Lễ Bế Mạc Kết Tập Tam Tạng Lần VI Và Lễ Kỷ Niệm 2500 Phật Lịch Tại Rangoon - Miến Điện

Lễ Bế Mạc Kết Tập Tam Tạng Lần VI Và Lễ Kỷ Niệm 2500 Phật Lịch Tại Rangoon - Miến Điện

    HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

    (NHIỀU BÀI TƯỜNG THUẬT)

    CỦA

    Nāga Mahā Thera – Tỳ Khưu Bửu Chơn

    Phật lịch 2508 – Dương lịch 1965

     

    LỄ BẾ MẠC KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN VI VÀ LỄ KỶ NIỆM 2500 PHẬT LỊCH TẠI RANGOON - MIẾN ĐIỆN TỪ 22 ĐẾN 27-5-1956

    Lối 1 giờ trưa ngày 18 tháng 4 dl, một số đông chư Tăng, thiện nam, tín nữ Chùa Kỳ Viên đã tập hợp tại chùa để đưa chúng tôi ra phi trường T.S.N. Đi theo tôi có Ô. Nghiêm Xuân Thiện chủ nhiệm tờ báo Thời Luận, gần 14 giờ phi cơ mới cất cánh, hơn nửa giờ thì lại đáp xuống phi trường P.P, chư thiện tín Nam Vang đã chờ sẵn để đón chào chúng tôi; sau khi hành khách lên xuống xong thì con chim sắt lại cất cánh bay thẳng về thủ đô Vọng Các, gần 5 giờ mới đến phi trường Daung Maung (Thái). Khi vừa xuống phi cơ thì đã có các nhân viên của tòa Sứ quán Việt Nam ở Bangkok ra đón rước chúng tôi và rước về nghỉ tạm tại Thủ Đô Vọng Các trong một hôm.

    Sáng hôm sau khi độ ngọ trai tại Sứ quán xong lại phải trở ra phi trường Daung Maung để sang Rangoon cho kịp chuyến tàu của hãng hàng không U.B.A. sẽ cất cánh 1 giờ rưỡi trưa. Sau gần 4 giờ mới đến phi trường Rangoon, khi trình giấy thông hành xong chúng tôi cùng về trụ sở của Hội Phật giáo tại Kaba Aye (chỗ Hội nghị).

    Nghỉ được vài hôm cho có sức khỏe, đúng ngày 22-4- 1956 thì bắt đầu khai mạc cuộc lễ Kết Tập Tam Tạng phần chót, mỗi ngày 500 vị chư Tăng của thế giới phải đến để cộng sự đều vào Đại Thạch Động sớm mai từ 8 giờ cho đến 10 giờ rưỡi, chiều từ 1 giờ cho đến 4g30 mới nghỉ. Làm luôn như vậy cho đến ngày 22 tháng 5 dl là đúng ngày khởi hành cuộc lễ bế mạc, nhưng sự kết tập vẫn tiếp tục làm luôn cho đến đúng ngày 24-5-1956 là ngày rằm mới mãn.

    Cuộc lễ này khởi hành từ ngày 22 cho đến 27-5-1956, dưới quyền Chủ Tọa của Tổng Thống và Thủ Tướng Miến Điện, về chư Tăng thì 2.500 vị trên khắp Thế giới được thỉnh đến để dự lễ, ngoài ra còn những người đi xem trên 2 triệu, có tất cả các sứ thần của các nước đến dự, tất cả các xe cộ đều phải đi có một chiều nhưng vậy mà trong ngày 23, 24 trong một khoảng đường độ 5 cây số có tới 4.500 chiếc xe phải bò từ từ đến 3 tiếng đồng hồ mới đến chỗ dự lễ, còn người vì chờ lâu nên xuống đi bộ có hơn 90.000 người trong khoảng đường ấy.

    Về chương trình rất dài không thể kể hết được chỉ kể sơ những điểm quan trọng vậy thôi. Chánh phủ cho lập 4 dưỡng đường và 4 nhà thí cơm nước để săn sóc và trợ giúp cho những người tứ phương đến xem lễ. Trong mỗi ngày có 10.000 người đến ăn uống khỏi phải tốn kém chi, có tất cả 6 nhà múa hát để giúp vui trong cuộc lễ và có lập tạm các sở như: Bưu Điện, Thông Tin, Cảnh Sát, Y Tế, Sở Tân Đảo và 1 đại đội quân lính để lo hầu hạ và dâng cúng vật thực đến chư Tăng, Chánh phủ cũng cho triển lãm các vật cổ tích về Phật giáo và các kỹ nghệ, thổ sản trong xứ cho công chúng xem.

