Nguyện vọng cao nhất của Con Người là gì?

Nguyện vọng cao nhất của Con Người là gì?

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    NGUYỆN VỌNG CAO NHẤT CỦA CON NGƯỜI

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    NGUYỆN VỌNG CAO NHẤT CỦA CON NGƯỜI

    Phật ngôn:

    Yaṃ yaṃ jahati kāmānam taṃ taṃ sampajjate sukhaṃ sabbañce sukkamiccheyya sabbe kāme pariccaje

    ‒ Người nào bỏ vật dục, phiền não dục(10 nào, hạnh phúc hàng có đến họ, do sự dứt bỏ vật dục, phiền não dục đó. Nếu người cần được tất cả hạnh phúc cũng nên diệt tuyệt vật dục, phiền não dục.

    Chú thích: Bài kệ ngôn này chỉ cho ta thấy rõ rằng: Người chất chứa vật dục, phiền não dục nào, thì vật dục, phiền não dục đó càng làm khổ đến họ chẳng sai. Chỉ khi bỏ được vật dục, phiền não dục rồi thì hằng được hạnh phúc do sự diệt trừ vật dục, phiền não dục. Tuy thế, nếu muốn được hạnh phúc hoàn toàn cũng phải bỏ trọn vẹn vật dục, phiền não dục.

    ---

    Sự mong ước cao tột của con người là cái chi? Hoặc hỏi một cách khác, sự mong ước của con người đến đâu là cùng?

    Nếu nói tiền bạc là sự ước mong cao nhất của con người cũng chưa đúng, vì hàng triệu phú vẫn còn ham muốn. Lợi lộc, quyển thế, ca tụng, vui thú cũng không ngăn được lòng ham muốn; càng được lợi lộc, quyền thế... thì lại càng tham lam.

    Sát khảo thì thấy hạnh phúc là điều mong mỏi cao tột của nhân loại. Vì mỗi người, dù mong cái chi cũng muốn được hạnh phúc mới toại nguyện. Như đứng cũng muốn đứng được hạnh phúc, ngủ cũng muốn ngủ được hạnh phúc, thậm chí chết cũng muốn chết được hạnh phúc... Các xí nghiệp sỉ, nông, công, thương cũng đều hy vọng được hạnh phúc; cho đến hạng người giàu sang, hèn, già, trẻ cũng chỉ mong được toại nguyện về mọi phương diện, hạnh phúc là điều mong muốn cao tột của con người. Nhưng trong đời chúng ta khó gặp một người nào tự xưng là hoàn toàn hạnh phúc. Nên chi, chúng ta cũng từng nghe thấy nhiều người nằm trên đống vàng mà vẫn còn phàn nàn là khổ. Vì thế, trong đời ta không sao tìm ra hạnh phúc.

    Vậy chúng ta hãy tìm xem hạnh phúc trong Phật giáo.

    Hạnh phúc trong Phật giáo có 2 là: sāmisasukha: hạnh phúc về thế tục hay hạnh phúc trộn lộn; nirāmisasukha: hạnh phúc vô vật chất hay hạnh phúc tinh túy.

    Hạnh phúc pha lẫn là hạnh phúc không trong sạch, là hạnh phúc tạp vật chất, ít hoặc nhiều. Ví như vàng không có loại kim nào xen vào thì gọi là vàng ròng; khi có chất bạc hay đồng lẫn lộn thì gọi là vàng pha; hay nước có cặn bùn hoặc vật chi trộn lộn thì gọi là nước không trong. Hạnh phúc cũng thế, nếu hạnh phúc pha là hạnh phúc hỗn vật chất, không phải là hạnh phúc hoàn toàn. Hạnh phúc của hạng triệu phú là hạnh phúc pha với tài sản, khi hết của cải là hết hạnh phúc, hoặc cái vui của người thích sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, v.v... không phải là cái vui hẳn, ấy là cái vui còn trộn lộn với cảnh giới. Hạnh phúc trong đời đều nương theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nào phải là cái vui thật, là cái vui lẫn lộn ngũ dục, nếu hết ngũ dục thì cũng hết vui; hoặc sự vui của người ưa mến pháp thế gian (lợi lộc, quyền thế, ca tụng v.v...) cũng chẳng phải là cái vui thuần nhất, cho đến cái vui của người còn tham, sân, si cũng vậy. Tất cả sự vui ấy không gọi là hạnh phúc hoàn toàn, mà là cái vui còn pha lẫn.

    Tóm lại, cái vui phát sanh do sự hỗn hợp cảnh, vật, người và phiền não toàn là cái vui về thế tục hay cái vui tạp nhạp.

    Hạnh phúc, là cái vui trong sạch không nương với các cảnh, vật, người, là cái vui yên lặng khỏi phiền não. Như các bậc xuất gia, chân tu, các ngài đã từ bỏ ngũ dục, thực hành chánh pháp, trừ diệt tham, sân, si, đào bứng phiền não, dù là còn sinh mệnh, song các Ngài cũng hằng được hạnh phúc bảo hộ. Như thế là hạnh phúc tinh túy phát sinh do sự trong sạch. Như các Thánh nhân hưởng hạnh phúc hoàn toàn, vì đã đoạn tuyệt phiền não. Do đó, hạnh phúc ngoài thế tục là hạnh phúc thực.

