Kinh Paṭṭhama Gelañña

Kinh Paṭṭhama Gelañña

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    04. KINH PAṬṬHAMA GELAÑÑA

    Hôm nay tôi sẽ giảng cho các bạn nghe bài kinh Paṭṭhama Gelañña. Bạn đừng lẫn lộn kinh này với kinh Gilāna. Có ba bài kinh Gilāna. Trong những bài kinh này nói đến chuyện Ngài Moggalana, Kassapa và Đức Phật bị bệnh, và nói đến việc đức Phật đã dạy Thất Giác Chi hay Bảy Pháp Trợ Bồ Đề như thế nào? Bởi vậy, những bài kinh này có tên là kinh Gilāna thứ nhất, kinh Gilāna thứ hai, kinh Gilāna thứ ba. Nhưng bài kinh tôi giảng là bài kinh được gọi là Gelañña vì bài kinh này được Đức Phật giảng dạy khi Ngài đi thăm Bệnh Xá Dành Cho Chư Tăng Bị Bệnh (Gilāna sālā).

    Kinh này không khởi đầu bằng chữ: “Tôi nghe như vầy...” bởi vì Kinh Gelañña nằm trong bộ Samyutta Nikāya. Trong bộ này có rất nhiều kinh nên người tụng đọc đã bỏ đi câu: “Tôi nghe như vầy” ở phần đầu bài kinh. Mặc dầu bản kinh này không khởi đầu bằng chữ: “Tôi nghe như vầy...” nhưng chúng ta phải hiểu đây là bài kinh được Trưởng lão Ānanda đọc lại trong kỳ kết tập tam tạng lần thứ nhất. Bởi vậy tôi để chữ “Tôi nghe như vầy” trong ngoặc kép. Bài kinh khởi đầu như sau:

    Một thuở nọ Đức Phật ngụ trong một nhà khách, ở khu rừng lớn gần thành Vesālī. Sau khi ra khỏi trạng thái an cư, tĩnh lặng, Đức Phật đến bệnh xá dành riêng cho Chư Tăng. Khi đến bệnh xá, Ngài ngồi vào nơi đã dọn sẵn...

    Như vậy, bài kinh này đã được giảng dạy gần thành Vesāli. Và tại đây, sau khi ra khỏi trạng thái an cư, tĩnh lặng Đức Phật đến gặp Chư Tăng. Theo truyền thống ngày xưa, các Nhà Sư thường vào trạng thái an cư, tĩnh lặng, và khi cần thiết họ ra khỏi trạng thái an cư, tĩnh lặng đó. Cũng vậy, Đức Phật ra khỏi trạng thái an cư, tĩnh lặng và đến bệnh xá.

     LÝ DO ĐỨC PHẬT ĐẾN THĂM BỆNH XÁ

    Chú giải ghi rằng: có hai lý do Đức Phật đến thăm bệnh xá.

    Lý do thứ nhất: Nay đã là một vị Phật, Ngài muốn đến bệnh xá để chăm sóc Chư Tăng bị bệnh. Thấy Ngài làm như vậy, Chư Tăng biết các Nhà Sư cần được chăm sóc khi đau ốm nên các vị sẽ noi theo gương Ngài đến chăm sóc các Nhà Sư bị bệnh.

    Một lần nọ, có một vị Sư ở trong bệnh xá bị đau bao tử, có thể bệnh rất nặng. Nhà Sư quằn quại trên đống phân dơ và nước tiểu. Lúc bấy giờ Đức Phật cùng với Ānanda và Chư Tăng đi quanh bệnh xá nhìn thấy vị Sư bị bệnh.

    Đức Phật hỏi: Con đau gì?

    Vị Sư đau trả lời: Bạch Đức Thế Tôn con đau bụng.

    Đức Phật hỏi: Không ai chăm sóc cho con sao?

    Vị Sư đau trả lời: Bạch Đức Thế Tôn không ai chăm sóc cả.

    Đức Phật hỏi: Sao không ai chăm sóc cho con?

    Vị Sư đau trả lời: Bạch Ngài, con chẳng làm gì cho cộng đồng Chư Tăng, con không làm gì cho người khác nên con không được ai chăm sóc.

    Đức Phật bèn gọi Ānanda đến. Ngài dạy Ānanda đi xách nước, chính tay Đức Phật dội nước, và Ānanda tắm rửa cho vị Sư.

    Sau khi tắm rửa cho Nhà Sư bị bệnh xong, Đức Phật gọi Tăng Chúng lại và dạy: Các con có biết một vị Sư nằm trong bệnh xá đó không? Các Sư trả lời: Bạch Đức Thế Tôn, chúng con biết.

    Đức Phật hỏi:

    Vị đó đau bệnh gì?

    Các Sư trả lời:

    Bạch Đức Thế Tôn, vị đó đau bao tử.

    Đức Phật hỏi:

    Có ai săn sóc cho vị Sư đó không?

    Các Sư trả lời:

    Bạch Đức Thế Tôn, dạ không.

    Đức Phật hỏi:

    Tại sao vậy ?

    Các Sư trả lời:

    Bạch Đức Thế Tôn, bởi vì vị Sư đó chẳng làm gì ích lợi cho người khác, do đó không ai chăm sóc cho Sư.

    Đức Phật nói:

    Các con không có mẹ, các con không có cha để chăm sóc các con. Nếu các con không chăm sóc, giúp đỡ cho nhau thì ai vào đây chăm sóc. Ai muốn chăm sóc Như Lai, người đó phải chăm sóc các vị Sư bị bệnh.

    Và Đức Phật đặt ra điều luật:

    Khi một vị Sư bị bệnh, nếu vị Sư đó còn thầy thì vị thầy phải chăm sóc cho đến khi vị này hết bịnh. Nếu vị Sư đó không có thầy, không có ai cả, thật sự cô đơn, thì Chư Tăng phải săn sóc cho vị đó. Nếu Chư Tăng không chăm sóc cho vị Sư bị bệnh sẽ bị tội vì có hành động sai lầm.

    Từ việc xảy ra này, Đức Phật đã quy định điều luật: Chư Tăng hay vị thầy phải chăm sóc cho các Nhà Sư bị bệnh.

