Hai loại định tâm

Hai loại định tâm

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    17. HAI LOẠI ĐỊNH TÂM

     

    Có hai loại định tâm. Định tâm sai lầm là tà định, và định tâm đúng đắn là chánh định.

    Định tâm sai lầm

    Định tâm sai lầm đi liền với tâm bất thiện, hay cùng khởi sinh với tâm bất thiện. Chẳng hạn, khi một người câu cá, người đó có tâm cố ý bắt cá. Người bắt cá có một sự định tâm, nhưng định tâm của người này là định tâm sai lầm. Đây là tâm định đi kèm với tâm sân hay ghét bỏ, hoặc tâm định đi kèm với tâm hủy diệt đối tượng.

    Định tâm đúng đắn

    Khi bạn làm điều gì tốt như bố thí, trì giới v.v... thì định tâm cũng đi kèm theo. Và định tâm ở đây là định tâm đúng đắn, bởi vì chúng đi cùng với thiện tâm hay với Tâm Sở thiện. Như vậy, khi bạn hành thiền bạn có định tâm đúng đắn gọi là chánh định. Chánh định là một trong tám yếu tố của Bát Chánh Đạo.

    Tiếng Pāḷi gọi tám yếu tố của Bát Chánh Đạo là "Maggaṅga" (Những yếu tố của đạo hay thành phần của đạo). Trong tám yếu tố đó có ba yếu tố thụ động và năm yếu tố hoạt động.

    Ba yếu tố thụ động

    Được gọi là những yếu tố thụ động bởi vì chúng không hoạt động trong lúc hành thiền. Được gọi là những yếu tố tác động vì chúng hoạt động vào lúc thực hành thiền, chúng làm nhiệm vụ cân bằng và hài hòa với các yếu tố kia.

    Ba yếu tố thụ động là: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Nói một cách chính xác theo Vi Diệu Pháp thì không có yếu tố nào trong ba yếu tố trên hiện diện trong tâm bạn trong lúc hành thiền. Chúng chỉ khởi sinh khi bạn giữ không làm điều gì sai lầm. Khi bạn tránh xa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tránh xa nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời nói dữ, nói lời vô ích, khi bạn không buôn bán rượu, không buôn bán vũ khí, không buôn bán thuốc độc, không buôn bán thịt, không buôn bán người thì các yếu tố Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng khởi sinh. Bởi vậy ba yếu tố này không hiện diện trong tâm thiền sinh trong lúc đang hành thiền. Ngay cả những lúc chúng hiện diện thì chúng cũng hiện diện từng cái một; không phải cả ba yếu tố đều hiện diện trong một sát na (khoảnh khắc).

    Ba yếu tố này tạo thành nhóm giới Bạn hoàn thành được ba yếu tố này khi bạn xin giới vào lúc đầu khóa thiền. Như vậy, khi bạn xin giới trước khi hành thiền là bạn đã hoàn thành được ba yếu tố này. Khi bạn xin giới, một trong ba yếu tố này có thể có mặt trong tâm bạn. Nhưng khi bạn đang hành Thiền Minh Sát, ba yếu tố Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng này không hiện diện trong tâm bạn. Bởi vậy nên chúng được gọi là những yếu tố thụ động.

    Năm yếu tố tích cực:

    Năm yếu tố khác được gọi là những yếu tố tích cực, bởi vì chúng hoạt động một cách tích cực tại mỗi thời điểm hành thiền. Trước tiên là Chánh Tinh Tấn, khi bạn cố gắng Chánh Niệm là bạn đã nhờ vào sự Tinh Tấn. Do đó, khi có Tinh Tấn thì sẽ có Chánh Niệm. Khi Chánh Niệm trở nên mạnh mẽ hay khắn khít vào đề mục thì có Chánh Tinh Tấn. Điều này có nghĩa là tâm của bạn đi sâu vào trong đối tượng và dính chặt vào đó. Khi bạn đạt được định tâm thì trí tuệ thấy rõ bản chất của sự vật tự đến. Để giúp cho tâm ở trên đề mục,có một yếu tố khác đã đưa tâm đến với đề mục và đặt tâm trên đề mục, yếu tố hướng tâm đến đề mục này là Chánh Hướng Tâm (hay Chánh Tư Duy). Chánh Tư Duy trong Bát Chánh Đạo không phải là một sự suy nghĩ thông thường, đây là một yếu tố đưa tâm đến đối tượng và đặt tâm trên đối tượng. Không có yếu tố này tâm sẽ không ở trên đối tượng.

