PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
LUẬT XUẤT GIA TÓM TẮT
(PABBAJITA VINAYA SAṄKHEPA)
Quyển thượng
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
Pl.2510 – Dl.1966
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO ‒ HLAK-BUDDHA-SĀSANA
Tiếng hlak được dịch là cột sâu chôn xuống trong đất. Song tiếng này cũng có nghĩa là dính mắc hay là vững chắc hoặc nền tảng cũng được. Tiếng Buddha dịch là bậc giác ngộ, tỉnh biết, thông suốt nhân quả, có hai hạng: bậc tự mình giác ngộ chân chánh, không thầy chỉ dạy gọi là Đức Chánh Đẳng Chánh Giác hoặc Toàn Giác, tục gọi là Phật Tổ; bậc giác ngộ chân chánh, nhờ được nghe giáo pháp của Đức Toàn Giác, gọi là Đức Thinh Văn Giác. Về phần các bậc tự mình giác ngộ chân chánh, song không chỉ dạy ai, gọi là Đức Độc Giác, không kể vào đây, vì Ngài không có để giáo pháp lại. Tiếng sāsana theo nguyên tự dịch là dạy, do căn tự là sāsa dịch là giáo pháp, khi thay đổi theo văn phạm trở thành sāsana. Hiệp cả ba tiếng hlak-buddha-sāsana lại làm một là hlakbuddhasāsana, dịch là điều dính mắc hoặc vững chắc trong lời dạy của bậc Giác Ngộ khép vào điều vững chắc hay là “Nền Tảng Phật Giáo”.
Nền Tảng Phật Giáo là lời dạy quan trọng của bậc giác ngộ, không phải giáo huấn thông thường. Nếu hiểu theo phần đông người thì nói về ba câu Phật ngôn, có ghi chép rõ rệt trong ovādapaṭimokkha là: sabbapāpassa akaraṇam: không làm tất cả điều dữ; kusalassūpasampadā: làm những việc lành; sacittapariyodapanam: làm cho tâm mình trở nên trong sạch.
Nhưng nếu giải về vấn đề Phật giáo cho phân minh, tức là ba giáo lý giới, định, tuệ gọi là tam học, là các pháp cần phải học.
Giới, định, tuệ là nền tảng Phật giáo. Giới là nền thứ nhứt, định là nền thứ nhì, tuệ là nền thứ ba, cao lên từng bực. Giới là nền thấp, định là nền giữa, tuệ là nền cao, có nhân quả sẽ giải sau này:
NỀN TẢNG PHẬT GIÁO THỨ NHỨT
Gọi là Nền tảng Phật giáo thứ nhứt vì có 9 nguyên nhân trọng yếu là:
- Vì giới là điều nên học tập trước hết, là học cho biết rồi hành theo cho được, nêu không thì chẳng đạt đến bực trên được.
- Vì giới làm cho Phật giáo tốt đẹp phần đầu, khi người đã thực hành theo Phật giáo, gọi là làm các lời dạy đầu tiên của Phật cho càng thêm chơn chánh cao lên, ví như học sinh có hạnh kiểm tốt, là nhờ nơi học đường có sự dạy dỗ đứng đắn, có giáo sư, có người chỉ huy chơn chánh, thế nào, công chúng nhận thức Phật giáo là chơn lý, cũng vì giới là điều quảng cáo trước, cũng như thế đó.
- Vì giới làm cho đắc 3 cái minh là: Trí tuệ nhớ biết được các tiền kiếp của chúng sanh (túc mạng minh), trí tuệ biết rõ sự sanh và sự tử của tất cả chúng sanh (sanh tử minh), trí tuệ biết roc sự diệt trừ phiền não (lậu tận minh).
- Vì giới là điều không dùn, là trung đạo, nếu không có giới, gọi là quá dễ, không có thể làm cho đắc pháp quí cao trong đường đạo đức.
- Vì giới làm cho hành giả tránh khỏi đường thấp hèn là: địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, cầm thú. Khi con người đã có giới rồi, thì không sợ sanh trong cõi khổ, trong cơn hấp hối, được thọ sanh trong nhàn cảnh làm người cao sang hoặc chư Thiên.
- Vì giới làm cho dứt phiền não thô hiển, là sự thương ghét, lầm lạc thái quá, là nguyên nhơn cho làm các nghiệp dữ.
- Vì giới làm cho dứt phiền não ở ngoài, là nhân gây điều tội lỗi (do kẻ khác).
- Vì giới làm cho dứt thập ác nghiệp, là điều không tốt, không xứng đáng đến người lành như sự trộm cắp, người hiền quyết định không làm, họ chỉ tìm cách nuôi mạng chân chánh, tùy theo sức mình.
- Vì giới làm cho hành giả đắc hai quả Thánh bực thấp là Tu-đà-huờn và Tư-đà-hàm.
Do 9 nhân đã giải trên đây, nên các bực trí tuệ mới khép giới là nền tảng Phật giáo thứ nhứt.
Lời vấn về giới.
Tiếp theo đây, xin giải về tiếng giới theo 7 câu vấn đáp của đại đức Buddhaghosācārya, đã soạn để trong Visuddhimaggaga như vầy:
1) Kiṅsīlaṃ: Tiếng giới nói về cái chi?
2) Kenatthena sīlaṃ: Tiếng giới có ý nghĩa thế nào?
3) Kānassa lakkhanarasapaccuppaṭṭhāmapa dhānāni: Giới có tướng, sự, đều rõ rệt pháp ủng hộ thế nào?
4) Kimānisamsam sīlaṃ: Phước báu của giới thế nào?
5) Katividhancetaṃ sīlaṃ: Giới có mấy loại?