    Trong khi hành lễ các đại diện trên thế giới đều có đọc một bài diễn văn để chúc mừng cuộc lễ, phái đoàn V.N. cũng có đọc một bài chúc mừng bằng Anh ngữ do Đ.Đ. Bửu Chơn đại diện cho V.N. đọc trước máy phóng thanh xong, nhà báo The Burman có xin để đăng tải. Chánh phủ ra lệnh ân xá cho tất cả tội nhân trên toàn xứ Miến như người bị án tử hình thì được hạ xuống còn chung thân khổ sai, người nào bị từ 1 tháng đến 2 năm được giảm 6 tháng, từ 2 năm tới 10 năm được giảm 2 năm, từ 10 năm sắp lên được giảm một phần ba. Như thế rất nhiều người được trả tự do vì đã mãn hạn, số tội nhân còn lại thì cho nghỉ luôn trong 3 ngày lễ...Về chư Tăng tu theo Phật giáo Nguyên Thủy đến dự lễ thì thấy có Thailand, Việt Nam, Cao Miên, Lào, Nhựt, Tàu, Tích Lan, Ấn Độ, Népal, Assam, Úc Châu và Đức. Ngoài ra, cũng có mời một số chư Tăng phái Bắc Tông đến dự. Các đại diện Sứ quán của thế giới ở trên đất Miến đều có mặt tại Đại Thạch Động để dự lễ, riêng phần Chánh phủ Thái Lan do một vị Đại tá đại diện đem theo lễ vật như là: tam y, quả bát, quạt và 10 cái dèm (túi) đều có khắc chữ của Chánh phủ Thái Lan xin dâng cho các vị trưởng phái đoàn đã kể trên để làm kỷ niệm. Trong số ấy V.N. cũng được lãnh một phần danh dự do Đ.Đ. Bửu Chơn thọ lãnh đem về chùa Kỳ Viên.

    Trong 3 ngày chót là từ 25 đến 27-5, chính tay Tổng Thống và tất cả quan chức cao cấp Miến đều có mặt tại Thạch Động để dâng Tam Tạng, cấp bằng trong cuộc Kết Tập Tam Tạng các món vật dụng cho tất cả 2.500 vị Tỳ Khưu đã cộng sự trong 2 năm trường.

    Về chi phí trong cuộc lễ, Hội Phật giáo đã dự trù một số tiền lối 2 triệu 300 ngàn đồng rupies (gần 300 triệu đồng xứ ta) kể sơ về sở tổn trai tăng trong 1 ngày hết 10.000 rupies (gần 80 ngàn đồng xứ ta) về nước giải lao trong buổi chiều hết 1.250 rupies (hơn 100.000 ngàn đồng xứ ta) tổn phí như thế luôn trong 6 ngày đại lễ. Nhân trong dịp lễ ấy, bà Thủ tướng U.Nu có làm lễ xuất gia cho con gái bà và con gái của các vị Tổng Trưởng hết thảy trên 40 người đồng xuất gia theo cô ni trong một thời gian để gieo duyên lành tại chùa Hansāvady, cùng trong dịp ấy bà cũng hộ cho 2.500 giới tử về y, bát để làm lễ xuất gia kỷ niệm cho 2.500 Phật lịch, nhưng số ấy lại tăng thêm lên cho đến 2.618 vị đồng xuất gia một lượt tại trong Thạch Động, cuộc lễ này hết sức long trọng và vĩ đại từ xưa tới nay chưa từng có.

    Ngoài ra, hội còn lo cho tất cả chư Tăng ngoại quốc đi chiêm bái các nơi Thánh tích tại xứ Mandalay là chỗ Kết Tập Tam Tạng lần thứ Năm và có hàng ngàn cổ tháp đã tạo ra trên ngàn năm trong lịch sử.