    Như vậy, chúng ta có năm yếu tố hoạt động: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Năm yếu tố này cùng hoạt động và hài hòa với nhau thì việc hành thiền mới tốt đẹp. Mặc dầu năm yếu tố này quan trọng trong việc hành thiền, nhưng một lần nọ Đức Phật đã lấy một yếu tố và nói:

    "Này các thầy tỳ kheo, hãy phát triển định tâm. Người có Tâm Định thì hiểu sự vật đúng theo chân tướng của chúng."

    Đó là sự khích lệ của Đức Phật đối với Tăng Chúng.

    Sự Quan Trọng của Định Tâm

    Hành thiền sẽ phát triển Định Tâm. Khi có Tâm Định thì bạn sẽ xuyên thấu vào bản chất của sự vật, có nghĩa là Chánh Kiến đã khởi sinh khi bạn có Tâm Định. Điều quan trọng là thiền sinh có Định Tâm để thấy sự vật đúng theo chân tướng của chúng. Chúng ta hãy lấy ví dụ: Giả sử có một ly đầy nước bẩn, có những vật nhỏ ở trong nước. Vì ly nước bị cáu bẩn nên chúng ta không thể thấy được những gì trong nước. Chúng ta cũng không thể thấy xuyên qua nước hay qua ly.

    Giả sử có một vài loại hóa chất khi bỏ vào trong nước bùn dơ sẽ làm cho nước bùn dơ lắng xuống. Khi bùn dơ đã được lắng xuống, nước trở nên trong suốt nên chúng ta có thể thấy được những gì trong nước, đồng thời chúng ta cũng có thể thấy xuyên qua nước, xuyên qua ly. Cũng vậy, khi có Tâm Định thì những chướng ngại trong tâm bị chế ngự hay lắng xuống. Mặc dầu lúc bấy giờ, vào sát na đó, thiền sinh không thể loại trừ chúng hoàn toàn, nhưng ít nhất thiền sinh có thể giữ chúng lại, không cho chúng quấy động lên. Khi những chướng ngại trong tâm lắng xuống, tâm trở nên trong sáng, đó là lúc thiền sinh đạt được Định Tâm. Nhờ có Định Tâm thiền sinh sẽ nhìn thấy bản chất của sự vật. Định Tâm là yếu tố quan trọng trong lúc hành thiền. Không có Định Tâm thì chúng ta không hy vọng thấy được bản chất thật sự của sự vật. Hiểu rõ bản chất thật sự của sự vật rất quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát, bởi vì hiểu được bản chất hay hiểu rõ sự vật đúng theo chân tướng của chúng là căn bản của các Tuệ Minh Sát. Tuệ Minh Sát chỉ có thể khởi sinh khi có sự hiểu biết này. Hiểu biết sự vật đúng theo chân tướng của chúng có nghĩa là thấy sự vật một cách rõ ràng, thấy những đặc tính thực sự của chúng.

    Ba Loại Định Tâm:

    Như chúng ta biết, Định Tâm có ba loại: Cận Định, An Chỉ Định (Định trong các tầng thiền), và Sát Na Định.

    Muốn đạt được An Chỉ Định (Định trong các tầng thiền) thì bạn phải hành Thiền Định. Có bốn mươi đề mục Thiền Định, nhưng chỉ có ba mươi đề mục là đạt được các tầng thiền. Bạn có thể chọn một trong ba mươi đề mục đó để hành thiền. Chẳng hạn bạn lấy "kasina đất" làm đề mục hành thiền. Bạn làm một cái đĩa tròn bằng đất sét, đường kính khoảng một gang tay và bốn ngón, (đường kính bằng chiều dài của gương mặt thiền sinh) đặt cách xa chừng một thước trước mặt, rồi chú tâm vào đĩa tròn bằng đất đó và cố gắng nhớ cái đĩa đó.

    1. Cận Định:

    Chú tâm vào đĩa tròn bằng đất và cố gắng nhớ cái đĩa đó, tâm hướng ra ngoài thì phải đưa về hình ảnh chiếc đĩa. Dần dần, vào một lúc nào đó bạn thấy hình ảnh cái đĩa đó trong tâm. Khi nhắm mắt lại bạn có thể thấy rõ nó trong tâm, gọi là tướng nhớ lại. Tâm bạn trú trên hình ảnh nhớ lại trong tâm đó nhiều lần. "Tướng" hay hình ảnh của cái đĩa đất đó trở thành bóng láng, trong sáng. Hình ảnh nhớ lại đó, hình ảnh trong tâm đó, là bản sao chính xác của cái đĩa bằng đất. Nếu khi bạn làm một cái đĩa bằng đất có ấn dấu tay trên đó, thì trong tướng này bạn cũng thấy rõ dấu tay. Nhưng khi bạn đạt đến tầng mức cao hơn tiếp theo, dấu tay và những dấu khác đều biến mất. "Tướng" hay hình ảnh trong tâm trở nên rất mịn màng và bóng láng. Lúc bấy giờ những chướng ngại trong tâm bạn bị lắng đọng lại hay không khởi sinh, và vào lúc này bạn có thể nói là bạn đã đạt được một loại định tâm. Loại Định Tâm này gần với "An Chỉ Định" (Định Tâm trong các tầng thiền) nên được gọi là "Cận Định".

