PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
BÁT THÁNH ĐẠO
(ARIYAMAGGA)
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
KINH SUBHA(38)
Tôi có nghe như vầy: một thuở nọ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Niết-bàn chưa bao lâu(39), Đại đức A-Nan-Đa ngụ trong Kỳ-viên tịnh xá của ông trưởng giả Cấp-Cô-Độc, gần thành Xá-vệ (Sāvatthi).
Thuở ấy, người thanh niên Subha, con của trưởng giả Bà-la-môn Todeyya, hữu sự đến tạm trú trong thành Xá-vệ, có vào đảnh lễ Đức A-nan-đa xong, ngồi nơi chỗ nên ngồi, bèn bạch với Đại đức A-Nan-Đa rằng: “Bạch Đại đức A-Nan-Đa, Ngài là bậc hộ pháp, là người hầu cận Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen các pháp tiếp dẫn chúng sanh cho được tồn tại, ở theo các pháp. Bạch Đại đức A-Nan-Đa! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen pháp ấy như thế nào?” Đại đức A-Nan-Đa đáp: “Này người thanh niên! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen ba phần pháp tiếp dẫn người đời cho tồn tại, cho ở theo ba phần pháp. Ba phần pháp ấy là: phần giới quí trọng, phần định quí trọng, phần tuệ quí trọng. Này người thanh niên! Đức Thế Tôn có lời ngợi khen ba phần pháp ấy là pháp tiếp dẫn người đời cho tồn tại, trong ba phần pháp ấy.”
PHẦN GIỚI QUÍ TRỌNG
Người thanh niên Subha bạch rằng: “Bạch Đại đức A-Nan-Đa, phần giới quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là phần giới tiếp dẫn người đời cho tồn tại, ở theo pháp ấy, như thế nào?
Đại đức A-Nan-Đa đáp: Này người thanh niên, Đức Như Lai giáng sanh trong thế gian này, được chứng bậc Chánh đẳng Chánh giác đầy đủ cả minh hạnh túc(40). Ngài truyền bá giáo pháp quí trọng thanh tịnh, những người được nghe pháp ấy khi đã nghe rồi hằng có lòng chánh tín nơi Đức Như Lai. Có đức tin rồi hằng suy xét thấy rõ rằng: hạng tại gia chật hẹp là con đường chảy vào của các bụi bậm là phiền não, bậc xuất gia mới có bề thông thả. Những người tại gia không hành pháp cao thượng được hoàn toàn đầy đủ, trong sạch viên mãn, nếu như thế, ta phải cạo tóc và râu, xong mặc áo ca-sa vàng ra khỏi nhà đi thọ lễ xuất gia. Khi người ấy được xuất gia rồi thu thúc trong biệt biệt giải thoát giới (pāṭimokkhasaṃvarasīlā) có gocāra(41) và ācāra(42) có sự lo sợ tội lỗi dầu nhỏ nhen chút ít, thọ trì các điều học (giới) nghiệp thân và khẩu trong sạch, có chánh mạng, hạnh kiểm trang nghiêm giữ gìn lục căn, có trí nhớ và sự biết mình, là người trí tuệ.
Này người thanh niên! Vậy thầy tỳ khưu hạnh kiểm trang nghiêm như thế nào? Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu trong Phật giáo này, lánh xa sự sát sanh, dứt bỏ hẳn sự sát sanh là người đã liệng bỏ khí giới, chẳng còn cầm khí giới, có sự hổ thẹn tội lỗi, có tâm từ bi, là người hay tiếp độ, tìm sự lợi ích đến chúng sanh. Như thế gọi là giới của thầy tỳ khưu ấy.
Lại nữa, có hạng Bà-la-môn thọ thực mà người đã dâng cúng vì đức tin, song hạng Bà- la-môn ấy hằng ở theo tà minh(43), cầu thần khấn quỉ, trả lễ tạ ơn, tụng kinh đọc chú, xem sao bói quẻ, trừ tà ếm quỉ, họa bùa làm phép, chữa bệnh cho người v.v... ấy gọi là tà minh. Thầy tỳ khưu lánh khỏi tà minh ấy, gọi là người có giới trong sạch.”
