Hội Nghị Lịch Sử Tôn Giáo Quốc Tế Lần Thứ X Tại Marburg (Tây Đức)

Hội Nghị Lịch Sử Tôn Giáo Quốc Tế Lần Thứ X Tại Marburg (Tây Đức)

    HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

    (NHIỀU BÀI TƯỜNG THUẬT)

    CỦA

    Nāga Mahā Thera – Tỳ Khưu Bửu Chơn

    Phật lịch 2508 – Dương lịch 1965

     

    HỘI NGHỊ LỊCH SỬ TÔN GIÁO QUỐC TẾ LẦN THỨ X TẠI MARBURG (TÂY ĐỨC) (11-24/9/1960)

    CUỘC HÀNH TRÌNH

    Ngày 24-8-1960 tôi được giấy bộ Nội Vụ mời tôi đến để lấy giấy tờ sang Tây Đức Hội nghị Lịch Sử Tôn Giáo lần thứ X tại Marburg-Lahn.

    Sau khi lo xong giấy tờ thường lệ đến ngày 8-9-60, lúc 20 giờ, có chư Tăng và thiện tín rất đông tụ hội tại chùa Kỳ Viên tụng kinh cầu an và phúc chúc cho tôi thượng lộ bình an. Xong có hai xe tiễn đưa tôi ra phi trường: một xe chư Tăng có Sư Hộ Giác làm hướng đạo, một xe của bà Vũ Thị Kiểm đưa tôi và ít người thiện tín. Vì ban đêm vào phi trường phải xin phép nên một số chư Tăng và thiện tín đành phải ở lại, chỉ tiễn chân tôi trước chùa thôi.

    Đến phi trường còn phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ: đến 21 giờ 30 thì phi cơ mới cất cánh. Trên hư không ban đêm khí trời lạnh nên nhân viên của hãng hàng không Air France biếu cho mỗi người một chiếc mền len và một đôi vớ mang cho đỡ lạnh. Đêm đã khuya trên phi cơ đều tắt đèn hết, chỉ chừa ánh sáng hơi lu lờ cho hành khách an nghỉ. Phần tôi không thể nào ngủ được, ngồi dựa lưng vào ghế lo nghĩ vơ vẩn đâu đâu. Vì các kỳ Hội nghị khác đều có người theo giúp đỡ, chuyến này lại không có ai, chỉ có một mình một bóng tôi mà thôi. Phần cuộc hành trình rất xa xôi trên lãnh thổ Âu châu, không phải là xứ Phật giáo, nhưng tôi cũng cứ hy sanh nhẫn nại để làm tròn xứ mạng, vì phải đương đầu với bao nhiêu sự khó khăn nên tôi nguyện đành liều cho phần phước đến đâu hay đến đó. Mảng suy nghĩ vu vơ bỗng có còi báo hiệu cho hành khách phải thắt dây đai vì phi cơ sắp đổ xuống phi trường Bangkok lúc 12 giờ đêm. Khi hành khách lên xuống xong lại cất cánh trực chỉ thẳng qua Karachi. Khi đến nơi thì trời vừa sáng, hành khách được đưa đi đến một nhà hàng để điểm tâm, xong lại cất cánh thẳng qua Teheran (Perse). Trên phi cơ trông xuống thấy toàn toàn là đồng cát trắng phau phau, có chỗ thì núi non gồ ghề, chớn chở, trơ trọi, không có cây cối chi. Phi cơ bay hàng mấy tiếng đồng hồ, nhưng vì đây là một bãi sa mạc thật to của xứ Ba-tư (Perse) vậy.

    Từ Teheran qua Rome (Ý Đại Lợi) phi cơ phải bay thật cao vì bị sa mù và núi non hiểm trở. Gần 8 tiếng đồng hồ phi cơ mới báo hiệu cho biết gần đến phi trường Ciampino (Rome). Ở đây thì giờ khác hơn bên ta 6 tiếng đồng hồ, nên khi đến nơi thì trời vừa tối. Có xe của hãng hàng không đưa về Hotel, nghỉ tạm chờ chuyến phi cơ ngày mai mới đi qua Frankfurt (Đức). Hôm ấy cùng đi một chuyến có ông bà Nguyễn Xuân Nhẩn đi dự Hội nghị giáo huấn ở Rome, cùng ở chung một Hotel, nên dùng điện thoại chuyện vãn với nhau cho đỡ buồn. Tôi cũng có gọi điện thoại cho Sứ quán Việt Nam tại Rome để báo tin cho hay. Tình cờ lại gặp ông Đỗ Văn Minh đang làm việc cho Sứ quán tại Rome. Vì trước đây 2 năm, tôi cũng đi dự Hội nghị IAHR tại Đông kinh (Tokyo) cũng gặp ông đang tùng sự nơi ấy. Ông rất mừng và yêu cầu tôi có cần chi đến ông thì ông sẵn sàng giúp đỡ. Tôi cho hay rằng ngày mai lối 17 giờ 30, tôi phải lên phi cơ nên không có cần chi. Nhưng ông cũng không chịu làm ngơ, ông mua đủ thứ trái cây, sai tài xế đem đến biếu tôi. Vì đã quá ngọ nên tôi tạm lãnh và cho luôn ông bà Nguyễn Xuân Nhẩn.

