Sau khi Đức-Phật Gotama an hưởng pháp vị an-lạc giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ gồm có 49 ngày đêm xong, Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi dưới một cội cây. Khi ấy, hai anh em lái buôn tên Tapussa và Bhallika dẫn đoàn xe bò 500 chiếc đi ngang qua, một thiên-nữ trong kiếp quá-khứ đã từng là mẹ của hai anh em lái buôn hiện ra, báo cho hai anh em lái buôn biết rằng:
– Này hai con! Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian rồi, Đức-Phật an hưởng pháp vị an-lạc suốt 7 tuần lễ gồm có 49 ngày qua, chưa độ vật thực. Vậy, hai con là người đầu tiên đem vật thực đến cúng dường lên Đức-Phật.
Nghe thiên-nữ báo tin như vậy, hai anh em vô cùng hoan hỷ đem vật thực ngon lành đến đảnh lễ, rồi cúng dường lên Đức-Phật Gotama.
Đức-Phật Gotama thọ nhận vật thực của hai anh em lái buôn đầu tiên. Sau khi Đức-Phật Gotama độ vật thực và độ nước xong, hai anh em đảnh lễ Đức-Phật, kính xin thọ phép quy-y Nhị-bảo rằng:
“Ete mayaṃ Bhante,
Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Dhammañca, upāsake no Bhagavā dhāretu.
Ajjatagge pāṇupete saraṇaṃ gate.(1)”
(1) Vinayapiṭakapāḷi, Mahāvagga, Rājāyatanakathā.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con thành kính xin quy y nơi Đức-Thế-Tôn và xin quy y nơi Đức-Pháp-bảo. Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận hai chúng con là người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy y Nhị-bảo kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Hai anh em Tapussa và Bhallika cũng là hai cận-sự- nam (upāsaka) đã quy y Nhị-bảo đầu tiên trong giáo- pháp của Đức-Phật Gotama.
Hai anh em Tapussa và Bhallika kính xin Đức-Phật ban cho báu-vật để tôn thờ. Đức-Phật Gotama ban 8 sợi tóc gọi là 8 sợi xá-lợi tóc cho hai anh em lái buôn thỉnh về tôn thờ (nay 8 sợi xá-lợi tóc được tôn thờ trong ngôi bảo tháp lớn Shwê-đa-gôn tại thủ đô nước Myanmar).
Đức-Phật suy tư về pháp siêu-tam-giới
Đức-Thế-Tôn suy xét về 9 pháp siêu-tam-giới (Lokut- taradhamma) mà Đức-Phật đã chứng đắc:
* 4 Thánh-đạo (Ariyamagga) là pháp diệt tận mọi phiền-não.
* 4 Thánh-quả (Ariyaphala) là pháp làm vắng lặng mọi phiền-não.
* 1 Niết-bàn là pháp giải thoát khổ tử sinh luân-hồi.
9 pháp siêu-tam-giới này là pháp của bậc Thánh-nhân mà thôi. Còn chúng-sinh phàm-nhân đang bị dính mắc trong ngũ-dục, bị say mê trong ngũ-dục, bị đắm chìm trong ngũ-dục, làm tôi tớ của 108 loại tham-ái và làm nô lệ 1.500 loại phiền-não, thì khó mà chứng ngộ được chân-lý tứ Thánh-đế, khó mà chứng đắc được 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn là 9 pháp siêu-tam- giới này.
Đức-Thế-Tôn suy nghĩ: “Nếu Như-Lai thuyết pháp mà chúng-sinh không thấu hiểu chánh-pháp, không chứng đắc pháp siêu-tam-giới cao thượng, thì chỉ làm cho Như-Lai vất vả, mệt nhọc, hoài công vô ích mà thôi.”
Vì vậy, Đức-Thế-Tôn chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh.
Theo lệ thường, Chư Phật thuyết pháp cần phải có đầy đủ hai điều kiện:
1- Chủ thể: Đức-Phật có tâm đại-bi (mahākaruṇā) muốn thuyết pháp tế độ chúng-sinh giải thoát mọi cảnh khổ. Điều kiện này đã sẵn có nơi Đức-Phật.
2- Khách thể: Vị Đại-Phạm-thiên thỉnh cầu Đức- Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh.
Đó là điều kiện làm cho chúng-sinh phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Bởi vì các đạo-sĩ, tu-sĩ, sa- môn, bà-la-môn, Vua chúa, dân chúng, kể cả chư-thiên đều tôn kính Đại-Phạm-thiên. Nay Đại-Phạm-thiên tôn kính Đức-Phật, thỉnh cầu Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh, thì ắt hẳn phần đông chúng-sinh nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, … cũng tôn kính Đức-Phật.
Do đại-thiện-tâm tôn kính ấy, chúng-sinh mới có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo, có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo cho nên khi Đức-Phật thuyết pháp thì tất cả chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, … mới lắng nghe chánh-pháp, rồi thực-hành theo chánh-pháp của Đức-Phật.