Nhóm 4 nghiệp cho quả theo lãnh vực (Pātthānacatukka)

Nhóm 4 nghiệp cho quả theo lãnh vực (Pātthānacatukka)

    THERAVADA
    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

    THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

    Hậu Sớ Giải

    Tỳ khưu Khải Minh

    PL. 2551 – DL. 2008

     

    NHÓM 4 NGHIỆP CHO QUẢ THEO LÃNH VỰC (PĀTTHĀNACATUKKA)

    Nghiệp nói theo lãnh vực cho quả có 4 loại:

    1. Akusalakamma: Tư trong 12 tâm bất thiện.

    2. Kāmāvacarakamma: Tư trong 8 tâm đại thiện.

    3. Rūpāvacarakamma: Tư trong 5 tâm thiện sắc giới.

    4. Arūpāvacarakamma: Tư trong 4 tâm thiện vô sắc giới.

    Giải rộng theo Pāli điều thứ 4 rằng: "Tattha akusalam kāyakammaṃ". Trong nhóm 4 nghiệp này thì có 3 nhóm 4 nghiệp:

    - Nhóm 4 nghiệp làm phận sự (Kiccacatukka) như sanh nghiệp…

    - Nhóm 4 nghiệp cho quả theo tuần tự (Pākadānacatukka) như trọng nghiệp.

    - Nhóm 4 nghiệp cho quả theo thời gian (Pākakālacatukka) như hiện báo nghiệp.

    Nhóm nghiệp này Ngài giáo thọ sư Anuruddha đã trình bày giải rộng mỗi loại trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận bởi vì việc trình bày 3 nhóm 4 nghiệp như đã đề cập trên là trình bày theo lý Kinh Tạng.

    Riêng đối với nhóm 4 nghiệp thứ 4. Tức nhóm 4 nghiệp nói theo lãnh vực cho quả (Pakaṭṭhānacatukka) như nghiệp bất thiện… là trình bày theo lý Thắng Pháp. Do đó, mới trình bày giải rộng kể từ:

    "Tattha akusalaṃ kāyakammaṃ"… cho đến sau cùng của nhóm 4 nghiệp là: "Itthaṃ mahaggataṃ puññam"...

    Bất thiện nghiệp nói theo nghiệp môn, tức nhân làm cho thành tựu hành động có 3 loại:

    1. Thân bất thiện nghiệp.

    2. Ngữ bất thiện nghiệp.

    3. Ý bất thiện nghiệp.

    Từ: Nghiệp môn (Kammadvāra) nếu phân tích từ thì được 2 từ: Kamma + Dvāra, Kamma: hành động, Dvāra: nhân làm cho phát sanh lên. Gom 2 từ lại thành Kammadvāra là nhân phát sanh hành động.

    Kammadvāra (nghiệp môn) có 3 loại:

    1. Kāyadvāra (thân môn) = Thân làm nhân phát sanh hành động tức thân biểu tri (Kāyaviññattirūpa).

    2. Vacīdvāra (ngữ môn) = Ngữ làm nhân phát sanh hành động tức ngữ biểu tri (Vāciviññattirūpa).

    3. (ý môn) = Tâm làm nhân phát sanh hành động tức tất cả tâm.

    Như Ngài A xà lê sớ giải trình bày trong sớ giải Aṭṭhasālinī rằng: "Sabbopi manodvāraṃ" "Ngay cả tất cả tâm cũng là ý môn" nhưng ý môn liên quan đến bất thiện nghiệp tức 10 tâm bất thiện (trừ tâm si căn).

    Bất thiện nghiệp sanh lên bằng đường thân gọi là thân nghiệp như trình bày định nghĩa như sau:"Kāyadvāre pavattaṃ kammaṃ = Kāyakammaṃ". Hành động bất thiện sanh lên bằng đường thân gọi là thân nghiệp.

    Bất thiện nghiệp sanh lên bằng đường ngữ gọi là ngữ nghiệp như trình bày định nghĩa như sau: "Vacīdvāre pavattaṃ kammaṃ = Vacīkammaṃ". Hành động bất thiện sanh lên bằng đường ngữ gọi là ngữ nghiệp.

    Bất thiện nghiệp sanh lên bằng đường tâm gọi là ý nghiệp như trình bày định nghĩa như sau: "Manodvāre pavattaṃ kammaṃ = Manokammaṃ". Hành động bất thiện sanh lên bằng đường tâm gọi là ý nghiệp.

    *

    TRÌNH BÀY SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TƯ VÀ NGHIỆP

    Đức Thế Tôn Ngài thuyết trong Tăng Chi Bộ Kinh pháp 6 chi rằng: "Cetanāhaṃ bhikkave kammaṃ vadāmi cetayitva kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā".

    "Này các tỳ kheo! sự cố ý làm duyên thúc đẩy cho hành động được thành tựu bằng thân, bằng ngữ, bằng ý cũng có. Do nhân này, Như Lai phán dạy rằng: "Sở hữu Tư chính là nghiệp".

    Thích giải: "Tư chính là nghiệp thường cho quả tốt (Iṭṭhaphala) và quả xấu (Aniṭṭhaphala) sanh lên.

    Như Ngài A xà lê hậu sớ giải đã trình bày trong Abhidhammāvatāraṭīka rằng: "Karoti abhinibbattati iṭṭhāniṭṭhaphalāni etenāti = Kammaṃ".

    "Người tạo tác gặt được quả tốt, quả xấu sanh lên bằng tư nào, tư đó gọi là nghiệp".

    Thông thường tất cả mọi người khi hành động một điều nào phải có sự chủ tâm sanh lên trước như: "Ta làm việc này, việc kia rồi mới hành động" hoặc "Ta sẽ nói việc này, việc kia rồi mới nói" hay "Ta sẽ suy nghĩ việc này, việc kia rồi mới suy nghĩ". Khi hình thành như vậy thì việc hành động sai biệt của tất cả mọi người đều có sự chủ tâm do tư là pháp dắt dẫn. Bởi nhân này, Đức Thế Tôn mới phán dạy "Sở hữu Tư chính là nghiệp". Nhưng tư với nghiệp cả hai có sự khác biệt nhau. Tức tư là pháp phát sanh lên trước nghiệp (Pubbabhāgadhamma), nghiệp là pháp phát sanh ra sau tư (Pacchabhāgadhamma). Đây là trình bày theo cách không phân loại (Abhedakanaya). Vì vậy, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong kinh Upàlì của sớ giải Majjhimapaṇṇāsaka rằng: "Kasmā cetanā kammanti vuttā ? Cetanā mùlakattà kamassa". Do đó, Đức Thế Tôn mới phán thuyết rằng: "Tư được gọi là nghiệp bởi vì hành động được thành tựu do có Tư làm gốc".

    *

    TRÌNH BÀY 276 LOẠI TƯ CHO QUẢ TRONG KIẾP THỨ HAI…

    12 tư bất thiện, 8 tư đại thiện. Gom 20 tư này lại sanh lên do nương vào đường thân có 80:

    Sayaṃkatamūlikacetana: Tư sanh lên do hành động của chính mình, có 20.

    Āṇattikamūlikacetanā: Tư sanh lên do sự sai biểu người khác làm, có 20.

    Sampajānamūlikacetanā: Tư sanh lên từ việc nhận thức được phước và tội của hành động, có 20.

    Asampajānamūlikacetanā: Tư sanh lên từ việc không nhận thức được phước và tội của hành động, có 20.

    Gom lại:

    Tư bất thiện và tư thiện sanh lên bằng đường thân có 80.

    Tư bất thiện và tư thiện sanh lên bằng đường ngữ có 80.

    Tư bất thiện và tư thiện sanh lên bằng đường tâm có 116. (12 tư bất thiện + 8 tư đại thiện + 9 tư thiện đáo đại = 29)

    29 thuộc Sayaṃkatamūlikacetanā.

    29 thuộc Āṇattikamūlikacetanā.

    29 thuộc Sampajānamūlikacetanā.

    29 thuộc Asampajānamūlikacetanā.

    29 x 4 = 116

    - Tư bất thiện và thiện sanh lên bằng đường thân có 80.

    - Tư bất thiện và thiện sanh lên bằng đường ngữ có 80.

    - Tư bất thiện và thiện sanh lên bằng đường tâm có 116.

    Tổng cộng là 276 loại tư như Ngài A xà lê trình bày trong sớ giải Tăng Chi Bộ Kinh rằng: "Iti sabbāpi tīsu dvāresu dvesatāni chasattati ca cetana" "Tư cho quả trong kiếp thứ hai trong cả 3 môn có số lượng 276 loại".

    Thích giải rộng điều Pāli thứ 6 - 7 - 8 trình bày đến thập bất thiện nghiệp Đạo như sát sanh… Đã trình bày giải thích bất thiện nghiệp theo cả 3 môn như có bất thiện loại nào và có số lượng bao nhiêu. Vì vậy, Ngài giáo thọ sư Anuruddha đã trình bày tiếp theo rằng: "Katham? Pànàtipato,.. như đã đề cập tiếp theo đây. Phần nhiều hành động bất thiện sanh lên bằng đường thân gọi là thân nghiệp, Kàya = Kàyakamma = Việc hành động bất thiện thân nghiệp có 3 loai:

    - Sát sanh.

    - Trộm cắp.

    - Tà dâm.

    Hầu hết hành động bất thiện sanh lên bằng đường ngữ gọi là ngữ nghiệp, Vacì = Vàcàkamma = Việc hành động bất thiện ngữ nghiệp có 4 loại:

    - Nói dối.

    - Nói đâm thọc.

    - Nói thô tục.

    - Nói lời vô ích.

    Hầu hết hành động bất thiện sanh lên bằng đường tâm gọi là ý nghiệp, Mano = citta kamma = Việc hành động bất thiện ý nghiệp có 3 loại:

    - Tham ác.

    - Sân ác.

    - Tà kiến ác.

    Bất thiện nghiệp như đã đề cập trên đây gọi là thập ác hạnh.

    *

    THÍCH GIẢI VỀ BA THÂN NGHIỆP

    PĀNĀTIPĀTA: SÁT SANH

    Từ "Pāṇātipāta" khi phân tích được 2 từ: Pānā + atipāta "Pānā" nếu nói theo thế gian tức tất cả chúng sanh, nếu nói theo chơn đế tức sắc mạng quyền và danh mạng quyền.

    Từ "Ati" trong câu "Atipāta" có được 2 nghĩa: Sìghattha: là mau chóng, Atikkamanattha: xâm phạm, sát hại. Từ "Pāta": làm cho rơi ngã xuống. Khi gom từ lại thành Pāṇātipāta nghĩa là làm cho chúng sanh hoặc làm cho sanh mạng rơi xuống nhanh chóng. Một nghĩa khác nữa là xâm phạm, sát hại chúng sanh cho rơi ngã xuống. Làm cho chúng sanh rơi ngã xuống nhanh chóng có nghĩa là làm cho chúng sanh chết trước hạn định tuổi thọ của mình. Xâm phạm sát hại chúng sanh cho rơi ngã xuống tức dùng một loại vũ khí nào đó giết chúng sanh đó chết.

    Như trình bày định nghĩa rằng: "Pānaṃ atipātenti etenāti = Pāṇātipāto" "Người giết chúng sanh bằng pháp nào, pháp làm nhân cho sự giết chúng sanh đó gọi là sát sanh", tức ác tâm (Vadhakacetanà).

    Hoặc 1 lý khác nữa "Pāṇassa atipāto = Pāṇātipāto"

    "Làm cho chúng sanh hay sanh mạng đó rơi ngã xuống nhanh chóng gọi là sát sanh" hoặc "Tư mà hành động xâm phạm sát hại chúng sanh cho rơi ngã xuống bằng vũ khí gọi là sát sanh".

    Tức Vadhakacetanā (ác tâm) là tư làm nhân trong việc sát sanh. Ác tâm này được cả 2 loại hành động là:

    Kāyapayoga (thân hành động): Tự mình sát sanh.

    Vacīpayoga (ngữ hành động): Sai biểu người khác giết.

    *

    LUẬN GIẢI VỀ VIỆC SÁT SANH

    Trong việc sát sanh này thì ác tâm chính là sự cố ý giết, đó là nói theo quan điểm pháp nghĩa (Dhammādhiṭṭhāna), tức mạng quyền là người bị giết. Mạng quyền có 2 loại:

    - Sắc mạng quyền.

    - Danh mạng quyền.

    Trong cả hai mạng quyền này thì người ta chỉ hủy diệt được sắc mạng quyền, còn danh mạng quyền thì không hủy diệt được vì là danh pháp. Nếu như vậy thì người giết có thành tựu sát sanh được không, khi danh mạng quyền không bị hủy diệt?

    Thích giải: Cho dù danh mạng quyền không bị hủy diệt nhưng khi sắc mạng quyền bị hoại thì danh mạng quyền cũng hoại theo luôn; vì sự sanh lên tiếp nối nhau của danh mạng quyền luôn liên quan với sắc mạng quyền. Do đó, người giết được gọi là sát sanh, thích hợp với Ngài A xà lê hậu sớ giải trình bày trong Sādhuvilāsinīṭīkā vā Saratthadīpanīṭīkā rằng:

    "Rūpajīvitindriyehi vikopite atirampi taṃ sambandhatāya vinassati" "Khi sắc mạng quyền bị hủy diệt rồi thì coi như danh mạng quyền cũng bị hủy diệt luôn, bởi vì có sự liên quan mật thiết dính liền nhau".

    Lại nữa, sắc mạng quyền cũng có 3 loại:

    - Sắc mạng quyền quá khứ.

    - Sắc mạng quyền hiện tại.

    - Sắc mạng quyền vị lai.

    Cho nên, trong việc hủy diệt sắc mạng quyền này là hủy diệt sắc mạng quyền hiện tại, mà sắc mạng quyền hiện tại cũng có 3 loại:

    1- Khaṇapaccupannarūpajīvitindriya (Sắc mạng quyền sát na hiện tại).

    2- Santatipaccupannarūpajīvitindriya (Tương tục hiện tại sắc mạng quyền).

    3- Addhāpaccupannarūpajīvitindriya (Sắc mạng quyền thời điểm hiện tại).

    - Sát na hiện tại sắc mạng quyền thì không hủy diệt được, bởi khi tròn đủ 3 sát na sanh, trụ, diệt thì tự mình cũng diệt đi.

    - Còn đối với tương tục hiện tại sắc mạng quyền và sắc mạng quyền thời điểm hiện tại thì hủy diệt được. Bởi tương tục hiện tại sắc mạng quyền tức sắc mạng quyền sanh lên tiếp nối nhau giữa tâm lộ có đổng lực thiện ít nhất 7 - 8 lộ cũng được.

    Hoặc sắc mạng quyền sanh lên nối tiếp nhau trong lúc thân thể xúc chạm sự nóng và sự nóng đó chưa mất hẳn, như người đi đường bị nắng mới vào nơi có bóng mát nhưng lúc đó thân thể vẫn còn nóng. Hoặc sắc mạng quyền sanh lên tiếp nối nhau trong lúc thân thể xúc chạm sự mát mẻ và sự mát mẻ đó chưa mất hẳn, như người mới vừa tắm xong thì lúc đó thân thể vẫn còn mát.

    Chính sắc mạng quyền sanh lên tiếp nối nhau trong lúc nóng hoặc lạnh vẫn còn này gọi là sắc mạng quyền tương tục hiện tại.

    - Sắc mạng quyền thời điểm hiện tại là sắc mạng quyền sanh khởi tiếp nối nhau kể từ lúc tái tục cho đến khi tử.

    Như Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa đã trình bày trong sớ giải Pārājikakaṇda rằng: "Tadubhayaṃ pi voropetuṃ sakkā" Sắc mạng quyền tương tục hiện tại và sắc mạng quyền thời điểm hiện tại thường hủy diệt được.

    *

    TRÌNH BÀY CHI PHẦN HÀNH ĐỘNG CỦA SÁT SANH

    Việc hành động bất thiện phạm vào nghiệp đạo hoặc không phạm vào nghiệp đạo cũng có. Nếu phạm vào nghiệp đạo, thì hành động đó sẽ thành tựu và trở thành sanh nghiệp có khả năng dắt dẫn cho tái sanh vào đọa xứ chắc chắn. Đôi khi cũng có hành động không phạm vào nghiệp đạo nhưng hành động ấy cũng có thể dẫn dắt cho tái sanh vào đọa xứ. Đôi khi có hành động không dẫn dắt cho tái sanh vào đọa xứ mà chỉ cho quả trong thời bình nhật là làm cho đời sống của người đó phải gặp những vất vả, khổ sở…

    Từ: "Nghiệp đạo" từ chữ Pāli: "Kammapatha" khi phân tích từ thì được 2 từ, kamma + pathaKamma = Sự hành động. Patha = Con đường. Khi gom từ lại với nhau thành Kammapattha là hành động tác thành con đường dẫn đến đọa xứ. Hành động bất thiện mà phạm vào nghiệp đạo hoặc không phạm vào nghiệp đạo cũng phải có chi phần kết hợp với hành động đó. Vì vậy, hành động bất thiện loại sát sanh mà phạm vào nghiệp đạo thì phải hội đủ 5 chi phần:

    1. Pāṇo: Chúng sanh có mạng sống.

    2. Pānasaññita: Biết chúng sanh có mạng sống.

    3. Vadhakacitaṃ: Có tâm suy tính giết.

    4. Payoga: Gắng sức giết cho chết.

    5. Tenamaranaṃ: Chúng sanh chết do sự gắng sức ấy.

    Khi hành động mà đủ cả 5 chi như đã đề cập trên thì coi như người đó đã phạm vào nghiệp đạo. Nhưng nếu hành động mà không đủ 5 chi thì không thành tựu nghiệp đạo như kệ ngôn trình bày sau:

    Pāṇo ca pāṇsaññitā Ghātacittañcupakkamo

    Teneva maraṇañcāti Pañcime vadhahetuyo

    Có 5 chi làm nhân trong việc sát sanh như sau:

    - Chúng sanh có mạng sống.

    - Biết chúng sanh có mạng sống.

    - Có tâm suy tính giết.

    - Gắng sức giết cho chết.

    - Chúng sanh chết do sự gắng sức ấy.

    Nếu hành động của người đó chỉ có 4 chi phần đầu nhưng thiếu chi phần thứ 5 (chúng sanh chết do sự gắng sức), thì như vậy hành động của người ấy không thành tựu nghiệp đạo.

    *

    TRÌNH BÀY VIỆC PHÂN TÍCH NGHIỆP SÁT SANH THEO MAHĀSĀVAJJA & APPASĀVAJJA

    Đối với tội phải nhận lãnh do việc sát sanh thì cũng dựa theo chúng sanh nào có thân thể lớn hoặc nhỏ và có giới hạnh hay không có giới hạnh.

    Nếu chúng sanh bị giết là chúng sanh to lớn như voi, ngựa, bò… thì có tội nhiều; gọi là: Mahāsāvajja. Bởi vì bọn mạng quyền cửu sắc (Jīvitanavakakalāpa) của nhóm chúng sanh này đã bị hủy diệt số lượng nhiều. Nếu chúng sanh bị giết đó nhỏ như con kiến, muỗi… thì có tội ít; gọi là Appasāvajja.

    Và giữa loài bàng sanh với người thì người giết có tội nhiều hơn bàng sanh bởi người cao quí hơn loài bàng sanh.

    Riêng đối với người, nếu người có giới hạnh như tỳ kheo, sa di, cận sự nam, cận sự nữ… thì có tội nhiều; nếu người bị giết là người không có giới hạnh như bọn cướp, người ác… thì có tội ít.

    Còn đối với người giết cha, giết mẹ, giết bậc A La Hán thì có tội nhiều bởi thuộc loại đặc biệt tức vô gián nghiệp. Nếu người bị giết có hình tướng bằng nhau, có giới hạnh bằng nhau thì phải phán xét theo hành động. Tức trong lúc giết đó có sự gắng sức nhiều hay ít, nếu gắng sức nhiều thì có tội nhiều, gắng sức ít thì có tội ít.

    Lại nữa, hành động sát sanh mà một người biết rằng hành động như thế là bất thiện nhưng cũng làm bởi nguyên nhân nào đó; và cũng có một người khác không biết hành động như vậy là bất thiện rồi cũng hành động. Thì giữa hai người này, người sát sanh mà không biết là bất thiện thường có tội nặng hơn người biết là bất thiện. Bởi vì người không biết rõ là bất thiện thường là người hành động bằng tà kiến do đó mới bị tội nhiều hơn trở thành Mahàsavajja. Như người thợ rèn thường tiếp xúc với hòn sắt nóng đỏ. Cho nên khi bị bắt buộc phải dùng tay cầm hòn sắt ấy, thì do kinh nghiệm nghề nghiệp ông ta ước lượng được sức nóng của hòn sắt nên không dùng cả bàn tay mà chỉ dùng các ngón tay chạm sơ. Do đó, ông ta chỉ bị nóng bỏng chút ít. Một người khác khi nhìn thấy hòn sắt ấy vì muốn tìm hiểu cho nên dùng cả bàn tay nắm trọn hòn sắt. Do đó, độ nóng của hòn sắt làm cho cả bàn tay của người này cháy nám đi. Điều này như thế nào, thì người biết và người không biết rằng hành động như vậy là bất thiện, thì thường bị tội khác nhau như thế đó.

    *

    Payoga ( sự gắng sức ) có 6 loại

    Sāhatthiko āṇattiko Nissaggiyo ca thāvaro

    Vijjāmayo iddhimayo Payogā chayime matā

    Sự gắng sức có 6 cách

    1- Sāhatthika: Tự mình gắng sức làm.

    2- Āṇattika: Gắng sức bằng cách sai biểu người khác làm.

    3- Nissaggiya: Gắng sức bằng cách phóng vũ khí như liệng, quăng...

    4- Thāvara: Gắng sức bằng cách chế tạo dụng cụ loại dùng lâu dài để giết, như đào hầm, hố, làm dao, chế súng…

    5- Vijjāmaya: Gắng sức bằng cách dùng chú thuật và phù phép.

    6- Iddhimaya: Gắng sức bằng cách dùng thần lực, thuộc thông nghiệp (Kammajiddhi) của mình, như trừng mắt và nghiến răng…

    1- Sāhatthikapayoga: Có định nghĩa trình bày như sau: "Sassa hattho sahattho" "Sahatthena nibbatto = Sahatthiko". Bàn tay của mình gọi là sahattha, gắng sức lên do bàn tay của chính mình gọi là sahatthika = ám chỉ đến đâm chém bằng dao, đánh đập bằng cây…

    2 - Āṇattikapayoga: Có định nghĩa trình bày như sau "Āṇāpanaṃ = Āṇatti " "Āṇattiyā nibatto = Āṇattiko"

    Việc sai biểu người khác gọi là ānatti, sự gắng sức lên do sai biểu người khác gọi là aṇattika = ám chỉ đến dùng bằng lời nói, bằng cách dùng giấy viết, bằng cách ra hiệu sai biệt như gật đầu, nháy mắt, chỉ tay…

    3 - Nissaggiyapayoga: Có định nghĩa trình bày như sau: "Nissajjanaṃ = nissaggo" "Nissaggena nibbatto = Nissaggiyo". Sự quăng hoặc phóng gọi là nissagga, sự gắng sức lên do quăng hoặc phóng vũ khí gọi là nissaggiya ám chỉ đến phóng dao, ném lao, phóng thương, bắn cung, quăng mìn, liệng đá…

    4 - Thāvarapayoga: Ám chỉ đến việc chế tạo các loại dụng cụ dùng để giết lâu dài, như đào hầm để cho người hoặc thú rơi xuống, chôn cọc nhọn, chế vũ khí sai biệt như dao, súng, cung tên, chất nổ … để dùng trong việc hủy diệt.

    Điều này trình bày cho thấy rằng, người chế tạo vũ khí sai biệt như trên bởi do ác tâm (vadhakacetanā).

    Nếu có một người nào cầm lấy vũ khí đó dùng trong việc sát sanh, thì người chế tạo vũ khí đó cho dù không tự tay giết cũng phạm vào tội sát sanh, vì liên quan đến thāvarapayoga.

    5 -Vijjāmayapayoga. Có định nghĩa trình bày như sau: "Vijjāya nibbatto = Vijjāmano". Sự gắng sức bằng cách dùng chú thuật gọi là Vijjāmaya.

    Hành động sát sanh mà thành tựu do chú thuật bùa phép này có nhiều trường hợp:

    Luyện bùa chú ghi tên ngày, tháng, năm sanh của kẻ thù rồi đem đốt, chôn.

    Dùng roi đánh vào lá bùa làm cho kẻ thù đó lâm vào tình trạng bệnh hoạn cho đến chết.

    Thổi vào lá bùa làm cho kẻ thù đó chết.

    Tạc hình tượng của kẻ thù rồi đem chôn, đốt, dùng roi đánh vào hình nhân làm cho kẻ thù chết.

    Lấy vải, y phục của kẻ thù vô bùa rồi đốt cháy làm cho kẻ thù đó chết.

    Dùng phi nhân, chư thiên đến quấy phá kẻ thù cho đến khi già rồi chết...

    6 - Iddhamaya payoga. Có định nghĩa trình bày như sau: "Iddhiyā nibbatto = Iddhimayo". "Sự gắng sức do dùng thần lực gọi là Iddhimaya".

    Trong nơi đây ám chỉ thần lực sanh lên do nương vào nghiệp gọi là Kammajiddhi.

    Như câu chuyện vị vua cha ngự ở đảo Laṅka có thần lực nơi răng. Vào một ngày nọ có sự sân hận trưởng giả Cūlasumana rồi ông nghiến răng làm cho trưởng giả già đi rồi chết liền tức khắc.

    Câu chuyện Thiên Vương Vessuvaṇa khi chưa chứng đắc Thánh Nhân đã từng giết chết nhóm dạ xoa thuộc hạ bằng cách trừng mắt nhìn làm cho nhóm dạ xoa chết nhiều vô số…

    *

    Thích giải điều "làm cho sanh mạng của chúng sanh đó rơi ngã xuống nhanh chóng"

    Thông thường mỗi sắc mạng quyền có tuổi thọ bằng với 17 sát na tâm. Trong lúc chưa đủ 17 sát na tâm thì không có một pháp nào có thể hủy hoại sắc này cho diệt mất được, mà chỉ khi tròn đủ 17 sát na tâm rồi thì tự nó diệt đi. Nếu như vậy mà đề cập rằng: "Làm cho sanh mạng của chúng sanh đó rơi ngã xuống một cách nhanh chóng" như thế có được chăng?

    Điều này được lý giải rằng: Tư trong việc sát sanh này không phải ám chỉ lấy riêng biệt chừng đó làm cho sắc mạng quyền hủy diệt đi một cách nhanh chóng. Mà ám chỉ đến việc làm cho sắc mạng quyền sanh lên suốt tuổi thọ của người đó chấm dứt nhanh chóng không cho khởi sanh nối tiếp nhau được nữa.

    Thích giải: Thông thường bọn mạng quyền cửu sắc (Jīvitanavakakalāpa) khi đã diệt thì không lẵng lặng diệt đi mà luôn có mãnh lực trong việc trợ giúp ủng hộ cho bọn mạng quyền cửu sắc mới khác sanh lên nữa. Cũng như mỗi một sát na tâm mà diệt đi rồi thường làm duyên trợ giúp ủng hộ cho tâm mới khác sanh khởi bằng mãnh lực của Vô Gián Duyên, Đẳng Vô Gián Duyên.

    Vì vậy, khi thân thể bị hủy diệt bằng vũ khí như súng, dao, cây… thì bọn mạng quyền cửu sắc và bọn sắc tứ đại nghiệp mà hiện khởi ở khắp châu thân cũng bị hủy diệt làm cho yếu sức mạnh xuống.

    Cho dù nói rằng sắc khi chưa đầy đủ 17 sát na tâm thường không có sự hoại diệt trước, nhưng bọn mạng quyền cửu sắc và bọn sắc tứ đại nghiệp mà bị hủy diệt thì làm cho yếu sức mạnh đi. Khi tự thân yếu sức mạnh thì sát na diệt (của tâm) cũng không thể ủng hộ trợ giúp cho bọn mạng quyền cửu sắc và bọn sắc tứ đại nghiệp sanh lên lần sau được đủ sức. Do đó việc sanh lên nối tiếp nhau của bọn mạng quyền cửu sắc và bọn sắc tứ đại nghiệp luôn có sức mạnh yếu xuống theo tuần tự cho đến khi không thể sanh khởi được nữa.

    Chính trong khoảng thời gian cực ngắn này chúng sanh đó sẽ chết. Vì vậy, mới nói rằng sát sanh là làm cho sanh mạng của chúng sanh đó rơi ngã xuống nhanh chóng.

    *

    LUẬN GIẢI VỀ VẤN ĐỀ SÁT SANH THUỘC LOẠI UDDISSA & ANUDISSA

    Trong cả 2 việc gắng sức tức gắng sức tự mình làm (Sahatthikapayoga) và gắng sức bằng cách quăng, liệng vũ khí (Nissaggiyapayoga) này được phân ra làm hai cách:

    1. Uddissa: Giết bằng cách cá biệt.

    2. Anuddissa: Giết bằng cách không cá biệt.

    - Giết bằng cách cá biệt: Có một con cò đậu trên lưng con trâu, người thợ săn muốn bắn con cò đó rồi nổ súng, viên đạn trúng con cò chết. Như vậy người thợ săn phạm vào nghiệp đạo thành tựu viên mãn việc sát sanh. Nhưng nếu không trúng con cò mà lại trúng con trâu thì người đó không thành tựu sát sanh. Bởi vì chi phần của hành động đó thiếu điều có tâm suy tính giết (Vadhakacittaṃ) và gắng sức giết cho chết (Payoga). Vì người đó không có chủ tâm giết và cũng không gắng sức để giết chết con trâu. Thích hợp như Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa đã trình bày trong sớ giải Pārājikakaṇda và sớ giải Khuddakapātha rằng: "Uddissake yaṃ uddisa paharati tasseva maraṇena kammabaddho" "Sự sát sanh cá biệt mà người giết nhắm vào chúng sanh nào, nếu chúng sanh đó chết mới khẳng định được đã thành tựu sát sanh".

    - Giết bằng cách không cá biệt: Khi người thợ săn nhìn thấy nhiều con thú chứ không chỉ nhắm riêng vào một con nào mới chủ tâm giết bằng cách không cá biệt. Rồi bắn, đập hoặc đâm trúng các con thú đó chết dù bao nhiêu con cũng được. Như vậy, người thợ săn được gọi là phạm vào nghiệp đạo thành tựu sát sanh.

    Vì giận dữ một con chó nên ông A đã dùng hết sức bình sanh đánh cho nó chết, nhưng con chó không chết mà chỉ bị thương tích nặng rồi nhuốm bệnh. Thời gian sau ông lại giận dữ con chó đó nữa, nhưng lần này thì ông A chỉ muốn đánh để răn đe nó mà thôi. Thế là thương tích cũ là nhân làm cho thương tích mới trầm trọng thêm lên nên con chó đó mới chết. Trường hợp này được tính là ông A đã phạm vào sát sanh nghiệp đạo chăng, vì con chó đó chết do bị đánh trọng thương lần thứ hai? Trường hợp này không được tính ông A phạm vào nghiệp đạo bởi vì ông không có cố ý giết chết. Do đó, Ngài A xà lê sớ giải Pārājikakaṇda trình bày rằng: "Kiñcā pi paṭhamahāro na sayameva sakkoti maretuṃ, dutiyaṃ pana labhitvā sakkonto jīvitavināsana hetu ahosi, paṭhamapahāreneva kammabaddho yutto, na dutiyena tassa aññcittena dinnatta".

    Nghĩa là: Cho dù bị đánh kịch liệt lần đầu nhưng không chết, khi bị đánh lần thứ hai thì thương tích bị đánh lần đầu làm nhân cho chết. Vì vậy, nên phán quyết rằng: "Phạm vào nghiệp đạo do bị đánh lần đầu, không nên phán quyết lấy sự đánh lần thứ hai. Bởi vì, sự đánh lần thứ hai này không có chủ tâm đánh chết".

    Binh lính trên chiến trường nhìn thấy địch quân trốn chạy, một chiến binh lấy gươm chặt đứt đầu quân địch nhưng thân thể của quân địch đó vẫn còn chạy được do còn trớn. Một chiến binh khác nhìn thấy cầm gươm chém thêm lần nữa, lúc này thân thể của địch quân đó mới ngã xuống chết.