    Đúng 17 giờ thì có xe Sứ quán V.N. đến đưa tôi ra phi trường cách đô thị lối 15 cây số ngàn. Phi cảng này thật to rộng khi đến thì ở một nơi, khi đi thì ở một chỗ khác nữa, cách nhau độ 3 cây số, đâu mặt lại với nhau. Theo luật Chánh phủ Ý thì mỗi hành khách khi đi phải đóng một số tiền là 700 lires, lối 50$ xứ ta. Mọi việc đều nhờ Sứ quán V.N. lo cho cả. Phi cơ này của hãng hàng không Lufthansa của Đức, chở lối 100 hành khách bay trên 2 tiếng đồng hồ mới đến phi trường Frankfurt (Tây Đức). Trên phi cơ trông xuống thấy toàn là tuyết trắng xóa, bao phủ những dãy núi cao chớn chở. Khí trời ở đây lạnh lắm, lối 17-18 độ, ban đêm có khi 10-11 độ hoặc 12-13 độ là cùng. Khi phi cơ báo hiệu cho biết gần đến phi trường thì hơn 8 giờ. Các phi trường Âu châu rất dễ, không cần biên giấy kê khai hoặc thẻ kiểm điểm chi cả. Khi đến nơi, họ chỉ hỏi giấy thông hành, xem xong họ đóng dấu rồi đưa lại và cám ơn mình nữa. Còn về quan thuế, thì họ hỏi mình có chi kê khai không như rượu mạnh, thuốc điếu, dầu thơm... Khi mình nói không có chi khai, thì họ đóng dấu và cho đi liền.

    Trước khi đó một giờ có Sứ quán V.N. ra đón rước, nhưng khi hỏi chuyến phi cơ từ Saigon qua thẳng Frankfurt thì hãng hàng không trả lời không có người V.N. nào qua cả. Vì tôi có gởi thơ cho hay trước sẽ đi qua chuyến đó, nhưng không có chỗ nên đi vòng qua Rome thành ra cuộc tiếp rước mới sai như vậy. Nhưng cũng may có người cùng đi Hội nghị đưa tôi lên tàu hỏa tốc hành lên Marburg, chỗ Hội nghị cách đó 100 cây số ngàn. Khi tàu hỏa đến nơi thì đã có Ủy ban Tổ chức họ chực sẵn để tiếp rước các phái đoàn đưa về nhà trọ. Tôi được đưa về nhà trọ một biệt thự của Giáo sư Dr. Seidelmann cùng với hai người đại diện Thụy Điển: một ông kỹ sư khoáng vật và một ông cử nhân thần học, cùng ở chung nhau mỗi người một phòng. Lúc bấy giờ đã hơn 10 giờ đêm, phần thì đi đường mệt nhọc nên phải nghỉ sớm cho có sức khỏe để mai bắt đầu Hội nghị.

    Sáng ngày 11-9-1960, khi điểm tâm xong, tôi cùng hai ông Thụy Điển đi đến chỗ Hội nghị. Chỗ này ở trên một chót đồi, có hai vật cổ truyền là một nhà thờ Thiên Chúa giáo đã xây dựng từ năm 1235-1335 do nữ hoàng Elisabeth và được tu bổ phục hưng lại năm 1470, và một trường đại học thành lập từ năm 1527 hiện giờ có luôn luôn lối 6.000 học sanh đến học đủ các ngành và các khoa đại học.

    CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ

    Đúng 10 giờ thì Hội nghị bắt đầu khai mạc bằng một bản nhạc du dương trong một gian phòng rộng lớn của một nhà thờ cổ mà bấy giờ chỉ để làm một bảo tàng viện.

    Khởi đầu có Thủ tướng Đức đọc diễn văn khai mạc. Đại ý ông nói rằng ước mong cuộc Hội nghị này sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho những người tầm đạo và nhiều sự lợi ích cho thế giới hiện nay. Sau cùng, ông cầu chúc cho tất cả các phái đoàn được đầy đủ sức khỏe để cộng sự trong khi Hội nghị và được mọi tiện nghi dễ dàng trong khi lưu trú trên lãnh thổ của ông. Kế đó Hồng Y Giáo Chủ lên đọc chúc từ, kế Hoàng tử Mikasa em Đức Vua Thiên hoàng Nhựt, Hội Trưởng danh dự đọc diễn từ chúc mừng cuộc Hội nghị được kết quả mỹ mãn. Kế bác sĩ Dr. Heiller, Chủ tịch Ban Tổ chức lên trình bày công việc của Ban Tổ chức và lý do cuộc Hội nghị, sau cùng bác sĩ Dr. Bleeker, Tổng Thư ký của hội IAHR (International Association for the History of Religions) lên đọc phúc trình công việc của hội và đồng thời ông yêu cầu tất cả các đại diện nên đứng dậy làm thinh trong vài phút để kỷ niệm cho bác sĩ Dr. Pettazzoni, Hội trưởng của Hội IAHR, đã quá cố trong năm vừa qua. Xong một bản nhạc trỗi lên chấm dứt cuộc khai mạc.

