Mái nhà vụng lợp

Mái nhà vụng lợp

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    05. MÁI NHÀ VỤNG LỢP

    Sáng nay, tôi sợ mái nhà sẽ bị dột nhiều, nhưng may mắn, trời chỉ mưa nhẹ thôi. Bây giờ khí hậu đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta thấy được mặt trời rồi. Sáng hôm nay khí hậu thật khác biệt. Trời âm u và có gió lớn, tôi ngại rằng mái nhà có thể bay mất. Mỗi lần nhìn thấy mái nhà dột này, tôi lại nhớ tới một câu kinh pháp cú... đúng ra là hai câu. Câu đầu tiên mô tả tình trạng của căn nhà, nhưng hy vọng câu thứ hai sẽ không áp dụng cho chúng ta, hay chỉ áp dụng ít thôi. Câu kệ này Đức Phật nói ra có liên hệ đến người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật là Nanda.

    ĐỨC PHẬT TRỞ VỀ THÀNH PHỐ QUÊ HƯƠNG CỦA NGÀI

    Đúng một năm sau ngày Đức Phật thành đạo, theo lời thỉnh mời của phụ thân, Đức Phật trở về thành phố quê hương của Ngài. Theo lịch sử ghi lại thì Ngài trở về cùng với hai chục ngàn vị tăng. Đức Phật đã đi từ Rājagaha đến Kapilavatthu. Ngài trải qua một đoạn đường dài tám trăm cây số. Mỗi ngày Đức Phật và tăng đoàn đi bộ được khoảng mười ba hay mười bốn cây số, nên phải mất sáu mươi ngày mới đến Kapilavatthu, đúng vào ngày rằm tháng tư. Trở về quê quán của mình, Ngài được thân nhân và quần chúng đón tiếp trọng thể. Ngài trú tại ngôi chùa có tên là Nigrodharāma (Chùa Cây Đa). Mặc dầu được thân nhân và phụ thân đón tiếp trọng thể, nhưng có lẽ theo phong tục thời bấy giờ chẳng ai thỉnh mời Ngài dùng cơm vào ngày hôm sau. Bởi thế, ngày hôm sau Đức Phật cùng Chư Tăng ra khỏi chùa, đi khất thực. Nhìn thấy Đức Phật đi khất thực trong thành phố, vua Suddhodana cảm thấy khó chịu và mắc cỡ nên đến nói với Đức Phật rằng:

    Xin Ngài đừng đi khất thực vì làm như thế khiến tôi bất an và xấu hổ lắm”.

    Đức Phật trả lời rằng:

    “Như Lai theo đúng truyền thống của mình”.

    Nhà vua sững sờ nói:

    “Truyền thống của dòng vua Sakya đâu phải là đi ăn xin”.

    Đức Phật trả lời:

    “Như Lai không nói đến truyền thống của dòng vua Sakya. Như Lai nói đến truyền thống của chư Phật trước đây”.

    Tất cả chư Phật, và tất cả môn đệ của các Ngài mỗi sáng đều đi khất thực, và Đức Phật đã theo đúng truyền thống của các Ngài. Nhân dịp này Đức Phật nói lên một câu kệ hướng dẫn cho vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Nghe xong câu kệ, nhà vua bùng nở trí tuệ và đắc quả Tu Đà Hoàn. Vua Suddhodana đưa Phật về hoàng cung. Và tại hoàng cung Đức Phật đã nói lên câu kệ thứ hai. Nghe câu kệ thứ hai, vua Suddhodana đắc quả Tư Đà Hàm và bà mẹ kế của Đức Phật, Maha pachāpāti Gotami đắc quả Tu Đà Hoàn.

    Trong dịp này nhà vua nói đến nàng Yasodharā, ca tụng phẩm hạnh và thái độ của nàng suốt thời gian Đức Phật vắng hoàng cung. Đức Phật bèn nhắc lại một chuyện tiền thân về nàng Yasodharā rồi rời hoàng cung. Đó là ngày thứ hai Đức Phật ở Kapilavatthu.

