Giới thiệu quyển Pháp Trích Yếu trong Thanh Tịnh Đạo

Giới thiệu quyển Pháp Trích Yếu trong Thanh Tịnh Đạo

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    PHÁP TRÍCH YẾU TRONG THANH TỊNH ĐẠO
    (VISUDDHI MAGGA)

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    QUÁN TƯỞNG NGŨ UẨN

    Pháp trích dịch trong thanh tịnh đạo

    Những pháp cần ghi nhớ thực hành để tiến hóa thêm

    Kinh Cullappaññāsaka khandhasaṃyutta sanyuttanikāyakhandhavāravagga (Tam Tạng quyển 17, trang 23) có giải rằng:

    Thuở nọ, hai vị đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Mahā Koṭṭhita đang ngụ tại vườn Lộc Giả (Isipatanamigadāyavana) gần kinh đô Bārāṇasī.

    Thừa dịp trời thanh gió mát, thầy Koṭṭhita rời khỏi nơi hoang vắng đến viếng Đức Sāriputta và Hỏi: “Bạch ngài Sāriputta, xin ngài cho biết thầy tỳ kheo có giới đức trong sạch cần phải niệm tưởng pháp nào, phải thực hành theo đường lối nào, để tiến hóa và trở nên cao thượng hơn?”

    ĐĐ. Sāriputta đáp: “Thầy tỳ kheo có giới đức trong sạch cần phải luôn luôn chú tâm quán tưởng về ngũ uẩn đúng theo chân lý như vầy: “Các uẩn là vô thường, là khổ não, là bệnh tật, là ung nhọt, là mũi tên, là căn nguyên sự khổ, là rời rã, là biến đổi, là rổng không, là vô ngã.” Khi đã thực hành đầy đủ đúng theo chân lý như thế, thầy tỳ kheo trở nên sáng suốt, thấy rõ các pháp siêu thoát và thành đạt quả “Tu-đà-huờn.”

    ‒ Bạch ngài Sāriputta, thầy tỳ kheo đã nhập lưu “Tu-đà-huờn” cần phải tiếp tục hành theo pháp nào để phát triển nội tâm?”

    ‒ Này thầy Koṭṭhita, thầy tỳ kheo bậc Tu-đà-huờn cần phải luôn luôn chú tâm quán xét về ngũ uẩn đúng theo chân lý như vầy: “Các uẩn đều là vô thường, là khổ não ... là vô ngã”. Khi đã thực hành đúng đắn như thế, thầy tỳ kheo sẽ tiến thêm một bậc và đạt “Tư-đà-hàm quả”.

    ‒ Bạch ngài Sāriputta, thầy tỳ kheo đắc quả Tư-đà-hàm cần phải tiếp tục chú tâm thực hành pháp nào đúng theo chân lý để tiến triển thêm?

    ‒ Này thầy Koṭṭhita, thầy tỳ kheo bậc Tư-đà-hàm cần phải luôn luôn chú tâm niệm tưởng về ngũ uẩn đúng theo chân lý như vầy: “Các uẩn đều là vô thường, là khổ não ... là vô ngã”. Khi đã thực hành đầy đủ và đúng đắn như thế, thầy tỳ kheo sẽ tiến thêm một bậc và đắc “A-na-hàm quả.”

    ‒ Bạch ngài Sāriputta, thầy tỳ kheo bậc A-na-hàm cần phải tiếp tục chú tâm thực hành pháp nào đúng theo chân lý để tiến triển thêm?

    ‒ Này thầy Koṭṭhita, dù đã bước lên A-na-hàm quả, thầy tỳ kheo cũng cần phải luôn luôn chú tâm quán tưởng về ngũ uẩn đúng theo chân lý như vầy: “Các uẩn đều là vô thường, là khổ não... là vô ngã.” Khi đã thực hành tròn đủ đúng đắn như thế, thầy tỳ kheo sẽ tiến lên một bậc nữa và thành đạt quả vị “A-la-hán.”

    ‒ Bạch ngài Sāriputta, thầy tỳ kheo đắc quả A-la-hán cần phải tiếp tục chú tâm thực hành pháp nào nữa cho được lợi ích?

    ‒ Này thầy Koṭṭhita, dù đã thành đạt quả vị A-la-hán, thầy tỳ kheo cũng cần phải luôn luôn chú tâm quán xét về ngũ uẩn đúng theo chân lý như vầy: “Các uẩn đều là vô thường, là khổ não... là vô ngã.”

    Dù cố công trì chí đến mức độ nào, các hành giả cũng không sao vượt qua khỏi các pháp cao thượng cùng tột của bậc thánh A-la-hán. Nhưng các ngài vẫn luôn luôn rèn luyện nội tâm để bảo tồn nguồn thanh tịnh, an vui trong đời hiện tại (hữu dư Niết-bàn), để duy trì tuệ giác và ghi nhớ biết mình (satisampajañña).

    Nên ý thức rằng, cuộc vấn đáp trên đây, giữa hai vị đại đức là để giải thích “Pháp thông tuệ” (vipassanā). Đây là pháp hành thực tế đúng theo chân lý mà hành giả phải ghi nhớ trong tâm và nên luôn luôn quán xét rằng: “Ngũ uẩn là vô thường, là khổ não, là bệnh tật, là ung nhọt, là mũi tên, là nguồn gốc sự khổ làm cho bất an khó chịu, là biến đổi, là tan rã, là rổng không, là vô ngã. Đó không phải là ta, là của ta, là bản ngã.”

    Niệm tưởng thường như thế sẽ đưa đến đạo quả, Niết-bàn trong kiếp hiện tại. Nên biết rằng ghi nhớ thường xuyên trong tâm là tư cách phối hợp tập trung tư tưởng để quán xét, suy tính, cân phân. Nghĩ ngợi, suy tư hằng phát sanh từng hồi từng chặp, nhưng rèn luyện nội tâm là tập hợp gom vào nội tại liên tục, không cho gián đoạn.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.