    2. An Chỉ Định:

     

    Khi bạn tiếp tục chú tâm thật nhiều lần, kế tiếp bạn sẽ đạt được "An Chỉ Định" (định tâm trong các tầng thiền). Mức định tâm ngày càng cao, tâm bạn càng an trụ vào đề mục, và bạn lần lượt đạt được các tầng thiền từ thấp lên cao. Đó là lúc bạn đạt được "An Chỉ Định" trong Thiền Định (Thiền Định còn được gọi là thiền vắng lặng hay thiền chỉ).

    Sau khi đạt được "cận định" hay đạt các "tầng thiền", bạn có thể chuyển sang hành Thiền Minh Sát.

    Khi hành Thiền Minh Sát bạn lấy một trong những tầng định này làm đối tượng, có nghĩa là bạn lấy Cận Định và Các Tầng Thiền làm đối tượng để thấy chúng là vô thường, khổ, vô ngã. Dần dần bạn sẽ đạt đến các tuệ minh sát, và cuối cùng là giác ngộ đạo quả.

    Tóm lại, trong thiền Định có hai loại định là "Cận Định" và "An Chỉ Định" (định trong các tầng thiền).
    Nếu muốn trực tiếp hành Thiền Minh Sát mà không muốn hành Thiền Định trước, thì bạn phải làm thế nào? Trong trường hợp bạn không hành Thiền Định trước thì bạn đừng cố gắng để đạt cận định mà phải bắt đầu hành Thiền Minh Sát ngay.

    3. Sát Na Định

    Khi bạn chỉ hành Thiền Minh Sát thôi, bạn sẽ đạt được một loại định khác, đó là Sát Na Định. Khi hành Thiền Minh Sát, bạn chú tâm chánh niệm vào đề mục, bạn tinh tấn hành thiền và luôn luôn đặt tâm bạn ở trên đề mục lúc bấy giờ sẽ không có chướng ngại trong tâm, tâm sẽ không lang bạt khắp nơi mà chỉ ở trên đề mục hành thiền. Bất kỳ đề mục nào xuất hiện một cách rõ ràng trong hiện tại, bạn đều có thể chánh niệm được, lúc bấy giờ bạn đạt được Sát Na Định.

    Trong việc hành Thiền Minh Sát, Sát Na Định rất quan trọng, Sát Na Định giống như "Cận Định". Sát Na Định không cho chướng ngại xâm nhập vào tâm bạn. Sát Na Định làm giảm thiểu chướng ngại ở tâm khiến cho tâm an trụ trên đề mục dễ dàng. Sát Na Định cũng giữ cho chướng ngại không phát sinh hay loại trừ chướng ngại và ổn định tâm khiến tâm an trụ trên đề mục.

    Như vậy, Sát Na Định cũng giống như "Cận Định". Mặc dầu có năng lực như "Cận Định" nhưng Sát Na Định không được gọi là "Cận Định" vì Sát Na Định không gần với "định trong các tầng thiền". Khi bạn nói Cận Định thì tâm định này phải gần với "định trong các tầng thiền". Nhưng vì không có các tầng định trong Thiền Minh Sát cho nên chúng ta không nói định trong hành Thiền Minh Sát là "Cận Định" mà chúng ta dùng chữ Sát Na Định.

    Khi bạn đạt Sát Na Định có nghĩa là tâm của bạn hầu như ở trên đề mục hành thiền. Bạn có thể chánh niệm vào bất kỳ đối tượng nào đến. Thỉnh thoảng tâm của bạn chỉ lay động nhẹ, và bạn có thể ngăn ngừa tâm vọng động. Đó là lúc bạn có Sát Na Định.

