PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ - THERAVĀDA
ABHIDHAMMAPIṬAKA - TẠNG VÔ TỶ PHÁP
KATHĀVATTHU
BỘ NGỮ TÔNG
Dịch giả:
Đại Trưởng lão Hòa Thượng Tịnh Sự
LỜI GIỚI THIỆU
Bộ Kathāvatthu (Ngữ Tông) là Bộ thứ 5 trong Abhidhammapiṭaka (Tạng Vô Tỷ Pháp), đã được Đức Phật thuyết trên cung trời Tāvatiṃsa (Đạo lợi) vào Hạ thứ 7 sau khi thành Phật. Bộ Kathāvatthu, Đức Phật thuyết suốt 13 ngày (từ ngày 22 tháng 7 đến ngày mùng 4 tháng 8 năm Kỷ Mão), đặng 7.100 pháp uẩn, có 70.000.000 vị Chư thiên chứng quả Thánh. Nội dung bộ Kathāvatthu đã được Đức Phật thuyết để phá các Tà kiến, dị kiến hiểu lệch lạc trong Phật Giáo.
Đức Phật với Nhất thiết chủng trí của mình thấy được tất cả kiến chấp đó, nên Ngài đã thuyết đầy đủ trong bộ Kathāvatthu nầy để bác bỏ, đả phá các Tà kiến, dị kiến sẽ xảy ra trong Phật Giáo sau này. Cho dù hiện tại hay vị lai về sau, bất cứ ai trong Phật Giáo có sự hiểu sai về Pháp giới, có chấp kiến sai lạc về Phật Pháp cũng không nằm ngoài Bộ này. Giống như Kinh Phạm Võng mà Phật Ngài đã thuyết, cho dù quá khứ, hiện tại hay vị lai về sau, bao nhiêu kiến chấp, bao nhiêu chủ thuyết cũng không nằm ngoài Kinh Phạm Võng.
Sau khi Đức Phật viên tịch, khoảng 100 năm sau, chư Tăng chấp sai về Giới Luật. Hơn 200 năm sau, thời vua Asoka (A Dục), chư Tăng chấp sai về Pháp Phật, nên Ngài Moggallaputta Tissa phải đứng ra chỉnh đốn lại tri kiến Phật Pháp, bằng cách sử dụng lý luận trong Bộ Kathāvatthu này để bác bỏ, đả phá các kiến chấp đó. Và để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa bác bỏ, đả phá đó, Ngài trước tác 500 câu nhập chung 500 câu của Đức Phật để giải thích cho tường tận. Chính vì lý do này mà một số học giả hiểu lầm cho rằng Bộ Kathāvatthu là do Ngài Moggallaputta Tissa sáng tác. HT. Tịnh Sự nói rằng: Cho dù 1.000 đi nữa, cũng không thể tính thêm 1 pháp uẩn pháp môn gì cả.
Trước đây, chúng tôi học hỏi về Bộ Kathāvatthu với Ngài HT. Tịnh Sự, chúng tôi thắc mắc về cách bác bỏ nữa chừng trong bộ này, Ngài cho biết cách trả lời của Bậc Trí là không bao giờ dồn đối phương đến chân tường, 2 bên đối đáp qua lại thì tự biết mình sai hay đúng là đủ, không cần phải thừa nhận là sai.
Lý luận trong bộ này rất cao siêu, ai nắm được lý pháp siêu lý bộ Song Đối thì có thể hiểu được cách trả lời, cách bác bỏ, cách thừa nhận … được sử dụng trong bộ này.
Bộ Kathāvatthu này được Ngài HT. Tịnh Sự dày công soạn dịch, nay được các đệ tử tôn trọng trí tuệ Ngài, nên ấn tống lại nguyên bản dịch của Hòa Thượng, để học giả, học viên có thể hiểu được sâu xa bản dịch của Ngài, nhất là hiểu đúng ý Phật dạy trong Bộ Kathāvatthu này.
Tôi xin trân trọng giới thiệu với các học giả và học viên môn Thắng Pháp.
