HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
06. NGƯỜI BÁN THỊT VÀ
NGHIỆP BÁO
Không biết các bạn có chú ý đến câu Phật ngôn trên cửa của cô Sarah không? Đó là một câu kệ trong kinh Pháp Cú. Tối hôm qua một thiền sinh gặp tôi và hỏi rằng: “Hôm nay Sư sẽ thuyết pháp đề tài gì? Không biết Sư có thuyết về nghiệp báo không? Tôi xem đây là một lời yêu cầu nên hôm nay tôi muốn nói đến ý nghĩa của câu pháp cú trên cửa của cô Sarah, đồng thời cũng nói về nghiệp báo. Tôi muốn nói hai vấn đề nầy, bởi vì ít nhất có một khía cạnh liên quan đến nghiệp. Tôi sẽ kể câu chuyện liên quan đến câu pháp cú và sẽ nói đến ba câu kệ khác có liên quan đến một người, suốt cuộc đời chẳng làm một việc thiện nào.
CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI BÁN THỊT
Trong thành Savatthi, có một người sống bằng nghề giết bò và bán thịt. Hằng ngày ông chủ hàng thịt cùng gia đình ăn thịt bò. Ông ta rất thích ăn thịt. Không bữa cơm nào mà không có thịt. Không có thịt ông không ăn cơm được. Một hôm nọ, ông bán hết thịt chỉ còn giữ lại một miếng cho mình. Ông đưa miếng thịt cho vợ nấu rồi đi xuống sông tắm. Khi ông đi tắm, một người bạn thân đến nhà ông hỏi mua thịt. Mặc dầu vợ người bán thịt nói thịt đã bán hết rồi, nhưng người bạn của hai vợ chồng cứ năn nỉ mãi:
“Không còn miếng thịt nào hay sao?”
Vợ người bán thịt nói:
“Chỉ còn có một miếng thịt để lại cho bạn của anh ăn thôi. Ông ta chẳng bao giờ ăn cơm mà không có thịt cả”.
Người đàn ông nghĩ rằng: “Cô ta nói chỉ còn một miếng thịt, để dành cho chồng cô ta, mà chồng cô ấy không thể nào ăn cơm mà không có thịt. Vậy thì chắc chắn cô ta không thể nào bán thịt cho mình. Chi bằng ta giật miếng thịt rồi chạy đi ngay. Chỗ bạn bè quen biết, chắc bạn mình cũng không phiền trách lắm.”
Thế là ông giựt miếng thịt bỏ chạy. Khi người chủ hàng thịt đi tắm về, người vợ dọn cơm với thức ăn, chỉ có rau không có thịt.
Chủ hàng thịt hỏi:
“Sao bữa nay không có thịt”.
Cô vợ trả lời:
“Hôm nay không có thịt, bởi vì bạn anh đã giựt miếng thịt bỏ chạy rồi”.
Chủ hàng thịt nói:
“Ta không thể ăn cơm mà thiếu thịt”.
Người vợ năn nỉ:
“Bây giờ không có thịt anh hãy ăn những gì đang có đây”.
Người chủ hàng thịt bảo vợ dọn đồ ăn xuống. Ông ta rời khỏi bàn ăn, cầm dao chạy ra chuồng bò ở sau nhà. Ông thò tay vào miệng bò, một tay nắm lưỡi bò, một tay cầm dao, cắt lưỡi bò đến tận sát gốc. Con bò la rống thảm thiết, nhưng ông vẫn thản nhiên. Ông ướp lưỡi bò với gia vị rồi nướng trên lửa và ăn với cơm. Ông bốc một cục cơm bỏ vào miệng, tiếp theo là bốc một miếng thịt. Khi ông bỏ miếng thịt vào miệng thì lưỡi ông bị đứt lìa, rớt xuống dĩa cơm, máu từ miệng ông chảy ra lai láng.
