Nghiệp, tái sinh và đau khổ

Nghiệp, tái sinh và đau khổ

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    07. NGHIỆP, TÁI SINH VÀ ĐAU KHỔ

    Hôm nay, tôi sẽ giải thích về luật nghiệp báo, tái sinh và đau khổ.

    Tất cả những điều này rất kỳ diệu không những đối với người Phật Tử mà còn cho những người của các tôn giáo khác nữa. Tôi thích dùng chữ Pāḷi hơn chữ Sankrit. Bởi vì chữ Pāḷi có vẻ phổ thông hơn đối với người phương Tây, Pāḷi là ngôn ngữ ghi lại những lời dạy của Đức Phật, thế nên Pāḷi trở thành ngôn ngữ thiêng liêng của Phật Giáo Nguyên Thủy.

    KAMMA (NGHIỆP)

    Chữ Kamma là một từ Pāḷi tương đương với Karma là một từ Sanskrit.

    Kamma là gì ? Theo nguyên gốc, nghĩa của kamma là một cái gì đó đã được làm nên. Kamma theo nghĩa đen là một cái gì đó đã được làm hay tác động. Kamma cũng có nghĩa là một tâm sở, là dụng cụ để làm nên việc tốt hay xấu, thiện hay ác. Như vậy, theo nghĩa chuyên môn từ ngữ này có nghĩa là một tâm sở khởi sinh khi người ta làm một việc gì đó. Bất kỳ lúc nào làm việc ác hay thiện thì đều có một tâm sở phát sinh ở trong tâm và tâm sở này đã tổ chức và phối hợp những tâm sở khác và chính nó tham gia vào công việc đó. Tâm sở này như một trưởng lớp. Người trưởng lớp này là một học trò như những học trò khác, nhưng đồng thời đóng vai trò chỉ đạo người khác làm việc. Đúng vậy, tâm sở nghiệp chính nó tác động trên đối tượng đồng thời khích lệ và tổ chức những tâm sở khác cùng khởi sinh với nó, và tác động trên đối tượng. Tâm sở này tiếng Pāḷi gọi là “cetanā” và được dịch là “cố ý”. Như vậy, khi nói đến kamma, ta không nói đến hành động tốt hay xấu mà nói đến tâm sở cùng khởi sinh trong tâm của một người khi họ làm đều tốt hay xấu, thiện hay ác. Bởi vì đây là một tâm sở nên nó khởi sinh và chấm dứt nhanh chóng. Theo lời dạy của Đức Phật dầu là tâm hay vật chất, chúng đều khởi sinh và hoại diệt ngay tức khắc. Nhưng khác với những tâm sở khác, tâm sở cố ý hay nghiệp này sau khi biến mất còn để lại tiềm năng, đem lại kết quả trong luồng tồn sinh của chúng sinh. Mặc dầu chúng ta không thể nói hay không thể biết tiềm năng này đã cất chứa ở chỗ nào, nhưng một khi có đủ điều kiện thuận lợi, thì nghiệp sẽ cho quả, hay quả đã được tạo ra.

    Ví dụ: Một cây xoài cho trái, trước khi trái mọc trên cây, chúng ta không thể biết những trái xoài nằm ở đâu? Phải chăng ở dưới gốc cây, trong thân, trong cành hay trong lá? Chúng ta không biết chúng ở đâu nhưng khi hội đủ điều kiện như ánh nắng, độ ẩm, nước thì trái được tạo ra. Tương tự như vậy, nghiệp có tiềm năng tạo thành quả. Nghiệp có khả năng cho quả và sẽ cho quả khi có điều kiện thuận lợi, đó là cái mà ta gọi là kamma, và kamma có thể tốt, có thể xấu, có thể  thiện, có thể ác. Bởi vì kamma là một luật tự nhiên cho nên kamma sẽ cho quả tốt xấu tùy theo hành động của ta có chủ ý tốt hay xấu. Nghiệp tốt cho quả tốt, nghiệp xấu cho quả đau thương. Những người Phật Tử như chúng ta phải tin tưởng vào luật nghiệp báo.

