Nền tảng Phật giáo thứ Nhì: Thiền Định

Nền tảng Phật giáo thứ Nhì: Thiền Định

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    LUẬT XUẤT GIA TÓM TẮT
    (PABBAJITA VINAYA SAṄKHEPA)

    Quyển thượng

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

    Pl.2510 – Dl.1966

     

    NỀN TẢNG PHẬT GIÁO THỨ NHÌ

    Nền tảng Phật giáo thứ nhì giải tiếp theo đây nói về thiền định. Khép thiền định vào nền tảng Phật giáo thứ nhì cũng vì có 9 nguyên nhân như trong nền tảng Phật giáo thứ nhứt, nhưng cao hơn là:

    1) Vì thiền định là điều nên học hỏi, là nên học cho biết và hành theo cho được, tiếp theo giới. Giải rằng: khi đã tu giới rồi cần phải tham thiền nối theo.

    2) Vì thiền định là phần giữa, làm các lời dạy khác của Phật cho thêm tốt đẹp chơn chánh.

    3) Vì thiền định làm cho đắc đức tính khác thường bực trung là ‘lục thông’: hiện thân, nhĩ thông, nhãn thông, tiền kiếp thông, sanh tử thông, lậu tận thông.

    4) Vì thiền định là đạo không thẳng lắm, không làm cho hành giả phải khổ hạnh thái quá.

    5) Vì thiền định làm cho vượt khỏi dục giới, là cõi có sự cảm tình luyến ái (cõi người và 6 cõi dục thiên); dục giới là trung giới không thấp không cao.

    6) Vì thiền định làm cho dứt phiền não bực trung là 5 pháp cái (thương, ghét, hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi).

    7) Vì thiền định làm cho tiêu phiền não ở trong, là phiền não đè nén điều lành trong tâm nhứt là sự bỏn xẻn.

    8) Vì thiền định làm cho hết lòng ham muốn (tranh đấu, hoặc khát khao thèm muốn).

    9) Vì thiền định cho đắc Thánh quả bực trung (A-na-hàm quả).

    Do 9 nguyên nhân giải trên đó, nên các bậc trí tuệ mới khép thiền định là nền tảng Phật giáo thứ nhì.

    - Lời vấn về thiền định.

    1)  Ko samādhi: Tiếng gọi thiền định nói về cái chi?

    2)  Kenatthena: Tiếng gọi thiền định có nghĩa là gì?

    3)  Kānassa lakkhanarasa paccuppaṭṭhānapadatthānāni: Tướng, vị, quả và nơi sanh của thiền định là thế nào?

    4)  Katividho samādhi: Thiền định có mấy loại?

    5)  Kocassa saṅkileso: Cái chi là phiền não của thiền định?

    6)  Kiṅ vodānaṃ: Cái chi làm cho thiền định tinh khiết?

    7)  Kathaṃ bhāvetabbo: Thế nào làm cho thiền định được phát sanh?

    8)  Bhāvanāya ko anīsaṃso: Cái chi là quả báo của sự làm cho sanh thiền định, nghĩa là thế nào là thiền định chơn chánh?

    KO SAMĀDHI: TIẾNG GỌI THIỀN ĐỊNH NÓI VỀ CÁI CHI?

    Đáp câu hỏi thứ nhứt: Nói về thiện tâm có một cảnh giới.

    KENATTHENA: TIẾNG GỌI THIỀN ĐỊNH CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

    Đáp câu hỏi thứ hai: Nói về sự trụ vững của tâm vương và tâm sở, trong một cảnh giới. Xin giải rộng tiếng ‘cảnh giới’ (ārammana), tâm vương (citta), tâm sở (cetasika).

    Tiếng ‘cảnh giới’ là cái mà tâm đeo níu. Tiếng ‘tâm’ hoặc ‘tâm vương’ dịch là cái đang suy nghĩ, nói về thiên bẩm(4) có trong con người và phi nhơn, thú, cũng có nghĩa là cái tích trữ, là cái chất chứa điều tốt điều xấu. Tiếng ‘tâm sở’ dịch là cái sanh đồng thời với tâm, là khi tâm vừa suy nghĩ thì liền sanh với tâm, khi tâm diệt cũng diệt đồng thời cùng tâm, khi tâm ngưng tâm sở cũng mất, không trước, không sau. Nói cho dễ hiểu tức là cái pháp tốt, xấu hoặc trung (giữa) phát sanh trong tâm, như sự: vừa lòng, toại ý, quyến luyến, mong mỏi, bất bình v.v... Theo như lời đã giải trên, thì tiếng ‘thiền định’ có nghĩa là cái tâm và cái pháp phát sanh cùng tâm, cả hai trụ vững trong một cảnh giới. Ví như chúng ta có tâm ưa thích trong sự học. Lời thí dụ trên đây, chia ra làm ba tiếng là: tiếng ‘có tâm ưa thích’ chia làm hai (tâm và ưa thích) và sự học. Tâm chỉ về cái tiếng tâm, ưa thích chỉ về tâm sở (vì có ở trong tâm), sự học chỉ ngay tiếng cảnh giới và là cái tâm và sự thích ý đeo níu. Hoặc nói cho dễ hiểu: tiếng thiền định có nghĩa là tâm an trụ bền chắc trong một cảnh giới, tâm kiên cố trong một chỗ, tâm ghim ở trong một chỗ, tâm chôn trong một cảnh giới.

    KĀNASSA LAKKHANARASA PACCUPPAṬṬHĀNAPADATTHĀNĀNI: TƯỚNG, VỊ, QUẢ VÀ NƠI SANH CỦA THIỀN ĐỊNH LÀ THẾ NÀO?