Chú giải nói rằng, người hàng thịt đã nhận lấy hậu quả của việc làm của mình liền sau đó, qua một loại nghiệp được xem như “cực trọng nghiệp”. Người bán thịt rất đau đớn, hai tay chống xuống đất, nhảy quanh nhà, vừa nhảy vừa rống to như con bò. Hai vợ chồng người con trai của ông chủ hàng thịt nhìn thấy cảnh rùng rợn, nhưng không biết làm thế nào để cứu cha. Vợ của người con trai ông chủ hàng thịt nói với chồng:
“Tôi nghĩ rằng chuyện này cũng sẽ xảy ra với anh đó, vậy anh hãy mau mau rời khỏi nơi này, đừng theo cha làm nghề này, để mặc tôi ở đây tính sau”.
Người con trai thu góp một ít đồ đạc rồi chạy đi ngay. Sau khi người con đi rồi, người hàng thịt chết và bị đọa xuống địa ngục A Tỳ, địa ngục sâu thẳm nhất. Con bò cũng chết. Con của người hàng thịt đi đến sinh sống tại Takkasila, nay là một thành phố ở Pakistan.
CÂU CHUYỆN VỀ CON TRAI NGƯỜI BÁN THỊT
Đến Takkasila, anh ta học nghề thợ bạc. Một hôm nọ, ông thầy dạy nghề thợ bạc có việc phải đi xa, dặn dò anh ta ở nhà làm một món đồ trang sức theo kiểu mẫu ông ta dặn dò. Người thầy trở về, thấy món đồ trang sức làm rất đẹp, đúng theo ý ông ta. Vị thầy lấy làm hài lòng khi thấy học trò đã rành nghề có thể tự nuôi sống được, bèn gả con gái mình cho anh ta. Từ đấy anh trở thành người thợ bạc nổi tiếng tại Takkasila. Vợ chồng người thợ bạc, con ông chủ hàng thịt, sống với nhau thật hạnh phúc. Họ sinh được mấy người con trai và mấy người con gái. Con trai và con gái ông lần lượt lớn lên và có gia đình riêng. Trong số con của người thợ bạc, có vài đứa con trai trở về sinh sống tại thành Savatthi. Những người con này có tâm đạo nhiệt thành, thường đi chùa dâng cúng đến Đức Phật và Chư Tăng. Các con thấy người thợ bạc, cha mình đã già, nên rước cha về Savatthi để sống chung với con cái.
Kinh điển ghi lại rằng, mặc dầu chứng kiến cảnh cha mình là người chủ hàng thit bị trả nghiệp hiện tiền, nhưng người thợ bạc chẳng biết gì đến đạo pháp, và suốt đời chưa bao giờ làm phước hay bố thí. Người con thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà trai tăng. Một người con bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, buổi trai tăng cúng dường thực phẩm hôm nay của chúng con làm nhằm mục đích chia phước cho ba con. Cầu mong cho ba con sống trường thọ. Ba con từ xưa đến nay chưa bao giờ làm việc phước thiện, xin Ngài từ bi giảng giải, khích lệ cho ba con biết tu hành”.
Đức Phật thuyết bài pháp bằng hai câu kệ:
“Ông chẳng khác nào một chiếc lá đã úa tàn. Thần chết đang chực chờ ông đấy. Ông đang đứng trước ngưỡng cửa của sự hủy hoại. Ông chẳng có chút hành trang nào cả (hành trang vào vòng tử sinh)"
"Hãy tự tạo cho mình một hải đảo. Hãy gấp rút nỗ lực. Hãy thông minh, sáng suốt gột rửa mọi ô nhiễm và tham đắm. Ông sẽ đi vào chốn thiên đàng của bậc thánh" (ngũ tịnh cư, năm cõi an tịnh của bậc thánh A na hàm). (pháp cú kinh 235 -236).”
