Năng lực phước thiện của phép quy y Tam bảo

Năng lực phước thiện của phép quy y Tam bảo

    NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)

    QUYỂN II

    QUY-Y TAM-BẢO (TISARAṆA)

    Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

     

    NĂNG LỰC PHƯỚC-THIỆN CỦA PHÉP QUY-Y TAM-BẢO

    Tích người ngư dân tên Damila (1) suốt cuộc đời làm nghề đánh cá nuôi mạng, đến 50 tuổi ông lâm bệnh nặng nằm trên giường, không thể ngồi dậy được, hằng ngày phải nhờ người vợ chăm nom săn sóc. Một hôm, Ngài Đại-đức đi khất thực, đứng trước nhà, bà chủ nhà (vợ của ngư dân) thỉnh mời Ngài Đại-đức vào nhà, Ngài Đại-đức ngồi gần ông Damila.

    Với giọng yếu ớt, ông Damila bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại-đức, suốt bao nhiêu năm qua, con chưa có một lần nào hầu gặp Ngài Đại-đức, cũng không dâng cúng dường Ngài Đại-đức một thứ gì cả, con có ân nghĩa gì đáng cho Ngài Đại-đức đến thăm con.

    Với tâm-bi, mong bệnh nhân bớt khổ, Ngài Đại-đức bèn hỏi:

    - Này ông Damila! Bệnh tình của ông như thế nào?

    Người vợ thay ông bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại-đức, bệnh tình rất trầm trọng.

    Ngài Đại-đức hỏi tiếp rằng:

    - Này ông Damila! Ông có muốn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới hay không?

    Ông Damila với giọng yếu ớt bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại-đức, con muốn được thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới. Bạch Ngài.

    Ngài Đại-đức hướng dẫn ông Damila thọ phép quy-y Tam-bảo:

    - Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Ông Damila lặp lại theo Ngài:

    - Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, ...

    Ngài Đại-đức hướng dẫn, còn ông Damila lặp lại theo Ngài Đại-đức phép quy-y Tam-bảo vừa xong, thì ông Damila không còn hơi để lặp lại thêm được nữa, rồi tắt thở, mà chưa kịp thọ trì ngũ-giới.

    Sau khi ông Damila chết, phước-thiện thọ phép quy-y Tam-bảo lúc lâm chung cho quả tái-sinh làm vị thiên- nam trong cõi trời Tứ-đại-thiên-vương. Vị thiên-nam suy xét rằng:

    “Nhờ phước-thiện nào, mà ta được hóa-sinh làm thiên-nam như thế này?”

    Vị thiên-nam liền nhớ lại tiền-kiếp, biết rõ nhờ phước-thiện thọ phép quy-y Tam-bảo vừa xong, mà chưa thọ trì ngũ-giới. Nhớ ơn Ngài Đại-đức đã có tâm-bi thương xót cứu khổ, nên vị Thiên-nam từ cõi trời liền hiện xuống đảnh lễ Ngài Đại-đức bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại-đức, kiếp này con là thiên-nam trong cõi trời Tứ-đại-thiên-vương. Sở dĩ, con được hóa- sinh làm thiên-nam, là nhờ Ngài Đại-đức có tâm bi thương xót tế độ cho con thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, con chỉ thọ phép quy-y Tam-bảo vừa xong, mà chưa kịp thọ trì ngũ-giới, thì con đã đã hết hơi, tắt thở chết ngay khi ấy.

    Nhờ phước-thiện thọ phép quy-y Tam-bảo ấy cho quả hóa-sinh làm kiếp thiên-nam như thế này. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài Đại-đức, với lòng biết ơn Ngài Đại-đức vô hạn của con.

    Kính xin Ngài Đại-đức có tâm bi tế độ con, cho con thọ đầy đủ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong các tầng trời cao hơn.

    Ngài Đại-đức có tâm bi tế độ hướng dẫn vị thiên-nam thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.

    Vị thiên nam vô cùng hoan hỷ biết ơn Ngài Đại-đức vô hạn, thành kính đảnh lễ Ngài Đại-đức, xin phép trở về cõi trời, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời.