    Có một câu chuyện khác nói đến Đức Phật cùng Ānanda đã săn sóc cho một Nhà Sư bị bệnh. Câu chuyện được ghi trong Dhamma-pāda nói đến Đức Phật chăm sóc cho những vị Sư bị bệnh, nhưng không nói đến chuyện Ngài đặt ra điều luật hay nói câu: Các con không có mẹ, các con không có cha để chăm sóc các con... mà chỉ nói đến chuyện Đức Phật săn sóc cho bịnh nhân, và khi được các vị Sư khác hỏi thì Ngài nhắc đến câu chuyện liên quan đến vị Sư đó.

    Lý do thứ hai Đức Phật đến bệnh xá bởi vì ngay trong bệnh xá cũng có những Nhà Sư đang hành thiền. Ngài đến đó để dạy họ hành những đề mục thích hợp.

    Như vậy, Đức Phật đến bệnh xá thăm các vị tăng bị bệnh bởi hai lý do:

    Thứ nhất: Để Chư Tăng, noi theo gương Ngài, chăm sóc cho những vị Sư bị bệnh. 

    Thứ hai: Để dạy Chư Tăng đó hành thiền theo những đề mục thích hợp. 

     ĐỨC PHẬT GIẢNG DẠY CHO CHƯ TĂNG TẠI BỆNH XÁ HÀNH THIỀN 

    Đức Phật đến bệnh xá, và ngồi vào nơi đã dành sẵn. Đó là một thông lệ vào thời kỳ Đức Phật. Bất kỳ Chư Tăng hội họp ở nơi đâu, bàn thảo hay làm một việc gì, đều dọn một chỗ ngồi cho Đức Phật để khi Ngài đến đã có sẵn chỗ ngồi cho Ngài. Đức Phật đi đến những chỗ nào thì Ngài chỉ việc ngồi vào những chỗ đã dọn sẵn, và sau khi ngồi, dầu không ai hỏi Ngài, Ngài vẫn dạy:

    Này chư Tỳ Khưu, hãy chánh niệm và có sự hiểu biết sáng suốt, Nhà Sư không nên chờ đợi đến lúc. Đây là điều Như Lai nhắc nhở các thầy.

    Đức Phật đã nói đến hai điều: chánh niệm và ý thức sáng suốt. Hãy chánh niệm, mà không nên “đợi chờ đến lúc”.

    Chú giải không giải thích câu “đợi chờ đến lúc”, cho nên chúng ta không hiểu những chữ này có nghĩa là gì? Có thể câu này có nghĩa là “đợi chờ đến lúc chết”, bởi vì đây là bệnh xá. Cũng có nghĩa là khi săn sóc những Nhà Sư bị bệnh thì chính vị Sư săn sóc cũng hành thiền.

    Sau khi đã dạy chư Tỳ Khưu tinh cần chánh niệm, tỉnh giác (ý thức sáng suốt) và đừng chờ đợi, Đức Phật dạy tiếp:

    Và một vị Tỳ Khưu phải chánh niệm như thế nào?

    Ở đây, trong lời dạy này, thầy Tỳ Khưu trú trong thân quán sát thân, nỗ lực đốt cháy phiền não (nhiệt tâm), tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt) và chánh niệm, loại trừ tham ái, ưu phiền trên thân.

    Và như vậy, tại bệnh xá, Đức Phật đã dạy Tứ Niệm Xứ cho các Tỳ Khưu bị bệnh. Khi một vị Tỳ Khưu thực hành Tứ Niệm Xứ thì được gọi là Tỳ Khưu chánh niệm.

    Các bạn đã nhiều lần nghe tôi giảng bài kinh này, nên tôi không muốn lập lại đây. Và vị Tỳ Khưu phải có sự tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt) như thế nào?

    "Này các thầy Tỳ Khưu, Nhà Sư đi tới, đi lui với sự hiểu biết sáng suốt v.v..."

    Đây cũng là những lời dạy trong kinh Đại Niệm Xứ, chương tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt). Như vậy, khi một vị Sư thực hành chánh niệm trong khi đi tới, đi lui thì vị Tỳ Khưu đó được xem như đã thực hành tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt). Sau khi nhắc đến chánh niệm và tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), Đức Phật dạy đến quán sát chánh niệm trên cảm thọ.

    "Này các thầy Tỳ Khưu, một Nhà Sư chánh niệm và tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt) với nhiệt tâm đốt cháy phiền não, hướng tâm đạt đến sự thành công, và khi lạc thọ khởi sinh trong thầy, thầy biết: “bây giờ, lạc thọ khởi sinh trong ta”...

    Ở đây, trước tiên một Nhà Sư chánh niệm và tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt) có nghĩa là vị Sư đó đã thực hành chánh niệm và tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), và phải có sự nỗ lực để đốt cháy phiền não.

     HIỂU NHƯ THẾ NÀO LÀ CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC 

    a . Chữ thứ nhất trong lời dạy này cần tìm hiểu là “nỗ lực đốt cháy phiền não”, được dịch từ tiếng Pāḷi “Atāpi”, có nghĩa là nhiệt tâm. Ở đây, tôi muốn nói một cách rõ ràng cho các bạn, cho nên tôi dịch là: “Nỗ lực đốt cháy phiền não”. Sự nỗ lực hay sự tinh cần làm cho phiền não biến mất hay không khởi sinh. Các bạn đều hiểu rằng, đốt cháy không phải là đốt cháy một cái gì ở bên ngoài mà Atāpi ở đây có nghĩa là có sự nỗ lực đốt cháy phiền não.

    b. Chữ thứ hai trong lời dạy của đức Phật trong câu này là được dịch là “hướng tâm đạt đến thành công” tiếng Pāḷi là “Pahitatta”. Chữ “Pahitatta” đã được học giả hiện đại và các vị chú giải ngày xưa hiểu mỗi người mỗi cách. Các học giả hiện đại thì đã cho chữ này có gốc là “dhā” và tiếp đầu ngữ là “Pa” nên chữ Pahitta được dịch là quyết tâm hay một nghĩa tương tự như vậy. Nhưng hiểu theo lối này thì chữ atta rất khó giải thích. Đối với các nhà chú giải cổ điển thì chữ này từ gốc “hi”, tiếp đầu ngữ là “pa” và tiếp vĩ ngữ là “ta”. Như vậy là chữ này gồm Pahita và atta. Pahita có nghĩa là hướng đến và atta có nghĩa là tâm. Như vậy, Pahitta có nghĩa là tâm hướng thẳng đến... đến một cái gì, đến sự thành tựu, đến Niết Bàn.

