Mục lục giảng giải lịch sử Phật Giáo

Mục lục giảng giải lịch sử Phật Giáo

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    LỊCH SỬ PHẬT PHÁP

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông

    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    MỤC LỤC GIẢI VỀ THỜI KỲ PHẬT GIÁO TRUYỀN SANG CÁC NƯỚC, SAU PHẬT NHẬP DIỆT

    1)  Phật giáo 1 - 99 năm, tăng chúng trong sạch, còn thọ trì y theo Chánh pháp.

    2)  Phật giáo 100 năm, tăng chúng Ấn Độ chia ra làm hai phái là: phái Nguyên Thủy (Theravāda) và phái Tân Tiến (Vajjiputtra) tục gọi là Đại thừa Phật giáo.

    3)  Phật giáo 205-221 năm, bọn ngoại đạo vào tu lẫn lộn trong Phật giáo rất nhiều, tăng chúng chia ra làm nhiều phe.

    4)  Phật giáo 218-250 năm, đức hoàng đế A-dục (Asoka) trục xuất bọn ngoại đạo và ngài rất thành tín bảo tồn Phật Pháp được hưng thạnh đến cực điểm, hơn các thời kỳ. Đến năm 620, đức vua Kaniska cho thợ tạo tượng Phật bằng đá rất nhiều, và phái người đem truyền sang các nước.

    5)  Trong thời kỳ Phật giáo 620 năm, phái Đại thừa phát tạo tượng Phật Adibuddha Dhānibuddha và Bodhisatva trong miền bắc Ấn Độ.

    6)  Phật giáo 900 năm, trong đời vua Candragupta có tạo tượng Phật tại xứ Magadha (Trung Ấn Độ).

    7)  Phật giáo 1.100-1.200 năm, có tạo tháp Phật theo khuôn mẫu phái Đại thừa tại xứ Crivijaya (Java).

    8)  Phật giáo 1.400 năm có tạo tháp Phật theo khuôn mẫu phái Tiểu thừa và Đại thừa tại xứ Labapuri (Cao Miên).

    9)  Phật giáo 1.800-1.893 năm, có tạo tháp Phật theo phe Tích Lan (Ceylan) tại xứ Sukhodaya (Xiêm).

    10)Phật giáo 1.900-2.310 năm, có tạo tháp Phật theo khuôn mẫu phái Tiểu thừa tại xứ Criyudhya (Xiêm).

    11)Phật giáo 2.325 năm, có tạo tháp Phật theo phái Tiểu thừa tại kinh đô Bangkok (Xiêm).

    MỤC LỤC GIẢI VỀ THỜI KỲ CÓ THÁP PHẬT TRONG CÁC NƯỚC

    1)  Thời kỳ Phật giáo năm đầu, có tám tháp Phật đầu tiên trong nước Trung Ấn Độ.

    2)  Thời kỳ Phật giáo 223 năm, trong đời hoàng đế A-dục, ngài có tạo tháp Phật bằng gạch và bằng đá rất nhiều (Trung Ấn Độ).

    3)  Thời kỳ Phật giáo 400 năm, trong đời vua Alexandri, mới có tạo tượng Phật trong thế gian lần đầu hết (Bắc Ấn Độ).

    4)  Thời kỳ Phật giáo 236 năm, trong đời hoàng đế A-dục, Phật giáo truyền sang đến các nước ngoài Ấn Độ.

    5)  Thời kỳ Phật giáo 400 năm, Phật Pháp được thạnh vượng trong nước Gandhara (đời vua Alexandri).

    6)  Thời kỳ Phật giáo 620-950 năm, phái tân tiến (Ācāryavāda) hoặc gọi là Đại thừa được hưng thạnh trong nước Gandhara.

    7)  Thời kỳ Phật giáo 900 năm, Phật giáo trong nước Ấn Độ suy hại cho đến ngày nay.

    8)  Thời kỳ Phật giáo 236 năm, trong đời hoàng đế A-dục, phái Nguyên Thủy hoặc gọi là Tiểu thừa Phật giáo đến gieo giống trong nước Tích Lan (Ceylan) và được thạnh vượng rất lâu dài.