    Qua tích người ngư dân Damila làm nghề đánh cá nuôi mạng, cả cuộc đời không làm phước-thiện nào đáng kể. Đến lúc gần lâm chung, người ngư dân Damila có phước duyên được Ngài Đại-đức đến thăm viếng, ông phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, được thọ phép quy-y Tam-bảo trước lúc lâm chung.

    Nhờ cận-tử thiện-nghiệp (āsannakusalakamma) thọ phép quy-y Tam-bảo có năng lực phi thường có khả năng đặc biệt ngăn được mọi ác-nghiệp sát-sinh đã tạo cả cuộc đời, để cho phước-thiện thọ phép quy-y Tam-bảo có cơ hội cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tứ- đại-thiên-vương, cõi thấp trong 6 cõi trời dục-giới, có tuổi thọ 500 năm tuổi trời, so với cõi người bằng 9 triệu năm, bởi vì, 1 ngày 1 đêm ở cõi trời Tứ-đại-thiên-vương bằng 50 năm ở cõi người.

    Như vậy, năng lực của phước-thiện thọ phép quy-y Tam-bảo thật phi thường!

    10 QUẢ BÁU CỦA PHÉP QUY-Y TAM-BẢO

    Trong bài kinh Sakkasutta (1) được tóm lược như sau:

    Một thuở nọ, Đức-vua trời Sakka (Đế-Thích) cùng 500 chư-thiên đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna xong, đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna dạy Đức-vua trời Sakka rằng:

    - Này Đức-vua trời Sakka! Phép quy-y Đức-Phật-bảo là pháp cao thượng. Số chúng-sinh trong đời này, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, đã thọ phép quy-y Đức-Phật-bảo, sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp thọ

    phép quy-y Đức-Phật-bảo cho quả tái-sinh làm vị thiên- nam, hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời.

    Số chư-thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt là tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, an-lạc cõi trời, danh thơm tiếng tốt cõi trời, địa vị cao quý cõi trời, sắc cõi trời, thanh cõi trời, hương cõi trời, vị cõi trời, xúc cõi trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư-thiên khác trong cõi trời ấy.

    Tương tự như trên:

    - Này Đức-vua trời Sakka! Phép quy-y Đức-Pháp- bảo là pháp cao thượng. Số chúng-sinh trong đời này, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo đã thọ phép quy-y Đức- Pháp-bảo, sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp thọ phép quy-y Đức-Pháp-bảo cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời.

    Số chư-thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt là tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, an-lạc cõi trời, danh thơm tiếng tốt cõi trời, địa vị cao quý cõi trời, sắc cõi trời, thanh cõi trời, hương cõi trời, vị cõi trời, xúc cõi trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư-thiên khác trong cõi trời ấy.

    - Này Đức-vua trời Sakka! Phép quy-y Đức-Tăng- bảo là pháp cao thượng. Số chúng-sinh trong đời này, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo đã thọ phép quy-y Đức- Tăng-bảo, sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp thọ phép quy-y Đức-Tăng-bảo cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời.

    Số chư-thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt là tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, an-lạc cõi trời, danh thơm tiếng tốt cõi trời, địa vị cao quý cõi trời, sắc cõi trời, thanh cõi trời, hương cõi trời, vị cõi trời, xúc cõi trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư-thiên khác trong cõi trời ấy.

    Quả báu của phép quy-y Tam-bảo vô cùng lớn lao và phong phú, cũng rất phi thường, bởi vì đại-thiện-nghiệp phép quy-y Tam-bảo có năng lực thật là phi thường.

    TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÉP QUY-Y TAM-BẢO

    Phép quy-y Tam-bảo có một tầm quan trọng trong Phật-giáo như thế nào?

    * Lễ thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành vị Tỳ-khưu.

    * Lễ thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành vị Sa-di.

    * Lễ thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành người cận-sự- nam, cận-sự-nữ.

    - Lễ thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành vị Tỳ-khưu như thế nào?

    Trong thời-kỳ đầu Phật-giáo mới phát triển, chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng là bậc Thánh A-ra-hán số lượng rất ít, nên Đức-Phật truyền dạy mỗi vị tỳ-khưu Thánh A-ra- hán đi mỗi con đường để thuyết pháp tế độ chúng-sinh, truyền bá giáo-pháp của Đức-Phật, hai vị tỳ-khưu không nên đi cùng chung một con đường.