    Hỏi: Người chiến binh nào là người phạm vào sát sanh nghiệp đạo?

    Một số Ngài A xà lê phán quyết rằng: "Người chiến binh thứ hai phạm vào sát sanh ". Nhưng Ngài A xà lê trưởng lão Gotta có sự thông hiểu Thắng Pháp đã khẳng định rằng: "Chính người chiến binh chặt đầu địch quân lần đầu là người phạm vào sát sanh. Vì sự chặt đứt cả hai mạng quyền của địch quân đó liên quan đến chính sự bị giết lần đầu".

    Sự khẳng định của Ngài A xà lê trưởng lão Gotta này được Chư Tăng hội hợp lại nhận xét đồng loạt cùng nhau tuyên bố lời chấp thuận. Về sau vào thời kỳ Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa khi đã thẩm xét lại vấn đề này thì hoan hỷ với lối khẳng định của Ngài A xà lê trưởng lão Gotta mới đem ra trình bày trong sớ giải Pārājikakaṇda rằng:

    "Eko saṅghāme vegena dhāvato purisassa sīlaṃ asinā chindati asīsakaṃ kāyabandhaṃ dhāvati tamañño paharitvā pāteti, kassa kammapatho hotīti vutte upaḍḍhattherā gamanupacchedakassāti mahaṃsu, ābhidhammikagottatthero sīsacchedakassāti".

    Một chiến binh chặt đầu địch quân đang trốn chạy trên chiến trường bằng thanh gươm, mặc dầu thân thể mất đầu nhưng vẫn còn chạy được. Một chiến binh khác đã chém vào thân thể đang chạy đó cho ngã xuống. Hỏi rằng: "Ai là người phạm vào nghiệp đạo?". Khi đặt câu hỏi này thì có phân nữa số lượng hiểu sai nói rằng: "Chính người chém cho thân thể ngã xuống là người phạm vào nghiệp đạo". Ngài Thắng Pháp trưởng lão Gotta khẳng định: "Người chặt đầu địch quân là người phạm vào nghiệp đạo thành tựu nghiệp sát sanh".

    *

    Luận giải về vấn đề tự sát bị sa đọa Attaghātana

    Người hủy diệt sanh mạng của chính mình (tự sát) bằng bất cứ trường hợp nào đi nữa, người đó có phạm vào sát sanh nghiệp đạo hay không? Vấn đề này một số Ngài A xà lê nói rằng: "Người tự sát chết thì phạm vào sát sanh nghiệp đạo". Bằng cách dẫn chứng Pāli rằng:

    "Kodhaṃ nissāya sattā satthaṃ ādāya attanāva attānaṃ paharanti, visaṃ khādati, rajjuyā upabandhhanti, papātaṃ patanti, evaṃ kodhavasena kālaṅkatā nirayādīsu upapajjanti". (trong sớ giải Bổn Sanh Ekanipāta).

    Nghĩa là: "Chúng sanh nào tự sát bằng vũ khí, uống thuốc độc, thắt cổ hay nhảy xuống vực do buồn chán. Khi chúng sanh đó chết do mãnh lực sân hận như đã đề cập, thường sanh vào khổ cảnh như địa ngục…".

    Nhưng trong việc luận giải của một số Ngài A xà lê đó không đúng do nhận xét thiếu thận trọng. Bởi vì điều Pāli được nêu lên dẫn chứng đó Đức Phật Ngài ám chỉ đến người giết người khác trước rồi sau đó tự sát cho nên mới sanh vào địa ngục; bởi do sân hận giết người khác. Do đó, Đức Thế Tôn mới thuyết trong Bổn Sanh Ekanipāta về vấn đề giống như vậy rằng:

    "Vihedakajāikā pi diṭṭheva dhamme garahaṃ patvā kāyassa bhedā nirayādīsu upapajjanti".

    Nghĩa là: "Người có bản tánh sát hại hủy diệt chúng sanh khác sẽ phải bị nguyền rủa chê trách từ người khác lúc đang còn sanh tiền, và sau khi mệnh chung thì sanh vào khổ cảnh như địa ngục …

    Do nhân này, mới trình bày cho thấy rằng: "Sự tự sát đơn thuần không được liệt vào phạm sát sanh nghiệp đạo".

    Lại nữa, trong 5 chi phần của sát sanh thì người tự sát thường không đủ 5 chi, vì thiếu điều biết chúng sanh có mạng sống (pāṇasaññitā) không ám chỉ lấy chính mình mà ám chỉ chúng sanh khác ngoài mình ra. Cho nên việc tự sát mới không phạm vào nghiệp đạo thành tựu sát sanh. Ngài A xà lê hậu sớ giải đã trình bày trong Saratthadīpaniṭīkā vā Vimativinodanīṭīkā rằng: "Attānaṃ muñcitvā parapāṇimhi pāṇasaññitālakkaṇassa aṅgassa abhāvato nevatthi pāṇātipāto". Nghĩa là: "Nghiệp sát sanh chắc chắn không có với người tự sát, bởi thiếu chi phần biết chúng sanh khác có sự sống (pāṇasaññitā) ngoài bản thân mình ra.

    *

    Luận giải nghiệp sát sanh đối với người chết do thời tử

    Người chết do thời tử (sarasamaraṇa) là chết do hết nghiệp và hết tuổi thọ. Có giả thuyết rằng: Một người sẽ chết nội trong ngày vào thời điểm tuổi thọ khoảng 1700 năm do hết nghiệp và hết tuổi thọ, thình lình vào thời điểm l700 năm đó có kẻ thù đến lén giết chết người ấy. Như vậy, người giết này có phạm vào sát sanh nghiệp đạo hay không?

    Giải rằng: Người giết không phạm vào sát sanh nghiệp đạo bởi vì không đủ 5 chi do thiếu điều chúng sanh đã chết do sự gắng sức (tenamaranaṃ). Vì vậy, Ngài trưởng lão Ānanda mới trình bày trong kệ ngôn Vatthumūlaṭīkā rằng:

    "Attano dhammatāya marantaṃ koṭṭentassa vā sīsaṃ vā chindantassa natthi pāṇātipātoti ācariyā vadanti".

    Nghĩa là: "Các Ngài A xà lê đề cập rằng: Nghiệp sát sanh thường không có với người giết do sự ép buộc hoặc bằng cách chặt đầu của người đương nhiên phải chếtVấn đề người chết do lưỡng tận tử (hết nghiệp và hết tuổi thọ) này, là vấn đề khó biết được, vì người không có vị lai thông (anāgataṅsābhiññā) thì không biết được chắc chắn mà chỉ phỏng đoán hoặc dùng phương pháp làm thầy bằng khoa chiêm tinh mà thôi. Do đó, việc nêu lên vấn đề này phải phán định theo diễn tiến như đã đề cập trên".

    *

    Luận giải liên quan đến việc giết mẹ & giết cha

    Con là người giết cha là người, nhưng người cha đó biến đổi giới tánh thành người nữ; hoặc con là người giết cha là bàng sanh; hoặc con là bàng sanh giết cha là người; hoặc con là bàng sanh giết cha cũng là bàng sanh. Thế thì cả 4 hành động của người con này, hành động nào là nghiệp giết cha?

    Giải rằng: Hành động thứ nhất của người con giết cha là nhân loại với nhau, cho dù người cha đó có biến đổi giới tính thành người nữ đi nữa thì hành động đó cũng liệt vào nghiệp giết cha. Còn hành động của người con thứ 2 - 3 - 4 thì người cha hay mình không phải là người như nhau không được liệt vào nghiệp giết cha. Nhưng nghiệp này cũng được coi như là trọng nghiệp gần với nghiệp giết cha.

    Đối với nghiệp giết mẹ cũng diễn tiến tương tự như vậy.

    Do đó, Ngài A xà lê sớ giải đã trình bày trong sớ giải Sammohavinodanī, sớ giải trong Tăng Chi Bộ Kinh và sớ giải Uparipannāsaka rằng:

    "Manussabhūtassevamanussabhūtaṃ mātaraṃ pitaraṃ vā api parivattaliṅgaṃ jīvitā voropentassa kammaṃ ānantariyaṃ hoti, yo pana sayaṃ manussabhūto tiracchānabhūtaṃ mātaraṃ pitaraṃ vā, sayaṃ vā tiracchānabhūto manussabhūtaṃ,tiracchānoyeva vā tiracchānabhūtaṃ jīvitā voropeti, tassa kammaṃ ānantariyaṃ nahoti, bhāriyaṃ pana hoti ānantariyaṃ āhacceva tiṭṭhati".

    Nghĩa là: Người con này là nhân loại, nếu giết cha cho dù có đổi giới tánh đi nữa, thì hành động của người con này thuộc ngũ nghịch vô gián nghiệp do nghiệp giết mẹ, giết cha. Người nào bản thân là nhân loại mà giết mẹ, giết cha là bàng sanh; cũng như bản thân là bàng sanh giết mẹ, giết cha là nhân loại; hoặc bản thân là bàng sanh lại giết mẹ, giết cha cũng là bàng sanh. Cả 3 hành động của người này không thuộc ngũ ngịch vô gián nghiệp. Tức không thuộc nghiệp giết mẹ, giết cha, nhưng cũng liệt vào trọng nghiệp gần giống như tội ngũ nghịch vô gián nghiệp.

    Trình bày theo Sedamocanagātha (kệ ngôn rất khó suy nghĩ cho đến nổi tuông mồ hôi) liên quan đến vô gián nghiệp.

    Atthiṃ hane na mātaraṃ purisañca na pitaram hane Haneyya anariyaṃ mando tena cānantaraṃ phuse Pañhā mesā kusalehi cinditā…

    Nghĩa là: "Người hành hạ sát hại nam nhân, nữ nhân mà không phải là cha, mẹ và cũng không phải là bậc Thánh, người đó vẫn phạm vào ngũ nghịch vô gián nghiệp. Người có trí tuệ nhạy bén nên thẩm đoán câu hỏi này".

    Lời luận giải trong kệ ngôn này ám chỉ rằng, người con giết mẹ giết cha đã đổi giới tánh. Vì vậy, mới trở thành ngũ nghịch vô gián nghiệp. Tức mẹ biến đổi thành nam giới; cha biến đổi thành nữ giới, nên người nam đó không phải là cha và người nữ đó cũng không phải là mẹ.

    Do đó, Ngài A xà lê sớ giải mới trình bày trong sớ giải Samantapāsādikā rằng:

    "Ayaṃ pañhā liṅgaparivattena ithibhūtaṃ pitaraṃ purisabhūtañca mātaraṃ sandhāya vuttā".

    Nghĩa là: "Câu hỏi này Đức Phật Ngài ám chỉ rằng cha biến đổi thành nữ giới và mẹ biến đổi thành nam giới".

    Atthiṃ hane ca mātaraṃ purisañca pitaraṃ hane.

    Mātaraṃ pitaraṃ hantvā na tenānantaraṃ phuse.

    Panhā masā kusalehi cinditā.

    Nghĩa là: "Người con giết nữ nhân thực sự là mẹ và nam nhân thực sự là cha, cho dù giết cha mẹ nhưng người con đó cũng không phạm vào ngũ nghịch vô gián nghiệp. Người có trí tuệ tinh tường nên thẩm đoán câu hỏi này".

    Lời luận giải trong kệ ngôn này, ám chỉ rằng mẹ cha là bàng sanh con là người. Vì vậy, mới không trở thành vô gián nghiệp như đạo sĩ Migaliṅga có mẹ là nai; cậu bé Sīhabāhu có cha là sư tử chúa đã giết cha là sư tử chúa chết đi. Do đó, Ngài A xà lê sớ giải trình bày trong sớ giải Samantapàsàdika rằng:

    "Ayaṃ pañhā magaliṅgatāpasa sīhakumārādīnaṃ viya tiracchānamātāpitaro sandhāya vuttā".

    Nghĩa là: Câu hỏi này Ngài ám chỉ mẹ cha là bàng sanh, giống như mẹ cha của đạo sĩ Migaliṅga và cậu bé Sīhabāhu.

    *

    Luận giải người giết cha do không biết là cha

    Người con giết cha do không biết là cha và người cha bị giết đó cũng không biết rõ đó là con, như vậy có được liệt vào là ngũ nghịch vô gián nghiệp hay không?

    Giải rằng: Cho dù không biết rõ là cha con với nhau, nhưng theo thực trạng thì người giết và người bị giết cũng là cha con. Do đó, mới được liệt vào ngũ ngịch vô gián nghiệp.

    Như Ngài A xà lê sớ giải trình bày trong sớ giải Luật Tạng Bộ Đại Phẩm (Vinayamahāvagga) rằng:

    "Sace pi hi vesiyā putto hoti, ayaṃ ye pitāi najānāti, yassa sambhavena nibbatto pitā so ce anena ghātito pitughātakotveva saṇkhayaṃ gacchati antariyañca phusati".

    Nghĩa là: "Cho dù người con trai của người kỹ nữ không biết rằng người đó là cha của mình, nhưng tinh trùng của người nam nào cấu tạo cho sanh ra, thì chính người nam đó là cha của mình. Nếu người con trai giết người tạo tác sanh ra mình thì cũng được liệt vào là người giết cha, phạm ngay vào ngũ nghịch vô gián nghiệp".

    Người con giết cha mẹ do tưởng lầm là thú hoặc là người xấu, cũng được liệt vào ngũ nghịch vô gián nghiệp. Như câu chuyện một người nam cố tình giết con dê ban đêm thường tới ăn cây của mình trồng. Vào một đêm, người nam đó ôm súng ngồi chờ con dê đến nhưng tình cờ trong lúc đó cha hoặc mẹ của mình lại đến ngồi ngay chổ con dê thường đến. Vì trời quá tối không thấy rõ, nên người nam đó tưởng là con dê liền nhã đạn bắn trúng cha hoặc mẹ của mình chết.

    Hoặc có một người nam cố tình giết kẻ trộm ẩn nấp trong khuôn viên nhà. Đêm đã về khuya, vừa nhìn thấy bóng người đi vào khuôn viên nhà mình nên cầm súng bắn. Nhưng đột nhiên người bị bắn đó lại là cha hoặc mẹ của mình trúng đạn chết bởi do sự tưởng lầm của người con.

    Như vậy, hành động của hai người nam đã đề cập trên gọi là phạm vào ngũ nghịch vô gián nghiệp.

    Một người lính ngoài chiến trường nhìn thấy cha của mình bị địch quân bắt, cố tình bắn vào nhóm địch quân đó với suy tính: "Nếu nhóm địch quân đó trúng đạn thì cha ta sẽ thoát được". Nhưng khi nhã đạn thì trúng ngay vào người cha của mình chết. Như vậy, hành động của người lính đó được liệt vào ngũ nghịch vô gián nghiệp hay không?

    Ngài A xà lê sớ giải đề cập rằng: "Không được liệt vào ngũ nghịch vô gián nghiệp mà chỉ gọi là người giết cha".

    Cả 3 câu chuyện trên được trình bày trong sớ giải Samantapāsādikā, lại nữa Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa trình bày trong sớ giải Luật Tạng Bộ Đại Phẩm (Vinayamahāvagga) rằng: "Người giết bậc A La Hán, nếu bậc A La Hán bị giết không phải là người thì người giết đó sẽ không phạm vào ngũ nghịch vô gián nghiệp".

    Trong Sammohavinodanī sớ giải và hậu sớ giải trình bày rằng: "Vị đang tu tiến Minh Sát chưa chứng đắc thì có người đến hại vị ấy bằng cách hủy hoại thân thể hoặc lén bỏ thuốc độc vào vật thực cho dùng. Hành giả đó bị nhiểu hại rồi thì thọ khổ hoành hành nhưng tinh cần tu tiến Minh Sát mãi cho đến khi chứng đắc A La Hán rồi nhập diệt bởi do thương tích nhiễm trùng hoặc do ảnh hưởng của thuốc độc. Như vậy, người nhiểu hại đó phạm vào ngũ nghịch vô gián nghiệp. Dù rằng tư sát sanh trong đổng lực sân thứ 7 lúc đó chưa có cảnh hiện tại, nhưng vì có chủ tâm làm cho chết. Tức làm cho sự tiếp nối nhau của hai mạng quyền của người bị giết đứt lìa.

    *

    Luận giải trong việc xin cho được chặt tay & chặt chân

    Kẻ tử tội lảnh án tử bị đem đến pháp trường hành quyết, trong lúc vị quan giám sát pháp trường đem kẻ tử tội ra. Thì có một người khởi tâm thương xót thỉnh cầu giảm án tử xuống chỉ còn chặt tay chân thôi, lời thỉnh cầu đó được chấp thuận. Như vậy, người thỉnh cầu cho chặt tay chân của tên tử tội có thuộc bất thiện hay không?

    Giải rằng: Không thuộc bất thiện mà ngược trở lại là thiện thí sanh mạng (jīvitadānakasala).

    Do đó, Ngài trưởng lão Nāgasena đề cập trong Milindapañhā rằng: "Na kiñci apuññaṃ āpajjeyya"

    "Người đó không phạm vào một loại bất thiện nghiệp nào cả".

    *

    Luận giải đuôi con thằn lằn bị đứt nhưng vẫn còn chuyển động được

    Người đập con thằn lằn đứt đuôi nhưng vẫn còn chuyển động được. Như vậy, có thể nói rằng khúc đuôi bị đứt đó còn tâm thức được hay không?

    Giải rằng: Khúc đuôi bị cắt đứt đó không còn tâm thức, nhưng còn chuyển động được bởi do việc hiện khởi nối tiếp nhau của sắc quí tiết do tâm tạo.Tức sắc sanh lên từ hỏa đại trong bọn sắc tâm (cittajakalāpa) và trong sắc quí tiết do tâm tạo có phong đại (samīraṇavāyodhātu) làm cho chuyển động. Và phong đại làm cho chuyển động cũng nương vào phong đại trong sắc tâm (cittajavāyodhātu) hiện khởi trong thân con thằn lằn.

    Do đó, khi mãnh lực của gió vẫn còn có sức mạnh thì đuôi con thằn lằn đã đứt ra cũng vẫn chuyển động được. Cái đuôi chỉ ngừng chuyển động khi mãnh lực của gió chấm dứt mà thôi.

    *

    Luận giải câu hỏi liên quan đến y học và khoa học

    1- Việc dùng thuốc hủy diệt tinh trùng (opermatasoa) của người nam để không cho phối kết lại với âm dịch (ova) của người nữ có được liệt vào sát sanh hay không?

    2- Theo y học các loại vi trùng như vi trùng bệnh thổ tả… thường có sự chuyển động giống như chúng sanh bên ngoài. Các loại vi trùng đó sanh sản phát triển phân thân ra nhanh chóng và không tự mình chết đơn độc mà chỉ bị hủy diệt do sức nóng hoặc do mãnh lực của thuốc tiêm chích. Do đó, sự kiện trong y học dùng thuốc tiêm chích để diệt các vi trùng này có được gọi là sát sanh hay không?

    3- Người ăn trứng vịt hoặc trứng gà không có mầm trống phối kết, thì có thể nói được chăng ngoại trừ việc dùng động vật có mầm sống mới liệt vào tội sát sanh?

    Phân Tích

    1- Việc hủy diệt tinh trùng của người nam để ngừa không cho sanh sản không phải là sát sanh. Bởi vì tinh trùng (spermataśoa) của người nam dù có sự chuyển động, nhưng không có thức tánh. Mà trong cõi dục thì không thể có chúng sanh sanh lên mà không có thức tánh. Vì vậy, trong Phật Giáo mới không tính vào là chúng sanh, cho dù có tinh trùng của người nam hoặc âm dịch của người nữ đi nữa đều chỉ là bọn sắc quí tiết sanh khởi từ tâm tham của đôi nam nữ liên quan đến nghiệp của chúng sanh tái sanh vào. Sự kiện chuyển động được do trong bọn sắc đó có phong đại (samīraṇavāyodhātu) mới làm cho chuyển động được. Giống như cái đuôi con thằn lằn bị đứt lìa khỏi thân cũng vẫn còn chuyển động được.

    Nếu sự hủy diệt này ở vào giai đoạn tinh trùng của người nam và âm dịch của người nữ phối kết lại cho đến khi hình thành chúng sanh có thức tái tục, thì hành động đó chắc chắn được liệt vào sát sanh.

    2- Sự kiện mà các bác sĩ tiêm chích hủy diệt các vi trùng bệnh không được liệt vào là sát sanh. Bởi vì nhóm vi trùng đó không có thức tánh mà chỉ là bọn sắc quí tiết liên quan đến nghiệp thiện, nghiệp bất thiện hay sanh từ quí tiết bên trong lẫn bên ngoài, liên quan đến vật thực cũng có.

    Trong sự kiện các loại vi trùng chuyển động được như chúng sanh bên ngoài là do mãnh lực của phong đại hiện hữu trong bọn sắc. Như đã giải thích trong điều 1 Vi trùng phát triển nhiều lên được, bởi do mãnh lực của hỏa đại trong bọn sắc đó tạo cho bọn sắc sanh khởi tiếp nối nhau thành số lượng nhiều lên. Giống như cây cối hấp thụ thời tiết nóng lạnh rồi phát triển tươi tốt đâm chồi nẩy lộc. Hoặc giống như cỏ chỉ trồng có một bụi thôi, thời gian sau thì phát triển lan rộng ra thành hàng trăm hàng ngàn cho đến vô số kể. Và trong sự kiện mà nhóm vi trùng đó không tự mình chết được cho thấy rằng nhóm vi trùng đó không phải là chúng sanh. Vì nếu là chúng sanh thì phải có sự chết theo hạn định thời gian. Vì vậy, nhóm vi trùng đó cũng có thực tánh giống như rỉ sét sanh từ kim loại sắt hoặc như rong rêu bám trên tường.

    Nếu việc tiêm thuốc hoặc uống thuốc để tiêu diệt ký sinh trùng trong ruột … thì sẽ được liệt vào sát sanh. Bởi vì ký sinh trùng sai biệt đó có tâm thức luôn cả sự sanh sản và sự chết cũng hiện bày. Nhưng sát sanh loại này có tội ít, vì chúng sanh bị giết không có lợi ích, ân đức nào cả mà chỉ làm tổn hại. Nếu người tiêu diệt ký sinh trùng có tác ý giúp cho người khác được sống an lạc tiếp tục tồn tại, thì ngược lại sẽ trở thành loại thiện thí bảo tồn sanh mạng (jīvitadānakusala).

    3- Cũng không thể nói được là ngoại trừ việc thọ thực loài vật có mạng sống mới liệt vào sát sanh. Bởi vì người ăn trứng vịt hoặc trứng gà dù trong trứng đó không có mầm trống phối kết đi nữa, nhưng cũng có chúng sanh tái tục lên mới hiện bày thành trứng được.

    Bởi do nhân làm cho người mẹ thọ thai được có 8 cách:

    Methunaṃ coḷagahaṇaṃ Saṃsaggo nābhyāmasanaṃ

    Pānaṃ dassanaṃ savaṇaṃ Ghāyanaṃ gabbhahetavo

    Nghĩa là: "Nhân làm cho thọ thai được có 8 cách:

    1- Do hành dâm.

    2- Do lấy vải dính tinh trùng của người nam đặt vào âm hộ.

    3- Do bắt người nam xúc chạm vào thân.

    4- Do người nam rờ vào rún.

    5- Do uống tinh trùng của người nam.

    6- Do nhìn thấy hình tướng của người nam.

    7- Do nghe tiếng của người nam.

    8- Do ngửi mùi của người nam.(Trong sớ giải samantapāsādikā).

    Việc đề cập này trình bày cho biết rằng sự khởi hiện của chúng sanh trong thai bào người mẹ cho đến khi hiển lộ. Ngoài sự phối kết tinh trùng của người nam thì vẫn có nhân khác làm cho chúng sanh khởi hiện lên được.

    Do nhân này, trứng gà hoặc trứng vịt cho dù không có mầm trống thì vẫn có hiện hữu chúng sanh .

    *

    Trình bày vấn đề thụ thai nương vào 8 nhân theo thứ tự

    1- Methunaṃ: Do hành dâm, điều này hiện bày rõ ràng nên không cần phải giải thích chi tiết.

    2- Coḷagahanaṃ: Do lấy vải dính tinh trùng của người nam đặt vào âm hộ.

    Điều này có câu chuyện trình bày rằng: Nữ nhân trước kia là vợ của Ngài Udāyī Đã lấy vải dính tinh trùng của Ngài đặt vào âm hộ của mình, thời gian sau nàng thọ thai.

    3- Saṃsaggo: Do bắt người nam xúc chạm vào thân. Như có một số nữ nhân đang trong thời kỳ kinh nguyệt khởi lên tham ái nhiều. Vào thời điểm đó, nếu người nam xúc chạm vào các bộ phận thân thể của nữ nhân này, thì có thể làm cho nữ nhân này thọ thai được.

    4- Nābhyāmasanaṃ: Do người nam sờ vào rún. Như nàng Pārikā là mẹ của Bồ Tát Suvaṇṇasāma vào lúc đang có kinh nguyệt, thì đạo sĩ Dukūla là đức vua Savāmī đã lấy tay sờ vào rún của nàng. Sau đó, nàng thọ thai sinh ra Bồ Tát Suvaṇṇasāma.

    5- Pānaṃ: Do uống nước tinh trùng của người nam. Như chuyện đạo sĩ Migaliṇga là con của con nai cái. Trong lúc con nai cái có kinh nguyệt đã uống nước tiểu có tinh trùng của một vị đạo sĩ. Sau đó, con nai cái thọ thai và sinh ra người con trai là nhân loại tức đạo sĩ Migaliṇga.

    6- Dassanaṃ: Do nhìn thấy hình tướng của người nam. Như câu chuyện nàng cung phi của vị lãnh chúa cai trị một phần lãnh thổ trên đảo Laṇkā. Khi đứng nơi cửa sổ nhìn thấy một người nam là ngự lâm quân cận vệ cho lãnh chúa, nàng đã nhìn say mê người nam đó. Bởi mãnh lực của tham ái nên thời gian sau nàng đã thọ thai.

    7- Savanaṃ: Do nghe tiếng của người nam. Thường nhiên thì chim hạc không có chim trống mà chỉ có chim mái. Vào thời điểm mà chim hạc muốn sanh con thì phải được nghe tiếng sấm sét, khi nghe được tiếng sấm sét vào lúc nào thì lúc đó chim hạc sẽ thụ thai.

    Như có Pāli trình bày như sau:

    Yathā balakayonimhi Nivijjati pumosadā

    Meghesu gajjamānesuGa bbhaṃ guṇahanti tā sadā.

    Nghĩa là: "Trong việc sanh sản của nhóm chim hạc đó không có xuất hiện chim hạc trống. Vào lúc trời sấm sét thì lúc đó chim hạc mái sẽ thụ thai".

    Gà mái hay bò cái đôi khi nghe tiếng của gà trống hay bò đực cũng thọ thai được.

    8- Ghāyanaṃ: Do ngửi mùi của người nam (giống đực). Như có một số bò cái khi ngửi mùi bò đực Usabha thì thọ thai hoặc một số ngựa cái, một số voi cái khi đã ngửi mùi của ngựa đực, voi đực cũng thọ thai được.

    Các câu chuyện sai biệt đã trình bày trên được trích dẫn từ sớ giải: Samantapāsādikakaṇḍa vā Saratthadīpanīṭīkā

    Kết thúc phần thích giải về sát sanh

    *

    ADINNĀDĀNA: TRỘM CẮP

    Từ "Adinnādāna" Khi phân tích được 3 từ: A + dinna + ādāna. A: Lời từ chối, Dinna: Vật được chủ nhân cho phép, Ādāna: Chiếm đoạt. Khi gom từ lại với nhau thành Adinnādāna nghĩa là chiếm đoạt đồ vật mà chủ nhân không cho phép hoặc đồ vật mà chủ nhân gìn giữ quý trọng .

    Từ "Adinnā" nghĩa là vật mà chủ nhân không cho phép do chủ nhân quý trọng giữ gìn. Ám chỉ đến việc không chấp nhận cho hay chia xẻ vật đó như viết giấy, đưa bằng tay hoặc biểu hiện bằng cử chỉ, hành động như dùng chân, tay khều hay biểu hiện sắc mặt, hoặc nói lên lời không chấp thuận cho đối với người khác.

    Từ "Ādāna" là chiếm đoạt bao gồm trộm cắp, cướp bóc, giật

    chạy, doạ nạt, lường gạt, tráo đổi…

    Như định nghĩa trình bày sau: "Adinnādāna": "Na dinnaṃ: Adinnaṃ". Đồ vật mà chủ nhân không chấp thuận cho hoặc đồ vật mà chủ nhân gìn giữ, quý trọng gọi là Adinna.

    "Adinnassa ādānaṃ: Adinnādānaṃ" Sự chiếm đoạt đồ vật của chủ nhân không chấp thuận cho gọi là trộm cắp.

    "Adinnaṃ ādīyanti etenāti: Adinnādānaṃ". Người chiếm đoạt đồ vật mà chủ nhân gìn giữ, quý trọng bằng cách nào thì cách đó gọi là trộm cắp. Tức chủ tâm trộm cắp tài sản (theyyacetanā)

    Chủ tâm trộm cắp có hai cách hành động:

    1- Kāyapayoga: Trộm cắp bằng thân.

    2-Vacīpayoga: Dùng lời nói lường gạt.

    *

    CHI PHẦN CỦA HÀNH ĐỘNG TRỘM CẮP

    Việc hành dộng bất thiện trộm cắp phạm vào nghiệp đạo phải hội đủ 5 chi:

    1- Parapariggahitaṃ: Vật có chủ giữ gìn.

    2- Parapariggahita saññitā: Biết rằng, vật có chủ giữ gìn.

    3- Theyyacittaṃ: Có tâm suy tính trộm cắp.

    4- Payoga: Gắng sức trộm cắp.

    5- Avahāro: Đã lấy được vật đó do sự gắng sức.

    Khi hành động đủ 5 chi này coi như người đó phạm vào nghiệp đạo, nếu hành động không đủ 5 chi này thì không thành tựu nghiệp đạo. Như kệ ngôn trình bày sau:

    Parassa saṃ tathāsaññā Theyyacittañcupakkamo

    Tena hāroti pañcaṅgā Theyyassa yatanā samā

    Chi phần trộm cắp tài sản đồ vật có 5:

    1- Vật của người khác .

    2- Biết rằng, vật của người khác.

    3- Có tâm suy tính trộm cắp.

    4- Gắng sức trộm cắp.

    5- Đã hoàn thành việc trộm cắp đó.

    Payoga: Gắng sức trong việc trộm cắp tài sản có 6 cách (giống như hành động sát sanh):

    1- Sahatthika: Tự mình trộm cắp.

    2- Ānattika: Sai biểu người khác trộm cắp bằng lời nói hoặc bằng cách viết ra giấy.

    3- Nisaggiya: Lén quăng đồ vật, như lén lút lấy đồ vật bị đóng thuế quăng ra khỏi khu vực thuế.

    4- Thāvara: Ra lệnh cho phe đảng nếu có cơ hội lúc nào thì cố gắng trộm cho được vật đó. Việc ra lệnh như vậy cũng coi như thành tựu trộm cắp, dù mất thời gian đến bao nhiêu lâu đi nữa.

    Gọi là Athasādhaka tức là làm cho thành tựu việc trộm cắp hoặc cố ý phá hoại tài sản, vật chất của người khác cho tiêu hao. Như lấy vải bỏ vào trong sô, thùng đựng dầu mỡ để cho vải đó rút bớt hay hết dầu mỡ của người khác.

