Xúc là sự tiếp xúc hay đụng chạm giữa lục căn và lục trần. Xúc có sáu là: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, và ý xúc. Nhãn xúc là khi mắt thấy sắc tốt hay xấu phát sanh ra thức (ba pháp là nhãn, sắc, thức gộp lại gọi là xúc) ví như hai cây củi dụm lại, ngọn lửa mới cháy lên hoặc như hai con dê đang cụng đầu nhau; nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý xúc cũng mường tượng như thế ấy chỉ khác căn và trần mà thôi. Lại nữa, Đức Phật có giảng về sức nóng của sự tiếp xúc của lục căn và lục trần rằng: “Người hành đạo cao thượng khi tiếp xúc với lục trần mà chủ ý tới tư cách hoặc chi tiết của trần ấy, thà lấy miếng sắc nướng đỏ thọc vào khóe mắt, hoặc lấy sắc nhọn đâm vào lỗ tai còn tốt hơn là chủ ý với tư cách hay là chi tiết tốt xấu của sắc, thinh ấy. Vì sao vậy? Nếu trong lúc ấy mà bị sự chết tới liền thì thế nào cũng phải sa vào cảnh khổ nhứt là địa ngục đời đời kiếp kiếp không sai. Hơn nữa, Đức Phật lại có giảng rằng:
“Yohi koci bhikkave, bhikkhu channaṃ phassāyatanānaṃ samudayañca atthangamañca assādañca ādinavañca nissaranañca yathābhūtaṃ nappajānāti avusitantena brahma cariyaṃ ārakā so imasmā dhamma vinayāti”
– Các thầy tỳ khưu này! Thật vậy, thầy tỳ khưu nào trong giáo pháp ta mà không biết rõ sự phát sanh lên, sự diệt tắt, sự vui thích, sự tội lỗi và sự giải thoát do nơi sự tiếp xúc của lục căn, đúng theo chân lý, thì thầy tỳ khưu ấy không thể gọi là người hành theo đạo cao thượng và hẳn còn cách xa giáo pháp của Như Lai vậy! (T.Tg. 35e trg.93)
Trích: Nhân quả liên quan (Đ.Đ Bửu Chơn)