    Mỗi vị tỳ-khưu bậc Thánh A-ra-hán đi thuyết pháp tế độ chúng-sinh, nếu có người nam nào phát sinh đức-tin trong sạch, muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu thì vị tỳ- khưu ấy dẫn giới tử về hầu Đức-Phật, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

    Những miền xa xôi, vị tỳ-khưu bậc Thánh A-ra-hán vất vả dẫn giới tử về hầu Đức-Phật, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

    Cho nên, Đức-Phật cho phép tỳ-khưu rằng:

    - Anujanāmi Bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadaṃ.(1)

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách cho thọ phép quy-y Tam-bảo.

    NGHI THỨC THỌ TỲ-KHƯU

    * Giới tử có ý nguyện muốn xuất gia trở thành tỳ- khưu, trước tiên phải cạo tóc, râu, mặc y ka-sa màu lõi mít, để chừa vai bên phải vào đảnh lễ vị Thầy tế độ, ngồi chồm hổm chắp hai tay để trán, xin thọ phép quy-y Tam- bảo bằng tiếng Pāḷi.

    * Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn đọc phép quy- y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi từng chữ, từng câu đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi và giới-tử cũng lặp lại từng chữ, từng câu đúng theo vị Thầy tế-độ như sau:

    Thọ phép quy-y Tam-bảo

    Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Để trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, điều kiện đặc biệt cả 2 bên: bên Thầy tế độ và bên giới-tử đều phải đọc đúng gọi là ubhato suddhi, thì lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu mới thành-tựu, giới-tử chính thức trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo.

    Đó là cách thọ tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo (Saraṇagamanūpasampadā).

    Trải qua một thời gian sau, Phật-giáo càng ngày càng phát triển, tỳ-khưu càng ngày càng đông. Cho nên, Đức- Phật truyền dạy chư tỳ-khưu bỏ cách xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo từ đó.

    Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách tụng một lần tuyên-ngôn (ñatti) và tiếp theo tụng 3 lần thành-sự-ngôn (kammavācā) gọi là ñatticatuttha- kammavācā. Đức-Phật truyền dạy như sau:

    - Yā sā bhikkhave, mayā tīhi saraṇagamanehi upasampadā anuññātā, taṃ ajjatagge paṭikkhipāmi. Anujānāmi bhikkhave, ñatticatutthena kammena upasampādetuṃ.(1)

    - Này chư tỳ-khưu! trước kia, Như-Lai cho phép làm lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo. Kể từ nay về sau, Như-Lai bỏ cách làm lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu ấy.

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép làm lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách tụng 1 lần ñattipāḷi: tuyên- ngôn Pāḷi và tiếp theo tụng 3 lần kammavācāpāḷi: thành-sự-ngôn Pāḷi.

    Cách làm lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu bằng cách tụng 1 lần tuyên-ngôn Pāḷi và tiếp theo tụng 3 lần thành-sự- ngôn Pāḷi gọi là Ñatticatutthakammūpasampadā.

    Cách làm lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu này bắt đầu từ Ngài Trưởng-lão Rādha và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

    Hiện nay, các nước Phật-giáo theo truyền thống nguyên-thủy Theravāda như nước Srilanka, nước Myanmar, nước Thái-Lan, nước Lào, nước Campuchia, Phật-giáo Nguyên-thủy tại Việt Nam, v.v... nghi thức lễ xuất gia trở thành tỳ-khưu hầu hết giống nhau như sau:

    Chư tỳ-khưu-Tăng từ 5 vị trở lên tụ hội tại Sīmā, cử 1 hoặc 2 hoặc 3 vị Đại-đức luật-sư ngồi chồm hổm (ukkuṭika) tụng 1 lần ñattipāḷi: tuyên-ngôn Pāḷi và tiếp theo tụng 3 lần kammavācāpāḷi: thành-sự-ngôn Pāḷi.

    Sau khi tụng xong, giới-tử trở thành tỳ-khưu. Đó là cách xuất gia trở thành tỳ-khưu theo cách tụng Ñatti- catutthakammavācā.

