Người biết và sự hiểu biết

Người biết và sự hiểu biết

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    19. NGƯỜI BIẾT VÀ SỰ HIỂU BIẾT

    Trong cuốn sách “Tiến Đến Niết Bàn Bằng Cách Thực Hành Bát Chánh Đạo”. Ngài Mahasi viết:

    "Khi tuệ minh sát của người hành thiền trở nên mạnh mẽ, Chánh Hướng Tâm (Chánh Tư Duy) hướng tâm thiền sinh đến đối tượng để thấy rõ đối tượng mà mình hướng đến và chánh hướng tâm này đã hướng tâm đến đối tượng để Chánh Kiến hiểu rõ đối tượng một cách trực tiếp."

    ĐỊNH TÂM 

    Làm thế nào thiền sinh biết như vậy?

    Khi có định tâm, tâm trở nên thanh tịnh, sáng suốt, có đủ sức mạnh để chế ngự những chướng ngại tinh thần (tham ái, sân hận, bất an hối hận, dã dượi buồn ngủ, và hoài nghi) thiền sinh sẽ phân biệt một cách rõ ràng giữa "đối tượng ghi nhận" và "tâm ghi nhận đối tượng" này. Khi thiền sinh ghi nhận sự phồng thì thiền sinh biết rõ ràng phồng lên là một chuyện và tâm ghi nhận phồng là một chuyện khác. Khi thiền sinh ghi nhận xẹp, thiền sinh biết rằng xẹp là một chuyện, tâm ghi nhận xẹp là một chuyện khác. Cũng vậy, khi ghi nhận giở, bước, đạp trong khi đi, thiền sinh cũng thấy một cách rõ ràng: đối tượng ghi nhận là một chuyện và tâm ghi nhận là một chuyện khác. Bằng cách này thiền sinh hiểu biết rõ ràng vật chất được ghi nhận và tâm ghi nhận. Sự hiểu biết này không phải do tưởng tượng mà là một sự hiểu biết rõ ràng nhờ vào sự quán sát.

    Khi hành Thiền Minh Sát, bạn cố gắng chánh niệm ghi nhận đối tượng để hiểu biết trọn vẹn đối tượng. Ghi nhận chuyển động phồng xẹp giúp bạn thấy rõ, thấy trọn vẹn chuyển động phồng, chuyển động xẹp. Và khi ghi nhận đau là để hiểu biết trọn vẹn về cái đau chứ không phải nhằm mục đích để cho hết đau.

    Để hiểu trọn vẹn đối tượng, bạn cố gắng chánh niệm trên những đối tượng này, hoặc vừa chánh niệm vừa niệm thầm. Hiểu biết trọn vẹn ở đây là hiểu biết chúng vô thường, khổ, và vô ngã. Hiểu biết trọn vẹn cũng bao gồm việc loại trừ ý niệm sai lầm về sự vật. Khi bạn hành Thiền Minh Sát lần đầu tiên, bạn cố gắng chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại, nhưng tâm không thể ở trên đối tượng mà lang bạt đây đó luôn, đó là vì định tâm của bạn còn yếu. Vì định tâm chưa đủ mạnh nên bạn không có thể để tâm đến chỗ bạn muốn.

    Nhưng với sự bền chí và kiên nhẫn, dần dần sẽ đến giai đoạn tâm bạn chỉ ở trên đề mục mà thôi, hoặc thỉnh thoảng tâm mới chạy ra ngoài. Ngay cả khi tâm chạy ra ngoài bạn có thể bắt lại ngay tức khắc, không để nó đi quá mười hay ba mươi giây; hoặc bạn có thể thấy nó ngay khi nó dợm chân muốn chạy ra ngoài. Mọi chuyện đó bạn có thể làm được nếu bạn tinh tấn hành thiền. Khi tâm bạn có thể thường xuyên ở trên đề mục thì bạn đạt được sự định tâm.