Vị tỳ khưu được thu thúc đầy đủ trong tứ thanh tịnh giới rồi, không còn lo sợ điều chi, thân hằng được yên vui thanh tịnh. Thu hút lục căn là: giữ gìn không cho lục căn phóng túng theo lục trần: khi mắt thấy sắc trần mà không cố ý đến sự thấy ấy, không để ý phân biệt tốt, xấu, gái, trai, già, trẻ...; tai nghe tiếng mà không biệt hay dở...; mũi ngửi mùi mà không phân biệt thơm hôi...; lưỡi nếm vị mà không phân biệt ngon dở...; thân đụng chạm mà không phân biệt cứng mềm...; ý biết rõ cảnh giới ngoại trần mà không chăm chú, không quan tâm hay, dở, tốt, xấu. Hành giả thu thúc lục căn được thanh tịnh, tâm hằng an vui trong sạch, không lẫn lộn phiền não. Phải thu thúc lục căn cho thanh tịnh như thế ấy.
Phải có trí nhớ và sự biết mình (satisampajjaññā) là khi bước tới hoặc thối lui cũng biết mình; khi liếc xem phía trước hoặc liếc xem tứ hướng cũng biết mình; khi co tay hoặc duổi chân cũng biết mình; khi mặc y, mang bát, cũng biết mình; ăn, uống, nhai, nuốt vật thực hoặc thuốc men cũng biết mình; đi đứng nằm ngồi hoặc nói năng hoặc nín thinh cũng biết mình. Phải có trí nhớ và sự biết mình như thế.
Phải có tri túc (santosa) là phải biết phân lượng tài sức mình được bấy nhiêu là đủ, không mong quá phận. Hành giả phải tri túc trong y phục là vật để che thân, trong vật thực là món để nuôi sanh mạng, có sao dùng vậy, không lòng tham muốn tìm kiếm thêm. Đi đến nơi nào chỉ đem theo những vật cần yếu đủ dùng (vật phụ thuộc)(44). Thầy tỳ khưu chỉ có y và bát như loài chim, khi bay đi nơi nào chúng chỉ dùng cặp cánh thôi. Cũng thế, hành giả có tri túc trong y bát, trong vật thực, khi đi đến nơi nào chỉ đem theo những vật cần yếu đủ dùng như thầy tỳ khưu hành pháp đầu đà(45) chỉ có tấm y và bát, như thế gọi là người có tri túc.
PHẦN ĐỊNH QUÍ TRỌNG
Những hành giả trì giới trong sạch, thu thúc lục căn cao thượng thêm có trí nhớ (không quên mình) và sự biết cao thượng hằng tìm ngụ trong nơi thanh vắng là cội cây, hang đá, de đá, núi, nơi mộ địa, khoảng trống hoặc lùm bụi, hành giả ngồi bán già tọa thiền, thân hình ngay thẳng, đem trí nhớ chăm chỉ trong đề mục thiền định: 1) dứt lòng tham muốn: không chấp năm uẩn, lánh xa sự xan tham, trau dồi cho tâm trở nên trong sạch, khỏi sự xan tham; 2) dứt lòng thù oán: hờn giận, không bất bình, có lòng tế độ chúng sanh được điều lợi ích, sửa trị tâm tánh, diệt trừ sự bất bình và hờn giận; 3) dứt sự hôn trầm: chẳng còn biếng nhác, nhờ xem ánh sáng, có đủ trí nhớ và sự biết mình, làm cho tâm được sỏi sàn, tươi tỉnh; 4) dứt lòng phóng dật(46): diệt sự tư tưởng những việc đâu đâu, tâm được yên lặng, xa khỏi điều vọng tưởng; 5) dứt hoài nghi: chẳng còn ngờ vực các pháp, tiến hành cho tâm xa khỏi sự nghi ngờ.