    Khi đem hạnh phúc pha lẫn và hạnh phúc tinh túy ra so sánh, ta thấy rằng hạnh phúc có hoàn cảnh xen vào, nếu đã lọc lấy các cái ấy ra, mới gọi là hạnh phúc thực sự.

    Sự ước mong cao nhất của con người là hạnh phúc tinh túy, không phải cái vui tạp nhạp như đã giải. Nguyện vọng cao tột của loài người là mục đích đi đến hạnh phúc duy nhất, đến đó sự mong ước sẽ tắt hoàn toàn, hết nguyện vọng tức khắc. Những người tìm thú vui nương với tiền bạc, của cải, hoặc sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp thế gian (lợi lộc, quyền thế ca tụng v.v...) là cái vui không trong sạch, cái vui lẫn lộn với cái khổ. Đối với hạng đã từ bỏ gia tài, sự nghiệp và pháp thế gian, các Ngài đã gặp hạnh phúc hoàn toàn và sự mong muốn của các Ngài đã dập hẳn. Hạnh phúc ấy là hạnh phúc ngoài thế tục, không trộn lộn với các cảnh giới, sự nguyện vọng cao tột của loài người là thế.

    Tất cả nhân loại trên hoàn vũ này đều mong cầu hạnh phúc, nhưng chẳng có một ai được hoàn toàn vui sướng.

    Đức Phật có giảng thuyết: “Kẻ nào nghĩ rằng hạnh phúc ở chỗ vàng bạc, lợi lộc, quyền thế và ngũ dục, kẻ ấy không bao giờ đi đến mục đích dập tắt được lòng ham muốn”.

    Mong được vàng ròng rồi cố gắng tìm kiếm, nhưng chưa từng phân biệt vàng giả hay thiệt, gặp vàng pha lầm tưởng mà thỏa thích và cố tìm cho kỳ được vàng ấy. Khi sự mong muốn chưa đầy đủ thì cái vui cũng chưa tột cùng, vì lòng ham muốn là mẹ sanh của sự khổ. Như thế, ta nên nhận thức rằng cái vui về thế tục luôn luôn túc trực và ám ảnh ta, trong khi ta đang tìm và mong mỏi được cái vui hoàn toàn.

    Đức Phật Tổ và chư Thinh văn giác là những bậc đã gặp được hạnh phúc cao tột. Các Ngài đã dứt sự vọng móng, vì các ngài đã gặp được hạnh phúc tinh túy. Sự nguyện vọng cao tột không phải ở chỗ tìm được vàng bạc, của cải hay ở ngũ dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc) cũng không phải ở lợi quyền, ca tụng, vui thú v.v... mà cũng chẳng phải ở chỗ trộn lộn với phiền não; nếu “tham” sanh thì phải có vật dụng để phụng sự cho lòng tham; “sân” sanh thì vung văng mới toại chí v.v... vì là cái vui nương lẫn phiền não, nên không phải là hạnh phúc hoàn toàn. Hạnh phúc duy nhất của con người tức là hạnh phúc không tạp nhạp với cái chi cả. Nó phát sanh từ cái tâm yên lặng, khỏi tất cả những cái vui của ngũ dục v.v... đó là hạnh phúc tinh túy, hạnh phúc ngoài thế tục, tức là hạnh phúc hoàn toàn vậy.

    Sự nguyện vọng của ta không phải ở chỗ vàng bạc, ngũ dục, hoặc thế gian pháp v.v... Khi các pháp ấy không có trong quyền sở hữu, ta sẽ không tham lam, khao khát cho đến quên mình và bảo vệ ta không say mê, dể duôi trong đường tội lỗi. Có sanh tất phải có diệt. Như thế ta không nên phiền muộn, nhớ tiếc thái quá, đến nỗi bỏ ăn quên ngủ, ta nên hiểu rằng đó không phải là hạnh phúc tối cao, hoặc không có chi là quyền sở hữu thì ta khỏi bị khích động lòng tham, sân, làm cho ta phải phá giới.

    Cái tâm an tĩnh trên đường đạo mà không có sự quyến luyến trong vật dục, phiền não dục, đó là hạnh phúc duy nhất trong Phật giáo.

    Nhưng phương pháp đã diễn giải trên gọi là sự nguyện vọng tối cao của con người, vì chúng ta không quan tâm đến nó, nên chúng ta không nhận thức được cái chi là nguyện vọng cao nhất của con người. Nếu ta không tìm ra được hạnh phúc tinh túy thì bao giờ ta thấy rõ ánh sáng để thoát ly trần tục.

    Sau khi nhận định thế nào là hạnh phúc, người tu Phật nên chọn lấy một con đường chân chánh để tiến hành, ta sẽ thấy chân giá trị của con người ta thay đổi hẳn. Như thế mới mong đem mình ra khỏi bể trầm luân, không sợ bị thế gian pháp đầu độc trước cái đẹp ảo huyền cám dỗ của vật chất. Chỉ có tinh thần sáng suốt trên phương diện thoát ly vật chất mà hàng Phật tử đã thu hoạch được sau thời gian đầy kinh nghiệm.

    -oo0oo-

    (1) Tham, sân, si  

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.