HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
(NHIỀU BÀI TƯỜNG THUẬT)
CỦA
Nāga Mahā Thera – Tỳ Khưu Bửu Chơn
Phật lịch 2508 – Dương lịch 1965
HỘI NGHỊ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN III TẠI RANGOON - MIẾN ĐIỆN (NGÀY 3 THÁNG CHẠP D.L 1954 -2498)
Hôm ngày 12 tháng 11 dl.1954, tôi vừa được một bức điện văn của Hội Phật giáo Thế giới Miến Điện gửi sang để thỉnh hai đại diện cho Phật giáo Nguyên Thủy V.N., đến dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ ba tại Rangoon Miến Điện vào ngày 3 tháng chạp D.L. 1954.
Lẽ cố nhiên tôi phải lãnh một trách nhiệm về phần hướng đạo và một vị đạo hữu đã có yêu cầu trước, là ông Vĩnh Cơ có thiện chí muốn sang Miến Điện để quan sát về nền Phật giáo và chiêm bái các nơi Phật tích, tôi liền đánh điện văn cho ông hay, nhưng rất tiếc vì trường hợp xảy ra bất ngờ làm cho ông không thể nào đi được, nên một bức điện văn từ Đà Nẵng đánh vào để cáo lỗi và yêu cầu xin ông Nguyễn Văn Hiểu đi thế, lẽ dĩ nhiên ông Hiểu phải ráng lãnh trách nhiệm nhưng có hơi dụ dự là vì ông đã có đi một lần rồi vả lại cũng bị bận nhiều công việc sau khi xin giấy tờ vừa xong, thì rất rủi thay công việc nhà ông lại xảy ra bất ngờ mà ông không thể nào bỏ đi được. Thế thì tôi phải một mình một bóng lìa khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt lối 7 giờ 30 ngày 30 tháng 11dl. 1954 để sang Miến Điện cho kịp kỳ khai mạc.
Phi cơ từ từ cất cánh trực chỉ về hướng tây gần một tiếng đồng hồ lại hạ cánh xuống phi trường Pochentong Phnompenh để cho hành khách lên xuống và trình giấy thông hành độ nửa tiếng đồng hồ lại cất cánh trực chỉ thủ đô Vọng Các (Bangkok), mãi hơn 11 giờ trưa mới tới phi trường Daungmaung cách thủ đô Bangkok lối 28 cây số ngàn.
Vừa tới nơi thì thấy có cậu Phồn Anh con của cụ Nguyễn Khoa Toàn, Đại sứ V.N. ở Vọng Các ra đón rước và cùng luôn dịp đưa 2 bà tín nữ V.N., ở Kiêm Biên đi dự lễ Kết Tập Tam Tạng phần nhì mới về, sau khi trình giấy châu lưu xong lại được cậu Phồn Anh đưa về Sứ quán để tạm nghỉ đặng xin chiếu khán của Tổng Lãnh Sự Miến Điện và ghi chỗ với hãng hàng không, công việc rất lộn xộn nhưng mọi việc đều nhờ Sứ quán V.N. lo xong cả, sáng hôm sau lối 6 giờ sáng lại trở ra phi trường để sang Rangoon; hôm ấy hành khách rất đông nên mãi hơn 8 giờ 30 phi cơ mới cất cánh, gần 1 giờ trưa mới tới phi trường Rangoon. Vừa tới nơi thì ông U. Chaw-Seng, nhân viên của Hội Phật giáo Miến Điện đến tiếp rước và lo giấy thông hành cho tất cả phái đoàn tới Hội nghị, xong lại đưa ra về Kaba Aye là chỗ để cho Hội Phật giáo Thế giới yên nghỉ và Hội nghị. Sau khi tới yên nghỉ một lúc thì có Sư Hộ Tông, Sư Thông Kham, Sư Hộ Giác, Sa di Thiện Hạnh và các bà tín nữ đã đến Rangoon trước để dự lễ Kết Tập Tam Tạng phần nhì, đến thăm và trách móc sao không cho hay tin trước để ra đón rước, mãi mấy hôm sau cô Diệu Phước (Chùa Huệ Lâm) đang tùng học nơi ni đường Miến Điện mới đến thăm tôi.