    Như vậy, có hai sự diễn giải ở đây về chữ này. Hợp chung hai lối giải thích trong đoạn văn này cho ta thấy phải có sự “tinh tấn vững chắc” và “hướng tâm thẳng đến Niết Bàn”, nói cách khác người hành thiền phải có sự “tinh tấn vững chắc” không màng đến thân thể hay mạng sống của mình mà “hướng tâm thẳng đến Niết Bàn”.

    Cho nên, khi thầy Tỳ Khưu chánh niệm tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), có nỗ lực để đốt cháy phiền não, hướng tâm đến sự thành đạt hay Niết Bàn, và khi đó nếu lạc thọ khởi sinh trong thầy, thầy biết: “bây giờ lạc thọ đang khởi sinh trong ta”. Bởi vì vị này luôn luôn chánh niệm bất kỳ những gì xảy ra trong giây phút hiện tại nên vị này đã ý thức lạc thọ khởi sinh trong tâm. Bây giờ lạc thọ khởi sinh trong ta, nhưng lạc thọ bị lệ thuộc, không phải độc lập. Vị này xem lạc thọ này là lệ thuộc. Lệ thuộc ở đây là lệ thuộc vào một số nguyên nhân hay điều kiện nên lạc thọ không có độc lập.

    Bây giờ lạc thọ ở đây tùy thuộc vào gì? Tùy thuộc vào chính cơ thể này.

    Vậy lạc thọ mà vị này cảm giác được tùy thuộc vào chính cơ thể này. Đúng vậy, cơ thể này là vô thường, nên lạc thọ tùy thuộc vào cơ thể này mà khởi sinh nên lạc thọ này cũng vô thường.

    Khi bạn ghi nhận cảm thọ, ở đây là lạc thọ, thì bạn sẽ thấy rằng lạc thọ này không tồn tại lâu dài. Lạc thọ này biến mất nên nó là vô thường. Khi bạn ghi nhận lạc thọ là: lạc, lạc hay tốt, tốt v.v... thì bạn sẽ thấy lạc thọ này là vô thường bởi vì nó có sự khởi sinh và sự biến mất. Mặc dầu ta thấy lạc thọ dường như tồn tại một lát, nhưng thật ra nó không tồn tại, nó vừa khởi sinh ở sát na nào liền diệt ngay ở chính sát na đó. Như vậy, lạc thọ vô thường và cơ thể này cũng vô thường.

    Khi thầy Tỳ Khưu chú tâm vào cơ thể mình thì sẽ thấy cơ thể này là vô thường. Và cơ thể này chịu điều kiện bởi nghiệp, bởi tâm, bởi nhiệt độ, bởi thức ăn và những điều kiện khác nữa. Như vậy, cơ thể này chịu điều kiện (saṅkhata) nó tùy thuộc mà khởi sinh. Điều này có nghĩa là khi có điều kiện phối hợp với nhau thì cơ thể này khởi sinh. Vì nó tùy thuộc vào điều kiện (saṅkhata) nên nó là “tùy thuộc khởi sinh”. Có nghĩa là nó khởi sinh tùy thuộc vào một số nguyên nhân hay điều kiện khác. Khi quán sát cơ thể, thầy Tỳ Khưu sẽ thấy rằng cơ thể này là vô thường, chịu điều kiện, và tùy thuộc vào các yếu tố khác mà khởi sinh. Thầy Tỳ Khưu sẽ thấy những điều này qua việc hành Thiền Minh Sát. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng cơ thể vật chất này tồn tại lâu dài, nhưng thật ra cơ thể vật chất này thay đổi từng sát na hay từng khoảnh khắc. Như vậy, cơ thể này bị điều kiện và tùy thuộc khởi sinh. Bởi thế có lạc thọ, có cơ thể này là vô thường và bị điều kiện. Bị điều kiện có nghĩa là do những nguyên nhân hay những điều kiện phối hợp tạo nên. Cơ thể này tùy thuộc khởi sinh, nhưng không phải chỉ tùy thuộc có nghiệp, tâm, thời tiết, thức ăn mà còn tùy thuộc vào vô minh trong quá khứ, tham ái trong quá khứ, và nghiệp trong quá khứ nữa. Bởi vì cơ thể này tùy thuộc khởi sinh, bị điều kiện và vô thường cho nên cảm thọ tùy thuộc vào cơ thể này cũng bị điều kiện và vô thường, không thể tự khởi sinh và thường còn được. Nếu lạc thọ tùy thuộc vào cơ thể này mà cơ thể này kết hợp bởi những thành phần vô thường, bị điều kiện và tùy thuộc để khởi sinh thì các lạc thọ làm sao có thể thường còn được? Đó là một loạisuytưhữulý. Bởivì, cảm thọ tùy thuộc vào cơ thể mà cơ thể này là vô thường thì làm sao lạc thọ này là thường còn được. Do đó, lạc thọ phải vô thường.

    Dựa vào thân và lạc thọ thầy Tỳ Khưu quán sát sự vô thường”.

    Như vậy, dựa vào cả hai, thân và lạc thọ, “Thầy Tỳ Khưu quán sát sự vô thường, sự hoại diệt, sự loại trừ các phiền não, sự chấm dứt, sự diệt tắt. Như vậy, dựa vào cả hai, thân và lạc thọ, Thầy Tỳ Khưu quán sát sự vô thường”. 

     CHÚNG TA THẤY ĐƯỢC SỰ VÔ THƯỜNG TỪ ĐÂU 

    Các bạn thấy sự vô thường khi các bạn thấy sự sinh diệt của sự vật. Cho đến khi bạn thấy được sự sinh và diệt của sự vật thì các bạn mới thấy được vô thường. Muốn thấy sự vô thường các bạn phải thấy sự sinh diệt. Khi người ta nói về vô thường theo chữ nghĩa người ta nói rằng: “Không hiện hữu sau khi có mặt”. Câu này có nghĩa là: “vừa mới sinh ra thì diệt ngay”.

    Như vậy, trước tiên chẳng có gì cả, và rồi có sự khởi sinh, và sau đó là hoại diệt. Bởi vì cái gì khởi sinh rồi hoại diệt thì cái đó là vô thường. Bạn sẽ thấy vô thường khi bạn hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát bạn thấy sự vật sinh diệt thì tự động bạn hiểu rằng sự vật là vô thường.