Sau khi nghe xong hai câu kệ, người cha đắc quả Tu Đà Hoàn. Mặc dầu từ trước đến nay ông chưa hề làm một chút phước báu nào, nhưng ông đã tạo ra nhiều phước báu trong các kiếp trước nên sau khi nghe hai câu kệ của Đức Phật ông đắc quả Tu Đà Hoàn. Ngày hôm sau, các người con lại thỉnh Đức Phật và Chư Tăng đến cúng dường và cũng cung thỉnh Đức Phật thuyết pháp chia phước báu cho người cha. Đức Phật đã thuyết hai câu kệ khác:
“Ông đã đi đến đoạn cuối cuộc đời. Trên hành trình (trong vòng luân hồi tử sinh) không nơi ngơi nghỉ".
"Hãy tự tạo cho mình một hải đảo. Hãy gấp rút nỗ lực không chậm trễ. Hãy thông minh, sáng suốt gột rữa mọi ô nhiễm và tham đắm, không còn trở lại cảnh sinh già nữa”.
Trong hai câu pháp cú đầu tiên chữ "bậc thánh" Đức Phật hàm nghĩa bậc thánh thứ ba, vì sau khi chết vị thánh thứ ba sinh về năm cảnh tịnh cư thiên. Trong hai câu cuối Đức Phật nói đến A La Hán, bậc đã thóat khỏi sinh lão. Người thợ bạc, cha của nhóm con hiếu thảo này không đắc quả A La Hán, nhưng đắc quả thánh thứ ba (Anāgami).
NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO
Đây là những câu kệ rất hữu ích và tốt đẹp cho chúng ta. Nhất là những người đến tuổi xế chiều, bước đến tuổi già, có thể từ năm mươi tuổi trở lên.
Chúng ta phải gấp rút tinh cần, đừng phung phí thời giờ với chuyện thế gian nữa, hãy chuẩn bị hành trang cho chuyến lữ hành trong vòng sinh tử. Điều này có nghĩa là chúng ta hãy cố gắng làm những việc phước thiện càng nhiều, càng tốt, hãy tinh tấn: bố thí, trì giới, tham thiền.
Câu chuyện về người hàng thịt cho ta thấy hậu quả của nghiệp dữ mà ông ta đã tạo. Qua chuyện này, chúng ta thấy nghiệp xấu đã đưa đến kết quả xấu ngay trong kiếp sống hiện tại. Mỗi khi nói đến nghiệp, phần lớn chúng ta thường nghĩ đến một kiếp sống khác. Chúng ta thường nghĩ: tạo nghiệp trong kiếp sống hiện tại và gặt hái kết quả trong kiếp sống tương lai. Nhưng nghiệp cũng có thể trả quả ngay trong kiếp sống này chứ không đợi đến kiếp sống tương lai. Trong câu chuyện về người bán thịt, chúng ta thấy nghiệp đã đem lại kết quả trong hiện tại.
Nghiệp bất thiện đem lại kết quả đau khổ trong hiện tại còn nghiệp thiện có đem lại kết quả tốt trong kiếp sống này không? Có rất nhiều câu chuyện về nghiệp lành đã đem đến quả tốt.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện đang xảy ra trong hiện tại.
Tôi có biết một tín nữ nhiệt thành ở Florida. Một ngày nọ, tôi đến địa phương này, bà đưa tôi đi trên một chiếc xe Mercedes mới. Bà nói với tôi rằng:
“Đây là quà người con rể tặng cho con trong dịp sinh nhật của con. Con tin rằng con có được chiếc xe Mercedes này là kết quả những gì mà con đã làm trong hiện tại.”
Bà cho biết: Hàng tuần bà chở hai ông bà cụ già không có xe hơi đi chợ và đưa về tận nhà. Bà đã liên tục làm việc này trong hơn mười năm. Bà nói với tôi là bà có được chiếc xe này, đó là kết quả của việc giúp đỡ phương tiện di chuyển cho hai vợ chồng già trong thời gian dài.