Buổi khai mạc sáng hôm 3-12-1954, đúng 8 giờ sáng thì tất cả 30 nước trên thế giới đều có đại diện tới tham dự đủ mặt nơi Đại Thạch Động, tôi nhận thấy như là: Tàu, Nhựt Bản, Phi Luật Tân, V.N., Tân-gia-ba, Pénang, Nam Dương quần đảo, Úc châu, Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Cao Miên, Xiêm, Lào, Anh, Mỹ, Pháp, Ý đại lợi, Finland, Đức, Áo, Hawaii v.v...
Đúng 8 giờ 30, Tổng Thống Miến Điện vừa tới thì trống còi và đại bác nổi lên inh ỏi để làm biểu hiệu cho buổi khai mạc được thêm phần long trọng, khi tiếng trống còi im lặng thì Đại đức Reveta Chủ tịch ban Kết Tập Tam Tạng lần thứ Sáu bắt đầu cho tam qui và ngũ giới cho tất cả phái đoàn trên thế giới (trừ Tăng già ra mà thôi), kế đó bác sĩ U.Ba Tổng Thống xứ Miến Điện từ từ đứng dậy tới trước máy truyền thanh đọc một bài diễn văn để chúc mừng cuộc lễ khai mạc và cầu chúc cho cuộc Hội nghị Phật giáo Thế giới sẽ đem lại nhiều sự kết quả tốt đẹp cho nhân loại. Kế tiếp, ông U. Chan Htoon, Tổng Chưởng Lý và Chánh Hội Trưởng Phật giáo Thế giới địa phương Miến Điện, đọc một bài diễn văn để chào mừng tất cả phái đoàn trên thế giới vì đã tốn công hao của và phải trải qua nhiều sự khó khăn từ phương xa ngàn dặm tới dự rất đông đủ và ông khiêm tốn xin thứ lỗi cho, nếu trong khi lưu trú có điều chi không vừa lòng đẹp ý. Rồi lần lượt đọc những lời chúc mừng của các vị Đế Vương và Quốc Trưởng của các nước trên thế giới gởi đến, sau cùng ông G.P Malala Sekera Hội Trưởng Hội Phật giáo Thế giới đọc một bài diễn văn đại ý, kể sơ qua lịch sử của Hội Phật giáo Thế giới thành lập đầu tiên năm 1950 tại Colombo, Tích Lan, năm 1952 Hội nghị tại Nhựt Bản, tới năm nay là năm 1954 lại Hội nghị tại xứ Miến Điện, với mục đích đem lại sự sáng tỏ nền Phật giáo chánh truyền còn nguyên vẹn theo Tam Tạng Pāli và gây tình cảm bác ái đối với tất cả người tu Phật không phân biệt tôn, phái, màu sắc chi cả, chỉ biết chúng ta là một khối người tu Phật, như con một cha. Vì Đức Phật cũng như đấng Cha Lành chung cho tất cả người tu Phật. Bác sĩ lại nhấn mạnh thêm rằng còn hai năm nữa là 1956, là đúng thời kỳ phân nửa Phật Pháp 2500 kể từ khi Đức Phật nhập Niết-Bàn đúng ngày Rằm tháng Tư.
Hiện nay có hơn 550 triệu người tu Phật trên khắp cả Thế giới đều chuẩn bị để làm lễ Phật nhập Niết- Bàn. Tôi cũng hiểu biết rằng có nhiều nơi ý kiến bất đồng về ngày đản sanh và ngày nhập diệt của Đức Phật. Nhưng dầu sao chúng tôi cũng tự tin rằng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giáng sanh, đắc đạo và nhập diệt cũng tại trung Ấn Độ, mà Ấn Độ và các nước trực tiếp về nền Phật giáo theo Ấn Độ cũng đều tin rằng hiện nay Phật Pháp đã qua 2498 năm, dầu đúng hay không chúng ta cũng nên đồng hòa hiệp nhau thống nhứt lại tạo cuộc lễ cho hòa hợp nhau thì càng làm cho được phần long trọng và chúng ta nên tin rằng Đức Phật là một bậc vĩ nhân, ngày sanh và diệt Ngài cũng lựa một ngày cho các hàng môn đệ dễ nhớ, nhứt là ngày rằm thì ít ai quên vậy; không như đạo Gia-tô hiện nay họ vẫn còn mơ hồ, phân vân ngày sinh nhựt của đấng Chúa Trời. Khi dứt bài diễn văn của bác sĩ thì vừa đúng giờ cho chư Tăng độ ngọ nên cuộc khai mạc tạm giải tán.
