PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY THERAVĀDA
-----
PHÁP KẾT GIỚI – SĪMĀ
Bhikkhu Nāga Mahā Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn
Dl. 1971 – Pl.2515
LINH TINH - SỰ DÍNH LÍU CỦA SĪMĀ
Như đã giải ở số 10 về sự hư hỏng sīmā là sīmā dính lại với nhau hay đè lên nhau nói cho cùng dầu ở bằng sợi tóc thì sīmā ấy đã bị hư hoại; mà khi sīmā đã bị hỏng mà không hay biết cứ hành tăng sự thì tất cả tăng ấy đều không thành tựu. Như chúng ta biết thì có 2 thứ sīmā là: baddha sīmā: là sīmā tăng có đọc tuyên ngôn; abaddha sīmā: là sīmā tăng không cần đọc tuyên ngôn như gāma sīmā hay visuṃgāma sīmā.
Như vậy chỗ nào cũng có sīmā, mà một khi sīmā đã có cột ranh giới rồi thì không được đè qua hay dính qua sīmā khác, như atthakathā vannanā trong 1063 có giải rằng: dầu cho nhánh cây trong đại sīmā hay gāma sīmā mà đè qua hay đè lên khaṇḍa sīmā (là sīmā có cột ranh giới) hay là nhánh cây từ bên khaṇḍa sīmā thì trong khi hành tăng sự phải cho người mé nhánh ấy đi cho khỏi bị đè dính trên sīmā nào mới hành tăng sự được, nếu không làm như vậy thì sīmā ấy đã bị hư hỏng vì liên quan với nhau trở thành ra đại sīmā hay gāma sīmā mà chư tăng cứ làm tăng sự trong lúc ấy dầu có một vị tỳ khưu đi vào trong đại sīmā ấy mà không hay thì tăng sự ấy bị hư hỏng vì tăng sự bị chia rẽ.
Bởi vậy cho nên muốn khỏi nghi ngờ tăng sự có thành tựu hay không thì trong khi hành tăng sự, sīmā phải hoàn toàn riêng biệt (completementisolée) như các chùa trên xứ Cao Miên hay trên Lào vậy. Còn bên Tích Lan thì phần nhiều các chùa đều không có làm sīmā vì một lần làm sīmā cho đúng phép rất khó, nên họ thường làm sīmā ở trên núi xa hay làm ở dưới nước một cái chòi nhỏ ở giữa hồ, khi cần hành tăng sự thì họ ra các nơi ấy mà làm cho khỏi hoài nghi tăng sự bị chia rẽ.
Đây giải về tăng sự có 4 cách.
1. Adhamma vaggakammaṃ: tăng sự không hợp pháp và tăng chúng chia phe. Giải rằng: tăng sự phải đọc 2 lần là 1 lần trình tăng (ñatti) 1 lần tuyên ngôn (kammavācā) nhưng chỉ đọc ñatti 1 lần mà thôi chớ không đọc kammavācā như vậy gọi là tăng sự không hợp pháp, hơn nữa bao nhiều chư tăng đồng trong 1 sīmā không cu hội lại đủ hay có tỏ sự ưng thuận (chanda) của mình mà cũng cứ hành tăng sự, như vậy gọi là tăng chúng chia phe, tăng sự này dầu cho làm rồi cũng không thành tựu.
2. Adhamma samaggakammaṃ: tăng sự không hợp pháp nhưng chư tăng hòa hợp không chia phe. Giải rằng: tăng sự phải đọc 2 lần là 1 lần trình tăng (ñatti) 1 lần tuyên ngôn (kammavācā) nhưng đọc luôn 2 lần ñatti không đọc kammavācā như vậy tăng sự không hợp pháp, hơn nữa bao nhiêu chư tăng đồng trong 1 sīmā cu hội lại đủ hoặc vị nào bệnh hoạn hay hay bận rộn thì có cho sự ưng thuận đồng ý của mình như vậy gọi là tăng chúng hòa hợp không chia phe, tăng sự này cũng không thành tựu.
3. Adhammena vaggakammaṃ: tăng sự hợp pháp nhưng chư tăng chia phe. Giải rằng: tăng sự phải đọc 2 lần là 1 lần trình tăng (ñatti) 1 lần tuyên ngôn (kammavācā) vị luật sư đọc đúng theo thứ tự, như vậy tăng sự hợp pháp, nhưng bao nhiêu chư tăng đồng trong 1 sīmā không cu hội lại đầy đủ, còn những vị nào cần tỏ sự ưng thuận đồng ý của mình cũng không cho như vậy gọi là tăng chúng chia phe, tăng sự này có hành cũng không thành tựu.
4. Dhammena samaggakammaṃ: tăng sự hợp pháp luôn cả chư tăng cũng hòa hợp không chia phe. Giải rằng: tăng sự phải đọc 2 lần, hay 4 lần là 1 lần trình tăng (ñatti) 1 lần tuyên ngôn hay 3 lần tuyên ngôn (kammavācā) thì vị luật sư cũng đọc theo thứ tự đầy đủ đúng phép, như vậy tăng sự hợp pháp, còn chư tăng bao nhiêu vị đồng trong 1 sīmā đều cu hội lại đông đủ không thiếu vị nào, còn vị nào bịnh hoạn hay có phận sự bận rộn cũng tỏ sự ưng thuận đồng ý của mình, như vậy gọi là tăng chúng hòa hợp không có chia phe, tăng sự này khi hành xong thì thành tựu.
Tất cả 4 cách hành tăng sự 3 cách trên đều hư hỏng dầu có hành rồi thì cũng như không, trái lại còn phạm tội là khác. Chỉ có tăng sự thứ 4 mới được thành tựu mỹ mãn mà thôi.
Trong khi hành tăng sự chỉ có 1 vị tỳ khưu cùng ở chung trong 1 gāma sīmā dài lớn đến 12 do tuần mà không hay vào không đến cu hội lại hòa hợp để làm tăng sự thì tăng sự ấy dầu chư tăng 30 vị có làm rồi cũng bị hư hỏng vì tăng sự chia phe. Vì vậy mà mỗi khi hành tăng sự nào chư tăng cần phải thận trọng trong khi sử dụng gāma sīmā, vì gāma sīmā rất rộng lớn trong khi đang hành tăng sự sợ có vị tỳ khưu nào khách phương xa vào trong lúc đang hành tăng sự thì tăng sự ấy phải bị hư hỏng, vì vậy trong luật có dặn khi sử dụng gāma sīmā thì nên cho người gác canh chừng sợ có vị tỳ khưu nào đến trong khi đang hành tăng sự thì cản vị ấy không cho vào ranh gāma sīmā, chư tăng hành tăng sự xong mới được vào.
Bần tăng giải về sīmā tóm tắt đến đây cũng vừa dứt.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Soạn xong tại Phổ Minh tự, mùa Hạ năm Tân Hợi 8/1971- 2515
– Dứt tác phẩm Pháp kết giới sīmā –
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.