    Hôm ấy có thảy 508 đại diện của 29 nước. Vì đường sá xa xôi, tổn phí nặng nề nên các nước Á châu rất ít chỉ có 6 nước thôi như là: Việt Nam, Nhật Bản, Hồng Kông, Triều Tiên, Ấn Độ và Tích Lan, còn lại bao nhiêu đều là các nước Trung Đông và Âu Mỹ như: Hồi quốc, Ba Tư, Hy Lạp, Do Thái, Ả Rập, Nam Tư Lạp Phu, Áo, Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hòa Lan, Ba Lan, Na Uy, Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha, Y- Pha-Nho, Maroc... Khi giải tán thì đã hơn 1 giờ trưa. Chiều lại lối 3 giờ thì các phái đoàn được đưa đi viếng các cổ tích trong xứ Marbura. Tối lại trong lúc 8 giờ có một bữa tiệc của ông thị trưởng và Giám đốc đại học Marburg thết đãi. Sau rốt có chiếu cuốn phim về cổ tích xứ Marburg cho xem.

    Sáng thứ hai 12-9-1960, sau khi điểm tâm, đúng 8 giờ 30 thì có xe của cô Marianne chờ sẵn để rước tôi và hai ông Thụy Điển đến chỗ Hội nghị, do Ban Tổ chức phái cô có phận sự rước đưa mỗi bữa. Khi đến nơi đúng 9 giờ thì Hội nghị bắt đầu bàn luận. Phái đoàn V.N. được sắp vào ngày đầu tiên để trình bày đề tài vào khoảng 11 giờ 30. Đề tài Hội nghị chia làm 7 môn là: về các tôn giáo tối cổ; về tôn giáo xứ Ba-tư và đạo Do Thái; về các tôn giáo xứ Ấn Độ và Viễn Đông như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo...; về tôn giáo xứ Hy Lạp và La Mã (Rome); về Hồi giáo (Islam Mahamadan); về Công giáo; về hiện tượng học và các vấn đề tổng quát.