    Khi đạt đến Tuệ Diệt (Bhaṅga ñāṇa) bạn chỉ thấy sự diệt mất, và khi đó bạn quán sát sự diệt. Tuệ Diệt sẽ đến sau Tuệ Sinh Diệt. Sau khi thấy sự sinh diệt của sự vật, bạn sẽ tiến đến giai đoạn chỉ thấy sự diệt của sự vật thôi mà không thấy sự sinh. Chữ Pāḷi gọi đây là Vāya anupassanā: Quán Sát Sự Diệt. Khi tuệ giác “thấy sự sinh diệt” chín muồi bạn sẽ thấy chỉ sự diệt hay sự biến mất. Lúc đó bạn quán sát sự diệt. Rồi bạn quán sát sự diệt trừ phiền não. Diệt trừ phiền não tiếng Pāḷi là “virāga”, (rāga: phiền não, vi: loại trừ).

     LÀM SAO ĐỂ LOẠI TRỪ PHIỀN NÃO 

    Có hai sự loại trừ: Loại trừ do Thiền Minh Sát (Vipassanā) và loại trừ do đắc Đạo (Magga).

    Thầy Tỳ Khưu chú tâm vào loại trừ phiền não có nghĩa là thầy Tỳ Khưu chú tâm loại trừ bằng vipassanā và magga. Cả hai loại loại trừ cũng đều gọi là loại trừ phiền não.

    1. Vipassanā loại trừ phiền não từng sát na, khi không thực hành vipassanā thì phiền não này quay trở lại. Đó là loại trừ phiền não qua vipassanā. 

    2. Magga là hoàn toàn loại trừ, loại trừ phiền não theo magga thì phiền não không quay trở lại trong tương lai nữa. Tham ái là phiền não, Sân hận là phiền não, Si mê là phiền não. Khi các phiền não này được loại trừ thì chúng ta gọi đó là loại trừ phiền não.

    Thầy Tỳ Khưu quán sát sự diệt (nirodha). Virāga và nirodha thật ra giống nhau. Chẳng qua có hai loại virāga nên có hai loại nirodha: Diệt do minh sát, và diệt vào lúc đắc đạo. Khi hành thiền vipassanā thì thiền sinh được gọi là chú tâm quán sát sự diệt. Khi thiền sinh đạt đạo, thiền sinh cũng quán sự diệt lần nữa. Như vậy, trong lúc hành Thiền Minh Sát thì sự diệt ở đây là sự diệt tạm thời, diệt trong sát na. Diệt vào lúc đắc đạo là sự diệt hoàn toàn.

    “Thầy Tỳ Khưu trú trong sự diệt tắt”, điều này có nghĩa là sự dứt bỏ. Diệt tắt ở đây cũng có hai loại; vipassanā diệt tắt và magga diệt tắt. Vipassanā diệt tắt phiền não từng sát na, và Magga diệt tắt phiền não hoàn toàn. Như vậy, khi bạn hành Thiền Minh Sát, bạn quán sát sự diệt tắt. Khi bạn đạt đạo thì bạn cũng quán sát sự diệt tắt.

    Và người ấy trú trong sự diệt tắt tham ái tiềm ẩn (rāgānusaya) đối với thân và đối với lạc thọ”. Như vậy, người ấy trú trong sự diệt tắt tham ái, và tham ái tiềm ẩn đó là lạc thọ. Bởi vì khi có lạc thọ thì ta có khuynh hướng giữ lạc thọ và ta luyến ái vào lạc thọ đó.

     QUÁN SÁT LẠC THỌ ĐỂ NGĂN NGỪA THAM TIỀM ẨN

    Như vậy, khi dính mắc vào lạc thọ thì tham tiềm ẩn khởi sinh trong bạn. Nhưng khi bạn hành Thiền Minh Sát, và bạn thấy lạc thọ vô thường, bạn quán sát vào sự diệt v.v... thì lúc bấy giờ bạn có thể ngăn ngừa được tham tiềm ẩn khởi sinh trong bạn, và bạn đã thành công trong việc ngăn ngừa tham tiềm ẩn khởi sinh.

    Như vậy, thiền sinh đã trú trong sự diệt của tham tiềm ẩn về thân và lạc thọ, thiền sinh sẽ không có tham ái cả thân và lạc thọ.

    Như vậy, trước tiên là có lạc thọ, lạc thọ này tùy thuộc, không độc lập v.v... Và thân này là vô thường, bị điều kiện, và tùy thuộc khởi sinh. Nếu cảm thọ này tùy thuộc vào thân, mà thân là vô thường, bị điều kiện, và tùy thuộc khởi sinh thì làm sao lạc thọ có thể là thường còn được. Bạn có thể suy tư một cách hữu lý như vậy. Nhưng thật ra, không phải là suy tư một cách hữu lý mà còn thật sự thấy rõ sự lệ thuộc cũng như bị điều kiện của sự vật.

    Do đó, sau khi thấy rõ cơ thể và lạc thọ, thiền sinh quán sát sự vô thường v.v...

    Thiền sinh trú trong sự vô thường, trú trong sự diệt, trú trong sự loại trừ phiền não, trú trong sự diệt tắt. Vậy khi thấy rõ lạc thọ là vô thường thì không còn tham ái trong lạc thọ cũng như không có tham ái với cơ thể. Như vậy, tham tiềm ẩn trên thân và lạc thọ sẽ bị loại trừ khi thiền sinh thực hành Thiền Minh Sát.

    Đó là cách thức để đương đầu với lạc thọ.

    Nếu bạn biết đương đầu với lạc thọ thì bạn cũng biết cách đương đầu với khổ thọ và vô ký thọ.

    Chúng ta đã xét tới cách đương đầu với lạc thọ. Bây giờ chúng ta hãy xét đến khổ thọ và vô ký thọ. Nếu bạn biết đương đầu với lạc thọ thì bạn cũng biết cách đương đầu với khổ thọ và vô ký thọ. Chỉ có một sự khác biệt ở đây là thay vì đương đầu với tham tiềm ẩn là lạc thọ thì nay đương đầu với sân tiềm ẩn là khổ thọ và si tiềm ẩn là vô ký thọ (vô minh).

    Một vị Tỳ Khưu biết chánh niệm, có tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), có sự nỗ lực để diệt trừ phiền não, có tâm hướng đến sự giải thóat, khi khổ thọ khởi sinh trong thầy, thầy biết: “bây giờ, khổ thọ khởi sinh trong ta”...