    Các đối tượng hiện diện qua các cửa giác quan, và bạn có thể ghi nhận từng đối tượng một mặc dầu chúng là những đối tượng khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Bạn luôn luôn chánh niệm trong mọi thời điểm, tâm luôn luôn kèm sát trên đề mục. Khi đối tượng A xuất hiện, tâm chánh niệm trên đối tượng A. Khi đối tượng B xuất hiện, tâm chánh niệm trên đối tượng B. Khi đối tượng C xuất hiện, tâm chánh niệm trên đối tượng C. Mặc dầu đối tượng thay đổi khác nhau trong từng thời điểm một nhưng tâm có chánh niệm luôn đi kèm với đề mục. Điều này có nghĩa là tại mỗi thời điểm luôn luôn có chánh niệm và định tâm. Khi tâm có thể luôn luôn ở trên từng thời điểm một của đề mục thì bạn đạt được sát na định. Khi đạt được sát na định thì bạn đạt được "Tâm Tịnh".

    Tâm Tịnh được hiểu theo hai cách: Tâm của bạn rất là trong sạch vào lúc bấy giờ vì tâm không bị ô nhiễm bởi những chướng ngại tinh thần. Tâm cũng được gọi là trong sạch vì luôn luôn có Niệm và Định. Tâm Tịnh là tâm không bị trộn lẫn với vọng tâm. Tịnh có nghĩa là không bất tịnh, Tịnh cũng có nghĩa là thuần khiết hay trong sạch không bị trộn lẫn hay hỗn tạp với những cái khác. Luồng tâm trôi chảy không trộn lẫn với sự phóng tâm và tâm bạn luôn luôn ở trên đối tượng. Khi tâm bạn có thể giữ trên đề mục thiền, không lang bạt đây đó, tâm bạn sẽ ổn định, và trở nên an tịnh. Đó là lúc bạn bắt đầu thấy được đối tượng một cách rõ ràng, sống động. Trước đó, mặc dầu bạn nghĩ rằng mình đã thấy đối tượng một cách rõ ràng, nhưng đó chưa phải là thật sự rõ ràng đâu. Nhưng khi tâm an trú vững vàng, ổn định, dán sát vào đối tượng, định tâm vững vàng lúc bấy giờ những đối tượng sẽ tự hiển lộ một cách rõ ràng và sống động.

    CHÁNH TƯ DUY VÀ CHÁNH KIẾN

    Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về Chánh Tư Duy và Chánh Kiến.

    Chánh Tư Duy hay Chánh Hướng Tâm là một Tâm Sở có đặc tánh hướng tâm đến đối tượng, đặt tâm nằm trên đối tượng. Tư Duy ở đây không có nghĩa là suy nghĩ mà là một Tâm Sở có nhiệm vụ mang tâm đến với đối tượng hay đặt tâm trên đối tượng. Cần phải có Tâm Sở Chánh Hướng Tâm để đưa tâm đến đối tượng được. Một khi tâm ở trên đối tượng thì Chánh Kiến sẽ khởi sinh và hiểu biết đối tượng một cách rõ ràng, đúng đắn. Hai Tâm Sở Chánh Kiến và Chánh Hướng Tâm (Chánh Tư Duy) rất quan trọng trong việc tạo nên sự hiểu biết đúng đắn về đối tượng hay thấy rõ đối tượng đúng theo thực tướng của chúng.

    Như vậy, Chánh Hướng Tâm đưa tâm đến đối tượng, và Chánh Kiến hiểu biết đối tượng, thấy rõ đối tượng đúng theo thực tướng. Điều này chỉ có được khi tâm bạn có chánh niệm và chánh định mạnh mẽ.