Thông thường trong đời sống này, nghiệp lành đem đến quả tốt và nghiệp dữ đem đến quả xấu. Chúng ta có thể chứng kiến được ngay trong kiếp sống này nghiệp lành và dữ trả quả như thế nào? Đối với những người gặp đau khổ mặc dầu họ không bao giờ làm điều xấu, thì giải thích như thế nào? Chẳng hạn như trường hợp của công nương Diana. Cô đã chết một cách đáng thương. Phải chăng cái chết của cô đúng với nghiệp báo? Phải chăng cái chết của cô xứng đáng với những gì cô đang làm và đã làm? Tôi nghĩ rằng cô không đáng để chịu cái chết thảm khốc như vậy, nhưng thật sự cô ấy đã chết rất thảm khốc thì tại sao?
Tôi không biết chết như vậy có thuận lý không? Chúng ta khó biết được vì chuyện đó vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Chúng ta không thể nào biết chắc chắn được. Chỉ có Đức Phật với trí tuệ siêu việt Ngài mới thấy rõ. Theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết rằng tai nạn thảm khốc đó phải là kết quả của những gì mà cô ta đã làm trong quá khứ. Cô phải làm điều gì đó cũng thật khủng khiếp trong kiếp sống quá khứ nên nghiệp quá khứ có cơ hội trả quả trong hiện tại và cô ấy đã gặp tai nạn đau thương như vậy; dầu cho trong đời sống hiện tại, cô chẳng làm nghiệp gì dữ dội đến nỗi nhận hậu quả như thế. Đối với nghiệp phải trả quả trong đời sống hiện tại, có nghĩa là nghiệp làm trong đời sống hiện tại ở kiếp sống này thì chúng ta có thể biết được, hiểu được. Nhưng đối với nghiệp trong quá khứ mà nhận quả ngay trong kiếp sống này thì chúng ta không thể nào biết chắc được. Điều này chúng ta phải dựa vào Đức Phật. Theo giáo huấn của Đức Phật, chúng ta có thể nói rằng, người nào làm nghiệp dữ trong quá khứ sẽ nhận hậu quả đau khổ trong kiếp hiện tại. Công nương Diana đã làm điều gì đó thảm khốc trong quá khứ và do kết quả của nghiệp xấu đó cô ta phải chịu đau khổ trong kiếp hiện tại.
Hiểu biết một cách trọn vẹn Nghiệp báo hay kamma là lãnh vực của Đức Phật. Chỉ có Đức Phật mới hiểu tất cả mọi chuyện về nghiệp báo. Những gì mà ta biết về nghiệp báo theo lời dạy của Đức Phật chỉ như một giọt nước nhỏ trong đại dương to lớn. Tuy nhiên, sự hiểu biết chút ít của chúng ta về luật nghiệp báo cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao. Chúng ta có thể xử dụng sự hiểu biết về luật nghiệp báo để đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Trong cuộc sống hiện tại, khi gặp nghịch cảnh, thất bại, thất vọng, chúng ta thường trách cứ người khác. Như trước cái chết của công nương Diana, nhiều người trách các nhiếp ảnh viên theo săn ảnh, khiến cho tài xế xe phải lái xe nhanh mà sinh ra tai nạn. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào kiếp sống hiện tại thì các nhiếp ảnh viên là nguyên nhân. Nhưng nếu nhìn tòan thể dưới cặp mắt về nghiệp báo, chúng ta có thể hiểu rõ vấn đề hơn. Chúng ta sẽ biết rằng nguyên nhân chính của tai nạn xảy ra là do nghiệp. Hiểu theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết nghiệp trả quả: nghiệp lành cho quả lành, nghiệp dữ trả quả dữ.
Luật về nghiệp báo được Đức Phật khám phá ra mà không phải nhờ vào ai cả. Nhiều người nói rằng Đức Phật mượn luật nghiệp báo từ đạo Bà La Môn, sau này là Ấn Độ Giáo. Nói như vậy là không hiểu biết. Mặc dầu trong Ấn Độ Giáo có nói đến luật nghiệp báo, nhưng luật nghiệp báo của Ấn Độ Giáo khác hẳn với luật nghiệp báo đã được Đức Phật dạy. Trong Ấn Độ Giáo, luật nghiệp báo cần có một đấng tối thượng nắm quyền thưởng phạt. Luật nghiệp báo trong Ấn Độ Giáo không phải thuần túy là luật tự nhiên. Có một tác nhân hay một con người ở trong luật nghiệp báo đó.