    KHÁM PHÁ RA LUẬT NGHIỆP BÁO

    Luật nghiệp báo được chính Đức Phật khám phá không cần một vị thầy nào cả. Vào đêm trước khi trở thành Phật, Bồ Tát ngồi hành thiền dưới gốc cây Bồ Đề trọn đêm. Vào canh hai, từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng, Bồ Tát đạt trí tuệ siêu việt. Ngài có thể thấy được chúng sinh chết đi từ kiếp sống này và sinh ra trong kiếp sống khác. Ngài thấy chúng sinh mất ở cảnh giới này sinh vào cảnh khổ vì họ đã làm việc xấu trong quá khứ. Ngài cũng thấy chúng sinh mất ở cảnh giới này sinh vào cảnh an vui, như cõi trời, vì họ đã làm những việc lành trong quá khứ.

    Như vậy, trong suốt canh hai, lúc còn là Bồ Tát, Đức Phật đã khám phá ra luật nghiệp báo. Những lời dạy của Đức Phật về luật nghiệp báo không vay mượn từ bất kỳ một tôn giáo hay lý thuyết nào, nhưng đến từ trí tuệ trực giác, sự hiểu biết siêu việt của Ngài. Chỉ có Đức Phật mới có thể hiểu biết tất cả mọi chuyện về kamma. Học trò Ngài, dầu người học giỏi nhất, cũng không thể nào hiểu biết luật nghiệp báo một cách trọn vẹn. Bởi thế nếu chúng ta không hiểu mọi chuyện về luật nghiệp báo, chúng ta cũng đừng thất vọng, vì luật nghiệp báo nằm ngoài lãnh vực và khả năng của chúng ta.

    CÁC LOẠI NGHIỆP

    Có nhiều loại nghiệp: nghiệp trả quả ngay trong kiếp sống này, nghiệp trả quả trong kiếp tới, nghiệp trả quả trong kiếp kế tới nữa cho đến khi chúng ta đi hết vòng luân hồi. Ba loại nghiệp trên sẽ bất động khi chúng không có cơ hội cho quả trong một thời gian nào đó. Tóm lại, nghiệp có thể đến trong những kiếp sống tương lai, nghiệp cũng đem đến kết quả ngay trong kiếp sống hiện tại. Một số người nói rằng chính họ đã gặt hái quả của nghiệp ngay trong kiếp sống này.

    LỢI ÍCH CỦA SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NGHIỆP BÁO

    Hiểu biết luật nghiệp báo giúp chúng ta tự lực, tự hỗ trợ và tự chịu trách nhiệm về chính mình, bởi vì quả tốt xấu chúng ta nhận được ngày hôm nay có nguyên nhân là những gì ta đã làm trước đây. Những gì chúng ta vui hưởng trong kiếp sống hiện tại là kết quả của nghiệp tốt chúng ta đã làm trong quá khứ. Những đau khổ chúng ta nhận chịu ngày hôm nay là kết quả nghiệp xấu chúng ta đã làm trong quá khứ. Do đó, chúng ta không trách cứ, không đổ lỗi cho một ai về những thất bại, những đau khổ của chúng ta trong cuộc sống này. Nếu bạn có trách cứ thì hãy trách cứ nghiệp của bạn.

    Như vậy, kamma là cái đã tạo ra quả, bởi vì chúng ta tạo ra kamma nên chúng ta phải nhận chịu. Chúng ta là nhân của quả đã tạo ra. Chúng ta là chủ nhân, ông chủ chính chúng ta. Chúng ta tạo ra hình dáng, làm ra khuôn đúc, bóp méo, vo tròn tương lai của chúng ta. Bởi thế, chúng ta hoàn toàn tự do tạo tương lai tốt đẹp của chúng ta mà không phải nhờ vào một người nào khác, vì chính chúng ta, một mình chúng ta, tạo ra tương lai của chúng ta, tốt hay xấu đều do chúng ta cả.