    Hôm ấy bà Giáo sư Dr.B. Heimann (đại học London) làm chủ tọa. Đúng giờ bà mời tôi lên diễn đàn, xong bà giới thiệu với thính giả thế giới biết rằng: Đây là một nhà Sư chân tu của nước V.N., xin quí ông muốn hỏi chi thì hỏi (This is a real Venerable of V.N., please ask some questions). Nghe bà giới thiệu mà ngán, nhưng tôi vẫn thản nhiên thuyết trình như thường. Xong bà đứng dậy cám ơn và nói theo sự ấn định thì mỗi người chỉ được phép thuyết trình trong 15 phút và cho hỏi thêm 5 phút thôi. Nhưng hai người sắp thuyết trình kế ngày hôm nay lại vắng mặt, vậy Ngài có quyền nói luôn đến 50 phút. Bà dứt lời thì có ông bác sĩ người Mỹ có qua nghiên cứu nhiều năm về tôn giáo bên Nhựt đứng dậy hỏi tôi rằng: Phật giáo có liên quan đến vấn đề nhân vị không? Phật giáo đối với vấn đề nhân vị ra thế nào? Tôi trả lời rằng: Phật giáo rất liên hệ và chú trọng đến vấn đề nhân vị, còn đối với vấn đề nhân vị thì Phật giáo hoàn toàn nâng cao trình độ nhân vị, từ chỗ thấp hèn đến chỗ cao thượng, từ chỗ khổ não đến chỗ giải thoát, từ bậc thường nhân đến bậc siêu việt, từ nơi si mê đến nơi sáng suốt. Hơn nữa, chính cũng trong một nhân vật ấy, nếu sự hành vi của mình thấp hèn, còn nếu sự hành vi do thân khẩu ý được trong sạch, cao thượng thì tự nhiên đem nhân vị của mình lên địa vị trong sạch và cao thượng. Kế một ông bác sĩ người Ấn đứng dậy hỏi tôi về cái nghiệp (karma) của Phật giáo ra thế nào? Tôi trả lời rằng theo Phật giáo tiếng nói karma- nghiệp ấy chỉ là một sự hành động mà thôi, chưa phân biệt tội hay phước. Còn nói về nơi phát sanh ra karma ấy có 3 là thân, khẩu, ý. Sự hành động nào do thân, khẩu, ý dầu thiện dầu ác cũng gọi là karma nghiệp cả. Còn nếu nói một cách khác nữa thì karma ấy có 3 là: nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp không thiện, không ác. Nghiệp thứ 3 này khác hơn các tôn giáo khác là khi đã đắc quả A-la-hán rồi, sự hành vi của các Ngài không còn gọi là thiện hoặc ác chi cả, chỉ còn là một phận sự vậy thôi. Kế một cô Giáo sư người Áo ở Vienne đứng dậy hỏi rằng: Lúc nãy nghe Ngài đề cập đến cái quả, vậy xin Ngài chỉ cho tôi thấy rõ cái quả. Tôi ôn tồn hỏi lại cô rằng: Có lẽ cô còn nhớ lúc cô còn bé, bao nhiêu năm cắp sách đi học, nào bị lạnh bị nóng cực nhọc, có khi cũng bị rầy la quở trách, lúc vui lúc buồn, bao nhiêu những sự hành vi ấy hiện giờ không còn nữa. Vậy chớ bây giờ cô còn sót lại cái chi không? Câu hỏi bất ngờ của tôi làm cô hơi ngớ ngẩn, nhưng một chập cô liền trả lời rằng: Hiện giờ tôi đã thôi học nhưng vẫn còn sót lại sự hiểu biết (reste la connaissance). Tôi nói đó là kết quả của bao nhiêu năm do sự học tập của cô vậy. Kế một ông Giáo sư người Đức đứng dậy hỏi tôi rằng: Tiếng nói Pháp (Dharma) nghĩa chính ra sao? Có mấy loại Dharma? Tôi trả lời rằng: Pháp có nghĩa là nâng đỡ (support) hoặc là chân lý (truth). Nếu nói rộng ra thì Pháp ấy có nhiều loại, nhưng nói tóm lại thì pháp có 3 loại là: Pháp thiện, pháp ác, pháp không thiện, không ác, pháp thứ 3 này thuộc về loại tâm trung bình là đạo quả Niết-bàn. Kế ông Giáo sư người Mỹ ở Nữu-Ước (New York) hỏi tôi rằng: Lúc nãy nghe Ngài nói có lòng từ bi bác ái. Muốn cho được trạng thái của tâm ấy, phải làm bằng cách nào? Tôi liền giải thích cách rải lòng bác ái một cách tóm tắt là: trước hết mình phải rải lòng bác ái cho mình như vầy “Cầu xin cho thân tâm ta được sự an vui”. Trong khi ấy ráng dứt bỏ tâm thù oán, sân hận gây oan trái với mọi người. Rồi lần lần rải tâm từ đến những người chung quanh ta, lần đến những người trong xóm, trong làng, trong tỉnh, trong toàn xứ, sau rốt rải luôn cho tất cả chúng sanh trên thế giới không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu sắc, già trẻ chi hết chỉ có tâm từ vô lượng để rải đến tất cả chúng sanh mà thôi. Rải như thế càng lâu càng hay và tâm lần lần sẽ trở nên điềm tĩnh, mát mẻ lạ thường. Khi giải xong, họ lấy làm hoan nghinh, có người nói nếu mọi người được như vậy thì Thế giới đâu có chiến tranh. Có người còn muốn hỏi nữa, nhưng bà Heimann Chủ Tọa liền chặn lời và nói rằng: Ngài trả lời đã nhiều rồi và cũng đúng giờ xin để cho người khác lên thuyết trình.

    Lần lượt các phái đoàn trên thế giới lên diễn đàn trình bày tư tưởng và lý thuyết của tôn giáo mình. Như bên Nhựt thì có nhiều người lên trình bày theo giáo phái mình, như đạo Shinto thì giải về tinh thần võ sĩ, nhờ thần Kami khai lập và hộ trì xứ Nhật, phái Thiên Thai thì trình bày về sự niệm Phật A-di-đà, khi chết thì sẽ được vãng sanh về tây phương cực lạc quốc độ, phái Thiền Tông thì nói con người cần phải tham thiền mới giải thoát khổ được, phái Thiên Lý giáo thì nói mọi việc đều do nơi trời tạo hóa và định đoạt, vậy con người nên tin tưởng và thờ trời thì sẽ được mọi điều hạnh phúc. Còn Ấn Độ thì thuyết trình về chủ nghĩa của Bà-la- môn cho là một đạo lâu đời nhứt, trước Phật giáo hơn 2.000 năm và tất cả vạn vật đều do nơi thần Phạm Thiên (Brahma) hóa sanh ra cả. Vậy con người nên tôn kính thờ Ngài, khi chết sẽ được trở về với ngài, khi ông thuyết trình xong có người hỏi ông rằng: Trong đạo ông từ xưa đến nay có ai được thấy vị thần Brahma lần nào không? Câu hỏi có hơi đột ngột làm cho ông Ấn Độ khó mà trả lời được. Còn các phái đoàn Âu châu thì phần nhiều nói về lịch sử của Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo và Tin Lành, hoặc các nhà thờ do nơi ai tạo ra từ lúc nào, hoặc thuật lại vài câu chuyện tìm được những tấm bia do sở khảo cổ mới tìm ra một nơi sụp đổ nào, hoặc những chuyện huyền bí của đạo mình, hoặc thuyết trình về chủ nghĩa Đa thần giáo... Công việc Hội nghị tiếp tục luôn theo thứ tự những bài của ban Tổ chức đã chọn lựa, luôn trong 7 ngày như vậy mới xong công việc Hội nghị.