    Như vậy, khi vị Tỳ Khưu chánh niệm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), có nỗ lực, hướng tâm đến sự thành đạt kết quả, khi khổ thọ khởi sinh thì thầy Tỳ Khưu biết rằng: “Khổ thọ đang khởi sinh ở trong ta”.

    Trước tiên, thiền sinh chỉ ghi nhận cảm thọ “đau, đau, đau v.v...” “Khổ thọ bị lệ thuộc, không độc lập, và khổ thọ này lệ thuộc vào chính cơ thể này. Ngay cơ thể này thật ra vô thường, bị điều kiện và tùy thuộc khởi sinh. Vì khổ thọ này lệ thuộc vào cơ thể, mà cơ thể này mang đặc tính vô thường, bị điều kiện và tùy thuộc mà khởi sinh thì làm sao khổ thọ có thể thường được”. Như vậy, khổ thọ cũng phải vô thường.

    Khi bạn ghi nhận “đau, đau, đau” v.v... thì bạn sẽ thấy rằng khổ thọ không phải chỉ là một cảm thọ liên tục mà là một loạt cảm thọ, nhưng vì sự tập trung tâm ý của bạn còn yếu nên không thể thấy được điều này, nhưng khi định tâm phát triển, và trí tuệ phát triển bạn sẽ thấy rằng có hàng loạt khổ thọ, và bạn thấy rằng một khổ thọ khởi sinh và tâm ghi nhận khổ thọ khởi sinh. Rồi chúng biến mất, một khổ thọ khác khởi sinh, và một tâm ghi nhận khổ thọ khác khởi sinh, sau đó chúng cũng biến mất v.v...

    Khi bạn thấy sự khởi sinh và sự hoại diệt của khổ thọ này thì bạn thấy vô thường trong khổ thọ đó. Trước đây, bạn nghĩ rằng khổ thọ chỉ có một và chỉ một khổ thọ này tiếp tục diễn biến liên tục; nhưng bây giờ bạn thấy rằng khổ thọ này là những phần vỡ vụn và vô thường, rồi bạn cũng sẽ thấy sự ghi nhận cũng hoại diệt nữa.

    Khi bạn tiếp tục hành Thiền Minh Sát, dần dần bạn sẽ thấy sự diệt mất của khổ thọ thay vì thấy khởi sinh rồi hoại diệt. Bấy giờ bạn chỉ thấy một mình sự hoại diệt, và bạn trú trong sự loại trừ phiền não mà quán sát. Và ở đây cũng có hai sự loại trừ phiền não: Loại trừ phiền não qua Thiền Minh Sát và loại trừ phiền não do đạt Đạo Quả. Quán sát sự diệt (Nirodhānupassī) cũng có hai loại loại trừ: Loại trừ phiền não qua Thiền Minh Sát và loại trừ phiền não do đạt Đạo Quả.

    Quán sát sự từ bỏ (dứt bỏ) tiếng PāỊi là Paṭinis-saggānupassi, quán sát dứt bỏ trên cơ thể và trên cảm thọ theo hai cách: Vipassanā và Magga, và quán sát như vậy nên sân tiềm ẩn (paṭigha) biến mất. Như vậy, khi quán sát khổ thọ, sân tiềm ẩn sẽ bị loại trừ. Loại trừ có nghĩa là không để cho khởi sinh, không để cho khổ thọ có cơ hội khởi sinh.

    Như vậy thầy Tỳ Khưu trú trong sự diệt mất của sân tiềm ẩn trên thân và trên khổ thọ (thầy Tỳ Khưu đã quán sát khổ thọ nên diệt được sân tiềm ẩn). Sự biến mất của sân tiềm ẩn có nghĩa là không còn sân hận, ác tâm, xuống tinh thần và từ chối khổ thọ nữa (đối với khổ thọ không để cho sân hận, ác tâm, xuống tinh thần hiện khởi)”. "Như vậy thầy Tỳ Khưu quán sát khổ thọ với tâm quân bình và nhiều khi quán sát khổ thọ với lạc thọ". "Kết quả là thầy Tỳ Khưu sẽ không sân hận, không ác tâm, không từ chối khổ thọ và thân".

    Trong đoạn văn Đức Phật dạy trên đây bạn có tìm thấy chỗ nào nói đến sự đau biến mất không? Không. Bởi vậy, khi khổ thọ khởi sinh thầy Tỳ Khưu quán sát sự đau không nhằm mục đích làm cho cái đau biến mất mà để hiểu biết xuyên thấu vào cảm thọ đó. Hiểu biết xuyên thấu rằng khổ thọ cũng vô thường. Bởi vậy, khi hành thiền bạn thấy khổ thọ phát sinh đừng khởi tâm mong muốn khổ thọ biến mất. Muốn cho khổ thọ biến mất có nghĩa là đã tham ái dính mắc vào lạc thọ. Như vậy, khi muốn khổ thọ biến mất là đã có tham ái (lobha) trong đó.

    Dầu cho đó là khổ thọ, lạc thọ hay vô ký thọ thì việc mà bạn phải làm là chỉ quán sát theo dõi và ghi nhận những cảm thọ đó, để hiểu xuyên thấu các cảm thọ này, hiểu rõ những cảm thọ này là vô thường...

    Bây giờ hãy xét đến vô ký thọ.

    Khi vô ký thọ khởi sinh, thầy Tỳ Khưu biết: Vô ký thọ này lệ thuộc, không độc lập, và vô ký thọ này lệ thuộc vào chính cơ thể”.

    Như vậy, vô ký thọ cũng được quán sát như các thọ khác. Thật khó diễn tả thế nào là vô ký thọ. Nhưng đối với thiền sinh, tôi nghĩ rằng kinh nghiệm vô ký thọ không khó khăn. Như vậy, khi thiền sinh có vô ký thọ, thiền sinh phải quán sát vô ký thọ để thấy rằng chúng lệ thuộc, không độc lập.

    Thầy Tỳ Khưu quán sát thân và vô ký thọ để thấy chúng là vô thường. Thầy Tỳ Khưu quán sát vào sự vô thường của thân và vô ký thọ”.

    Lại nữa, dù cho đó là vô ký thọ hoặc bất kỳ cảm thọ nào đi nữa, khi các bạn chú tâm chánh niệm ghi nhận bạn cũng thấy rằng: Vô ký thọ cũng khởi sinh rồi biến mất. Như vậy, vô ký thọ là vô thường, nếu bạn tiếp tục hành thiền bạn sẽ thấy sự diệt của vô ký thọ, rồi bạn thấy sự loại trừ phiền não, sự dừng nghĩ, sự loại bỏ.