    Khi chúng ta hiểu rằng chính chúng ta chịu trách nhiệm về những đau khổ và hạnh phúc của chúng ta. Khi chúng ta biết rằng mình có thể tạo nên tương lai của chính mình thì chúng ta sẽ làm những gì cần làm trong hiện tại để gặt hái hạnh phúc trong tương lai. Nếu không muốn gặt hái những kết quả xấu, đau thương, chúng ta chỉ cần tránh làm điều ác trong hiện tại. Sự hiểu biết luật nhân quả sẽ giúp chúng ta tránh làm những điều xấu xa, những gì đem lại đau khổ cho chúng ta và cho người khác. Như vậy, nhờ hiểu biết luật nhân quả, chúng ta có thể cải thiện đời sống chúng ta trong hiện tại và tạo cho mình một đời sống tốt đẹp trong tương lai.

    TÁI SINH

    Khi nào có nghiệp thì sẽ có quả. Chúng ta không thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ trừ khi chúng ta trở thành Phật hay A La Hán. Như vậy, một người tái sinh vào kiếp sống mới, sự tái sinh này là kết quả của nghiệp mà người đó đã tạo ra trong quá khứ, có thể đó là nghiệp trong kiếp sống vừa qua hay nghiệp trong kiếp sống trước đây. Như vậy, khi một người tái sinh thì người đó tái sinh do hậu quả của nghiệp mà người đó đã làm trong quá khứ.

    Theo lời dạy của Đức Phật thì tái sinh diễn ra tức khắc sau cái chết có nghĩa là chết thì tái sinh ngay; không có một thời gian chuyển tiếp giữa cái chết và tái sinh ở kiếp sống mới, có nghĩa là từ khi chết đến kiếp sống mới không có đoạn trung gian ở giữa. Một người khi chết đi có thể tái sinh vào một nơi xa ngàn dặm. Theo những bằng chứng cho thấy, có người chết ở nước Anh mà tái sinh ở Úc, dù cho khoảng cách giữa nước Anh và Úc cách xa hàng ngàn dặm. Nơi chết và nơi tái sinh có thể xa ngàn dặm, nhưng giữa cái chết và sự tái sinh vào đời sống mới không có một khoảng thời gian nào cả. Theo Vi Diệu Pháp, sau khi chết là tái sinh ngay, nhưng chúng ta phải hiểu rằng “tái sinh” ở kiếp sống mới không phải là kết quả của cái chết trong kiếp trước. Tái sinh trong kiếp tới là kết quả của nghiệp trong kiếp vừa qua. Rất nhiều người hiểu lầm về điều này, nhiều người nghĩ rằng tái sinh là sản phẩm của cái chết. Chúng ta có thể nói tái sinh bị điều kiện bởi cái chết hay chính cái chết tạo điều kiện đưa đến tái sinh. Bởi vậy, trong Vi Diệu Pháp nói: Sau khi "tử thức" chấm dứt thì "thức tái sinh" khởi sinh (điều này trong Paṭṭhāna gọi là cận duyên hay điều kiện gần).

    Chết chỉ là một sát na hay một khoảnh khắc trong đời sống, là khoảnh khắc cuối cùng của một cuộc sống. Trước khoảnh khắc cuối cùng, tâm của người chết bị chiếm ngự bởi một số đối tượng, một số cảnh, những cảnh này là hậu quả của những nghiệp mà họ đã làm trước đây, và đặc tính của cảnh này, (của đối tượng trong tâm này), đóng vai trò rất quan trọng, vai trò quyết định tạo điều kiện cho sự tái sinh. Như vậy, nghiệp trong quá khứ, có thể là nghiệp trong kiếp vừa rồi hay nghiệp trong kiếp trước nữa là điều kiện hay cái tạo ra sự tái sinh trong kiếp kế tiếp, sau khi chết.