    Sau khi Hội nghị xong thì tất cả các phái đoàn được đưa đi khảo cứu các cổ tích, đền đài, nhà thờ và bảo tàng viện có liên quan đến vấn đề tôn giáo trong mấy xứ như là: Hesse, Fulda, Wetzlar, Frankfurt, Wiesbaden, Mainz, Rhines, Trier, Maria Laach, Boon, Cologne. Đúng 7 ngày thì Hội nghị tuyên bố bế mạc tại một đại học đường ở Cologne dưới sự Chủ Tọa của ông giám đốc đại học nơi ấy.

    Tối hôm ấy có một bữa tiệc của ông Bộ Trưởng bộ Nội vụ thết đãi các phái đoàn và đồng thời tuyên bố luôn sự bế mạc cuộc Hội nghị. Ông rất ân cần hàn huyên chuyện vãn với tất cả các phái đoàn đến khuya mới giải tán. Sau khi bế mạc, có người còn ở lại nơi ấy, có người đi chỗ nọ chỗ kia, có người cũng trở về Marburg.

    Dân số nước Đức lối 90 triệu nhưng bị chia làm hai nên phần tây Đức chỉ có lối 60 triệu. Từ thành thị đến thôn quê chỗ nào cũng có đèn điện và nước máy, không thấy một cái nhà lá nào. Trong nhà đầy đủ cả tiện nghi, đường sá rộng rãi và sạch sẽ.

    Nói về tôn giáo thì nước Đức hoàn toàn là một nước Công giáo và Cơ Đốc giáo. Cũng có một số ít người theo Phật giáo như ở Muenchen có một hội Phật giáo lối 200 hội viên, ở Hamburg có một hội Phật giáo lối 150 hội viên, còn lại Bá- Linh (Berlin) thì có một ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy có rất đông tín đồ, và hai nhà Sư một vị người Tích Lan và một vị người Đức. Về Công giáo thì rất thạnh hành. Làng xóm nào cũng có nhà thờ cao vòi vọi, có cái cao đến 60-70 thước tây như ở Maria Laach tỉnh Trier là một trung tâm rất quan trọng của Công giáo. Sáng lập trên một khu đất rộng rãi gần bờ hồ Maria, rất thanh tịnh, có đầy đủ mọi phương tiện như là: học đường, dưỡng đường, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, chỗ các nhà tu sĩ tham thiền, luận đạo, giảng đạo, thư viện có thứ lớp nhiều từng sạch sẽ. Các linh mục trên thế giới đến học rất đông, vì chỗ ở được thanh tịnh và đầy đủ thoáng khí, các nhà tu sĩ trông có vẻ thu thúc và đạo đức lắm. Thấy thế, tôi nhận thức rằng người Đức họ cũng chú trọng đến vấn đề tinh thần đạo đức. Như khi còn đang Hội nghị, sau khi nghe tôi thuyết trình, họ lấy làm thỏa thích. Có bà thỉnh tôi về nhà tụng kinh cầu an cho bà đang đau. Có người đến hỏi tôi xin chỉ cho cách tham thiền, tôi có nói nơi đây không thuận tiện nếu mấy ông bà đến chỗ tôi ở, tôi sẽ sẵn lòng chỉ dạy cho. Vì vậy mà chiều hôm ấy có 6 người đến phòng tôi xin học tham thiền. Trong đó có một ông kỹ sư khoáng vật và một ông cử nhân thần học người Thụy Điển, một bà Giáo sư Seidelmann, một bà giáo học và hai cô học sinh trường đại học Marburg. Tôi giảng cho cách tham thiền về lòng bác ái và số tức quan gần hai tiếng đồng hồ, họ rất chăm chỉ và ghi vào sổ để thực hành. Xong họ rất thỏa thích và kiếu từ ra về.

    Khi đến ngày chót, ông bà R.Trauth làm việc cho sở du lịch có làm một tiệc để tiễn tôi lên đường về xứ, và luôn dịp xin chỉ cho pháp thiền định. Hôm ấy, có một ông Tiến sĩ triết học, một bà Giáo sư, hai vợ chồng ông Trauth và con trai ông đang học trường đại học, cả thảy năm người. Tôi chỉ dạy kỹ lưỡng hai pháp thiền định như trên, ai nấy đều hoan hỉ. Khi đúng 2 giờ chiều thì họ đưa tôi ra tàu hỏa đi Frankfurt. Chờ ngày mai 26-9-60 đúng 15 giờ tôi lên phi cơ của hãng hàng không TWA (Transworld Airline). Phi cơ này rất lớn và dài, chở lối 120 hành khách. Từ phi trường Frankfurt qua London (Anh) bay hơn hai tiếng đồng hồ thì đến nơi.