    "Và thầy Tỳ Khưu trú trong sự biến mất của si tiềm ẩn trong thân và vô ký thọ". Như vậy, si tiềm ẩn trong vô ký thọ đã được loại trừ, si tiềm ẩn là xả (upekkhā). Upekkhā này đi kèm với Moha (si) thì được gọi là “si tiềm ẩn”. Bạn phải loại trừ si tiềm ẩn để tiến xa hơn. Khi hành Thiền Minh Sát, chánh niệm trên vô ký thọ, bạn sẽ biết một cách rõ ràng thế nào là vô ký thọ, đồng thời cũng thấy được sự sinh và sự diệt của nó v.v... cuối cùng, si tiềm ẩn đối với cơ thể và vô ký thọ không có cơ hội khởi sinh.

    Như vậy, chúng ta đã nói đến phương pháp thực tập quán sát từng cảm thọ khi chúng phát sinh.

    Đức Phật tiếp tục dạy: “Thầy Tỳ Khưu kinh nghiệm được lạc thọ, thầy Tỳ Khưu biết lạc thọ là vô thường. Thầy Tỳ Khưu biết rằng lạc thọ không phải là cái mà ta phải “ăn hết”. Thầy Tỳ Khưu biết đây không phải là cái mà ta mong cầu". "Thầy Tỳ Khưu biết lạc thọ không phải là cái mà ta ăn cho xong có nghĩa là thầy Tỳ Khưu không nắm giữ, bám chặt vào lạc thọ".

    Tiếng PāỊi là anajjositā có nghĩa là làm cho xong, chấm dứt. Đó là lý do tại sao: Thầy Tỳ Khưu biết rằng đây là cái mà ta không phải nuốt, không phải ăn hết.

    Thầy Tỳ Khưu biết rằng đây là cái không phải để mong cầu; có nghĩa là không có tham đắm, dính mắc (tham ái, tà kiến, mạn). Đôi khi bạn cho lạc thọ là của ta, đôi khi bạn cho lạc thọ là tự ngã hay linh hồn của ta. Nếu làm như thế bạn mong cầu vào lạc thọ. Nếu bạn không nghĩ rằng đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta. Như vậy, bạn không có ao ước, mong cầu lạc thọ. Đối với khổ thọ và vô ký thọ cũng vậy.

    "Khi thầy Tỳ Khưu kinh nghiệm khổ thọ, thầy Tỳ Khưu biết khổ thọ là vô thường. Thầy Tỳ Khưu biết rằng khổ thọ không phải là cái mà ta phải nuốt, ta phải ăn cho xong. Có nghĩa là thầy Tỳ Khưu không dính mắc vào. Và thầy Tỳ Khưu biết rằng đây không phải là cái mong cầu, có nghĩa là khổ thọ không phải là cái mà ta cho là của ta, là ta, hay tự ngã của ta".

    Khi kinh nghiệm vô ký thọ cũng vậy, “thầy Tỳ Khưu biết vô ký thọ là vô thường, thầy Tỳ Khưu quán sát vô ký thọ không phải là cái để nuốt, để ăn cho xong, không phải là cái mà ta mong cầu (tham ái, tà kiến, mạn). Khi thầy Tỳ Khưu kinh nghiệm lạc thọ, thầy Tỳ Khưu không để lạc thọ dính mắc gì đến phiền não”.Nếu kinh nghiệm lạc thọ, và bạn tham ái vào nó thế là bạn có lạc thọ đi liền với phiền não. Nếu bạn kinh nghiệm khổ thọ mà bạn sân hận, xuống tinh thần, thế là bạn có khổ thọ đi liền với phiền não. Nếu bạn không cảm thấy như vậy, nghĩa là không cảm thấy sân hận hay từ chối khổ thọ thế là bạn có lạc thọ không đi liền với phiền não.

    Và cảm thọ vô ký cũng không có phối hợp với những cái khác. Nghĩa là nếu tâm phối hợp với si mê thế là bạn có cảm thọ đi liền với phiền não. Nếu cảm thọ không kết hợp với si mê thế là bạn có cảm thọ không đi liền với phiền não. Như vậy, với bất kỳ cảm thọ nào bạn cũng đừng để nó phối hợp với cái gì cả. Thật là dễ dàng khi nói: Bạn đừng để cảm thọ dính mắc vào một cái gì cả. Nhưng thật ra điều này rất khó khăn, bởi vì khi có lạc thọ thì bạn có khuynh hướng muốn cho lạc thọ kéo dài. Khi có khổ thọ thì bạn muốn khổ thọ qua đi một cách nhanh chóng. Và về vô ký thọ cũng giống như lạc thọ, bạn muốn nó ở lâu hơn nữa. Không muốn vô ký thọ kéo dài, không muốn vô ký thọ đi ngay, hoặc kinh nghiệm cảm thọ với tâm vô ký thì thật khó khăn. Nhưng nếu cố gắng hành hành thiền một thời gian lâu thì thiền sinh sẽ kinh nghiệm cảm thọ với tâm vô ký.

    Khi có cảm thọ “cơ thể có giới hạn”, thầy Tỳ Khưu biết: Tôi có cảm thọ cơ thể này có giới hạn. Khi có cảm thọ: “Đời sống có giới hạn”, thầy Tỳ Khưu biết: Tôi có cảm thọ đời sống có giới hạn.

    Như vậy, ở đây có hai cảm thọ: “Cảm thọ cơ thể này có giới hạn” và “Cảm thọ đời sống có giới hạn”.

    Cảm thọ cơ thể này có giới hạn là cảm thọ kinh nghiệm xuyên qua “ngũ căn” và cảm thọ đời sống này có giới hạn là cảm thọ kinh nghiệm xuyên qua “ý môn” hay qua cửa tâm. Có sáu cửa hay sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm. Như vậy, những cảm thọ cơ thể giới hạn là những cảm thọ, những kinh nghiệm qua năm cửa của thân và cảm thọ có đời sống giới hạn là cảm thọ được kinh nghiệm qua cửa tâm hay “ý môn”. Chú giải nói rằng cảm thọ thấy cơ thể giới hạn (cảm thọ qua năm cửa vật chất) đến sau cảm thọ thấy đời sống giới hạn (cảm thọ qua cửa tâm).

