Nhận xét về nghiệp và quả của nghiệp ngũ giới

Nhận xét về nghiệp và quả của nghiệp ngũ giới

    NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)

    QUYỂN III

    PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)

    Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

     

    NHẬN XÉT VỀ NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP NGŨ-GIỚI

    Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (niccasīla) của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, người có thọ trì ngũ-giới hoặc người không có thọ trì ngũ-giới.

    - Nếu người nào phạm điều-giới nào trong ngũ-giới thì người ấy đã tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, rồi phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

    - Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy đã tạo đại-thiện- nghiệp ngũ-giới, rồi hưởng quả an-lạc của đại-thiện- nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

    ÁC-NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA ÁC-NGHIỆP NGŨ-GIỚI

    Ác-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm).

    12 bất-thiện-tâm đó là 8 tham-tâm +2 sân-tâm+2 si-tâm. 8 tham-tâm là:

    1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

    2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà- kiến, cần tác-động.

    3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

    4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

    5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

    6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà- kiến, cần tác-động.

    7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

    8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

    2 sân-tâm là:

    1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

    2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

    2 si-tâm là:

    1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài- nghi.

    2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

    * Ác-nghiệp ngũ-giới trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả trong 2 thời-kỳ:

    - Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

    - Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

    THỜI-KỲ TÁI-SINH KIẾP SAU (PAṬISANDHIKĀLA)

    Người nào phạm điều-giới nào trong ngũ-giới, đã tạo ác-nghiệp phạm điều-giới ấy. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp phạm-giới ấy trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm (1)) có cơ hội cho quả có 1 quả-tâm đó là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

    - Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra thường có tham-tâm thèm khát.

    - Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái- sinh kiếp sau thì hoá-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa- ngục thường bị thiêu đốt, bị hành hạ.

    - Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh làm loài súc-sinh có tính si-mê.

    THỜI-KỲ SAU KHI ĐÃ TÁI-SINH (PAVATTIKĀLA), KIẾP HIỆN-TẠI

    Ác-nghiệp ngũ-giới trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện- tại, bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm có cơ hội cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của ác- nghiệp trong ác-tâm.

    7 BẤT-THIỆN-QUẢ VÔ-NHÂN-TÂM

    1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, thấy đối-tượng sắc xấu.

    2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp, nghe đối-tượng thanh dở.

    3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

    4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp, nếm đối-tượng vị dở.

    5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của ác-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc xấu.

    6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

    7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

    Đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của ác- nghiệp trong ác-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng xấu.

    ĐẠI-THIỆN-NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA ĐẠI-THIỆN-NGHIỆP NGŨ-GIỚI

    Đại-thiện-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm.

    8 đại-thiện-tâm là:

    1- Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    2- Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    3- Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    4- Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    5- Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    6- Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    7- Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    8- Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    * Đại-thiện-nghiệp ngũ-giới trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:

    - Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

    - Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

    THỜI-KỲ TÁI-SINH KIẾP SAU (PAṬISANDHIKĀLA)

    Người nào giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới.

    Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi- kāla) có 9 quả-tâm đó là 8 đại-quả-tâm và 1 suy-xét- tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, 9 quả-tâm này gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện- dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.

    Trong 8 đại-quả-tâm này, mỗi quả tâm tương xứng với mỗi đại-thiện-tâm về đồng sinh với thọ, về hợp với trí-tuệ, về tác-động như sau:

    8 đại-quả-tâm là:

    1- Đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    2- Đại-quả-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    3- Đại-quả-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    4- Đại-quả-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    5- Đại-quả-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    6- Đại-quả-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    7- Đại-quả-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

    8- Đại-quả-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

    8 đại-quả-tâm chia ra làm 2 loại:

    - 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.

    - 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.

    * Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau

    - Nếu 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người tam-nhân (1) (tihetuka- puggala) từ khi đầu thai làm người.

    Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người tam-nhân vốn dĩ có trí-tuệ, nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp- hành thiền-định thì có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc các phép-thần-thông thế gian.

    Nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền- tuệ thì có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh- đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân cao thượng trong Phật-giáo.