    SÁT NA HAY KHOẢNH KHẮC

    Thật ra khoảnh khắc này mất đi khoảnh khắc khác sinh ra, tiếp tục diễn biến trong suốt đời sống của chúng ta. Theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta chết rồi  tái sinh, tái sinh rồi chết trong từng sát na hay từng khoảnh khắc của cuộc đời. Khi tôi nói một câu, và bạn nghe tôi nói. Trong câu nói của tôi gồm nhiều chữ. Mỗi chữ tôi vừa nói ra liền chấm dứt nhanh chóng ngay, và chữ bạn nghe cũng chấm dứt nhanh chóng ngay. Mỗi chữ đến và đi nhanh chóng, và tâm nghe cũng đến và đi nhanh chóng. Như vậy, mỗi một khoảnh khắc qua có một cặp vật chất và tâm mới khởi sinh rồi mất đi ngay. Trong khoảnh khắc tới lại có một cặp vật chất và tâm đến rồi đi. Diễn biến đến đi liên tục như vậy trong suốt đời sống của chúng ta. Một khi đã thấy rõ trong đời sống chúng ta, sát na thân tâm này tiếp tục theo sát na thân tâm khác không gián đoạn, không có khoảng hở thì chúng ta có thể hiểu được kiếp sống này và kiếp sống kế tiếp.

    KIẾP SỐNG NÀY VÀ KIẾP SỐNG KẾ TIẾP

    Thật ra kiếp sống này và kiếp sống kế tiếp cách nhau bởi một khoảnh khắc vào sát na chết. Và sát na kế tiếp ngay tức khắc sau sát na chết này gọi là kiếp sống mới hay kiếp kế tiếp. Đó là chúng ta dùng ngôn ngữ chế định để diễn tả. Đúng ra, chết trong kiếp sống này, và tái sinh trong kiếp sống khác chẳng khác nào sát na này nối tiếp sát na kia trong cuộc sống hiện tại thôi. Chẳng hạn, một giây sau đêm giao thừa chúng ta gọi đó là một ngày mới, một tháng mới, một năm mới, nhưng đúng ra, đó chỉ là một giây xê xích giữa năm cũ và năm mới thôi. Chúng ta có thể nói rằng: một khoảnh khắc cũ là năm cũ và một khoảnh khắc sau đó là năm mới. Khoảnh khắc trước là năm cũ và khoảnh khắc sau là năm mới, nhưng chúng ta đã đồng ý với nhau gọi đó làn năm cũ và  kế tiếp sau đó là năm mới. Khi chúng ta nói “chúng ta đã ở trong năm mới”, nhưng thật ra năm mới chỉ cách giao thừa có một giây thôi.

    Cũng vậy, khi chúng sinh tái sinh sau khi chết chỉ có một sát na. Vì thế, sự khởi sinh và hoại diệt của vật chất và tâm liên tiếp mãi cho đến khi ta trở thành A La Hán hay một vị Phật. Khi đã thành Phật hay A La Hán thì không còn có sự sinh diệt của vật chất và tâm, không còn tái sinh nữa. Nhưng khi chưa giải thóat, sự liên tục sinh diệt của vật chất và tâm vẫn diễn tiến mãi không ngừng.

    Tóm lại, tái sinh là kết quả, là sản phẩm của nghiệp mà chúng ta tạo ra. Chúng ta có thể tạo ra những nghiệp thiện trong đời sống hiện tại để tái sinh vào kiếp sống tốt đẹp ở tương lai.

    Khi nói về thuyết tái sinh, người ta muốn biết cái gì đi tái sinh. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta dùng câu thành ngữ sau:

    "Không phải nó, và cũng không phải cái khác”.

