để điều phục những Tâm Sở bất thiện. Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng rất hiệu quả vì chúng ta đã áp dụng Chánh Niệm một cách mạnh mẽ để đối trị với phiền não. Ðây là phương pháp tốt đẹp giúp chúng ta đương đầu với các phiền não như tham ái, dính mắc, sân hận, ghét bỏ, xuống tinh thần, lo âu, phiền muộn v.v... Bất kỳ Tâm Sở gì khởi sinh chúng ta cũng có thể điều phục chúng bằng chánh niệm. Khi Chánh Niệm của ta mạnh mẽ thì những Tâm Sở bất thiện trên chắc chắn sẽ biến mất. Bởi thế Ðức Phật dạy: Ðây là con đường duy nhất để... chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc.

     

    6. Ðây là con đường duy nhất để đạt Thánh Ðạo.

    Khi đọc sách về Phật Giáo, bạn sẽ gặp chữ Ðạo nhiều lần. Ðôi lúc chữ Ðạo được viết bằng chữ thường, nhưng phần lớn được viết bằng chữ Hoa. Ðạo là một từ kỹ thuật để chỉ cho một nhóm gồm tám yếu tố hay còn gọi là Bát Chánh Ðạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định). Tám chi của Bát Chánh Ðạo khởi sinh vào lúc đạt Thánh Ðạo hay Giác Ngộ. Vào lúc đạt Thánh Ðạo hay Giác Ngộ, tám yếu tố của Bát Chánh Ðạo cùng khởi sinh với một tâm được gọi là "Ðạo Tâm".

    Chữ Giác Ngộ là một từ kỹ thuật khó hiểu. Người ta đã dùng chữ Giác Ngộ một cách tự do, thoải mái, nhưng chỉ một ít có thể thực sự hiểu được chữ này. Nếu không có một định nghĩa đúng về chữ Giác Ngộ chúng ta sẽ hiểu sai lạc ngay. Tùy theo người dùng, tùy theo tôn giáo chữ Giác Ngộ được hiểu nghĩa khác nhau.

    Chữ Giác Ngộ trong Ðạo Phật khác hẳn chữ Giác Ngộ trong các tôn giáo khác và khác hẳn chữ Giác Ngộ được dùng trong các học thuyết chính trị v.v...

    Nói đến Giác Ngộ, chúng ta cần biết Giác Ngộ là gì. Theo Phật Giáo, Giác Ngộ có nghĩa là: "cùng lúc loại trừ phiền não và trực tiếp thấy rõ Niết Bàn", thấy rõ Niết Bàn như mặt đối mặt với Niết Bàn. Ðối với một thiền sinh hành Thiền Minh Sát, khi họ có tiến bộ từ thấp lên cao, càng ngày họ càng đạt được các tuệ giác cao hơn. Nhờ liên tục Tinh Tấn hành thiền như vậy, đến một lúc nào đó, một loại tâm từ trước đến nay chưa từng có, xuất hiện trong tâm họ. Tâm này, được đi kèm với một số Tâm Sở thích hợp, có một cường lực cực kỳ mạnh mẽ loại trừ tận gốc phiền não, và phiền não nào đã được loại trừ sẽ không trở lại nữa, cùng lúc tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng. Như vậy, Giác Ngộ hay Ðạt Thánh Ðạo là những gì xảy ra vào thời điểm ấy - vào thời điểm mà tâm này khởi sinh, loại trừ phiền não và lấy Niết Bàn làm đối tượng. Tâm này gọi là Ðạo Tâm. Như vậy, để đạt Thánh Ðạo chỉ có nghĩa đơn giản là Giác Ngộ. Vào lúc bạn thật sự đạt Thánh Ðạo, bạn Giác Ngộ, loại trừ phiền não và lấy Niết Bàn làm đối tượng. Có bốn thánh đạo hay bốn tầng mức giác ngộ, nên cũng có bốn loại Đạo Tâm. Mỗi Đạo Tâm tận diệt hay làm suy yếu một số phiền não và khi đạt đến Đạo Tâm thứ tư thì tất cả mọi phiền não đều bị tận diệt. Muốn đạt Thánh Ðạo, đạt được loại tâm có khả năng tận diệt mọi loại phiền não này chỉ có Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất.

    7. Ðây là con đường duy nhất để chứng ngộ Niết Bàn.

    Chứng Ngộ Niết Bàn hay Ðạt Thánh Ðạo là một. Chúng ta có thể nói Ðạt Thánh Ðạo nghĩa là Ðạt Ðạo Tâm và Chứng Ngộ Niết Bàn là Ðạt Ðạo Quả. Sau Ðạo Tâm thì Quả Tâm đến ngay. Tức khắc theo sau Ðạo Tâm là hai hay ba sát na của Quả Tâm. Nếu có sự hiểu biết chút ít về Abhidhamma (Vi Diệu Pháp)thì bạn sẽ hiểu rõ ràng về vấn đề này. Cần phải nói thêm là cả Ðạo Tâm và Quả Tâm đều lấy Niết Bàn làm đối tượng, và "thấy" Niết Bàn một cách trực tiếp. Cả hai thời điểm trên đều được gọi là thời điểm Chứng Ngộ Niết Bàn.

    Tóm lại, Ðức Phật đã dạy chúng ta Chánh Niệm là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sinh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ (bốn nền tảng của Chánh Niệm).