    5- Vijjāmaya: Dùng chú thuật phù phép làm cho chủ nhân của tài sản mê muội, ngớ ngẩn tự đem tài sản đó đến giao cho mình. Hoặc dùng chú thuật thôi miên làm cho chủ gia sản ngủ mê đi, rồi lấy cắp tài sản đó…

    6- Iddhimaya: Dùng thần thông sai biệt không liên quan đến chú thuật phù phép. Người có thần thông này không hành động trộm cắp bằng hành vi có tội theo thế gian (lokavajja) mà chỉ lấy trong việc dùng làm lợi ích và chủ nhân đó cũng không bị tổn hại gì. Như câu chuyện vị sa di đã chứng đắc thắng trí cần dùng nước đã đi đến xin với Long Vương có phận sự trông nom hồ Pokkaraṇī. Long Vương không đồng ý cho, sa di đó mới dùng thần thông bay lên hư không lấy nước đem đi. Và câu chuyện Bà La Môn Dona trong lúc phân chia Xá Lợi Phật cho 8 vương quốc, đã đánh cắp răng ngọc bên phải giấu trong búi tóc. Thiên Vương Đế Thích nhìn thấy, Ngài bèn giành lấy răng ngọc từ búi tóc của Bà La Môn đó lần nữa, rồi đem đi tôn trí nơi bảo tháp Cūlāmanī trên cung trời Đạo Lợi…

    Việc trộm cắp này nếu vật trộm có giá trị nhiều thì có tội nhiều thuộc mahàsàvajja. Nếu vật có giá trị ít thì có tội ít thuộc appasàvajja. Còn vật trộm có giá trị bình thường thì phải phân định theo chủ nhân. Nếu chủ nhân là người có giới hạnh thì người trộm có tội nhiều, nếu chủ nhân là người không có giới hạnh thì người lấy trộm có tội ít.

    *

    PHÂN TÍCH THEO 4 LOẠI ĐỒ VẬT CÓ CHỦ

    1- Gīhisantaka: Đồ vật của cư sĩ.

    2- Puggalasantaka: Đồ vật của một vị tỳ kheo hay sa di.

    3- Gaṇasantaka: Đồ vật của tỳ kheo hay sa di từ 2-3 vị.

    4- Saṅghasantaka: Đồ vật của tỳ kheo hay sa di từ 4 vị trở lên.

    Trong bốn loại đồ vật này, người nào trộm cắp tài sản loại puggalasantaka thì có tội nhiều hơn loại gīhisanaka. Người nào trộm cắp tài sản loại gaṇasantaka thì có tội nhiều hơn loại puggalasantaka. Và nếu người nào trộm cắp tài sản loại saṅghasantaka thì có tội nhiều hơn loại gaṇasantaka theo tuần tự như vậy.

    *

    MỘT KHÍA CẠNH KHÁC NỮA ĐỒ VẬT CỦA CHỦ NHÂN CÓ 5 LOẠI

    1- Puthujjanasantaka: Đồ vật của phàm nhân.

    2- Sotāpannasantaka: Đồ vật của bậc Tu Đà Huờn.

    3- Sakadāgāmīsantaka: Đồ vật của bậc Tư Đà Hàm.

    4- Anāgāmīsantaka: Đồ vật của bậc A Na Hàm.

    5- Arahantasantaka: Đồ vật của bậc A La Hán.

    Tội trộm cắp cũng có nhiều ít theo tuần tự thứ bậc. Đối với việc trộm cắp của bậc A La Hán thì có tội nhiều nhất. Như Ngài trưởng lão Mahābuddhaghosa trình bày trong sớ giải Sammohavinodanī rằng: "Khīnāsavassa santake atimahāsavajjaṃyeva" "Sự trộm cắp tài sản của bậc A La Hán thường bị trọng tội".

    *

    LUẬN GIẢI VIỆC TRỘM CẮP ĐỒ VẬT LÀ TÀI SẢN CỦA BÀNG SANH TIRACCHĀNAPARIGGAHĀDĀNA VINICCHAYA

    1- Người nhìn thấy con chim diều hâu sà xuống gắp miếng thịt hoặc cá chết rồi bay đi, thì tìm cách làm cho con diều hâu hoảng sợ bỏ vật đó xuống rồi nhặt lấy. Như vậy người đó coi như thành tựu việc trộm cắp. Nhưng nếu con chim diều hâu đó vồ lấy con vật còn đang sống, có người nhìn thấy bèn tìm cách để con diều hâu thả con vật bị hại xuống. Thì hành động này không thành tựu việc trộm cắp mà trở thành hành động thiện vô uý thí (abhayadānakusala).

    Loài bàng sanh khác cũng như vậy, nếu loài bàng sanh đó tha đi con vật không còn sống để thành đống như cá, chim, gà, vịt… Người mà tìm cách ngăn cản giật lấy vật đó thì hành động của người này cũng liệt vào thành tựu việc trộm cắp. Nhưng nếu loài bàng sanh đó tha đi con vật còn đang sống như chuột, cá, chim, gà, vịt, thằn lằn, sâu bọ, côn trùng… Người nhìn thấy cố tình ngăn cản giật lấy hầu để giải thoát cho con vật đó, thì hành động đó không được liệt vào trộm cắp mà trở thành thiện vô uý thí.

    Do đó, Ngài A xà lê hậu sớ giải đã trình bày trong Vimativinodanīṭīkā rằng: "Tiracchānānaṃ āmisadāne kusalaṃ viya tesaṃ amisacchindanepi akusalameva, sappāadīni gahitapāṇakānaṃ mocanatthāya vaṭṭati".

    "Sự bố thí vật thực cho loài bàng sanh được thành tựu bởi thiện nào, thì sự giật lấy vật thực của loại bàng sanh cũng được thành tựu bởi bất thiện đó. Sự cố gắng giúp cho chim, chuột, sóc… đang sống thoát khỏi con rắn đang rượt bắt thì hành động đó không phạm tội".

    Riêng trong Luật Tạng việc giật lấy tài sản của loài bàng sanh thường không có tội, như có Pāli trình bày trong Pārājikakaṇda của dutiyasikkhāpa rằng:

    "Anāpatti bhikkhave tiracchānagatapariggahe"

    "Này các tỳ kheo! Việc giật lấy tài sản mà loài bàng sanh gìn giữ đó không phạm tội".

    Và Ngài A xà lê sớ giải đã trình bày quan niệm trùng hợp đối với Phật ngôn rằng: "Senādayo pi āmisaṃ gahetvā gacchante patetvā gahetuṃ vaṭṭati". Đối với tỳ kheo làm cho những vật sai biệt như miếng thịt… mà con diều hâu… vồ lấy tha đi mà làm cho buông thả xuống, rồi giật lấy vật đó thì hành động này không phạm tội. Cho dù hành động như vậy theo Luật Tạng không được xếp vào phạm tội, nhưng nếu nói theo lý Thắng Pháp thì thành tựu việc trộm cắp.

    *

    LUẬN GIẢI VIỆC TRỘM CẮP TĀI SẢN LÀ VẬT CÚNG DƯỜNG CETIYA AVAHĀRAṆA VINICCHAYA

    Vật cúng dường như Kim Thân Phật, Xá Lợi Phật, Đại Thọ Bồ Đề… có hai loại:

    1- Vật cúng dường có người trông nom giữ gìn (gopitarakkhita).

    2- Vật cúng dường không có người trông nom gìn giữ (agopitarakkhita).

    - Các vật cúng dường như Kim Thân Phật… là vật không có ai trực tiếp làm chủ, ngay cả Kim Thân Phật mà người kiến tạo lên để cúng dường trong nhà của mình. Người kiến tạo đó cũng không được gọi là chủ của Kim Thân Phật mà chỉ là người trông nom giữ gìn mà thôi (gopitarakkhita). Bởi vì người được gọi là chủ của một vật nào thì có quyền sử dụng vật sở hữu của mình tùy theo ý thích. Như phá hủy đi, sửa đổi hình tướng cho khác hoặc bán đi cũng được thường không có tội. Còn vật cúng dường thì không thể tùy tiện, nếu người nào có hành động như đã đề cập trên thì trở thành bất thiện. Nhưng sẽ là trọng bất thiện nghiệp hoặc khinh bất thiện nghiệp thì cũng còn tùy theo sự cố ý (cetanā).

    - Đối với người trộm lấy vật cúng dường có người trông nom gìn giữ thì gọi là trộm cắp. Còn chiếm giữ vật cúng dường không có người trông nom giữ gìn thì không gọi là trộm cắp.

    Như Ngài A xà lê hậu sớ giải đã trình bày luận giải trong Sāratthadīpanīṭīkā và Kaṅkhāvitaranīṭīkā rằng:

    "Devatāya pana uddissa balikammaṃ karontehi rukkhādīsu lambitasāṭake vattabbameva natthi tañcakho ārakkhakehi apariggahiteyeva, pariggahitaṃ pana gahetuṃ na vaṭṭati".

    "Việc đoạt lấy vải treo trên cây… mà tất cả mọi người đã hiến cúng cho chư thiên thì không có vấn đề gì cả (không phạm tội). Điều này ám chỉ đến vải mà không có người gìn giữ trông nom thì có thể lấy đi được. Nhưng nếu vải đó, có người trông nom gìn giữ rồi không được lấy đi".

    *

    LUẬN GIẢI VIỆC TRỘM CẮP VẬT CÚNG DƯỜNG CÓ NGƯỜI TRÔNG NOM GÌN GIỮ

    Vật cúng dường như Kim Thân Phật, Xá Lợi Phật… mà có người trông nom gìn giữ, nhưng nơi tôn trí vật cúng dường đó không thích hợp. Nếu người có đức tin tịnh tính kiến tạo nơi thích hợp mới và cung nghinh Kim Thân Phật hoặc Xá Lợi Phật… đến nơi mình vừa kiến tạo mà không chủ ý lấy đi làm tư lợi cho mình. Tức không cố tình chiếm hữu mà chỉ muốn cung nghinh để lễ bái cúng dường mà thôi. Việc làm đó dù không được người trông nom gìn giữ cho phép cũng không liệt vào nghiệp đạo và không phạm tội; nhưng nếu người làm như vậy là tỳ kheo thì phạm tội.

    Như câu chuyện Đức Trời Đế Thích trộm lấy răng ngọc của bậc Chánh Đẳng Giác mà Bà La Môn Dona biển thủ riêng bỏ vào trong búi tóc để đem về Đạo Lợi Thiên giới. Đức Trời Đế Thích đoạt lấy răng ngọc từ Bà La Môn Dona, là bậc đã chứng Tu Đà Hườn trong thời kỳ Đức Phật hiện tại. Do hành động của Đức Trời Đế Thích không phải làm bằng tâm suy tính trộm cắp mà Ngài quán thấy rằng: "Bà La Môn Dona không thể lễ bái cúng dường đối với răng ngọc cho xứng đáng thích hợp được. Vì vậy Đức Trời Đế Thích mới đoạt lấy đi rồi kiến tạo bảo tháp để tôn thờ răng ngọc và đặt tên bảo tháp là Cūlāmaṇī. Việc làm của vua trời Đế Thích như đã đề cập trên không phạm vào trộm cắp nghiệp đạo và không có tội. Mà ngược lại tạo được công đức phước báu.

    Thích hợp như Ngài A xà lê sớ giải trình bày trong sớ giải Suttantamahāvagga rằng:

    "Brahamaṇopī daṭhāya anucchavikaṃ sakkāraṃ kātuṃ nasakkhissati, gaṇahāmi nanti veṭhantarato gahetvā suvaṇṇasaṇkoṭate ṭhapetvā devalokaṃ netvā cūlāmaṇīcetiye patiṭṭhapesi".

    Nghĩa là: "Thiên Vương Đế Thích quán thấy Bà La Môn Doṇa không có khả năng lễ bái cúng dường đối với răng ngọc cho xứng đáng thích hợp. Nên Ngài buộc phải đoạt lấy răng ngọc từ búi tóc của Bà La Môn, tôn trí trong tháp vàng rồi cung nghinh về Đạo Lợi Thiên giới kiến tạo bảo tháp Xá Lợi Cūlāmaṇī.

    TRÌNH BÀY 25 LOẠI TRỘM CẮP VIỆC TRỘM CẮP CÓ 25 LOẠI

    Nānābhaṇḍa pañcaka: Trộm cắp tài sản vật chất cả hữu mạng quyền lẫn vô mạng quyền, có 5 loại.

    Ekabhaṇḍa pañcaka: Trộm cắp riêng biệt vật hữu mạng quyền, có 5 loại.

    Sāhatthika pañcaka: Tự mình trộm cắp, có 5 loại.

    Pubbapayoga pañcaka: Hành động thành tựu trộm cắp trước, rồi mới bắt tay vào trộm, có 5 loại.

    Theyyāvahāra pañcaka: Lừa đảo tráo đổi đồ vật, làm đồ giả mạo phỉnh gạt để tìm cách che đậy việc trộm cắp bằng cách không cho chủ nhân biết, có 5 loại.

    *

    Nānābhaṇḍa pañcaka có 5 loại

    1- Ādiyana adinnādāna.

    2- Haraṇa adinnādāna.

    3- Avaharaṇa adinnādāna.

    4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna.

    5- Ṭhānācāvana adinnādāna.

    1-* Ādiyana adinnādāna: Làm cho tài sản của người khác liên quan đến nhà cửa, ruộng rẩy, vườn tược trở thành tài sản của mình bằng cách kiện cáo với tòa án. Việc làm như vậy, gọi là Ādiyana adinnādāna. Nhưng trong điều này không ám chỉ đến nguyên cáo và bị cáo cả hai bên dính dấp nhau từ trường hợp nào trong vấn đề tiền bạc. Tức không dính líu nợ nần, cầm cố bất động sản với nhau mà chỉ tranh chấp quyền hạn quản lý trong nơi đó… Hành động theo cách này nên trở thành chủ nhân hoặc chủ nhân ngôi nhà đó khởi lên chán nản thối chí nghĩ rằng: "Đất đai nhà cửa của ta chắc chắn phải trở thành tài sản của người khác". Chỉ bấy nhiêu đó thôi, người có ý định chiếm tài sản đó gọi là phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Ādiyana adinnādāna.

    2- Haraṇa adinnādāna: Người mang theo tài sản vật chất của kẻ khác để làm công việc. Trong lúc mang theo thì có tâm mưu tính sẽ trộm lấy tài sản đó cho trở thành của mình. Khi có tâm mưu tính khởi lên như vậy rồi di chuyển xê dịch tài sản đó khỏi vị trí ban đầu dù chỉ là chút ít. Như khiêng đồ vật đó để trên đầu nhưng khi mưu tính trộm cắp rồi thì di chuyển đồ vật đó từ đầu xuống vai. Hoặc ban đầu cầm đồ vật đó trong tay phải khi mưu tính trộm cắp thì di chuyển vật đó sanh tay trái… Như vậy, thì người đó được gọi là đã phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Haraṇa adinnādāna.

    3- Avaharaṇa adinnādāna: Có người mang theo đồ đạc hoặc vàng bạc đến gởi cho mình, nhưng khi chủ nhân đi đến xin nhận lại thì người đó phủ nhận rằng mình không có nhận số tài sản ấy. Đây là được gọi là thành tựu Avaharaṇa adinnādāna. Và khi chủ nhân hết hy vọng nhận lại số tài sản mà suy nghĩ trong tâm rằng: "Tài sản mà ta đã gởi kể như tiêu mất cả". Như vậy, người nhận giữ số tài sản đó được gọi là đã phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Avaharaṇa adinnādāna.

    4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Chủ nhân của tài sản đang trong tư thế ngủ, đứng, đi… người trộm cắp nhìn thấy rồi mưu tính trong tâm rằng: " Phải tìm cách dụ chủ nhân của tài sản rời khỏi nơi đó mới chiếm đoạt mang về làm của mình". Rồi bắt đầu hành động uy hiếp hoặc đánh lừa chủ nhân đó đi với mình. Dù bằng thủ đoạn nào đi nữa, nếu chủ nhân của tài sản chuyển động thân bước theo mệnh lệnh. Khi bước chân đi bước đầu thì người trộm cắp đó được gọi là thành tựu Iriyāpatha vikopana adinnādāna. Và khi chủ nhân của tài sản bước chân đi bước thứ hai thì người trộm cắp đó được gọi là phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Iriyāpatha vikopana adinnādāna. Còn nếu người trộm cắp mang chủ nhân của tài sản đi thì phải phán xử người trộm cắp đó như vầy: Khi người trộm cắp mang chủ nhân của tài sản bước chân đi bước đầu thì gọi là thành tựu Iriyāpatha vikopana adinnādāna. Và khi người trộm cắp bước chân đi bước thứ hai thì người trộm cắp đó được gọi là phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Iriyāpatha vikopana adinnādāna.

    5- Ṭhānācāvana adinnādāna: Các tài sản… mà chủ nhân cất giữ ở một nơi nào đó (ngoại trừ trong nước). Người có tâm mưu tính trộm cắp nhìn thấy tài sản này rồi bắt đầu cầm lấy tài sản lên di chuyển. Khi tài sản đó di chuyển khỏi lúc ban đầu chỉ chút ít thì người trộm cắp đó được gọi là thành tựu Ṭhānācāvana adinnādāna cả phạm vào nghiệp đạo.

    *

    Ekabhaṇṭa pañcaka có 5 loại

    1- Ādiyana adinnādāna.

    2- Haraṇa adinnādāna.

    3- Avaharaṇa adinnādāna.

    4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna.

    5- Ṭhānācāvana adinnādāna.

    1- Ādiyana adinnādāna: Chiếm đoạt tài sản quyền sở hữu có thức tánh như người hoặc gia súc của kẻ khác về làm tài sản của mình bằng cách kiện cáo với tòa án được gọi là Ādiyana adinnādāna. Khi chủ nhân suy nghĩ rằng: "Người hoặc gia súc của ta chắc chắn sẽ trở thành tài sản của kẻ khác". Khi đó, người chiếm đoạt quyền sở hữu của chủ nhân gọi là đã phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Ādiyana adinnādāna.

    2- Haraṇa adinnādāna: Người có nhiệm vụ áp tải người và gia súc của chủ nhân đến những nơi khác. Trong lúc áp tải đi người đó có mưu tính trộm cắp đem về làm thành sở hữu của mình hoặc dẫn đi bán. Khi có mưu tính khởi lên như vậy thì được gọi là Haraṇa adinnādāna. Sau khi mưu tính rồi thì thay đổi phương cách, như thay đổi đường đi hoặc thay đổi người dẫn đường… Như vậy, người đó được gọi là phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Haraṇa adinnādāna.

    3- Avaharaṇa adinnādāna: Gia chủ đem người và gia súc tới giao gởi, nhưng khi chủ nhân đến nhận lại thì tìm nhiều cách nói tránh né… Như người nọ, người kia đến nhận rồi hoặc đã bỏ trốn rồi để mưu tính chiếm đoạt người và gia súc đó đem về làm sở hữu của mình thì được gọi là Avaharaṇa adinnādāna. Khi chủ nhân thất vọng suy nghĩ rằng: "Chắc chắn ta sẽ không nhận lại được người hoặc gia súc rồi". Như vậy, người nhận giữ đó được gọi là đã phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Avaharaṇa adinnādāna.

    4- Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Người lừa đảo bắt cóc trẻ con, thiếu nữ hoặc gia súc. Trong lúc người hoặc gia súc đó đang đi, ngồi, nằm hay đứng đi nữa, do bị bắt mang đi để tìm lợi nhuận hoặc đem về làm sở hữu cho mình. Nếu người hoặc gia súc đó đã di chuyển thân thể khỏi oai nghi ban đầu, bước chân đi theo người này bước đầu, thì người ấy được gọi là thành tựu Iriyāpatha vikopana adinnādāna. Và khi bước chân đi bước thứ hai thì người ấy được gọi là phạm vào nghiệp đạo liên quan đến Iriyāpatha vikopana adinnādāna.

    5- Ṭhānācāvana adinnādāna: Trộm cắp gia súc mà chủ nhân cột lại hay nhốt trong chuồng cho dù gia súc đó đang nằm, ngồi, đứng… Nếu người đó mưu tính trộm cắp rồi đi vào bê hoặc lôi kéo gia súc đó đi. Khi gia súc đó chuyển động thân khỏi tư thế ban đầu cho dù chút ít thì người đó được gọi là thành tựu Ṭhānācāvana adinnādāna cả phạm vào nghiệp đạo.

    *

    Sāhatthika pañcaka có 5 loại

    1- Sāhatthika adinnādāna.

    2- Ānattika adinnādāna.

    3- Nissaggiya adinnādāna.

    4- Atthasādhaka adinnādāna.

    5- Dhuranikkhepa adinnādāna.

    1- Sāhatthika adinnādāna: Tự mình trộm cắp tài sản, vàng bạc, đồ đạc và vật hữu mạng quyền.

    2- Ānattika adinnādāna: Xúi biểu người khác trộm cắp.

    3- Nissaggiya adinnādāna: Loại trộm cắp lén lút lấy đồ vật bị đóng thuế quăng ra khỏi khu vực thuế.

    4- Atthasādhaka adinnādāna: Ra lệnh chỉ thị cho đồng bọn trộm cắp vật đó khi có cơ hội cho dù có mất thời gian là bao nhiêu lâu đi nữa. Dù người nhận lệnh chưa trộm cắp được, sau đó thời gian trôi qua nhiều năm mới có cơ hội trộm cắp thì người ra lệnh đó cũng thành tựu Atthasādhaka adinnādāna. Kể từ lúc thời gian ra lệnh, nếu người đó chết trước cơ hội trộm cắp thì người ra lệnh không thành tựu Atthasādhaka adinnādāna.

    5- Dhuranikkhepa adinnādāna: Trong thời gian kiện cáo với toà án để chiếm đoạt quyền sở hữu tài sản thuộc hữu thức hoặc vô thức của người khác. Hoặc trong lúc chủ nhân đến xin nhận lại đồ đạc, vàng bạc mà họ đã gởi cho mình hay mình vay mượn của họ rồi phủ nhận tráo trở không thừa nhận. Khi chủ nhân của tài sản đó dứt khoác tư tưởng rằng: "Tài sản của mình chắc chắn phải tiêu mất trở thành tài sản của người khác rồi". Ngay lúc đó, người gây ra sự việc như đã đề cập trên được gọi là thành tựu trong việc trộm cắp Dhuranikkhepa adinnādāna.

    SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĀṆATTIKA ADINNĀDĀNA & ATTHASĀDHAKA ADINNĀDĀNA

    Việc xúi biểu người khác trộm cắp loại Āṇattika adinnādāna là xúi biểu trộm cắp trong lúc hiện tại. Còn xúi biểu người khác trộm cắp loại Atthasàdhaka adinnàdàna là xúi biểu trộm cắp khi có cơ hội về sau.

    *

    Pubbapayoga paĩcaka có 5 loại

    1- Pubbapayoga adinnādāna.

    2- Sahapayoga adinnādāna.

    3- Saṃvidāvahāra adinnādāna.

    4- Saṅketakamma adinnādāna.

    5- Nimittakamma adinnādāna.

    1- Pubbapayoga adinnādāna: Việc nổ lực xúi biểu người khác trộm cắp. Ngay trong chính lúc nổ lực xúi biểu đó xem như phạm vào nghiệp đạo, được gọi là Pubbapayoga adinnādāna.

    2- Sahapayoga adinnādāna: Người nào có tâm mưu tính trộm cắp của người khác, rồi làm cho đồ đạc đó xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Hoặc người nào mưu tính lừa đảo liên quan đến đất đai, nhà cửa, vườn tược đi nữa mà làm cho dời đổi cột phân ranh giới hoặc các dấu hiệu sai biệt liên quan đến ranh giới đất đai đó. Chính trong lúc đang nổ lực dời đổi ranh giới này xem như phạm vào nghiệp đạo được gọi là Sahapayoga adinnādāna.

    3- Saṃvidāvahāra adinnādāna: Một nhóm người, kể từ hai người trở lên cùng mưu tính trộm cắp tài sản của người khác rồi cùng nhau thực hiện. Nhóm người này, cho dù chỉ duy nhất một người bắt tay vào việc trộm cắp hoặc làm cho dời đổi tài sản đó khỏi chổ ban đầu. Thì coi như tất cả người cùng tháp tùng theo phạm vào nghiệp đạo giống nhau, được gọi là Saṃvidāvahāra adinnādāna.

    4- Saṅketakamma adinnādāna: Người sai biểu người khác đi trộm cắp bằng cách xác định thời gian khởi sự hành động. Như khởi sự hành động vào lúc nửa đêm, hoặc xác định thời gian bằng cách trực tiếp cho khởi sự vào lúc 24 giờ chẳng hạn. Nếu người nhận lệnh đó bắt tay vào việc trộm cắp đúng theo thời gian ra lệnh, thì người xúi biểu phạm vào nghiệp đạo thuộc Saṅketakamma adinnādāna.

    Nếu người nhận lệnh hành động không đúng thời gian ra lệnh như chỉ thị rằng, trộm vào nữa đêm nhưng lại đi vào giữa trưa; hoặc chỉ thị cho trộm vào lúc 24 giờ nhưng lại đi trộm vào lúc 22 giờ hay lại quá 24 giờ mới hành sự. Như vậy người xúi biểu không phạm vào nghiệp đạo mà chỉ duy nhất người trộm cắp phạm vào nghiệp đạo.

    5- Nimittakamma adinnādāna: Sai biểu người khác trộm cắp bằng cách dùng ám hiệu cho khởi sự hành động như phất tay, nheo mắt, gật đầu, huýt gió… Người nhận chỉ thị nhận ám hiệu rồi, thì bắt tay vào hành động tức thì. Như vậy, người sai biểu phạm vào nghiệp đạo thuộc Nimittakamma adinnādāna. Nếu người nhận chỉ thị đó hành động trộm cắp trước khi nhận ám hiệu, thì người sai biểu đó không phạm vào nghiệp đạo mà chỉ duy nhất người trộm cắp phạm vào nghiệp đạo.

    Theyyāvahāra Adinnādāna có 5 loại

    1- Theyyāvahāra adinnādāna.

    2- Pasayhāra adinnādāna.

    3- Parikappāvahāra adinnādāna.

    4- Paṭicchannāvahāra adinnādāna.

    5- Kusāvahāra adinnādāna.

    1- Theyyāvahāra adinnādāna: Người buôn bán bằng việc cân hoặc đong hàng hoá không đúng theo số lượng. Như khi bán thì cân hoặc đong thiếu số lượng, còn thu mua thì tự cân, đong cho dư số lượng ra. Hoặc người dùng tiền giả hay người thừa cơ hội trộm lén bằng cách không cho chủ nhân thấy. Các việc làm này được gọi là Theyyāvahāra adinnādāna.

    2- Pasayhāra adinnādāna: Người lấy của cải, vàng bạc, của người khác bằng cách đe dọa, uy hiếp hoặc xâm phạm phá hại tài sản của chủ nhân, có thực trạng giống như đảng cướp phá hủy sự bình an của mọi người. Hành động như vậy được gọi là Pasayhāra adinnādāna.

    3- Parikappāvahāra adinnādāna:

    Có hai loại:

    Bhaṇḍa parikappāvahāra adinnādāna

    Okāsa parikappāvahāra adinnādāna

    - Người cố tình nhắm vào vật trộm, rồi trộm lấy vật đó đúng y như ý muốn của mình, được gọi là Bhaṇḍa parikappāvahāra adinnādāna. Ví dụ như có một người cố tình trộm quần áo, khi đi vào nhà của gia chủ rồi khiêng lấy rương đồ… của gia chủ đó đem đi. Nếu như trong rương đồ đó có quần áo thì người khiêng rương đồ di chuyển đi lúc đó được gọi là thành tựu hành động Bhaṇḍa parikappāvahāra adinnādāna. Nhưng nếu trong rương đồ đó không có quần áo mà chỉ có vật khác thì lúc khiêng rương đồ đó chưa phạm vào nghiệp đạo. Nhưng khi mở rương ra nhìn thấy không phải là quần áo mà là vật khác mà khởi tâm cố tình lấy cắp liền suy nghĩ rằng: "Cho dù không phải là quần áo mà là vật khác đi nữa thì cũng tốt cả". Khi đã quyết định như vậy rồi khiêng rương đó đi, ngay lúc đó người này gọi là phạm vào nghiệp đạo trong điều Bhaṇḍa parikappāvahāra adinnādāna.

    - Người trộm cắp chủ tâm trù định ranh giới nơi chốn. Ví dụ: như người trộm cắp đi vào khuôn viên nhà của gia chủ có tài sản. Nhìn thấy một thứ đồ vật nào thì khởi lên ham muốn rồi mưu tính trong tâm trù định khu vực chổ cất. Như khi lấy đồ vật đó rồi, thì chủ tâm rằng: "Ta sẽ đem đi đến ngay cổng hoặc dưới gốc cây hay ở mé rào để thủ tiêu trước. Nếu chủ nhân đó nhìn thấy ta sẽ bào chữa rằng ta chỉ muốn thử xem vật đó như thế nào rồi sẽ trả lại chổ cũ. Nhưng nếu chủ nhân không nhìn thấy ta sẽ đem đi luôn" . Vì vậy, người trộm cắp đem đồ vật mà mình đã trù định đi thì lúc đó chưa phạm vào nghiệp đạo; nhưng khi đem ra khỏi khu vực mà mình trù định thì phạm vào nghiệp đạo thành tựu Okāsa parikappāvahāra adinnādāna.

    4- Paticchannāvahāra adinnādāna: Người nào đi vào nhà hay trong khuôn viên nhà hoặc phòng tắm, nhà bếp… của người khác. Nhìn thấy những vật có giá trị như nhẩn, dây chuyền, đồng hồ… mà chủ nhân cởi ra để đó hay đánh rơi trên đường. Khởi tâm muốn trộm lấy vật đó làm thành sở hữu của mình bèn lấy vật khác đến che khuất vật đó. Hoặc cầm lấy vật đó đem đi giấu cất, lấy chân giẫm lên hay xới đất lấp làm cho mất dấu trước rồi chờ cho chủ nhân đi khỏi nơi đó mới đem đi. Trong lúc che giấu thì chưa phạm vào nghiệp đạo, nhưng khi chủ nhân đến tìm mà không gặp được, sau đó lại cố đến tìm một lần nữa rồi rời khỏi. Khi chủ chân di chuyển khỏi nơi đó rồi thì coi như người ấy phạm vào nghiệp đạo thành tựu Paticchannāvahāra adinnādāna.

    5- Kusāvahāra adinnādāna: Tráo đổi tên chủ nhân đồ vật không phải là của mình cho trở thành tên của mình, hoặc sửa đổi tên bất động sản không phải của mình thành của mình. Như trong việc bốc thăm các phẩm vật sai biệt, thăm của mình ghi tên phẩm vật là cây viết còn thăm của người khác ghi tên đồng hồ. Khi lén mở ra xem thấy rằng vật mình bắt được không có giá trị hơn phẩm vật của người khác, thì lén tráo đổi thăm của người bắt được đồng hồ trở thành thăm của mình.

    Hoặc cha mẹ biết rằng mình sắp qua đời mới dặn dò người con trưởng viết tờ di chúc nêu rõ rằng: "Người con trưởng được hưởng ruộng và vườn, còn người con út đang du học ở hải ngoại được hưởng đất đai và dãy phố lầu". Khi viết xong rồi đọc lại cho nghe, thấy đúng rồi thì ký tên và bỏ vào bao thư dán kín lạ. Thời gian sau khi có cơ hội người con trưởng mở thư ra lén sửa đổi tên người được thừa hưởng rằng: "Người con trưởng được hưởng đất đai và dãy phố lầu, người con út được hưởng ruộng và vườn", rồi dán kín bao thư lại như lúc ban đầu. Khi cha mẹ bệnh trầm trọng mới cho người tin cậy hoặc luật sư đến công nhận tờ di chúc, và cho ký tên làm bằng chứng với cha mẹ trước khi qua đời. Khi mở tờ di chúc ra trước mặt thân bằng quyến thuộc thì người con trưởng đương nhiên được hưởng đất đai và dãy phố lầu. Còn người con út được hưởng ruộng và vườn bởi do người con trưởng đã sửa đổi tên mới. Hành động như đã đề cập trên được gọi là Kusàvahàra adinnàdàna.

    *

    Thích giải đặc biệt về Theyyāvara Adinnādāna của nhóm Theyyāvahāra Pañcaka

    Trong nhóm Theyyāvahāra pañcaka này thì Theyyāvahāra adinnādāna liên quan đến việc gian lận được phân tích thành 4 loại:

    1- Mānakūta: Gian lận liên quan đến việc đong hàng hoá bằng cách dùng dụng cụ đong như thúng, cần xé, thùng thiết…

    2- Tulakūṭa: Gian lận liên quan đến cân.