    - Lễ thọ phép quy Tam-bảo trở thành vị sa-di như thế nào?

    Đức-Phật chế định người giới-tử đủ 20 tuổi trở lên, được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu (bhikkhu), người dưới 20 tuổi được phép xuất gia trở thành sa-di (sāmaṇera).

    Đức-Phật cho phép xuất gia thọ Sa-di rằng:

    - Anujānāmi bhikkhave, tīhi saraṇagamanehi sāmaṇera- pabbajjaṃ, evañca pana bhikkhave pabbajjetabbo. (1)

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép xuất gia trở thành sa-di bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo.

    - Này chư tỳ-khưu! Như vậy, gọi là lễ xuất gia trở thành sa-di.

    NGHI THỨC LỄ XUẤT GIA TRỞ THÀNH SA-DI

    Giới-tử có ý nguyện muốn làm lễ xuất gia trở thành sa-di, trước tiên cạo tóc, râu, mặc y ka-sa màu lõi mít, để chừa vai bên phải, vào đảnh lễ Thầy tế-độ, rồi ngồi chồm hổm (ukkuṭika) chắp hai tay để trên trán, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi.

    Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn đọc phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi từng chữ, từng câu đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi và giới-tử cũng lặp lại từng chữ, từng câu đúng theo vị Thầy tế-độ như sau:

    Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Khi giới-tử đã lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy-y Tam-bảo đầy đủ 3 lần đến câu cuối

    “Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi” xong, giới tử ấy chính thức trở thành vị sa-di trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

    Khi ấy, vị sa-di có đầy đủ 10 giới sa-di, 10 pháp hoại, 10 pháp hành phạt, 75 điều học tập, 14 pháp-hành của sa- di cùng một lúc trở thành sa-di không trước không sau.

    Như vậy, để trở thành sa-di trong giáo-pháp của Đức- Phật Gotama, điều kiện đặc biệt cả 2 bên: bên vị Thầy tế độ và bên giới-tử đều phải đọc đúng gọi là ubhato suddhi thì lễ xuất gia trở thành sa-di mới thành-tựu, giới-tử chính thức trở thành sa-di trong Phật-giáo.

    Đó là xuất gia trở thành sa-di bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo.

    * Nếu trường-hợp vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn đọc phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi đúng, nhưng giới-tử lặp lại không đúng theo vị Thầy tế độ thì lễ xuất gia trở thành sa-di không thành tựu, giới-tử không trở thành sa-di trong Phật-giáo.

    * Nếu trường-hợp vị Thầy tế-độ (upajjhāya) hướng dẫn đọc phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi không đúng, nhưng giới-tử lặp lại đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjana- buddhi thì lễ xuất gia trở thành sa-di không thành tựu, giới-tử không trở thành sa-di trong Phật-giáo.

    Trong 2 trường-hợp trên, bên vị Thầy tế-độ và bên giới-tử một bên đúng, một bên không đúng, nên lễ xuất gia trở thành sa-di không thành tựu, bởi vì, sự thành tựu lễ xuất-gia sa-di cần phải đọc đúng cả 2 bên ubhato suddhi, còn một bên đọc đúng, một bên đọc không đúng, hoặc cả 2 bên đều đọc không đúng thì lễ xuất gia trở thành sa-di không thành-tựu, giới-tử không trở thành vị sa-di trong Phật-giáo.

    Hoàng Tử Rāhula khi ấy mới lên 7 tuổi, là vị sa-di đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

    Nghi thức lễ xuất-gia trở thành sa-di bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo này được lưu truyền từ thời-kỳ Đức-Phật mãi cho đến ngày nay trên các nước Phật-giáo nguyên-thủy Theravāda.

    - Lễ thọ phép quy-y tam-bảo trở thành người cận- sự-nam, cận-sự-nữ như thế nào?

    Người nào có nguyện vọng muốn trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) hoặc người cận-sự-nữ (upāsikā), là 1 trong tứ chúng của Đức-Phật Gotama, được gần gũi thân cận với Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.