    Đáp câu hỏi thứ ba: Sự không buông thả là tướng của thiền định, nghĩa là tâm định chắc trong một cảnh giới, không lay chuyển đi tìm cảnh giới khác, là tướng của thiền định. Sự chùi lau, trừ phóng tâm là vị của thiền định, nghĩa là thiền định có trách nhiệm tiêu trừ tâm buông thả, là nghịch pháp, cũng như tiếng ‘ánh sáng’ có nhiệm vụ vẹt tối tăm vậy. Sự không phóng dật là điều xuất hiện của thiền định, là danh hiệu của thiền định, nghĩa là triệu chứng báo tin cho biết rằng là thiền định. Sự an lạc là căn sanh của thiền định, nghĩa là tâm yên vui, mới sanh thiền hoặc định đã sanh, rồi an trụ được cũng vì có sự toại ý, nếu không hài lòng thì tâm cũng không trụ vững được, hoặc tâm đã kiên cố, song khi có nguyên nhân làm cho tâm không thỏa mãn phát sanh, như chỗ ngụ, thực phẩm không vừa lòng, là ăn vào không tiêu hóa, làm cho tâm đã an trụ phải hư hoại; như hành giả đã đắc thiền rồi mà tiếp xúc cảnh giới không hợp (ngũ dục).

    KATIVIDHO SAMĀDHI: THIỀN ĐỊNH CÓ MẤY LOẠI?

    Đáp câu hỏi thứ tư: Thiền định có nhiều loại là:

    Thiền định I: Nói về tâm không phóng túng thuộc về cái tướng của thiền định như đã có giải.

    Thiền định II: Cận định (upacārasamādhi), nhập định (appanāsamādhi); phàm định, thánh định; định có phỉ lạc, định có an lạc và xả, sẽ giải ra dưới đây:

    Cận định là tâm gần vững chắc trong cảnh giới. Nhập định là tâm an trụ kiên cố trong một cảnh giới. Ám chỉ rằng: cận định là định trong nẻo, là ghim theo dấu của cảnh giới dùng sự quan sát theo vết của cảnh giới. Nhập định là định ngay trong một cảnh giới, không đi theo dấu của cảnh giới, bắt cái chi thì nắm vững ngay trong cái đó.

    Tiếng ‘phàm định’ (lokīyasamādhi) dịch là định trong thế gian, nghĩa là thiền của phàm nhơn. Thiền định bực này có lúc tiêu hoại. ‘Thánh định’ (lokuttarasamādhi) dịch là định xuất thế, nói về thiền của bực thánh nhơn, thiền định này không có thời hư hỏng.

    Tiếng 'thiền định có phỉ lạc' (pīti) dịch là định có sự no lòng, nghĩa là tâm vững chắc trong một cảnh giới và hiểu biết sự có thỏa thích nữa. ‘Thiền định không có phỉ lạc’ là định không có tình trạng phân biệt sự no lòng, chỉ có tâm trung lập. Tiếng ‘thiền định có sự an lạc’, nghĩa là có tâm yên vui, là tâm trụ vững và biết rõ sự yên vui. ‘Thiền định bực trung lập’ là định không có vui và không có khổ lẫn lộn, nghĩa là tâm định chắc im lặng, là nói về trạng thái của tâm dính chắc, rồi chỉ nhìn chăm chăm cái vui và cái khổ.

    Thiền định III: Nói về thiền định bực thấp, trung, hoàn toàn; thiền định có tầm (vitakka), sát (vicāra), không có tầm, chỉ có sát, không có cả tầm và sát; thiền định có phỉ lạc, có an lạc, có xả; thiền định nhỏ, lớn, không ước lượng, sẽ giải rõ như sau này:

    Tiếng nói ‘thiền định thấp’ là chỉ về định mới sanh, hành giả mới đắc. ‘Thiền định bực trung’ là định chưa được đào luyện chơn chánh. ‘Thiền định hoàn toàn’ là định đã rèn tập chơn chánh rồi, đã thuần thục rồi.

    Tiếng nói ‘thiền định có tầm và sát’ nói về sơ thiền. Bực không có tầm chỉ có sát là nhị thiền. Bực ‘không có tầm và sát’ là tam thiền và tứ thiền.

    Tiếng nói ‘thiền định nhỏ’ chỉ về tâm trụ trong bực cận định. ‘Bậc lớn’ nói về định trụ trong thiền hữu sắc và thiền vô sắc của hạng phàm nhơn. ‘Bực không ước lượng’ nói về định trụ trong thiền hữu sắc và vô sắc của bậc Thánh nhơn.

    Thiền định IV: Nói về định khó hành và khó đắc; khó hành mà dễ đắc; dễ hành mà khó đắc; dễ hành mà cũng dễ đắc. Thiền định nhỏ và có cảnh giới nhỏ; thiền dịnh lớn có nhiều cảnh giới; trong cả bốn thiền, thiền hư hỏng, thiền định bất biến, tiến hóa; loại chán ngán; thiền bực dục; bực sắc; bực vô sắc; bực xuất thế; thiền có sự no lòng là trọng; thiền có sự hăng hái là trọng; thiền có sự đào luyện là trọng; có sự nghĩ ngợi là trọng; nên hiểu theo lời giải dưới đây:

    Tiếng gọi ‘thiền khó hành, khó thành’ nói về định của hành giả không được vật dụng vừa lòng, không được làm phận sự đầu tiên, không thông hiểu trong phương tiện cho sanh thiền định. ‘Thiền khó hành, dễ thành’ nói về định của hành giả không được vật dụng vừa lòng, không được làm xong phận sự từ ban sơ, không thông hiểu phương tiện cho sanh định, đến cuối cùng mới có đủ ba chi đó. ‘Thiền dễ hành, khó thành’ nói về định của hành giả gồm có ba chi đó, trong lúc đầu tiên đến lúc chung qui, trở lìa khỏi ba chi đó. ‘Thiền dễ hành, dễ thành’ nói về định của hành giả có đều đủ ba chi đó, cả ban sơ và chung qui.

    Lại nữa, trong cả bốn loại thiền đó, nên hiểu theo ái dục, vô minh và sự nên quen hành, không quen hành pháp chỉ quán và minh sát (samathavipassanā) nghĩa là sự hành của người bị ái dục đè nén là việc khó, phần người không bị ái dục đè nén là việc dễ; sự thành tựu của người bị vô minh đè nén là việc khó, phần người không bị ái dục đè nén là việc dễ; sự thành tựu của người bị vô minh đè nén là việc khó, người không bị vô minh đè nén là việc dễ; người không quen tu thiền là việc khó, người quen hành thiền là việc dễ; người không quen hành minh sát là việc khó, người quen tu minh sát là việc dễ thành.