    Khi định tâm trở nên mạnh mẽ, tâm chế ngự mọi chướng ngại thì chẳng khác nào ly nước mà những phần cáu bẩn đã được lắng xuống. Khi những phần cáu bẩn đã được lắng xuống, nước trở nên trong suốt và yên tĩnh. Khi nước yên tĩnh, cặn bã lắng xuống, bạn có thể thấy xuyên qua ly nước một cách rõ ràng. Cũng vậy, khi tâm bị ô nhiễm bởi các chướng ngại như tham, sân, si v.v... thì tâm trở nên dơ bẩn, ô nhiễm; do đó, bạn không thấy được sự vật một cách rõ ràng.

    Khi bạn hành thiền, ô nhiễm được lắng xuống, tâm trở nên trong sáng, thanh tịnh, đồng thời tâm ở tâm trên đề mục có nghĩa là tâm an trụ, tĩnh lặng. Khi tâm an tịnh, không bị quấy động bởi phiền não thì chẳng khác nào ly nước đã được lắng trong; chúng ta có thể thấy sự vật một cách rõ ràng. Khi tâm đã đạt được mức độ này, thì thiền sinh đã hoàn thành được giai đoạn thanh tịnh thứ hai, đó là Tâm Tịnh.

    "Khi tâm tịnh bắt đầu khởi sinh thì thiền sinh hiểu và thấy một cách rõ ràng vật chất được ghi nhận và tâm đang ghi nhận vật chất đó".

    Lúc bấy giờ tâm sẽ không còn lang bạt, tâm luôn luôn ở trên đối tượng, và bạn bắt đầu thấy rõ ràng đối tượng và tâm ghi nhận đối tượng đó. Chẳng hạn như khi bạn ghi nhận sự phồng xẹp của bụng. Thoạt đầu, lúc mới hành thiền bạn trộn lẫn chuyển động phồng xẹp với tâm ghi nhận phồng xẹp. Nhưng bây giờ bạn phân biệt được đối tượng được ghi nhận với tâm ghi nhận. Nếu bạn đang chú ý vào chuyển động phồng xẹp thì bạn sẽ thấy vật chất là chuyển động phồng xẹp được ghi nhận, và tâm là tâm ghi nhận chuyển động đó. Thấy phồng xẹp của bụng là vật chất, và sự ghi nhận vật chất này là tâm. Rồi bạn sẽ thấy vật chất và tâm sinh và diệt cùng lúc với nhau.

    Đây là "phồng", đây là "ý thức sự phồng". Rồi phồng chấm dứt và xẹp bắt đầu. Khi có sự "xẹp" thì có một "tâm hay biết sự xẹp". Vào lúc bấy giờ chẳng có gì ngoài sự "xẹp" và sự "ghi nhận xẹp". Bạn thấy hai sự kiện này diễn biến trong từng sát na. Vào sát na phồng thì có "phồng là vật chất" và có "tâm ghi nhận phồng là tâm".

    Như vậy, vật chất và tâm đi từng cặp. Sát na tiếp theo lại có sự xẹp và có tâm ghi nhận sự xẹp, rồi thì có sự phồng và có tâm ghi nhận sự phồng.

    Và tại mỗi thời điểm những gì bạn thấy chỉ là vật chất và tâm hay "đối tượng được ghi nhận" và "tâm ghi nhận". Thật vậy, bạn chỉ thấy hai sự việc này thôi. Bạn chẳng thấy gì gọi là người, chúng sinh, tôi ta trong hai sự việc này. Chúng ta thông thường nghĩ về từ "chúng sinh" hay "con người". Đây là một ý niệm rất khó dứt bỏ. Nhưng khi hành thiền, chính bạn thấy rõ qua việc hành thiền rằng vào sát na ghi nhận chỉ có hai sự vật là "vật chất" và "tâm" mà chẳng có cái gì khác. Bấy giờ bạn sẽ có sự hiểu biết rằng: cái mà chúng ta gọi là "người" hay "chúng sinh" chỉ là sự phối hợp của hai yếu tố "vật chất" và "tâm". Ngoài vật chất và tâm chẳng có cái gì là người hay chúng sinh cả.