    3- Kaṃsakūṭa: Gian lận liên quan đến việc tráo đổi phẩm vật như chén, thau, đĩa …

    4- Kahāpaṇakūṭa: Gian lận liên quan đến việc làm tiền giả, bạc giả…

    *

    Mānakūta phân thành 3 loại

    1- Hadayabhida: Dùng thùng đong có lỗ chảy phía dưới để đong dầu hay mật ong. Nếu thuộc bên mua thì lấy thùng đong có lỗ nhỏ phía dưới đáy thùng để đong. Như vậy, khi đổ dầu vào thùng để đong thì dầu hoặc mật ong từ trong thùng đó sẽ chảy ra số lượng nhiều hơn. Nhưng nếu thuộc bên bán thì bịt lỗ khoan đó lại và lúc đong thì gắng sức đong cho nhanh lẹ để đong không đầy.

    Cách gian lận này gọi là Hadayabhida mānakūṭa.

    2- Sīkhābheda: Dùng mẹo trong cách đong gạo, đậu, mè… Khi ta thuộc bên mua thì đổ thực phẩm đó từ từ vào lon đong, bởi vì cách đổ từ từ này sẽ làm cho số lượng được nhiều hơn. Và khi gạt cho bằng với mặt lon thì lại gạt xớt qua ngay giữa chổ phồng lên chút ít trong lon đong. Nhưng nếu thuộc bên bán thì đổ thật nhanh thực phẩm vào lon đong, cách đổ này sẽ làm cho số lượng thực phẩm ít hơn là đổ từ từ vào. Còn khi gạt cho bằng mặt lon thì gạt đè xuống làm cho ngay giữa lon đong lõm xuống chút ít.

    Cách gian lận này gọi là Sīkhābheda mānakūṭa.

    3- Rajjubheda: Dùng mẹo trong cách đo, như đo vải, đo đất đai… Nếu đo lấy về phần ta thì đo dư ra, nếu đo lấy về phần người khác thì đo thiếu hụt đi.

    Cách gian lận này gọi là Rajjubheda mānakūṭa.

    *

    Tulakùta phân thành 4 loại

    1- Rūpakūṭa: Đúc hai loại quả cân để cân trọng lượng hàng hoá; một quả có có trọng lượng nặng và một quả có trọng lượng nhẹ. Nếu ta thuộc bên mua thì dùng quả cân có trọng lượng nặng làm trì bàn cân xuống để được số lượng hàng hoá nhiều hơn. Nếu ta thuộc bên bán thì dùng quả cân có trọng lượng nhẹ hơn để cho số lượng hàng hoá ít xuống.

    Cách gian lận này gọi là Tularūpakūṭa.

    2- Aṅgakūṭa: Trong lúc cân hàng hoá (cân tay) mà ta thuộc bên mua, khi cân thì dùng tay đè lên trên cán cân để trì xuống theo đường quả cân làm cho số lượng hàng hoá được nhiều hơn. Nhưng nếu ta thuộc bên bán thì dùng tay nhấn xuống theo chổ để hàng hoá vào cân cho số lượng hàng hoá được ít đi.

    Cách gian lận này gọi là Tulāṅgakūṭa.

    3- Gahaṇakūṭa: Trong lúc cân hàng hoá (cân dây) mà ta thuộc bên mua thì dùng tay cầm sợi dây kéo thấp xuống cho đến ngay đầu dây để cho số lượng hàng hoá được cân nhiều hơn. Nếu ta thuộc bên bán thì cầm sợi dây kéo lên cho đến ngay cuối dây để cho số lượng hàng hoá được cân ít xuống.

    Cách gian lận này gọi là Tulagahaṇakūṭa.

    4- Paṭicchannakūṭa: Chế tạo cân bằng cách khoan lỗ ngay cán cân rồi đục lổ đỗ cục thủy ngân hoặc cục chì nhỏ vào cán cân. Nếu ta thuộc bên mua thì nghiêng cán cân về phía quả cân để cho cục thủy ngân, cục chì đó trì xuống phía quả cân làm cho số lượng đồ vật được cân nhiều hơn. Nếu ta thuộc bên bán thì nghiêng cán cân về phía đồ vật để cho cục thủy ngân hay cục chì trì về phía cân đồ vật làm cho số lượng đồ vật được ít hơn.

    Cách gian lận này gọi là Tulapaṭicchannakūṭa.

    *

    Cách gian lận Kaṃsakūṭa

    Thợ kim hoàn làm thành phẩm vật sai biệt như cái âu, chén, đĩa, mâm… để bán. Phẩm vật này được làm bằng hai loại, một loại bằng bạc hoặc bằng vàng thật, một loại bằng thau hoặc bằng đồng mạ vàng hay mạ bạc. Cả hai loại này đều có kiểu dáng giống nhau. Khi có khách hàng đến mua thì lấy phẩm vật thật ra cho xem, lúc đã thỏa thuận giá cả với nhau rồi thì lấy phẩm vật giả tráo đổi.

    Cách gian lận này gọi là Kaṃsakūṭa.

    *

    Cách gian lận Kahāpaṇakūṭa

    Đúc đồng bạc giả, giấy bạc giả hoặc pha các hoá chất sai biệt theo đúng phương pháp khoa học làm cho hàng hoá nhìn giống như bạc và vàng thật. Rồi nguỵ tạo trong cách mua bán, phỉnh gạt làm cho khách hàng tưởng lầm là hàng thật.

    Cách gian lận này gọi là Kahāpaṇakūṭa.

    Lại nữa, trong Theyyāvahāra adinnādāna này có loại trộm cắp gọi là upāyakathā adinnādāna, tức dùng mưu mẹo phỉnh lừa làm người khác lầm lẩn tin theo. Như câu chuyện trình bày trong sớ giải Samantapāsādika rằng:

    Có một người thợ săn bắt được một con hươu lớn và một con hươu nhỏ. Trong lúc khiêng hai con hươu trên đường, tay bợm rượu nhìn thấy hai con hươu nên thèm muốn mới hỏi người thợ săn rằng:

    - Hai con hươu này giá bao nhiêu?

    Người thợ săn đáp:

    - Con nhỏ giá một đồng tiền vàng, con lớn giá hai đồng tiền vàng.

    Tay bợm rượu mới lấy một đồng tiền vàng đưa cho người thợ săn để mua con hươu nhỏ mang đi. Đi được một đoạn đường ngắn thì hắn dừng lại suy nghĩ: "Ta muốn được con hươu lớn hơn là con hươu nhỏ, vậy ta phải trở lại tính kế lấy cho được con hươu lớn mà không phải trả thêm tiền". Suy nghĩ như vậy rồi quay trở lại tìm người thợ săn nói rằng:

    - Tôi muốn mua con hươu lớn.

    Người thợ săn bảo:

    - Nếu bạn muốn mua con hươu lớn thì phải trả thêm một đồng tiền vàng nữa.

    Tay bợm rượu nói:

    - Tôi đã đưa cho bạn một đồng tiền vàng rồi phải không?

    Người thợ săn đáp:

    - Phải.

    Tay bợm rượu mới nói:

    - Nếu vậy bạn hãy lấy con hươu nhỏ này rồi đưa con hươu lớn cho tôi.

    Thế rồi y trả con hươu nhỏ lại cho người thợ săn và lấy con hươu lớn đi mà không trả thêm một đồng tiền vàng.

    Như vậy, hành động của tay bợm rượu gọi là upāyakathā adinnādāna.

    *

    Luận giải vấn đề người trộm ghe nhưng không phạm vào trộm cắp nghiệp đạo

    Một người đàn ông nhìn thấy chiếc ghe đang đậu ở bến đò thì mưu tính trộm chiếc ghe đó. Bèn chui xuống ghe căng dù hoặc lấy miếng vải lớn làm thành buồm để chạy mà không dùng chèo hay sào chi cả. Khi chiếc ghe chạy đến bến đò khác thì ghé vào ngã giá bán chiếc ghe đó. Như vậy, người đó có gọi là trộm cắp hay không?

    Giải rằng: Người đó chưa phạm vào trộm cắp nghiệp đạo (kammapathādinnādāna). Nếu chủ nhân hay chiếc ghe bị trộm rồi đuổi theo kịp để lấy lại chiếc ghe mà người đó không chịu hoàn trả lại chiếc ghe hoặc bồi thường cho chủ nhân chiếc ghe đó thì trở thành trộm cắp nghiệp đạo. Còn nếu như chủ nhân chiếc ghe đó đến thấy rằng chiếc ghe đã bị mất từ lâu rồi khó mà tìm lại người trộm. Như vậy người đó vẫn không phạm vào tội trộm cắp. Đây là đề cập theo Luật Tạng, tức coi như hành động của người đó thiếu chi thứ tư, nhưng nói theo lý thế gian thì người đó gọi là trộm cắp.

    Vấn đề này Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa trình bày trong sớ giải Samantapāsādika rằng:

    "Yo pana titthe ṭhitanāvaṃ ārūhitvā theyacitto arittena vā phiyena vā pājehi pārājikam, sace pana chattaṃ vā paṇāmetvā cīvaraṃ vā pādehi akkamitvā hatthehi ukhipitvā saṅkārasadisaṃ katvā vā taṃ gaṇhāpeti, balavā ca vāto āgamma nāvaṃ harativāteneva āhaṭā hoti, puggalassa natthi avahāro, payogo atthi so pana thānācāvanapayogo na hoti, yadi pana taṃ nāvaṃ evaṃ gacchantiṃ pakatigamanaṃ upacchitvā aññaṃ disābhāgaṃ neti, pārājikaṃ, sayameva yaṃ kiñci gāmatitthaṃ saṃpattaṃ ṭhānā acāvento vikiṇitvā gacchati, nevatthi avahāro, bhaṇḍaàdeyyaṃ pana hoti".

    Nghĩa là: "Người chủ tâm trộm cắp vào trong ghe của chủ nhân đậu nơi bến đò, lái ghe đi bằng sào hoặc chèo thì người đó phạm tội triệt khai (pārājika). Nếu không dùng chèo hoặc sào mà căng dù hoặc vải làm thành buồm khi gió thổi đến đẩy ghe đó chạy đi. Như vậy, người đó chưa phạm vào trộm cắp bởi vì dù cho có cố gắng, nhưng sự cố gắng này chưa trở thành Thānācavanapayoga tức gắng sức làm cho di chuyển khỏi chổ. Thông thường chiếc ghe đang chạy do sức gió thổi đi, nếu người đó làm cho chiếc ghe chạy lệch hướng bình thường. Như cố gắng làm cho chiếc ghe đó chạy lệch hướng khác thì người đó phạm tội trộm cắp. Nếu chạy theo hướng thông thường rồi cập vào một nơi nào của bến đò và người đó rời khỏi ghe mà không làm cho chiếc ghe lệch sang hướng khác, rồi bán chiếc ghe đó. Như vậy, người ấy vẫn chưa phạm vào tội trộm cắp nhưng được liệt vào tội Bhaṇḍādeyyapuggala tức người phải hoàn trả lại cho chủ nhân. Nếu chủ nhân biết được sự việc theo đến đòi lại thì phải hoàn trả lại cho chủ chiếc ghe hoặc bồi thường tiền. Nếu không hoàn trả theo một trong hai cách như trên thì phạm tội triệt khai, tức thành tựu nghiệp đạo trộm cắp .

    Kết thúc phần thích giải về trộm cắp

    *

    KĀMESUMICCHĀCĀRA: TÀ DÂM

    Từ Kāmesumicchācāra khi phân ra thì được 3 từ: Kāmesu + micchā + cāra. Kāmesu: Sự giao hợp (Kāmasuti methunasamācāresu). Micchā: Bẩn thỉu thấp hèn mà các bậc hiền trí chê bai. Cāra: Sự hành động (ekanta nindito lāmakācāro). Khi gom từ lại với nhau thành "Kāmesumicchācāra": Hành động bẩn thỉu thấp hèn trong việc giao hợp.

    Trình bày định nghĩa câu: Kāmesumicchācāra "Micchā caraṇaṃ: Micchācaro" Việc làm bẩn thỉu thấp hèn mà các bậc hiền trí chê bai, gọi là tà dâm:

    "Kāmesumicchācāro:Kāmesumicchācāro" (aluttasamāsa) hành động bẩn thỉu thấp hèn trong việc giao hợp mà các bậc hiền trí chê bai gọi là tà dâm. 

    Hoặc một lý khác nữa: "Kāmesu micchā cāronti etenāti: Kāmesumicchācāro".

    Người mà hành động sái quấy trong việc giao hợp gọi là tà dâm, tức chủ tâm (tư ) trong việc giao hợp (methunasevanacetanā) câu hành với đổng lực tham.

    Giải rằng: Vợ chồng giao hợp với nhau không gọi là hành động bẩn thỉu thấp hèn mà các bậc hiền trí chê bai, vì đó là hành vi thường tình của thế gian. Nếu người nam hoặc người nữ nào giao hợp vượt quá phạm vi nam nữ mà không phải là vợ chồng hay người nam hoặc người nữ đó có người bảo hộ. Thì hành động của người nam hoặc người nữ đó gọi là hành động bẩn thỉu thấp hèn mà các bậc hiền trí chê bai vì trái với thuần phong mỹ tục.

    Do đó, Ngài A xà lê Ṭikā mới giải thích câu tà dâm rằng:

    "Ekante nindito lāmakācāro"."Hành động bẩn thỉu thấp hèn mà các bậc hiền trí thật sự chê bai". Việc tà dâm thường chỉ thành tựu duy nhất được bằng hành động thân (kāyapayoga) không phải bằng ngữ hoặc bằng tâm.

    *

    TRÌNH BÀY CHI PHẦN CỦA HÀNH ĐỘNG TÀ DÂM

    Hành động bất thiện loại tà dâm mà phạm vào nghiệp đạo phải hội đủ 4 chi:

    1- Agamaniyavatthu: Đối tượng không nên dính líu.

    2- Tasmiṃ sevanacittaṃ: Có tâm suy tính giao hợp với đối tượng đó.

    3- Payoga: Gắng sức giao hợp.

    4- Maggenamaggapaṭipatanti adhivasaṃ: Có sự thỏa thích trong việc giao hợp giới tính với nhau.

    Khi hành động đủ 4 chi này được gọi là phạm vào nghiệp đạo, nếu không đủ 4 chi thì không thành tựu nghiệp đạo.

    Như Ngài A xà lê Ṭikā trình bày rằng:

    Vatthuṃ agamanīyañca Tasmiṃ sevanacittatā

    Payogo maggenamagga Patipatyādhivāsanaṃ

    Iti kāmassa cattāro Payogeko sāhatthiko

    "Đối tượng không nên dính líu, có tâm suy tính giao hợp với đối tượng, gắng sức giao hợp, thỏa thích giao hợp giới tính với nhau. Bốn chi tà dâm chỉ do tự mình hành động".

    *

    Trình bày quan kiến của các vị A xà lê trong vấn đề 4 chi

    Các vị A xà lê khác nói rằng: Người đang có sự thỏa thích trong việc giao hợp nhưng không tự mình gắng sức trong việc giao hợp". Thì các Ngài nói rằng người đó không phạm vào nghiệp đạo vì thiếu chi thứ ba, tức gắng sức trong việc giao hợp (payoga).

    Nhưng các vị A xà lê khác luận giải dứt khoát rằng: "Cho dù người đó không có sự gắng sức trong việc giao hợp nhưng nếu người đó có sự thỏa thích cũng gọi là phạm vào nghiệp đạo. Bởi dựa vào đa số đời sống sinh lý thông thường. Phụ nữ là người không có sự gắng sức chủ động trong việc giao hợp nhưng vẫn thành tựu trong việc giao hợp".

    Còn các vị A xà lê khác nữa đề cập rằng: "Nếu người hoàn thành việc giao hợp mà không có sự gắng sức thì cũng không cần thiết phải trình bày đủ 4 chi. Mà chỉ trình bày 3 chi bỏ chi gắng sức trong việc giao hợp cũng được. Nhưng Ngài A xà lê sớ giải lại trình bày cả 4 chi". Do nhân này, mới trình bày cho thấy rằng chi gắng sức trong việc giao hợp (payoga) thứ 3 này cũng chỉ thuần nhất là một loại gắng sức tự mình làm (sahatthipayoga), mà không phải là gắng sức sai biểu người khác làm (aṇattikapayoga).

    *

    TRÌNH BÀY TỘI CỦA TÀ DÂM THUỘC MAHĀSĀVAJJA & APPASĀVAJJA

    Người xâm phạm đến các bậc có đức hạnh mà không đồng tình chấp thuận thì người đó có tội nặng. Nếu xâm phạm đến người không có đức hạnh mà không đồng tình chấp thuận thì người xâm phạm đó tội nhẹ. Nếu xâm phạm cưỡng ép làm tổn hại thân thể người không có đức hạnh nào đặc biệt đi nữa, thì người xâm phạm vẫn có tội nặng. Cả hai bên ưng thuận chấp nhận với nhau thì có tội nhẹ.

    Giữa phàm nhân và thánh nhân thì việc xâm phạm phàm nhân có tội nhẹ hơn xâm phạm thánh nhân. Giữa thánh nhân với nhau thì xâm phạm bậc Tu Đà Huờn có tội nhẹ hơn xâm phạm bậc Tư Đà Hàm; xâm phạm bậc Tư Đà Hàm có tội nhẹ hơn bậc A Na Hàm; xâm phạm bậc A Na Hàm có tội nhẹ hơn bậc A La Hán.

    Đối với việc xâm phạm cưỡng dâm bậc A La Hán thì có tội nặng tột cùng. Như chuyện thanh niên Nanda xâm phạm cưỡng dâm trưởng lão ni Uppalavaṇṇā là bậc A La Hán, đã nhận lãnh tác hại bị đất rút do mãnh lực của hiện báo nghiệp và đã tái sanh vào đại địa ngục vô gián thọ lãnh quả khổ cùng cực do mãnh lực của sanh báo nghiệp.

    Lại nữa, trong 4 chi đó thì chi thứ nhất là: Đối tượng không nên dính líu (agamaniyavatthu).

    Gồm có 20 hạng nữ nhân mà nam nhân không nên dính líu: Ma - pi - māpi - bha & bhā - ñā,go - dham - sa - sā -dha - chan -bho -pa - o -o - dha - kamma - dā – muhā

    1- Māta ārakkhitā: Nữ nhân có mẹ bảo hộ vì cha mất hoặc ly dị với mẹ.

    2- Piturakkhitā: Nữ nhân có cha bảo hộ.

    3- Mātāpiturakkhitā: Nữ nhân có mẹ cha bảo hộ; nếu nữ nhân chỉ có một mình mẹ bảo hộ thì nữ nhân đó không được gọi là piturakkhità, nếu nữ nhân đó chỉ có một mình cha bảo hộ thì nữ nhân đó không được gọi là mātaàrakkhitā, và nếu có cả cha lẫn mẹ bảo hộ thì nữ nhân đó cũng không được gọi là piturakkhitā  mātārakkhitā (bởi vì nằm trong loại được cả cha lẫn mẹ bảo hộ).

    4- Bhaginīrakkhitā: Nữ nhân có chị gái hoặc em gái bảo hộ.

    5- Bhāturakkhitā: Nữ nhân có anh trai hoặc em trai bảo hộ.

    6- Ñātirakkhitā: Nữ nhân có quyến thuộc bảo hộ.

    7- Gottarakkhitā: Nữ nhân có dòng giống hoặc chủng tộc với nhau bảo hộ (chủng tộc với nhau bảo hộ ám chỉ đến nữ nhân đang sống ở ngoại quốc được sự bảo hộ của nòi giống với mình, như tòa đại sứ…).

    8- Dhammarakkhitā: Nữ nhân được người cùng thọ trì giới luật với nhau bảo hộ, như nữ nhân xuất gia tu nữ thì có ni trưởng là người bảo hộ…

    Do đó, trong Sāratthādīpanīṭikā đề cập rằng: "Ekaṃ satthāraṃ uddssa pabbajiehīti iminā paṇḍaraṅga paribbājikādayo dasseti" .

    Nghĩa là: Ngài A xà lê sớ giải trình bày cho biết đến nữ tu sĩ (paribbājaka)… (đắp vải trắng xuất gia cống hiến đời mình cho bậc Đạo Sư Chánh Đẳng Giác).

    9- Saparidaṇḍā (vợ do quyền lực quản thúc): Nữ nhân được vua chúa hoặc người có uy quyền đính ước.

    10- Sārakkhā (hôn ước thê): Nữ nhân có hôn ước từ khi còn trong thai hoặc nữ nhân có vị hôn phu.

    Cả hai hạng nữ nhân saparidaṇḍā vā sārakkhā không được tự tiện vì đã có người làm chủ rồi. Nếu vui thích trao thân cho nam nhân thì cũng có nghĩa là tự mình trộm cắp thể xác của mình mà chủ nhân yêu quý gìn giữ lấy đi cho người khác. Vì vậy, nữ nhân này coi như phạm tội tà dâm.

    Như Ngài A xà lê Ṭikā trình bày trong Terasakaṇḍaṭīkā rằng: Pacchimānaṃ dvinnaṃ ti sārakkhā saparidaṇḍānaṃ micchācāro hoti tāsaṃ sassāmikabhāvato".

    "Cả hai hạng nữ nhân phía sau là: Sàrakkha và Saparidaṇdà. Nếu ưng thuận trao thân cho nam nhân khác thì coi như phạm vào tà dâm, bởi nhóm nữ nhân này là người đã có chủ".

    Riêng đối với nữ nhân bị nhà nước giam giữ thì không được gọi là nhóm nữ nhân sàrakkhà hoặc saparidaṇḍā. Cho dù có người canh giữ và quản thúc thì cũng không giống như nhóm nữ nhân được mẹ, được cha bảo hộ. Do đó, nếu nhóm nữ nhân này trao thân cho nam nhân nào cũng không được liệt vào tà dâm.

    11- Dhanakkītā (mãi đắc thê): Nữ nhân được nam nhân mua về. Như nữ nhân chưa có định giá, được đưa về từ ngoại quốc bằng thuyền bè. Khi đến nơi rồi thì chủ nhân chiếc thuyền mới sắp xếp bán đấu giá các nữ nhân đó. Nam nhân nào muốn thì bỏ tiền ra mua lấy nữ nhân đó mang về. Hoặc nữ nô lệ do cha mẹ đem bán lấy tiền, được nam nhân cứu giúp chuộc ra khỏi đời sống nô lệ đem về làm vợ… Nhóm nữ nhân này được gọi là mãi đắc thê.

    12- Chandavāsinī (lạc trụ thê): Nữ nhân tình nguyện đến sống với nam nhân. Như nữ nhân yêu thương một nam nhân nào nhưng cha mẹ không chấp thuận. Nữ nhân đó mới bỏ trốn đi sống cùng với nam nhân, thì nhóm nữ nhân này được gọi là lạc trụ thê. Đối với nam nhân mà nhận hạng nữ nhân này về làm vợ thì không được gọi là tà dâm.

    13- Bhogavāsinī (cố trụ thê): Nữ nhân ưng thuận làm vợ nam nhân do mong muốn được tài sản của cải.

    14- Paṭavāsinī (y vật đắc thê): Nữ nhân ưng thuận làm vợ nam nhân do mong muốn được trang phục.

    15- Odapattaginī (thủy đắc thê): Nữ nhân làm vợ nam nhân do cưới hỏi bằng nghi lễ cầm tay chú rể và cô dâu nhúng vào trong thau nước .Việc cưới hỏi này thì người chủ hôn cầm tay cô dâu và chú rể nhúng vào trong thau nước. Rồi cầu chúc chú rể và cô dâu hãy yêu thương hòa thuận đừng chia cắt phân ly nhau như nước trong thau không có sự chia lìa. Riêng đối với hôn lễ của nữ nhân Thái Lan thì nghi lễ được tưới nước bằng vỏ ốc vào người. Nhóm nữ nhân này được gọi là thủy đắc thê.

    16- Obhatasumbattā (triền đầu thê): Nữ nhân làm vợ nam nhân do được nam nhân đó giúp cho thoát khỏi công việc vất vả đội đồ đạt trên đầu. Ám chỉ nhóm nữ nhân này là người nghèo khổ phải đội vác đồ đạc đi bán hằng ngày. Khi có nam nhân thương yêu nhận về bảo dưởng làm vợ thì nữ nhân đó không còn phải vất vả nữa.

    17- Dhajāhatā (tù binh thê): Nữ nhân bị bắt làm tù binh rồi trở thành vợ của nam nhân.

    18- Kammakārībhariyā (công nhân thê): Nữ nhân làm công giúp việc trong nhà hoặc trong cửa tiệm của nam nhân, rồi nam nhân đó lấy làm vợ.

    19- Dasībhariyā (nô bộc thê): Nữ nhân là nô lệ trong nhà của nam nhân, rồi nam nhân đó lấy làm vợ.

    20- Muhuttikā (lâm thời thê): Nữ nhân làm vợ tạm thời của nam nhân.

    Nữ nhân làm vợ của nam nhân có 9 hạng từ mãi đắc thê (dhanakkītābhariyā)… nô bộc thê (dāsībhariyā) khi đang chung sống với nam nhân thì được gọi là vợ thật thụ. Nhưng đối với lâm thời thê (muhuttikābhariyā) là loại vợ được thuê mướn tạm thời 3 ngày, 7 ngày hay một tháng…

    Trong 20 hạng nữ nhân đó, thì 8 hạng nữ nhân từ được mẹ bảo hộ (mātārakkhitā)… nữ nhân được pháp luật bảo hộ (dhammarakkhitā). Hạng này chưa có chồng làm chủ thể xác, nên tự mình có quyền làm chủ thể xác mình. Khi vừa lòng với nam nhân nào mà trao thân cho nam nhân đó, thì hành động này không sai phạm vào điều tà dâm. Cho dù nhóm nữ nhân này có cha mẹ, quyến thuộc, anh em… bảo hộ nhưng cũng không phải là chủ thể xác mà chỉ là người bảo dưỡng chăm sóc không cho nam nhân đến xâm phạm cưỡng hiếp mà thôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, nếu không có tội trong đạo thì cũng có tội theo đời. Tức thường bị người khác khinh thường chê bai đưa đến xấu hổ phiền muộn, làm cho bất thiện pháp sanh lên là nhân rơi vào khổ cảnh. Riêng đối với nam nhân đã dính líu đến 8 hạng nữ nhân như đã đề cập trên coi như phạm giới tà dâm.

    Đối với 12 hạng nữ nhân còn lại kể từ vợ do quyền lực quản thúc (saparidaṇḍā)… lâm thời thê (muhuttikā) những hạng nữ nhân này thuộc loại đã có chồng. Cho dù hạng nữ nhân lâm thời thê (muhuttikā) thuộc loại vợ tạm thời đi nữa cũng vậy. Do đó, nhóm nữ nhân này nếu ngoại tình ưng thuận trao thân cho nam nhân khác xâm phạm thì được gọi là phạm giới tà dâm.

    Đối với hạng kỹ nữ, nếu có một nam nhân đến thỏa thuận việc mua bán dâm bằng cách trả tiền trước. Nhưng việc mua bán dâm chưa tiến hành xong. Trong thời gian đó, nếu nữ nhân đồng ý nhận tiền của nam nhân khác thì coi như phạm giới tà dâm. Như Đức Phật đã thuyết trong Bổn Sanh Garudhamma đến câu chuyện nàng kỹ nữ trong thành Indapata của xứ Kuru. Nàng đã nhận 1000 đồng tiền vàng từ một nam nhân về việc mua bán dâm và hẹn rằng sẽ đến ân ái với nàng sau, rồi bổng ra đi biền biệt. Từ lúc nhận tiền, coi như thể xác của nàng ta đã thuộc quyền sở hữu của nam nhân ấy. Vì vậy, trong lúc nam nhân đó chưa đến với nàng thì nàng vẫn không dám tiếp nam nhân khác cho dù nam nhân khác có trả tiền cho nàng nhiều hơn bao nhiêu đi nữa. Bởi vì nàng thường xuyên thọ trì ngũ giới nên sợ sẽ phạm vào điều học tà dâm. Nàng đã gắng sức chờ đợi nam nhân đó suốt ba năm. Mặc dù rất khổ cực vất vả trong việc nuôi sống bản thân, nàng cũng không dám phạm vào giới điều này.

    Trong tất cả 12 hạng nữ nhân này, đừng nói chi chỉ phạm vào tà dâm với nam nhân khác, ngay cả phạm tội với loài bàng sanh cũng không được. Như câu chuyện nàng Mallikā là hoàng hậu của vua Pasenadikosala đã phạm giới tà dâm với con chó trong phòng tắm, sau khi thân hoại mệnh chung bà đã bị rơi vào đại địa ngục vô gián.

    Còn về phần nam nhân nếu có một hạng vợ nào trong 10 hạng vợ từ mãi đắc thê (dhanakkītābhariyā) cho đến lâm thời thê (muhuttikābhariyā), hoặc một vị hôn thê thuộc hạng hôn ước thê (sārakkhā) thì không được ngoại tình. Tức không được hành dâm với vợ hoặc hôn thê của người khác, nếu hành dâm thì coi như phạm giới tà dâm.

    Tóm lại: Nam nhân không được giao hợp với 20 hạng nữ nhân:

    - 12 hạng hạng nữ nhân kể từ vợ do bị quyền lực quản thúc (saparidaṇḍā) cho đến lâm thời thê (muhuttikà), những hạng này không được trao thân cho nam nhân khác.

    - 8 hạng nữ nhân kể từ māturakkhitā (được mẹ bảo hộ) … dhammarakkhitā (được pháp luật bảo hộ), những hạng này nếu tự nguyện trao thân cho nam nhân thì không phạm giới tà dâm.

    Như trong sớ giải Mahāvaggasaṃyutta vā Terasakaṇḍaṭīkā trình bày rằng:

    "Purisassa pana tāsu vīsatīsu kāmesumicchācāro hoti, māturakkhitādīnaṃ aṭṭhannaṃ micchācāro natthi asāmikattā tāsu gatānaṃ purisānameva micchācāro hoti mātādīhi rakkhitattā, sesānaṃ pana purisantaragamane micchācāro hoti, kasmā sassāmikabhāvato "

    Nghĩa là: " Đối với nam nhân giao hợp trong 20 hạng nữ nhân thì phạm vào nghiệp tà dâm".

    Tà dâm không phạm đối với 8 hạng nữ nhân như được mẹ bảo hộ (māturakkhita)… bởi vì chưa có chồng. Nhưng nếu nam nhân dính líu đến 8 hạng nữ nhân này thì phạm vào nghiệp tà dâm bởi vì những hạng nữ nhân này là người có cha mẹ… bảo hộ chăm nom.

    Riêng 12 hạng nữ nhân còn lại nếu giao tình với nam nhân khác không phải là chồng của mình thì phạm vào nghiệp tà dâm, vì là người có chồng bảo hộ.

    *

    CÂU HỎI ĐẶC BIỆT VỀ VẤN ĐỀ TÀ DÂM

    1. Trong phòng tối, nam nhân giao hợp với người khác tưởng lầm là vợ của mình và nữ nhân cũng không cưỡng lại do tưởng lầm là chồng của mình.

    2. Cha giao hợp với con gái của mình.

    3. Nam nhân giao hợp với kỹ nữ.

    4. Nam nhân giao hợp với thú cái.

    5. Nam nhân giao hợp với nữ nhân lãng trí.

    6. Nam nhân giao hợp với nữ nhân đã ly thân với chồng.

    7. Nam nhân giao hợp bằng đường hậu môn của nữ nhân.

    8. Nam nhân giao hợp với nam nhân.

    9. Nữ nhân giao hợp với nữ nhân.

    10. Nữ nhân giao hợp với thú đực.

    Mười loại giao hợp này của nam nhân và nữ nhân có phạm vào nghiệp tà dâm hay không?

    *

    Phân Giải về câu hỏi theo tuần tự

    Điều 1: Cả nam nhân lẫn nữ nhân coi như phạm vào nghiệp tà dâm bởi vì đủ cả 4 chi như đối tượng không nên dính líu (agamaniyavatthu)... nhưng không là tội nặng (mahāsāvajja) vì không chủ tâm hành động lén lút bởi do hiểu lầm mà thôi. Thật vậy, có một số loại hành động ác hạnh cho dù phạm vào nghiệp đạo đi nữa nhưng tội đó không nặng. Nếu nói theo thực chất là do chủ tâm mạnh, nếu chủ tâm ác độc thì có tội nặng, còn như không có chủ tâm ác độc thì tội nhẹ.