    Khi có Sát Na Định thì các chướng ngại phiền não lắng xuống và tâm bạn trở nên trong suốt. Đó là lúc bạn thấy đối tượng rõ ràng, rõ ràng hơn trước đây nhiều. Lúc định tâm bạn chưa tốt dù bạn có thể nghĩ rằng bạn thấy đề mục một cách rõ ràng, nhưng thật ra bạn chưa thấy rõ đâu. Nhưng khi bạn đạt được Sát Na Định bạn thật sự thấy đề mục rõ ràng. Khi bạn thấy chúng một cách rõ ràng, bạn sẽ thấy chúng là gì. Đặc tính chúng như thế nào.

    Khi bạn thấy một cách rõ ràng chúng là gì, đặc tính của chúng như thế nào; lúc ấy bạn có tuệ giác thấy sự vật đúng theo chân tướng của chúng. Bạn thấy sự vật như thật mà không cần một sự hỗ trợ nào. Nếu tiếp tục hành thiền bạn sẽ thấy đối tượng xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng, chúng đến rồi lại đi. Mặc dầu bạn có thể thấy chúng trên màn bạc tâm giới, bạn phải luôn luôn xem chừng chúng, và chú tâm vào đối tượng nổi bật nhất trong hiện tại, lấy đối tượng trong hiện tại làm đề mục hành thiền. Bạn thấy rõ đối tượng nhưng đồng thời bạn cũng thấy rõ đối tượng đến và đi. Khi bạn thấy đối tượng đến và đi bạn sẽ biết rằng chúng là vô thường. Bấy giờ bạn đi vào minh sát thật sự.

    Lúc bạn chưa đạt tầng mức này, có nghĩa là bạn chưa đi vào Thiền Minh Sát, bạn chỉ đang tiến đến Thiền Minh Sát mà thôi. Bạn có thể nói rằng: tôi đang hành Thiền Minh Sát, nhưng chỉ khi nào bạn thấy đối tượng vô thường, khổ, vô ngã bạn mới có thể thật sự nói rằng: Tôi đã đi vào Thiền Minh Sát. Để đạt được tuệ thấy rõ tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã này, bạn cần phải có định tâm. Bạn không 

    thể bỏ qua định tâm. Bạn không thể nói rằng định tâm không cần thiết. Thật là sai lầm khi nói rằng: "Bạn chỉ cần thực hành thôi thì bạn sẽ đạt được tuệ giác". Bạn phải có định tâm trước đã, dầu đó là Sát Na Định, Cận Định, hay An Chỉ Định (định trong các tầng thiền).

    Chỉ khi nào có định tâm bạn mới thấy sự vật một cách rõ ràng. Chỉ khi nào bùn đã được lắng đọng bạn mới có thể thấy rõ xuyên qua nước, và thấy trong nước có gì? Cũng vậy, chỉ khi nào các chướng ngại phiền não được lắng đọng, bạn mới có thể thấy chân tướng của sự vật. Nhưng những chướng ngại chỉ lắng đọng khi bạn đạt được sự định tâm. Do đó, đạt được sự định tâm là điều cực kỳ quan trọng trong việc hành thiền, dầu đó là Thiền Minh Sát hay Thiền Định. Đó là lý do tại sao hầu hết các thiền sư đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự định tâm.

    Định tâm chỉ có thể đạt được khi bạn chánh niệm. Chánh niệm chỉ đạt được khi bạn tinh tấn. Nếu thiếu tinh tấn, nếu bạn không nỗ lực cố gắng, bạn không thể chánh niệm. Hầu như những lần chúng ta thiếu chánh niệm là vì chúng ta thiếu tinh tấn trong việc chánh niệm.

    Bạn cần nỗ lực tinh tấn để chánh niệm hầu đạt được sự định tâm, khi có được định tâm bạn mới thấy được bản chất như thực của sự vật, bạn mới có thể thấy chúng là vô thường, khổ, vô ngã v.v... Bởi vậy, nếu muốn thoát khỏi, muốn vượt qua, không còn bị vô thường khổ và vô ngã chi phối nữa, thì bạn phải hoàn thành tâm định. Vậy yếu tố định tâm là yếu tố quan trọng, là một trong năm yếu tố hoạt động tích cực và hài hòa trong từng sát na một của việc hành thiền. Năm yếu tố này được gọi là những yếu tố tác động của đạo (giải thoát).