    Cuối cùng, cảm thọ thấy cơ thể giới hạn chấm dứt trước cảm thọ thấy đời sống giới hạn. Nói cách khác “cảm thọ qua năm cửa vật chất” chấm dứt trước “cảm thọ qua cửa tâm”. Như vậy, cảm thọ cơ thể giới hạn ngắn hơn cảm thọ đời sống giới hạn (có nghĩa là cảm thọ qua năm cửa vật chất ngắn hơn cảm thọ qua cửa tâm). Cần phải hiểu về Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) để có thể hiểu về điều này. 

    Khởi đầu một đời sống mới (đặc biệt là đối với con người) vào lúc Tâm Tái Sinh (còn gọi là Thức Nối Liền) khởi sinh; Tâm Tái Sinh nối hai kiếp sống. Sau Tử Tâm là một tâm mới đó là Tâm Tái Sinh (còn gọi là Kiết Sinh Thức hoặc Thức Nối Liền) khởi sinh cùng với một số vật chất, lúc đó gọi là Tái Sinh. Tiếp theo đó là một tiến trình của tâm diễn biến. Lúc bấy giờ những yếu tố vật chất rất là nhỏ nhoi chưa được một giọt Và yếu tố vật chất này lớn dần đến một giai đoạn nào đó thì các cơ phận của thân tượng hình: có tai, mắt, mũi v.v... Như vậy, vào lúc khởi sinh Tâm Tái Sinh (paṭisandhi) chẳng có “cảm thọ xuyên qua năm cửa” nhưng có “cảm thọ ở tâm” (ý môn). Như vậy, đời sống là một yếu tố vật chất khởi sinh vào lúc hoài thai. Cảm thọ đời sống giới hạn (tức cảm thọ qua cửa tâm) khởi sinh vào lúc có Tâm Tái Sinh và tiếp tục diễn biến. Cảm thọ về cơ thể giới hạn (tức cảm thọ xuyên qua năm cửa) có thể đến một thời gian sau này. Cảm thọ đời sống giới hạn đến trước cảm thọ cơ thể giới hạn; nói cách khác “cảm thọ ở tâm” (ý môn) đến trước “cảm thọ xuyên qua năm cửa”.

    Và rồi trong cuộc sống, yếu tố vật chất sẽ tăng trưởng dần. Con người vào năm hai mươi tuổi cảm thọ rất mạnh. Vào khoảng hai mươi tuổi, dầu chúng ta thích cảm thọ hay ghét cảm thọ, hoặc không thích cũng không ghét v.v... thì cảm thọ cũng rất mạnh. Khi chúng ta được năm mươi tuổi thì cảm thọ này sẽ dừng lại. Khoảng sáu mươi tuổi cảm thọ giảm dần. Khi chúng ta đến tuổi tám mươi hay chín mươi, cảm thọ càng giảm dần hơn nữa. Vào lúc bấy giờ mặc dầu ngồi với ai trong chốc lát chúng ta cũng nói rằng: “Tôi không nhớ, tôi không biết" bởi vì trí nhớ đã mất. Hoặc chúng ta có thể nói: “Tôi không ý thức được điều này hay tôi không biết, không hiểu điều kia. Tôi không ngửi thấy mùi v.v...

    Như vậy, “cảm thọ xuyên qua năm cửa” phát triển rồi dần dần thóai hóa cho đến khi gần chết. Vào lúc gần chết cơ thể vật chất bị thóai hóa nên không có cảm thọ, không còn gì nữa, nhưng “cảm thọ ở tâm” (ý môn) tiếp tục diễn biến cho đến lúc chết, bởi vì “cảm thọ ở tâm” (ý môn) là một yếu tố diễn tiến cho đến khi cái chết xảy ra. Đó là lý do tại sao “cảm thọ ở tâm” (ý môn) diễn tiến cho đến lúc chết, còn “cảm thọ xuyên qua năm cửa” diễn tiến cho đến một thời gian trước khi chết. Như vậy, “cảm thọ xuyên qua năm cửa” ngắn hơn “cảm thọ ở tâm” (ý môn). Thầy Tỳ Khưu, dầu cho có cảm thọ nào đi nữa, thầy cũng biết rằng: đây là “cảm thọ xuyên qua năm cửa” và đây là “cảm thọ ở tâm” (cảm thọ ở ý môn).

    Khi bạn thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm, khi các căn tiếp xúc với đối tượng tương ứng thì bạn sẽ có cảm thọ. Đối với bốn căn: mắt, tai, mũi và lưỡi bạn luôn luôn có vô ký thọ. Riêng đối với thân bạn sẽ có lạc thọ hay khổ thọ. Đó là cảm thọ qua năm cửa. Và tiếp theo những cảm thọ này, bạn có nhiều loại phiền não. Khi bạn kinh nghiệm những cảm thọ như vậy thì bạn sẽ biết rằng. Đây là những cảm thọ xuyên qua năm cửa vật chất (cảm thọ cơ thể giới hạn). Khi bạn cảm thấy hạnh phúc hay buồn rầu không xuyên qua ngũ môn thì đó là cảm thọ xuyên qua tâm (cảm thọ đời sống giới hạn). Khi bạn có kinh nghiệm những cảm thọ như vậy thì bạn phải biết rằng: tôi cảm nhận được cảm thọ của đời sống giới hạn (cảm thọ xuyên qua năm cửa vật chất).

    "Thầy Tỳ Khưu biết rằng khi cơ thể này tan rã, tiếp theo sau là sự tan rã về đời sống, tất cả những cảm thọ không đáng mong ước trở thành êm lắng, nguội lạnh ngay tại đây".

    Thật ra, đây là Niết Bàn (Parinibbāna) của một vị A La Hán.

    Vậy khi bạn trở thành một vị A La Hán, sự tan rã của cơ thể kéo theo sự tan rã của đời sống, hay là đến cuối đời sống thì tất cả những cảm giác không đáng mong muốn trở nên nguội lạnh. Có nghĩa là tất cả những cảm giác sẽ không còn khởi sinh nữa.

    Như vậy, “trở nên nguội lạnh”, thật ra, có nghĩa là không khởi sinh nữa. Tại sao vậy? Bởi vì chúng là những cái không đáng mong cầu. Bởi vì chúng không bị hiểu lầm, không bị cho là của tôi, tôi hay là tự ngã của tôi. Khi những cảm thọ không được xem là của tôi hay tự ngã của tôi thì những cảm thọ này chẳng khác nào cây đèn mà dầu đã cạn, tim đã lụn. Khi dầu cạn, tim lụn thì đèn tắt, và khi đó sẽ không còn tái sinh nữa. Và thế là những cảm giác này trở nên nguội lạnh. “Trở nên nguội lạnh có nghĩa là trở nên dừng nghỉ, không khởi sinh, không xảy ra nữa”.