    Tóm luận trong cuộc lễ vĩ đại tại Rangoon có hàng ngàn ngàn người đến dự nhưng rất đặc biệt là không thấy có bán một nhỏ rượu nào, cũng không ai cãi lộn, đánh lộn, giựt đồ bao giờ, mỗi người đều giữ tròn phận sự mình là lễ bái cúng dường tùy theo sức mình vậy thôi, sở dĩ được thái bình, yên ổn có phải chăng là do một phần lớn ảnh hưởng của Phật giáo đã huấn luyện và đào tạo? Hay là do sự khôn khéo sắp đặt trong guồng máy chánh trị của Chánh phủ Miến? Cho nên mỗi người dân Miến đều thích đi chùa cúng bông hoa và đọc kinh trong mỗi ngày không ngớt. Một điều đặc biệt nhất là trong cuộc lễ lớn lao như thế nhưng không thấy có một sòng cờ bạc nào cho tới bong vụ hay là quay số cũng không có. Nhưng người Miến hình như ưa “xâm mình” nên trong cuộc lễ thấy có rất nhiều chỗ bày ra xâm mình đủ thứ hình các loại, thú, phi cầm họ xâm rất mau lẹ độ trong 10 phút là xong hình một con thú nơi cánh tay hoặc ngực.

    Cô Diệu Đáng con Đ.Đ. Hộ Tông đang tùng học tại ni đường Rangoon luôn luôn tới lui hỏi thăm tin tức các bà V.N. có ai qua không? Sau khi cuộc lễ bế mạc xong các phái đoàn trên thế giới đã lần lượt về xứ, phần tôi cũng sửa soạn xin chiếu khán đặng trở về xứ.

    Ngày 30 tháng 5 dl, thình lình lại nghe tiếng nói người V.N., từ trên lầu trông xuống thấy Sư Giới Nghiêm và các bà tín nữ đang ngơ ngẩn tìm hỏi phái đoàn V.N. vì điện văn đến trễ nên tôi không biết trước để ra đón tiếp và lo giùm giấy tờ, các bà ấy là: Bà Ngô Thị Lợi, Lê Thị Hương, Trần Thuận Anh, Hà Thúc Hòa, cô Hương và cô Xuân, nhứt là cô Trần Thuận Anh khi đến phi trường mà không thấy tôi ra đón đã phụng phịu muốn rơi nước mắt, nhưng về tới Kaba Aye gặp được tôi thì các bà mới hết lo buồn, sau rốt lại may các bà cũng được chiêm bái răng nhọn Đức Phật, tháp thờ 8 sợi tóc của Đức Phật và nơi Thánh tích khác trong xứ Rangoon và Pegu, rất tiếc là các bà muốn đi Mandalay nhưng hỏi xe lửa cũng không có chỗ, máy bay cũng không, cho đến 8 ngày sau mà cũng chưa có chỗ vì chư Tăng và thiện tín họ tới hàng ngàn ngàn nên sự chuyên chở hành khách rất chậm trễ thành ra các bà phải buộc lòng ghi giấy để trở về Bangkok ngày 6-6-56. Phần Sư Giới Nghiêm có lòng muốn ở lại để học tham thiền trong một hạ, nên các bà từ giã Sư Giới Nghiêm và Sư Thiện Hạnh để lên tàu về xứ.

    Khi về tới phi trường Daung Maung vì điện văn đến trễ nên không có Sứ quán V.N. ra rước, nhưng sở hàng không Thái rất tử tế đưa phái đoàn cho đến tận Sứ quán V.N. Trong khi lưu trú tạm tại Bangkok mọi việc đều nhờ Sứ quán lo cho, nhất là ông Mai Văn Hàm Đại sứ toàn quyền V.N. tại Vọng Các rất nhã nhặn, vui vẻ, bình dân đối đãi chúng tôi một cách hết sức thân mật. Trong khi ở Thái được xứ quán đưa cho xem những Thánh tích như là: Chùa Phật Ngọc, Chùa Cẩm Thạch, Chùa Phật nằm, bề dài hơn 46 thước tây, chùa Arūn, chùa Phật bằng vàng nặng lối 1.500 k, tháp vàng chùa Sakêt và tháp Nakon Pathom là một bảo tháp sáng tạo đầu tiên trên xứ Thái Lan.

    Con đường hàng không từ Vọng Các tới Saigon rất bất tiện, phái đoàn phải chờ 6 hôm mới có chỗ của chuyến tàu hãng hàng không V.N. về Saigon ngày 12-6-1956 vào lối 12 giờ trưa phi cơ cất cánh mãi gần 7 giờ tối mới đến phi cảng T.S.N. thì đã có bà con chờ đón rước rất đông, sau khi trình giấy tờ xong toàn thể phái đoàn đều về Kỳ Viên Tự.

    ---


    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.