    Tôi có gởi thơ cho hay trước nhưng khi đến nơi không có ai rước cả. Tôi còn đang loay hoay hỏi thăm sở Thông tin về cách đi đến chùa, thì bỗng nhiên có hai người Miến đến chào và hỏi bằng tiếng Miến Điện rằng: Ông muốn đi đâu? Tôi rất mừng vì gặp được người đồng đạo. Tôi ngỏ ý cho biết muốn đi đến chùa London Buddhist Vihara. Hai cậu học sinh ra kêu xe taxi và khuân đồ hành lý tôi ra xe xong xin lỗi vì mắc bận việc nên không thể đưa đi đến chùa được. Xe chạy một lúc lâu mới đến trước một tòa lầu 5 từng liền dừng lại và nói đây đã đến chùa. Tôi trông lên thấy lá cờ Phật giáo bay phất phới ở từng lầu 2, rất mừng vì đã tìm được chỗ ở. Tài xế xách hành lý đem để trước chùa. Tôi định gọi người trong chùa ra trả tiền xe giùm nhưng tài xế khoát tay nói khỏi vì lúc nãy hai người họ đã trả tiền xong rồi.

    Vị Sư trụ trì là Đ.Đ. Saddhatissa, Tiến sĩ Văn chương London, người Tích Lan, cũng là bạn quen với tôi, vì trước kia Ngài có ở Saranath (Ấn Độ), tôi có gặp nhiều lần. Khi tôi bấm chuông cho hay, có người ra mở cửa và đem đồ vô trong chùa. Lúc ấy Ngài đang bận rộn lắm, khi báo tin cho Ngài hay, Ngài liền xuống lầu đến mừng rỡ tôi và xin lỗi vì mắc bận quá không thể ra phi trường rước được. Vì hôm nay là ngày kỉ niệm cho Thủ tướng Bandaranaike Tích Lan, nên rất bận rộn lo sắp đặt công việc, vì một chút nữa có Đại sứ Tích Lan và các thân hào Phật tử nhiều nước sẽ đến dự lễ. Luôn tiện, Ngài cũng thỉnh tôi dự lễ cho thêm phần long trọng. Tôi ở London được bốn hôm, nhờ Ngài cho ông sa di hướng dẫn đi thăm viếng các nơi như: Trường đại học London, nhà thờ, quốc hội, các viện bảo tàng. Thời tiết ở đây lạnh lắm, ban ngày mà lối 14-15 độ, nên cũng ít được đi đâu. Tại chùa có cả thảy bốn vị Sư: 1 vị sa di và 3 vị tỳ khưu đều là người Tích Lan đang ở duy trì và truyền bá Phật giáo nơi ấy. Ngôi chùa này nguyên thủy do người Tích Lan sáng lập, nghe đâu lối 2 triệu bạc xứ ta, có đầy đủ tiện nghi, chia ra làm nhiều phòng, chỗ thờ Phật, phòng đọc sách, giảng đường, thư viện văn phòng và nhiều phòng cho chư Tăng an nghỉ. Chùa một phần lớn do người Tích Lan hỗ trợ và cũng có một số thiện tín người Anh. Chùa có lớp dạy tham thiền ngày thứ tư và dạy đạo ngày thứ bảy.

    Đúng ngày 29-9-1960, lúc 13 giờ 15 tôi phải ra phi trường để lên phi cơ qua Paris. Đúng giờ thì phi cơ cất cánh trên hai tiếng đồng hồ mới đến phi trường Orly (Paris), cách châu thành đến 20 cây số ngàn. Nhờ có gởi thơ cho hay trước nên khi đến nơi thì đã có ông bà bác sĩ R.Sutra và cô dâu đem xe ra đón rước, đồng thời cũng có ông kỹ sư Cao Văn Hóa làm sở TFS ra rước tôi nữa. Ông bà bác sĩ nói: Chúng tôi có một cái nhà mát tại Versailles, cách Paris lối 20 cây số, để thỉnh Ngài về tạm nghỉ cho yên tĩnh. Phần ông Hóa cũng yêu cầu thỉnh về nơi phòng riêng của ông để tụng niệm và để cho gần bà con Việt Nam tới lui hộ độ cho dễ. Tôi còn đang lưỡng lự vì đã lỡ gởi thơ cho hai người cũng gặp và đòi rước hết. Một chập sau, tôi xin lỗi ông bà bác sĩ vì gặp người bản xứ, xin ông bà vui lòng để tôi về với ông Hóa gần Paris cho tiện. Ông bà cũng ưng thuận nhưng yêu cầu tôi thế nào cũng đến nhà ông bà chơi để mời tôi xem cuốn phim thâu trong lúc đi Nhật. Chiều hôm sau, tôi gọi điện thoại cho hay sẽ tới thăm, có cả ông bà Cao Văn Hóa và bà Desormeaux (làm chung một sở với ông Hóa). Khi đến, ông bà rất ân cần tiếp đãi. Khi trà nước xong, lại chiếu cuốn phim cho xem và hỏi ý nghĩa từng chỗ. Xong có chụp một tấm ảnh kỉ niệm rồi kiếu từ.