    Điều 2: Nếu đứa con gái còn mẹ thì người cha phạm vào nghiệp đạo, nếu không có mẹ bảo hộ vì người mẹ chết hoặc ly dị thì người cha không phạm vào nghiệp đạo. Nhưng việc chủ tâm này thường thấp hèn tồi bại nhiều nên có tội nặng. Nếu đứa con gái đó không được chung sống với cha mẹ mà sống với bà con quyến thuộc, sống trong trú xứ của thầy giáo thọ hoặc sống với tu nữ, thì hành động của người cha đó coi như phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 3: Nếu nàng kỹ nữ đó được chủ nhân trú xứ bảo hộ, mà chủ nhân đó không chấp thuận cho nam nhân đó giao hợp thì coi như phạm vào nghiệp đạo. Còn nếu như chủ nhân trú xứ chấp thuận thì không phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 4: Nếu thú cái sống thành cặp riêng rẻ với thú đực hoặc có thú cha thú mẹ bảo hộ thì nam nhân đó phạm vào nghiệp đạo. Nếu thú cái đó không có ai bảo hộ như đã đề cập thì không phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 5: Nữ nhân lãng trí có người chăm sóc bảo hộ thì nam nhân đó phạm vào nghiệp đạo. Nếu nữ nhân đó không có người chăm sóc bảo hộ thì nam nhân đó không phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 6: Nữ nhân đã ly thân với chồng, nếu bị chồng ruồng bỏ không có nguyên nhân thích đáng thì cả hai bên nam nhân và nữ nhân không phạm vào nghiệp đạo. Nếu người chồng còn tiếp tục liên hệ hoặc không tiếp tục liên hệ nhưng vẫn còn cấp dưỡng thì cả hai bên coi như phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 7: Nếu nữ nhân là vợ của mình thì không phạm vào nghiệp đạo. Nếu không phải là vợ của mình thì phạm vào nghiệp đạo.

    Điều 8: Coi như không phạm vào trường hợp nào trong nghiệp tà dâm, bởi vì không phải là đối tượng không nên dính líu (agamaniyavatthu) mà chỉ được gọi là hành vi sai quấy thuộc tà pháp mà thôi.

    Điều 9: Coi như không phạm vào nghiệp tà dâm (như điều 8).

    Điều 10: Nếu nữ nhân đó có chồng hoặc có vị hôn phu thì coi như phạm vào nghiệp đạo. Nếu nữ nhân đó độc thân thì không phạm vào nghiệp đạo.

    *

    UỐNG RƯỢU LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY ĐẾN TÀ DÂM VÀ THẬP BẤT THIỆN NGHIỆP ĐẠO

    Uống rượu gọi là surāpāna, tức sở hữu tư làm nhân cho sự uống rượu. Surāpāna này, Đức Phật Ngài chế định thành một điều học trong ngũ giới và Ngài thuyết về trọng tội của sự uống rượu trong Tăng Chi Bộ Kinh rằng: "Surāmerayapānaṃ bhikkhave asevitaṃ bhāvitaṃ bahusīkataṃ nirayasaṃvattanikaṃ tiracchānayonisaṃvattanikaṃ pettivisayasaṃvattanikaṃ. Yo ca sabbalahuko surāmerayapānassa vipāko so manussabhūtassa ummattakasaṃvattaniko hoti ."

    Nghĩa là: "Này các tỳ kheo! Thường xuyên uống rượu và các chất say thì càng ngày càng nghiện và dùng càng nhiều thêm. Khi đã như thế thì hằng có mãnh lực dẫn đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ. Quả nhẹ nhất của sự uống rượu nếu có cơ hội sanh làm người nhờ vào các pháp thiện khác thì người đó thường là người điên loạn".

    Nhưng tại sao sự uống rượu và các chất say không được liệt vào 10 bất thiện nghiệp đạo?

    Giải rằng: Sự uống rượu này nếu người uống rượu không tạo ác hạnh nào bằng thân, ngữ, ý chỉ uống để vui thì cũng đồng nghĩa với sự thỏa thích cảnh vị trong ngũ dục. Giống như người tà dâm thường thỏa thích cảnh xúc trong ngũ dục. Cảnh vị và cảnh xúc liên quan đến uống rượu, tà dâm cũng là hiện thân của ngũ dục (kāmaguṇa). Người uống rượu mà chưa tạo ác hạnh thì cũng làm động lực thúc đẩy cho việc tà dâm được. Đó chính là nguyên nhân đưa đến hành vi sai quấy trong ngũ dục (Kāmesu + micchācāro).

    Sự uống rượu làm nhân sanh khởi cho việc tạo mọi điều ác hạnh cho dù người đó biết hổ thẹn, biết ghê sợ đối với những hành động xấu. Nhưng khi đã uống rượu say sưa thì những hành vi xấu mà mình từng hổ thẹn và ghê sợ họ cũng chẳng ngần ngại thực hành. Tất cả sự thô tháo ấy điều từ mãnh lực của rượu mà ra. Do đó, người uống rượu tạo ác hạnh nào đi nữa thì cũng làm động lực thúc đẩy đi đến bất thiện nghiệp đạo thành tựu nơi tự thân được. Như uống rượu rồi giết người là động lực thúc đẩy đến sát sanh; nói sai sự thật là động lực thúc đẩy đến nói dối; mưu tính lấy đồ đạc của người khác làm thành của mình không đúng pháp thì thúc đẩy đến tham ác… Do nhân này mới không được Đức Phật thuyết riêng biệt vào trong bất thiện nghiệp đạo. Vì vậy, Ngài trưởng lão Ānanda mới trình bày trong Mùlaṇìkà rằng:

    "Tassa sabhāgattena micchācāre, upakārakattena dassu pi kammapathesu anuppaveso hoti ".

    Nghĩa là: Sự uống rượu làm động lực thúc đẩy đưa đến tà dâm, bởi do có tánh chất giống như tà dâm nên cũng làm động lực thúc đẩy đưa đến thập bất thiện nghiệp đạo; bởi có tính chất hổ trợ tích cực làm cho thành tựu thập bất thiện nghiệp đạo.

    Trong Vibhāvinīṭīkā vā Paṭisambhidāmaggaṭīkā cũng đề cập rằng: "Surāpānaṃ pi ettheva saṇgyahatīti vadanti rassaṇkhātesu kāmesumicchācārabhāvato ".

    Nghĩa là: Các bậc A xà lê đề cập rằng: "Sự uống rượu làm động lực thúc đẩy đến tà dâm vì là hành động sai quấy trong cảnh vị của ngũ dục".

    "Surāpānam hi madassa paccayo, mado apuññapathassa hoti " "Uống rượu là nhân làm cho say sưa, sự say sưa là nhân cho hành động thập bất thiện nghiệp đạo". Lại nữa, uống rượu làm cho thành tựu 2 phận sự:

    1- Paṭisandhijananakicca: Phận sự làm cho tái sanh vào địa ngục.

    2- Kammajananakicca: Phận sự làm cho thành tựu hành động ác hạnh.

    Trong cả 2 loại phận sự này, thì phận sự làm cho thành tựu hành động ác hạnh có sức mạnh mãnh liệt hơn phận sự làm cho tái sanh vào địa ngục; và có động lực thúc đẩy cho hành động tà vạy ác hạnh khác. Do đó, trong Pāli có trình bày bổn sanh Kumbha là đề cập đến nhân làm cho tái sanh vào địa ngục do phận sự làm cho thành tựu ác hạnh kammajananakicca rằng:

    Yaṃ ve pivitvā duccaritaṃ caranti

    Kāyena vācāya ca cetasā ca

    Nirayaṃ vajanti duccaritaṃ caritvā

    Tassā puṇṇaṃ kumbhamimaṃ kiṇātha .

    Nghĩa là: Thưa các ngài! Những người uống rượu thường tạo ác hạnh bằng thân, khẩu, ý. Khi đã tạo ác hạnh rồi, thì những người này thường tái sanh vào địa ngục không cần phải hoài nghi, xin các ngài hãy mua đầy bình rượu để biết tác hại sai biệt của rượu".

    (Kệ ngôn này là lời nói của Thiên Vương Đế Thích hóa thành người bán rượu xuống cõi nhân loại để diễn tả tác hại của rượu).

    Đối với phận sự làm cho tái sanh vào địa ngục (paṭisandhijananakicca) của sự uống rượu ám chỉ lấy Tư Tiền (pubbacetanā). Sự cố ý sanh lên trước khi tạo ác hạnh, bao gồm các động lực thúc đẩy tạo ác hạnh liên quan từ việc uống rượu nhưng bất định. Nếu người bị động lực thúc đẩy tạo ác hạnh nhưng người đó không tạo ác hạnh thì coi như Tư Tiền không có khả năng dẫn đến tái sanh vào địa ngục. Nếu người uống rượu rồi tạo ác hạnh theo động lực thúc đẩy của Tư Tiền, thì Tư Tiền có khả năng dẫn đi tái sanh vào địa ngục kể từ kiếp thứ ba… Nghĩa là sự uống rượu này nếu phận sự làm cho tái sanh vào địa ngục thành tựu thì được liệt vào bất thiện nghiệp đạo. Còn nếu phận sự làm cho tái sanh vào địa ngục không thành tựu thì không được liệt vào bất thiện nghiệp đạo.

    Như trong sớ giải và hậu sớ giải Vô Ngại Giải Đạo trình bày rằng:

    "Kusalākusalā pi ca paṭisandhijananakāyeva kammapathāti vuttā, vuttāvasesā paṭisandhijanane anekantikattā kammapathāti na navuttā". (sớ giải)

    "Vuttāvasesāti surāpānādayo tabbirammaṇādayo ca". (hậu sớ giải).

    Nghĩa là: "Thiện thuộc thân thiện hạnh … và bất thiện thuộc thân ác hạnh … dẫn đến tái tục mà thôi. Cần phải nói rằng thiện và bất thiện nghiệp đạo, thiện là tránh xa sự uống rượu…, và bất thiện là sự uống rượu… Ngoài các nghiệp đó ra không nói rằng thuộc thiện hay bất thiện nghiệp đạo, bởi vì các nghiệp này là nghiệp bất định trong việc cho quả tái tục".

    Từ: "Vuttāvasesā" bao gồm sự uống rượu, hút thuốc phiện, cờ bạc, xem phim ảnh, ca kịch, đi chơi lễ hội… và sự tránh xa uống rượu, tránh xa việc hút thuốc phiện, tránh xa cờ bạc, tránh xa xem phim ảnh, ca kịch, tránh xa đi chơi lễ hội… Lại nữa, trong Pāli điều học ưng đối trị và sớ giải trình bày rằng:

    "Surāmerayapāne pācittiyaṃ" Sự uống rượu và các chất say phạm ưng đối trị.

    "Acittakaṃ lokavajjaṃ akusalacittaṃ, majjapānaṃ sāmaṇerānaṃ pārājikavatthu".

    "Sự uống rượu của tỳ kheo dù biết hoặc không biết đi nữa, cũng phạm ưng đối trị và có tội theo thế gian liên hệ đến bất thiện tâm. Sự uống rượu của sa di nếu biết là rượu thì có tội trục xuất (pàràjika triệt khai đứt lìa khỏi phẩm hạnh sa di).

    *

    Sự uống rượu của tất cả mọi người có 4 loại

    1- Uống rượu pha lẫn trong thuốc hoặc thức ăn.

    2- Uống rượu nguyên chất do nghĩ là thuốc.

    3- Uống rượu do vui thích.

    4- Uống rượu để cho tâm bạo dạn tạo ác hạnh.

    Việc uống rượu loại 1 và 2 có tội nhẹ bởi vì chủ ý để chữa bệnh. Nhưng loại thứ 2, nếu là tỳ kheo thì phạm ưng đối trị, nếu là cư sĩ thì ngũ giới thuộc giới thường nhiên của cư sĩ bị đứt, còn thọ bát quan trai giới thì bát quan trai giới bị đứt, là sa di thì thập giới bị đứt. Do đó, người cố tâm tạo cho mình trú trong giới thì không nên uống rượu.

    Việc uống rượu loại thứ 3 thì có tội nặng vì là người hành động sai quấy đối với cảnh vị thuộc ngũ dục. Việc uống rượu đó có tội nặng đến ngần nào thì không một ai có thể lường được ngoại trừ duy nhất bậc Chánh Đẳng Giác mới biết được mà thôi. Và người đã ưa thích uống rượu, thì chỉ uống một lần hoặc hai lần rồi ngưng không uống nữa thường không có xảy ra mà chỉ có sự tiếp tục muốn uống hoài mà không có sự chấm dứt. Thích hợp với lời phán quyết của Đức Phật trong Tăng Chi Bộ Kinh rằng:

    "Tiṇṇaṃ bhikkhave paṭisevanāya natthi titti, katamesaṃ tiṇṇaṃ? Soppassa bhikkhave paṭisevanāya natthi titti, surāmerayapānassa bhikkhave paṭisevanāya natthi titti, methunadhammasamāpattiyā bhikkhave paṭisevanāya natthi titti, imesaṃ bhikkhave tiṇṇaṃ paṭisevānaya natthi tittīti ".

    "Này các tỳ kheo! Có 3 loại thụ hưởng không bao giờ biết thỏa mãn, 3 loại đó là thế nào?

    1- Không biết thỏa mãn trong việc ngủ nghỉ.

    2- Không biết thỏa mãn trong việc uống rượu.

    3- Không biết thỏa mãn trong việc giao cấu.

    Này các tỳ kheo! Không bao giờ có sự biết thỏa mãn hưởng thụ trong 3 loại đó".

    Sự uống rượu thường suy đồi thối hoá, đừng nói chi người bình thường mà ngay cả bậc có ân đức pháp đặc thù khi đã uống rượu vào rồi cũng làm cho mất tư cách, đáng hổ thẹn cùng với ân đức pháp đang có cũng tiêu mất.

    Như vào thời kỳ Đức Phật có trưởng lão Sāgata là phàm tăng tinh thông thắng trí. Một ngày nọ dân chúng trong thành đã loan tin rằng: "Trưởng lão Sāgata đã nhiếp phục LongVương trong khi thi triển thần lực với nhau". Do đó, hầu như dân chúng rất tịnh tính và hoan hỷ nên khi trưởng lão đi khất thực họ mới thi nhau đem vật thực cúng dường. Có người còn đem cả rượu đến cúng dường, trưởng lão cũng thọ dụng luôn nên mới khởi lên say sưa. Khi khất thực trở về đến cửa thành thì ngã té nằm xuống trước cửa thành, thiền định thắng trí cũng tiêu mất.

    Lúc đó, bậc Chánh Đẳng Giác cùng chư tỳ kheo khất thực trở về, Ngài đưa tầm mắt nhìn thấy trưởng lão Sāgata đang nằm ngủ liền truyền cho chư tỳ kheo dìu trưởng lão về chùa rồi cho dẩn trưởng lão đến trước mặt Ngài. Chư tỳ kheo dìu trưởng lão Sāgata nằm quay đầu lại trên đường mà Đức Phật ngự đến. Nhưng vì quá say rượu thất niệm, nên trưởng lão quay mình trở lại xoay chân trên đường mà Đức Phật ngự đến biểu lộ hành vi bất kính đối với bậc Chánh Đẳng Giác.

    Do nhân này, Đức Phật Ngài mới chế định thêm một điều học nữa là cấm chế không cho chư tỳ kheo uống rượu nếu uống rượu phạm tội ưng đối trị.

    Việc uống rượu loại thứ 4 được liệt vào thành Tư Tiền (pubbacetanā) có tính chất thúc đẩy kích thích cho hành động ác hạnh thuộc Tư Hiện (muñcacetanā) sanh lên. Do sự uống rượu loại 4 này, có khả năng làm cho người đó tái sanh vào khổ cảnh.

    Phân loại: Rượu và chất say. "Suraṃ janetīti = Surā" "Pháp nào thường làm cho người bạo dạn, pháp đó gọi là rượu" .

    Rượu có 5 loại:

    1- Piṭṭhasurā: Rượu làm bằng bột gạo.

    2- Pūpasura: Rượu làm bằng nếp, như cơm rượu.

    3- Odanasurā: Rượu làm bằng gạo tẻ.

    4- Kiṇṇapakkhittasūra: Rượu làm bằng men.

    5- Sambhārasaṃyuttasūra: Rượu làm bằng trái cây, như trái nho.

    "Medaṃ janetīti: merayaṃ", "Pháp nào thường làm cho say sưa đó gọi là chất say".

    Chất say có 5 loại

    1- Pupphāsava: Chất say lấy từ bông đem ngâm.

    2- Phalāsava: Chất say lấy từ trái cây đem ngâm.

    3- Madhavāsava: Chất say lấy từ trái nho đem ngâm.

    4- Guḷāsava: Chất say lấy từ mật mía, đường đem ngâm.

    5- Sambhārasaṃyuttasava: Chất say lấy từ trái chùm ruột, trái cà na rừng đem ngâm.

    Cả hai loại rượu và chất say này gọi là chất kích thích độc hại (majja) bởi vì làm cho người uống vào say sưa. Một lý khác nữa, thuốc phiện, cần sa… cũng được gọi là chất kích thích độc hại vì các thứ đó làm cho người hút vào lân lân đê mê.

    Như trong sớ giải Khuddakapātha và sớ giải Mahāvaggasaṃyutta trình bày rằng:

    "Majjanti tadeva ubhayaṃ, yaṃ vāpanaññaṃpi surāsavavinimuttaṃ maddaniyam".

    "Gọi là chất kích thích độc hại là rượu và chất say. Hoặc một lý khác nữa, pháp nào ngoài rượu và chất say ra mà có khả năng làm cho người thưởng thức lân lân đê mê, pháp đó gọi là chất kích thích độc hại".

    *

    CHI PHẦN CỦA UỐNG RƯỢU CÓ BỐN

    1- Surāmerayabhāvo: Đối tượng là rượu và chất say.

    2- Pivitukāmatā: Có sự muốn uống.

    3- Pivanaṃ: Đã uống.

    4- Maddavaṃ: Có trạng thái say sưa.

    Lại nữa, trong sớ giải Suttanipāta trình bày đến tai hại của việc uống rượu rằng:

    "Yasmā pana majjapāyī atthaṃ na jānati, dhammaṃ na jānāti, mātupi antarāyaṃ karoti, pitupi buddhapaccekabuddhatathāgatasāvakānampi antarāyaṃ karoti diṭṭhadhamme ca garahaṃ samparāye ca duggatiṃ aparāpariyāye ummādaṃ pāpuṇāti ".

    Nghĩa là: Người uống rượu thường không tri nhân tri quả thường làm tổn thất tài sản hoặc gây tổn hại đến sanh mạng thân thể của cha mẹ, Toàn Giác Phật, Độc giác Phật và Chư Thinh Văn. Lúc còn sanh tiền thường bị các bậc hiền trí và bậc chân nhân chê bai chỉ trích. Khi mệnh chung từ bỏ cõi này thường rơi vào khổ cảnh, riêng kể từ kiếp thứ ba trở đi thường trở thành người có tánh tình bất thường trí nhớ quên lãng.

    Do nhân đã đề cập trên, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới phân tích tác hại của sự uống rượu rằng:

    "Apicettha surāmerayamajjapamādaṭṭhānameva mahāsāvajjaṃ na tathāpāṇātipatādayo kasmā manussabhūtassapi ummattakabhāgasaṃvattanena ariyadhammantarāya karaṇato ".

    Nghĩa là: Nếu nói theo thực chất trong cả 5 giới thì việc uống rượu và các chất say làm nhân cho sự dể duôi nên có tội nhiều. Còn 4 giới như sát sanh … các giới này không có tội nhiều như uống rượu và các chất say. Vì uống rượu và các chất say thường làm cho người đó điên loạn và trở ngại Đạo Quả.

    Sự uống rượu này là điều đáng sợ, vì người tạo tác ác hạnh phạm pháp; cho dù không phạm pháp đi nữa, bất thiện pháp hằng ngày hiển lộ trong thế gian phần nhiều cũng do uống rượu làm nhân. Nhưng hầu như người thích uống rượu không nhìn thấy tác hại của việc uống rượu vì chính mình cũng thỏa thích trong sự uống rượu. Hoặc nếu tự mình không uống thì bà con quyến thuộc thích uống nên vị nể không thể nói được.

    Do vậy, các bậc chân nhân mới so sánh rượu giống như tên thủ lãnh bọn cướp sai khiến thuộc hạ đi cướp bóc. Còn tự thân chỉ là người chỉ huy và nếu thuộc hạ bị bắt được thì kết quả hiển nhiên là bọn thuộc hạ đó trở thành tội phạm thứ nhất, thủ lĩnh của bọn cướp trở thành tội phạm thứ hai.

    Điều này như thế nào, thì người uống rượu rồi tạo ác hạnh phải gặt quả rơi vào khổ cảnh. Sự việc rơi vào khổ cảnh này thì chính sở hữu Tư liên quan đến việc tạo ác hạnh của người đó đứng vào vai trò tội phạm thứ nhất và sở hữu Tư liên quan đến sự uống rượu đứng vào vai trò tội phạm thứ hai.

    Kết thúc phần thích giải về tà dâm

    Thích giải điều Pālī thứ 6: "Kāyaviññattisaṅkhāte kāyadvāre bāhullavuttito kāyakammaṃ nāma".

    1- Sát sanh.

    2- Trộm cắp.

    3- Tà dâm.

    Cả ba điều này gọi là thân nghiệp vì sanh lên từ thân môn tức phần nhiều là thân biểu tri.

    Thân môn trong nơi đây ám chỉ thân biểu tri không phải thân thanh triệt (kāyapasāda). Do đó, Ngài A xà lê Anuruddha mới trình bày riêng rẽ bằng câu đặc biệt rằng: "Kāyaviññatti saṅkhāte".

    Thích giải: Sự chuyển động bằng tay hoặc chân… các chuyển động này do bọn sắc tâm có phong đại dẫn đầu sanh lên nối tiếp nhau thành nhiều bọn. Chính phong đại trong bọn sắc tâm này tạo cho bọn sắc tâm đồng sanh vững vàng không chao đảo. Như lúc nằm ngủ làm cho chuyển động theo ý muốn của tâm được. Sự vững vàng của bọn sắc tâm này gọi là nâng đỡ (santhambhana).

    Sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác được gọi là nối tiếp (sandhāraṇa). Sự chuyển động thân như huơ tay, huơ chân, khom lưng, ngẩng đầu, co duỗi… nhóm nhóm này được gọi là chuyển động (saĩcalana). Nhưng sự chuyển động sai biệt như đã đề cập này không diễn tiến bởi năng lực duy nhất của phong đại mà phải có sắc kỳ dị (vikàrarùpa) kết hợp mới hành động trong việc chuyển động diễn biến theo ý muốn của tâm. Nếu không có sắc kỳ dị kết hợp thì chuyển động của thân chỉ diễn tiến theo phong đại thì chẳng khác gì chiếc lá bị gió thổi không thể làm thành tựu theo ý muốn của tâm. Vì vậy, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, các việc này phải có sự chuyển động theo ý muốn của tâm mới thành tựu hành động được. Như trong trường hợp đưa súng lên và trường hợp bắn thường diễn tiến bởi năng lực của phong đại kết hợp với sắc kỳ dị. Do đó, mới gọi là thân nghiệp.

    Thân có 3 loại

    1- Sasambhārakāya: Thân hội đủ 32 thể trược.

    2- Pasādakāya: Thân thanh triệt, là nơi nương của thân thức.

    3- Copanakāya: Sắc thân biểu tri câu hành với phong đại làm cho chuyển động được.

    Việc biểu hiện là nhân làm cho thành tựu cả 3 thân nghiệp cũng chính là thân biểu tri câu hành với phong đại làm cho chuyển động được (copanakāya). Như định nghĩa sau:

    "Copetīti = copana, copano ca so kāyo cāti = copanakāyo".

    "Sắc nào làm cho bộ phận cơ thể lớn nhỏ được chuyển động, sắc đó gọi là sắc biểu tri (copana). Sắc nào làm cho bộ phận cơ thể chuyển động bằng thân, sắc đó gọi là sắc thân biểu tri (copanakāya)". Trong nơi đây từ Thân nằm trong thân môn là sắc thân biểu tri.

    Sắc thân biểu tri này là cánh cửa khởi hiện lên ba nghiệp hoặc là nhân làm cho thành tựu cả 3 hành động như sát sanh… Vì vậy, sắc thân biểu tri mới được gọi là thân môn. Như định nghĩa được trình bày: "Kāyoyeva dvāraṃ = Kāyadvāraṃ".

    "Chính là sắc thân biểu tri này là môn, nên được gọi là thân môn".

    Từ Thân ở đây chỉ là sắc thân biểu tri, không có trong sắc khác nhưng tại sao được dùng từ Thân (kāya)?

    Thích giải: Nói theo cách phiếm diện (ekadesayūpacāranaya) thân biểu tri là một phần sắc pháp của thân. Do đó, mới nêu từ Thân, là tên gọi của toàn thân, rồi xếp thân biểu tri vào thành một chi phần của thân thể, nên gọi là Thân.

    "Gọi là thân nghiệp vì phần nhiều sanh lên từ thân môn, bởi do dùng từ "Bāhullavuttito". Điều này trình bày cho biết rằng thân nghiệp ác hạnh sanh lên từ môn khác cũng được. Nhưng cho dù sanh lên từ môn khác đi nữa cũng vẫn có thể gọi là thân nghiệp."

    Thích giải: Thân ác hạnh có 3 loại như sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Còn môn khác ngoài ra thân môn, có 2 là ngữ môn và ý môn. Nghĩa là thân ác hạnh sanh lên từ môn khác cũng được nhưng chỉ có 2 tức sát sanh, trộm cắp; còn tà dâm chỉ duy nhất sanh lên từ thân môn. Riêng đối với các môn khác thì chỉ duy nhất sanh lên từ ngữ môn. Trong nơi đây muốn ám chỉ hành động ác hạnh sanh lên từ môn đó mà thành tựu nghiệp đạo, chứ không phải chỉ gọi tên theo ác hạnh. Bởi vì ác hạnh có 10 loại thường có thể sanh lên biểu hiện được trong cả 3 môn và nếu giảng rộng ra theo chi tiết thì ác hạnh có đến 40. Do đó, mới nói rằng 2 thân ác hạnh tức sát sanh và trộm cắp sanh lên từ ngữ môn cũng được. Ám chỉ đến hành động phạm vào nghiệp đạo như sai biểu người khác sát sanh hoặc sai biểu người khác trộm cắp; khi sự việc hoàn tất rồi thì người sai biểu cũng phạm vào nghiệp đạo. Nhưng nghiệp sát sanh và trộm cắp sanh lên từ ngữ môn của người này vẫn có thể gọi là thân nghiệp mà không gọi là ngữ nghiệp. Bởi vì 2 nghiệp này ít sanh lên từ ngữ môn nên được gọi là thân nghiệp, cách gọi tên này là dựa theo quan điểm của đại chúng. Như người săn thú trong rừng thì được gọi là thợ săn cho dù người thợ săn này có cư ngụ trong xóm làng nào thì cũng không thể gọi xóm làng đó là xóm thợ săn hay làng thợ săn được; mà chỉ có thể nói là người thợ săn đó sống trong xóm đó hoặc làng đó. Do nhân này, Ngài A xà lê Anuruddha mới dùng từ "Bahullavuttito" tức theo đa số dư luận. Cho nên Ngài A xà lê Ṭīkā mới trình bày định nghĩa của từ "kāyakamma" (thân nghiệp) rằng: "Kāyadvāre yebhuyyena pavattaṃ kammanti: Kāyakammaṃ" Phần nhiều sanh lên từ thân môn cho nên mới gọi là thân nghiệp.

    Lại nữa, sự việc mà Ngài A xà lê Anuruddha trình bày cả 3 nghiệp như sát sanh… gọi là "Kāyakamma" Theo Pāli rằng: "Kāyadvāre bāhullavuttito kāyakammaṃ nāma" ám chỉ việc trình bày phân tích thập bất thiện nghiệp đạo theo 3 môn để cho không nhằm lẫn nhau. Nhưng nếu trong Pāli không có từ "Bāhulla" mà chỉ co "Kāyadvāre vuttito kāyakammaṃ nāma" (gọi là thân nghiệp bởi vì sanh lên từ thân môn. Như vậy, tiêu điểm mà Ngài A xà lê Anuruddha phân tích thập bất thiện nghiệp đạo theo 3 nghiệp không chuẩn xác vì trình bày rằng: "Gọi là thân nghiệp bởi vì sanh lên từ thân môn". Như vậy, việc sai biểu người khác sát sanh, trộm cắp coi như sanh lên từ ngữ môn.

    Nếu như gọi tên của nghiệp theo Pāli mà không có từ "Bāhulla" thì phải gọi thành hai cách, tức thân nghiệp hay ngữ nghiệp cũng được. Vì vậy, việc phân tích nghiệp thành từng phần theo môn không chuẩn xác. Do nhân này, Ngài Anurudha mới thêm vào từ "Bāhulla" cho rõ ràng như: "Kāyadvāre bhullavuttito kāyakammaṃ nāma". Có nghĩa là: Sát sanh và trộm cắp phần nhiều sanh lên từ thân môn. Nếu đem so sánh thì sanh lên từ thân môn hết 90% còn sanh lên từ ngữ môn chỉ có 10%. Vì vậy, dù cho có thay đổi tên gọi của thân nghiệp cũng không có gì trở ngại cả. Và việc phân tích thập bất thiện nghiệp đạo theo 3 môn cũng vẫn được chuẩn xác không lẫn lộn nhau.

    (Các học viên nên hiểu mục đích mà Ngài A xà lê Anurudha dùng từ "Bāhulla" được biểu hiện trong câu "Vacīviññattisaṇkhāte vacīdvāre bāhullavuttito vacīkammaṃ nāma" vā "Manasmīyeva bāhullavuttito manokammaṃ nāma" này nội dung cũng giống nhau như đã giải thích trên).

    Kết thúc phần thích giải về 3 thân nghiệp

    *

    THÍCH GIẢI VỀ 4 NGỮ NGHIỆP

    MUSĀVĀDA: NÓI DỐI

    Từ "Musāvāda" khi phân ra được hai từ Musā + vāda. "Musā" là bất biến từ thể hiện điều không thật.

    Như có người đến hỏi ta rằng: "Có tiền không?". Ta có nhưng trả lời rằng: "Không có". Hoặc họ hỏi rằng: "Có vàng không?" Ta không có nhưng nói rằng: Có tiền hoặc có vàng.

    Đây chính là hiện thân của điều không thật, hoặc ám chỉ đến đồ vật không thật.

    Hay trong các sự việc mà ta biết, nhưng khi có người đến hỏi ta trả lời phủ nhận rằng: "Không biết". Hoặc ngược lại ta không biết nhưng lại nói rằng: "Biết vấn đề đó".

    Đây chính là hiện thân của việc không thể hiện đúng theo lời nói (Musā).

    "Vāda" ám chỉ lời nói. Khi gom lại với nhau thành "Musāvāda" ám chỉ lời nói không đúng sự thật. Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Musā vadanti etenāti: Musāvādo". Người nói điều không thật làm cho trở thành thật bằng chủ tâm nào, chủ tâm ấy làm nhân cho việc nói không thật đó gọi là nói dối. Tức "visaṃvādana cetanā" Nghĩa là: Tư làm cho người khác hiểu lầm câu sanh với đổng lực Tham, Sân sanh lên từ thân môn và ngữ môn.

    Sự nói dối phần nhiều dùng bằng lời nói. Do đó, mới gọi là Musāvāda. Nhưng nếu dùng một điệu bộ nào của thân mà không liên quan đến lời nói cũng được gọi là nói dối musāvāda.

    Việc khẳng định cho biết được người này thành tựu nói dối hoặc không thành tựu nói dối thì phải khẳng định bằng cách hội đủ 4 chi. Nếu chưa hội đủ 4 chi thì chưa liệt vào thành tựu nói dối được.

    *

    CHI PHẦN NÓI DỐI CÓ BỐN

    1- Atthavatthu: Sự việc hay vấn đề không thật.

    2- Visaṃvādanacittatā: Chủ tâm nói dối.

    3- Poyoga: Gắng sức nói dối bằng thân hoặc bằng ngữ theo ý muốn của mình.

    4- Tadattha vijānanaṃ: Người khác tin theo ý nghĩa không thật đó.

    *

    Điều nói dối này phân ra thành hai loại

    1. Thành tựu nói dối nhưng không phạm vào nghiệp đạo.

    2. Thành tựu nói dối phạm vào nghiệp đạo.

    Sự nói dối hội đủ 4 chi nhưng không làm mất mát tổn hại cho người nghe hiểu lầm tin theo. Loại này chỉ là nói dối nhưng không phạm vào nghiệp đạo, không đưa đến khổ cảnh.