    Điều trước tiên, người ấy phải có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt hiểu rõ chánh-pháp của Đức-Phật, nhất là 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức-Phật cao thượng, Đức-Pháp cao thượng, Đức-Tăng cao thượng, có nguyện vọng muốn trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) hoặc người cận-sự-nữ (upāsikā) trong Phật-giáo.

    Người ấy cần phải học hỏi, hiểu biết rõ cách thọ mỗi câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng.

    Sau khi học hỏi hiểu biết cách thọ phép quy-y Tam- bảo xong, người ấy đi đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng- lão, kính bạch rằng:

    - Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con có nguyện vọng muốn trở thành người cận-sự-nam (hoặc cận-sự- nữ) được gần gũi thân cận Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.

    - Kính bạch Ngài có tâm từ tế độ con, kính thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo cho con. Bạch Ngài.

    Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam- bảo từng chữ, từng câu và người đệ-tử lặp lại từng chữ, từng câu theo Ngài Đại-Trưởng-lão.

    Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. 

    Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
    Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

    Người đệ-tử lặp lại theo Ngài Đại-Trưởng-lão từng chữ, từng câu:

    * Khi lặp lại câu quy-y Phật: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Phật-bảo.

    * Khi lặp lại câu quy-y Pháp: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 6 ân-đức Pháp-bảo.

    * Khi lặp lại câu quy-y Tăng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Tăng-bảo.

    Lần thứ nhì và lần thứ ba cũng như lần thứ nhất.

    Người đệ-tử lặp lại phép quy-y Tam-bảo theo Ngài Đại-Trưởng-lão đầy đủ 3 lần đúng như vậy, người đệ-tử ấy thành-tựu phép quy-y Tam-bảo. Ngay khi ấy, người đệ-tử được chính thức trở thành một người cận-sự-nam (upāsaka), hoặc người cận-sự-nữ (upāsikā) đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời trọn kiếp.

    Thật ra, địa vị người cận-sự-nam (upāsaka), cận-sự- nữ (upāsikā) là một trong tứ chúng của Đức-Phật thật là cao quý, bởi vì, Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Cũng như vậy, Đức-Pháp, Đức-Tăng xuất hiện trên thế gian cũng là điều khó. Cho nên, người được trở thành cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) cũng là điều rất khó.

    Trong thời-kỳ Tam-bảo xuất hiện trên thế gian, và nơi nào có Phật-giáo đang tồn tại, thì nơi ấy, con người có phước duyên gặp được Phật-giáo, có cơ hội tốt đến xin thọ phép quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: 

    * Quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo.

    * Quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo.

    * Quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo.

    Để được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc cao thượng trong kiếp hiện-tại làm phước duyên cho những kiếp vị-lai.

    Tam-bảo không phải lúc nào cũng hiện hữu trên thế gian này đâu! Khi nào có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian, khi ấy mới có Tam-bảo, mà Đức- Phật xuất hiện trên thế gian này là một điều vô cùng hy hữu, rất hiếm có. Như Đức-Phật đã dạy:

    - Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ...

    - Đức-Phật xuất hiện trên thế gian này là điều khó được.

    Thật vậy, có khi suốt thời gian lâu dài trải qua a-tăng- kỳ kiếp trái đất, mà không có một Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác nào xuất hiện trên thế gian, gọi là Suññakappa: Trái đất không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Thật hy hữu và vô cùng diễm phúc trong kiếp trái đất hiện-tại gọi là Bhaddakappa mà chúng ta đang sống, có 5 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần tự xuất hiện trên trái đất này.

    Trong thời quá-khứ đã có ba Đức-Phật: Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇāgamana và Đức-Phật Kassapa đã xuất hiện trên trái đất này.

    Thời hiện-tại, Đức-Phật Gotama của chúng ta đã xuất hiện và Đức-Phật đã tịch diệt Niết-bàn cách đây 2.563 năm rồi, nhưng giáo-pháp của Đức-Phật còn lưu truyền lại trên thế gian cho đến ngày nay, nên chúng ta có phước- duyên, có cơ hội tốt đến xin thọ phép quy-y Tam-bảo.

    Trong thời vị-lai, Đức-Phật Metteyya sẽ xuất hiện cùng trên trái đất này. 