    - Nếu 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người nhị-nhân (2)(dvihetuka puggala) từ khi đầu thai làm người.

    Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người nhị-nhân vốn dĩ không có trí-tuệ, nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định thì không có khả năng chứng đắc bậc thiền nào cả.

    Nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền- tuệ thì không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh- đế, không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào cả.

    - Nếu 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp làm phận sự trong thời-kỳ tái- sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người vô-nhân (1) (ahetukapuggala) đui mù, câm điếc từ khi đầu thai làm người.

    Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người vô-nhân đui mù, câm điếc, tật nguyền, ... hiểu biết bình thường không học hành được.

    Nếu người ấy đui mù, câm điếc, tật nguyền trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, thì không thể gọi là người vô-nhân bởi vì người ấy có sự hiểu biết như người bình thường.

    * Người thiện-trí giữ-giới ấy sau khi chết, nếu đại- thiện-nghiệp giữ-giới có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) cũng có 9 quả-tâm gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới.

    - Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ tam-nhân thì có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời.

    - Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ nhị-nhân thì có ít oai lực, có hào quang không rộng.

    - Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ vô-nhân thì có ít oai lực, có hào quang kém trong cõi chư-thiên trên mặt đất (bhummaṭṭhadevatā).

    THỜI-KỲ SAU KHI ĐÃ TÁI-SINH (PAVATTIKĀLA), KIẾP HIỆN-TẠI

    Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại là người hoặc là vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy, đại-thiện- nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 8 đại-quả- tâm và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm gồm có 16 quả-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp tiếp xúc với những đối-tượng tốt, đáng hài lòng.

    8 Thiện-quả vô-nhân-tâm là:

    1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc tốt đáng hài lòng.

    2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, nghe đối-tượng thanh hay đáng hài lòng.

    3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm đáng hài lòng.

    4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon đáng hài lòng.

    5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại- thiện-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc tốt đáng hài lòng.

    6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.

    7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.

    8- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại- thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.

    Đó là 8 thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của đại- thiện-nghiệp giữ giới trong đại-thiện-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng tốt đáng hài lòng, tâm an-lạc đối với loài người hoặc vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới.

    NGƯỜI TẠI GIA VỚI ĐIỀU KINH SỢ, OAN TRÁI

    Trong đời này, người tại gia có điều kinh sợ (bhaya), điều oan trái (vera) làm cho tâm khổ não do nguyên nhân phạm ngũ-giới, và người tại gia không có điều kinh sợ (abhaya), không có điều oan trái (avera) làm cho tâm an-lạc do nguyên-nhân giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

    Nên tìm hiểu trong bài kinh Verasutta (1) mà Đức-Phật thuyết dạy ông phú hộ Anāthapiṇḍika, được tóm lược như sau:

    Một thuở nọ, ông phú hộ Anāthapiṇḍika đến hầu đảnh lễ Đức-Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ; khi ấy, Đức- Phật thuyết dạy ông phú hộ Anāthapiṇḍika rằng:

    - Này ông phú hộ! Người tại gia nào không diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái, Như-lai gọi là người phạm-giới, người không có giới. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục.

    Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là gì?

    Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là sự sát-sinh, sự trộm-cắp, sự tà-dâm, sự nói-dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia nào không diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người phạm-giới, người không có giới. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm-giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia nào diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người có giới trong sạch. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ- giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.

    Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là gì?

    Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là sự sát-sinh, sự trộm-cắp, sự tà-dâm, sự nói-dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia nào diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người có giới trong sạch. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ- giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới sát- sinh thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân sát-sinh.

    Người tại gia tránh xa sự sát-sinh thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự sát-sinh ấy.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới trộm-cắp thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân trộm-cắp.

    Người tại gia tránh xa sự trộm-cắp thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự trộm-cắp ấy.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới tà- dâm thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân tà-dâm.

    Người tại gia tránh xa sự tà-dâm thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự tà-dâm ấy.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới nói- dối thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân nói-dối.

    Người tại gia tránh xa sự nói-dối thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự nói-dối ấy.

    - Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân uống rượu và các chất say.

    Người tại gia tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện- tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự uống rượu và các chất say.

    Đức-Phật thuyết bài kệ:

    “Người nào trong đời tạo ác-nghiệp.
    Giết hại sinh-mạng của chúng-sinh.
    Trộm-cắp tài sản của người khác.
    Tà-dâm với vợ, chồng người khác.
    Thường nói-dối không biết hổ-thẹn.
    Thường uống rượu và các chất say.
    Người ấy chưa tránh năm oan trái.
    Gọi là người ác không có giới.
    Là người si mê trước lúc chết.
    Ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh.
    Trong cõi địa-ngục chịu quả khổ.
    Người nào trong đời tạo đại-thiện-nghiệp.
    Không giết hại sinh-mạng chúng-sinh.
    Không trộm-cắp của cải người khác.
    Không tà-dâm với vợ, chồng người.
    Không nói dối lừa gạt người khác.
    Không uống rượu và các chất say.
    Người ấy đã tránh năm oan trái.
    Gọi là người thiện-trí có giới.
    Có đại-thiện-tâm lúc lâm chung.
    Đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội.
    Cho quả tái-sinh trong kiếp sau.
    Trong cõi thiện dục-giới an-lạc.”

    CON NGƯỜI VỚI NGŨ-GIỚI

    Phàm mỗi người đã sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của người ấy có ít nhất là ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.

    Thật vậy, nếu tiền-kiếp của người ấy phạm điều-giới, không có giới thì chắc chắn không được tái-sinh làm người được, nên khi đã tái-sinh làm người thì tiền-kiếp của người ấy ắt hẳn có ít nhất là ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.

    Nếu kiếp hiện-tại người nào không biết hổ-thẹn tội- lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, bị phiền-não sai khiến nên phạm điều-giới nào trong ngũ- giới, tạo ác-nghiệp thì người ấy tự làm mất nhân phẩm quý báu vốn có trong con người của mình, từ khi đầu thai làm người.

    Người ấy không chỉ chịu những hậu quả tai-hại trong kiếp hiện-tại mà còn phải chịu hậu quả tai hại trong nhiều kiếp vị-lai.

    Người nào đã phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp ấy, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm điều-giới ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy.

    Một khi chúng-sinh sinh trong cõi ác-giới rồi thì khó có cơ hội tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

    Trong bài kinh Chiggaḷasutta (1) Đức-Phật lấy ví dụ một con rùa mù ở đại dương được tóm lược như sau:

    Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

    - Này chư tỳ-khưu! Ví như mặt đất này bị nước tràn ngập sâu như đại dương. Một tấm ván có lỗ nhỏ vừa cái đầu con rùa mù chui vào, trôi trên mặt nước biển. Hễ gió hướng Đông thì tấm ván trôi về hướng Tây, gió hướng Tây thì tấm ván trôi về hướng Đông, gió hướng Nam thì tấm ván trôi về hướng Bắc, gió hướng Bắc thì tấm ván trôi về hướng Nam, ... Một con rùa mù ở dưới đáy biển sâu, cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước một lần.

    - Này chư tỳ-khưu! Con rùa mù kia cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước một lần, chui đầu vào cái lỗ nhỏ của tấm ván ấy có được hay không?

    Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Phật rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con rùa mù kia cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước biển một lần, chui cái đầu vào cái lỗ nhỏ của tấm ván ấy, đó là một điều thật vô cùng khó khăn lắm!

    Đức-Phật dạy rằng:

    - Này chư tỳ-khưu! Được sinh ra làm người, đó là điều khó hơn thế nữa!

    Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian này, đó là điều khó hơn thế nữa!

    Chánh-pháp của Như-lai đã thuyết giảng trên thế gian này, đó là điều vô cùng khó hơn thế nữa!

    Nay, các con đã được sinh ra làm người rồi!

    Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trên thế gian này rồi!

    Chánh-pháp của Như-lai đã thuyết giảng trên thế gian này rồi!

    - Này chư tỳ-khưu! Vậy, các con hãy nên cố gắng tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ (hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ), để hầu mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế: khổ-Thánh-đế, nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.