    Sự nói dối hội đủ 4 chi mà làm mất mát tổn hại cho người nghe hiểu lầm tin theo. Loại này thành tựu nói dối phạm vào nghiệp đạo, có khả năng đưa đến khổ cảnh.

    1- Sāhatthika: Tự mình gắng sức nói dối.

    2- Āṇattika: Sai biểu người khác nói dối.

    3- Nissagiya: Ghi vào giấy sự việc không thật rồi quăng đi cho người khác hiểu lầm, như quăng thư hoặc tuyên truyền bằng máy phát thanh.

    4- Thāvara: Tạo ra sự việc không thật rồi công bố như khắc chữ và in ấn thành sách hay thâu tiếng nói.

    Trong 4 loại gắng sức này thì tự mình gắng sức (sahatthikapayoga) là gắng sức trực tiếp phần nhiều hiển hiện. Riêng ba sự gắng sức còn lại thì ít hiển hiện, như kệ ngôn được trình bày sau:

    Musāvādassa atthaṃ Vasaṃvādanacittatā

    Tajjo vāyāmo parassa Tadatthajānanaṃ iti

    Sambhārā caturo honti Payogeko sāhatthiko

    Āṇattika nissaggiya Thāvarāpica yujjare

    Nghĩa là: Bốn chi của nói dối: Sự việc hay vấn đề không thật; có tâm suy nghĩ làm người khác hiểu sai; gắng sức bằng thân hoặc bằng ngữ đúng như chủ tâm dối trá; người khác tin theo ý nghĩa không thật đó.

    Gắng sức trong Mahātthakathā đề cập chỉ duy nhất được một loại sahatthikapayoga. Nhưng trong sớ giải Aṭṭhasālinī đề cập rằng Āṇattika, Nissaggiya vā Thāvarapayoga các loại này cũng vẫn được.

    Tự mình gắng sức nói dối (sahatthikathā) hành động bằng thân hoặc bằng ngữ. Dối trá bằng thân như muốn chối bỏ thì lắc đầu hay chấp thuận thì gật đầu. Nói dối bằng ngữ là lời nói không thật.

    Sai biểu người khác nói dối (ānạttikapayoga) hành động bằng thân hoặc bằng ngữ. Sai biểu người khác dối trá bằng thân như ghi vào giấy gởi cho người đó để chỉ đạo dàn cảnh lừa dối hoặc bằng ngữ như chỉ cho người khác cách nói dối.

    Còn đối với cả hai Nissagiyapayoga và Thāvarapayoga cũng hành động bằng thân hoặc bằng ngữ.

    *

    TRÌNH BÀY NÓI DỐI TRỞ THÀNH HOẠI GIỚI (SĪLAVIPATTI) VÀ NÓI DỐI THÀNH TỰU NGHIỆP ĐẠO

    Trong cả 4 chi đó nếu phạm 2 chi là chủ tâm dối trá và gắng sức dối trá bằng thân hoặc bằng ngữ thì dù cho cư sĩ hay xuất gia đi nữa cũng trở thành giới hoại mà không phạm vào nghiệp đạo. Nếu nói dối đủ 4 chi thì coi như thành tựu nghiệp đạo. Trong chi thứ 4 đề cập rằng:

    "Tadattha Vijānanam", người khác hiểu sai tin theo ý nghĩa không thật đó, thì coi như phạm vào nghiệp đạo. Nếu người nghe không tin theo thì không phạm vào nghiệp đạo.

    Kammapathamusāvāda là nói dối phạm vào nghiệp đạo được phân thành hai loại:

    1- Loại đưa đến khổ cảnh.

    2- Loại không đưa đến khổ cảnh.

    Loại đưa đến khổ cảnh phải là nói dối làm cho người khác hiểu sai tin theo bị mất mát tổn hại. Nếu người tin theo không bị tổn thất điều gì thì nói dối loại này cũng không đưa đến khổ cảnh. Như việc nói dối của một vị quan cận thần với đức vua để gìn giữ đức tin cho đức vua và bảo tồn sanh mạng cho cho một người đàn ông câu chuyện như sau:

    Có một đôi vợ chồng nghèo khổ nương ngụ ở một trạm dừng chân ngoài thành. Người vợ mang thai thèm muốn dùng vật thực mới nài nĩ chồng tìm kiếm cho nàng. Nếu không được dùng vật thực như ý muốn thì mạng sống của nàng không thể kéo dài được nữa. Vì quá thương vợ sợ nàng sẽ chết bèn giả dạng thành Chư Tăng mang bát đi đến hoàng cung để thọ nhận vật thực cúng dường bằng cử chỉ thu thúc. Lúc đó, gần đến giờ thọ thực của Chư Tăng, đức vua đang sắp ngự thiện thì nhìn thấy vị sa môn thu thúc đi khất thực bằng phẩm hạnh đáng tịnh tín, thì phát sanh đức tin nơi tâm rằng: "Vị này không phải là vị sa môn bình thường mà phải là vị sa môn có được một ân đức đặc thù nào đó". Bèn lấy vật thực sắp ngự thiện để bát cho người đàn ông này rồi truyền lệnh cho một vị quan cận thần bám sát theo để biết đích xác rằng: "Từ đâu đến và sẽ đi nơi nào". Vị quan cận thần đi theo người đàn ông mà không để cho người đàn ông ấy phát hiện ra mình. Khi đến trạm dừng chân, nghỉ ngơi rồi xả y ra trở thành người bình thường, đem vật thực ra cho vợ dùng. Quan cận thần nhìn thấy biết là người đàn ông này đã giả dạng sa môn mới suy nghĩ: "Nếu ta đem sự việc này trình lên đức vua thì hậu quả tai hại sẽ đưa đến cho cả hai bên; đức vua thì sẽ mất niềm tin mãnh liệt đang có còn về phần người phỉnh gạt này cũng sẽ nguy hại đến tính mạng". Do để bảo tồn lợi ích của hai bên quan cận thần trở về tâu lại với đức vua rằng: "Tâu bệ hạ bậc giác ngộ đi theo con đường của ngài cho đến khi ra khỏi cửa thành thì y vàng đó cũng biến mất khỏi tầm mắt của hạ thần luôn".

    Đức vua nghe rồi thì phát sanh hỷ lạc phán rằng: "Chắc chắn vị ấy là bậc A La Hán nên sự cúng dường của ta phải là sự cúng dường cao thượng".

    Thích giải: Lời nói không đúng sự thật làm cho đức vua hiểu lầm, nhưng không làm mất mát tổn hại mà ngược lại phát sanh lợi ích như vậy. Cho dù là người nói dối nhưng cũng chỉ là sự nói dối không có tội, không có năng lực đưa đến khổ cảnh.

    Trong Bổn Sanh pancāvudha. Khi Pancāvudhakumāra bị dạ xoa Silesasoma bắt đi ăn thịt đã nghĩ ra mưu kế nói rằng: "Trong bụng ta có vũ khí nếu người ăn thịt ta thì vũ khí trong bụng ta sẽ cắt đứt ruột của ngươi thành từng mãnh, ngươi cũng sẽ phải chết". Dạ xoa nghe được như vậy thì nghĩ rằng: "Thanh niên này có thể nói thật". Do đó, dạ xoa không dám ăn thịt Pancāvudhakumāra.

    Sự việc mà Pancāvudhakumāra nói: Trong bụng ta có vũ khí ám chỉ vũ khí trí tuệ, tức trí tuệ hiện có trong mình nhưng dạ xoa hiểu lầm là vũ khí thật. Câu chuyện này trình bày đến chuyện nói dối của Pancāvudhakumāra không làm mất mát tổn hại với người hiểu lầm tin theo từ một điều gì.

    Trong Bổn Sanh Saṃsumāra trình bày rằng: Có kiếp Bồ Tát sanh làm khỉ bị một con cá sấu phỉnh gạt cho đứng trên lưng để sang bờ bên kia. Khi vừa đến giữa dòng sông thì cá sấu lặn xuống.

    Khỉ mới hỏi rằng:

    - Mi muốn nhận chìm ta xuống với mục đích gì?

    Cá sấu nói rằng:

    - Ta lừa ngươi đến để lấy trái tim của ngươi thôi.

    Khỉ nghĩ ra phương kế bèn nói:

    - Trái tim của ta đã lấy treo trên cây sung đó.

    Rồi chỉ cho con cá sấu nhìn thấy cây sung và nói:

    - Nếu ngươi muốn hãy chở ta trở lại cây sung đó.

    Cá sấu hiểu lầm mới đưa khỉ trở lại, khỉ ta nhảy ngay lên cây sung an toàn. Đây cũng là lời nói dối mà không làm mất mát, tổn hại điều chi cả.

    Lại nữa, việc trình bày hành vi rượt đuổi loài thú như chim, quạ… bằng điệu bộ giống như ném hoặc bắn làm cho loài thú nghĩ rằng mình bị ném hoặc bắn rồi bay đi. Những việc này là dối trá bằng thân nhưng cũng không làm mất mát tổn hại gì.

    *

    TRÌNH BÀY NÓI DỐI THUỘC APPASĀVAJJA & MAHĀSĀVAJJA

    Nói dối làm cho mất mát tổn hại, nếu người tin theo bị mất mát tổn hại ít thì sự nói dối có tội ít (appasāvajja). Nếu người tin theo bị mất mát tổn hại nhiều thì sự nói dối đó có tội nhiều (mahāsāvajja).

    Người làm nhân chứng gian làm cho bên khác bị mất mát tổn hại tài sản của cải hoặc phải bị tội hình, loại này được liệt vào có tội nhiều (mahāsāvajja).

    Tỳ kheo, sa di nói chơi với nhau, như một vị đi khất thực đến một vị khác hỏi: "Thực phẩm đi khất thực nhiều hay ít thế nào?" Vị đó trả lời rằng: "Được nhiều lắm tràn cả bát". Nhưng thật sự chỉ được chút ít thôi.

    Hoặc một người kế toán phân phát tiền, có người đến hỏi rằng: "Được bao nhiêu tiền?". Thì trả lời rằng: "Được cả trăm cả ngàn". Nhưng thật ra chỉ có 5 đồng, 10 đồng thôi.

    Các loại này được xếp vào loại có tội ít (appasāvajja).

    Người nói lời phi Thánh Ngôn (anariyavohāra) hoặc lời nói của kẻ ngu (andgabāla) thì 1 trong 8 loại này được liệt vào loại nói dối có tội nhiều (mahāsavajja).

    8 Loại Phi Thánh Ngôn

    1- Điều không thấy nói rằng thấy.

    2- Điều không nghe nói rằng nghe.

    3- Điều không gặp nói rằng gặp.

    4- Điều không biết nói rằng biết.

    5- Điều thấy nói rằng không thấy.

    6- Điều nghe nói rằng không nghe.

    7- Điều gặp nói rằng không gặp.

    8- Điều biết nói rằng không biết.

    (Gặp trong nơi đây ám chỉ đến sự ngửi, nếm, đụng). Riêng đối với sự nói dối làm cho Chư Tăng chia rẽ nhau được liệt vào tội nhiều (mahāsāvajja) thuộc trọng nghiệp.

    TRÌNH BÀY SỰ NÓI DỐI MÀ CHƯ BỒ TÁT KHÔNG NÓI

    Sự nói dối làm người khác hiểu lầm rồi hành theo bị mất mát tổn hại chư Bồ Tát hằng không nói lời đó. Nhưng sự nói dối không bị mất mát tổn hại cho người nghe, chư Bồ Tát vẫn còn nói.

    Như trong Navanipāta Bổn Sanh Harita trình bày:

    "Bodhisattassa hi ekaccesu ṭhānesu pāṇātipāto, adinnadānaṃ, kāmesumicchācāro, surāmerayamajjapānaṃpi hotiyeva atthabhedakavisaṃvādanaṃ purakkhitvā musāvādo nāma na hoti".

    Nội dung ý nghĩa là: "Trong một số loại bất thiện nghiệp đạo như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, các việc này sanh khởi được nơi Bồ Tát. Còn loại nói dối có chủ tâm làm cho người khác bị mất mát tổn hại hằng không có bao giờ".

    Kết thúc phần thích giải về nói dối

    *

    PISUṆAVĀCĀ: NÓI ĐÂM THỌC

    Từ: "Pisuṇavācā khi phân ra thì được hai từ: Pisuṇa + Vācā. Pisuṇa sự chia rẻ tinh vi hoặc hành động làm cho phân chia ngăn cách. Vācā là lời nói. Khi gom lại thành "Pisuṇavācā" tức lời nói chia rẽ sự đoàn kết làm cho phân chia ngăn cách, được định nghĩa trình bày như sau:

    "Pisati sāmaggiṃ sañcuṇṇetīti = pisuṇālời nói nào thường chia rẽ sự đoàn kết làm cho phân chia ngăn cách, lời nói đó gọi là lời nói đâm thọc.

    "Vadanti etāyāti: Vācā" Người hằng chủ tâm nói bằng lời nói nào, thì sự chủ tâm đó gọi là lời nói "Pisuṇā ca sā vācā cati: Pisuṇavācā". Lời nói chia rẽ sự đoàn kết làm cho phân chia ngăn cách… bằng sự chủ tâm nào, sự chủ tâm lời nói đó gọi là lời nói đâm thọc.

    Như ông A và ông B là bạn thâm giao với nhau. Sau đó có người thứ ba đến nói với ông A bằng cách vu khống ông B cho rằng ông B bêu xấu nhục mạ ông A. Cứ nhiều lần như vậy làm cho ông A hiểu lầm sanh tâm hờn giận rồi từ từ xa cách ông B. Lời nói như vậy gọi là lời nói đâm thọc (pisuṇavāca).

    Một lý khác nữa, pisuṇà khi nói theo từ gốc tức là piyasuññakaraṇā, nhưng pisuṇā được trình bày bằng từ ngữ văn phạm bỏ bớt từ ra chỉ còn lại pisuṇā.

    Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Piyaṃ suññaṃ karotīti = pisuṇā" "Lời nói nào luôn làm cho mình được thương mến làm cho người khác tiêu mất sự thương mến, lời nói đó gọi là lời nói đâm thọc (pisuṇā)".

    Như ông Đen và ông Trắng đang thuận hòa thương mến nhau. Ông Đỏ không hài lòng muốn cho ông Đen thương mến mình mà ghét bỏ ông Trắng. Mới kiếm chuyện xúi giục ông Đen bằng cách phao vu cho ông Trắng có hằng hà điều xấu, cho đến khi ông Đen hiểu lầm tin theo nghĩ rằng: "Ông Đỏ có thể đem đến điều tốt cho mình" nên ghét bỏ ông Trắng trở lại thương mến ông Đỏ.

    Như vậy lời nói của ông Đỏ là lời nói đâm thọc.

    *

    CHI PHẦN CỦA LỜI NÓI ĐÂM THỌC CÓ BỐN

    1- Bhinditabbo: Người bị làm cho chia rẽ.

    2- Bhedapurakkhāro: Chủ tâm làm cho chia rẽ.

    3- Payoga: Gắng sức làm cho chia rẽ.

    4- Tadattha jānanam: Người nghe hiểu được ý nghĩa đó.

    Như kệ ngôn trình bày sau:

    Pisuṇāya bhinditabbo Tappurapiyakamyatā

    Vāyāmo jānanaṃ catu Bhinne kammapatho bhave

    Nghĩa là: Chi của lời nói đâm thọc có 4:

    - Người bị làm cho chia rẽ.

    - Chủ tâm làm cho chia rẽ và có dụng ý làm cho người thương mến mình.

    - Gắng sức làm cho chia rẽ.

    - Người nghe hiểu biết được ý nghĩa đó.

    Khi người bị đâm thọc bị phân ly nhau, như vậy là phạm vào nghiệp đạo. Trong kệ ngôn trình bày đến chi thứ hai rằng: "Tappurapiyakamyatà" tức chủ tâm làm cho chia rẽ và có dụng ý làm cho người thương mến mình. Sự chủ tâm làm cho chia rẽ là điều chánh yếu, còn dụng ý làm cho người thương mến mình là điều phụ mà trình bày cho thấy rằng: "Một số người nói đâm thọc cũng có và một số người dụng ý làm cho người thương mến mình cũng có".

    Đối với sự gắng sức có hai loại:

    - Gắng sức bằng thân.

    - Gắng sức bằng ngữ.

    Gắng sức bằng thân tức đâm thọc bằng thân như biểu lộ hành vi điệu bộ cho người đối diện hiểu ý mình: Như có một cặp vợ chồng, lúc người chồng đi làm thì người vợ lén đi cờ bạc nơi nhà hàng xóm. Khi người chồng đi làm về không thấy vợ thì hỏi họ hàng ở chung nhà với mình. Do không thích người vợ bèn dùng cử chỉ điệu bộ cho biết người vợ đi cờ bạc bên nhà hàng xóm để người chồng biết được không hài lòng với vợ. Khi người vợ trở về thì nẩy sanh cải vả rạn nứt với nhau. Sự biểu lộ điệu bộ đâm thọc như vậy gọi là đâm thọc bằng thân.

    Gắng sức bằng ngữ tức đâm thọc bằng lời nói làm cho hai bên nẩy sanh rạn nứt với nhau: Như trong một ngôi làng có cặp vợ chồng rất mực yêu thương nhau. Người chồng là dân miền Đông Bắc; người vợ là dân miền Nam. Nhóm nữ nhân trong làng khởi lên sự ganh tỵ hạnh phúc của hai người mới cùng nhau mưu tính làm cho đôi vợ chồng đó phải rời xa nhau. Họ bèn dựng chuyện nói với người chồng rằng: "Vợ của anh là ma lai, vào lúc nữa đêm khi anh ngon giấc thì vợ của anh thức dậy đi kiếm vật thực. Trước khi đi thì cô ta nhẹ nhàng bước qua mình anh để anh khỏi phát hiện hằng đêm nàng đều làm như thế". Khi nhóm nữ nhân gặp vợ người đàn ông đó cũng bịa đặt nói rằng: "Chồng của chị không phải là người bình thường, người dân ở miền Đông Bắc đã thuật rằng chồng của chị là ma lai. Nếu không tin chị hãy lén sờ vào mông của chồng chị thì sẽ thấy một cái đuôi ngắn nhô lên". Khi cả hai nghe như vậy rồi mỗi người đều tìm cách xác minh sự thật. Vào một đêm, cả hai vợ chồng đều giả vờ ngủ. Tưởng chồng đã ngủ say liền đứng dậy với ra tay sau mông chồng, còn người chồng hoảng hốt tưởng vợ mình là ma lai đang bước qua mình thì đưa chân đạp nàng văng ra. Người vợ nổi giận đứng dậy mắng chửi chồng là ma lai. Người chồng cũng rủa vợ là ma lai. Hậu quả cuối cùng là hai người phải chia tay bởi tin vào lời nói đâm thọc của nhóm nữ nhân trong làng.

    Người nói đâm thọc không dụng ý làm cho người chồng yêu thương mình và nội dung lời nói đó cũng không thật. Vì vậy, nhóm nữ nhân đó coi như phạm vào nghiệp đạo vì người bị nói đâm thọc chia lìa nhau. Sự nói đâm thọc này cho dù đầy đủ 4 chi nhưng nếu người bị đâm thọc không chia rẽ nhau mà vẫn còn có thể hài hòa thân tâm thì người đó không phạm vào nghiệp đạo.

    Như Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa đã trình bày trong sớ giải Aṭṭhasālinī rằng: "Pare pana abhinne kammapathabhedo natthi bhinnēva" "Cho dù hội đủ 4 chi đi nữa nhưng nếu người khác chưa bị chia rẽ nhau thì không phạm vào nghiệp đạo".

    *

    PHÂN TÍCH NÓI ĐÂM THỌC THUỘC APPASĀVAJJA & MAHĀSĀVAJJA

    Nếu người bị đâm thọc chia ly nhau là người không có giới đức thì người nói đâm thọc có tội ít (appasāvajja). Nếu người bị đâm thọc là người có giới đức thì người nói đâm thọc có tội nhiều (mahāsāvajja).

    Kết thúc phần thích giải về nói đâm thọc

    *

    PHARUSAVĀCĀ: NÓI THÔ TỤC

    Từ: "Pharusavācā" khi phân ra được hai từ: Pharusa + Vācā. Pharusa: thô tục, Vācà: lời nói. Khi gom lại thành Pharusavāca là lời nói thô tục như chửi mắng nguyền rủa như được trình bày định nghĩa sau:

    "Pharusaṃ karotīti: pharusā" Lời nói nào thường làm cho thô tục, lời nói đó gọi là nói thô tục (bao gồm sự chửi mắng và nguyền rủa …). Nói theo chi pháp: Tư câu sanh trong sân làm việc cho sự chửi mắng và nguyền rủa.

    Từ: "Pharusā" nói theo định nghĩa đã trình bày là: "Pharusaṃ karotīti: pharusakaraṇā" nhưng bỏ từ "karaṇā" ra theo phương pháp từ ngữ văn phạm, nên còn lại "Pharusā".

    Một lý khác nữa: Từ "Pharusavācā" phân ra được 3 từ là: Phara + Usa + Vācā . Phara: Lan rộng, Usa: Nhiệt não, Vācā: Lời nói. Khi gom lại thành "Pharusavācā" tức lời nói làm cho nhiệt não lan rộng. Như định nghĩa được trình bày: "Hadayaṃ pharamānā usati dahātīti: Pharusā". Lời nói nào làm cho tâm lan rộng nhiệt não, lời nói đó gọi là lời nói thô tục.

    "Pharusā ca sā vācā cāti: Pharusavācā". "Dùng lời nói có tính chất thô tục - vì vậy gọi là nói thô tục". Hoặc một lý khác theo định nghĩa thứ hai: "Luôn làm cho tâm nhiệt não lan rộng bởi lời nói, do đó gọi là lời nói thô tục".

    Lời nói có tính chất thô tục khi người nghe rồi không lặng thinh chịu đựng được. Ám chỉ làm cho tâm người khác bất an giống như người bị cưa tay cưa chân. Vì vậy lời mắng chửi hoặc nguyền rủa mới gọi là lời nói thô tục. Đây là đề cập theo cách trực tiếp (mukhanaya). Nếu đề cập theo cách gián tiếp (phalùpacàranaya) thì chủ tâm (sở hữu tư) sân hận gọi là lời nói thô tục. Vì chủ tâm sân hận này là nguyên nhân của sự mắng chửi còn nguyền rủa là quả. Và lấy từ " Pharusà" là tên của lời nói thô tục vào kết hợp chúng với chủ tâm sân hận thì gọi chủ tâm sân hận là lời nói thô tục.

    *

    CHI CỦA LỜI NÓI THÔ TỤC CÓ BA

    1. Kopo: Có sự nóng giận.

    2. Upakuṭṭho: Có người bị mắng chửi.

    3. Akkosanā: Thốt ra lời mắng chửi.

    Như kệ ngôn được trình bày sau:

    Pharusāya tayo kopo Upakuṭṭho akkosanā

    Mammacchedakarā taggha Pharusā pharusā matā

    Nghĩa là: Chi của nói thô tục có 3:

    1- Có sự nóng giận.

    2- Có người bị mắng chửi.

    3- Thốt ra lời mắng chửi.

    Bậc hiền trí nên hiểu chủ tâm nói thô tục làm cho người nghe đau lòng. Giống như mụt nhọt đang cương mủ bị va chạm vỡ bể ra như thế nào, thì lời nói thô tục cũng như thế đó.

    Từ: "Mammacchedakarā" là "Từ" trình bày ý nghĩa cho biết rằng loại Tư này là loại Tư thô tục. Cho dù lời nói đó là lời nói nhẹ nhàng đi nữa, nhưng đã có chủ ý thô tục rồi thì lời nói đó cũng được liệt vào là lời nói thô tục. Ví dụ như viên chánh án kết án tử hình phạm nhân dù trong lúc nói có dùng lời nói lịch thiệp, và vẻ mặt thân thương. Nhưng chủ yếu nhắm đến sự tử hình nên được liệt vào Tư loại thô tục. Vì vậy lời tuyên bố đó thành tựu nghiệp đạo thuộc lời nói thô tục.

    Trong sớ giải Aṭṭhasālinī Ngài đề cập rằng: Cha mẹ chửi rủa con hay thầy tổ rầy la học trò với hy vọng cho được hoàn thiện mà không có chủ tâm độc ác; thì lời nói đó không được liệt vào lời nói thô tục.

    Ví dụ như bà mẹ ngăn cấm đứa con trai không được đi dạo chơi trong rừng, nhưng đứa con không vâng lời mà còn cưỡng lại đi cho bằng được. Bà mẹ mới rủa rằng: "Nếu ngươi cãi lời mà đi, thì xin cho ngươi bị trâu rừng húc chết đi!". Lời nguyền rủa của người mẹ chỉ là lời nói do ảnh hưởng của sự không hài lòng.

    Do đó, không được liệt vào lời nói thô tục.

    Ngài A xà lê Ñìkà đề cập rằng lời chửi rủa của cha mẹ, thầy tổ nếu thốt ra bằng sự sân hận thật sự thì cũng được liệt vào lời nói thô tục, vì đủ 3 chi nhưng có tội ít.

    Một số Ngài A xà lê đề cập rằng: Sự nói thô tục này phải nói ngay trước mặt người bị chửi rủa mới thành tựu nghiệp đạo. Nhưng trong hậu sớ giải Trường Bộ Kinh và hậu sớ giải Trung Bộ Kinh đề cập rằng: Sự nói thô tục cho dù người bị chửi rủa không có ngay trước mặt hoặc đã chết thì sự nói đó cũng thành tựu nghiệp đạo. Bằng cách dẫn chứng rằng: Người nhỏ mà nói xúc phạm đến người lớn như cha, mẹ, thầy tổ… Sau đó, người ấy nhận thức được sai phạm của mình mới xin sám hối. Cho dù các vị đó không có ngay trước mặt hoặc đã chết đi nữa thì sự sám hối của người đó cũng được kết quả lợi ích. Tức tội đó được diệt đi và trở thành vô hiệu nghiệp. Chính sự sám hối mà không có người bị chửi rủa ngay trước mặt có được kết quả lợi ích như thế . Nên sự nói nói thô tục mà không có người bị chửi rủa ngay trước mặt cũng vẫn thành tựu nghiệp đạo được.

    *

    TRÌNH BÀY 10 AKKOSAVATTHU

    Trong chi thứ 3 thốt ra lời chửi rủa (akkosanā). Học viên nên hiểu rằng cứ điểm của sự chửi rủa (vattthu) gọi là căn nguyên của sự chửi rủa (akkosavatthu) có 10 loại:

    Jāti nāma gotta kammaṃ Sippaṃ ābādha liṇgikaṃ

    Kilesāpatti akkoso Dasamomasavādakā

    *

    Lời chửi rủa có 10 loại:

    1- Sanh chủng: Thượng lưu, hạ cấp.

    2- Danh giá: Tôn (danh), tiện (danh).

    3- Dòng dỏi: Cao quí, thấp hèn.

    4- Hành vi: Tiểu nhân, quân tử.

    5- Nghề nghiệp: Cao cấp, thấp hèn.

    6- Bệnh tật: Thiểu bệnh, trọng bệnh.

    7- Hình tướng: Thô tướng, hảo tướng.

    8- Phiền não: Hạ liệt.

    9- Phạm tội: Khinh, trọng.

    10- Lời chửi rủa: Nhẹ nhàng, nặng nề.

    1- Jati (sanh chủng): Lời chửi rủa liên quan đến sanh chủng hạ cấp. Như chửi rủa thứ quân đen, đầy tớ, ăn mày, du thủ...

    Lời chửi rủa liên quan đến sanh chủng thượng lưu. Như nói khích bác rằng: "Bậc nguỵ quân tử, bậc đại phú…

    2- Nāma (danh): Lời chửi rủa liên quan đến tiện danh. Như thằng ngốc, thằng trâu bò, thằng chết tiệt…

    Lời chửi rủa liên quan đến tôn danh. Như làm bộ gọi là mệnh phụ phu nhân, ông quan nhỏ…

    3- Gotta (dòng giống): Lời chửi rủa liên quan đến dòng giống thấp hèn. Như dòng giống đầu trộm đuôi cướp, dòng giống lường gạt, dòng giống ti tiện….

    Lời chửi rủa liên quan đến dòng giống cao quí. Như nói móc rằng: "Dòng giống gia chủ, dòng giống trưởng giả…".

    4- Kammaṃ (hành vi): Lời chửi rủa liên quan đến hành vi tiểu nhân. Như tên trộm cắp, thằng lường gạt, kẻ cướp quịt…

    Lời chửi rủa liên quan đến hành vi giả danh quân tử . Như đạo đức giả, trí thức dỏm, đội lớp hiền triết …

    5- Sippaṃ (nghề nghiệp): Lời chửi rủa liên quan đến nghề nghiệp thấp kém. Như nghề lái xe, nghề hớt tóc, nghề làm lu…

    Lời chửi rủa liên quan đến nghề nghiệp cao cấp. Như nghề tướng số, nghề thầy thuốc, nghề thầy giáo…

    6-Ābādha (bệnh tật): Lời chửi rủa liên quan đến bệnh nhẹ. Như bệnh ghẻ, bệnh lác, bệnh lan ben…

    Lời chửi rủa liên quan đến bệnh nặng. Như bệnh thần kinh, bệnh lao, bệnh tim, bệnh bao tử…

    7- Lingikaṃ (hình tướng): Lời chửi rủa liên quan đến thô tướng. Như mập, ốm, cao, gù lưng…

    Lời chửi rủa liên quan đến hảo tướng. Như xinh đẹp, kiều diễm, duyên dáng, oai vệ, hùng dũng…

    8- Kilesa (phiền não): Lời chửi rủa liên quan đến phiền não chỉ duy nhất loại hạ liệt. Như chửi rằng: "Đồ sân hận, đồ ganh tị bỏn xẻn, đồ tham dục có nhiều tà kiến ngã mạn…

    9- Āpatti (phạm tội): Lời chửi rủa liên quan đến trọng tội. Như chửi rằng: "Đồ bất cộng trụ, đồ tăng tàng…

    Lời chửi rủa liên quan đến khinh tội. Như đồ phạm ưng đối trị, đồ phạm tác ác…

    10- Akkosa (thô ngữ): Lời chửi rủa nặng nề tức dùng lời thô tục sai khác. Như chửi cha, mắng mẹ…

    Lời chửi rủa nhẹ nhàng. Như đồ xấu xa, đồ hạ tiện, đồ súc sinh…

    Gắng sức nói thô tục có 2 loại

    1. Kāyapayoga: Nói lời thô tục bằng thân.

    2. Vacīpayoga: Nói lời thô tục bằng ngữ.

    - Nói lời thô tục bằng ngữ thường hiển lộ rõ ràng.

    - Còn nói lời thô tục bằng thân như viết vào giấy để chửi rủa hoặc biểu lộ hành vi thô thiển như làm cho người thấy sanh khởi sân hận, hổ thẹn, bất an.

    *

    PHÂN TÍCH LỜI NÓI THÔ TỤC THUỘC APPASĀVAJJA & MAHĀSA

    - Sự chửi rủa bậc có ân đức nuôi dưỡng cha, mẹ, thầy tổ hoặc người có giới đức thì có tội nhiều.

    - Nếu người bị chửi rủa là người không có giới đức có tội ít.

    Kết thúc phần thích giải về nói thô tục

    *

    SAMPHAPPALĀPA: NÓI VÔ ÍCH

    Từ: "Samphappalāpa" này phân ra hành 2 từ: Sampha + palāpa Ṣampha: Hủy diệt lợi ích và an lạc, Palāpa: Sự thốt ra. Khi gom lại thành "Samphappalāpa" Nghĩa là sự thốt ra lời nói hủy diệt lợi ích và an lạc.

    Được trình bày định nghĩa như sau: "Samhitasukhaṃ phalati vināsetīti: Samphaṃ". "Lời nói nào thường hủy diệt đi lợi ích và an lạc, lời nói đó gọi là lời nói vô ích".

    "Saṃ pubba phala dhātu kavi paccaya". Saṃ (tiền vị ngữ). Phala (ngữ căn). Kavi (biến cách), xoá từ "la" và "kavi" thì trở thành Samphaṃ.