    KOCASSA SAṄKILESO: CÁI CHI LÀ PHIỀN NÃO CỦA THIỀN ĐỊNH?

    Đáp câu hỏi thứ năm: Trong câu hỏi thứ năm rằng: cái chi là điều dơ bẩn của thiền định?

    Đáp: Cái làm cho thiền định tiêu hoại là sự thương yêu trong ngũ dục, là điều dơ bẩn của thiền định. Ngũ dục là nghịch pháp của thiền định. Khi bỏ được ngũ dục rồi tâm mới trụ vững, khi tâm đã định mà phát sự ưa thích trong ngũ dục giờ nào, thiền định cũng tiêu tan giờ đó.

    KIṄ VODĀNAṂ: CÁI CHI LÀM CHO THIỀN ĐỊNH TINH KHIẾT?

    Đáp câu hỏi thứ sáu: Trong câu hỏi thứ sáu rằng: cái chi làm cho thiền định trong sạch? Đáp: Cái làm cho thiền định tiến hóa là sự không tưởng đến ngũ dục, là điều làm cho thiền định trong sạch.

    KATHAṂ BHĀVETABBO: THẾ NÀO LÀM CHO THIỀN ĐỊNH ĐƯỢC PHÁT SANH?

    Đáp câu hỏi thứ bảy: Trong lời vấn thứ bảy rằng: thế nào làm cho thiền định phát sanh?

    Đáp: Trong các thiền định đã giải trong phép chánh định gồm lại có 2 là: thế gian (lokīya) và xuất thế (lokuttara). Khi tu thiền định thế gian phát sanh lên rồi, mới nên tiến hành thiền xuất thế tiếp theo. Có phương pháp hành giống nhau như dưới đây: phải trì giới cho trong sạch; phải cắt điều quyến luyến cho hết; phải tìm thiền sư cho chơn chánh(5); phải học đề mục thiền định cho hạp với tánh mình; phải ngụ trong nơi vừa với tính của mình; phải sáng trí trong phương pháp cho kết quả thiên định(6).

    Lời giải:

    1) Phải tu giới cho trong sạch đó, là phảo trì giới theo bổn phận của mình là bậc xuất gia hay cư sĩ.

    2) Phải cắt điều quyến luyến cho hết(7).

    3) Phải tìm chơn sư, là dạy phải tìm bậc thiền sư chơn chánh, thông rõ cả 40 đề mục thiền định, biết tính(8) của trò(9).

    Tính (carita)(10)

    Tiếng ‘tính’ là cử chỉ, cách cư xử thường thường của mọi người, là cái dình theo tâm, do lời chú giải rằng: Tâm đã quen rèn tập cái chi nhiều, đào luyện thành tự nhiên, cái đó hằng dính ở trong tâm, bình thường ở trong tâm. Song cái mà tâm đã quen đào luyện đó, ví như người bạn của tâm, có rất nhiều, khó kể cho hết được. Tóm lại có 6 là: Tham, sân, si, tín, giác, tưởng. Khi 6 cái đó dính theo tâm, có thường trực trong tâm, làm cho rõ rệt, xuất hiện theo đường thân và khẩu cho người khác biết được gọi là tính. Nếu quen tham gọi là tính tham v.v...Xin xem lời giải sau này:

    -  Tính tham (rāgacarita): Quen tham là tính hay vừa lòng điều tốt đẹp lanh lẹ, xảo trá; nói về sự quen, nặng trong sự yêu mến, nhiều trong sự ưa thích. Người tham có nước tâm đỏ.

    -  Tính sân (dosacarita): Quen giận là dễ giận, dễ bất bình, nghĩa là nặng trong sự không bằng lòng, nhiều trong sự bất bình. Khi sân phát, hằng làm cho tâm khó chịu, và hay nghĩ làm khó mình hoặc làm hại kẻ khác. Người tính sân có nước tâm đen.

    -  Tính si (mohacarita): Quen ngây dại, là quen mê loạn, hay ngơ ngẩn theo lời nói của kẻ khác, họ nói tốt cũng tốt theo, xấu cũng xấu theo, không có trí tuệ soi xét tin nhân quả, là tướng của người ngu độn, có nghĩa là quen, nặng trong đường nhu độn, nhiều trong đường ngu độn, là sự ngu độn dính theo từ khi thọ sanh. Người tính si có nước tâm đục.

    -  Tính tín (saddhācarita): Quen tin dễ là tin bằng cách không chọn lựa rằng: cái chi nên tin hay không, có nghĩa là quen, nặng trong đường tin, nhiều trong đường tin, bị dắt dẫn trong đường nào thì tin theo trong đường đó. Người tính quen tin dễ, tin làm cho phần đông biết mặt.

    -  Tính giác (buddhacarita): Quen hiểu biết, là sự quen thông rõ điều chi cũng vậy, có nghĩa là quen, nặng trong đường hiểu biết, nhiều trong đường hiểu biết.

    -  Tính tưởng (vitakkacarita): Quen nghĩ, là quen nhớ, quen nghĩ tưởng các điều; khi gặp cái chi thì hay nhớ nghĩ, là tính không dính chắc trong một điều chi.

    Cả 6 tính đó hợp chung vào với nhau được là: tính tham hợp chung với tính tin dễ, vì có tướng tương tợ nhau, là tính tham tốt, thích đẹp ưa nghĩ trong cái vừa lòng, hay tìm vật toại ý, không bỏ vật ưa thích, thế nào, tín tin dễ, cũng tưởng trong vật đẹp, hay tìm cái tốt, không bỏ vật xinh, thế đó; cho nên người quen thích đẹp hằng có sự tin dễ, kẻ quen tin cũng ưa dễ.