    Cho nên, hằng ngày Đức-Phật thường nhắc nhở khuyên dạy các hàng thanh-văn đệ-tử rằng:

    “Appamādena bhikkhave sampādetha!
    Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ,
    Manussattabhāvo dullabho,
    Dullabhā saddhāsampatti,
    Pabbajitabhāvo dullabho,
    Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ.
    Evaṃ divase divase ovadati.”

    - Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự- nữ! Các con chớ nên dể duôi, nên cố gắng thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ để hoàn thành các phận sự tứ Thánh-đế (bởi vì có 5 điều khó được).

    - Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian là một điều khó được.

    - Được sinh làm người là một điều khó được.

    - Có đức-tin đầy đủ là một điều khó được.

    - Xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó được.

    - Được lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó được.

    Hằng ngày, Đức-Phật thường khuyên dạy nhắc nhở các hàng thanh-văn đệ-tử như vậy.

    “Được sinh làm người là một điều khó được.”

    Con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này (cõi mà chúng ta đang sinh sống) có tính chất đặc biệt hơn các chúng-sinh trong các cõi-giới khác như sau:

    - Những người trong châu này là chư Đức-Bồ-tát có nhiều thuận lợi tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật.

    - Con người trong châu này có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn-giác hoặc bậc Thánh Đại- thanh-văn-giác, Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương.

    Để trở thành Bậc cao thượng như vậy, chỉ có những con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này mà thôi.

    Nay, chúng ta đã là con người thật là vô cùng diễm phúc biết dường nào! Chúng ta còn gặp được giáo-pháp của Đức-Phật Gotama hiện đang còn lưu truyền trên thế gian, thật là vô cùng hy hữu. Đây là cơ hội hiếm có, vô cùng thuận lợi để cho mỗi người chúng ta có cơ hội tốt tạo mọi thiện-pháp, từ 8 dục-giới thiện-pháp, 5 sắc-giới thiện-pháp, 4 vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến 4 siêu-tam-giới thiện-pháp tùy theo khả năng của mỗi người.

    Bất luận thiện-pháp nào cũng cần phải có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để cho mọi thiện-pháp được phát triển tốt.

    Thật ra, người thiện biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác-ý trong đại- thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say bằng tâm, giữ gìn ngũ- giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là điều rất dễ dàng trong khả năng bình thường của tất cả mọi người ở trong đời.

    Còn người ác không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới hợp đủ chi-pháp như:

    - Phạm điều-giới sát-sinh cần phải hợp đủ 5 chi-pháp.

    - Phạm điều-giới trộm-cắp cần phải hợp đủ 5 chi pháp.

    - Phạm điều-giới tà-dâm cần phải hợp đủ 4 chi-pháp.

    - Phạm điều-giới nói-dối cần phải hợp đủ 4 chi-pháp,

    - Phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say cần phải hợp đủ 4 chi-pháp, mới tạo ác-nghiệp của mỗi điều-giới ấy, đó là việc không phải dễ dàng, thật ra là việc rất khó khăn mà không phải là ai cũng có thể tạo ác-nghiệp ấy được.

    TẠO ĐẠI-THIỆN-NGHIỆP GIỮ GIỚI VÀ TẠO ÁC NGHIỆP PHẠM ĐIỀU GIỚI, TRONG 2 VIỆC NÀY VIỆC NÀO DỄ LÀM? VIỆC NÀO KHÓ LÀM?

    * Thật vậy, người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt biết suy xét kỹ càng và trung thực, để có nhận thức đúng rằng:

    - Người thiện giữ gìn mỗi điều-giới được trong sạch, đó là việc dễ hay khó?

    - Người ác cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới nào hợp đủ chi-pháp của điều-giới ấy, đó là việc khó hay dễ?

    Suy xét mỗi điều-giới như sau:

    * Điều-giới tránh xa sự sát-sinh

    - Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh, tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

    - Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu giết hại chúng-sinh ấy chết, hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh, nên phạm điều- giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.

    Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh với việc tạo ác-nghiệp sát-sinh, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?