6) Kocassa saṅkilesso: Cái chi làm cho giới dơ nhớp?
7) Kiṅ vodānaṃ: Cái chi làm cho giới trong sạch?
KIṄSĪLAṂ: TIẾNG GIỚI NÓI VỀ CÁI CHI?
Đáp câu hỏi thứ nhứt. Giải về tác ý lành, tâm sở lành, sự cẩn thận chơn chánh, không vì phạm điều Phật cấm, có lời giải như vầy. Tiếng ‘tác ý lành’ là cái tác ý chừa cải điều ác, chỉ làm việc lành. Hơn nữa, nói về tác ý lánh xa 7 thập ác nghiệp đầu. Tiếng ‘tâm sở lành’ chỉ về sự chừa cải điều dữ (thập ác nghiệp) là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không đâm thọc, không chửi mắng, không nói chuyện sang đàng, không mong được của người về làm của mình, không thù oán hại người, không tin quấy. Tiếng ‘cẩn thận chơn chánh’ là: thận trọng bằng đức tin, không phạm điều Phật cấm trong giới bổn; thận trọng bằng trí nhớ là khi có: sắc, tiếng, mùi, vị tiếp xúc nhằm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, không nên tham, sân, si; thận trọng bằng trí tuệ, là khi dùng 4 món vật dụng (y phục, vật thực, thuốc men, chỗ ở) phải quán tưởng cho thấy rõ toàn là vật chất; thận trọng bằng sự nhẫn nại, là nhịn nín đối với trần cảnh; thận trọng bằng sự tinh tấn, là phải siêng năng để nuôi sanh mạng cho chơn chánh. Tiếng ‘không vi phạm điều Phật cấm’ là không trái phạm điều giới mà mình thọ trì.
KENATTHENA SĪLAṂ: TIẾNG GIỚI CÓ Ý NGHĨA THẾ NÀO?
Đáp câu hỏi thứ hai. Tiếng ‘sīla’ do nguyên tự là sīla, sīra, sītala. Sīla dịch là thường thường, giải rằng: sự làm lành hay làm dữ, hoặc bực trung, thường thường gọi là giới, theo đại đức Sārīputtathera có giảng để trong Paṭisambhidāmagga. Tiếng ‘sīra’ dịch là đầu. Giải: lẽ thường người và thú khi đã đứt đầu thì phải chết, thế nào, nếu đứt giới rồi các điều tốt khác nhứt là định và tuệ cũng phải tiêu hoại, như người tạo được nhiều việc lành, khi đã phạm điều xấu xa trong lúc nào, thì các nghiệp tốt đã làm, cũng phảo tiêu mất hết, gọi là hư danh tiếng. Tiếng ‘sītala’ dịch là mát mẻ, xóa ‘ta’ thành ‘sīla’ có nghĩa là dập tắt tâm nóng, phát sanh vì sự hành động xấu xa của mình.
KĀNASSA LAKKHANARASAPACCUPPAṬṬHĀMAPA DHĀNĀNI: GIỚI CÓ TƯỚNG, SỰ, ĐỀU RÕ RỆT PHÁP ỦNG HỘ THẾ NÀO?
Đáp câu hỏi thứ ba. Tiếng ‘tưởng’ của giới là nói về tình trạng cho biết thế nào là giới, sự hành động tốt hoặc xấu, hay bực trung thường thường, luôn khi gọi là tướng của giới. Sự làm lành, nói phải thường thường là tướng của giới trong sạch; sự làm xấu, nói quấy luôn luôn, là tướng của giới nhơ bợn; sự làm nói bực trung thường thường, là tướng của giới bực trung. Nếu làm hay nói điều chi không thường một mực, chưa gọi là giới, như chúng ta quen gọi: người này, kẻ kia có ngũ giới hoặc bát giới, nếu người đó còn thọ trì năm hoặc tám điều răn cấm chưa được thường một mực, chưa gọi là có ngũ giới hay bát giới, chỉ nên gọi là người đó đang tinh tấn, hành theo điều cấm chế cho thành giới, tiếng gọi ‘sikkhāpāda’ dịch là kiểu mẫu tập luyện như trong ngũ giới có câu ‘sikkhāpadam samādīyāmi’ dịch là tôi xin thọ trì kiểu mẫu tập luyện. Tiếng ‘sự’ của giới là nói về phận sự của giới, nghĩa là giới có phận sự lau chùi, giải rằng: giới trong sạch trừ giới dơ nhớp v.v... Tiếng ‘điều rõ rệt của giới’ là điều cho biết rằng giới như thế nào? Xấu hay tốt hoặc bực trung. Sự trong sạch thân và khẩu nghĩa là lời nói, việc làm chơn chánh là bằng cứ cho biết rằng là giới. Sự bất tịnh thân, khẩu là điều cho biết là giới không trong sạch v.v... Tiếng ‘pháp ủng hộ của giới’ là hổ thẹn tội lỗi (hiri) và ghê sợ điều ác (optappa), nghĩa là: nếu không có hai pháp đó thì giới không được trong sạch — pháp ủng hộ của giới trong ‘Dīkā’(1) gọi là nhân của giới, làm cho giới phát sanh lên rồi cho được thường trụ. Người nào mong có giới trong sạch, không cho hư hoại cần phải có thường thường, hai pháp là ‘hổ thẹn’ và ‘ghê sợ’ tội lỗi ẩn trú trong tâm.
KIMĀNISAMSAM SĪLAṂ: PHƯỚC BÁU CỦA GIỚI THẾ NÀO?