    Tính sân, tính giác cũng hợp nhau được là sự giận là nhân cho có nghị lực trong khi tâm ác phát sanh. Về phần tính giác là nhân cho sân sanh lên được mau lẹ. Nói cho dễ hiểu, là người hay giận hằng có trí tuệ tốt, kẻ có trí tuệ phần nhiều là người hay giận. Lại nữa tâm sân hay nghĩ trong việc dữ, năng tìm dẫn cho giận, hành theo cử chỉ bỏ sự vật là khi sân đến hay quên mình và quên kẻ khác, không nghĩ đến sự khó của mình và của người thế nào, bậc có trí tuệ cũng thế đó, là người trí tuệ hằng nghĩ điều thiện, tìm tội lỗi theo chơn lý, hành theo thái độ dứt sự vật, là khi trí tuệ phát sanh, thì bỏ được sự vật đã quen cố chấp.

    Tính si với tính tưởng cũng gồm vào với nhau được, là tính si hằng không tìm lợi ích trong điều lành. Tính tưởng cũng là nhân cho sanh sự lầm lạc được mau lẹ. Lại nữa, tâm si mê thường không trụ vững trong việc lành, bất thường dễ dàng thế nào tính tưởng cũng không trụ chắc trong cái chi, hằng thay qua đổi lại thế đó.

    Tất cả 6 tính hợp với nhau được như đã giải. Đây chỉ giảng 3 tính đầu là tính tham, tính sân, tính si, người nào có tính nào sẽ được rõ tính đó rồi cũng như thấu đến 3 tính sau được.

    Căn bản bắt lấy tính.

    Sự biết rằng: Người nào có đặc tính thế nào, cần phải nương 5 căn bản dưới đây là: 1) oai nghi (iriyāpatha): nói về sự đứng, đi, ngồi, nằm; 2) nghề nghiệp (kiccakāra): nói về các công việc; 3) thực phẩm (bhojānāhāra); 4) gặp gỡ, nói về sự thấy, nghe, nói chuyện, đụng chạm các vật; 5) đặc tính, là theo lệ thường, người có tính riêng khác, có pháp chi thường trực nhiều hơn hết, cho đến hiển nhiên.

    Khi đã nhớ 5 căn bản đó được chơn chánh rồi, muốn xem đặc tính của người nào cần phải nhận biết theo 5 căn bản đó rằng: người này có đặc tính như vậy. Song không có thể biết được như bậc đắc tha tâm thông; có khi cũng sai lầm chút ít, nhưng còn hơn là không có phương pháp nhận biết, cho nên xin giải 5 căn bản đó, bằng cách vi tế như dưới đây:

    - Oai nghi:

    Về cách đi: người tính tham đẹp, đi chỉnh tề, dở chân đi và để chân xuồng chậm chậm, nhẹ nhẹ, dấu chân nhón ở giữa. Người tính sân đi không tề chỉnh, dở chân lên và để chân xuống mau lẹ, dấu chân nặng gót và đầu ngón chân đào xuống như xới đất. Người tính si đi dáng bộ yếu ớt, dở chân lên để chân xuống dường như sợ bị đạp mũi đinh hoặc gai, dấu chân nặng đầu gót chân và gót. Tóm tắt rằng: người có tính tham đi dịu dàng đáng xem, người tính sân đi cứng rắn không muốn ngó, người si đi không có điều lệ qui tắc.

    Về cách nằm: người tính tham khi nằm từ từ nằm, trải chỗ ngủ cũng vén khéo, không gấp, khi thức cũng lần lần ngồi dậy, không vội; tiếng nói, đáp nhẹ nhàng. Người sân khi trải chỗ nằm thì trải lấy được, vội vàng trải cho có, rồi liệng mình xuống nằm, khi thức cũng gấp ngồi dậy; tiếng nói, đáp như người giận. Người si trải chỗ nằm không vén khéo, bằng phẳng, nằm cũng bừa bãi, tay chân để sao cũng được và quen nằm sấp, thức dậy chậm chậm.

    - Nghề nghiệp:

    Người tính tham làm công việc vén khéo, có trật tự, đáng ưa thích. Người hay sân khó làm công việc cho được hoàn mỹ, không chán nản song không vén khéo (làm lấy có). Người hay si làm công việc không kĩ càng, thận trọng, không xong. Thí dụ như lau chùi, quét dọn, người tính tham cử chỉ cầm chổi cũng đáng xem, quét có trật tự và sạch sẽ. Người hay sân làm công việc vụng về không tốt đẹp, quét dọn không sạch sẽ, dấu quét không ngay thẳng, chỗ nặng chỗ nhẹ, tiếng quét mạnh, song không thấy dấu quét rõ rệt. Người hay si cầm chổi quét không cẩn thận, quét cũng không sạch sẽ, là chỉ quét lấy có, quét không để ý, không hấp tấp, song quét thường thường.

    Về sự mặc y phục: Người hay tham mặc y đều đặn trang nghiêm, không cao không thấp, mặc sao cho tốt đẹp thì mặc như vậy. Người hay sân mặc y không cẩn thận, mặc cao cao, buộc dây lưng chặt một lần, khi mặc có dáng điệu mạnh dạn, hấp tấp. Người hay si mặc lấy có, không biết làm cho tốt đẹp, mặc cũng lâu lắc, không để ý mặc cho dễ coi, dù thấy họ mặc phải cách xinh đẹp, cũng làm không giống họ.

    - Thực phẩm:

    Người hay tham ăn thực phẩm vừa đều đủ, ăn không mau không chậm, từ từ để thực phẩm vào miệng, ăn phải cách. Người hay sân dùng thực phẩm thô hiển, thích vật chua, miếng ăn đầy mồm, ăn hấp tấp. Người hay si ăn sao cũng được, ăn ngồm ngoàm dính cả miệng và tay.

    - Gặp gỡ:

    Người hay tham thấy sắc vừa lòng ngó không chán, vì nếu người đó có sự hành vi không xứng đáng cũng không cố chấp, chỉ thấy sắc đẹp là đã vừa lòng. Người hay sân thấy sắc không toại ý rồi không cần xem ngó nữa, dầu người đó có đức tính tốt cũng không cần. Người hay si khi gặp vật gì hay người nào thì chỉ xem qua thôi, không chú ý, nếu có ai nói rằng đẹp cũng đẹp theo họ, xấu cũng xấu theo họ.