    Samphaṃ panapanta etenāti: Samphappalāpo "Thốt ra lời nói hủy diệt đi lợi ích và an lạc. Do đó, gọi là lời nói vô ích".

    Sự thốt ra lời nói vô ích ám chỉ đến nói chuyện tào lao vớ vẩn không thực tế. Như kể chuyện phim ảnh, ca kịch, cải lương hoặc kể về tài tử đóng phim, nghệ sĩ diễn kịch và ca cải lương hoặc kể chuyện khôi hài, tác giả viết truyện giải trí. Những việc này được liệt vào lời nói vô ích bởi vì không đem đến lợi ích cho người nghe, người đọc. Chỉ làm cho mê say thích thú tạm thời thôi; kể cả việc lợi ích cũng không làm được nếu như được thì cũng làm cho tiêu mất.

    Chi pháp của nói vô ích là Tư bất thiện làm nhân cho thốt ra lời nói vô ích, khi đã thốt ra lời thì trở thành quả.

    Nhưng nêu lên từ Samphappalāpa là tên gọi của sở hữu tư để gọi tên theo duyên sự (kāranupacāranaya).

    CHI CỦA LỜI NÓI VÔ ÍCH CÓ HAI

    1. Nirathakathāpurakkhāro: Chủ tâm thốt ra lời nói vô ích.

    2. Kathanaṃ: Đã thốt ra lời nói vô ích.

    Như kệ ngôn trình bày sau:

    Samphassa niratthakathā Puratā kathanaṃ duse

    Parena gahiteyeva Hoti kammapatho na no

    Cả hai chi của lời nói vô ích:

    1. Chủ tâm thốt ra lời nói vô ích.

    2. Đã thốt ra lời nói vô ích.

    Khi người nghe hoặc người đọc tin theo lời nói đó thì thành tựu nghiệp đạo. Nếu người nghe và người đọc không tin theo thì lời nói đó không thành tựu nghiệp đạo, mà chỉ là lời nói vô ích.

    Thích giải: Trong kệ ngôn đề cập rằng "Niratthakathāpurakkharo" Ám chỉ sự việc không thật. Như người nói hoặc người sáng tác (tác giả) chủ tâm dàn dựng sự việc lên để người nghe, người đọc lầm tưởng say mê tin theo chủ ý của mình, đưa đến sự mất lợi ích. Như vậy, lời nói của người này được liệt vào lời nói vô ích. Cho dù sự việc không thật đi nữa mà người nói hoặc sáng tác nêu lên để dẫn chứng trong việc học tập giảng dạy hay cho người nghe dể hiểu; thì lời nói này không được liệt vào lời nói vô ích. Nếu vấn đề được nói ra là sự thật nhưng người nghe hoặc người đọc không nhận được lợi ích nào, thì chẳng khác gì người nói ra đó đọc tin tức cho nghe, hoặc viết phóng sự cho đọc. Nên lời nói của người đó không liệt vào lời nói vô ích.

    Hỏi: Người nói chuyện khôi hài, tiếu lâm, kể chuyện tào lao vớ vẩn không có sự thật, như vậy lời nói này có được liệt vào nói dối hay không?

    Đáp: Không được liệt vào lời nói dối vì người đó không chủ tâm nói dối mà chỉ là nói nhảm nhí. Nhưng nếu có sự chủ tâm nói dối và người nghe hiểu lầm tin theo thì được liệt vào nói dối.

    Lời nói được liệt vào trong "Nirathakathā" tức lời nói không lợi ích cốt lỏi có 32. Gọi là 32 câu chuyện phiếm luận (tiracchānakathā) mà Đức Phật đã thuyết trong kinh Sa Môn Quả (samaññaphala) của phẩm giới uẩn.

    1. Rājakathaṃ: Nói về các câu chuyện liên quan đến Sát Đế Lỵ cho đến hoàng tộc.

    2. Corakathaṃ: Nói các câu chuyện về trộm cướp.

    3. Mahāmattakathaṃ: Nói chuyện về quân sự của đức vua là vị nhiếp chánh.

    4. Senākathaṃ: Nói chuyện về binh đội cảnh vệ.

    5. Bhayakathaṃ: Nói chuyện về các sự kinh hải.

    6. Yuddhakathaṃ: Nói chuyện về chiến lược.

    7. Anankathaṃ: Nói chuyện về các thứ vật thực như cơm và thức ăn…

    8. Pānakathaṃ: Nói chuyện về các thức uống.

    9. Vatthakathaṃ: Nói chuyện về các thứ vải vóc, y phục.

    10. Sayanakathaṃ: Nói chuyện về chổ ngủ.

    11. Mālākathaṃ: Nói chuyện về các thứ bông hoa.

    12. Gandhakathaṃ: Nóichuyện về các mùi thơm.

    13. Ñaṭikathaṃ: Nói chuyện về dòng họ quyến thuộc.

    14. Yānakathaṃ: Nói chuyện về các thứ xe cộ chuyên chở…

    15. Gāmakathaṃ: Nói chuyện về thôn xóm.

    16. Nigāmakathaṃ: Nói chuyện về làng mạc.

    17. Nagarakathaṃ: Nói chuyện về các tỉnh lỵ.

    18. Janapadakathaṃ: Nói các chuyện về thôn quê.

    19. Itthikathaṃ: Nói chuyện về nữ nhân.

    20. Purisakathaṃ: Nói chuyện về nam nhân.

    21. Kumarakathaṃ: Nói chuyện về thanh niên.

    22. Kumarīkathaṃ: Nói chuyện về thiếu nữ.

    23. Surakathaṃ: Nói chuyện về sự dũng cảm.

    24. Visikhākathaṃ: Nói chuyện về các con đường lộ.

    25. Kumbhaṭṭhānakathaṃ: Nói chuyện về các bến cảng.

    26. Pubbapetakathaṃ: Nói chuyện về quyến thuộc đã qua đời.

    27. Nānattakathaṃ: Nói về trăm thể loại chuyện.

    28. Lokakkhāyikaṃ: Nói chuyện về thế gian và người sáng tạo thế gian.

    29. Samuddakkhāyikaṃ: Nói chuyện về đại dương và người sáng tạo đại dương.

    30. Itivabhābhāvakathaṃ: Nói chuyện về sự phát triển và lạc hậu.

    31. Araññakathaṃ: Nói các chuyện về rừng.

    32. Pubbatakathaṃ: Nói các chuyện về núi.

    Lời nói không cốt lỏi, không lợi ích gọi là lời nói vô ích (samphappalāpa). Phần nhiều hiển lộ nơi nhóm người vui chơi giải trí như xem phim, xem ca kịch… và tác giả viết các truyện đọc khôi hài mà không có đạo đức nào cả. Nếu nói theo Phật Giáo trong kinh Tương Ưng Bộ phẩm Tương Ưng Xứ (Saḷāyatanasaṃyutta). Thì nhóm người này khi mệnh chung thường sanh vào địa ngục Hý Tiếu (pahāsaniraya) là một phần của đại địa ngục vô gián. Do đó, Đức Thế Tôn hằng phán dạy cho chư Thinh Văn rằng: "Dvinnaṃ vo bhikkhave sannipatitānaṃ dvāyaṃ karaṇīyaṃ dhammī vā kathā tuṇhībhāvo và". "Này các tỳ kheo! Khi các ngươi giữa hai người gặp nhau thì nên thực hành hai cách, tức chỉ nói đến những lời liên hệ đến pháp hoặc bằng không như vậy thì hãy im lặng".

    Trong chi thứ hai đề cập rằng: "Kathanaṃ" Là trình bày đến hành động ám chỉ duy nhất đến ngữ hành; nhưng nếu dùng viết ghi các lời nói đó thì thuộc thân hành. Nhưng phần nhiều sự nói vô ích này đều sanh lên bằng đường ngữ môn. Do đó, Ngài A xà lê sớ giải mới trình bày chi thứ hai là: "Kathanaṃ" Tức thốt ra lời, và nếu tóm tắc hành động nói vô ích thì có hai là ngữ hành và thân hành.

    *

    TRÌNH BÀY NÓI VÔ ÍCH THUỘC APPASĀVAJJA & MAHĀSĀVAJJA

    Người thường xuyên nói lời vô ích thì được liệt vào tội nhiều (mahāsāvajja) còn người thỉnh thoảng nói lời vô ích thì được liệt vào tội ít (appasāvajja).

    Thích giải điều thứ 7 trong Pāli rằng: Vacī viññatthisaṇkhāte vacīdvādvāre bahullavuttito vacīkammaṃ nāma".

    1. Nói dối.

    2.Nói đâm thọc.

    3. Nói thô tục.

    4. Nói vô ích.

    Cả 4 loại này gọi là ngữ nghiệp vì sanh lên từ ngữ môn. Tức phần nhiều là ngữ biểu tri.

    Từ "ngữ môn" trong nơi đây ám chỉ ngữ biểu tri. Do đó, Ngài A xà lê Anuruddha mới trình bày thành câu đặc biệt "Vacīviññatisaṇkhāte". Từ "ngữ" trong ngữ nghiệp là cử chỉ biểu lộ của miệng tức "sự nói" hay thường gọi chung là "lời nói".

    *

    Ngữ có 4 loại

    1. Saddavācā: Âm thanh nói ra.

    2. Virativācā: Tránh xa ngữ ác hạnh.

    3. Cetanāvācā: Tư làm cho sắc ngữ biểu tri sanh lên.

    4. Copanavācā: Cử chỉ biểu lộ riêng biệt trong lời nói có thể làm cho người nghe biết được ý muốn của mình.

    Cả 4 lời nói này thì "copanavācā" là ngữ biểu tri. Sắc biểu tri này là cánh cửa sanh lên của 4 ngữ nghiệp còn là nhân làm cho thành tựu 4 ngữ nghiệp như nói dối… Do đó, ngữ biểu tri này mới được gọi là ngữ môn.

    Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Vācāeva dvāraṃ: Vacīdvāraṃ". Chính ngữ biểu tri này là môn nên gọi là ngữ môn; và phần nhiều sanh lên bằng ngữ môn nên gọi là ngữ nghiệp.

    Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Vācīdvāre yebhuyyeṇa pavattaṃ kammanti = Vacīkammaṃ". Hầu như nghiệp sanh lên từ ngữ môn mới gọi là ngữ nghiệp.

    Trong cả 4 ngữ ác hạnh đều sanh lên từ thân môn. Như viết thành sách hoặc biểu lộ hành vi, dáng điệu theo hàm ý đó. Nhưng cho dù sanh lên từ thân môn đi nữa cũng không gọi là thân nghiệp. Vì hầu hết sanh lên bằng đường ngữ môn bởi gọi tên theo quan điểm đại chúng "Tabbāhullanaya".

    Do đó, Ngài A xà lê Anuruddha mới dùng từ "Bahullavuttito" tức gọi là ngữ nghiệp vì hầu như sanh lên từ ngữ môn.

    Kết thúc phần thích giải về ngữ ác hạnh

    *

    THÍCH GIẢI BA Ý NGHIỆP

    ABHIJJHĀ: THAM ÁC

    Từ: "Abhijjhā" này là: Abhi: Tiếp đầu ngữ. Jhe: Ngữ căn. Abhi: Nhắm vào. Jhe: Suy tính đến. Khi gom lại thành "Abhijjhā" Tức suy tính nhắm vào, ám chỉ suy tính nhắm vào tài sản của người khác.

    Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Parasampatta abhimukhaṃ jhāyatīti = abhijjhā" Pháp chủng nào suy tính nhắm vào tài sản của người khác, pháp chủng đó gọi là Tham Ác. Có chi pháp là sở hữu Tham.

    *

    Tham có 2 loại

    1. Dhammiyalobha: Sự thỏa thích muốn được bằng cách đúng pháp.

    2. Adhammiyalobha: Sự thỏa thích muốn được bằng cách phi pháp.

    Riêng đối với Tham thuộc Tham Ác (abhijjhà) thì ở trong nhóm Tham Phi Pháp (adhammiyalobha).

    Thông thường con người khi gặp cảnh tốt như sắc, thinh, hương, vị, xúc… thì thường có sự thỏa thích muốn được cảnh đó. Nhưng sự thỏa thích của nhóm người đó phân ra thành 2 loại:

    - Một loại người khi đã muốn được vật đó thì gắng sức tìm kiếm cho được bằng thiện hạnh. Như mua, trao đổi hai chìu hay xin. Sự thỏa thích tham muốn của loại người này được liệt vào Tham Đúng Pháp (dhammiyalobha) không phải là Tham Ác (abhijjhā).

    - Một loại người khác, khi đã muốn một vật nào thì nhắm vào vật mình muốn đó cũng cố làm cho trở thành sở hữu của mình, nhưng bằng cách phi pháp. Như không mua, không xin cũng không trao đổi mà chỉ suy tính lấy cho được vật đó mà không phải tốn kém dù chỉ là chút ít, bằng cách trộm, lừa, gạt… Sự thỏa thích tham muốn của loại người này được liệt vào Tham Phi Pháp (adhammiyalobha) tức hiện thân của Tham Ác.

    Nếu nhận xét sẽ thấy khi hiện thân của Tham Ác vào thống trị người nào rồi. Thì thường làm cho tâm của người đó khởi sanh tham muốn tài sản của người khác mà họ đã kiếm được bằng sự cần cù làm việc, cơ cực tích góp; đem về làm nhu cầu cho mình mà không phải mất chi cả. Bởi do không nghĩ đến nổi đau lòng của người bị mất mát. Người có tâm suy tính như vậy dù chưa khởi sự cướp đoạt, lừa gạt, uy hiếp, cưỡng ép chủ tài sản đó đi nữa; thì cũng liệt sự suy tính này vào thành pháp đáng ghê sợ, đáng hổ thẹn. Người bị tham ác thống trị cũng có thể suy nghĩ, phân biệt đúng sai, nhưng không biết ghê sợ và hổ thẹn mà thôi.

    Vì thế, Ngài A xà lê Paramatthadīpanīṭīkā mới trình bày định nghĩa của tham ác (Abhijjā) rằng:

    "Abhijjhāyanti assādamatte aṭhatvā parabhaṇḍassa attano pariṇāmanavasena etāyāti: abhijjhā". Người không biết dừng lại chỉ luôn tìm cách nhắm vào tài sản của người khác về làm thành sở hữu của mình bằng pháp nào, pháp làm nhân cho việc suy tính đó gọi là Tham Ác.

    *

    Chi của tham ác có 2 loại

    1. Parabhaṇḍa: Tài sản của người khác.

    2. Atthanopariṇāmanaṃ: Có tâm suy tính làm cho trở thành sở hữu của mình.

    Trong chi thứ nhất đề cập rằng: "Parabhaṇḍa", tài sản của người khác.Trong nơi đây ám chỉ đến tài sản vô thức và tài sản hữu thức. Như gia súc hoặc người nam nô lệ, nữ nô lệ, nữ nhân có chồng, có vị hôn phu mà thôi, điều ngoài ra không được liệt vào "Parabhaṇḍa". Do đó, 8 hạng nữ nhân như có mẹ bảo hộ… pháp luật bảo hộ. Nhóm này khi được nam nhân nào vừa ý suy tính muốn cưới về làm vợ của mình thì sự suy tính này không liệt vào tham ác hạnh…

    Lại nữa, thanh niên Soreyya có tư duy bất thiện đối với Ngài Mahākaccāyana, bằng tư duy rằng: "Nếu Ngài biến thành vợ của ta hoặc vợ của ta có dáng vóc giống như Ngài thì hạnh phúc biết bao!". Khi thanh niên Soreyya có tư duy bất thiện như vậy bất thần sắc tướng nam của chàng cũng biến mất, chuyển đổi thành sắc nữ tướng. Điều tư duy bất thiện của thanh niên Soreyya này được liệt vào tham ác, nhưng không phạm vào nghiệp đạo. Vì đối tượng mà chàng nhắm đến không thuộc nhóm "Parabhaṇḍa" nên chỉ gặt quả xấu bằng cách bị biến đổi giới tính do ảnh hưởng của việc tư duy xúc phạm bất kính đối với bậc Vô Lậu mà thôi .

    Kết thúc phần thích giải về tham ác

    *

    BYĀPĀDA: SÂN ÁC

    Từ: "Byāpāda" này là Vi. À là tiền vị ngữ. Pada là ngữ căn. Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Byāpajjati hitasukhaṃ etenāti: Byāpādo" "Sự lợi ích và an lạc bị tổn thất do sân nào thì sân đó được gọi là sân ác".

    Thích giải: Sự nóng giận không vừa lòng hiện hữu thông thường chưa được liệt vào ý ác hạnh chỉ là sân độc thân phược (byāpādakāyagandha). Còn sân thuộc sân ý ác hạnh (byāpādamanoducarita) là sân loại thô bạo như mưu hại người khác, muốn hủy diệt lợi ích và an lạc của người khác. Như một khi giận người nào rồi thì mưu tính trong tâm làm cách nào cho người đó điêu đứng tan nát hoặc suy tính cách trù dập cho người đó bị tổn hại… sân loại này được liệt vào sân ý ác hạnh.

    Chi của sân ác có 2

    1. Parasatto: Có người khác.

    2. Vināsacinta: Suy tính làm cho tổn hại.

    Nếu đủ 2 chi trên thì sân phát khởi đó coi như phạm vào nghiệp đạo thuộc ý ác hạnh. Nếu suy tính tự hủy diệt mình thì không phạm vào nghiệp đạo vì thiếu chi thứ nhất "Parasatto". Như có kệ ngôn trình bày về chi của tham ác và sân ác rằng:

    Dvebhijjhāya parabhaṇḍaṃ Attano pariṇāmanaṃ

    Byāpādassa parasatto Tassa vināsacintanaṃ

    Nghĩa là:

    Chi của tham ác có 2:

    1.Tài sản của người khác.

    2. Có tâm mưu tính muốn đoạt làm thành sở hữu của mình bằng cách phi pháp.

    Chi của sân ác có 2:

    1. Có người khác.

    2. Suy tính làm cho tổn hại.

    Sự khác biệt giữa ác tâm liên quan đến sát sanh và sân ác

    - Ác tâm (vadhakacetanā) thuộc sát sanh là chủ tâm bằng thân được liệt vào phiền não thô.

    - Ác tâm thuộc sân ác là chủ tâm bằng ý được liệt vào phiền não tế.

    Trình bày tác hại của sân ác thuộc Mahāsāvajja & Appasāvaja

    Nếu sân ác mưu hại người có giới đức, định đức, tuệ đức thì có tội nhiều (mahāsāvajja). Nếu sân ác mưu tính hại người không có giới đức, định đức, tuệ đức hoặc thỉnh thoảng có chút ít thì có tội ít (appasāvajja).

    Kết thúc phần thích giải về sân ác

    *

    MICCHĀDIṬṬHI: TÀ KIẾN

    Từ: "Micchādiṭṭhi". Khi phân ra thì được 2 từ Micchā + Diṭṭhi. Micchā: Trái ngược diṭṭhi: Thấy. Khi gom lại thành Micchādiṭṭhi tức sự thấy trái ngược, ám chỉ sự thấy sai lệch với sự thật. Như định nghĩa được trình bày sau:

    "Micchā passatīti = Micchādiṭṭhi"Pháp chủng nào thường thấy trái ngược sai lệch sự thật, pháp chủng đó gọi là tà kiến (sở hữu tà kiến).

    Thường nhiên sở hữu tà kiến này, có thực tánh thấy sai lệch sự thật. Người có tà kiến thường không có đức tin, không tin tưởng lời chỉ dạy của các bậc chân nhân và các bậc hiền trí hay thực hành trái ngược lại những lời chỉ dạy đó.

    Nếu đề cập rộng về tà kiến thì có nhiều loại như: 20 thân kiến tức chấp thủ 1 trong 5 uẩn là ta…; 62 tà kiến trình bày trong Kinh Phạm Võng phẩm giới uẩn; 3 tà kiến nhất định trình bày trong kinh Sa Môn Quả của phẩm giới uẩn. Nhưng tà kiến đề cập trong ý ác hạnh này ám chỉ 3 tà kiến nhất định làm cho thành tựu nghiệp đạo, còn tà kiến khác chỉ là tà kiến thông thường mà thôi.

    *

    Chi của tà kiến có 2 loại

    1. Atthaviparītatā: Chấp thủ điều sai lệch sự thật.

    2. Tathābhāvupaṭṭhānaṃ: Có quan kiến cho là thật.

    Nếu đủ 2 chi thì tà kiến coi như phạm vào nghiệp đạo thuộc ý ác hạnh. Như kệ ngôn được trình bày sau:

    Diṭṭhiyā duve sambhārā Vatthuto viparītatā

    Tathābhāvenupaṭṭhānaṃ Kammapatho tiheva ca

    Nghĩa là: Chi của tà kiến có 2:

    1. Chấp thủ điều sai lệch sự thật.

    2. Có quan kiến cho là thật.

    Tà kiến phạm vào nghiệp đạo là tà kiến của 3 loại tà kiến nhất định mà thôi.

    *

    Tà kiến nhất định có 3

    1. Vô hữu kiến (natthikadiṭṭhi): Có quan kiến rằng: "Làm thế nào đi nữa cũng không nhận được quả".

    2. Vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi): Có quan kiến rằng: "Tất cả chúng sanh đang hiện hữu không liên quan từ nhân nào cả".

    3. Vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi): Có quan kiến rằng: "Các việc làm sai biệt của tất cả chúng sanh không làm cho thành tựu phước tội chi cả".

    1*- Trong 3 tà kiến nhất định này thì người có tà kiến thuộc loại vô hữu kiến (natthikadiṭṭhi) thường có đoạn kiến như thấy rằng tất cả các chúng sanh chết rồi thì tiêu mất không sanh trở lại nữa. Như trong Kinh Sa Môn Quả phẩm giới uẩn trình bày đến tà kiến thuộc loại vô hữu kiến rằng:

    1- Natthi dinnaṃ: Thấy rằng làm phước không nhận được quả báo chi cả.

    2- Natthi yiṭṭhaṃ: Thấy rằng các việc cúng dường không nhận được quả báo chi cả.

    3- Natthi hutaṃ: Thấy rằng các việc thỉnh mời tiếp rước không nhận được lợi ích chi cả.

    4- Natthi sukatadukkaṭānaṃ kammanaṃ phalaṃ vipāko: Thấy rằng các việc thiện lẫn bất thiện dù trực tiếp hay gián tiếp cũng không nhận được quả báo chi cả.

    5- Natthi ayaṃ loko: Thấy rằng không có đời này, tức người đang sống trong hiện tại với nhau cho rằng: "Đời này đời sau không có vì không có tái sanh tiếp tục nữa".

    6- Natthi paro loko: Thấy rằng không có đời sau, tức không có đời vị lai kế tiếp đời hiện tại này bởi vì khi chết rồi không tái sanh lại nữa.

    7- Natthi mātā: Thấy rằng đối xử tốt hoặc xấu đối với mẹ cũng không nhận được quả báo chi cả.

    8- Natthi pitā: Thấy rằng đối xử tốt hoặc xấu với cha cũng không nhận được quả báo chi cả.

    9- Natthi sattā opapātikā: Thấy rằng không có chúng sanh sanh ra khôn lớn tức thì, nghĩa là không có chúng sanh địa ngục, ngạ quỉ, chư thiên, phạm thiên.

    10- Natthi loke samaṇabrahmanā sammaggatā samāpaṭipannā, ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ sayaṃ abhiññ saccikatvā pavedenti: Thấy rằng không có sa môn, bà la môn tự mình biết rõ đời này đời sau, rồi có thể giải thích chỉ dạy cho biết được. Không có sa môn, bà la môn đầy đủ sự hợp nhất hành trì giác ngộ chơn chánh.

    Nghĩa là: Không có người tu tiến chỉ, quán đã đắc Thiền Định, Đạo Quả và không có người xuất gia thực hành chơn chánh giác ngộ mà chỉ là lời hoàn toàn bịa đặt vớ vẩn. Sự thật thì thực hành chỉ để tìm kế sinh nhai mà thôi.

    Người có vô hữu kiến là có tà kiến phủ nhận quả, cũng đồng như phản bác năng lực của Tư Thiện, Tư Bất Thiện là nhân cho quả sai biệt. Do đó, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong sớ giải Kinh Sa Môn Quả rằng:

    "Vipākaṃ paṭibāhantenāpi kammaṃ paṭibāhitaṃ hotaṃ".

    Nghĩa là: "Khi phủ nhận quả thì cũng như là phản bác nghiệp là nhân cho quả dị thục".

    Hàng thiện tín khi nhận xét về tà kiến như đã trình bày thì có thể khởi lên kinh cảm bàng hoàng và cảm thấy đáng sợ hải, đáng tội nghiệp cho người có quan kiến như vậy. Nhưng người có quan kiến loại này cũng có vô số không chỉ riêng biệt trong đạo giáo khác mà ngay cả trong Phật Giáo cũng có số lượng không ít. Do đó, quả phải nhận được thường không chọn lựa người cho dù bất cứ là người trong tôn giáo nào. Nếu có tà kiến loại này thì khi mệnh chung phải gặt quả khổ trong cõi địa ngục. Mắc vào tà kiến loại này thường là việc vô cùng đáng tiếc, không xứng đáng được gọi là thiện tín. Điều này cho thấy rằng họ chỉ có danh xưng là thiện tín chứ trong nội tâm hằng không có sự cung kính tin tưởng đối với lời dạy của bậc Chánh Đẳng Giác. Do đó, khẳng định nhóm người đó dù ở hình thức tại gia hay xuất gia đi nữa, khi mệnh chung cũng phải rơi vào địa ngục.

    Cho nên phương pháp hoán cải để diệt mất tà kiến đang có, thì người đó phải tu tập cho phát sanh trí tuệ thiên về Phật Giáo bằng cách hành minh sát cho đến khi tác thành Thánh Nhân. Hoặc học tập Thắng Pháp (Abbidhamma) cho tường tận thực tánh hiện hữu theo sự thật… cả về phần vật chất lẫn tinh thần. Hoặc tự mình phải là người có cơ tánh tín (saddhācariya) tin theo lời chỉ bảo của cha mẹ, thầy tổ thông hiểu về Phật Giáo mới thoát khỏi tà kiến này được. Nếu không như vậy, thì cho dù người đó có thông hiểu kiến thức thế gian hay bản thân là giáo sư đại học đi nữa cũng không thoát khỏi tà kiến. Bởi vì sự thông hiểu kiến thức thế gian chỉ để hoạt động phục vụ cho xã hội và để sinh kế mà thôi.

    2*- Vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi): Người có loại tà kiến thuộc vô nhân kiến thì cho rằng: "Tất cả chúng sanh bị cực khổ hoặc sung sướng cũng không nương vào nhân nào làm cho hiện khởi cả mà do tự hiện hữu". Như Pāli trình bày trong Kinh Sa Môn Quả của phẩm giới uẩn rằng:

    "Natthi mahārāja hetu natthi paccayo sattānaṃ saṃkilesāya, ahetu apaccayā sattā saṃkilissanti natthi hetu natthi paccayo sattānaṃ visuddhiyā, ahetū apaccayā sattā visujjhanti".

    Nghĩa là: Không có nhân trợ sanh (janakahetu) và ủng hộ (upatthambhakahetu) cho tất cả chúng sanh sầu muộn, đau khổ thân tâm. Tất cả các chúngsanh đang có sự sầu muộn và đau khổ cũng không do một nhân nào trợ sanh và ủng hộ cho hiện khởi.

    Cũng không có nhân trợ sanh và ủng hộ làm cho tất cả chúng sanh được thanh tịnh thoát khỏi đau khổ thân tâm. Tất cả chúng sanh hiện đang thanh tịnh thoát khỏi đau khổ thân tâm cũng không liên quan đến một nhân trợ sanh và ủng hộ nào cả.

    Quan điểm vô nhân kiến này là tà kiến phản bác "nhân". Tức hành động tốt, xấu của tất cả chúng sanh thường tạo tác không gọi là nhân khởi sự làm cho quả sanh lên. Do đó, việc phản bác nhân cũng bằng như phủ nhận quả.Vì tất cả chúng sanh hằng ngày đang hưởng được sự an lạc và bị đau khổ cũng không gọi là quả liên quan đến nhân của hành động tốt hoặc xấu của mình.

    Vì vậy, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong sớ giải Kinh Sa Môn Quả rằng:

    "Natthi hetūti vadanto ubhayaṃ paṭibāhati"

    "Người nói hoặc hiểu rằng an lạc hay đau khổ của tất cả chúng sanh không liên quan đến nhân, cho nên cũng bằng như phản bác cả nhân lẫn quả".

    3*- Vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi): Người có tà kiến loại vô hành kiến thì có quan kiến rằng: "Tất cả chúng sanh hành động tốt hay xấu cũng không có tội, không có phước vì hành động chỉ là hành động mà thôi. Như Pāli Kinh Sa Môn Quả trình bày trong phẩm giới uẩn rằng:

    "Karoto kho mahārāja kārayato, chindato chedāpayato, pacato pācāpayato, socayato socāpayato, kilamato kilamāpayato, phandato phandāpayato, pāṇamatipātāpayato, adinnaṃ ādiyato sanadhiṃ chindato, nillopaṃ harato, ekāgārikaṃ karoto, paripanthe tiṭṭhato, paradāraṃ gacchato, musā bhanato, karoto na kariyati pāpaṃ".

    Người có tà kiến loại vô hành kiến cho rằng: "Hành động tốt hay xấu của tất cả chúng sanh tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm không được gọi là tội phước. Việc làm ác như hủy hoại cơ thể của người khác, tự mình hủy hoại hay xúi kẻ khác hủy hoại cũng không gọi là tội. Sự buột tội vu khống người khác bằng cách đoạt lấy tiền hoặc đánh đập cho họ đau khổ, do tự mình làm hoặc xúi biểu người khác làm cũng không gọi là tội. Sự trộm cắp tài sản vật chất của người khác làm cho họ buồn khổ ưu sầu, do tự mình làm hay xúi kẻ khác làm cũng không gọi là tội. Tự hành hạ mình cho khổ sở, như nhịn ăn chịu vào chốn lao tù hoặc dẫn dắt cho người khác tin tưởng mình, rồi tự hành hạ khổ sở giống như mình cũng không gọi là tội. Tự mình làm cho tâm lo âu héo hắt hoặc làm cho người khác lo lắng bồn chồn cũng không gọi là tội. Tự mình sát sanh hay xúi biểu người khác sát sanh cũng không gọi là sát sanh vì không có tội. Tự mình lén tìm cơ hội trộm cắp hay xúi biểu người khác lén tìm cơ hội trộm cắp cũng không có tội. Tự mình chiếm đoạt tài sản hay xúi kẻ khác chiếm đoạt tài sản cũng không có tội. Tự mình xâm nhập nhà họ để chiếm đoạt của cải hay xúi biểu người khác xâm nhập vào nhà họ để chiếm đoạt của cải cũng không có tội. Tự mình chực chờ đón đường cướp lấy tài sản của họ hay xúi biểu người khác chực chờ đón đường cướp lấy tài sản cũng không có tội. Tà dâm với vợ người cũng không có tội. Nói dối không có tội. Tạo những việc suy đồi bất thiện… cũng không có tội. Như đã trình bày trên, tự mình làm cũng như xúi biểu người khác làm, các việc này không gọi là tội.

    Tà kiến loại vô hành kiến là tà kiến phản bác nghiệp là hiện thân của "nhân". Vì vậy, cũng bằng như phủ nhận "quả" của nghiệp do ta tác thành.

    Do đó, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong sớ giải Kinh Sa Môn Quả rằng:

    "Kammaṃ patibāhantenāpi vipāko paṭibāhito hoti’. "Khi phản bác hành động tội, phước là hiện thân của "nhân" cũng bằng như phủ nhận "quả" của hành động tội, phước đó".

    *

    Trình bày tà kiến nhất định của 3 ngoại đạo sư

    Trong cả 3 tà kiến của ba vị ngoại đạo sư:

    * Ngoại đạo sư Ajitakesakambala có tà kiến loại vô hữu kiến.

    * Ngoại đạo sư Makkhaligosāla có tà kiến loại vô nhân kiến.

    * Ngoại đạo sư Puraṇakassapa có tà kiến loại vô hành kiến.