Trong luật nghiệp báo được Đức Phật dạy dỗ, không có một tác nhân nào trong đó cả. Luật nghiệp báo là luật thuần túy thiên nhiên. Bởi vì đó là luật thiên nhiên nên không cần đến người làm luật hay người ban phát luật. Đức Phật không phải là người làm luật hay người ban phát luật. Ngài khám phá ra luật nghiệp báo trong khi ngồi thiền dưới cội cây bồ đề. Ngài chỉ là người khám phá ra luật nghiệp báo (kamma), chứ không ai tạo ra luật nghiệp báo cả. Vào canh hai, khoảng nửa đêm, Đức Phật đạt được một loại trí tuệ cao thượng là “Sinh Tử Minh hay Thiên Nhãn Minh”. Ngài thấy được chúng sinh chết từ kiếp sống này và tái sinh ở kiếp sống khác; Đồng thời Đức Phật cũng thấy rõ rằng chúng sinh, sinh ra trong kiếp sống khác là do kết quả của nghiệp lành và dữ họ đã tạo. Như vậy, Luật nghiệp báo được Đức Phật dạy không căn cứ hay đặt căn bản trên sự suy tư thuần lý hay suy diễn mà dựa vào trực giác của Đức Phật. Đây không phải là loại trực giác thường mà là trực giác kết hợp với công phu tu tập qua nhiều đời, nhiều kiếp. Luật nghiệp báo này như chúng ta đã nói trước đây là một luật thuần túy tự nhiên, chẳng có gì chen vào trong luật nghiệp báo. Không có ai can thiệp vào luật nghiệp báo. Mọi người, ngay cả Đức Phật, cũng chịu sự chi phối của luật nghiệp báo này.
Vậy kamma hay nghiệp là gì?
Thông thường nghiệp được giải thích là hành động. Hành động tốt đưa đến quả tốt, hành động xấu đưa đến quả xấu, Nhưng đúng theo nguyên nghĩa kamma là sự cố ý. Cố ý là một yếu tố hay một thành phần (tâm sở) khởi sinh trong tâm ta mỗi khi ta làm việc thiện hay bất thiện. Và sự cố ý hay năng lực tâm này là cái ta gọi là kamma. Luật nghiệp báo có năng lực (tiềm năng) trả quả trong tương lai. Chúng ta biết rằng khi nhân tốt thì cho quả tốt, khi nhân xấu thì cho quả xấu. Như vậy, theo luật nghiệp báo của Đức Phật nghiệp lành mang lại quả an vui, hạnh phúc; nghiệp dữ mang lại quả bất hạnh đau thương. Sự hiểu biết về luật nghiệp báo như thế này dầu rất ít ỏi nhưng đem lại lợi ích cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Luật nghiệp báo dạy chúng ta phải dựa vào chính mình; chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì tốt xấu xảy ra cho chính chúng ta.
Nhờ hiểu luật nghiệp báo nên chúng ta không trách cứ kẻ khác. Hiểu biết luật nghiệp báo cũng an ủi chúng ta khi chúng ta gặp nghịch cảnh, hay những điều bất như ý. Bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng có thể tự an ủi chính mình rằng: đây là kết quả của nghiệp xấu mà ta đã làm trong quá khứ, là chuyện không thể tránh được. Chúng ta phải cố gắng chấp nhận và cố gắng làm bất cứ những gì để có thể cải thiện hay ra khỏi tình trạng đen tối đó. Tóm lại, nhờ biết luật nghiệp báo, chúng ta sẽ cố gắng tìm đủ cách để tránh hay làm cho hoàn cảnh bớt xấu đi. Cuối cùng, nếu tránh không được chúng ta đành phải chấp nhận mà không đau khổ, buồn chán, than vãn v.v... Như vậy, luật nghiệp báo giúp chúng ta tự an ủi những khi gặp đau buồn, khổ hận gặp nghịch cảnh trái ngang.