    - Đặc tính:

    Người hay tham là người gian xảo, quỷ quyệt, quen phô trương, chấp ngã, ham muốn xấu xa, tự cao, tự trọng, không có trí tuệ. Người hay sân phần nhiều ngầm giận, để báo thù, nhứt là quen quên ơn đức kẻ khác, thường chê trích, ganh tỵ, bỏn xẻn. Người hay si quen có tánh du dự, ngu độn, bơ thờ, phóng túng, bất mãn, cố chấp, khó bỏ điều giữ vững ý kiến của mình. Người hay tin là người năng bố thí, mong gặp được bạn lành, ưa nghe lời dạy bảo, có nhiều sự hoan hỷ, không lười biếng trong việc lành, trong sạch trong điều đáng trong sạch v.v... Người có tính giác là người dễ nói, dễ dạy, chỉ thân cận bạn lành, dùng thực phẩm vừa đủ, có trí nhớ và trí giác, không ham ăn, mê ngủ. Người tính tưởng thích chuyện trò, ưa bạn bè, không mong làm điều tốt, không chú tâm làm công việc, ban đêm toan tính nhiều việc như khói bay, ban ngày hành sự như lửa cháy, làm công việc không chừng đổi, làm đây bỏ kia, làm kia bỏ đây.

    Cảnh giới của tính (ārammanacarita)

    Cảnh giới không đẹp, không tuyệt mỹ là nơi an vui của người tính tham nghĩa là người ham tốt đẹp, không bị bận rộn quấy nhiễu, do sự thương yêu, như là y phục, vật dùng, nơi ngụ không tốt, không tuyệt đẹp và đứng đi cho nhiều càng tốt. Cảnh giới tốt đẹp, ưu mỹ là nơi vui của hạng người tính sân, nghĩa là người hay giận sẽ không bị giận dễ, nhứt là thấy y phục, vật dùng, chỗ ngụ tốt, sạch, và sự ngồi, nằm cho vừa, tiếng êm tai, mùi thơm, vị ngọt, sự đụng chạm mềm dịu, cảnh giới đẹp xinh mới là nơi vui đến người tính sân; cảnh giới bực trung là không tốt, không hèn, không nhỏ, không lớn là nơi vui thích của hành giả tính si. Nghĩa là người có tính mê, vừa ý với sắc, tiếng, mùi, vị đụng chạm bực trung. Cảnh giới bực thường, chỗ ngụ phải cho rộng rãi, có cửa sổ mở, đóng tự do, có gió thổi vô ra được dễ dàng, và phải dùng oai nghi đi cho nhiều mới là nơi an vui, làm cho tâm mờ đục, sẽ có ánh sang lên từ từ.

    4) Phải học ngay đề mục hợp với tính của mình, đã có giải rồi đó, là người quen thích đẹp phải hành theo 10 đề mục tử thi và đề mục niệm thân. Người hay sân phải hành theo vòng tròn màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, đề từ, bi, hỷ, xả. Người hay si và hay tưởng phải hành theo đê mục số tức quan. Người hay tin phải theo đề mục niệm Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, bố thí, trì giới và pháp làm cho thành chư thiên. Người tỉnh giác phải niệm sự chết, Niết-bàn, vật ô trọc và phân biệt tứ đại.(11)

    Những đề mục thiền định không có giải trên đây, đều vừa đến tất cả tính của các hành giả.

    5) Những chỗ ngụ vừa với tính của hành giả đó là:

    Người tính tham phải tìm chỗ ở phản đối với tính của mình (không tốt, không đẹp) và vật dụng, y phục, cũng không cho đẹp, mới vừa lòng, người tính tham, tâm mới không phóng túng. Người tính sân phải ngụ trong nơi xinh đẹp và vật dùng, mặc, cũng như chỗ ở vậy, phải có bóng cây mát, vui, không quá cao, quá thấp và khi đã ở được rồi sẽ là nơi vừa lòng, tâm không mờ mệt, lờ đờ, âm u, dù là thực phẩm cũng cho sạch sẽ, có mùi thơm và vị ngon. Người tính si phải tìm chỗ ngụ cho khoảng khoát, có cửa sổ mở, đóng cho được vừa ý, khi ngồi ở trong xem ra ngoài được tự do, vì khi đã ở rồi sẽ làm cho si mê nhẹ nhàng; song chỗ ngụ đó phải sạch sẽ, có bóng cây mát vừa lòng, không quá cao, quá thấp, cho đến vật dùng, thực phẩm cũng phải cho sạch sẽ và ngon. Người tính hay tin phải ngụ trong chỗ giống như người hay sân, là nơi đẹp, sạch, có bóng mát, không quá cao, quá thấp, về vật dùng cho đến thực phẩm cũng phải sạch sẽ. Người tính giác không lựa chỗ ngụ, nơi nào ở cũng được, vật dùng cho đến thực phẩm cũng vậy, nghĩa là không chọn lựa cái chi. Người tính tưởng phải tìm chỗ khuất ẩn như hang núi, và không nên ở gần rẫy, vườn, ao nước, gần xóm, gần núi, thì sẽ không cho suy tưởng điều chi nhiều, và không nên ở chỗ tốt đẹp, cho đến vật dùng và thực phẩm cũng vậy.

    6) 10 pháp sáng trí (appanākosalla):

    Phải sáng trí trong phương pháp làm cho thiền định phát sanh, là phải hành theo 10 điều sau này: 1) làm cho vật ở trong và ở ngoài cho sạch sẽ, là làm cho thân thể và vật dụng cho tinh khiết (phải thường tắm rửa, giặt y phục, quét dọn chỗ ở cho có trật tự, sạch sẽ); 2) làm ngũ căn cho đều là: đức tin, tinh tấn, trí nhớ, thiền định, trí tuệ cho bằng nhau đừng cho hơn kém; 3) phải sang trí trong triệu chứng làm cho tâm vững chắc; 4) phải tùy thời phấn chí, là nếu tâm thối chuyển phải làm cho có tâm lực; 5) phải tùy thời đè nén tâm, là khi có tâm lực thái quá, phải dằn tâm cho trở lại điều hòa; 6) phải tùy thời làm cho tâm ưa thích, trong khi tâm phiền muộn; 7) phải xem chừng cái tâm, là khi tâm định vững, có tâm vô ký, trung lập, không nên đè nén, không nên phấn khởi, cho tâm ưa thích, làm như xa phu đánh xe vậy, nghĩa là trong lúc xe chạy ngay đường, xa phu không cần phải làm cái chi, chỉ cầm dây cương cho có chừng thôi; 8) phải lánh xa người có tâm buông thả, hay bị thế sự buộc ràng; 9) phải thân cận người có tâm kiên cố, là người hay quyết định, làm cái chi thì chú tâm làm thật; 10) phải xu hướng đi trong đường, làm cho tâm an trụ thường thường.