    9)  Thời kỳ Phật giáo 1.600 năm, Phật giáo trong nước Tích Lan suy vi.

    10) Thời kỳ Phật giáo 1608-1662 năm, trong đời vua Qui-ja-dá-ba-hú (Vijayabāhu) Phật giáo hưng thạnh trở lại.

    11) Thời kỳ Phật giáo 1663-1695 năm Phật giáo suy vi trở lại.

    12) Thời kỳ Phật giáo 1695 năm, trong đời vua Bá-rác-cá-má-ba-hú (Parakkamabāhu) Phật giáo thạnh hành trở lại.

    13) Thời kỳ Phật giáo 1893-2310 năm, Phật giáo trong nước Tích Lan suy vi trở lại nữa.

    14)Thời kỳ Phật giáo 500 năm, Tiểu thừa Phật giáo đến gieo giống trong nước (Dvāvati) và được thạnh vượng khá lâu.

    15)Thời kỳ Phật giáo 1.200-1.500 năm nước Xiêm và Cao Miên đều thọ trì Đại thừa Phật giáo và được thạnh vượng khá lâu.

    16)Thời kỳ Phật giáo 1.600 năm, trong đời hoàng đế Á-nú-rút-thá (Miến Điện), Tiểu thừa Phật giáo được thạnh vượng trong nước Bhūkama.

    17)Thời kỳ Phật giáo 1.600 năm, nước Xiêm qui theo Tiểu thừa Phật giáo của nước Miến Điện.

    18)Thời kỳ Phật giáo 1.800-1893 năm, Xiêm và Cao Miên giữ theo phái Nguyên Thủy (Tiểu thừa) phe Tích Lan (Ceylan).

    19)Thời kỳ Phật giáo 1950-2200 năm, Tiểu thừa Phật giáo được thạnh vượng trong nước Lào (Laos) và trở lại suy vi từ năm 2201 năm.

    20)Thời kỳ Phật giáo 1893-2300 năm, Tiểu thừa Phật giáo xứ Ayudhya lúc đầu được hưng thạnh, sau rốt rồi suy bại.

    21)Kể từ thời kỳ Phật giáo 2325 năm, lúc đầu suy vi, từ đời vua Cham-klao cho đến ngày nay được càng thêm thạnh vượng (Xiêm).

    GIẢI TÓM TẮT VỀ MẤY KỲ KẾT TẬP TAM TẠNG

    1)  Kết tập kỳ nhứt (Pathama saṅgāyanā), sau khi Phật tịch 4 tháng, hội họp 500 vị đại A- la-hán, đại đức Kassapa tọa chủ, đức vua Ājātāsatru hộ pháp, nhóm trọn 7 tháng, tại hang Vebhara.

    2)  Kết tập kỳ nhì (Dutiyasaṅgāyanā), sau khi Phật diệt 100 năm, hội họp 700 vị đại A-la- hán, đại đức Sabbakāmi tọa chủ, đức vua Kalasoka hộ pháp, nhóm trọn 8 tháng, tại Trúc lâm tịnh xá (Velukārāma), gần thành Vesali.

    3)  Kết tập kỳ ba (Tatiyasaṅgāyanā), sau khi Phật tịch 234 năm, hội hợp1.000 vị đại A-la- hán, đại đức Mauggaliputtatissa tọa chủ, đức hoàng đế Asoka hộ pháp, nhóm trọn 9 tháng, tại A-dục tịnh xá (Asokārāma) gần thành Pataliputtra, hoàng đế A-dục có trục xuất 60.000 vị tỳ khưu không thông tạng luật, là bọn ngoại đạo giả vào tu trong Phật Pháp.