    * Điều-giới tránh xa sự trộm-cắp

    - Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự trộm-cắp bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự trộm-cắp, tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

    - Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu trộm-cắp của cải tài-sản của người khác, hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới trộm-cắp, nên phạm điều-giới trộm-cắp, tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

    Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp với việc tạo ác-nghiệp trộm-cắp, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?

    * Điều-giới tránh xa sự tà-dâm

    - Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự tà-dâm bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự tà-dâm, tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.

    - Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân tà-dâm với vợ hoặc chồng, con của người khác, hợp đủ 4 chi-pháp của điều-giới tà-dâm, nên phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm.

    Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm với việc tạo ác-nghiệp tà-dâm, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?

    * Điều-giới tránh xa sự nói-dối

    - Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự nói-dối bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói-dối, tạo đại-thiện-nghiệp không nói-dối.

    - Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng khẩu nói dối lường gạt người khác, hợp đủ 4 chi- pháp của điều-giới nói-dối, nên phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối.

    Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không nói dối với việc tạo ác-nghiệp nói dối, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?

    * Điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say

    - Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say bằng tâm, biết giữ gìn điều- giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say.

    - Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng khẩu uống rượu, bia và các chất say, hợp đủ 4 chi- pháp của điều-giới uống rượu, bia và các chất say, nên phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác- nghiệp uống rượu và các chất say.

    Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say với việc tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?

    * Người thiện-trí nhận thức đúng rằng: việc không sát-sinh, việc không trộm-cắp, việc không tà-dâm, việc không nói-dối, việc không uống rượu, bia và các chất say, đó là việc rất dễ làm. Cho nên, người thiện-trí biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại- thiện-tâm tránh xa sự phạm 5 điều-giới bằng tâm, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, tạo đại- thiện-nghiệp giữ-giới, đó là việc rất dễ làm, bởi vì trong khả năng bình thường đối với tất cả mọi người trong đời.

    * Người thiện-trí nhận thức đúng rằng: việc sát-sinh, việc trộm-cắp, việc tà-dâm, việc nói-dối, việc uống rượu, bia và các chất say, đó là việc rất khó làm, mà không phải là ai trong đời cũng có thể làm được. Song chỉ có người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê- sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân, hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới nào phải hợp đủ chi-pháp của mỗi điều-giới ấy, phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, đó là việc rất khó khăn mà chỉ có người ác mới làm được mà thôi.

    Sự thật, vấn đề dễ làm hay khó làm đối với người thiện hoặc người ác khác nhau trong đời.

    Đức-Phật dạy rằng:

    “Sukaraṃ sādhunā sādhu, sādhu pāpena dukkaraṃ.
    Pāpaṃ pāpena sukaraṃ, pāpamariyehi dukkaraṃ.”(1)

    - Này chư tỳ-khưu!
    “Người thiện-trí dễ dàng tạo thiện-nghiệp.
    Người ác rất khó khăn tạo thiện-nghiệp.
    Người ác dễ dàng tạo ác-nghiệp.
    Bậc Thánh-nhân chắc chắn khó tạo ác-nghiệp.”

    * Để phân biệt người ác với người thiện, Đức Phật dạy trong bài kinh Sikkhapadasutta (2).

    Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

    “- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai sẽ thuyết giảng về người ác và người ác hơn người ác, người thiện và người thiện hơn người thiện. Các con hãy lắng nghe, nên chú tâm lắng nghe.”

    Vâng lời theo Đức-Thế-Tôn, chư tỳ-khưu chú tâm lắng nghe lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn.

    NGƯỜI ÁC - NGƯỜI ÁC HƠN NGƯỜI ÁC

    Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

    - Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác?

    - Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người sát-sinh, là người trộm-cắp, là người tà-dâm, là người nói-dối, là người uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác. - Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác hơn người ác?

    - Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng sát-sinh.

    Số người tự mình trộm-cắp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng trộm-cắp.

    Số người tự mình tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng tà-dâm.

    Số người tự mình nói-dối, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng nói-dối.