Đáp câu hỏi thứ tư. Phước báu của giới có ý nghĩa như vầy:
- Ý nghĩa thứ nhứt: 1) bhogasampadaṃ: giới là nhân cho được của cải; 2) kalyāṅakittī: giới là nhân cho có danh tiếng tốt; 3) samuhavisāradaṃ: giới là nhân cho sự dạn dĩ trong nơi hội họp; 4) asammulhaṃ: giới là nhân không cho lầm lạc trong cơn hấp hối; 5) sugatiparāyanaṃ: giới là nhân cho sanh trong cõi vui.
- Ý nghĩa thứ hai: 1) malavisodhanaṃ: giới là điều giặt rửa sự dơ bẩn; 2) parilāhavusamanaṃ: giới là điều dập tắt sự nóng nảy; 3) sucigandhavāyanaṃ: giới là điều làm cho mùi thơm bay đi; 4) sagganibbānādhigamupāyaṃ: giới là phương tiện cho được cõi trời và niết-bàn; 5) sobhālaṅkārapasādhanaṃ: giới là điều trang sức tốt đẹp; 6) bhayavidhamanaṃ: giới là điều trừ khử sự kinh sợ; 7) kittijananaṃ: giới là điều làm cho có danh tiếng; 8) pāmojjaṃ: giới là điều làm cho tâm vui thích.
Lời giải ý nghĩa thứ nhứt:
Trong ý nghĩa thứ nhứt nói ‘giới’ có 5 phước báu theo đại khái đã giảng đó, làm cho khó hiểu, nhân đó xin giải rộng thêm như vầy: 1) Giới là nhân cho được của cải, nghĩa là người có giới đầy đủ chơn chánh rồi, hằng không có sự cẩu thả, trong khi đi kiếm của, thường tìm được của vừa theo phép nuôi mạng chơn chánh. 2) Giới là nhân cho có danh tiếng tốt, nghĩa là người có giới hằng được ngợi khen trong các nơi, vừa theo sự trì giới của mình, như ta thường được nghe rằng: người đó là người nói ngay thật không trộm cắp v.v... 3) Giới là nhân cho sự dạn dĩ, nghĩa là dầu vào trong hội Sa-môn, Bà-la-môn, vua hoặc triệu phú gia cũng không có sự e ngại bị người khinh rẻ trong sự trì giới, hoặc trong sự hành động. 4) Giới không cho lầm lạc trong cơn hấp hối, nghĩa là người hành động chơn chánh hằng không kinh sợ đối với 4 đường dữ rằng: chết rồi phải đi chịu khổ trong 4 ác đạo, nhứt là địa ngục như thế, thì có tâm vui thích, không lo ngại, có trí nhớ vững chắc không quên mình. Trong tạng Luận có giải: khi hấp hối thường thấy rõ một trong ba triệu chứng là: thấy sự lành hoặc dữ của mình; thấy vật mà mình để bát, thấy khí giới mà mình sát sanh...; thấy mình phải thọ sanh trong cảnh khổ hoặc cõi vui, như rõ thấy tòa điện nguy nga trên cõi trời, hoặc ngọn lửa trong địa ngục. Ba triệu chứng đó thấy trong giờ mà tai, mắt lầm lạc khác thường; khi hấp hối rõ thấy cảnh lành thì vui lòng, không áy náy, nếu thấy cảnh dữ thì kinh động quên mình. 5) Giới là nhân cho sanh trong nhàn cảnh, là sẽ được làm người hoặc về cõi trời. Câu Phật ngôn đây chỉ rõ thế lực của giới: là nếu không có nghiệp dữ nào nặng hơn, thì giới phải đem đi thọ sanh trong cảnh vui thật. Nhận đó, chúng ta cần phải tưởng đến giới mà mình đã thọ trì trong giờ hấp hối, chẳng nên nhớ nghĩ đến điều xấu xa, bất bình nào khác, cho tâm ưa thích, an trụ trong giới. Nên chú tâm trong giới rằng: “ta được giữ giới trong sạch rồi, giới sẽ dẫn ta di đến cõi vui chắc thật”.
Về phần lành khác cũng vậy. Song, lẽ thường khi hấp hối, mang bịnh nặng, mình hay mong được khỏi bịnh, hoặc nghĩ thương tiếc nhân vật ngoài mình, không hay nhớ đến điều lành mà mình đã tạo, như mình có đủ ngũ giới mà không nghĩ đến, đó là điều quấy lầm thái quá. Cần phải tưởng nhớ đến việc lành của mình, đến giới trong sạch cho tâm vui thích.
Nên hồi ức đến việc tốt của mình đã tạo trong hai thời là trước khi ngủ và lúc mang bịnh nặng, nhứt là nghĩ đến sự trì giới có thể làm cho bịnh được thuyên giảm, cho có sức mạnh để kháng cự bịnh căn hầu trợ thuốc, nếu bịnh không giảm thì mình cũng được sanh trong cảnh an vui chắc vậy.
Lời giải ý nghĩa thứ hai:
1- Gọi giới là điều giặt rửa sự dơ bẩn đó, là giặt rửa phiền não đường thân khẩu nương với tâm, là rửa điều tội lỗi mà mình đã tạo. Hơn nữa, là giặt điều ác cho ra khỏi thân, khẩu và ý, cho mình trở nên trong sạch. Vật để giặt rửa là nước có hai: nước ở trong tức là giới để rửa điều tội lỗi của thân, khẩu, ý; nước ở ngoài để giặt vật dơ như y phục v.v...
2- Giới là điều dập tắt sự nóng nảy, là nói về sự nóng nảy trong tâm.