    4)  Kết tập kỳ thứ tư (Catutthasaṅgāyanā), sau khi Phật tịch 236 năm, đại đức Mahinda đem Phật pháp sang gieo giống bên đảo Tích Lan (y theo lời Phật đã tiên tri) và hội họp 63 vị đại A-la-hán với 500 đại đức tỳ khưu, đại đức Mahinda và Arittha tọa chủ, đức vua Devānampiyatissa hộ pháp, nhóm trọn 10 tháng tại tịnh xá Mandapathūparāma gần thành Anurādhapurī.

    5)  Kết tập kỳ năm (Pañcāmasaṅgāyanā), sau khi Phật tịch 437 năm, nhân các vị A-la-hán thấy tăng đồ càng ngày càng giảm trí tuệ, ít có bực thông suốt nằm lòng Tam tạng, nên các Ngài lựa cả A-la-hán và phàm Tăng (sở trường Tam tạng) trên 1.000 vị, đức vua Vattagāmaniabhaya hộ pháp, nhóm tại núi Abhayagiri gần thành Anurādhapurī, để chép Tam tạng bằng tiếng Tích Lan cả và lời chú giải vào lá thốt nốt, trọn một năm mới xong.

    TRÍCH LỤC TRONG PHẬT NGÔN

    Đức Phật đáp câu hỏi về sự dâng cúng thịt.

    Trong Kinh Jīvakasūtra bộ Majjhimanikāya, Majjhimapaññāsaka có ghi rằng:

    Thuở nọ, Đức Phật ngự nơi rừng xoài của ngự y Jīvaka gần kinh đô Rājagaha, có ngự y Jīvaka đến bạch hỏi rằng: Bạch Đức Thế Tôn, tôi được nghe rằng những người giết thú, chú tâm dâng đức Cồ Đàm; đức Cồ Đàm cũng biết, song vẫn thọ thịt mà người chú tâm giết thú đem dâng cúng, cho họ phải phạm tội. Những người nói như thế đó gọi là nói đúng theo lẽ đạo chăng? Phật phán rằng: Không đúng, vì Như Lai đã có cấm chế rằng: Bậc Sa-môn không nên dùng thịt do ba lẽ: thịt mà mình thấy họ giết thú cho mình dùng, thịt mà mình được nghe họ giết thú cho mình dùng, thịt mà mình đã nghi họ giết thú cho mình dùng. Cả ba thứ thịt đó, Như Lai cấm, không cho tỳ khưu dùng. Như Lai cho phép dùng ba thứ thịt khác, là thịt mà mình: không thấy, không nghe, không nghi rằng họ giết thú cho mình dùng. Phán như thế rồi Phật lại giảng thuyết về tình trạng mà tỳ khưu có tâm: từ (metta), bi (karunā), hỷ (mudutā), xả (upekkhā) đối với chúng sanh, không ưa thích cho chúng sanh nào thác, không ưa thích cho chúng sanh nào bị giết, rồi Ngài giải rằng: Người nào giết chúng sanh và chủ ý dâng thịt đem dâng đến Như Lai hoặc các hàng Thinh văn của Như Lai, người đó hằng bị tội trong năm thời là: trong thời bảo người đi bắt thú đó đến, trong thời mà thú đó bị buộc trói, trong thời dạy người giết thú đó, trong thời mà thú đó chịu khổ, trong thời đem dâng cho Như Lai hoặc các hàng Thinh văn của Như Lai dùng thịt không nên, như thế đó. Vị ngự y Jīvaka bèn tán dương rằng: Chư vị tỳ khưu thường dùng thịt nên dùng, chẳng có tội lỗi chi cả, như vậy.