    HOÀNG TỬ NANDA XUẤT GIA  

    Ngày thứ ba là lễ đăng quang, lễ tân gia và lễ cưới của hoàng tử Nanda. Bởi vì Đức Phật đã trở thành một vị Phật, không thể làm vua, nên ông Hoàng Nanda được chọn kế vị. Sau khi độ ngọ tại hoàng cung theo lời thỉnh mời của vua Suddhodana xong, Đức Phật trao bát cho Nanda. Nanda rất kính trọng Đức Phật nên khi nhận bát từ tay của Đức Phật, Nanda không dám trả bát lại. Bởi thế, Nanda ôm bát theo sau Đức Phật và nghĩ rằng đến đầu cầu thang thì Đức Phật sẽ lấy lại bát. Nhưng đến đầu cầu thang Đức Phật không nhận bát lại. Nanda lại nghĩ: có lẽ sau khi xuống hết cầu thang, Đức Phật nhận lại bát, và cứ thế ông đi theo Đức Phật lần lần ra khỏi hoàng cung. Các cô giúp việc trong nhà cô dâu thấy Nanda đi với Đức Phật bèn vội vã vào thưa lại với cô dâu. Cô dâu mở cửa sổ nhìn xuống la lớn:

    Chàng ơi! hãy mau mau trở về”.

    Nanda quay lại nhìn nàng nhưng vẫn không dám trao bát lại cho Đức Phật. Thế là Đức Phật đi trước, Nanda theo sau, dần dần đi đến chùa. Khi đến chùa Đức Phật hỏi Nanda:

    Nanda! Nanda có thích xuất gia hay không?

    Đây là câu hỏi khó trả lời. Nanda vừa mới cưới một cô gái đẹp nhất nước. Nay Đức Phật, người anh cả mà Nanda kính trọng đang hỏi câu hỏi rất khó trả lời: “Nanda, em có muốn xuất gia hay không?” Nanda kính trọng Đức Phật đến độ không dám nói: “Em không muốn xuất gia”. Do đó, Nanda nói:

    Dạ, em muốn”.

    Thế là Đức Phật bảo Chư Tăng cho Nanda xuất gia. Nanda trở thành một vị Sư ngoài ý muốn của mình.

    LỜI HỨA CỦA ĐỨC PHẬT DÀNH CHO NANDA 

    Sau khi trú ngụ tại chùa Cây Đa một thời gian Đức Phật trở về Rajagaha rồi Sāvāthi để nhận ngôi chùa Jetavāna do Cấp Cô Độc dâng cúng. Nanda và các vị Sư khác đến ở chùa Jetavāna. Nanda không hoan hỉ trong đời sống một Nhà Sư nên không ngần ngại thổ lộ điều này với các vị Sư khác:

    "Tôi không thỏa mãn, tôi không hài lòng với đời sống một Nhà Sư. Tôi cảm thấy không phù hợp sống đời sống một Nhà Sư. Tôi sẽ trở về đời sống thế tục.”

    Các vị Sư nói lại chuyện này với Đức Phật. Ngài gọi Nanda đến hỏi rằng:

    “Có phải thật sự Nanda nói như vậy không?”

    Nanda trả lời:

    “Bạch Đức Thế Tôn, thật vậy”.

    Đức Phật bèn nói:

    “Tại sao Nanda muốn trở về đời sống thế tục?”

    “Bạch Ngài, khi con ôm bát đi sau Ngài, cô dâu nói với con: 'Chàng ơi! hãy mau mau trở về'. Câu nói đó đã ghim vào tim con và ngự trị trong đó, nó xâm chiếm trọn vẹn trái tim con. Bởi vậy, con muốn trở về đời sống thế tục”.

    Kinh điển kể lại rằng, Đức Phật bèn nắm lấy tay Nanda, dùng thần thông đưa Nanda lên cõi trời Đao Lợi. Trên đường đi, Đức Phật chỉ cho Nanda thấy một con khỉ cái có mũi, tai, đuôi bị sứt, đang ôm một cội cây. Khi đến cõi trời, vào cung điện vua trời, Nanda thấy những cô tiên nữ xinh đẹp đang hầu hạ nhà vua. Nanda thích thú ngắn nhìn những cô tiên nữ xinh đẹp ấy. Đức Phật thấy vậy bèn hỏi Nanda:

    Nanda, cô dâu của con so với các cô tiên nữ này, ai đẹp hơn?”. Nanda trả lời:

    Bạch Ngài, nếu so sánh cô dâu của con với những cô tiên nữ này thì cô dâu của con chẳng khác nào con khỉ cái mà con thấy trên đường đi đến đây”.

    Thật ra, tên của cô dâu là Janapāracalyani có nghĩa là “nữ hoàng diễm lệ”. Cô ta rất xinh đẹp và nổi tiếng, nhưng so sánh với những cô tiên này thì Nanda nói cô ta chẳng khác nào con khỉ cái bị sứt mũi, sứt tai, sứt đuôi.