    Thế Tục và Siêu Thế

    Chúng ta cần hiểu rõ hai loại yếu tố thế tục và siêu thế. Nói một cách thật là chính xác: chỉ những gì khởi sinh vào "sát na giác ngộ", khởi sinh đồng thời với "đạo tâm" mới gọi là những yếu tố thật sự của đạo. Nhưng những yếu tố của "đạo" này, hay những yếu tố "siêu thế" này xuất hiện vào sát na giác ngộ là kết quả của sự thực hành từ trước. Do thực hành Thiền Minh Sát bạn mới đạt được đạo tâm này. Đạo tâm là kết quả của Thiền Minh Sát. Để đạt những "yếu tố của đạo" thật sự, bạn cần phải phát triển những yếu tố đầu tiên của đạo. Như vậy, bạn phải phát triển "những yếu tố thế tục của đạo", không phát triển "những yếu tố thế tục của đạo" bạn không thể đạt được "yếu tố giải thoát của đạo".

    Đó là lý do tại sao khi hành Thiền Minh Sát ta cố gắng phát triển những yếu tố trong tầng mức thế tục. Những yếu tố mà chúng ta sử dụng trong lúc hành Thiền Minh Sát được gọi là những yếu tố tiên khởi hay những tầng mức đầu tiên. Không có những tầng mức đầu tiên thì bạn không thể đi đến sự giác ngộ được. Trong việc hành thiền chúng ta cần phải quan tâm đến năm yếu tố, xem chúng có hài hòa trong từng sát na của việc hành thiền hay không? Những yếu tố này cần phải hài hòa với nhau, không để một trong những yếu tố nào trội hơn. Giống như trong một cái máy có nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận phải làm công việc riêng của mình. Nếu có bộ phận nào làm việc nhiều quá thì máy sẽ không chạy. Các yếu tố cũng giống như những bộ phận của một máy, mỗi bộ phận có một nhiệm vụ riêng. Mỗi bộ phận phải thi hành chức năng của mình một cách đúng đắn để cho toàn bộ máy hoạt động hữu hiệu. Cũng vậy, trong khi hành Thiền Minh Sát các yếu tố phải hoạt động đúng đắn. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ khác nhau nhưng phải làm tròn bổn phận của mình, đồng thời phải hài hòa nhiệm vụ của các yếu tố khác. Tinh tấn có nhiệm vụ của tinh tấn, Chánh niệm có nhiệm vụ của chánh niệm, Chánh Định có nhiệm vụ của Chánh Định, Chánh Kiến có nhiệm vụ của Chánh Kiến, Chánh Hướng Tâm có nhiệm vụ của Chánh Hướng Tâm. Chúng phải làm đúng nhiệm vụ và chức năng của mình, và trong khi làm nhiệm vụ của mình chúng phải vừa đủ không nhiều cũng không ít. Khi những yếu tố này hoạt động một cách hài hòa sẽ đem lại thành quả tốt đẹp. Tất cả năm yếu tố đều quan trọng, nhưng Đức Phật đã chỉ dạy hay đã khích lệ các thầy tỳ khưu, các học trò của mình rằng Định Tâm là yếu tố quan trọng nhất. Ngài Mahasi đã nói về định tâm rất nhiều lần trong các bài pháp của Ngài cũng như trong sách của Ngài. Thật vậy, mỗi thiền sư đều đánh giá cao và ý thức rõ ràng tầm quan trọng của Chánh Định.

    Chánh Định là gì? Có ba loại Định: Cận Định, An chỉ Định và Sát Na Định. Cận Định, An Chỉ Định được sử dụng trong Thiền Định. Sát Na Định dành cho Thiền Minh Sát bởi vì có nhiều người chỉ hành Thiền Minh Sát thôi mà không hành Thiền Định. Vào thời kỳ của Đức Phật và một số thế kỷ sau này, người ta hành cả hai loại thiền: Thiền Định và Thiền Minh Sát. Họ hành Thiền Định trước rồi chuyển sang hành Thiền Minh Sát.

    Bạn có thể đi theo một trong hai lối đó. Lối thứ nhất là hành Thiền Định trước rồi chuyển sang Thiền Minh Sát sau. Lối thứ hai là đi thẳng vào Thiền Minh Sát, và chỉ hành Thiền Minh Sát thôi bằng cách phát triển Định Tâm. Khi định tâm đủ mạnh trở thành Sát Na Định thì bạn có thể thấy bản chất thật sự của sự vật.

    Chánh Định là yếu tố quan trọng trong việc hành thiền. Không có thiền sinh nào đánh giá thấp hay ít chú tâm đến tầm quan trọng của Chánh Định. Nhờ định tâm đúng đắn, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết đúng đắn (Chánh kiến). Chánh kiến là sự hiểu biết đúng đắn bản chất như thực của sự vật, dẫn chúng ta đến sự "hiểu biết đúng đắn về bốn chân lý cao thượng" hay Tứ Diệu Đế.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.