Hiểu biết luật nghiệp báo cũng giúp cho chúng ta tránh được sự thù hận, ghét bỏ kẻ khác. Khi bạn giận dữ người nào, bạn hãy nghĩ đến luật nghiệp báo. Sân hận là một nghiệp xấu đã đưa đến kết quả xấu, nên khi sân hận là bạn đã để cho nghiệp xấu khởi sinh trong tâm mình. Sân hận là bạn đã mời gọi đau khổ đến, mời gọi buồn rầu đến. Nhờ hiểu biết luật nghiệp báo bạn có thể loại trừ được thù ghét kẻ khác. Vậy hiểu biết về luật nghiệp báo rất có ích lợi cho chúng ta. Càng hiểu biết về luật nghiệp báo thì chúng ta càng có đủ khả năng để đối diện với mọi hoàn cảnh, mọi thăng trầm của cuộc sống.
Những điều tôi nói với các bạn về luật nghiệp báo chỉ nhỏ nhoi như một giọt nước trong đại dương mênh mông. Như tôi đã nói trước đây, chúng ta không thể hiểu luật nghiệp báo một cách trọn vẹn, nhưng chúng ta cần phải hiểu luật nghiệp báo, tin vào luật nghiệp báo để chúng ta có được “những điều kiện thiết yếu đầu tiên” cho việc hành Thiền Minh Sát. Nếu bạn muốn hành Thiền Minh Sát bạn phải tin vào luật nghiệp báo.
Thông thường, trong khi giảng giải cho mọi người, nhất là những người không phải là tín đồ Phật giáo, tôi thường thay thế luật nghiệp báo bằng luật nhân quả. Khi tôi nói bạn hãy tin vào luật nghiệp báo, có thể có nhiều người không muốn nghe, không thích chữ đó. Nhưng khi tôi nói bạn hãy tin vào luật nhân quả thì mọi người có thể chấp nhận bởi vì mọi người đều hiểu được điều này. Bất kỳ những gì xảy ra đều có nguyên nhân dù cho chúng ta không biết đến nguyên nhân. Như vậy, tin vào vào luật nghiệp báo và tin vào luật nhân quả giống nhau. Tin tưởng vào luật nhân quả là điều kiện hay yếu tố cần thiết đầu tiên chúng ta phải có khi hành Thiền Minh Sát. Với một quan niệm đứng đắn về nghiệp báo, chúng ta sẽ giữ giới trong sạch, chúng ta sẽ tinh tấn hành thiền. Sự hiểu biết về luật nghiệp báo là điều rất cần thiết và tốt đẹp giúp chúng ta có đủ điều kiện cần thiết để hành thiền đồng thời cũng giúp chúng ta nhiều mặt trong đời sống của mình. Khi hành thiền, chúng ta tạo được nhiều nghiệp lành, chúng ta tích lũy được một số lớn việc tốt đẹp. Đức Phật dạy rằng: Chỉ trong một chớp mắt hay trong một tia chớp có hàng tỷ tỷ sát na tâm khởi sinh và hoại diệt. Các bạn có biết hôm nay có bao nhiêu sát na tâm sinh và diệt không? Hằng tỷ tỷ sát na tâm! Hằng tỷ sát na tâm này là những sát na tâm tốt hay xấu? Tốt phải không? Chắc các bạn chấp nhận là tốt.
KẾT LUẬN
Như vậy, chỉ hành thiền trong một ngày thôi mà các bạn đã gặt hái được thật là nhiều phước báu. Đức Phật dạy rằng, chánh niệm đem lại phước báu lớn lao. Chúng ta không giữ phước báu này cho riêng mình. Chúng ta sẽ chia phước báu này cho tất cả chúng sinh. Khi chia phước báu chúng ta càng có nhiều phước hơn nữa đồng thời những người khác cũng có cơ hội nhận lãnh phước báu. Như vậy, chia phước báu càng nhiều khiến cho phước báu của chúng ta gia tăng.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.