    Những người nam, người nữ nào đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo xong rồi, những người ấy chính thức trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) hoặc người cận-sự- nữ (upāsikā), là một trong hàng tứ chúng của Đức-Phật Gotama.

    Như vậy, cận-sự-nam, cận-sự-nữ cũng là một địa vị cao quý trong Phật-giáo.

    Trong các bộ Chú-giải Pāḷi giảng giải rằng: Giáo- pháp của Đức-Phật Gotama chỉ tồn tại trên thế gian này khoảng 5.000 năm. Sau thời gian 5.000 năm giáo-pháp của Đức-Phật Gotama bị mai một, bị hoại diệt hoàn toàn, bởi vì không còn các hàng thanh-văn đệ-tử có khả năng giữ gìn duy trì Phật-giáo được nữa.

    Trong thời hiện-tại này, giáo-pháp của Đức-Phật Gotama vẫn còn đang lưu truyền trên thế gian, ba ngôi Tam-bảo vẫn còn hiện hữu. Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có phước-duyên đã thọ phép quy-y Tam-bảo xong rồi, nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, nhất tâm giữ gìn duy trì quy-y Tam-bảo cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.

    Những người ấy, chắc chắn sẽ được quả báu lớn lao, vô cùng phong phú, được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc cao thượng cả trong kiếp hiện- tại lẫn vô lượng kiếp vị-lai, cho đến khi chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

    Cho nên, phép quy-y Tam-bảo có một tầm quan trọng không chỉ đối với bậc xuất gia sa-di, tỳ-khưu, mà còn đối với các hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ nữa.

    NGƯỜI CẬN-SỰ-NAM - CẬN-SỰ-NỮ TRONG PHẬT-GIÁO

    Đối với người cận-sự-nam, cận-sự-nữ còn là hạng phàm-nhân, thọ phép quy-y Tam-bảo là bước đầu tiên vào ngưỡng cửa Phật-giáo. Phép quy-y Tam-bảo của mỗi chúng-sinh phải trải qua 3 giai đoạn:

    * Giai đoạn đầu là giai đoạn thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana).

    * Giai đoạn giữa là giai đoạn có cơ hội tốt theo học pháp-học Phật-giáo tuỳ theo khả năng hiểu biết của mình để làm nền tảng cơ bản cho pháp-hành Phật-giáo đó là pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.

    - Pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả có tác-ý đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác-nghiệp do thân và khẩu, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho pháp-hành thiền- định, pháp-hành thiền-tuệ.

    - Pháp-hành thiền-định là pháp-hành mà hành-giả thực-hành dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới, để hưởng sự an-lạc trong thiền-định trong kiếp hiện-tại, và trong kiếp vị-lai chắc chắn được hóa-sinh lên cõi sắc-giới phạm-thiên hoặc cõi vô-sắc- giới phạm-thiên, tuỳ theo bậc thiền sở đắc của hành-giả, để hưởng sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

    Các bậc thiền còn có thể làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ nữa.

    - Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành mà hành-giả thực- hành để phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, diệt tận phiền-não, tham-ái tuỳ theo mỗi bậc Thánh-đạo-tuệ đồng sinh với mỗi Thánh-đạo-tâm.

    Thánh-đạo-tâm có 4 bậc:

    1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm.

    2- Nhất-lai Thánh-đạo-tâm.

    3- Bất-lai Thánh-đạo-tâm.

    4- A-ra-hán Thánh-đạo-tâm.

    Mỗi sát-na Thánh-đạo-tâm nào phát sinh, bậc Thánh- nhân ấy thành-tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp siêu-tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana).

    Đó là giai đoạn cuối của người cận-sự-nam hoặc cận- sự-nữ đã quy-y Tam-bảo.

    -oo0oo-

    (1) Bộ Chú-giải: Aṅguttaranikāya.

    ---

    (1) Samyuttanikāya, Sāḷāyatana samyutta, kinh Sakkasutta.

    ---

    (1) Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpasampadākathā.

    ---

    (1) Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Paṇāmitakathā.

    ---

    (1) Tìm hiểu rõ đầy đủ, xem quyển “Gương Bậc Xuất Gia” cùng soạn-giả.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.