3- Giới làm cho mùi thơm bay đi, là nói về mùi ở trong đối với mùi ở ngoài. Mùi ở ngoài nhứt là mùi cây trầm hương, cây thị đỏ và nước thơm, chỉ có mùi thơm ở ngoài, thơm ngoài mũi, không thơm đến tâm, và thơm xuôi gió, không thơm ngược gió được. Về mùi thơm ở trong là giới hương, hằng thơm đến tâm, thơm ngược gió, làm cho có danh tiếng tốt. Nếu mình là người tốt, mình phải nương theo tâm lành là tâm có giới, như ngươi không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu mình không vừa với người như thế, mình nên tự hiểu rằng mình là người không có mùi thơm, không đáng cho bậc hiền nhân ưa mến, dù là hạng người thân thiết nhứt là con, vợ là người có giới, họ cũng không hay vừa lòng mình. Sau khi thác khỏi cõi này rồi, mùi không thơm của mình cũng còn lưu truyền trong đời. Nếu mình có con, vợ, con, vợ cũng hôi lây, là họ nói rằng: người này là con, vợ của kẻ trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v...Về phần mình thác rồi, lên thọ sanh chung với hạng chúng sanh thơm là chư thiên không được, phải đi ở chung với loài tội lỗi: là địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, cầm thú, trong một đường nào không sai hoặc trong tất cả hạng ấy, nghĩa là lìa khỏi hạng này, sang đầu thai vào loại khác. Nhân đó mình nên mau hồi tâm tỉnh ngộ, làm người có giới trong sạch cho kịp thời, chẳng nên nghĩ rằng ‘biết làm sao’ như thế, biết ngày nào mình sẽ trở nên người thơm được, hay là mình không vừa lòng làm người thơm, đành chịu là ngươi không thơm. Mình nên suy xét cho chu đáo. Nếu không có giới, mình phải bị đời chê trách, sau khi thác lại còn phải sa trong 4 đường dữ, làm cầm thú, a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục nữa, biết bao giờ sanh lại làm người. Vì nho có câu “nhứt thất nhơn thân vạn kiếp nan tái phục” cho nên mình cần phải thương mình, tội nghiệp mình, cho lắm. Vậy ai là người thương mình thật, tội nghiệp mình thật cần phải chú tâm suy xét cho nhiều, nếu không sau rồi ăn năn rất muộn.
4- Giới là phương tiện cho lên cõi trời và Niết-bàn là phương pháp cho thọ sanh làm chư thiên và thành Phật là nơi trong sạch trong sạch, mát mẻ, thơm tho, dẫy đầy cực lạc. Giới vì như thang để lên cõi trời và Niết-bàn vì là cõi cao thượng, cần phải có thang để đi lên mới được, như nhà lầu, phải có thang để lên xuống, chỉ khác nhau ở nấc thang nhiều hay ít, nghĩa là, nấc thang của mình không có số hạn định. Về phần nấc thang lên trời và Niết-bàn có hạn định, là loại 5 nấc, 10 nấc, 227 nấc hoặc 4 nấc, đều là thang bắc lên cõi Trời và Niết-bàn, mà cần nhất phải có thang và nấc cho thật vững chắc, đó là điều trọng yếu.
5- Giới là cái trang sức tốt đẹp ở trong, để trang điểm thân, khẩu, ý đối với vật trang sức ở ngoài. Người đời nếu có vật trang điểm cả trong và ngoài, trông thấy càng thêm xinh, nếu chỉ có tốt ở ngoài cũng chưa toàn đẹp, vì ở ngoài hay biến đổi. Tất cả vật trang sức ở ngoài như vàng, ngọc cũng không đẹp bằng vật trang sức ở trong, tức là giới. Vì vật trang điểm bên ngoài cần lựa người, chọn tuổi và là nơi không vừa lòng đến mọi người, cũng không dính theo mình luôn khi được, về đồ trang điểm ở trong không lựa người và tuổi, lại còn thêm vừa lòng quần chúng, dính theo mình, không rời cả lúc sanh và tử.
6- Giới là pháp trừ khử điều kinh sợ, là trừ những kinh sợ trong bốn ác đạo, nhứt là địa ngục và điều sợ hãi trong đời này nữa. Vì người có giới hằng không lo ngại bị kẻ khác oán thù hoặc nhà chức trách làm tội như người không sát nhơn, không trộm cắp, không tà dâm, thì cũng không có ai gây dữ hại mình. Sau khi thác cũng chẳng sợ sa trong đường dữ. Giới phòng ngừa các tội khổ, bằng cách chơn chánh. Hơn nữa, giới là món ngăn trở trọng yếu những kinh sợ, đáng gọi là ‘thiết giáp quý báu’ có thể ngừa tên, đạn tức là điều thù oán trong các hướng được, đáng cho mọi người phải có, để giữ mình. Không nên khinh rẻ là món thấp hèn, hoặc nghĩ rằng là điều khó làm. Người nào cho là hèn hay khó, đó là hạng người thấp hèn vì người thấp hèn thấy điều chơn chánh cho là không tốt và khó làm được, như Phật ngôn rằng: “Người tốt dễ làm sự tốt, khó làm việc hèn, người hèn dễ làm hèn, khó làm tốt”. Phần đông người nói rằng: Bố thí, trì giới, niệm Phật, tham thiền để cho hạng lão niên, chẳng phải phận sự của trai tơ gái lứa như chúng ta, hoặc cho là sự tu hành của hạng quê mùa chưa văn minh. Những người nói như thế chỉ có biết tốt, song không rõ cái nhân sanh sự tốt. Vì mọi người ai cũng mong được kẻ khác tử tế với mình, nghĩa là có đệ tử, có tôi tớ, có vợ, có chồng, con cháu hằng muốn những điều đó đều tốt, không vừa lòng những hạng sát hại mình, tà dâm vợ con mình, chồng cũng muốn cho vợ mình trinh tiết, vợ cũng mong cho chồng chỉ thương mình.
