II. Giải về abbadha sīmā: là sīmā tăng không cần đọc tuyên ngôn để kết giới

II. Giải về abbadha sīmā: là sīmā tăng không cần đọc tuyên ngôn để kết giới

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVĀDA
    -----

    PHÁP KẾT GIỚI – SĪMĀ

    Bhikkhu Nāga Mahā Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn

    Dl. 1971 – Pl.2515

     

    II. GIẢI VỀ ABBADHA SĪMĀ: LÀ SĪMĀ TĂNG KHÔNG CẦN ĐỌC TUYÊN NGÔN ĐỂ KẾT GIỚI

    Sīmā mà tăng không cần đọc tuyên ngôn chỉ định gọi là abbadha sīmā. Có 3 thứ hay là 4 thứ là: gāma sīmā, sattabbhantara sīmā, udakukkhepa sīmā. Nếu 4 thứ thì thêm visumgāma sīmā.

    NÓI VỀ GĀMA SĪMĀ

    Trong mỗi làng, mỗi thị xã (châu thành, tỉnh lỵ) toàn thể ranh giới ấy đến đâu gọi là sīmā đến đấy. Đức Phật cho phép các vị tỳ khưu cư ngụ trong 1 làng, 1 xóm đồng chung 1 sīmā như “Asammatāya bhikkhave sīmāya atthapitāya yaṃ gāmaṃ vā nigāmaṃ vā upanissāya viharati yā gāmassa vā gāma sīmā nigāmassa vā nigama sīmā ayaṃ tattha samānasamvāsā ek’uposathā – Này các thầy tỳ khưu, khi chư tăng chưa có kết giới, chưa có chỉ định sīmā mà thầy tỳ khưu vào cư ngụ trong 1 làng, một thị xã nào thì làng hay thị xã ấy lớn, nhỏ cỡ nào(3) đều là sīmā có tánh cách hòa hợp với nhau lại để làm tăng sự như lễ Phát lộ hết thảy”.

    Theo chú giải chữ ‘gāma’ có thể gọi là quận hay xứ còn ‘nigāma’ thì gọi là chợ, thị xã, đô thị, vì vậy mà 1 thị xã nào, 1 tỉnh lỵ nào, 1 làng nào có ranh giới đến đây đều là gāma sīmā hết thảy. Bởi vậy cho nên dầu là sīmā trọn 1 làng, 1 đô thị, 1 thị xã đều có thể hành tăng sự được như thọ cụ túc giới, làm lễ Phát lộ... được hết thảy (nhưng khó 1 điều là phải gom lại tất cả các vị tỳ khưu nào cư ngụ trong ranh giới ấy lại 1 chỗ mới hành tăng sự được, nếu có 1 vị nào ở ngoài 1 hắc 1 gang thì tăng sự không thành tựu vì bị chia rẽ) nhưng khác hơn baddha sīmā là không thể xa lìa tam y lúc mặt trời mọc được mà thôi.

    GIẢI LUÔN VỀ SỰ VISUMGĀMA SĪMĀ

    Visumgāma sīmā là sīmā riêng biệt. Vì người nào có ân đức gì với Đức Vua, Ngài mới ban đứt cho một nơi nào, làng nào, xứ nào thì chỗ nơi ấy gọi là visumgāma: xứ riêng biệt, chỗ ấy cũng gọi là sīmā của xứ riêng biệt: visumgāma sīmā chỗ này rộng bao lớn thì tất cả chư tăng đến cư ngụ nơi ấy đều phải hòa hợp nhau cu hội lại để làm tăng sự.

    UDAKUKKHEPA SĪMĀ - SĪMĀ LÀM TRONG NƯỚC

    Ở trong ao hồ, sông rạch và biển cả, người bực trung hai tay bụm nước lại rải đến đâu chung quanh chỗ mình đứng thì trong phạm vi ấy gọi là sīmā trong 1 lằn rải nước (udakukkhepa sīmā). Các nơi sông rạch, ao, hồ đã kể trên, trước tiên Đức Phật không cho phép làm baddha sīmā là sīmā có cột ranh giới.