    Đức Phật nói với Nanda:

    Nếu con chịu khó thực hành Giáo Pháp, ta bảo đảm rằng con sẽ có được những vị tiên nữ này”.

    Đức Phật và Nanda trở lại thế gian. Một thời gian sau đó, một số các vị Sư khác biết câu chuyện này chế diễu nói đùa với Nanda: “Nanda là người thực hành Giáo Pháp nhằm mục đích để có được các cô tiên nữ. Nanda chẳng khác nào người làm mướn. Nanda làm việc bởi vì muốn được cái gì đó.”

    NGÀI NANDA ĐẮC QUẢ THÁNH A LA HÁN

    Nhiều vị Sư thường lấy câu chuyện này ra làm trò đùa khiến Nanda hổ thẹn. Vì hổ thẹn nên Nanda quyết định nỗ lực thực hành Giáo Pháp. Chúng ta biết rằng, thoạt đầu, tâm Nanda luôn luôn hướng về nàng dâu, nhưng Đức Phật đã khôn khéo tách rời sự luyến ái của Nanda vào cô dâu bằng cách cho Nanda thấy những cô tiên nữ. Hiện nay tâm Nanda đang hướng về các cô tiên nữ. Bị các vị Sư đùa cợt, chọc ghẹo, Nanda cảm thấy hổ thẹn nên không còn ham thích các cô tiên nữ nữa. Nanda đi đến một nơi vắng lặng để hành thiền. Nhờ nỗ lực tinh tấn thực hành không thối chuyển, Nanda đã đạt tầng mức giác ngộ cao nhất, trở thành một vị A La Hán. Sau khi đắc quả A La Hán, trong đêm đó Nanda đến gặp Đức Phật:

    Bạch Ngài, trước đây, Ngài hứa với con là con sẽ được các cô tiên nữ nếu con sống trong Giáo Pháp. Bây giờ xin Ngài khỏi làm điều đó nữa”.

    Đức Phật trả lời:

    Nanda, Như Lai đã biết điều đó rồi, khi tâm con thoát khỏi mọi bợn nhơ, phiền não thì lời hứa sẽ được giải trừ”.

    Nhưng các vị Sư khác chưa biết Nanda đã trở thành một vị A La Hán. Ngày nọ, các vị Sư hỏi Ngài Nanda:

    Bây giờ hiền hữu thế nào? Hiền hữu có còn thích đời sống của một Nhà Sư không?"

    Nanda trả lời:

    Các hiền hữu, tôi không còn tham muốn trở về đời sống thế tục nữa”.

    Các vị Sư không tin lời nói đó, vì nghĩ rằng: “Nanda đã nói lời không thật. Bởi vì khi trả lời rằng: Tôi không còn tham muốn trở về đời sống thế tục thì câu này hàm nghĩa: Tôi không còn tham ái, tôi đã trở thành một vị A La Hán”.

    Bởi thế, các vị bèn bạch lại với Đức Phật:

    Bạch Ngài, Nanda nói rằng: Nanda không còn ham muốn trở lại đời sống thế tục, phải chăng Nanda tự tuyên bố rằng mình đã trở thành một vị A La Hán”.

    Đức Phật dạy:

    Những điều Nanda nói là sự thật. Trước đây, tâm của Nanda giống như căn nhà có mái vụng lợp, tham ái có thể xuyên qua tâm Nanda. Nhưng nay tâm Nanda giống như căn nhà có mái khéo lợp nên phiền não, tham ái không còn đi vào tâm của Nanda nữa. Nanda đã thoát khỏi mọi bợn nhơ, mọi phiền não, đã trở thành một vị A La Hán.”

    PHIỀN NÃO KHÔNG THỂ XUYÊN THẤU TÂM KẺ THUẦN THỤC

    Như mưa thấm qua mái nhà vụng lợp,

    Phiền não xuyên thấu tâm của kẻ chưa thuần thục”.

    (Pháp Cú Kinh, câu 13)

    Như mưa không thể thấm qua mái nhà khéo lợp,

    Phiền não không thể xuyên thấu tâm kẻ thuần thục”.

    (Pháp Cú Kinh, câu 14)

    Khi mái nhà được lợp kỹ càng, khéo léo nước mưa không thể thấm vào. Cũng vậy, khi tâm đã được phát triển tốt đẹp, có nghĩa là khi tâm đã được thuần thục nhờ thực hành Thiền Minh Sát thì tham ái, dính mắc, phiền não không thể xuyên thấu, không thể xâm nhập vào tâm được.