Ví như người vay tiền để làm việc thương mãi, khi các việc được thành tựu mỹ mãn, nợ vay đã trả, còn dư lời nhiều, có thể bảo tồn sanh mạng vợ con. Người ấy bèn suy nghĩ: trước kia ta vay tiền để làm thương mãi, nay công việc đã thành, ta được hườn số nợ cho chủ, còn lại có thể bảo dưỡng vợ con; suy nghĩ như thế, người ấy phát tâm vui vẻ (pamojja). Hoặc ví như người mang bịnh trọng chịu nhiều sự đau đớn nặng nề, ăn uống không được, lại thêm sức yếu mình gầy, nay được lành mạnh, ăn uống như xưa; suy nghĩ như thế, người ấy sanh lòng vui vẻ vì được khỏi bịnh. Hoặc ví như kẻ tù tội ra khỏi khám đường được sự an vui chẳng còn lo sợ bị người trói trăng đánh đập. Kẻ ấy bèn nghĩ: trước kia ta bị tù tội, nay được tự do chẳng còn lo sợ bị cùm xiềng đánh chửi; suy nghĩ như thế bèn phát lòng vui thích. Cũng như thế ấy, hành giả thấy năm pháp cái trong tâm chưa diệt trừ được, như người thiếu nợ, như người mang bịnh nặng, như kẻ tù tội, như kẻ nô lệ, như người đi đường xa lỡ hết vật thực. Khi hành giả suy xét thấy đã dứt trừ năm pháp cái ấy trong tâm rồi như những người đã khỏi nợ, như những người được lành bệnh, như người ra khỏi khám đường, như người khỏi dòng nô lệ, như người đi đường xa hết vật thực mà gặp được đồ cần thiết trong khi túng ngặt, thì phát tâm vui thích.
Khi thầy tỳ khưu quán sát thấy tâm dứt khỏi năm pháp cái rồi, sự vui vẻ phát sanh. Sự vui sanh, phỉ cũng sanh. Khi phỉ(47) có trong tâm thì thân yên lặng, tâm an tịnh thì hằng được vững vàng. Thầy tỳ khưu ấy xa khỏi các dục vọng, dứt bỏ cả ác pháp rồi được nhập sơ thiền: tầm, sát, phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu ấy làm cho phỉ và lạc phát sanh do sự yên lặng thấm tháp đều đặn đầy đủ khắp cả châu thân. Này người thanh niên! Như người thợ cạo tóc thiện nghệ bỏ vật để tắm, trong đồ đựng và trộn lộn với nước, vật để tắm ấy hòa trong nước, hòa lẫn với nước cả bên trong và bên ngoài không bời rời, thế nào, này người thanh niên! Thầy tỳ khưu đắc sơ thiền cũng như thế ấy.
Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu lánh xa các dục vọng, lìa khỏi cả ác pháp đã nhập sơ thiền có tầm, sát, phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu ấy làm cho phỉ và lạc phát sanh do tâm yên lặng thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Lại nữa, thầy tỳ khưu diệt tầm và sát, rồi được nhập nhị thiền là điều xác thực, có đức tin, có trạng thái nhất tâm, không còn tầm và sát, chỉ có phỉ và lạc phát sanh do nhị thiền, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu ấy hằng làm cho phỉ và lạc phát sanh do thiền định thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân. Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu diệt tầm và sát rồi đắc nhị thiền, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu ấy hằng làm cho phỉ và lạc phát sanh, do thiền định thấm tháp đầy đủ khắp cả châu thân.
Này người thanh niên! Lại nữa, thầy tỳ khưu nhàm chán phỉ, có xả tâm, có trí nhớ và sự biết mình, thân được thọ lạc. Các bậc thánh nhơn hằng ngợi khen những người đã đắc tam thiền rằng: người đắc tam thiền có xả tâm, có trí nhớ, được an lạc như thế, nhờ nhập tam thiền, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu dứt phỉ, hằng làm cho lạc, xả phát sanh thấm tháp, đầy đủ khắp cả châu thân. Này người thanh niên! Như các thủy hoa, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, trong ao sen đỏ, trong ao sen trắng, mọc trong nước, tiến hóa trong nước, lên cao trong nước, chìm trong nước, các thủy hoa ấy hằng thấm tháp khắp cả đọt đến gốc, các chi nhỏ lớn của thủy hoa ấy là: hoa sen đỏ hoặc hoa sen trắng cũng đều được thấm tháp nước mát ấy... Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu đắc tam thiền cũng như thế ấy.
Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu nhàm chán phỉ rồi v.v... được nhập tam thiền, an nghỉ oai nghi, thầy tỳ khưu ấy dứt phỉ làm cho lạc, xả thấm tháp, đầy đủ khắp cả châu thân. Các chi nhỏ lớn của thân thể. Thầy tỳ khưu ấy cũng đều thấm trạng thái của định lực, lạc, xả dứt khỏi phỉ.