7- Giới làm cho có danh tiếng tốt. Điều này có ý nghĩa giống điều thứ ba chỉ khác nhau vì lời nói là trong điều thứ ba giải rằng: Giới là điều làm cho mùi thơm bay đi, nghĩa là làm cho có danh tiếng tốt, nên gọi có ý nghĩa giống nhau.
8- Giới làm cho vui thích là khi người có giới, quán tưởng thấy mình trong sạch giờ nào, thì hoan hỷ trong giờ ấy, nếu thấy bợn nhơ thì tâm buồn bực, không vừa lòng, cho nên lúc thấy mình không trong sạch, cần hối hả thọ giới lại, nơi một, hai, hoặc ba vị tỳ khưu hoặc giữa tăng chúng cũng được, cùng là chú tâm lánh xa điều Phật cấm cũng được, ví như mình thấy y phục bị cháy, nếu chậm trễ y phục đó phải bị cháy tiêu.
Hỏi: Vậy sự vui thích đối với điều khác, ngoài giới không có chăng? Đáp: Có, như được vật chi vừa lòng (xem sắc đẹp hoặc nghe tiếng ca hát) cũng làm cho mình vui, song điều vui đó lẫn lộn với khổ. Giải rằng: Trong khi vui đó cũng có khổ chung lộn, là khổ vì thương, khổ vì ghét, bao giờ hết vui rồi có khổ vào thay thế ngay. Về phần vui trong giới trong sạch, hằng có sự vui thích, điều mát mẻ vào thế, dầu là sự vui do các nhân lành khác (như bố thí, nghe pháp cũng vậy).
Nhân đó, mình chỉ nên lựa lấy cái vui bền vững lâu dài, nếu được suy xét đến cái vui trong ngũ dục lẫn lộn với khổ, không bao lâu, mình sẽ thấy chơn lý, sanh lòng chán nản, như có Phật ngôn rằng: “Các bậc Thinh văn được nghe và hiểu tội lỗi của ngũ dục là sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm và tâm suy nghĩ đến trần cảnh, hằng sanh lòng chán ngán, nếu chán thì dứt bỏ, dứt bỏ thì được giải thoát, rồi phát sanh trí tuệ thấy rõ rằng mình đã được giải thoát”.
KATIVIDHANCETAṂ SĪLAṂ: GIỚI CÓ MẤY LOẠI?
Đáp câu hỏi thứ năm. Giới có mấy loại? Trong bộ Visuddhamagga giải, có nhiều loại, chia ra có 5 loại, 5 thứ.
Giới loại 1: Có một loại là nói về sự hành động thường thường của thân, khẩu là cái tướng của giới.
Giới loại 2: Có 2 thứ, 7 ý nghĩa: Ý nghĩa thứ nhứt: cārittasīla: giới hành; vārittasīla: giới cấm. Ý nghĩa thứ nhì: abhisamācārikasīla: giới phong tục; ādībrahamacārikasīla: giới đầu phàm hạnh. Ý nghĩa thứ ba: viratisīla: giới chừa cải; aviratisīla: giới không chừa cải. Ý nghĩa thứ tư: nissitasīla: giới nương; anissitasīla: giới không nương. Ý nghĩa thứ năm: kālapariyantasīla: giới định thời; āpāṇakothikasīla: giới định sanh mạng. Ý nghĩa thứ sáu: sapariyantasīla: giới có hạn định; apariyantasīla: giới không hạn định. Ý nghĩa thứ bảy: lokīyasīla: giới trong đời; lokittarasīla: giới ngoài đời.
Giải về ý nghĩa thứ tư: Tiếng nói ‘giới nương’ giải về sự chừa cải điều Phật cấm, hành theo điều Phật chuẩn, vì tâm ái dục, nghĩa là có lòng mong mỏi rằng: ta sẽ làm được vị trời do sự trì giới của ta. Tiếng nói ‘giới không nương’ là chừa cải điều Phật cấm, hành theo điều Phật chuẩn, không nương theo sự ham muốn.
Giải về ý nghĩa thứ sáu: Tiếng nói ‘giới có hạn định’ là chừa cải điều cấm, hành theo điều Phật chuẩn, có hạn định, vì lợi, quyền, thân quyến, tứ chi, sanh mạng, nghĩa là phạm điều Phật cấm vì lợi, quyền, thân quyến, tay chơn, mạng sống. Tiếng nói ‘giới không hạn định’ là trái hẳn với điều trên, là không phạm giới vì thấy lợi lộc, quyền thế v.v...
Giải về ý nghĩa thứ bảy: Tiếng nói ‘giới trong đời’ là chừa cải điều cấm, hành theo điều Phật chuẩn, của hạng người có phiền não, tức là giới của hạng phàm phu. Tiếng nói ‘giới ngoài đời’ nói về sự trì giới của bực dứt phiền não, tức là giới của bậc Thánh nhơn.
Giới loại 3 có 3 loại, 3 thứ, 5 ý nghĩa là: Ý nghĩa thứ nhứt: Hīnasīla: Giới hạ; Majjhimasīla: Giới trung; Paṇītasīla: Giới thượng. Ý nghĩa thứ hai: attādhipateyasīla: giới lấy mình làm trọng; lokādhipateyasīla: giới lấy đời làm trọng; dhammādhipateyasīla: giới lấp pháp làm trọng. Ý nghĩa thứ ba: parāmaṭṭhasīla: giới tùy; aparāmaṭṭhasīla: giới không tùy; paṭipassadhisīla: giới yên lặng. Ý nghĩa thứ tư: visuddhisīla: giới trong sạch; avisuddhisīla: giới không trong sạch; vematikasīla: giới hoài nghi. Ý nghĩa thứ năm: sekhasīla: giới của bậc hữu học; asekhasīla: giới của bậc vô học; nevasekhānāsekhasīla: giới của người không phải bậc hữu học, cũng không phải bậc vô học.