    Tại Paris bốn ngày, nhờ ông Cao Văn Hóa hộ độ và hướng dẫn đi xem các nơi như: Tour Eiffel, nhà thờ Sacré-Coeur, Notre-Dame, đền Versailles của vua Louis XIV... Tại Paris có mấy bà Việt Nam và một bà Pháp đến hỏi đạo và xin học tham thiền, hôm ấy có bốn bà Việt Nam, hai người nam và bà Desormeaux. Khi tôi chỉ dạy xong, ai nấy đều hoan hỷ thỏa thích và rất tiếc tôi không được ở lâu để loan tin cho bà con khác hay. Một điều họ vui mừng nhứt là được chiêm bái Ngọc Xá Lợi, vì bà Phán Bảo có gởi thơ cho họ hay trước nên biết và yêu cầu quá nên tôi cho họ chiêm ngưỡng. Ở Paris có một Hội Phật giáo (La pensée boudhique) có ông Sa di Rahula người Tích Lan, Tiến sĩ Triết học ở truyền bá và duy trì Phật giáo nơi ấy.

    Đến ngày 2-10-1960, lúc 14 giờ, tôi phải ra phi trường Orly để lên phi cơ qua Genève (Thụy Sĩ). Ông Hoá với con gái ông bà G. Desormeaux cùng đưa tôi ra hãng Air France (terminal), vì phi trường rất xa nên không đủ thì giờ, đành phải từ giã tôi nơi ấy. Khi xe đã chạy mà họ còn vẫy tay tỏ lòng triều mến.

    Chuyến này đi bằng Boeing Caravelle Jet phản lực cơ không có chong chóng bay rất nhanh lối 1.000 cây số 1 giờ. Từ Paris qua Genève lối 1.000 cây số bay hơn 50 phút thì đến nơi. Có ông Tiến sĩ Giáo sư Rochedieu ra rước đưa tôi về nhà ông an nghỉ, bà cũng rất ân cần giữ tôi lại vì cũng từng quen biết trong khi đi Hội nghị tại Tokyo. Bà lo sửa soạn chỗ nghỉ nhưng tôi thấy có hơi bất tiện vì thấy bà đau chân còn đi cà nhắc nên tôi chối từ xin để ở nhà hàng gần sở máy bay cho tiện. Hôm ấy nhờ ông đưa đi xem chỗ nọ chỗ kia, nhưng sáng hôm sau ông bận việc phải đi xa, nhưng không sao vì tôi đi thông qua (transit) nên mọi việc đều có hãng hàng không lo liệu. Sáng hôm sau, tôi đi viếng viện bảo tàng và hồ Genève. Trong khi tôi đang ngồi xem cảnh hồ có một ông kỹ sư nhân viên trong hãng tàu lại gần tôi và hỏi rằng: Ông là người xứ nào, có phải người tu Phật chăng? Khi tôi trả lời xong, ông lại kể chuyện này nọ cho tôi nghe. Sau cùng ông nói: Ở nhà tôi và con gái tôi cũng ăn chay trường và mỗi đêm thường hay ngồi lim dim niệm chi không biết, nên mời tôi về nhà coi bà vợ ông ta ra sao? Tôi liền lên xe của ông đã chực sẵn, ông nói: Bây giờ còn sớm, để tôi đưa ông đi xem các nơi. Ông liền lái đến hội Lao động Quốc tế ILO và trụ sở của Ủy ban Hội nghị liên hiệp (ONU) chỗ Hội nghị Genève. Nhờ ông quen biết nên đi đến đâu họ mở cửa cho xem và cắt nghĩa cho mình hiểu trong mỗi chỗ. Xong ông lại đưa về nhà ông. Một bà hơi ốm xanh ra tiếp rước, ông giới thiệu: Đây là nhà tôi. Một chập sau con gái ông cũng đi học về. Sau khi dùng trà xong tôi bắt đầu hỏi thăm bà và sự hành đạo trong mỗi đêm. Bà nói: Tôi không biết tham thiền ra sao, chỉ mỗi đêm tôi cầu nguyện với Chúa cho trong nhà cửa được bình an và xin khi chết được về cõi thiên đàng. Nhân cớ ấy, tôi giảng cho bà nghe về Bát chánh đạo và sau cùng chỉ cho con bà và bà đề mục tham thiền, về lòng bác ái và số tức quan. Ông ngồi nghe rất chăm chú và nói có thực hành như vậy họa may mới được về trời, chứ còn ngồi mà cầu hoài làm sao mà đi cho được. Xong ông bà rất cám ơn sự chỉ dạy và hứa ráng sẽ thực hành theo, rồi đưa tôi về nhà trọ.