    Số người tự mình uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác hơn người ác.

    NGƯỜI THIỆN - NGƯỜI THIỆN HƠN NGƯỜI THIỆN

    Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

    - Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện?

    - Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người tránh xa sự sát-sinh, là người tránh xa sự trộm-cắp, là người tránh xa sự tà-dâm, là người tránh xa sự nói-dối, là người tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện.

    - Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện hơn người thiện?

    - Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình tránh xa sự sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến- khích người khác cũng tránh xa sự sát-sinh.

    Số người tự mình tránh xa sự trộm-cắp, còn động viên, tác-động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự trộm-cắp.

    Số người tự mình tránh xa sự tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự tà- tà-dâm.

    Số người tự mình tránh xa sự nói-dối, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự nói-dối.

    Số người tự mình tránh xa uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.

    - Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện hơn người thiện.”

    Như vậy, nếu người nào phạm điều-giới nào của mình, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, thì người ấy bị gọi là người ác; còn nếu người nào giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới, thì người ấy được gọi là người thiện.

    Nếu người ác nào không chỉ tự mình phạm điều-giới nào của mình, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy mà còn động viên, tác động, khuyến khích, sai bảo người khác cũng phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, thì người ác ấy bị gọi là người ác hơn người ác. Còn nếu người thiện nào không chỉ tự mình giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới mà còn động viên, tác động, khuyến khích, khuyên bảo người khác cũng giữ gìn các điều-giới của họ được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới thì người thiện ấy được gọi là người thiện hơn người thiện.

    Ví dụ: * Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say ấy, thì người ấy bị gọi là người ác.

    Còn nếu người nào giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say, thì người ấy được gọi là người thiện.

    * Nếu người ác nào không chỉ tự mình phạm điều- giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say mà còn động viên, tác động, khuyến khích, mời mọc, tiếp đãi người khác cũng phạm điều- giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì người ác ấy bị gọi là người ác hơn người ác.

    Còn nếu người thiện nào không chỉ tự mình giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say mà còn động viên, tác động, khuyến khích, khuyên bảo người khác cũng giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện- nghiệp không uống rượu, bia và các chất say thì người thiện ấy được gọi là người thiện hơn người thiện.

    TÍCH NGƯỜI GIỮ GÌN NGŨ-GIỚI

    Tích Ngài Pañcasīlasamādāniyatthera (1) thuật lại tiền-kiếp của Ngài, được tóm lược như sau:

    Trong thời quá khứ, khi Đức-Phật Anomadassī (2) xuất hiện trên thế gian, tôi là người nghèo khổ ở trong thành Candavati, sống bằng nghề làm thuê làm mướn cho người khác. Tôi chưa có duyên lành xuất gia trở thành tỳ-khưu, nhưng tôi suy nghĩ rằng:

    “Chúng-sinh sống trong đời này, thường bị màn vô- minh che trùm phủ kín, tối tăm không hiểu biết được chân-lý, thường bị lửa tham, sân, si thiêu đốt không ngừng, luôn luôn chịu khổ não. Ta sẽ giải thoát khổ bằng cách nào đây?”

    Tôi vốn là người nghèo khổ, làm thuê làm mướn vừa đủ sống qua ngày, không có của cải để làm phước-thiện bố-thí, nên tôi suy nghĩ rằng:

    “Điều tốt hơn ta nên thọ trì ngũ-giới và cố gắng giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn.”

    Do suy nghĩ như vậy, nên tôi liền đến hầu Ngài Đại- Trưởng-lão Nisabha, bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī, kính xin thọ trì ngũ- giới. Ngài Đại-Trưởng-lão đã hướng dẫn tôi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.

    Vào thời đại ấy, tuổi thọ con người có khoảng 100 ngàn năm, tôi đã cố gắng giữ gìn ngũ-giới được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn cho đến trọn kiếp.

    Khi sắp lâm chung (sắp chết) tôi niệm tưởng đến ngũ- giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi nên chư- thiên ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên đem một cỗ xe sang trọng gồm có 1.000 con ngựa báu đến rước tôi.

    Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam- thập-tam-thiên, tôi đã làm Đức-vua trời cõi Tam-thập- tam-thiên suốt 30 kiếp (1), hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

    Khi tái-sinh làm người trong cõi người, tôi trở thành Đức Chuyển-luân Thánh-vương 75 kiếp, và trở thành Đức-vua trị vì các nước lớn nhiều kiếp không sao kể xiết.

    Ngài Trưởng-lão Pañcasīlasamādāniyatthera thuật lại rằng:

    Tôi đã giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn từ thời kỳ Đức-Phật Anomadassī cho đến kiếp hiện-tại này, trải qua thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, tôi không từng tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a- su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, kiếp nào cũng tái-sinh trong cõi thiện-dục-giới (cõi người, cõi trời dục-giới).

    Khi tái-sinh trong cõi nào, tôi cũng có địa vị cao quý, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.

    Đó là do năng lực quả báu của phước-thiện giữ gìn ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi.

    Tôi còn có 3 quả báu đặc biệt là:

    - Tôi là người sống lâu trường thọ.

    - Tôi là người có địa vị cao quý, giàu sang phú quý.

    - Tôi là người có nhiều trí-tuệ sáng suốt.

    * Vào thời kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tôi ở trên cõi trời dục-giới, sau khi tôi chuyển kiếp (cuti) (chết) từ cõi trời dục-giới ấy, đại-thiện-nghiệp giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn ấy (trong đại-thiện- tâm hợp với trí-tuệ), cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai làm người trong gia đình thuộc dòng dõi bà-la-môn giàu sang phú quý trong xứ Vesālī.

    Gần đến ngày nhập hạ, cha mẹ dắt dẫn tôi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, cha mẹ bảo tôi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.

    Vâng lời cha mẹ, tôi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.

    Khi ấy, tôi niệm tưởng lại ngũ-giới, do năng lực của ngũ-giới mà tôi đã giữ gìn trong sạch và trọn vẹn trong kiếp quá khứ xa xưa. Chính tại nơi đang ngồi thọ phép quy-y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới ấy, tôi liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái mọi phiền- não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy tôi vừa mới lên 5 tuổi.

    Đức-Phật cho tôi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

    Tiền-kiếp của tôi đã giữ gìn ngũ-giới trong sạch đầy đủ và trọn vẹn đến trọn kiếp, tôi đã hưởng được quả báu của đại-thiện-nghiệp ngũ-giới như vậy.

    Còn như chư vị sa-di, chư vị tỳ-khưu, chư bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có rất nhiều điều-giới, thì quả báu của đại-thiện-nghiệp giữ-giới nhiều biết dường nào kể xiết được.

    -oo0oo-

    (1) Si-tâm hợp với phóng-tâm có ít năng lực không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh kiếp hiện-tại.

    ---

    (1) Người tam-nhân là người có tái-sinh-tâm đủ 3 nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) từ khi đầu thai làm người.

    (2) Người nhị-nhân là người có tái-sinh-tâm chỉ có 2 thiện-nhân: vô-tham và vô-sân, không có vô-si, từ khi đầu thai làm người.

    ---

    (1) Người vô-nhân là người có tái-sinh-tâm không có nhân nào trong 3 thiện-nhân, từ khi đầu thai làm người.

    ---

    (1) Bộ Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Verasutta.

    ---

    (1) Samyuttanikāya, Mahāvaggapāḷi, Chiggaḷasutta.

    ---

    (1) Dhammapadaṭṭhakathā, yamakavagga devadattavatthu.

    (2) Aṅguttaranikāya Catukanipāta, kinh Sikkhapadasutta.

    ---

    (1) Bộ Therāpadāna, tích Ngài Pañcasīlasamādāniyatthera.

    (2) Từ thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī đến Đức-Phật Gotama có khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, trải qua 18 Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trên thế gian.

    ---

    (1) Chư-thiên ở cõi trời Tam-thập tam-thiên có tuổi thọ 1.000 năm trời so với số năm cõi người bằng 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trên cõi trời này bằng 100 năm ở cõi người.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.