Giới thiệu Quyển Bát Thánh Đạo

Giới thiệu Quyển Bát Thánh Đạo

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    BÁT THÁNH ĐẠO

    (ARIYAMAGGA)

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông

    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    TỰA

    “Bát Thánh đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đờn mà người lên dây vừa thẳng, khảy nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích.

    Vì thế, khi hành giả đã thực hành đều đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai.

    Tôi soạn dịch pháp “Bát Thánh đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để đến nơi yên vui tự tại, nên tinh tấn tu tập theo chánh pháp, khỏi sự sai lầm, ngõ hầu làm mô phạm cho kẻ hậu lai trên con đường giải thoát.

    Ba cái pháp mà Đức Thiên Nhơn sư đã giảng giải, có nhơn duyên nương lẫn nhau ấy là pháp học, pháp hành và pháp thành.

    1- Pháp để học hỏi cho biết phải, quấy, chánh, tà, lành, dữ v.v... gọi là “pháp học” (pariyattidharma) (Luật, Kinh và Luận tạng) như ngọn đèn sáng tỏ để rọi đường đi, là khí cụ vẹt tan sự tối tăm ngu dốt.

    2- “Pháp hành” (paṭipattidharma) là giới định tuệ, là pháp để trau dồi thân, khẩu, ý cho trở nên trong sạch. Người đã trì giới đều đủ nên niệm Phật, tham thiền cho đến khi phát sanh trí tuệ, giác ngộ pháp “tứ diệu đế” mới có thể nếm hương vị cao thượng của pháp thành.

    3- “Pháp thành” (paṭivedhadharma) là đạo, quả và Niết-bàn.
     

    Cho nên, ba phép ấy có nhân tương quan lẫn nhau, có nghĩa là pháp học là nhân, pháp hành là quả, pháp hành là nhân, pháp thành là quả vậy.

    Mong sao hàng Phật tử, khi đã phát nguyện làm người tu Phật nên hết lòng tinh tấn tôn kính, lễ bái cúng dường(1) đến ba pháp (pháp học, pháp hành và pháp thành) theo thứ tự, mới có thể thành tựu những lợi ích trong Phật giáo.

    Xin thanh minh rằng: Tôi soạn quyển kinh này chỉ vì lòng tin tưởng “Bát Thánh đạo”, là con đường tiếp dẫn các hành giả đến chỗ yên vui, từ kiếp này qua đến đời sau, cho đến khi chứng quả Niết-bàn, là nơi tận diệt tất cả những thống khổ. Nếu có điều sơ sót sai lầm, cầu chư quí đọc giả lượng thứ và bồi bổ thêm cho.

    Mong thay,

    Tỳ khưu: Hộ Tông

    -oo0oo-

    (1) Có giải rõ cách cúng dường chơn chánh cao thượng nơi chương sau.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.