    Trong bộ Cūlavagga (tạng luật) có ghi chuyện thầy tỳ khưu Devadatta(17) rằng: Khi thầy Devadatta ngụ trong nơi thanh vắng có nghĩ rằng: Ta nên làm cho người nào tín ngưỡng, rồi sẽ được nhiều lợi danh. Vừa nghĩ như thế đó thì rõ ràng: Hoàng tử Ajātasatrū(18) còn thiếu niên, sẽ được trưởng thành và có nhiều tương lai tốt đẹp, ta nên làm cho hoàng tử Ajātasatrū tín ngưỡng, mới được nhiều lợi danh; nghĩ rồi tự mình biến làm một người trẻ tuổi, bị rắn quấn chung quanh mình, rồi bay đến ngồi trên bắp vế hoàng tử Ajātasatrū. Hoàng tử thấy liền phát tâm kinh sợ, thầy Devadatta lập tức huờn hình lại là vị tỳ khưu như cũ. Từ đó đức hoàng tử hết lòng trong sạch, tín ngưỡng, thân mật với thầy Devadatta. Mỗi ngày, buổi mai và chiều đều vào hầu thầy Devadatta. Mỗi buổi mai đem dâng 500 mâm cơm. Thầy Devadatta bị lợi danh đè nén, rồi bèn tính: Ta sẽ thống trị tăng già. Vừa nghĩ như thế thì thần thông liền tiêu diệt. Lúc đó, có vị trời Kakudha biết rõ tâm của Devadatta, lập tức hạ san, bạch với đại đức Mục Kiền Liên (Moggallāna) rằng: Thầy Devadatta vì lợi danh đè nén, nên tính muốn thống trị Tăng già, vừa tính thì thần thông liền tiêu mất. Bạch rồi lui ra. Đại đức Mục Kiền Liên vội vàng vào bạch với Phật, theo lời của vị trời Kakudha đã nói. Phật bèn phán rằng: Này Mục Kiền Liên! Vị trời Kakudha nói lẽ nào, lời ấy thật sẽ như vậy. Ngươi hãy chi nhớ lời ấy. Không bao lâu, trong giờ Phật đang thuyết pháp, trong giữa hàng thính giả, có đức vua tọa chủ, thầy Devadatta đứng dậy, chấp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã già yếu rồi, xin Ngài đừng bận lòng, hãy ngự an đi, nhường tỳ khưu tăng cho tôi thống trị. Phật đáp: Không nên đâu Devadatta, ngươi chớ nên vừa lòng với sự thống trị tăng già. Nhưng thầy Devadatta cầu xin đến ba lượt, Phật phán rằng: Ngay cả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mà Như Lai cũng không nhượng cho, phương chi đến ngươi, “như người nuốt nước miếng mình”.(19) Khi Devadatta được nghe như thế đó, thì sân hận bất bình rằng: Đức Thế Tôn nói ta là người nuốt nước miếng mình, tán dương đức Xá Lợi Phất và Đức Mục Kiền Liên. Đây là sự giận, tức lần đầu của Devadatta đối với Phật.

    Liền khi đó, Phật dạy các tỳ khưu rằng: Này các thầy! Hãy cho tăng bố cáo trong kinh đô Rājagaha rằng: Khi trước thầy Devadatta có hành vi khác, nay khác. Thầy Devadatta làm điều nào bằng thân, khẩu, ý điều đó Phật, Pháp, Tăng không nhìn nhận nữa. Không bao lâu, thầy Devadatta lại vào xin Phật năm điều sau này nữa là: xin cho tỳ khưu ở tu trong rừng đến trọn đời, xin cho tỳ khưu đi khất thực đến trọn đời, xin cho tỳ khưu dùng vải dơ lượm được rồi giặc may làm y mặc đến trọn đời, xin cho tỳ khưu ở tu dưới cội cây đến trọn đời, xin không cho tỳ khưu ăn cá, thịt đến trọn đời.

    Năm điều cầu xin ấy Đức Phật không nhận cho và phán rằng:

    1)  Thầy tỳ khưu phải tu trong rừng, hoặc được phép ngụ nơi tịnh thất mà thí chủ phát tâm trong sạch dâng cúng cũng được.

    2)  Thầy tỳ khưu phải đi khất thực, hoặc được phép thọ thực mà thí chủ phát tâm trong sạch yêu cầu dâng cúng cũng được.

    3)  Thầy tỳ khưu phải dùng vải dơ lượm được, rồi giặc may làm y mà mặc, hoặc được phép thọ y mà thí chủ phát tâm trong sạch dâng cúng cũng được.