Đúng 1 giờ thì Hội nghị lại bắt đầu tái họp vào làm việc để xem xét những đề nghị của các nước Phật giáo đưa tới, kỳ họp lần này không phải trong Đại Thạch Động nữa mà ở tại từng thứ nhì, trong một văn phòng rộng rãi lối (10mx30) là một Tăng đường tên Amaragoyāna phía sau Đại Thạch Động, kỳ họp lần này có cả thảy gần 300 đại diện của thế giới và hơn 300 người quan sát viên (observateurs). Phần P.G.N.T.V.N. theo thứ tự mẫu âm Đ.Đ. Bửu Chơn được sắp vào ngày thứ nhì để đọc diễn văn phúc trình sự hoạt động. Đại ý bài diễn văn nói rằng: Hiện nay nhân loại đang bị áp lực của tham, sân, si đè nén nặng nề, muốn chữa trị những chứng bịnh ấy cần phải có một phương thuốc thật hay mới mạnh được, không chi hơn là tất cả nhân loại nên quay về Phật giáo, vì Phật giáo có tánh cách không thù oán, hãm hại, tàn sát lẫn nhau và nên tu tập theo hạnh bố thí để trừ bớt lòng tham lam, trì giới để dứt bỏ lần lòng thù oán, vì nếu mỗi người đều giữ giới thì còn ai mà chém giết tàn sát nhau, mà nếu không có chém giết sát hại thì đâu có sanh ra giặc giã chiến tranh.
Hơn nữa, cần phải ráng tham thiền để trừ bớt lòng si mê và cho được minh tâm kiến tánh thấy rõ chơn lý của vạn vật đều là vô thường, khổ não, vô ngã thì tự nhiên các bịnh tham, sân, si ấy sẽ lành mạnh, chừng ấy không cần nói cả Thế giới đều được hoàn toàn hạnh phúc và thái bình thạnh vượng.
Trong 3 ngày Hội nghị, hội chia ra làm 4 Ủy ban để bàn luận về 4 vấn đề:
1) Ủy ban thứ nhứt: Bàn luận về vấn đề “Giáo hóa”, Ủy ban này yêu cầu nên tạo thêm những trường học cho nhi đồng Phật tử, nên lập ra những lớp học ngày chúa nhật để dạy cho học sinh am hiểu về Phật giáo và nếu có thể nên lập ra trường đại học về Phật giáo tùy theo khả năng của mỗi trung tâm Phật giáo Thế giới địa phương.
2) Ủy ban thứ nhì: Bàn luận về vấn đề “trực tiếp với xã hội”, Ủy ban này dẫn dụ rằng: nên giúp đỡ cho xã hội về sự thành lập dưỡng đường, cô nhi viện, nhà riêng cho những người có bịnh hủi và các nơi tiếp độ sức khỏe cho loại thú, nên tiếp độ cho người bị tai hại về nạn chiến tranh hoặc bị tai hại trong lúc thừa hành phận sự trong các cơ xưởng trong các ngành kỹ nghệ.
3) Ủy ban thứ ba: Bàn luận về vấn đề “truyền bá giáo lý Phật Đà”, Ủy ban này bàn luận rất lâu và sôi nổi, đại khái về sự thành lập trụ sở trung ương và trụ sở địa phương của hội để làm việc về sự truyền bá Phật giáo Thế giới và kế hoạch của sự truyền bá là:
a) Khởi xướng về sự hành đạo trong xứ đã có Phật giáo.
b) Trong xứ không có Phật Pháp thì nên tiếp giúp công chuyện từ thiện như Ủy ban thứ nhì, thuyết pháp, nói đạo và tự mình phải thực hành cho đúng đắn theo chánh giáo để làm gương mẫu.
c) Nên lập những tư thục để huấn luyện cho phái Tăng già và thiện tín về phương pháp và tư cách của các nhà đi truyền giáo cùng một khuôn khổ.
4) Ủy ban thứ tư: Bàn luận về vấn đề “hoạt động của Phật giáo Thế giới”, Ủy ban này đưa ra rất nhiều đề nghị đại khái như là: thành lập sự đoàn kết để làm cho hiểu biết nhau giữa người tu Phật bất cứ là nơi nào, nên thay đổi nhau qua lại về các nhà sư đi truyền giáo và gởi các học sinh Phật giáo đi các nơi, nên thành lập một hội thanh niên nam, nữ Phật giáo Quốc tế, nên thông dụng lá cờ Phật giáo trong các cuộc lễ nào có tánh cách về Phật giáo.