    Ngày 4-10-1960, lúc 6 giờ sáng, tôi phải ra phi trường thật sớm để lên phi cơ của hãng hàng không Suissair, đi qua Rome, nhưng phải đi thông qua Zurich, sang phi cơ khác qua Milan rồi mới đến Rome (Ý). Khi bay ngang qua núi Mont Blanc, thấy tuyết trắng xóa che phủ đầu núi quanh năm (vì lúc ấy là mùa nóng của họ, mà còn có tuyết che phủ thay, cần chi nói đến mùa lạnh). Gần 11 giờ thì phi cơ báo hiệu cho biết sắp đỗ xuống phi trường Ciampino (Rome). Nhờ đi thông qua nên có xe của hãng hàng không đưa về hotel. Xong tôi gọi điện thoại cho Sứ quán Việt Nam hay và ngỏ ý muốn đến thăm Sứ quán.

    Lối 15 giờ thì có xe Sứ quán đem lại rước tôi. Tài xế nói hôm nay ông đại sứ mắc bận việc, đến 17 giờ ông mới tiếp tôi được nên còn thì giờ rảnh thỉnh tôi đi viếng các nơi trong đô thị như đền thờ Vatican, nhà thờ St Pietro. Đền Vatican được sáng lập từ năm 1473 do đức Giáo hoàng Sixte Vè, còn nhà thờ thì do Hoàng đế Constantin thành lập lối thế kỷ thứ XV, rất nguy nga đồ sộ. Họ cho là to lớn nhứt ở Âu châu. Bên trong làm toàn bằng cẩm thạch đủ màu, tổn phí sáng tạo vô số kể. Đúng 17 giờ thì tài xế cho xe trở về Sứ quán. Ông Đại sứ tiếp rước ân cần, hỏi thăm công việc hội nghị và sức khỏe tôi, vì ông thấy tôi bị sổ mũi luôn. Tôi nói bị cảm từ bên Genève, sáng đêm nghẹt hơi, thở không được. Ông liền gọi điện thoại cho bác sĩ đến khám bịnh và cho toa. Ông sai đi mua thuốc dâng tôi. Xong ông kêu tài xế đưa tôi về và khuyên tôi nên thận trọng, khi độ thuốc xong nên nghỉ cho bình phục sức khỏe lại. Giờ Sứ quán ở Ý làm việc khác hơn bên ta là chiều từ 4 giờ cho đến 7 giờ 30. Tối hôm ấy tôi độ thuốc xong, nghỉ sớm. Luôn cả buổi sáng ngày mai cũng không có đi đâu, nên trong người thấy khỏe khoắn, nhẹ nhàng như thường. Lúc 15 giờ thì có xe Sứ quán đến rước tôi đi xem mấy chổ cổ tích khác và kế hoạch của Mussolini được kiến thiết trên một cái đồi rộng rãi, nào là dinh thự đền đài 5-10 từng còn mới tinh xảo, có chỗ còn đang kiến thiết dày đặc ngổn ngang. Gần 6 giờ thì xe mới đưa tôi về đến hotel, vì tối hôm ấy (5-10-60), lúc 10 giờ phải ra phi trường để lên phi cơ về xứ. Mọi việc đều ở hãng hàng không lo hết, nên không muốn cho Sứ quán bộn rộn rước đưa. Nhưng ông bà Đỗ Văn Minh cũng không chịu làm thinh, vẫn ra phi trường để tiễn chân tôi sợ có điều chi trở ngại.

    Đúng 10 giờ 30 thì phi cơ cất cánh trực chỉ thẳng về Saigon, bay trên 8 tiếng đồng hồ mới đổ xuống phi trường Teheran (Ba-Tư). Sau khi hành khách lên xuống xong, lại cất cánh bay thẳng về New Delhi (Ấn Độ) cũng lối 8 tiếng đồng hồ. Xong lại bay thẳng về Vọng Các (Bangkok) hơn 9 tiếng đồng hồ, thì trời vừa hừng sáng. Theo sự nhứt định thì phi cơ sẽ về đến Saigon đúng 7 giờ 30 (là 6 giờ 30), nhưng hôm ấy bị giông mưa nên phi cơ mới về trễ. Từ Vọng Các đến Saigon lối hai tiếng đồng hồ, nên khi về đến Tân Sơn Nhứt là 9 giờ 20. Theo điện văn tôi gởi về thì nói đến lối 7 giờ, thành ra còn sớm lắm. Phần trong khi kiết hạ nên chư Tăng không ai đi rước được. Phần thì một số thiện tín đi trước, khi nghe thông cáo cho hay phi cơ trễ hai tiếng đồng hồ, có người vì phận sự nên đã về trước, chỉ còn có hai xe của ông Bảy Phán và ông bà Mười Hiền và ít người thiện tín nữa rước tôi về Kỳ Viên đúng 10 giờ 30 (7-10-1960).

    Bao nhiêu công quả tốt đẹp của tôi đi dự Hội nghị và nói đạo dạy tham thiền, tôi xin hồi hướng quả phúc ấy đến chư Tăng và tất cả chư thiện tín có công hộ độ tôi về chi phí trong khi đi dự Hội nghị.


    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.