    "Chẳng khác nào ngọn đèn được cháy sáng nhờ dầu và tim. Khi dầu hết, tim cạn thì ngọn lửa tắt, bởi vì không có gì để nuôi dưỡng ngọn đèn."

    Như vậy, ngọn đèn được cháy sáng bởi dầu đầy và tim tốt; nhưng khi dầu cạn, tim lụn thì ngọn đèn cũng bị tắt vì nó không có gì để nuôi dưỡng. Cũng vậy, với sự tan rã của cơ thể và sự tàn lụi của đời sống, tất cả mọi cảm giác không đáng nắm giữ trở nên nguội lạnh ngay ở đây. Có nghĩa là chúng không được nuôi dưỡng thì chúng không khởi sinh nữa. Chúng tắt ở đây. Ở đây, có nghĩa là đời sống. Vào cuối đời sống, chúng trở nên nguội lạnh, ngừng lại, chúng không còn nữa. Không còn cảm thọ, không còn bất cứ cái gì khởi sinh. Đây là Niết Bàn (Parinibbāna) của vị A La Hán.

    Bài kinh này cho chúng ta thấy các thầy Tỳ Khưu thực hành để dẫn đến giải thoát ( Magga).

    Bởi vì sự thực hành Thiền Minh Sát dẫn đến Đạo ( Magga) nên kinh này nói trước tiên đến : 

    Satipaṭṭhāna hay vipassanā hoặc vipassano sampajāna

    Aniccānupas-sanā, vayānupassanā,virāgānupassanā. 

    Anicca Vāya: có nghĩa là loại trừ phiền não

    Ba tuệ giác này là ba tuệ giác nói đến trước tiên của vipassanā. Tiếp đó là niroghanupassanā và paṭinissag-gānupassanā. Hai tuệ giác này được pha trộn với nhau. " Trộn với nhau" có nghĩa là cả hai vipassanā và magga.

    Đó là điều được chú giải nói đến. 

    Theo chú giải aniccānupassanā, vayānupassanā, virāganupassa-nā là những tuệ giác đầu tiên.

    Và nirodhavipassanā và paṭinissaggā nupassanā là hai tuệ giác vừa là đầu tiên vừa là magga ( Đạo).

    Nhưng như tôi đã nói virāgānupassanā (loại trừ phiền não) cũng chia làm hai loại: Minh Sát (vipassanā) và Đạo (magga). Đó là theo một bản chú giải khác. Bởi vì Virāga (loại trừ phiền não) có hai loại, đó là sát na loại trừ phiền não và hoàn toàn loại trừ phiền não. Sát na loại trừ phiền não cùng đi với vipassanā (Thiền Minh Sát) và hoàn toàn loại trừ phiền não đi cùng với magga (đạo). Bởi thế, loại trừ phiền não phải đi với cả hai vipassanā và magga, nhưng theo bảng chú giải này virāgānupassanā chỉ là khởi đầu loại trừ (pubbabhāga) mà thôi. Đó là sự khác nhau.

    Ở đây nói đến sự thực hành đối với cảm thọ nên mặc dầu nói đến chánh niệm (sati) và ý thức sáng suốt (sampajanna), nhưng điểm chính ở đây là muốn nói đến ba loại cảm thọ. Khi ba loại cảm thọ này khởi sinh chúng ta chỉ cần chánh niệm vào chúng. Cần phải chánh niệm để thấu hiểu cặn kẻ các cảm thọ. Chúng ta hiểu cảm thọ là vô thường v.v... để chúng ta không dính mắc vào chúng và cuối cùng tiến tới giải thóat, Niết Bàn.

    Trong bài kinh này chỉ nói tới ba loại cảm thọ mà không nói đến những đối tượng tâm (citta) khác, cũng không nói đến đối tượng pháp (Dhamma) v.v...

    Khi hành thiền dầu cho bạn không quán sát tất cả những yếu tố đã trình bày trong kinh này, thì bạn cũng có thể giác ngộ đạo quả. Ở đây thiền sinh đạt đạo quả xuyên qua sự quán sát ba cảm thọ, cảm thọ nào cũng được. Mặc dầu, có ba loại cảm thọ, nhưng thật ra chỉ một cảm thọ thôi. Bạn hãy cố gắng tập trung tâm ý quán sát một trong ba cảm thọ này: lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ. Nếu bạn chú tâm một cách tốt đẹp và tiến bộ đúng theo Bát Chánh Đạo thì bạn sẽ giác ngộ. Như vậy, kết quả cuối cùng là đạt chân lý. Đạt chân lý từ chỗ kinh nghiệm quán sát hoặc là lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ. Nhưng khi hành thiền bạn không cần phải lựa chọn gì cả, bạn chỉ ghi nhận những gì đang nổi bật trong giây phút hiện tại. Có thể đôi lúc bạn ghi nhận lạc thọ, đôi lúc khổ thọ, đôi lúc vô ký thọ... Nhưng vào lúc giác ngộ, bạn chỉ chú tâm vào một cảm thọ mà thôi. Như vậy, không cần thiết là bạn phải biết tất cả mới có thể giác ngộ. Bạn chỉ cần biết một thứ và tập trung tâm ý vào đó. Nếu bạn làm đúng thì bạn sẽ giác ngộ.

    KẾT LUẬN

    Tóm lại kinh này, dạy chúng ta làm thế nào để đương đầu với cảm thọ (Vedanā). Một lần nữa, bất kỳ bạn có cảm thọ nào bạn chỉ chú ý vào cái nổi bật nhất trong hiện tại. Bạn đừng để cho tham tiềm ẩn, sân tiềm ẩn, hoặc si tiềm ẩn khởi sinh trong bạn. Để tránh những phiền não tiềm ẩn này bạn phải cố gắng thấy rõ đặc tính vô thường của sự vật, cuối cùng bạn giác ngộ. Nếu sự giác ngộ này là giác ngộ lần thứ tư thì với sự vỡ vụn của cơ thể tiếp theo sẽ là sự diệt tắt của đời sống. Tất cả những cảm thọ không đáng được mong cầu sẽ trở nên nguội lạnh ngay tại đây.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.