    Người mà ta gọi là tái sinh trong kiếp sống mới không phải cùng là người chết ở kiếp sống trước, cũng không phải là một người mới hoàn toàn. Người tái sinh trong kiếp sống mới không hoàn toàn độc lập hay không hoàn toàn chẳng có liên hệ gì đến người chết trước đây. Bởi thế, chúng ta dùng câu ngạn ngữ:

    “Không phải nó, mà cũng chẳng phải cái khác”.

    Cái xảy ra vào lúc tái sinh là nghiệp tạo ra tâm và một ít vật chất, ta gọi đó là tái sinh. Vì thế, vật chất và tâm được tạo ra hay khởi sinh vào lúc tái sinh là đúc kết của sự nối tiếp từ đời sống trước.

    VÍ DỤ VỀ CHUỖI HỘT

    Theo lời dạy của Đức Phật, không có cái gì chuyển từ đời sống này sang đời sống khác, đó chỉ là những gì đã làm trong đời sống trước tạo ra kết quả trong tương lai. Như vậy từ đời sống này đến đời sống kế tiếp có liên hệ nhân quả. Chúng ta hãy nghĩ đến một chuỗi hột; hột này khác biệt với hột kia, nhưng người ta dùng sợi dây luồn bên trong để nối chúng lại. Nhìn chuỗi hột, chúng ta có ý niệm rằng đó là một chuỗi dính liền với nhau, nhưng thật ra chúng chỉ là những hạt riêng biệt. Cũng vậy, thân và tâm ở mỗi sát na đều mới, chúng sinh và diệt từng sát na. Chẳng khác nào xâu chuỗi hột, hột này liên kết với hột kia. Đó là sự liên hệ nhân quả. Như vậy, khi kết quả tạo ra bởi một nguyên nhân nào đó thì nó phải có liên hệ đến nhân đó. Không có một sự hỗn loạn trong khởi sinh và hoại diệt và không hề có chuyện: “Nghiệp tôi trả quả cho anh, nghiệp anh trả quả cho tôi”. Có một dây liên lạc giữa nhân và quả xuyên qua sự sinh diệt của vật chất và tâm trong từng sát na.

    TÁI SINH VÀ ĐAU KHỔ

    Khi vật chất và tâm được tạo ra, hay khi vật chất và tâm khởi sinh vào sát na tái sinh ta gọi đó là tái sinh. Đức Phật nói tái sinh là đau khổ. Đây là chữ mà nhiều người không thích và họ thường nói rằng: “Người Phật Tử các bạn luôn luôn nói đến đau khổ”. Theo lời Phật dạy, tái sinh cũng là đau khổ. Sinh ra làm người, làm trời hay làm thú cũng đều đau khổ. Mọi chuyện trên thế gian đều đau khổ.

    Trước tiên, bạn phải hiểu về chữ “khổ”. Chúng ta phải trở về với tiếng Pāḷi và xét chữ “dukkha” mà ta thường dịch là khổ. Gọi dukkha là khổ thì không thể nào diễn tả đúng và chính xác ý nghĩa của chữ dukkha. Bởi vậy, mỗi lần nghe đến chữ “dukkha” trong tiếng Pāḷi hay chữ “khổ” trong tiếng Việt, ta liền liên tưởng đến đau khổ, đau khổ về thân hay đau khổ về tâm.

    Đau khổ về thân tâm rất dễ thấy, nhưng chữ dukkha Đức Phật dùng có ý nghĩa sâu xa hơn. Theo lời dạy của Đức Phật, tất cả mọi sự trên thế gian này đều khổ, ngay cả khi bạn hưởng thụ những điều tốt đẹp, hưởng thụ dục lạc thế gian, mọi hỷ lạc đó cũng đều được Đức Phật gọi là dukkha.

    Cái Gì Vô Thường thì Cái Đó Đau Khổ

    Chúng ta phải hiểu chữ này theo nghĩa của Đức Phật. Đức Phật nói:

    “Cái gì vô thường thì cái đó là dukkha”.