Tỳ Khưu Pháp Chất
Ủy viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN
Phó Ban Nghi Lễ Trung Ương
Trụ Trì Chùa Nguyên Thủy Q.2 – Sài Gòn.
LỜI TỰA
BAN ẤN TỐNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Hòa thượng Tịnh Sự là vị Cao tăng thạc đức của Phật Giáo Nguyên thủy. Thông thạo chữ Pālī, Thái và chữ Nho. Từng du học ở Thái Lan hơn 10 năm để nghiên cứu văn học Luận tạng Pālī - Abhidhamma, ngày nay một số vị Cao tăng và đệ tử của ngài vẫn còn in đậm dấu ấn một thời vàng son của bậc thầy trên đất Thái. Nhờ sự nghiên cứu Abhidhamma của ngài, nên khi về Việt Nam ngài nổ lực không ngừng phiên dịch và giảng dạy Abhidhamma nhiều khóa cho thế hệ Tăng sĩ trẻ Phật giáo. Chính vì vậy, ngày nay ở Việt Nam có không ít những Chư tăng và Phật tử thông thạo Abhidhamma và hiện tại bộ Tạng này đã và đang được giảng dạy ở Học viện Phật Giáo Việt Nam và lớp Cao Đẳng Phật Giáo tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trước năm 1975, Ngài được Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam mời làm trưởng ban phiên dịch. Điểm đáng mừng, gần 20 năm ngài phiên dịch trọn vẹn luận tạng Pālī, gồm 7 bộ, hơn 10 tập, mỗi tập dày khoảng 500 trang. Dịch xong quyển nào ngài cho quay Roneo gởi Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam để lưu trữ; đồng thời ngài cũng dày công biên soạn một số kinh sách quan trọng trong lãnh vực luận tạng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập Abhidhamma tại Việt Nam.
Tiếp theo dòng chảy khai sơn phá thạch của Đại Trưởng lão Tịnh Sự, sau năm 1975, Thượng tọa Giác Chánh, Thượng tọa Bửu Chánh, Thượng tọa Giác Giới, Thượng tọa Pháp Chất, Thượng tọa Tịnh Thân, Thượng tọa Chánh Minh biên soạn, mở nhiều lớp Abhidhamma trong Chùa hoặc tại Tư gia để đào tạo kiến thức phật học cho Tăng, Tu nữ và Phật tử gieo duyên với Luận tạng. Về phía Cư sĩ, chúng ta cũng không quên sự nghiệp hoằng pháp Abhidhamma của Cô Bảy Vĩnh Phúc, Cô Quỳnh Hương v.v… .
Gần đây khoảng 5 năm qua, lớp Abhidhamma được tổ chức tại Tổ đình Bửu Quang do Cư sĩ Đức Tài (nay là Tỳ Khưu Giác Tuệ) phụ trách giảng dạy. Tỳ Khưu Giác Tuệ là đệ tử thuần thành của Cố Đại Trưởng lão Tịnh Sự, được Ngài dạy và truyền trao môn Abhidhamma rất chu đáo. Trong thời gian qua, Tỳ khưu Giác Tuệ đã đào tạo và tốt nghiệp gần 200 học viên Abhidhamma cấp Tiểu học, Trung học và Cao học. Để làm phong phú Abhidhamma, Thư viện Phật Giáo Nguyên Thủy xin phép Nhà Xuất bản Tôn giáo ấn hành 4 quyển Tự học Vi Diệu Pháp, Tâm Sở, Vi Diệu Pháp - Tâm lý và Triết học Phật giáo, Chú giải Bộ Pháp Tụ, Chú giải Bộ Phân Tích, Chú giải Thuyết Luận Sự - Kathāvatthu v.v... .
Điểm đáng chú ý, những học viên lớp Abhidhamma do Tỳ khưu Giác Tuệ giảng dạy từ cấp Trung học trở lên đều nghiên cứu sâu vào những quyển Chánh tạng Abhidhamma của Cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Tịnh Sự. Chính vì thế, 7 bộ Vi Diệu Pháp do chính Hòa thượng dịch còn là cảo bản, in bằng hình thức quay Roneo được các học viên học một cách nghiêm túc; đồng thời Tỳ khưu Giác Tuệ chỉ đạo đánh vi tính, sửa lỗi chính tả để phổ biến trong lớp Abhidhamma để học viên học và làm tài liệu nghiên cứu chính thức.