    Nhưng khi sau này Đức Phật mới cho phép làm sīmā trong một lằn rải nước, trong các nơi ấy như vầy: Nadiyā vā bhikkhave samuddhe vā jātassare vā yaṃ majjhimassa purissa samantā udakukkhepa ayaṃ tattha samānasamvāsā ekuposathā – Này các vị tỳ khưu, các nơi sông rạch ao hồ, biển cả nào mà trong vòng một người bực trung rải nước chung quanh chỗ đó gọi là sīmā trong một lằn rải nước, chư tăng phải hòa hợp lại trong phạm vi ấy để làm tăng sự như lễ Phát lộ. Theo chú giải gọi là một lằn rải nước đó như người bực trung lấy nước hay là cát thảy rải hết sức mình, nước hay cát rớt đến đâu thì chỗ ấy gọi là một lằn rải nước, lằn rải nước ấy kể từ vị ngồi hay đứng cuối cùng của chư tăng cu hội.

    Nếu có nhiều nhóm chư tăng hành tăng sự đồng một lúc thì phải để cách khoảng một lằn rải nước giữa hai sīmā ấy. Nếu chư tăng muốn làm tăng sự nơi nước sâu quá thì nên dùng 

    ghe thuyền, bè mà làm lễ, nếu ghe thuyền ấy trôi tới trôi lui thì không nên làm tăng sự, vì một lằn rải nước đã có hạn định chung quanh bao nhiêu mà thôi, khi tuyên ngôn đã lọt ra khỏi vòng nhứt định của sīmā. Bởi vậy cho nên muốn làm tăng sự trên ghe thuyền thì phải cắm sào hay trụ cho thật chặt, hay cột đá to bỏ xuống nước cho thật vững hoặc có neo bỏ xuống cho ghe thuyền đứng vững hay cột vào cây mọc ngay trong nước cũng được, rồi sẽ làm tăng sự. Nếu ghe chỉ trôi tới trôi lui chút ít trong lằn rải nước thì không sao.

    Hơn nữa, nếu cột ghe thuyền dính với cây mọc trong nước, dầu cho cây ấy có ngoài vòng lằn rải nước sīmā cũng được, bởi nước ấy và nước trong sīmā cũng đồng một tánh chất với nhau. Nhưng cấm hẳn không cho cột ghe thuyền dính với trụ hoặc cây ở trên bờ (khô) bởi vì mé bờ và nước không có liên quan với nhau. Nên tỳ khưu ở trên giàn, trên nhà, trên bè mà ở trong nước thì làm tăng sự cũng được hết nhưng chỉ ở trong một lằn rải nước mà thôi.

    Nếu tỳ khưu ở trên cầu, cột cầu và hai đầu cầu đều ở dưới sông cũng làm tăng sự được. Nếu hai đầu cầu và cột cầu mà dính đến mé bờ như vậy thì không nên hành tăng sự. Còn nếu cột cầu ở dưới nước nhưng hai đầu cầu dài khỏi mé bờ cao lên không có dính với mặt đất ở bờ, thì các vị tỳ khưu ở trên cầu ấy hành tăng sự cũng được hết.

    SATTABBHANTARA SĪMĀ: SĪMĀ CÓ 7

    Abbhantara: Ở trong rừng không phải là làng xóm, trong khoảng chung quanh chỗ vị tỳ khưu cư ngụ có sīmā 7 abbhantara mỗi phía. Đức Phật Ngài cho phép các thầy tỳ khưu ở trong rừng như vầy: “Agāmake bhikkhave arañña samantā sattabbhantarā ayaṃ tattha samānasaṃvāsā ek’uposathā – Này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu ở trong rừng không phải là xóm làng thì có sīmā 7 abbhantara chung quanh chỗ ấy chư tăng phải hòa hợp lại để làm tăng sự như lễ Phát lộ”.