    Chúng ta phải hiểu chữ dukkha theo nghĩa này. Chúng ta có thể tìm thấy cái gì trên thế gian này thường còn chăng? Bạn có thể tìm thấy cái gì chỉ có khởi sinh mà không hoại diệt chăng? Chẳng có gì trường tồn vĩnh viễn cả. Tất cả đều đi đến chỗ chấm dứt, bởi vì chúng có sự khởi đầu. Như vậy, bất kỳ khi nào có sự khởi đầu thì có sự chấm dứt. Đó là luật tự nhiên. Chúng ta không thể nào tránh khỏi định luật đó. Sinh ra làm người chúng ta có khởi đầu là con người, chúng ta không thể sống mãi mãi, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, đó là chỗ chấm dứt cuộc sống của chúng ta. Như vậy, bất kỳ khi nào có điểm khởi đầu thì phải có điểm chấm dứt; và cái gì có bắt đầu, có chấm dứt thì không thể gọi là trường tồn. Đức Phật dạy: “Cái gì vô thường cái đó là dukkha”. Điều này có nghĩa là cái gì bị áp chế, bị đè nén bởi sự sinh diệt, bị hành hạ bởi sự sinh diệt đều gọi là dukkha. Như vậy, không phải chỉ có đau nhức trên cơ thể, lo âu phiền muộn, uất ức, than khóc mới là dukkha. Dầu hạnh phúc hay khổ đau, vui vẻ hay buồn rầu, may mắn hay bất hạnh; cái gì có khởi đầu có chấm dứt đều gọi là dukkha. Bạn sẽ thấy rõ điều này khi bạn hành thiền. Khi hành thiền, bạn cố gắng chú tâm vào bất kỳ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, bạn sẽ thấy bất kỳ cái gì bạn chú tâm đến đều bị sinh diệt, đều không tồn tại lâu dài.

    Lấy thí dụ về tiếng nói. Khi tôi nói một câu, bạn thấy chữ này nối tiếp chữ kia, chúng đến rồi đi, đến rồi đi mãi. Như vậy, khi bạn chú tâm vào bất kỳ đối tượng nào mà bạn thấy chúng đến và đi khi đó bạn sẽ có ý niệm về sự áp chế, đàn áp bởi sự sinh diệt. Khi bạn đang nghe tôi nói chuyện, bạn cũng bị áp chế bởi sinh diệt. Bạn không phải là chính bạn trong vài phút trước đây. Vì thế, sự sinh diệt có trong mọi lúc, không có khoảng hở, không có sự ngừng nghĩ, chúng ta và sự vật luôn luôn bị sự sinh diệt đàn áp. Đó là ý nghĩa mà Đức Phật muốn nói về chữ dukkha.

    NGŨ UẨN THỦ LÀ DUKKHA

    Nếu hiểu rõ nghĩa của chữ dukkha thì chúng ta không khó khăn để hiểu ngũ uẩn là dukkha. Ngũ uẩn là tất cả sự vật trên thế gian. Sự vật trên thế gian có khởi đầu, có chấm dứt, đó là dukkha. Khi chúng ta cố gắng hiểu những lời dạy của Đức Phật, nhất là chân lý đầu tiên là Khổ trong Tứ Diệu Đế, thì chúng ta phải hiểu chữ khổ theo nghĩa dukkha chứ đừng hiểu chữ khổ theo nghĩa thông thường. Khi giải thích về chân lý đầu tiên là khổ đế Đức Phật dạy:

    “Sinh là khổ, già là khổ, đau bệnh là khổ, chết là khổ.”

    Khi nghe Đức Phật nói về chân lý đầu tiên thì điều này chẳng gì khó hiểu. Không cần hành thiền chúng ta cũng biết sinh, lão, bệnh, tử... đều là khổ. Nhưng khi Đức Phật nói tiếp đoạn cuối cùng: “Tóm lại, ngũ uẩn thủ là khổ”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi chuyện trên thế gian đều là khổ thì nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa mà Đức Phật muốn nói:

    “Tất cả mọi sự vật trên thế gian đều là dukkha”.