Giải về ý nghĩa thứ 1. Giới thấp vì 4 iḍḍhipāda(2) là giới mà người thọ trì do lòng mong mỏi, chú tâm, tinh tấn và suy xét bực thấp. Hơn nữa, giải về giới hèn, vì muốn được quyền tước, hoặc tặng mình chê người. Giới bực trung do 4 iḍḍhipāda bực trung thọ trì vì mong được phước một mình, không tặng mình chê người. Giới bực thượng do 4 iḍḍhipāda bực cao, là giới của bực Thánh nhân, là giới mà người thọ trì cho phần đông được khỏi khổ, nghĩa là cho kẻ khác được điều lợi ích.
Giải về ý nghĩa thứ 2. Giới lấy mình làm trọng, là thọ trì vì hổ thẹn lấy mình. Giới lấy đời làm trọng, là vì sợ kẻ khác chê trách mà thọ trì. Giới lấy pháp làm trọng, là thọ trì vì tôn kính pháp, cúng dường pháp rằng: pháp này có nhiều oai lực, đem ra khỏi đời và để cúng dường pháp bực cao là trì giới để tu định và tuệ thêm lên.
Giới loại bốn có 4 thứ, 4 ý nghĩa. Chú giải về:
- Pakatisīla: Giới tự nhiên. Giới tự nhiên là giới người Bắc-cưu-lưu-châu, hằng có tự nhiên cả ngũ giới, nghĩa là hạng người bên Bắc-cưu-lưu-châu hằng dùng thực phẩm và y phục tự nhiên, không cần phải làm công việc chi, không có vợ chồng nhất định như chúng ta, cũng không có rượu. Nhờ thế lực ngũ giới tự nhiên, sau khi thác, được thọ sanh trong cõi trời hưởng hết phước rồi, sanh lại làm người trong Bắc-cưu-lưu- châu nữa, song trong kinh có lời khuyên: chẳng nên mong được sanh trong châu đó, vì rất khó gặp Phật pháp và khó giải thoát, chỉ phải luân hồi luôn luôn trong vòng sanh tử...
- Ācārasīla: Giới phong tục. Nói về hành vi theo thói quen tốt đẹp trong một gia tộc.
- Dhammādāsīla: Giới thường. Nói về giới của đức Bồ tát mẫu. Lệ thường mẹ của đức Bồ tát trong kiếp chót, từ khi có thai thường có ngũ giới.
- Pubbahetukasīla: Giới do duyên tiền kiếp như giới được tinh khiết trong kiếp trước, sau được tái sanh, hằng có tâm trong sạch muốn theo giới nữa, không cần có người thức tỉnh, như giới của hai ông bà Ca-Diếp (Kassapa).
Giới loại 5 có 5 thứ, 2 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ 1: pariyantapārisuddhisīla: giới có hạn định và trong sạch; apariyantapārisuddhisīla: giới vô hạn định và trong sạch; paripuññapārisuddhisīla: giới trong sạch đầy đủ; aparāmaṭṭhapārisuddhisīla: giới trong sạch loại không bị tà kiến vuốt ve; patipassadhipārisuddhisīla: giới trong sạch loại yên lặng. Ý nghĩa thứ 2: pahānasīla: giới dứt bỏ; veramaṇīsīla: giới chừa cải; cetanāsīla: giới quyết tâm; samvarasīla: giới chăm chú; avītikkamasīla: giới vi phạm.
Giải về ý nghĩa thứ nhứt. Giới có hạn định và trong sạch nói về giới của sa di, giải rằng: giới của hạng sa di có hạn định, không nhiều. Giới vô hạn định và trong sạch, nói về giới của chư tỳ khưu, giải rằng: giới của các bậc đó có rất nhiều, không hạn định, chỗ nói có 227 giới đó, là ám chỉ ngay trong giới bổn (patimokkha) ngoài ra, còn rất nhiều loại. Sự hành theo các điều luật nhỏ lớn mà Đức Chánh Biến Tri đã chế định cho được thường thường gọi là giới vô hạn định và trong sạch. Giới trong sạch đầy đủ, nói về giới của người thọ trì được trong sạch do sự bằng lòng bỏ thân thể và sanh mạng, là dù có sự hại đến thân thể hoặc sanh mạng cũng không chịu phá giới, chống cự để trì giới cho trong sạch, như ngũ giới của dòng Thích Ca là thân quyến của Phật. Giới trong sạch loại không bị tà kiến vuốt ve, là giới của 7 bực hữu học, nhứt là bậc Tu-đà-huờn. Giới trong sạch loại yên lặng, nói về giới của các bậc A-la-hán, nhứt là Phật.
Giải về ý nghĩa thứ hai. Giới dứt bỏ, nói về sự bỏ được các điều xấu thường thường do đã có chủ tâm trước, như tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu được thường thường, cho đến khi lìa tất cả phiền não. Giới chừa cải, nói về giới chừa các điều dữ được thường thường nhờ sự mới nghĩ nhớ, không vì chú tâm trước, là được dịp mà không làm, cho đến khi chừa cải tất cả phiền não. Giới quyết tâm, nói về sự nhứt định dứt và cố ý chừa các điều ác được tự nhiên, cho đến khi chừa tất cả phiền não. Giới chăm chú, nói về sự cẩn thận điều ác và tất cả phiền não, cho đến khi được tự nhiên. Giới không vi phạm, nói về sự không trái phạm điều cấm chế, vừa theo phận sự người cư sĩ hoặc bậc xuất gia.