Này người thanh niên! Lại nữa, nhờ dứt vui, dứt khổ, diệt tâm vui mừng và hờn giận từ trước, thầy tỳ khưu được nhập tứ thiền có cảnh giới không khổ, không vui là tâm vô ký, có trí nhớ trong sạch phát sanh do tâm vô ký, an nghỉ oai nghi. Thầy tỳ khưu ấy hằng làm cho thân thể thấm tháp, tâm trong sạch an tọa. Các chi nhỏ lớn của thân thể thầy tỳ khưu đều thấm tháp, trong sạch. Này người thanh niên! Ví như có người lấy vải sạch trùm mình luôn cả đầu, an tọa, các chi nhỏ lớn của thân thể người ấy đều thấm tháp đầy đủ vải sạch ấy.
Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu nhờ dứt vui, nên được nhập tứ thiền, an nghỉ oai nghi, vị tỳ khưu ấy hằng làm cho tâm trong sạch, thấm tháp cả châu thân, an nghỉ oai nghi. Các chi nhỏ lớn của thân thể vị tỳ khưu ấy cũng đều được thấm tháp trong sạch như thế ấy.
Này người thanh niên! Ấy là phần định quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen, là pháp để tiếp dẫn chúng sanh thực hành theo cho tồn tại và truyền thừa lại. Những sự nên hành tiếp theo trong Phật pháp này còn nữa...
Người thanh niên Subha bèn tán dương rằng: Bạch Đại đức A-Nan-Đa. Thật rất lạ thường, bạch Đại đức A-Nan-Đa, việc không từng có lại có được, là phần định quí trọng ấy đã tròn đủ, chẳng phải là không tròn đủ. Bạch Đại đức A-Nan-Đa, tôi chưa từng thấy phần định quí trọng tròn đủ như thế trong phái Bà-la-môn ngoài Phật giáo này. Bạch Đại đức A-Nan-Đa, phái Bà-la-môn, ngoài Phật giáo cũng được thấy phần định quí trọng tròn đủ như thế trong thân tâm, song các hạng Bà-la-môn ấy chỉ vừa lòng với phần đức tánh thiền định bấy nhiêu, rằng: đức tánh bấy nhiêu vừa rồi chỉ có đức tánh bấy nhiêu là đủ. Sự lợi ích về các đức thường, chúng ta đã đến rồi theo từng bậc, chúng ta chẳng còn phải làm việc gì thêm nữa.
Về phần Đại đức A-Nan-Đa, ngài lại nói rằng việc phải làm tiếp thêm trong Phật pháp này còn nữa...
PHẦN TUỆ QUÍ TRỌNG
Người thanh niên bạch rằng: Bạch Đại đức A-Nan-Đa, vậy phần trí tuệ quí trọng mà Đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là pháp tiếp độ người đời cho được tồn tại như thế nào?
Đại đức A-Nan-Đa đáp rằng: Khi tâm hành giả đã xả ly năm pháp cái thì tâm được an trụ thanh tịnh, phiền não được yên lặng, tùy phiền não xa lánh, rồi nhờ thắng lực của tĩnh lự(48) ấy mà phát khởi ra mấy món trí thông như sau này:
1. Minh sát trí thông (vipassanāñāṇaṃ) ‒ Khi tâm được an trụ, có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngoại trần, hành giả chăm chú hành pháp “minh sát trí thông”. Hành giả biết rõ rằng: thân ta đây do tứ đại hiệp nên, nhờ mẹ cha sanh dưỡng, do vật thực mà được trưởng thành, thêm nhờ sự trau dồi tắm, gội, kỳ, rửa thường ngày để tạm ngăn mùi hôi hám, mặc dầu nó cũng không khỏi sự tan rã chia lìa theo lẽ tự nhiên.