Và thông dụng Phật lịch là kể từ Đức Phật nhập Niết-Bàn đến nay đã được 2498=1954, nên bày ra một biểu hiệu chung cho tất cả Phật tử. Về căn bản hoạt động của sự truyền bá của Phật giáo thì nên căn cứ vào Kinh-Luật của Đức Phật, nhứt là mỗi người Phật tử đều giữ ngũ giới cho trong sạch, vấn đề này có 2 nhà sư Bắc tôn ở Lastonie cãi rằng như rượu bia hoặc rượu chát người tu Phật uống cũng được vì nó làm cho sự tiêu hóa dễ dàng, sau một lúc bàn luận, hội bác hẳn lời của 2 nhà sư này, nên trao đổi nhau để ấn tống những tin tức của Phật giáo khắp nơi và lập 1 quyển sách cho biết chung tất cả những ngày lễ của Phật giáo luôn có cả tam qui và ngũ giới theo Pāli.
Hơn nữa, nhân danh H.P.G.T.G., xin kêu gọi tất cả các Chánh phủ nên ra lịnh cấm sự chế tạo và dùng đến bom nguyên tử, bom khinh khí và tất cả những khí giới có tánh cách sát hại một lần thật nhiều người, vì muốn đem lại sự an ninh cho nhân loại. Các nhà Phật tử nên cấm các con em đừng cho chơi những món đồ có tánh cách sát hại như gươm, súng giả v.v...vì nó ám ảnh và khêu gợi tánh nết hung dữ của trẻ con. Sau khi 4 Ủy ban trên đây đề nghị và bàn luận xong lại đưa lên Tổng Ủy ban để biểu quyết chung một lần nữa khi đã đồng chấp thuận mới được đem ra thi hành.
Qua ngày thứ tư thì tất cả phái đoàn trên thế giới được đưa vào Đại Thạch Động để dự kiến 500 chư Tăng Thế giới đang Kết Tập Tam Tạng phần nhì (2ème Session) kế đó đưa đi viếng các nơi Phật tích trong thủ đô Rangoon.
Bắt đầu từ ngày thứ năm sắp lên thì Chánh phủ Miến Điện có sắp đặt cả thảy 52 toa xe lửa thượng hạng để đưa tất cả phái đoàn đi chiêm bái các nơi Phật tích và các bảo tháp thờ Xá Lợi trên xứ Miến Điện như là tỉnh Mandalay là cựu Thủ Đô của xứ Miến và là nơi Kết Tập Tam Tạng lần thứ Năm, nơi này có 729 tấm bia đá cẩm thạch chạm đủ Tam Tạng Pāli, mỗi bia đá ấy lại được bảo tồn bằng một bảo tháp vuông vức 2 thước tây bề cao lối 3 thước. Những bia đá này đã tạo ra lối 1 thế kỷ, nên những tấm bia ấy chữ vẫn còn rành rạnh, kế đến viếng xứ Pagan cũng là 1 cựu Thủ Đô của xứ Miến, xứ này có một danh từ đặc biệt gọi là rừng tháp, vì tại xứ này có cả thảy trên 55.000 bảo tháp. Kế viếng xứ Mingun là nơi mà một vị Thánh Tăng đã nhập diệt hơn 3 năm, hiện nay xác Ngài còn quàn mà vẫn không hôi thối. Lúc trở về có viếng một vị Thánh Tăng đương còn hiện tại, nơi xứ Kyaw-sê...
Phương tiện phái đoàn đi chiêm bái, khi hết tàu hỏa sang tàu thủy, xe hơi v.v... Công việc do Chánh phủ sắp đặt hết sức châu đáo, mỗi nhà ga hoặc mỗi thỉnh lỵ để tạm dừng khi thọ thực hoặc giải khát thì Chánh phủ địa phương đều có sửa soạn trang hoàng để tiếp rước rất long trọng. Nếu khi tạm trú trong một đêm, thì có tổ chức các cuộc múa hát bổn xứ để giúp vui cho phái đoàn, công việc đi chiêm bái ấy mất hết cả 9 ngày mới xong, lại đưa phái đoàn trở về Rangoon và sáng hôm sau là đúng ngày 18-12-1954, thì tất cả phái đoàn lần lượt lên đàng về xứ hoặc ai muốn sang Ấn Độ để chiêm bái bốn chỗ động tâm thì đi, nhưng sự tổn phí thì tự mình chịu lấy.