Kết luận: Ngũ giới loại cuối cùng này riêng khác, do cách dứt bỏ, chừa, quyết tâm, chăm chú, không vi phạm ác nghiệp. Phần phiền não, nói về tham dục, sân hận, si mê, phóng túng, hoài nghi, không thông nhân quả, không ưa thích, tầm, sát, ưa vui, ghét khổ, cố chấp thân thể, sự chấp vững người, thú, ái dục, vô minh v.v... Những điều ác và phiền não như đã giải đó, sắp theo thứ tự sự: bỏ, chừa cải, quyết định, chăm chú, không vi phạm nhân đó, xin giải tiếp theo như vầy:
Tiếng ‘bỏ’ nói về sự: bỏ thập ác, hành theo điều cấm chế. Bỏ sự vừa lòng trong ngũ dục bằng cách xuất gia. Bỏ oán giận do sự không oán giận. Bỏ hôn trầm do sự nhìn xem ánh sáng. Bỏ phóng tâm do chú ý. Bỏ hoài nghi do phân biệt căn pháp. Bỏ vô minh do hành cho sanh minh. Bỏ hoan hỷ do làm cho vui. Bỏ 5 phép cái do sơ thiền. Bỏ tầm và sát do nhị thiền. Bỏ phỉ lạc do tam thiền. Bỏ vui và khổ do tứ thiền. Bỏ phân biệt trong sắc do phân biệt rằng tất cả cái chi toàn là hư không. Bỏ phân biệt rằng ‘thường’ do sự nhìn chòng chọc không thường. Bỏ phân biệt rằng ‘vui’ do thấy rằng ‘khổ’. Bỏ phân biệt rằng ‘ta’ do phân biệt rằng ‘vô ngã’. Bỏ chấp nhận do nhìn chòng chọc điều chán ngán. Bỏ ưa thích do nhìn chòng chọc điều không ưa thích. Bỏ sự tham vọng do nhìn chòng chọc điều dập tắt. Bỏ sự không mong giải thoát, do nhìn chòng chọc điều giải thoát. Bỏ cố chấp do nhìn chòng chọc rằng nên bỏ sự phân biệt rằng là nọ, là kia do nhìn chòng chọc điều tiêu diệt. Bỏ thâu thập do nhìn chòng chọc điều tan rã. Bỏ sự vừa lòng rằng ‘lâu dài’ do nhìn chòng chọc điều biến đổi. Bỏ sự vừa lòng rằng ‘có tượng trưng’ do nhìn chòng chọc rằng ‘không có điều tiêu biểu’. Bỏ nơi sanh phiền não do nhìn chòng chọc điều không phiền não là Niết- bàn. Bỏ ‘có sự đặng’ do nhìn chòng chọc rằng ‘rỗng không, trống rỗng’. Bỏ sự thấy rằng ‘vĩnh viễn’ do nhìn chòng chọc rằng ‘không kiên cố’. Bỏ sự tốt đẹp do nhìn chòng chọc chơn lý, nương sự quán tưởng điều tội lỗi. Bỏ sự không quán tưởng do nhìn chòng chọc đạo quán tưởng. Bỏ luân hồi do nhìn chòng chọc điều không luân hồi.Bỏ phiền não vì tà kiến, do Tu-đà-huờn đạo.Bỏ phiền não thô hiển do Tư-đà-hàm đạo. Bỏ tất cả phiền não vi tế do A-la-hán đạo.
Về đoạn này xin xem đi đọc lại cho nhiều, đừng chán ngán, vì sẽ làm cho hành giả nhìn chòng chọc theo nguyên tắc, tiến hành trong Phật giáo chơn chánh, mới mong được giải thoát chắc thật.
CÂU HỎI THỨ SÁU: CÁI CHI LÀM CHO GIỚI DƠ NHỚP?
Đáp: Có hai điều. 1) Cảnh giới nên mong mỏi (iṭṭhārammaṇa) là những cái vừa lòng như được: lợi, quyền, vui, khen, người thiết, thân thể, mạng sống. 2) Cảnh giới không mong mỏi (aniṭṭhārammaṇa) là các điều không đẹp ý: thất lợi, hết quyền, mất vui, bị chê và gặp điều rủi ro tai hại. Iṭṭhārammaṇa và aniṭṭhārammaṇa là nguyên nhân làm cho giới phải dơ bẩn, phải hư hoại. Người nào không có tâm dứt bỏ khi tiếp xúc những cảnh có thể phá giới, như người mê lợi, quyền phần đông làm cho hư sự tốt của mình. Như mình không quen nói dối hoặc chưa từng uống rượu, đến khi ham lợi tham danh rồi có thể làm được.
Cái nhân thứ nhứt làm cho giới bợn dơ, phổ thông đến cả hàng cư sĩ và xuất gia, đáng cho người lành phải cẩn thận tránh xa, chẳng nên để cho sự vừa lòng và không đẹp ý cám dỗ thái quá, làm cho giới phải lắm nhơ hoặc hư hoại.
Nhân làm cho giới của bậc xuất gia hư hoại nói về bảy điều sự ưa thích phụ nữ (methunasanyoga) là: ưa thích cho phụ nữ gần gũi hầu hạ mình (như lau chùi, tắm rửa cho mình); ưa thích liếc ngó, nói đùa, giễu cợt với phụ nữ; ưa thích nhìn theo phụ nữ; ưa thích trong khi nghe tiếng phụ nữ; ưa thích trong khi nghĩ đến chuyện quen cười, nói với phụ nữ; ưa thích trong khi thấy cư sĩ được phụ nữ hầu hạ; mong được làm chư thiên để hưởng ngũ dục.