    8. Bốn nền tảng của Chánh Niệm

    Chúng ta cần tìm hiểu các chữ "nền tảng" và "chánh niệm". Trước tiên cần biết thế nào là chánh niệm. Tất cả chúng ta đều đã hành thiền nhiều năm, nhưng đôi khi có ai hỏi: Thế nào là Chánh Niệm chúng ta có thể trả lời không xác đáng. Chánh Niệm hay Minh Sát được dịch từ chữ Pāḷi "Sati", và bài kinh này được gọi là "Satipaṭṭhāna". Ta có chữ Sati ở đây. Ta dịch Sati là "Chánh Niệm" hay "Minh Sát" có nghĩa là chú tâm quán sát một cách rõ ràng, tinh tường. Khó có thể tìm một chữ nào để dịch đúng hơn. Theo nguyên ngữ, Sati có nghĩa là "nhà", nhưng theo nghĩa thông thường thì Sati có nghĩa rộng hơn và bao trùm hơn chỉ là "nhà" suông. Chú giải định nghĩa Sati là nhà, nhưng đặc tính của nó là không hời hợt, có nghĩa là không trôi nổi trên bề mặt. Nếu đúng là Sati thì nó phải không hời hợt, bề mặt mà phải đi sâu vào đối tượng. Bởi vậy, tôi thường hay nhắc nhở các thiền sinh là hãy "ý thức trọn vẹn đối tượng" hay hãy "ý thức xuyên suốt đối tượng". Sati có công năng hay đem đến kết quả là không bỏ mất đối tượng. Bao lâu chúng ta có Sati hay có Minh Sát thì chúng ta không bỏ mất đối tượng, không quên đối tượng. Chánh Niệm hay Minh Sát chẳng khác nào một người gác cửa đang đứng tại cửa kiểm soát người ra kẻ vào.

    "Nền tảng" hay "căn bản" của Chánh Niệm, thực sự có nghĩa là "thiết lập" hay hay "xây dựng", "thiết lập vững chắc chánh niệm", "Chánh Niệm được xây dựng vững chắc". Chữ Satipaṭṭhāna được dịch là "nền tảng của chánh niệm", "nền tảng của minh sát", nhưng phải hiểu đó là sự thiết lập Chánh Niệm một cách vững chắc, một cách kiên cố. Trong Kinh Ðại Niệm Xứ này, Ðức Phật nói đến bốn nền tảng của Chánh Niệm hay bốn nền tảng của minh sát. Khi hành Thiền Minh Sát trong một khóa thiền như thế này, các bạn thực hành tất cả bốn nền tảng. Nhưng không phải bạn thực tập tuần tự từng căn bản một như kinh điển đã ghi ra mà tùy theo sự hiện diện của đề mục, bạn áp dụng một loại nền tảng hay phương cách Chánh Niệm thích hợp. Trong thực hành bạn phải Chánh Niệm trên đối tượng hiện tại. Bạn không thể bỏ qua đối tượng hiện tại. Ðối tượng hiện tại có lúc là Thân, có lúc là Thọ, có lúc là Tâm và có lúc là Pháp. Ðối tượng nào nổi bật trong hiện tại thì chú tâm minh sát vào đối tượng đó. Bạn phải chú tâm Chánh Niệm vào đề mục đang hiện diện, đừng lựa chọn. Ðó là lý do tại sao Thiền Minh Sát còn được gọi là "sự ý thức không lựa chọn". Ðiều này có nghĩa là khi hành thiền, bạn không được lựa chọn đề mục mà hãy chú tâm minh sát những gì đang xuất hiện trong hiện tại.

    Sau khi cho biết ích lợi của việc hành Thiền Minh Sát, Ðức Phật chỉ dẫn tóm lược cho chúng ta cách hành thiền theo bốn căn bản của sự minh sát. Bốn căn bản đó là gì ?

    Tỳ khưu trú trong thân quán sát thân, tinh cần (nhiệt tâm), ý thức sáng suốt và chánh niệm, loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong thân.

    Ðây chỉ là một câu vắn tắt nhưng có nhiều ý nghĩa.
    "Trú trong thân quán sát thân". Câu kinh Pāḷi nguyên bản là "Kāye, 'kāyānupassive', viharati..."
    Kāyā nupassive có nghĩa là: quán sát thân, theo dõi thân, hay niệm thân. Viharati có nghĩa là trú hay ở.
    Kāye có nghĩa là trên thân hay trong thân.
    Toàn câu có nghĩa là: "Trú trong thân, quán sát thân".

     

    Câu này có nghĩa là khi tâm hiện tại đang "trú trên thân" hay hiện tại đang "chú tâm vào thân" thì hãy quán sát thân, đừng trú trên thân mà quán sát thọ, vì hiện tại chỉ có thân là đề mục đang nổi bật. Tương tự như vậy, đừng trú trên thân mà quán sát tâm, đừng trú trên thân mà quán sát pháp hay quán sát con người...

    Tóm lại, khi Thầy Tỳ Khưu thực hành Chánh Niệm quán sát thân thì phải quán sát thân một cách thật tinh tế, thật chính xác, thật rõ ràng. Thầy Tỳ Khưu khi tâm trú trong thân hay ở trong thân thì phải quán sát hay minh sát thân chứ không trú trên thân mà quán sát cảm thọ, quán sát tâm hoặc quán sát con người v.v... Ðức Phật nhấn mạnh rằng khi quán sát đối tượng, Thầy Tỳ Khưu phải quán sát một cách tinh tế, chính xác. Khi quán sát thân, Thầy Tỳ Khưu phải tinh cần, Thầy Tỳ Khưu phải có ý thức sáng suốt (tỉnh giác) và Thầy Tỳ Khưu phải chánh niệm.

    ....( còn tiếp)

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.