Tâm thức ta nương ngụ trong thân này, như bạch bích có tám góc mà thợ đã dồi mài tinh anh có ánh sáng trong sạch, nếu có người lấy chỉ xanh, đỏ, vàng, hoặc trắng xỏ vào châu ấy, người sáng mắt lấy ngọc ấy để trên tay và xem xét, thấy rõ rằng: đây là bạch bích tinh anh có tám góc mà thợ đã dồi mài, có ánh sáng trong sạch, chỉ mà người xỏ trông châu ấy là chỉ xanh, đỏ, vàng, hoặc trắng. Cũng như thế, hành giả khi tâm được an tịnh có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngoại trần, chăm chú hành pháp minh sát, hành giả cũng biết rõ rằng: thân ta đây nương theo tứ đại, nhờ mẹ cha sanh dưỡng, do vật thực mà được trưởng thành, thêm nhờ sự trau dồi tắm gội, kỳ rửa thường ngày để tạm ngăn mùi hôi hám, mặc dầu nó cũng không tránh khỏi sự tan rã, chia lìa theo lẽ tự nhiên. Tâm thức ta nương ngụ trong thân này ví như chỉ xỏ trong bạch bích kia vậy, ấy gọi là Minh sát trí thông của hành giả.
2. Thân cảnh trí thông (iddhividhañāṇaṃ) ‒ Hành giả an trụ vững vàng thanh tịnh dứt cả mọi điều phiền não, xa lìa tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, chăm chú dùng tâm biến ra thân khác, có tứ chi đều đủ ví như người rút đao ra khỏi vỏ rồi suy nghĩ như vầy: đây là đao, đây là vỏ, đao khác, vỏ khác, nhưng đao mà ta rút ra là rút ra từ nơi vỏ vậy. Hoặc biến một thân thành nhiều thân, hoặc nhiều thân huờn lại một thân, hoặc đi đứng vô ngại không chi ngăn trở, hoặc nhập xuống đất, ẩn hình, hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc từ phía trong ra phía ngoài, từ ngoài vào trong vách, hoặc đi xuyên qua núi, hoặc lên hoặc xuống đều tự tại, hoặc đi hoặc ngồi trên hư không như chim bay cũng được, dùng tay rờ mặt trời mặt trăng, cách nào cũng vô ngại, ví như người thợ làm đồ gốm thiện nghệ dùng đất sét đã nhồi nhuyễn rồi làm các thứ nồi lớn nhỏ khác nhau theo ý muốn mình đều được cả; hoặc ví như người thợ tiện thiện nghệ dùng ngà đã dồi mài đem làm các món bằng ngà nhiều kiểu khác nhau đều được cả, hoặc ví như người thợ bạc thiện nghệ dùng vàng đã phân chế sạch sẽ đem làm một vật trang sức nào cũng đều được theo ý muốn. Cũng thế, hành giả khi tâm an trụ theo cảnh giới tịch tịnh, dứt cả mọi điều phiền não, xa lìa tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả hiện thần thông biến ra nhiều cách như đã giải, ấy là cảnh trí thông của hành giả.
3. Thiên nhĩ trí thông (dibbasotañāṇaṃ) ‒ Hành giả tâm được an trụ vững vàng thanh tịnh, dứt cả mọi điều phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp thiên nhĩ trí thông, hành giả ấy dầu ở xa hay gần hằng nghe suốt tất cả thứ âm thanh chẳng chút ngần ngại, ví như người đi đường xa, người ấy nghe thấy tiếng trống nhỏ, tiếng sáo, tiếng kèn, tiếng trống lớn, người ấy suy nghĩ rằng: tiếng trống nhỏ như thế này, tiếng sáo như thế này, tiếng kèn như thế này, tiếng trống lớn như thế này. Cái thắng lực của thiên nhĩ trí thông ấy hơn hết các thiên nhĩ rất trong sạch, nghe đủ thứ tiếng của người phàm, bậc Thánh, ấy là thiên nhĩ trí thông của hành giả.