    Xin xem cách thức hành thiền trong phép chánh định, trong nơi đây chỉ giải về các quả báo của thiền định thôi.

    Quả báo của thiền định:

    Hành giả: 1) đắc thiền do đề mục đất có khả năng làm hư không hoặc nước cho thành đất được; đi, đứng, ngồi, nằm trong hư không hoặc trong nước được như nơi mặt đất, và có năng lực biến hóa vật này ra vật khác được; 2) đắc thiền do đề mục nước có tài biến đất trở thành nước được, trồi lên, lặn xuống trong đất như trong nước, làm cho mưa xuống, cho núi, nhà lay chuyển như nước gợn(12) được; 3) đắc thiền do đề mục lửa có thể làm cho sanh khói, lửa, ngọn lửa, mưa than lửa được, làm cho nóng được, mở mắt xem vật chi cho cháy thành tro, bụi được đến kỳ niết-bàn nguyện cho có lửa để thiêu mình (hỏa táng) được; 4) đắc thiền do đề mục gió có năng lực làm cho gió thổi đem đi được, làm cho sanh gió to được; 5) đắc thiền do màu xanh có thể làm cho các vật thành sắc xanh, chỗ tối ra xanh được v.v...; 6) đắc thiền do màu vàng làm cho các vật trở thành sắc vàng được v.v...; 7) đắc thiền do đề mục màu đỏ làm các vật cho ra đỏ được v.v...; 8) đắc thiền do màu trắng làm các vật cho trở thành trắng được, làm nơi tối ra sáng cho xem thấy cái chi chi cũng được; 9) đắc thiền do ánh sáng làm cho sanh ánh sáng được.

    Quả báo của đề mục thiền định kinh tử thi.

    Hành giả phải đắc thiền trong đề mục tử thi rồi tiếp tục hành phép minh sát (vipassana) nếu pārāmī(13) đều đủ thì sẽ đắc A-la-hán quả được.

    Niệm Đức Phật được 13 quả báo thấp: 1) càng có đức tin ở Phật; 2) càng sanh sự lo sợ, tôn trọng Phật; 3) càng có trí nhớ; 4) càng nhận biết đức của Phật; 5) càng có sự thỏa mãn; 6) nhẫn nại đối với sự kinh khủng và với các việc được; 7) nhẫn nại đối với các sự khổ được; 8) đáng ở chung cùng Phật được; 9) đáng là nơi cúng dường của quần chúng như thánh tháp, kim thân Phật; 10) có tâm chiều đi trong cõi Phật, là mong thành Phật tổ; 11) có sự hổ thẹn và ghê sợ đối với điều ác, không dám làm việc dữ như ở trong ngay nơi mặt Phật; 12) càng có tâm trong sáng; 13) được thọ sanh trong nhàn cảnh, là nơi có sự hạnh phúc sau khi mạng chung. Được một quả báo cao là đắc cận định.

    Quả báo trong pháp niệm đức của Pháp và của tăng nên so sánh như đã giải trong pháp niệm Đức Phật.

    Niệm Giới: Quả bực thấp của pháp niệm Giới có 9: 1) có sự tôn kính trong sự học hỏi về giới; 2) lìa khỏi các kinh khủng, nhứt là sự lo sợ về điều chê trách, rằng là người không tốt; 3) thấy sợ trong tội lỗi dù là điều nhỏ nhen; 4) càng có đức tin trong giới; 5) càng có trí nhớ trong giới; 6) càng có trí tuệ phân biệt giới; 7) càng có tâm trong sáng; 8) càng có sự vừa lòng trong giới; 9) được sanh trong cảnh vui. Quả báo cao là sẽ đắc cận định.

    Quả báo của phép niệm bố thí có 7: Quả bực thấp có 6: 1) càng ưa thích trong việc bố thí; 2) không giấu giếm trong việc xan tham; 3) có lòng bác ái đến kẻ khác; 4) có sự dạn dĩ trong nơi đô hội, là không lo ngại bị kẻ khác chê trách rằng là người bỏn xẻn; 5) càng có tâm thỏa mãn; 6) được sanh trong cảnh vui. Quả báo cao là cận định.

    Quả báo của đề mục Niệm Pháp làm cho người trở thành chư thiên: Quả bực thấp có 7: 1) là người đáng thương yêu của chư thiên; 2) càng có đức tin; 3) càng có trí nhớ; 4) càng có trí tuệ; 5) càng có tâm trong sang; 6) cáng thích ý; 7) được sanh trong cảnh vui. Quả báo cao là đắc cận định.

    Quả báo của pháp niệm sự chết có 10: Quả bực thấp có 9: 1) Không sa mê trong sự sống, là không trầm tỉnh rằng là được sanh tồn lâu dài, có tâm hăng hái, cần mẫn làm các việc lành để dành; 2) Không ưa mến, kích thích trong sự đặng, sự có; 3) Dứt bỏ điều sa mê trong sự sống; 4) Vừa lòng lau chùi các tội lỗi; 5) Không sa đắm trong tài sản; 6) Không hà tiện (chỉ thấy bụng mình); 7) Sẽ nhận thức trong pháp vô thường của ngũ uẩn, là nhận biết sự khổ, và rõ rằng cái chi cũng chẳng phải của ta thật; 8) Đến lúc hấp hối sẽ không sợ chết; 9) Sau giờ mạng chung sẽ được sanh trong nhàn cảnh. Quả bực cao là cận định.

    Quả báo thấp của pháp niệm vật xấu xa, đáng gớm trong thân thể, là nhẫn nại đối với sự thương, ghét, là không ưa thích và ghét bỏ trong thân thể thái quá. Quả báo cao là đắc tứ thiền, lục thông.

