Một hôm, lắng nghe pháp của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Aṭṭhisena, Đức-vua Brahmadatta vô cùng hoan hỷ chân thành kính thỉnh Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Aṭṭhisena rằng:
- Kính bạch Ngài Đạo-sĩ, Quả nhân vô cùng hoan hỷ lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, nên Quả nhân có đức-tin trong sạch nơi Ngài. Quả nhân chân thành kính thỉnh Ngài cần những thứ nào kể từ ngai vàng của Quả nhân cho đến các thứ quý báu khác. Kính xin Ngài tâu cho Quả nhân biết, Quả nhân sẽ kính dâng, cúng dường những thứ ấy đến Ngài ngay.
Nghe Đức-vua Brahmadatta bạch như vậy, Đức-Bồ- tát đạo-sĩ Aṭṭhisena không hề tâu xin một thứ nào cả, và cũng không tâu một lời nào cả.
Đối với các người khác thường đến tâu xin Đức-vua Brahmadatta những thứ nào, thì họ thường được Đức- vua ban những thứ ấy theo ý muốn của họ.
Một hôm, Đức-vua Brahmadatta suy nghĩ rằng:
“Những người nào thường đến tâu xin nơi ta những thứ này, những thứ kia, tất cả những người ấy đều được ta ban cho họ những thứ ấy theo ý muốn của họ. Còn Ngài Đạo-sĩ Aṭṭhisena mà ta tôn kính nhất, từ khi ta chân thành kính thỉnh Ngài cho đến nay, đã trải qua thời gian khá lâu mà Ngài chưa hề tâu xin ta một thứ nào cả. Ngài Đạo-sĩ Aṭṭhisena là bậc đại-thiện-trí cao thượng, có trí-tuệ siêu-việt, có cách sống cao thượng nào đó. Vậy, ta nên bạch hỏi Ngài để hiểu biết.”
Một hôm, sau khi dùng bữa ăn sáng xong, Đức-vua Brahmadatta ngự đến vườn thượng uyển, đảnh lễ Ngài Đạo-sĩ Aṭṭhisena, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức- vua bạch hỏi về nguyên nhân xin của các người khác và nguyên nhân không xin của Ngài bằng câu kệ rằng:
- Kính bạch Ngài Đạo-sĩ Aṭṭhisena cao thượng, những người nào mà Quả nhân không quen biết đến xin những thứ này, thứ kia, Quả nhân đều ban cho họ những thứ ấy theo ý muốn của họ. Do nguyên nhân nào mà Ngài Đạo-sĩ không hề tâu xin một thứ nào nơi Quả nhân vậy?
Nghe Đức-vua Brahmadatta bạch hỏi như vậy, Đức- Bồ-tát đạo-sĩ Aṭṭhisena tâu rằng:
“Yācako appiyo hoti, yācaṃ adadamappiyo. Tasmā’haṃ taṃ na yācāmi, mā me viddesanā ahu.”
- Muôn tâu Đại-vương, Người xin là người không yêu quý của người cho, Người không cho là người không yêu quý của người xin. Vì vậy, bần đạo không tâu xin gì nơi Đại-vương. Để điều không vừa lòng không xảy ra với bần đạo.
Giải thích ý nghĩa bài kệ:
* Người xin nào thường xin rằng: “Cho tôi xin những thứ này, cho tôi xin những thứ kia, v.v... khi được rồi lại xin nữa, xin mãi như vậy. Người xin ấy sẽ trở nên người không yêu quý của người cho, dù người cho là mẹ cha, anh chị em, bà con thân quyến, bạn thân, và những người khác, ...
* Người không cho nào dù là mẹ cha, anh chị em, bà con thân quyến, bạn thân, v.v... không cho những thứ mà người xin muốn được, thì người không cho ấy cũng sẽ trở nên người không yêu quý của người xin.
Do nguyên nhân là người xin là người không yêu quý của người cho, và người không cho những thứ mà người xin muốn được, thì người không cho ấy trở nên người không yêu quý của người xin.
Trích: Tích Aṭṭhisenajātaka, Q. Pháp Hạnh Ba-la-mật 3, Soạn giả Tỳ Khưu Hộ Pháp
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.