    Giống như một chiếc xe hơi. Bạn thường nói rằng: "Tôi lái xe". Nhưng thật ra chiếc xe không hiện hữu, chỉ có những bộ phận của chiếc xe hiện hữu thôi. Nếu bạn tách rời từng bộ phận riêng rẽ ra thì bạn sẽ mất chiếc xe, mặc dầu những bộ phận riêng rẽ vẫn còn đó. Nếu bạn lắp những bộ phận của chiếc xe vào đúng vị trí của chúng trở lại thì bạn có lại chiếc xe. Thật ra cái mà bạn gọi là chiếc xe không có mặt. Cái có mặt trong ví dụ này là bộ phận của xe. Cũng vậy cái mà chúng ta gọi là người hay chúng sinh, thật ra khi phân tích một cách tuyệt đối thì chẳng có người hay chúng sinh gì cả, chỉ có vật chất và tâm thôi. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này qua kinh nghiệm hành thiền, chứ không phải qua sách vở hay nghe người nào nói lại, hoặc do suy nghĩ mà ra.

    Chúng ta tự mình ý thức được điều này qua công phu hành thiền: Mỗi một sát na chỉ có hai yếu tố đang diễn ra đó là "vật chất" và "tâm". Đôi lúc đối tượng ghi nhận là tâm, đôi lúc đối tượng ghi nhận là vật chất. Những đối tượng ghi nhận có thể khác nhau, có thể là tâm hay vật chất. Chẳng hạn khi bạn thấy sự phồng và xẹp, bạn ghi nhận phồng và xẹp thì đối tượng ghi nhận là vật chất. Khi tâm chạy ra ngoài bạn ghi nhận "chạy ra ngoài", "chạy ra ngoài", thì đối tượng ghi nhận bây giờ là "tâm".

    Như vậy, "đối tượng ghi nhận có thể là vật chất hay tâm" nhưng "cái ghi nhận đối tượng luôn luôn là tâm". Nhưng dầu cho "tâm bạn đang ghi nhận một tâm khác", thì luôn luôn vẫn có các "căn vật chất" (nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn...) mà tâm đó nương nhờ vào. Tâm chỉ có thể khởi sinh tùy thuộc vào cơ thể, chẳng hạn như "tâm thấy" (nhãn thức: cái biết của mắt: thấy): Chỉ có "tâm thấy" khi chúng ta có mắt (nhãn căn). Khi mù hoặc không có mắt thì sẽ không có "tâm thấy" (nhãn thức). Chỉ có "tâm nghe" (nhĩ thức) khi chúng ta có tai (nhĩ căn). Khi điếc hoặc không có tai thì sẽ không có "tâm nghe" (nhĩ thức). Như vậy, tâm của con người, tâm loài vật, hay tâm một số các vị trời cũng luôn luôn dựa vào những căn vật chất (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Nếu không có căn vật chất thì tâm không thể tự nó xuất hiện. Khi tâm bạn ghi nhận một tâm khác, có nghĩa là bạn đang lệ thuộc vào căn vật chất. Trong trường hợp này cũng có vật chất và tâm liên tục diễn tiến.

    Cũng vậy khi bạn đi, bạn ghi nhận giở, bước, đạp. Trong trường hợp này chuyển động giở chân cũng là vật chất và sự ghi nhận chuyển động giở chân là tâm. Giở chân là vật chất và sự ghi nhận chuyển động giở chân là tâm. Khi đạp, chân là vật chất và sự ghi nhận chuyển động đạp là tâm. Như vậy, bạn thấy rõ có hai tiến trình xảy ra trong lúc đó là tâm và vật chất.