    Khi Đức Phật nói như thế là Ngài muốn nói chữ dukkha với nghĩa là luôn luôn bị đàn áp bởi sự sinh diệt, không có sát na vật chất và tâm nào thóat khỏi sự sinh diệt. Đó là lý do tại sao chúng ta nói mọi sự vật trên thế gian đều là khổ. Khi chúng ta cố gắng hiểu mọi sự vật đều đau khổ thì chúng ta sẽ hiểu lời dạy của Đức Phật. Nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa chữ dukkha ở tầng mức này thì chúng ta không thể hiểu lời dạy của Đức Phật, và chúng ta sẽ nói Ngài bi quan.

    Thực tế, Đức Phật không bi quan, cũng không lạc quan. Ngài là người thực tế. Ngài dạy chúng ta những gì có thật. Ngài không che dấu điều gì dù cho điều che dấu như thế là để an ủi chúng ta đi nữa. Khi Đức Phật tìm thấy rõ thế gian này là đau khổ, thì Ngài nói:

    Thế gian này là đau khổ”, thế thôi. Nhưng Đức Phật không dừng ngay tại đó, Ngài nói rằng: “Đau khổ này có nguyên nhân” “Muốn hết khổ phải diệt nguyên nhân sinh ra đau khổ này.

    Và tiếp đến, Ngài đã chỉ cho chúng ta “con đường để chấm dứt đau khổ” Giống như một vị thầy thuốc giỏi chỉ cho ta thấy rõ:

    - Bệnh của chúng ta và

    - Nguyên nhân của bệnh này.

    - Bệnh này có thể chữa trị được,

    - Và đây là thuốc phải uống để chữa trị bịnh.

    Đức Phật dạy: “Là chúng sinh các con phải đau khổ”.

    Nguyên nhân của đau khổ là tham ái. Có phương pháp để chấm dứt sự đau khổ này, và đau khổ này có thể chấm dứt qua sự thực hành Bát Chánh Đạo. Đức Phật không những chỉ cho chúng ta thấy khổ mà còn dạy cho chúng ta thóat khổ.

    Như vậy, thóat khổ hay không tùy thuộc vào chúng ta. Nếu chúng ta thật sự muốn thóat khổ, chúng ta phải thực hành theo Tứ Diệu Đế. Đó là con đường dẫn đến sự thóat khổ.

    KẾT LUẬN

    Như vậy, mục đích của việc nghiên cứu, tìm hiểu những lời dạy của Đức Phật, không phải chỉ để hiểu biết mà để thực hành hầu thóat khổ. Những lời dạy của Đức Phật giống như thuốc, thuốc chỉ đem lại kết quả khi chúng ta uống. Bạn có một lọ thuốc chữa được bệnh của bạn, nhưng bạn không uống thì bệnh của bạn sẽ không lành. Hiệu quả của thuốc nằm ở chỗ là bạn uống thuốc. Nếu không uống thuốc bạn sẽ không nhận được hiệu quả của thuốc. Cũng vậy, những lời dạy của Đức Phật rất tốt để chúng ta học hỏi, nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta phải đem những lời dạy này ra thực hành để diệt trừ ô nhiễm, diệt trừ phiền não và thóat khổ. Đó là lý do tại sao trong Giáo Pháp của Đức Phật thực hành là điều rất quan trọng. Xuyên qua sự thực hành chúng ta mới thành đạt được những gì mà chư Phật đã đạt được.

    Chúng ta đã tìm hiểu thế nào là nghiệp (kamma), thế nào là quả của nghiệp, và chúng ta cũng đã biết rằng quả của nghiệp dù tốt hay xấu cũng đều là dukkha vì đều chịu sự đàn áp, đè nén của sinh diệt.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.