    Ở đây, Đức Phật chỉ nói đến tham ái, tham ái dưới mọi hình thức, mà không nói đến các phiền não khác. Nhưng khi tâm thật sự phát triển và thuần thục thì không những tham ái mà cả sân hận, si mê và tất cả các phiền não khác đều không thể nào xâm nhập, xuyên thấu vào tâm được. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải lợp mái nhà cho thật kỹ càng, khéo léo để nước mưa không thể thấm vào. Chúng ta phải siêng năng thực tập, phải phát triển tâm mình bằng cách luôn luôn chánh niệm, luôn luôn hành thiền để cho phiền não không thể xuyên thấu hay xâm nhập vào tâm ta. Tinh tấn thực tập để ít nhất phiền não, tham ái không hoàn toàn tràn ngập tâm ta. Muốn phát triển tâm trở nên hoàn hảo, thoát khỏi mọi phiền não, chúng ta cần phải hành Thiền Minh Sát.

    KẾT LUẬN 

    Như vậy, chú tâm chánh niệm, tinh tấn trong việc hành thiền luôn luôn là chìa khóa để mở mang tâm trí. Trong một bài kinh khác, Đức Phật dạy Nanda chánh niệm về thân. Ngài dạy Nanda chú tâm vào từng bộ phận của cơ thể để thấy chúng đáng ghê tởm, không đáng dính mắc. Sau đó, thực tập Thiền Minh Sát, dùng trí tuệ quán sát cơ thể để thấy chúng vô thường, khổ, và vô ngã.

    Ở đây, ta thấy Đức Phật đầu tiên dạy cho Nanda hành Thiền Định, là quán sát thân ô trược, sau đó chuyển qua Thiền Minh Sát bởi vì chỉ có Thiền Minh Sát mới đưa đến giác ngộ đạo quả. Chúng ta phải biết rằng, ở đây Ngài Nanda nỗ lực tinh tấn hành thiền với quyết tâm loại trừ tham ái chứ không phải để được các nàng tiên nữ như trước đây nữa nên mới giác ngộ đạo quả. Trong bảng chú giải Kinh Pháp Cú không thấy nói đến Đức Phật đã dạy đề mục gì cho Nanda, chỉ nói là Nanda thấy Chư Tăng chế giễu mình nên đã hồi tâm, tinh tấn nỗ lực hành thiền và trở thành một vị A La Hán.

    Ngày nay, chúng ta cố gắng thực tập, cố gắng huấn luyện, phát triển tâm. Chúng ta cố gắng loại trừ phiền não trong tâm bằng cách thực hành chánh niệm. Khi tâm chánh niệm thì phiền não không có cơ hội để xuyên thấu hay tràn ngập tâm. Căn nhà có mái lợp vụng hay thưa, nước có thể thấm vào mái, lọt vào căn nhà và làm thiệt hại đồ đạc bên trong. Cũng vậy, khi phiền não lọt vào tâm thì tâm sẽ bị ô nhiễm. Khi tâm bị ô nhiễm sẽ đem lại cho ta những kết quả thật tai hại, đau đớn, sầu khổ và nhiều điều đáng tiếc khác. Hiện tại, chúng ta đang đau khổ vì có thân ngũ uẩn này.

    Những hiện tượng xảy ra trên thân ta là những hiện tượng tự nhiên, thuận theo nghiệp lực và các nhân duyên khác. Sở dĩ chúng ta đau khổ vì chúng ta nhận chịu kết quả của phiền não trong quá khứ. Những chuyện đã xảy ra khiến chúng ta đau buồn khổ sở là kết quả của nghiệp quá khứ, kết quả của tham lam, sân hận si mê trong quá khứ. Để phiền não quấy nhiễu, làm ô nhiễm tâm trong hiện tại sẽ đưa đến kết quả là chúng ta sẽ gặt hái đau khổ trong tương lai. Nếu chúng ta không muốn đau khổ nữa, muốn an toàn thoát khỏi mọi phiền não trong tâm, thì hãy cố gắng làm một mái nhà cho tâm thật tốt để nước tham ái khỏi thấm vào nhà tâm. Hành Thiền Minh Sát là chúng ta đã làm một mái nhà an toàn cho tâm, ngăn ngừa nước mưa phiền não, tham ái thấm vào nhà tâm.

    Sáng hôm nay, dù thời tiết xấu, chúng ta cũng đã cố gắng tiếp tục hành thiền như thường lệ. Tôi rất hoan hỉ vì bây giờ trời quang mây tạnh. Hy vọng rằng các bạn cũng rất hoan hỷ đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hành thiền chánh niệm ngày hôm nay.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.