    Khi bạn thấy được tâm và vật chất theo lối này thì bạn biết rằng chẳng có gì ngoài vật chất và tâm. Như vậy là bạn có Chánh Kiến, và hiểu biết sự vật đúng theo thực tướng của chúng. Đó là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy mà bạn đạt được qua thực hành chứ không phải qua suy tư, hay qua một người khác nói. Chính do bạn thực hành mà có những tuệ giác này. Đây là kinh nghiệm của riêng bạn, là tuệ giác của riêng bạn. Vậy khi bạn thấy được vật chất và tâm trong từng sát na thì bạn có thể loại bỏ ý niệm sai lầm về người hay chúng sinh hoặc cá nhân.

    Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, như khi nói chuyện, chúng ta không thể tránh dùng những chữ tôi, anh, người, chúng sinh. Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới chế định cho nên chúng ta phải dùng những từ chế định để giao tiếp, nhưng theo nghĩa tuyệt đối thì chẳng có tôi, ta, đàn ông, đàn bà, người, chúng sinh... chỉ có vật chất và tâm. Nếu bạn nới rộng hơn nữa, thì chỉ có ngũ uẩn mà thôi. Đó là những gì mà chúng ta trực nhận được xuyên qua hành Thiền Minh Sát, xuyên qua việc kiên trì quán sát theo dõi những đối tượng xuất hiện ở các cửa giác quan. Khi đạt được tầng mức thấy rõ chỉ có vật chất và tâm thì bạn đã đi vào trong lãnh vực của Thiền Minh Sát hay bước qua ngưỡng cửa của Thiền Minh Sát.

    THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT

    Hành Thiền Minh Sát bạn sẽ có giải thưởng xứng đáng bởi vì bạn sẽ thực chứng được rằng "chỉ có vật chất và tâm", có nghĩa là bạn khám phá ra đối tượng mà trước đây bạn chẳng bao giờ biết đến. Bây giờ nhờ chú tâm một cách khắng khít vào đối tượng, nhờ liên tục quán sát theo dõi, nhờ định tâm bạn khám phá ra rằng: Cái mà bạn gọi là một cố thể, một khối độc nhất, người, chúng sinh, tôi, ta, anh, chị v.v... thật ra chỉ là sự tập hợp của vật chất và tâm. Nếu tâm tách rời ra khỏi vật chất, vật chất tách rời khỏi tâm, thì tôi, ta chẳng còn tác động như một chúng sinh. Như vậy, vật chất và tâm được so sánh với hai người: một người mù và một người què. Người mù không thể đi tới đích một mình, bởi vì mù, người què cũng không thể đi tới đích một mình, bởi vì què. Nhưng nếu người mù cõng người què thì người què có thể chỉ đường cho người mù đi lại dễ dàng, lúc trái, lúc phải, lúc đi thẳng, lúc đổi hướng v.v... Cuối cùng, cả hai đều đi được đến nơi mình muốn. 

    Cũng vậy, chỉ một mình thân hay tâm thôi không làm được điều gì. Tâm không thể đi, tâm không thể co duỗi tay chân, tâm không thể nói, bởi vì tâm không có cơ thể vật chất. Thân không có tâm như một khúc gỗ chẳng hoạt động được gì cả, nhưng khi thân và tâm phối hợp với nhau, bấy giờ chúng ta gọi đó là con người, tức là thân và tâm đã phối hợp để làm nhiệm vụ của mình. Sự hiểu biết, sự chứng ngộ này đến từ chính bạn, kinh nghiệm của chính bạn, không phải của người nào khác, không phải nhờ đọc sách hay nghe thầy giảng. Tuệ minh sát là tuệ giác thật sự đến từ bên trong, và chỉ tuệ minh sát đến từ bên trong mới được gọi là sự hiểu biết thật sự hay trí tuệ thật sự.

    Chân trí tuệ này chỉ có được qua sự thực hành, qua sự quán sát đối tượng đúng theo chân tướng của chúng. Điều quan trọng là bạn phải chú tâm vào đối tượng trong giây phút hiện tại để thấy đối tượng một cách rõ ràng. Khi bạn thấy đối tượng một cách rõ ràng, bạn sẽ hiểu rõ chúng là gì.