    Quả báo bực thấp của pháp niệm số tức quan có 8: 1) ngủ cũng vui, không vùng vẫy; 2) khi thức cũng vui là được nhẹ nhàng, thơ thới; 3) có thân thể ôn hòa bình tĩnh; 4) có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi; 5) đáng cho người tín nhiệm; 6) có khí chất chơn chánh phi thường; 7) Là nơi thương yêu của quần chúng; 8) Được sanh trong cảnh vui. Quả báo cao là đắc A- la-hán quả.

    Quả báo của pháp niệm Niết-bàn bực thấp có 8: 1) ngủ được yên vui; 2) thức dậy cũng yên vui; 3) thân hình bình tĩnh ôn hòa; 4) có sự hổ thẹn và ghê sợ điều ác; 5) đáng cho kẻ khác tín nhiệm; 6) có khí chất tốt đẹp phi thường; 7) là nơi thương yêu của quần chúng; 8) được sanh trong cảnh vui. Quả báo cao là đắc cận định.

    Quả báo của pháp niệm đức từ ái có 10: 1) ngủ cũng vui, là không ngáy; 2) thức cũng vui, không áy náy, lo lắng, nghi ngờ; 3) không nằm mộng xấu xa; 4) là nơi thương yêu của phần đông người; 5) là nơi vừa lòng của phi nhơn; 6) được chư thiên hộ trì; 7) không có bị nạn lửa, thuốc độc, thương tích vì võ khí; 8) tâm vững vàng mau lẹ, là khi phát tâm du dự không quả quyết do một nhân nào, bèn trở ý quyết định bền chắc liền được; 9) có sắc mặt trong sáng tươi cười; 10) không mê lầm trong khi hấp hối.

    Quả báo của pháp niệm đức bi(14), đức hỷ, đức xả cũng như tu trong pháp niệm đức từ.

    Quả báo của pháp niệm thực phẩm ô trọc tưởng: Bực thấp có 2: 1) Sẽ làm cho không ham ăn; 2) Không cho làm việc xấu vì thực phẩm và không cho hiểu rằng thân thể được mạnh do thực phẩm là xinh đẹp, đáng yêu, dầu có mến cũng chẳng mê lầm, không ngấm, không chìm trong thế lực của sự trìu mến, không sa đắm làm điều tội lỗi nhứt là vì sự quá yêu thương. Quả báo cao là cận định, đè nén 5 pháp cái cho đến A-la-hán quả.

    Pháp phân biệt đề mục tứ đại.

    Có 2 phương pháp là tóm tắt và giải rộng: 1) cách tóm tắt để cho hành giả có nhiều trí tuệ; 2) pháp giải rộng về phần người kém trí tuệ.

    Bậc có nhiều trí tuệ phải hành theo dưới đây: sau khi an cư trong nơi thanh vắng rồi, cần niệm trong trí rằng: “Ở trong thân thể ta chỉ có tứ đại đất, nước, lửa, gió thôi”; phải quán tưởng thường thường như vậy. Lại nữa, người có nhiều trí tuệ nên chỉ ghi nhớ cái tướng của tứ đại rằng: “Cái chi có tướng mềm hoặc cứng, cái đó là chất đất; cái nào có tướng ướt, thấm, cái đó là chất nước; cái chi có tướng ấm hoặc nóng, cái đó là chất lửa; cái chi có tướng phất phơ, cái đó là chất gió”, như vậy.

    Phần hành giả ít trí tuệ nên dùng cách thức giải rộng, chú tâm phân biệt tứ đại theo 42 bộ phận trong thân thể rằng: trong thân thể có: 1) 20 chất đất: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy trong xương, vakkam(15), tim, gan, màng bao ruột, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, thực phẩm mới, thực phẩm cũ, tủy trong óc; 2) 12 chất nước: mật, đàm, mủ, máu, mỡ đặc, mồ hôi, nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu; 3) 4 chất lửa: lửa làm cho châu thân nóng đều; lửa làm cho thân thể già yếu; lửa làm cho thân thể ấm áp; lửa làm cho thực phẩm tiêu hóa; 4) 6 chất gió: gió quạt lên trên; gió quạt xuống dưới; gió quạt vận ở ngoài dạ dày; gió quạt trong dạ dày; gió quạt đều trong châu thân; gió thở ra hít vô.

    Lại nữa, phải chú tâm phân biệt tứ đại theo 4 phương pháp: là theo chi tiết tóm tắt ngay chất đó, theo cách thức chia chi tiết của chất đó, theo tướng tóm tắt ngay chất đó, theo sự chia tướng của chất đó.

    Nghĩa là:

    1- Tiếng nói ‘theo chi tiết tóm tắt ngay chất đó’ ám chỉ rằng: phải chú tâm phân biệt, ghi nhớ tình trạng mềm hoặc cứng trong 20 bộ phận chỉ là chất đất, là trong thân thể này có 20 chất đất: tóc là chất đất, lông là chất đất như vậy cho đến đều đủ 20 chất đất, rồi niệm phân biệt chất nước, chất lửa, chất gió tiếp theo thứ tự.

    2- Tiếng nói ‘theo sự chia chi tiết của các chất đó’ là chia cho thấy 32 bộ phận nhứt là: tóc, lông, móng, răng, da có ở trong thân thể chúng ta, phần nào có màu sắc, có hình trạng, có phương hướng ra sao? Là trú ở phía cao, phía thấp của phần thân thể thế nào? (từ lỗ rún trở lên về phần cao, dưới lỗ rún sấp xuống về phần dưới), và có nơi trú ở tại đâu? Có sự phân biệt miền phía cao và phía thấp như thế nào v.v...?

    Khi đã phân biệt màu, hình trạng, phương hướng, nơi trú, miền của 32 bộ phận được rồi, cần nhớ chia 32 bộ phận đó, vì là cái không nhận biết nhau là phải nhớ rằng: với da bao đầu riêng mình cũng không nhận biết nhau, là: tóc cũng không biết rằng mình sanh, ở nơi da bao đầu, da bao đầu cũng không rõ tóc sanh ở nơi mình. Cả hai thể là tóc và da bao đầu đó, là cái riêng nhau, không nhận thức nhau, không có tâm thức, không tốt, không xấu, chỉ là chất thôi, chẳng phải là người, thú chi đấu, như vậy. Phải nhớ nghĩ như thế đó, cho đều đủ 32 bộ phận rồi, quán tưởng chia chất lửa, chất gió ra, do phương pháp như đã giải.