Nhận thấy bảy bộ Abhidhamma cảo bản (bản đầu tiên chưa chỉnh sửa bằng bất cứ hình thức nào) của Cố Đại Trưởng lão Tịnh Sự phiên dịch quá hay và đáp ứng nhu cầu cho học viên hiện nay, nên Tăng Ni và Phật tử học viên đề nghị chúng tôi thành lập Ban Ấn Tống để in những quyển sách quý giá trên đáp ứng nhu cầu thực tế của học viên; đồng thời muốn bảo tồn tinh hoa, trí tuệ và giá trị tinh thần của Đại Trưởng lão Tịnh Sự đối với tạng Abhidhamma bằng tiếng Việt.
Trước nhất, Ban Ấn Tống sẽ xuất bản và giới thiệu đến quý độc giả quyển Kathāvatthu - NGỮ TÔNG, quyển này là bộ thứ năm trong bảy bộ. Sở dĩ xuất bản quyển này trước vì hai lý do, một là trước đây Ban Tu thư Chùa Nam Tông do cố Hòa thượng Siêu Việt chủ trương, cụ thể thực hiện là Thượng tọa Giác Chánh và Thượng tọa Giác Giới tu chỉnh, biên tập và cho xuất bản sáu bộ, duy nhất bộ Ngữ Tông này chưa thực hiện. Hai là, thời gian qua bộ Kathavatthu bản chú giải do hai dịch giả xuất bản đó là Tâm An – Minh Tuệ với tựa sách là NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT, Nguyễn Văn Sáu bản dịch với tựa sách CHÚ GIẢI THUYẾT LUẬN SỰ. Xin thưa hai quyển trên đều là chú giải của hai dịch giả phương tây. Kathavatthu - Ngữ Tông chánh tạng chưa từng xuất bản ở Việt Nam, nên độc giả đọc hai bản chú giải trên và sẽ có một số ngộ nhận quyển Kathavatthu là thời kỳ văn học luận tạng bộ phái.
Như vậy, theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, bảy bộ luận tạng Pālī do đức Phật thuyết giảng trên cung trời Đạo lợi với tác ý trả hiếu cho mẹ. Trong Tam tạng Pālī, bốn mươi lăm năm hoằng pháp đều ghi nhận hạ thứ bảy, đức Phật nhập hạ ở Cung trời Đạo lợi và toàn bộ những gì Đức Phật giảng bộ Abhidhamma được tôn giả Xá Lợi Phất Sariputta học lại khi Đức Phật trở về thế gian ở địa danh Sankhassa thời nay. Địa danh này ngày nay vẫn thu hút giới Phật giáo đến hành hương, cụ thể là Miến Điện và Thái Lan. Do đó, những ai nói Abhidhamma không phải Đức Phật giảng ở cõi trời thì không đúng với truyền thống phật giáo Nguyên thủy Theravāda.
Lại nữa, có một số người ngộ nhận bộ thứ năm Kathāvatthu - NGỮ TÔNG bằng bản chú giải 500 học thuyết của Tôn giả Moggalitissa hình thành vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch trong thời điểm kết tập tam tạng Pālī lần 3 do vua Asoka bảo trợ. Vì trong bộ này, chúng ta thấy tác giả trình bày những quan điểm của nhiều bộ phái. Ví dụ: Vấn đề Níp bàn. Phái Mahasanghika quan điểm như thế này, Savastivada quan điểm như thế này, Theravāda quan điểm như thế này v.v… độc giả ngộ nhận thời Phật làm sao có những bộ phái như thế này.