Người xuất gia phạm một trong bảy methunasanyoga đó hằng không tránh khỏi các điều khổ não. Giới của bực xuất gia đó gọi là: đứt, rổ, rách, lủng. Phạm hạnh của bực xuất gia đó gọi là không trong sạch(3).
KIṄ VODĀNAṂ: CÁI CHI LÀM CHO GIỚI TRONG SẠCH?
Đáp câu hỏi thứ bảy: Điều làm cho giới trong sạch có hai là: 1) Trái với nhân làm cho giới dơ nhớp, là không bị cảnh giới vừa lòng (iṭṭhārammaṇa), cảnh giới không đẹp ý (aniṭṭhārammaṇa) và ưa thích phụ nữ (methunasanyoga) quấy nhiễu. Hơn nữa, là sự không có ác pháp, nhứt là sân, giận ngầm, quên ơn, bỏn xẻn, ganh tỵ, giấu lỗi, khoe tài, can ngạnh, tranh tài, ngã chấp, khinh người, mê sa, dể duôi. 2) Và sự phát sanh các thiện pháp nhứt là trí tuệ, hai điều đó là nguyên nhân làm cho giới trong sạch.
Phương pháp làm cho giới trong sạch có hai là: thấy tội của sự phá giới; thấy phước của sự có giới bằng cách rõ rệt.
- Tội của sự phá giới.
Ý nghĩa thứ nhứt: Tội của sự phá giới, không có giới, phạm giới của cư sĩ có 5: 1) bhojāni: mất của; 2) pāpakakittī: hư danh; 3) avisārada: không dạn dĩ; 4) samulha: mê loạn khi hấp hối; 5) nirayūpaga: sa địa ngục sau khi thác.
Ý nghĩa thứ hai: Tội phá giới của hạng xuất gia có 9: 1) không phải là nơi thương yêu của các bậc phạm hạnh; 2) không phải là nơi tưởng nhớ của các bậc có giới; 3) có tâm khó chịu khi được nghe người khen bực có giới; 4) màu da xấu xa ủ dột; 5) làm cho kẻ khác bắt chước, rồi sa trong ác đạo; 6) làm cho thí chủ giảm phước; 7) khó làm cho sạch sẽ được, như hầm phẩn lâu năm; 8) là người mà kẻ khác đáng tránh xa như khúc cây bị lửa cháy cả hai đầu; 9) dù có tuyên thệ là tỳ khưu cũng không phải là tỳ khưu, như lừa đi theo bầy bò, là nơi kinh khủng của người lành, như người thù không nên ở chung bọn, như tử thi không đáng cho hạng phạm hạnh cúng dường, như lửa trong mộ địa không đáng cho các bà-la-môn lễ bái, không đáng đắc pháp quí cao, như người mù, như kẻ hèn hạ, không đáng lên ngôi vua được.
Ý nghĩa thứ ba: Đức Phật có thí dụ tội phá giới của bậc xuất gia như vầy: 1) Tỳ khưu đi vào ngồi gần ôm hun đống lửa cho chết, còn tốt hơn ôm hun phụ nữ, vì khi thác rồi không khỏi sa địa ngục; 2) Nếu có người dùng dây bằng lòng thú quấn tỳ khưu, rồi kéo tới kéo lui cho đến khi dây lòng cắt da thấu xương, cũng còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới mà ưa thích sự lễ bái của hạng vua, chúa, bà-la-môn, phú trưởng giả; 3) Nếu có người dùng cây đao bén đâm trước ngực của tỳ khưu, cũng còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới ưa thích sự cúc cung lễ bái của hạng vua, chúa, bà-la-môn, triệu phú gia; 4) nếu có người dùng sắt cháy đỏ trùm thân thể tỳ khưu cũng còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới mặc y của vua, chúa, bà-la-môn, phú trưởng giả cúng dâng; 5) nếu có người dùng cây sắt cháy đỏ cán miệng tỳ khưu, rồi nhét khúc sắt cháy đỏ vào trong miệng, cũng còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới dùng thực phẩm của thí chủ; 6) nếu có người bắt buộc tỳ khưu ngồi nằm trên giường, ngựa sắt cháy đỏ, cũng còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới ngồi nằm trên giường ngựa của thí chủ; 7) nếu có người bắt, buộc tỳ khưu liệng vào chảo nước đang sôi, còn tốt hơn tỳ khưu phạm giới ngủ trong tịnh thất của thí chủ dâng cúng.
- Phước báu của giới có 10 là: 1)tỳ khưu có giới dùng bát và y của thí chủ xem thấy càng phát tâm trong sạch; 2) pháp xuất gia của tỳ khưu có giới là sự xuất gia tinh khiết; 3) tỳ khưu có giới hằng không bị chê trách, trong điều giới ở xa lời chê trách như mặt nhựt ở xa mây; 4) tỳ khưu có giới hằng tốt đẹp như trăng rằm; 5) tỳ khưu có giới là nơi ưa thích của chư thiên và nhân loại; 6) tỳ khưu có giới làm cho sự dâng cúng của thí chủ được nhiều phước báu; 7) tỳ khưu có giới không bị phiền não quấy nhiễu; 8) tỳ khưu có giới được gọi là đào bứng gốc khổ trong ngày vị lai; 9) tỳ khưu có giới hằng được làm người và trời dễ dàng; 10) tỳ khưu có giới hằng được hài lòng, yên tịnh, mát mẻ trong các nơi.
Nhân đó bực trí tuệ nên làm cho mình là người có giới, vừa với phạm vi của mình là bực xuất gia hay là cư sĩ.
-oo0oo-
(1) Dīkā lời chú giải lần thứ nhì.
(2) Tứ như ý túc: 4 pháp làm cho được đầy đủ như ý muốn.
(3) Xem trong luật xuất gia trang 28.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.