Riêng phần phái đoàn P.G.N.T.V.N. còn nhiều công việc phải thu xếp nên tới ngày 22-12-1954 mới lên đàng về xứ...
Nhưng trước ngày lên đường về xứ, ông Tổng Thống bộ Lễ Ngài U.Win tiếp P.Đ.P.G.N.T.V.N.
Ngày 20-12-1954, P.Đ.P.G.N.T.V.N. được ông U.Win Tổng Trưởng bộ Lễ tiếp rước nơi biệt thự Ngài rất ân cần và vui vẻ hỏi thăm về công việc tiến hành của P.G.N.T.V.N. Sau khi nghe Đ.Đ. Bửu Chơn thuật lại về công việc Phật giáo ở V.N. và vụ mất trộm Ngọc Xá Lợi độ nọ, Ngài Tổng Trưởng bèn cho biết rằng mới rồi ở sở Khảo cổ có tìm được một bảo tháp sụp đổ tại xứ Sandaw giáp ranh xứ Miến Điện và Ấn Độ do Đức Vua Arakan sáng tạo cách đây hơn 900 năm, trong tháp ấy có nhiều Ngọc Xá Lợi của Đức Phật Tổ và A-la-hán, hiện giờ Chánh phủ đang giao cho ông gìn giữ. Khi nghe Đ.Đ. Bửu Chơn thuật xong Ngài rất cảm động và xin đề nghị với Chánh phủ để hiến cho Phật giáo Việt Nam những Ngọc Xá Lợi của Đức Phật Tổ và A-la-hán ấy.
Lời đề nghị của Ngài rất kết quả, qua ngày 21-12-1954 chính tay Ngài Tổng Trưởng viết một bức thơ và trao những Ngọc Xá Lợi đã kể trên cho Đ.Đ. Nāga Thera (Bửu Chơn), thỉnh về xứ hôm ngày 4-1-1955 và cuộc cung nghinh Xá Lợi đã có tường thuật trong số báo Tín Điển ngày 6-1-1955.
Nguyên văn bức thơ như vầy: Buddhas’Rilics and Arahat Rilics presented by the Hon’ble U.Win, Minister for Religionus Affairs to the Ven’ble Nāga There, Hear of Viet Nam Delegation on the 21st December, 1954, was discovered in the ruins of Sandaw Padoga built about 900 years ago by an Arakann king in Sandoway.
Dịch: Tôi U.Win Tổng Trưởng bộ Lễ của xứ Miến Điện, kính tặng những viên Ngọc Xá Lợi của Đức Phật Tổ và A- la-hán đến Đ.Đ. Nāga Thera (Bửu Chơn) trưởng phái đoàn Phật giáo V.N. hôm ngày 21-12-1954. Những Ngọc Xá Lợi này đã tìm ra được nơi một bảo tháp sụp đổ, bảo tháp này đã tạo ra trước đây lối 900 năm do Đức Vua Arakann nơi xứ Sandoway.
Ký tên: U.Win Tổng Trưởng bộ Lễ (Ngưỡng Quang) Miến Điện.
Lúc về có bảy bà tín nữ đã qua Rangoon trước để chiêm bái và chờ kỳ hội nghị nên luôn dịp các bà cũng tháp tùng về theo. Khi về đến Thailand trễ luôn mấy chuyến phi cơ vì không có chỗ. Có nhiều hành khách đã ghi tên trước nên phải ở lại Bangkok hơn 10 ngày vì vậy mà phái đoàn được nhiều thì giờ rảnh rang đi chiêm bái các nơi Phật tích trong Thủ Đô Bangkok nhứt là viếng chùa Phật Ngọc, chùa Cẩm Thạch, tháp thờ Xá Lợi đầu tiên trên xứ Thái tại Nakol Pathom, chùa Preak Bat có dấu chân Đức Phật Tổ cách châu thành Vọng Các hơn 100 cây số. Trong khi lưu trú tại Vọng Các mọi việc đều nhờ Sứ quán V.N. lo liệu nhứt là cụ Nguyễn Khoa Toàn rất ân cần tiếp đãi.
Đến ngày 4-1-1955, phái đoàn mới ghi được chỗ của hãng Hàng không V.N., và đáp phi cơ về đến phi trường T.S.N vào 18g30 ngày 4-1-1955. Có rất đông chư Tăng và tín đồ đã chực sẵn để đón rước và cung nghênh Xá Lợi về chùa Kỳ Viên.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.