4. Tha tâm trí thông (cetopariyañāṇaṃ) ‒ Hành giả khi tâm được an trụ vững vàng, thanh tịnh, dứt cả mọi sự phiền não, không xao động vì ngũ dục, là tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm. Hành giả chăm chú hành pháp tha tâm trí thông là biết phân biệt rõ rệt tâm của chúng sanh: dầu tâm còn tham dục cũng biết, tâm hết tham dục cũng biết, tâm sân cũng biết, tâm si mê cũng biết, tâm hết si mê cũng biết, tâm tinh tấn cũng biết, tâm thối chuyển cũng biết, tâm yên tịnh cũng biết, tâm tán loạn cũng biết, tâm rộng cũng biết, tâm hẹp cũng biết, tâm chưa nhập định cũng biết, tâm phiền não cũng biết, tâm hết phiền não cũng biết, ví như cậu trai hoặc cô gái còn đang vui thích trong sự trang điểm, khi soi mặt trong kiếng tinh anh, mặt dơ hoặc sạch cũng biết; như thế hành giả đắc tha tâm trí thông cũng vậy
5. Túc mạng trí thông -(pubbenivāsanussatiñāṇaṃ) ‒ Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, dứt cả mọi điều phiền não và tùy phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp túc mạng trí thông. Hành giả nhớ biết những kiếp quá khứ từ 1 đời, 2 đời cho đến 100, 1.000 muôn ức kiếp, nên hoặc hư cũng đều nhớ hết. Trong các kiếp, quá khứ ấy thọ sanh vào nhà nào, tên họ gì, cha mẹ làm sao, chủng tộc thế nào, tướng mạo tốt hay xấu, sức lực mạnh hay yếu, thọ mạng vắn hay dài, cho đến những việc khổ, vui gì cũng đều biết rõ ở cõi này luân hồi lại ở cõi kia, ở cõi kia thọ sanh đến cõi này, cũng đều biết rõ. Ví như người ra khỏi nhà đi đến xứ khác, khi trở về xứ mình rồi nhớ đến như vầy: ta ra khỏi xứ đi đến xứ kia rồi đến xứ kia nữa, ta đứng như thế này, ngồi như thế kia, nói như thế này, nín thinh như thế này, đến khi ra khỏi xứ ấy ta đi như vầy, ngồi nói như vầy, nay ta trở về xứ ta rồi như thế này; hành giả đắc túc mạng trí thông cũng vậy.
6. Thiên nhãn trí thông (catūpapātañāṇaṃ) ‒ Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, rồi dứt cả mọi điều phiền não, không xao động vì ngũ dục, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, hành giả chăm chú hành pháp thiên nhãn trí thông, nghĩa là lấy cái lực thiên nhãn ấy thấy suốt sự sanh tử chúng sanh cao sang, hèn hạ, tốt, xấu, vui, khổ. Thấy rõ chúng sanh đều bị nghiệp lực lôi cuốn như vầy: chúng sanh hạng này bị nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác) vì sự tà kiến hủy báng thánh nhơn, chấp theo tà kiến, nên đến khi thác phải sanh vào ác đạo làm súc sanh địa ngục. Hạng chúng sanh này có chánh kiến ở theo thân, khẩu, ý lành, đến ngày lâm chung, lìa thân ngũ uẩn, được sanh lên cõi trời hoặc làm người thọ hưởng sự yên vui. Hành giả đắc nhãn thông cao thượng hơn phàm nhơn nên thấy rõ sự luân hồi của chúng sanh do nghiệp lực thiện hay ác như thế. Ví như người lên đứng giữa đài cao cất ở ngã tư đại lộ, giữa châu thành, người ấy sáng mắt đứng trên đài cao xem thấy rõ bộ hành vào nhà, ra nhà hoặc từ nhà này đến nơi kia, hoặc ngồi đứng thấy rõ rệt; như thế, hành giả đắc thiên nhãn trí thông cũng vậy.