Tuy nhiên, Kathāvatthu - Ngữ Tông bằng chánh tạng (chính Phật thuyết), chúng ta không thấy xuất hiện các bộ phái trong bất cứ trường hợp nào. Chỉ thấy xuất hiện Tự ngôn (Sakavādī) và Phản ngữ (Paravādī). Đặc điểm chính của Kathāvatthu - Ngữ Tông là phá Tà kiến. Phật nhìn xa trông rộng thấy đời sau chúng sanh lắm Tà kiến nên ngài tự ngôn bằng nhất thiết chủng trí đưa ra 500 loại hình Tà kiến cơ bản, cho đến thời Phật diệt độ gần 300 năm, Tôn giả Moggalitissa dựa trên 500 câu Chánh tạng và đưa ra 500 loại hình Tà kiến đương đại. Tương tự bên kinh tạng, bài kinh Phạm Võng, đức Phật trình bày và giới thiệu các loại Tà kiến cơ bản, đến tận bây giờ chúng ta thấy con người vì si mê phát sanh Tà kiến gì đi nữa cũng không ngoài những Tà kiến trong bài kinh Phạm Võng.
Thực tế, Kathāvatthu - NGỮ TÔNG, chánh tạng có 23 phẩm, sách dày 405 trang, khổ giấy A4 do Hòa thượng Tịnh Sự phiên dịch từ bản Thái Ngữ trước năm 1975 dưới hình thức cảo bản, quay roneo, chưa từng công bố chính thức. Ban Ấn Tống Phật giáo Nguyên thủy lần đầu tiên đánh máy, chỉnh sữa lỗi chính tả, hoàn toàn trung thành với bản dịch của Hòa thượng, xin xuất bản để giới thiệu đến quý độc giả gần xa bản dịch quý giá này.
Rất mong sự góp ý của Quý độc giả, để kỳ tái bản được hoàn chỉnh hơn.
Chúng tôi chân thành tri ân Thượng Tọa Pháp Chất đã nhiệt tâm ủng hộ và trợ giúp phần đối chiếu bản đánh máy với cảo bản. Thầy Ngộ Đạo đã hổ trợ phần Pāḷi.
Xin tán dương công đức của Chư Tôn Đức Tăng, Quí Cô Tu Nữ và Phật Tử đã đóng góp tịnh tài để xuất bản quyển sách này. Xin cám ơn Học viên Abhidhamma của Tỳ khưu Giác Tuệ đã đánh vi tính bản thảo này và vận động tịnh tài xuất bản tập sách trên.
Nguyện cầu Tam bảo gia hộ đến quý vị thân tâm an lạc, hanh thông mọi việc.
TM. BAN ẤN TỐNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Tỳ Khưu Siêu Minh
Gs. Cao Đẳng và Học viện Phật Giáo Việt Nam
LỜI CẢM TƯỞNG
“Chân lý đôi khi có thể bị che mờ
Nhưng không bao giờ bị tắt”
Quả thật vậy, Thầy chúng tôi - Ngài Đại Trưởng lão Hòa Thượng Tịnh Sự, là bậc thầy đã hy sinh công sức, trí tuệ cho việc dịch thuật Tạng Vô Tỷ Pháp - Abhidhammapiṭaka, đến nay chưa in được nguyên bản (cảo bản). Vì vậy, để tiếp bước công việc lợi sanh của Thầy Tổ, chúng tôi xin được góp sức cùng nhiều vị khác để xuất bản bộ Tạng Abhidhamma theo chính bản gốc mà Ngài dịch.
“Tùy năng thế thượng mong danh lợi,
Tiện thị nhân gian nhất hóa công”.
Nghĩa là trên đời ai quên được danh, lợi thì là một hóa công ở trần gian. Thầy chúng tôi, Ngài Tịnh Sự, là người không màng danh lợi. Suốt đời tận tụy cho Phật Giáo, nhất là tận tụy trong việc dạy học và dịch thuật tạng Vô Tỷ Pháp.
Vì ân đức cao dày đó, chúng tôi xin noi gương sáng Bậc thầy khả kính.
“Thầy đi Pháp ở nguồn ân,
Con về nối lại kính dâng lên Thầy”.
Tỳ Khưu Giác Tuệ (Đức Tài)
Giảng Sư Abhidhamma tại Tổ Đình Bửu Quang.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.