    4)  Thầy tỳ khưu tùy thích được phép tu dưới cội cây trong 8 tháng (ngoài mùa hạ) hoặc ngụ nơi chùa cũng được.

    5)  Thầy tỳ khưu được phép thọ tam tịnh nhục là thứ thịt mà thầy không nghe, không thấy, không nghi họ giết thú cho mình dùng.

    Ông Pierre Salet, dịch giả cuốn Les paroles du Bouddha có trích diễn câu này:

    Ce qui nous rend impurs, ce n’est pas manger de la viande, mais c’est la haine, I’intempérance, I’entelement, la bigoterie, la fourberie, I’envile, I’orgueil, la complaisance pour les hommes injustes.

    Nghĩa: Những điều làm cho chúng ta bất tịnh không phải là sự ăn thịt (ăn mặn) mà lòng oán hận, không tiết độ, ngoan ngạnh, mê tín, gian xảo, tật đố, kiêu căng, xiêu lòng theo kẻ bất chánh.

    TRÍCH TRONG PHẬT HỌC TỰ ĐIỂN

    Trai hựu tác thời: chữ trai là thời.
    Trai thực thời thực giả: ăn chay là ăn đúng buổi vậy.
    Trai giả vị bất quá trung thực: trai ấy nói: sự ăn không quá ngọ.
    Chánh ngọ dĩ tiền sở tác chi thực sự giả: đúng ngọ về trước, nên ăn vậy.
    Giới luật thượng: trong giới luật.
    Ư thực phân thời phi thời: có chia về sự ăn, làm: thời và phi thời.
    Chánh ngọ dĩ tiền vi chánh thời: đúng ngọ về trước là chánh thời.
    Dĩ hậu vi phi thời: về sau là phi thời.
    Thời giả nghi thực: chánh thời nên ăn.
    Phi thời giả bất nghi thực: phi thời chẳng nên ăn.
    Nhơn nhi thời trung chi thực vi trai thực: nhơn đó ăn trong thời là ăn chay (trai thực).
    Tự điển viết: tự điển nói.
    Trai giới giả, kỉnh giả: trai là giới vậy, kính vậy.
    Thị thông ư nhứt thiết: ấy là nghĩa chung cả thảy.
    Phạn danh ô bô sa tha: tiếng phạn kêu là uposatha.
    Hựu viết bố tát: lại cũng nói rằng bồ-tát.

    Thuyết thức giả, thanh tịnh chi nghĩa: ấy là nói rõ cái nghĩa thanh tịnh vậy.
    Hậu chuyển viết trai viết thời: sau đổi: nói rằng: trai là thời.
    Chánh chỉ bất quá trung trực chi pháp: chính, chỉ có phương pháp ăn không quá ngọ(20).
    Thủ chi viết trì trai: vâng giữ như thế gọi là trì trai.
    Thị vi trai chi bản nghĩa: ấy là nghĩa chính chữ trai.
    Nhiên hậu hựu nhứt chuyển nhi vi bất vi nhục thực: nhưng sau lại, tóm quát cả, đổi là không nên ăn thịt.
    Thử nhơn đại thừa giáo chi bản ý: đó là do cái bản ý đại thừa giáo.
    Trí trọng cấm nhục thực: rất nặng về sự cấm ăn thịt.
    Toại viết trì trai giả, cấm nhục thực giả: bèn gọi người trì trai rằng: (người) cấm ăn thịt vậy.
    Tinh tấn vân giả, duy bất nhục thực chi sự giả: nói rằng: người tinh tấn, chỉ có sự không ăn thịt vậy.

    ‒ Dứt tác phẩm Lịch sử Phật pháp (Pl.2497-Dl.1954) ‒

    -oo0oo-

    (17) Đề bà đạt đa là vị tỳ khưu nghịch với Phật.
    (18) A xà thế là hoàng tử của đức vua Bimbisara (Tần bà xa).
    (19) Ám chỉ rằng người gạt gẫm quần chúng, mong được lợi danh thế sự.
    (20) Chỉ có phương pháp không ăn quá ngọ là đúng đắn.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.