7. Lậu tận trí thông (āsavakkhayañāṇaṃ) ‒ Hành giả khi tâm được an trụ thanh tịnh vững vàng, dứt cả mọi điều phiền não và tùy phiền não, tâm có trạng thái dịu dàng, đáng niệm, không xao động vì ngũ dục như thế rồi chăm chú hành pháp lậu tận trí thông là thấy suốt các pháp lậu phiền não, thấy rõ theo chơn lý rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự dứt khổ, đây là đạo dứt khổ, đây là lậu phiền não, đây là nhân sanh lậu phiền não, đây là sự diệt lậu phiền não, đây là đạo diệt lậu phiền não. Khi hành giả biết rõ như thế rồi, thì được dứt khổ. Khi tâm được dứt khổ, thì được biết rằng tâm đã giải thoát, chẳng còn thọ sanh nữa, đạo cao thượng ta đã hành tròn đủ rồi, phận ta chẳng còn phải làm việc chi nữa. Ví như hầm nước trên đảnh núi trong sạch chẳng còn cặn bã, có người sáng mắt lại gần mé hầm nước trong ấy, xem thấy phân minh những vật ở trong hầm nước nào là sỏi, đá, cá lội qua lại hoặc ở yên một chỗ. Người ấy suy nghĩ rằng: hầm nước này trong sạch chẳng có cặn, có sỏi, đá, có bầy cá đang lội qua lại, hoặc ở yên một chỗ trong hầm nước ấy thế nào, này người thanh niên, thầy tỳ khưu đắc lậu tận trí thông cũng như thế ấy. Này người thanh niên! Thầy tỳ khưu, khi tâm an trụ vững vàng, thanh tịnh, không xao động theo cảnh giới ngoại trần, như thế rồi đem tâm hành pháp lậu tận trí thông, thầy tỳ khưu ấy thấy theo chơn lý rằng đây là con đường tu tập để diệt lậu phiền não. Thầy tỳ khưu ấy biết như thế, thấy như thế rồi, tâm cũng được giải thoát khỏi hẳn dục lậu phiền não (kāmāsava), tâm cũng giải thoát hẳn sắc và vô sắc lậu phiền não (bhavāsava), tâm cũng giải thoát hẳn vô minh lậu phiền não (avijjāsava); khi tâm đã giải thoát khỏi hẳn rồi, sự biết cũng phát sanh lên rằng: tâm đã giải thoát hẳn rồi. Thầy tỳ khưu ấy cũng biết rõ rằng sự sanh dứt rồi, đạo phạm hạnh được hành tròn đủ rồi, phận sự đã làm rồi, chẳng còn phận sự gì phải làm thêm nữa, ấy là trí tuệ quí trọng của thầy tỳ khưu ấy.
Này người thanh niên! Đó là trí tuệ quí trọng mà Đức Chí tôn đã ngợi khen là pháp tiếp dẫn chúng sanh cho được tồn tại, cho được truyền thừa. Phận sự nên làm thêm trong giáo pháp này cũng chẳng còn.
Người thanh niên Subha tán dương rằng: Bạch Đại đức A-Nan-Đa, thật rất lạ thường, điều này chưa từng có, lại có được; phần trí tuệ quí trọng ấy đều đủ rồi, chẳng phải chẳng đều đủ đâu. Tôi chưa từng thấy phần trí tuệ quí trọng nào đều đủ như thế trong các hàng Bà-la-môn khác, ngoài Phật pháp này, chẳng còn phận sự nào mà chúng ta phải làm thêm nữa. Bạch Đại đức A-Nan-Đa, rất hay, pháp mà Đại Đức đã thuyết rồi nhiều vô số như thế (rất sáng suốt rõ rệt) như người lật ngửa đồ đựng để úp hoặc như mở vật chi đã đậy kín, bằng không, cũng như người chỉ đường cho kẻ lạc nẻo, hoặc như người rọi đường trong nơi tối tăm và suy nghĩ rằng: người có mắt (sáng) sẽ thấy các hình thể. Bạch Đại đức A- Nan-Đa, tôi cầu xin quy y Phật đã nhập Niết-bàn, cầu xin quy y Pháp, cầu xin quy y Tăng, cầu xin Đại đức A-Nan-Đa rõ rằng: tôi là người thiện nam, kể từ đây cho đến trọn đời.
‒ Chung ‒
‒ Dứt tác phẩm Bát thánh đạo (PL. 2504 – DL. 1961) ‒
-oo0oo-
(38) Trích dịch trong tam tạng kinh.
(39) Sau khi Phật diệt độ được một tháng.
(40) Xem trong nhựt hành.
(41) Gocāra nghĩa là tỳ khưu khi đi đứng ngồi nằm phải thu thúc lục căn, phải biết thân cận bậc thiện trí thức, phải hằng quán tưởng pháp tứ niệm xứ.
(42) Ācāra nghĩa là thu thúc trong giới luật thân và khẩu cho trong sạch, lánh xa 26 điều tà mạng.
(43) Có giải trong luật xuất gia.
(44) Có giải trong luật xuất gia.
(45) Có giải trong luật xuất gia.
(46) Phóng dật là lòng buông thả linh đinh không ở yên chỗ.
(47) Phỉ là thân tâm no đủ đã có sự vui vẻ trước
(48) Tĩnh lự là yên lặng mà suy nghĩ.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.