    3- Tiếng nói ‘theo tướng tóm tắt ngay chất đó’ là quán tưởng tướng của chất bằng tóm tắt rằng: cả 20 thể có tướng mềm hoặc cứng toàn là chất đất; cả 12 tướng cái có tướng ướt át, thấm thía đều là chất nước; cả 4 cái có tướng nóng đều là chất lửa; cả 6 cái có tướng phất phơ đều là chất gió như vậy.

    4- Tiếng nói ‘theo sự chia tướng của chất đó’ là phải nhớ nghĩ phân cái tướng mỗi chất ra cho điều đủ bộ phận rằng: tóc là chất đất có tướng mềm hoặc cứng, một loại; lông là chất đất có tướng mềm dẻo hoặc cứng, một loại; móng là chất đất có tướng mềm hoặc cứng, một loại; răng là chất đất có tướng cứng, một loại; da là chất có tướng mềm hoặc cứng, một loại, nhứt là như thế đó.

    Hành giả cần phải học tập thêm theo điều mục phân biệt đất cho thông hiểu chơn chánh rồi mới nên hành.

    Quả báo của pháp quán tưởng phân biệt tứ đại:

    Bực thấp 4 quả báo: 1) sẽ dứt sự cố chấp rằng là: người, thú, gái, trai, chỉ thấy là tứ đại thôi; 2) sẽ không biết sợ cái chi, nhứt là không kinh khủng đối với thú dữ, ma, quỷ; 3) không thương ghét trong cảnh giới xinh đẹp hoặc xấu xa; 4) thác rồi sẽ sanh trong nhàn cảnh.

    Bực cao có 2: 1) đắc cận định; 2) đến Niết-bàn, sau khi cận định có mãnh lực rồi hành pháp minh sát.

    BHĀVANĀYA KO ANĪSAṂSO: CÁI CHI LÀ QUẢ BÁO CỦA SỰ LÀM CHO SANH THIỀN ĐỊNH, NGHĨA LÀ THẾ NÀO LÀ THIỀN ĐỊNH CHƠN CHÁNH?

    Đáp câu hỏi thứ tám: Quả báo của thiền định. Đây chỉ tóm tắt đại khái về sự đáp câu hỏi thứ tám rằng “thiền định tốt đẹp như thế nào?”

    Đáp: Thiền định tốt đẹp như vầy:

    1)  Ở được yên vui trong hiện tại, là nhận biết có nhiều hạnh phúc, thân tâm phi thường, vì không có cái chi làm cho tâm bối rối, tâm hằng trong sáng, không lờ mờ, âm u, không tức giận, khó chịu, uất ức vì 5 pháp cái là: thương, ghét, lười biếng, phóng tâm, hoài nghi trong điều lành, dữ.

    2)  Là nơi sanh trí tuệ, là khi tâm đỉnh rồi thì thường có sự hiểu biết, có thể soi thấu nhân quả theo chơn lý, có tình trạng như nước im (không động), chúng ta có khả năng nhận rõ các vật trong nước được.

    3)  Đắc lục thông (abhiññā), tiếng abhiññā dịch là ‘thông minh xuất chúng’, là sự hiểu biết cao siêu về phần thế gian có 5 là: hiện thân thông(16), nhãn thông, nhĩ thông, túc mạng thông, sanh tử thông.

    4)  Được sanh trong cõi vui, là nếu đắc cận định thì thọ sanh trong 6 dục thiên; nhập định sẽ sanh 1 trong 20 cõi sắc giới, vô sắc giới.

    5)  Nhập diệt thọ tưởng định được.

    Cả 5 quả báo đã giải trên là điều tốt đẹp phi thường của thiền định bực cao.

    Về phần quả báo thấp của thiền định, là chỉ có tâm định vững, cho thành tựu được các việc; vì người đã đắc cận định hằng có tâm lực, như giọt nước chảy ngay một đường, không có chi trở ngại, giọt nước đó có mãnh lực thế nào, người có tâm định cũng có tâm lực như thế đó.

    Dứt nền tảng Phật giáo thứ nhì tóm tắt bấy nhiêu.

    -oo0oo-

    (4) Tính chất có tự nhiên khi sanh ra.
    (5) Bậc thiền sư đáng thân cận là:
    - Bậc minh tuệ có 4 chi (pandita): biết ơn người đã làm đến mình (kataññū), làm cho mình trong sạch khỏi điều tội lỗi (attasuddhi), làm cho người được trong sạch (parāsuddhi), tế độ người nên tế độ (sangaho).
    - Bậc thiền sư có 7 chi: phải có lòng từ bi bình đẳng, phải có giới tinh nghiêm, đặng cho trò tôn trọng kính mến, biết nhẫn nại khi trò bất bình, thầy tùy cơ cảm hóa trò, phải biết đạo lý cao siêu và biết cách giảng giải theo sức trò, phải ngăn ngừa không cho trò làm điều vô ích tội lỗi, phải tìm phương pháp chỉ dẫn trò cho mau tìm được tiến hóa.
    (6) Xem phép chánh định trang 37.
    (7) Xem phép chánh định trang 16.
    (8) Xem trong tranh giải về Tính.
    (9) Xem phép chánh định trang 6.
    (10) Bản nhiên của con người dính theo tâm và sẽ tùy hoàn cảnh mà thay đổi.
    (11) Tất cả những đề mục này, xem trong quyển phép chánh định.
    (12) Nước có sóng nhỏ nhỏ.
    (13) Pārāmī là pháp thập độ: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, nhẫn nại, ngay thực, nguyện vọng, bác ái, xả.
    (14) Xem phép chánh định trang 63-65.
    (15) 2 cục thịt từ cuống họng chạy đến tim.
    (16) Hiện ra nhiều thân, nhiều loại vật.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.