    Trong chú giải nói mỗi abbhantara có 28 hắt tay (mỗi hắt tay có 2 gang, mỗi gang có 12 ngón, mỗi ngón có 7 hột lúa sắp xuôi). Thì ra 28 hắt lối 14 thước tây; 7 lần 14 m: 98 thước. Kể từ chỗ vị tỳ khưu ấy ra 4 hướng mỗi hướng đều có 7 abbhantara hết thảy, nghĩa là mỗi vị kể bề ngang qua 14 abbhantara. Khi mặt trời mọc lên y của vị nào cư ngụ nơi khoản 14 abbhantara ấy được phép xa lìa khỏi phạm ưng xả đối trị, nếu để y ngoài vòng 14 abbhantara ấy thì phạm ưng xả đối trị. Nếu tăng họp lại làm tăng sự thì phải kể đo từ vị ngồi cuối cùng trở ra cho đúng 7 abbhantara mỗi phía. Nếu tăng 2 nhóm đồng hành tăng sự thì nên để trống khoảng cách nhau 1 lối abbhantara ra gọi là sīmantarika (cách khoảng sīmā) như vậy khỏi phải hoài nghi trong khi hành tăng sự.

    Đây giải thế nào gọi là rừng và xóm. Chỗ nói xóm làng ấy có một cái nhà hay nhiều cái, có hàng rào chung quanh hay không có, có người ở hay không có người ở, nói cho cùng dầu cho chỗ nào mà bọn lái buôn dừng chân lại cư ngụ trong thời gian 4 tháng đều gọi là xóm làng hết thảy. Nếu xóm làng nào có hàng rào chung quanh thì kể từ hàng rào ấy trở vô là xóm, còn không có hàng rào thì kể từ nhà cuối xóm tạt ra một lằn nước gọi là cận nhà, từ chỗ cận nhà ấy trở ra, người bực trung đứng đó liệng một cục đất, cục đất rớt bao xa thì từ đó trở vô cũng gọi là xóm. Còn chỗ cận xóm là nếu xóm có hàng rào... rào chung quanh, thì kể từ chỗ người bực trung liệng một cục đất rớt đến đâu thì từ cục đất ấy trở vô gọi là cận xóm. Còn như xóm không có hàng rào thì kể từ chỗ liệng cục đất thứ hai rớt xuống đến đâu chỗ ấy gọi là cận xóm. Nếu xóm mà có hàng rào hai lớp thì kể từ hàng rào thứ nhất, liệng thêm một cục đất rớt nơi nào thì khoảng ấy gọi là cận xóm.

    Ngoài chỗ xóm và cận xóm ra đều gọi là rừng hết thảy. Nói là chỗ cư ngụ trong rừng không phải chỗ trừ xóm và cận xóm mà còn phải trừ khoảng cách chỗ mình ở như sau. Nếu chỗ ở trong rừng mà có hàng rào, thì từ hàng rào trở vô thuộc địa phận của chùa, từ hàng rào trở ra lối một cục đất do người bực trung liệng ra thì gọi là cận chùa. Nếu chùa không có hàng rào thì phải nhứt định chỗ liêu cốc cuối cùng hay cây bồ đề, nhà giảng đường, bảo tháp v.v... lối một cục đất liệng ra khỏi chỗ đó thì gọi là vòng chùa, từ đó liệng thêm một cục đất nữa rớt đến đâu thì gọi là cận chùa. Cách nhứt định vòng chùa và cận chùa như vậy không được đè chụp lên phạm vi của xóm và cận xóm phải còn cách khoảng rời ra mới được.

    Nhưng nếu giải rộng theo Tạng Kinh thì phải nhứt định từ hàng rào xóm đến chỗ ở trong rừng xa lối 500 cây cung (là lối 1000 thước) nếu hai bên đều không có hàng rào thì phải nhứt định kể từ một cục đất thứ hai bên liệng rớt xuống còn cách khoảng lối 1000 thước mới được.

    -oo0oo-

    (3) Gāma sīmā có thể lớn dài đến 12 do tuần.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.