    Khi bạn quán sát theo dõi chuyển động phồng xẹp bạn sẽ ý thức được rằng chuyển động phồng xẹp chỉ là biểu hiện của vật chất, không có năng lực nhận biết. Tâm bạn không thực hiện được chuyển động nhưng có khả năng nhận biết. Sau khi biết được sự vật là gì, tâm bạn cũng ý thức được sự vật đến và đi, không tồn tại lâu dài. Qua việc hành thiền bạn có thể khám phá ra nhiều điều về chính bạn. Bạn có thể khám phá nhiều điều về vật chất và tâm, nhiều điều về đối tượng đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Và sự khám phá này rất quan trọng. Do hành thiền bạn khám phá ra vật chất và tâm liên hệ với nhau như thế nào, chúng sinh diệt ra sao, thực chất chúng là gì. Nếu bạn không khám phá được điều đó thì bạn không thể đạt được những gì mà bạn mong muốn nghĩa là bạn không thể giác ngộ. Đó là lý do tại sao bạn phải hành Thiền Minh Sát. Bạn phải kinh nghiệm từng tuệ minh sát một. Bạn không thể bỏ băng tuệ giác nào. Mặc dầu một số thiền sinh có thể đạt đến những tuệ giác này rất nhanh, nhưng thiền sinh phải tuần tự đi qua tất cả mọi giai đoạn của tuệ giác.

    Đó là cái chúng ta gọi là biết "kẻ biết", và "cái cần biết". Khi chúng ta biết được, hiểu được "tâm ghi nhận đối tượng" (kẻ biết) và "đối tượng ghi nhận (cái cần biết), lúc bấy giờ bạn sẽ thấy được ba yếu tố:

    Đối tượng ghi nhận, "Cái cần biết". 

    Tâm ghi nhận đối tượng "Kẻ đang nhận biết" và tâm biết rằng có tâm đang ghi nhận đối tượng "Người biết về cái (kẻ) đang nhận biết"

    Như vậy, bạn thấy ba sự kiện vào thời điểm đó: "cái gì được biết", "cái gì nhận biết" và "người biết về cái gì đang nhận biết". Tất cả sự khám phá trên bạn có được xuyên qua việc thực hành Thiền Minh Sát. Không có Thiền Minh Sát bạn không hy vọng thấy được sự thật về vật chất và tâm như vậy.

    Nếu chúng ta không thấy được chân đế của vật chất và tâm thì chúng ta không hy vọng tiến triển trên đường đạo. Nếu chúng ta không đạt sự tiến bộ thì chúng ta không thể hiểu biết thật sự về Tứ Diệu Đế, bốn chân lý cao thượng, nói cách khác, chúng ta không giác ngộ. Như vậy, mục đích của Thiền Minh Sát hay mục tiêu tối thượng của Thiền Minh Sát là giác ngộ hay hoàn thành tất cả sự thanh lọc tâm. Nhưng nhiệm vụ của Thiền Minh Sát như tôi đã nói nhiều lần, phải thấy rõ chân tướng của sự vật , thấy chúng một cách đầy đủ trọn vẹn. Hiểu biết trọn vẹn ở đây có nghĩa là hiểu biết chúng là gì, biết rõ chúng là vô thường, khổ, vô ngã v.v... và có thể loại trừ ý niệm sai lầm về đối tượng.

    KẾT LUẬN

    Một khi đã có sự hiểu biết trọn vẹn về sự vật thì việc hành thiền, chính nó sẽ tự động tiến đến mục đích tối hậu. Sự thấy rõ vật chất và tâm này chỉ là khởi đầu của Thiền Minh Sát. Như vậy, khi bạn thấy vật chất và tâm một cách rõ ràng, thì bạn đã đạt được Kiến Tịnh hay đạt được sự thấy rõ chân đế về vật chất và tâm.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.