    Tà kiến của 3 nhóm ngoại đạo sư này là tà kiến nhất định, tức tà kiến có thực chất chắc chắn cho quả rơi vào địa ngục vô gián. Bởi vì cả 3 tà kiến chấp thủ kiên cố, cho dù Đức Phật Ngài đã điều ngự bằng nhiều phương pháp để nhổ bỏ tà kiến đó cũng vô hiệu quả. Còn đối với nhóm đệ tử của 3 vị ngoại đạo sư này thì trong giai đoạn đầu tà kiến sanh khởi mãnh lực vẫn còn yếu cho nên chưa thành tựu tà kiến nhất định. Thời gian sau đó, khi đã thường xuyên nghiệm suy nằm lòng ý nghĩa về lời chỉ giáo của vị thầy; giống như người tu tiến nghiệp xứ được thỏa mãn trong lời chỉ dạy về phương pháp tu tiến nghiệp xứ. Trong lúc nghiệm suy được thỏa mãn thì đổng lực tương ưng kiến sanh lên nhiều vô số cho đến khi tâm đó trở thành tà định (micchāsamādhi) khởi hiện cuối cùng trong lộ đổng lực tương ưng kiến để khẳng định chắc về ý nghĩa đó là đúng đắn; giống như lộ tâm của hành giả tu tiến minh sát đang đạt đến lộ đắc Đạo. Do đó, đổng lực thứ 7 trong lộ tâm cuối cùng này được gọi là tà kiến nhất định. Loại tà kiến này có khả năng cho quả chắc chắn rơi vào địa ngục sau khi mệnh chung, dù cho Đức Phật có cứu vớt như thế nào đi nữa cũng không thể đạt được hiệu quả.

    *

    Trình bày 3 tà kiến nhất định được gọi là pháp tà cho quả nhất định

    Sự hiện hữu của Kiến và Tuệ có thực tánh diễn tiến đối nghịch nhau không đồng sanh với nhau được; giống như bóng tối và ánh sáng hoặc giống như hai người giận hờn nhau rồi quay mặt mỗi người đi một ngã càng lúc càng xa dần. Về phần trí tuệ, nếu tu tiến cho đến khi liễu tri Tứ Thánh Đế do sự hỗ trợ từ Tín, Tấn, Niệm, Định thì không có một pháp nào chen vào hủy diệt được trí tuệ của người đó.

    Người đó hằng có đức tin bất động nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin rằng chết rồi phải tái sanh nếu còn dục ái. Thì trí tuệ của người này thể nhập được pháp chánh cho quả nhất định (sammattaniyata), được gọi là bậc Tu Đà Huờn không còn rơi vào khổ cảnh nữa.

    Tương tự như vậy, về phần tà kiến khi được tăng trưởng do sự hỗ trợ từ tà tư duy, tà tinh tấn, tà định, cho đến khi bậc Chánh Đẳng Giác không cứu vớt chuyển hoá được vì chấp thủ tà kiến của mình quá kiên cố. Lúc đó kiến của người ấy đạt đến pháp tà cho quả nhất định (micchattaniyata). Người có tà kiến cho quả nhất định này thường không hy vọng chứng đắc Đạo Quả tác thành Thánh Nhân được. Ngược lại khi mệnh chung từ cõi đời này thì phải rơi vào địa ngục vô gián thọ khổ nhất định trong thời gian lâu cho đến 10 ngàn trung gián kiếp (antarakappa).

    Tà kiến đạt đến pháp tà cho quả nhất định này trầm trọng hơn tội chia rẽ Tăng. Do đó, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong sớ giải Tăng Chi Bộ Kinh rằng: "Kappavināse mahājane brahmaloke nibbattepi niyatamicchādiṭṭhiko tattha anibbattitvāpiṭṭhi cakkavaḷe nibattati, kiṃ pana piṭṭhicakkavālaṃ na jhāyatīti ? Jhāyati, tasmiṃ jhāyamānepi esa ākāse ekasmin okāse paccatiyevāti vadanti".

    Ngài A xà lê thông tam Tạng và sớ giải đề cập rằng:

    "Khi thế gian bị thiêu hủy cho dù đại chúng được sanh lên cõi Phạm Thiên đi nữa, riêng người có tà kiến nhất định thì không có cơ hội sanh lên Phạm Thiên giới mà vẫn còn sanh vào đại địa ngục vô gián trong luân vi cuối cùng, tức luân vi thứ 1000 tỷ".

    Hỏi: Luân vi cuối cùng đó không bị lửa hủy diệt hay sao?.

    Đáp: Bị lửa hủy diệt giống như vậy nhưng khi luân vi cuối cùng này bị lửa hủy diệt thì người có tà kiến nhất định sẽ phải thọ khổ ở một nơi nào đó trong lòng hư không.

    Sớ giải này trình bày cho thấy rằng, trong tất cả tội của bất thiện sai biệt thì tội liên quan đến tà kiến nhất định là tội cực trọng. Thích hợp như Đức Thế Tôn Ngài thuyết giảng trong Tăng Chi Bộ Kinh rằng: "Paramāni bhikkhave vajjāni". "Này các tỳ kheo! Tà kiến nhất định này có tội cực trọng cùng tột".

    - Người chấp thủ tà kiến nhất định có cơ hội tác thành Thánh Nhân được hay không?

    - Người chấp thủ tà kiến nhất định nếu không từ bỏ tà kiến của mình cho diệt mất, đừng nói chi sẽ được đắc chứng Thánh Nhân ngay khi mệnh chung từ cõi đời này cũng vẫn không hy vọng được sanh làm người. Nhưng nếu người đó nhổ bỏ tà kiến của mình cho diệt mất, rồi hướng về tu tiến Minh Sát thì có hy vọng sẽ tác thành Thánh Nhân. Đến khi mệnh chung từ cõi này, cũng có hy vọng được sanh làm người và chư thiên do sở hành của mình. Thích hợp như Đức Phật Ngài thuyết trong bộ Paṭṭhāna rằng: "Ariyā micchattaniyate pahīme kilese paccavekkhanti, pubbe samudāciṇṇe kilese jānanti, micchattaniyate khandhe aniccato vipassanti".

    "Các bậc Thánh trong quá khứ đã từng có tà kiến nhất định này, hằng tu tiến Minh Sát phiền não (tà kiến nhất định) từng sanh lên trong cơ tánh của mình bằng vô thường và phản khán lại phiền não (tà kiến nhất định) mà mình đã sát tuyệt".

    *

    Tà kiến là nhân trọng yếu làm cho cả mười ác hạnh sanh lên

    Lẽ thường nhiên người có tà kiến thường là người không biết hổ thẹn và ghê sợ đối với các hành động ác hạnh. Chỉ có một số ác hạnh không dám làm bởi vì sợ hãi luật pháp nhà nước. Nhưng cho dù như vậy, việc làm đó cũng không thường xuyên chắc chắn, vì nếu có cơ hội trốn tránh được thì họ cũng bạo dạn hành động. Riêng đối với các ác hạnh không trái với luật pháp mà có thể làm được thì họ không e dè sợ hãi chi cả. Cho nên hành động người này mới đưa ngay đến ác hạnh như thân ác hạnh, ngữ ác hạnh và ý ác hạnh.

    Hầu như người có tà kiến dù có kiến tạo thiện nghiệp nào đi nữa thì cũng dính mắc vào việc tham danh, xã giao và liên quan đến quyền lợi nghiêng về phần mình. Như giúp đỡ trong việc xóa đói giảm nghèo do chánh quyền tổ chức, xây dựng cầu đường, trường học. Nhưng dù thế nào đi nữa, thiện pháp của nhóm người này không phải là thiện pháp cao thượng mà chỉ là thiện pháp tầm thường. Bởi vì việc kiến tạo thiện pháp không do động lực của đức tin nghiệp báo (kammassakatañāṇa) chỉ do động lực của Ái, Mạn, Kiến. Do đó, việc được sanh làm người của nhóm người này coi như rỗng không vô ích.

    *

    Trình bày các ác hạnh sanh lên do nương vào ý ác hạnh làm nhân

    Tham ác là nhân làm cho trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích và tà kiến sanh lên.

    Sân ác là nhân làm cho sát sanh, trộm cắp, nói dối, nói đâm thọc, nói thô tục và nói lời vô ích hiện khởi.

    Tà kiến ác là nhân làm cho cả 10 ác hạnh sanh khởi.

    Thích giải điều Pāli thứ 8 rằng: "Aññatrāpi viññattiyā manasmiṃ yeva bāhullavuttito manokammaṃ nāma".

    Tham ác, Sân ác, Tà Kiến ác gọi gọi là ý nghiệp, vì ngoài thân biểu tri ra thì phần nhiều sanh lên trong ý môn mà thôi.

    Thích giải: Hành động sanh lên nơi tâm được gọi là ý nghiệp, như định nghĩa trình bày sau: "Manasmiṃ pavattaṃ kammaṃ: manokammaṃ". Nghiệp sanh lên bằng đường tâm gọi là ý nghiệp. Đường tâm gọi là ý môn có nhiều loại:

    1- Trong các lộ tâm, tâm hộ kiếp được gọi là ý môn vì làm nhân cho tâm lộ sanh lên.

    2- Tất cả tâm gọi là ý môn vì tâm sanh lên trước làm nhân cho tâm sau sanh lên.

    3- Đổng lực thiện và bất thiện gọi là ý môn vì các tâm đổng lực này làm nhân cho ý nghiệp thành tựu.

    Như Ngài A xà lê trình bày định nghĩa sau: "Mano eva dvāranti: Manodvāraṃ". "Chính tâm đổng lực này là nhân sanh lên ý nghiệp, do đó gọi là ý môn".

    Đối với ý ác hạnh này thì đổng lực tham căn, sân căn, đồng sanh với tham ác, sân ác, tà kiến ác gọi là ý môn. Còn đổng lực si căn trong nơi đây không gọi là ý môn vì không có khả năng làm nhân cho cả 3 ý ác hạnh sanh lên được.

    Đổng lực tham và đổng lực sân gọi là ý môn làm nhân cho ý ác hạnh sanh lên. Bởi vì trong lúc tham ác và tà kiến ác sanh lên thì đổng lực tham làm duyên hỗ trợ cho tham là hiện thân của tham ác và kiến là hiện thân của tà kiến ác bằng mãnh lực câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên, hiện hữu duyên, bất ly duyên. Trong lúc sân ác sanh lên thì đổng lực sân làm duyên hỗ trợ cho sân là hiện thân của sân ác bằng mãnh lực của câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên, hiện hữu duyên, bất ly duyên.

    Sự trợ giúp ủng hộ của đổng lực bất thiện gọi là ý môn này, ngay cả trong thân nghiệp và ngữ nghiệp sanh lên cũng thường hỗ trợ. Như trong hành động sát sanh thì trong lúc đó nhận được sự hỗ trợ từ đổng lực sân là hiện thân của ý môn. Nhưng trong việc thành tựu sát sanh phải câu hành với thân biểu tri là hiện thân của thân môn. Vì nếu chỉ duy nhất đổng lực sân thuộc ý môn hỗ trợ thì không thành tựu sát sanh được. Nói dối cũng diễn tiến như vậy, tức phải có ngữ biểu tri là hiện thân của ngữ môn câu hành vào mới thành tựu nói dối được bởi nếu chỉ đơn thuần đổng lực tham hoặc đổng lực sân thuộc ý môn hỗ trợ thì không thành tựu nói dối được. Có nghĩa là đổng lực bất thiện thuộc ý môn này thường phổ biến với tất cả bất thiện nghiệp cả thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp. Nhưng đối với thân biểu tri thuộc thân môn và ngữ biểu tri thuộc ngữ môn thì không phổ biến đối với tất cả nghiệp mà chỉ liên quan riêng biệt với một số nghiệp như thân nghiệp, ngữ nghiệp mà thôi.

    Thông thường việc đặt tên cho một pháp nào thì cũng phải nương vào đặt tánh của pháp đó thì việc đặc tên mới không bị nhằm lẫn. Do đó, cả 3 nghiệp như sát sanh… được đặc tên là thân nghiệp cũng do nương vào thân môn là nơi khởi sanh riêng biệt; và cả 4 nghiệp như nói dối … được đặt tên là ngữ nghiệp do nương vào ngữ môn là nơi sanh lên riêng biệt mà đặt tên .

    Riêng về 3 nghiệp như tham ác… các pháp này sanh lên không liên quan đến thân môn và ngữ môn, chỉ sanh lên riêng biệt trong ý môn mà thôi. Do đó, Ngài A xà lê Anuruddha trình bày rằng: "Aññatrāpi viññattiyā manasmiṃ yeva bahullavuttito"."Ngoại trừ thân biểu tri và ngữ biểu tri ra phần nhiều thường sanh lên trong ý môn".

    Trong điều này khi nhận xét câu: "Manasmiṃ yeva bahullavuttito" chỉ bấy nhiêu cũng đáng là câu phải giải thích cho hoàn chỉnh rồi, tức tham ác… các pháp này phần nhiều sanh lên từ ý môn. Nhưng nếu viết trên giấy hoặc nói thành lời rằng: " Tài sản của người này nếu trở thành tài sản của ta thì tốt quá!". Như vậy, cũng liệt tham ác này vào đường thân môn và ngữ môn nhưng chỉ phần ít thôi. Cho nên, tham ác… được gọi là ý nghiệp đó là đặt tên theo quan điểm đại chúng (tabbāhullanaya) bởi hầu như sanh lên từ ý môn. Nhưng dù thế nào đi nữa mà chỉ dùng lời nói rằng: "Manasmiṃ yeva bāhullavuttito" bấy nhiêu cũng chưa hoàn chỉnh do lời nói đoạn đầu và đoạn cuối chưa khế hợp với nhau. Vì trong 3 thân nghiệp đề cập rằng: "Kāyaviññattisaṇkhāte kāyadvāre bāhullavuttito" "Do sanh lên từ thân môn bởi phần nhiều là thân biểu tri".

    Trong 4 ngữ nghiệp cũng trình bày rằng: "Vacīviññattisaṇkhāte vacīdvāre bāhullavuttito" "Do sanh lên từ ngữ môn bởi phần nhiều là ngữ biểu tri".

    Trình bày cho thấy rằng thân nghiệp và ngữ nghiệp, nhóm này có được từ sắc biểu tri (viññatti) câu hành.

    Còn 3 ý nghiệp trình bày cho thấy rằng có thể không liên quan đến sắc biểu tri nào cả. Vì vậy, Ngài A xà lê Anuruddha mới dùng câu "Aññatra viññattiyā". "Ngoại trừ sắc biểu tri ra". Nhưng trong cả 3 ý nghiệp không được thường xuyên trừ ra sắc biểu tri, vì đôi khi cũng câu hành với sắc biểu tri cho nên để trình bày cho hiểu việc diễn tiến như vậy. Ngài A xà lê Anuruddha mới dùng từ "Api" kết hợp với` từ aññatrā" thành "Aññatrāpi". Ám chỉ ngoài sắc biểu tri ra thì sanh lên từ ý môn hoặc không ngoại trừ sắc biểu tri ra tức tạo tác bằng sắc biểu tri sanh lên từ ý môn cũng có.

    *

    Trình bày 3 ý nghiệp đôi khi cũng tháp tùng vào chủ tâm sai biệt như ác tâm và gian manh tâm

    Trong lúc đang sát sanh, trộm cắp thì tham ác, sân ác, tà kiến ác thường câu hành, riêng tà kiến ác thì câu hành bất định. Như trong lúc đang trộm cắp tài sản của người khác thì tham là hiện thân của tham ác cũng đang câu hành. Nhưng nếu người đó có quan kiến rằng: "Trộm cắp không có tội" như vậy thì kiến là hiện thân của tà kiến ác đang câu hành. Trong lúc trộm cắp đó phạm vào nghiệp đạo, còn tham ác và tà kiến ác không được liệt vào phạm nghiệp đạo mà chỉ tháp tùng theo tâm gian manh (theyyacetanā).

    Trong lúc sát sanh thì sân là hiện thân của sân ác đang câu hành nhưng nếu người đó có quan kiến rằng: "Sát sanh không có tội". Như vậy, thì kiến là hiện thân của tà kiến ác đang câu hành. Trong lúc đó sát sanh phạm vào nghiệp đạo, còn sân ác và tà kiến ác không được liệt vào phạm nghiệp đạo chỉ tháp tùng vào ác tâm (vadhakacetana) mà thôi. Trong lúc tà dâm, nói dối… thì 3 ý nghiệp cũng thường câu hành cùng lúc theo tương ứng, nhưng chỉ tháp tùng theo việc chủ tâm (cetanā) hành động mà không phạm vào nghiệp đạo.

    *

    Trình bày tên của các ác hạnh do không đủ chi

    Việc tạo bất thiện sai biệt nếu không phạm vào nghiệp đạo bởi một nhân nào, thì bất thiện nghiệp đó cũng phải gọi tên dựa theo môn sanh lên; nhưng không bắt buộc phải gọi tên theo quan điểm đại chúng (tabbāhullanaya). Nghĩa là bất thiện nghiệp sai biệt hiển lộ từ đường thân, ngữ hoặc ý mà không phạm vào nghiệp đạo do không đủ chi; thì nhóm bất thiện nghiệp này cũng phải hỗ trợ cho tùy theo môn sanh lên mà không cần phải gọi theo quan điểm đại chúng. Như việc cưa tay chặt chân của một chúng sanh nào khác hay việc thiến súc vật như bò, chó… không cho phủ giống hoặc việc dùng roi vọt để dạy dổ trẻ con, sa di… Các hành động này không phải chỉ gọi tên thuần nhất là thân ác hạnh theo quan điểm đại chúng mà vẫn gọi là ngữ ác hạnh hoặc ý ác hạnh cũng được. Tức nếu tự mình làm thì gọi là thân ác hạnh (hành động bất thiện); xúi biểu người khác làm thì gọi là ngữ ác hạnh (nói bất thiện); suy tính sẽ làm thì gọi là ý ác hạnh (suy tính bất thiện).

    Hoặc trong việc nói dối cũng không chỉ gọi là ngữ ác hạnh thôi mà gọi là thân ác hạnh hoặc ý ác hạnh cũng được. Như nếu nói thành lời thì gọi là ngữ ác hạnh; nếu dùng giấy viết soạn thành sách thì gọi là thân ác hạnh; nếu suy tính thì gọi là ý ác hạnh.

    Hoặc trong việc muốn chiếm đoạt của cải tài sản của người khác bằng cách phi pháp không gọi là ý ác hạnh mà gọi là thân ác hạnh hay ngữ ác hạnh cũng được. Như nếu tham muốn mà bình thản không suy tính làm cho tài sản đó trở thành sở hữu của mình thì gọi là ý ác hạnh; nếu dính mắc rồi thốt ra lời rằng: "Vật đó tốt lắm! Đẹp lắm!" thì gọi là ngữ ác hạnh; nếu nhiễm đắm rồi cầm lấy vật đó lên ngắm nhìn thì gọi là thân ác hạnh.

    Do đó, Ngài A xà lê Mahābuddhaghosa mới trình bày trong sớ giải Aṭṭhasālinī rằng: "Kāyavacīdvāresu hi copanaṃ patvā kammapathaṃ appattampi atthi, manodvāre ca samudācāraṃ patvā kammapathaṃ apattampi atthi, taṃ gahetvā taṃtaṃdvārapakkhikameva akaṃsu".

    "Bất thiện nghiệp đưa đến chuyển động thân môn và ngữ môn nhưng không phạm vào nghiệp đạo cũng có. Bất thiện nghiệp đưa đến sanh khởi trong ý môn nhưng không phạm vào nghiệp đạo cũng có. Các Ngài A xà lê sớ giải ám chỉ bất thiện nghiệp mà không phạm vào nghiệp đạo. Nhóm bất thiện nghiệp này được xếp vào trợ giúp cho môn sanh lên".

    *

    Trình bày cách tính số lượng ác hạnh theo chi tiết

    Thập ác hạnh nếu tính theo chi tiết có 30 hoặc 40

    * Mỗi 1 loại ác hạnh phải câu hành với 3 Tư như sau:

    1- Pubbaccetanā: Chủ tâm trước khi làm (tư tiền).

    2- Muñcacetanā: Chủ tâm trong khi làm (tư hiện).

    3- Aparacetanā: Chủ tâm sau khi làm (tư hậu).

    Do đó, thập ác hạnh nhân với 3 tư thành 30 ác hạnh.

    * Mỗi 1 loại ác hạnh phân thành 4 cách như sau:

    1- Sāhatthakaducarita: Tự mình làm.

    2- Āṇattikaducarita: Xúi biểu người khác làm.

    3- Vaṇṇabhāsanaducarita: Biểu thị lợi ích của hành động đó.

    4- Samanuññāducarita: Thỏa thích trong việc làm đó.

    Do đó, thập ác hạnh nhân cho 4 cách thành 40 ác hạnh.

    Trong số lượng 30 hặc 40 ác hạnh như đã đề cập đây thì có một số loại phạm vào nghiệp đạo có thể đưa đến khổ cảnh; một số loại không phạm vào nghiệp đạo nên không đưa đến khổ cảnh. Như trong việc sát sanh nếu chúng sanh đó chết thì coi như cả 3 tư liên quan đến sát sanh thành tựu nghiệp đạo. Còn như chúng sanh đó không chết thì không liệt vào phạm nghiệp đạo. Trộm cắp thuộc 3 ác hạnh … Cũng diễn tiến tương tự như vậy.

    Trong 40 ác hạnh như 4 người cùng nhau hợp tác hành động sát sanh. Một người biểu thị lợi ích trong việc sát sanh; một người xúi biểu người khác giết; một người khởi động giết; một người không biểu lộ ra bằng thân hoặc ngữ nhưng trong tâm hoan hỷ thỏa thích trong việc giết chúng sanh đó. Nếu chúng sanh đó chết thì người biểu thị lợi ích, người xúi biểu giết cũng như tự mình giết cả 3 người này được liệt vào phạm nghiệp đạo vì đủ 5 chi. Riêng người hoan hỷ trong tâm không phạm vào nghiệp đạo vì không đủ chi, thiếu chi gắng sức (payoga). Trộm cắp thuộc 4 ác hạnh… cũng diễn tiến như vậy.

    Thích giải điều Pāli thứ 9 - 10 - 11 rằng: "Tesu pāṇātipāto pharusavācā byāpādo ca dosamūlena jāyanti"... "Sesāni cattāripi dvīhi mūlehi sambhavanti".

    Các câu Pāli này trình bày đến pháp làm nhân cho bất thiện nghiệp như trong lời dịch Pāli thứ 9 trình bày rằng: Sát sanh, nói thô tục, sân ác, sanh lên đều do tâm sân làm nhân. Bởi vì lời dịch đề cập gom chung chung. Nhưng nếu phân ra theo riêng biệt thì phải dịch là sát sanh, nói thô tục sanh lên do nương vào sở hữu sân làm gốc, sân ác sanh lên do nương vào tâm có sở hữu sân. Sự việc như vậy, bởi vì chi pháp của sát sanh và nói thô tục là sở hữu tư câu sanh với sở hữu sân, cho nên cả 2 bất thiện nghiệp này câu sanh với sân căn (sở hữu sân). Nghĩa là cả 2 bất thiện nghiệp sanh lên bởi nhận được sự hỗ trợ từ sở hữu sân hiện diện trong vai trò câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên cho tư sát sanh và tư nói thô tục hiện tại. Còn sân ác chi pháp là sở hữu sân cho nên mới không có sở hữu sân câu sanh với sân ác nữa.

    Do nhân này, việc sanh lên được của sân ác cũng do nhận được sự hỗ trợ từ tâm sân câu sanh với sở hữu sân luôn hiện diện trong vai trò câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên cho sở hữu sân là hiện thân của sân ác hiện tại. Vì vậy, khi trình bày định nghĩa của câu "Dosamūlaṃ"thì phải trình bày 2 cách như sau:

    1- "Doso ca mūlañcātiDosamūlaṃ". "Pháp nào có sân làm căn gốc, pháp đó gọi là sân căn". Tức sở hữu sân, định nghĩa này ám chỉ đến khía cạnh sở sanh của sát sanh và nói thô tục.

    2- "Doso mūlaṃ yassāti: Dosamūlaṃ". "Căn sân đang hiện hữu với tâm nào, tâm đó gọi là tâm sân căn". Định nghĩa này ám chỉ đến khía cạnh sở sanh của sân ác. Trong lời dịch Pāli điều thứ 10 đề cập rằng tà dâm, tham ác, tà kiến ác thường sanh lên do tham căn là nhân. Theo lời dịch trình bày gom lại chung chung như vậy. Nhưng nếu phân ra theo riêng biệt thì phải dịch là tà dâm và tà kiến ác sanh lên nương vào sở hữu tham làm căn gốc, tham ác sanh lên do nương vào tâm có sở hữu tham. Sự việc như vậy do chi pháp của tà dâm là tư câu sanh với sở hữu tham, chi pháp của tà kiến ác là tà kiến câu sanh với sở hữu tham làm căn gốc. Do đó, cả 2 bất thiện nghiệp này luôn câu sanh với tham căn (sở hữu tham), nghĩa là cả 2 bất thiện nghiệp sanh lên được hỗ trợ từ sở hữu tham hiện diện trong vai trò câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên cho tư tà dâm và tà kiến hiện tại. Còn tham ác chi pháp là sở hữu tham cho nên mới không có sở hữu tham câu sanh với tham ác nữa. Do nhân này, việc sanh lên của tham ác được hỗ trợ từ tâm tham câu sanh với sở hữu tham. Do đó, tâm tham luôn hiện diện trong vai trò câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y duyên cho sở hữu tham là hiện thân của tham ác hiện tại. Vì vậy, khi trình bày định nghĩa câu "Lobhamūlaṃ" thì phải trình bày thành hai cách như sau:

    "Lobho ca so mūlañcāti: Lobhamūlaṃ"- "Pháp nào có tham làm căn gốc, pháp đó gọi là căn tham", tức sở hữu tham.

    Định nghĩa này ám chỉ đến khía cạnh sở sanh của tà dâm và tà kiến ác.

    "Lobho mūlaṃ yassāti: Lobhamūlaṃ"- "Căn tham đang hiện hữu với tâm nào, tâm đó gọi là tâm tham".

    Định nghĩa này ám chỉ đến khía cạnh sở sanh của của tham ác. Việc diễn giải ý nghĩa theo Pāli điều thứ 9 - 10 như đã trình bày là diễn giải theo Paramatthadīpanīṭīkā. Nhưng khi nhận xét câu "Dosamūlena jāyanti lobhamūlena jāyanti" thì chỉ dịch là thường sanh lên do nương vào sân căn hay thường sanh lên do nương vào tham căn cũng được. Vì trước khi sân ác sanh lên thường có tư tiền sanh lên trước mà trong tư tiền cósở hữu sân đang câu sanh. Nếu nói theo khía cạnh sở hữu sân trong tư tiền thì có thể nói sân ác sanh lên do nương vào sân căn giống như việc sanh lên của sát sanh và nói thô tục. Trong nơi đây sân trong tư tiền là thường cận y duyên năng duyên (pakatūpanissayapaccaya), sân ác là hiện thân của sân sanh lên về sau là thường cận y duyên sở duyên (pakatūpanissayapaccayupanna). Đối với năng duyên và sở duyên giữa sở hữu sân với sát sanh và nói thô tục thì nên hiểu theo như đã trình bày trên.

    Hoặc trước khi tham ác sanh lên thường có tư tiền câu sanh với sở hữu tham sanh lên trước. Nếu nói theo khía cạnh sở hữu tham trong tư tiền thì có thể nói được rằng tham ác sanh lên do nương vào tham căn giống như việc sanh lên của tà dâm và tà kiến ác. Trong nơi đây thì tham trong tư tiền là thường cận y duyên năng duyên; tham ác là hiện thân của tham sanh lên về sau là thường cận y duyên sở duyên. Đối với năng duyên và sở duyên giữa sở hữu tham với tà dâm và tà kiến ác thì nên hiểu theo như đã đề cập trên.

    Việc diễn giải ý nghĩa sở sanh của tham ác và sân ác như đã trình bày là diễn giải theo Ñìkà .

    Trong lời dịch Pāli điều thứ 11 trình bày rằng 4 bất thiện nghiệp đạo còn lại như trộm cắp, nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích. Các nhóm này đôi khi sanh lên nương vào tham làm sở sanh, đôi khi sanh lên nương vào sân làm sở sanh cho nên mới trình bày rằng sanh lên nương vào cả hai căn tham và sân.

    Thích giải về việc sanh lên của 4 bất thiện nghiệp đạo nương vào tham và sân làm sở sanh theo từng phần như sau:

    1. Trộm cắp do tham làm sở sanh. Như người trộm cắp tài sản của người khác do tham muốn làm thành sở hữu cho mình hoặc để làm tài sản cho quyến thuộc, bạn bè, con cháu, vợ chồng… Do đó, có thể nói rằng trộm cắp do tham làm sở sanh.

    2. Trộm cắp do sân làm sở sanh. Như người trộm cắp tài sản của người khác không phải do tham muốn mà chỉ để cho họ phải buồn khổ hoặc tạo nên sự hiểu lầm đưa đến xích mích cải vả lẫn nhau để trả thù. Như vậy, cũng có thể nói rằng trộm cắp do sân làm sở sanh.

    3. Nói dối do tham làm sở sanh. Như người nhận mướn làm nhân chứng theo yêu cầu tiền thuê để cáo gian trước tòa án… Vì vậy, cũng có thể nói rằng nói dối do tham làm sở sanh.

    4. Nói dối do sân làm sở sanh. Như người nói không thật để vu khống đối phương làm cho họ bị tổn hại hoặc sầu khổ. Cho nên cũng có thể nói rằng nói dối do sân làm sở sanh.

    5. Nói đâm thọc do tham làm sở sanh. Như người xúi giục đâm thọc do muốn người khác thương mến mình. Do đó, có thể nói rằng nói đâm thọc do tham làm sở sanh.

    6. Nói đâm thọc do sân làm sở sanh. Như người kích động đâm thọc do muốn nói cho người khác phải phân ly chia lìa nhau. Vì vậy, cũng có thể nói rằng nói đâm thọc do sân làm sở sanh.

    7. Nói vô ích do tham làm sở sanh. Như người nói hoặc viết truyện hoang đường, tiếu lâm, vớ vẫn không thực tế để được tiền thưởng. Hoặc người có bản tánh láo khoét nói hoặc viết truyện khôi hài không thật để vui đùa tán dóc. Do đó, có thể nói rằng nói vô ích do tham làm sở sanh.

    8. Nói vô ích do sân làm sở sanh. Như người nói hoặc viết lên thành chuyện nhắm vào việc triệt hạ đối phương làm cho họ bị tổn thương mà nội dung câu chuyện đó không thực tế, bịa đặt, vớ vẩn… Như vậy, có thể nói rằng nói vô ích do sân làm sở sanh.

    Còn đối với việc sanh khởi của bất thiện nghiệp đạo mà không nêu si lên làm sở sanh để trình bày theo riêng biệt, bởi vì si là bất thiện biến hành trong các hành động bất thiện.

    Do đó, cho dù bất cứ 1 loại bất thiện nghiệp nào sanh lên cũng đều có si làm cho thành tựu trong nghiệp đạo đó.

    Phân tích bất thiện nghiệp đạo theo chi pháp ra thành 5 loại

    Dhammato ceva koṭṭhāsa Ārammaṇā ca vedanā

    Mūlato pañcākālehi Veditabbo vinicchayo.

    "Nên hiểu việc phân tích thập bất thiện nghiệp đạo theo 5 loại: chi pháp, nhóm, cảnh, thọ, căn" như giải thích rộng sau đây:

    1. Dhamma: Nói theo chi pháp thì 3 thân ác hạnh, 4 ngữ ác hạnh gom 7 pháp này lại chi pháp là sở hữu tư. 3 ý ác hạnh chi pháp là sở hữu câu sanh với sở hữu tư.

    2. Koṭṭhāsa: Nói theo mhóm thì 3 thân ác hạnh, 4 ngữ ác hạnh và tà kiến cả 8 pháp này gọi là nghiệp đạo mà không gọi là căn. Còn tham ác và sân ác vừa là nghiệp đạo cũng vừa là căn.

    3. Ārammaṇa: Nói theo cảnh thì sát sanh, tà dâm, tà kiến sanh lên do có pháp hành làm cảnh (1 số vị A xà lê cho rằng tà dâm sanh lên do chúng sanh chế định làm cảnh). Nói thô tục và sân ác sanh lên có chúng sanh chế định làm cảnh. 5 bất thiện nghiệp đạo còn lại như trộm cắp, nói dối, nói đâm thọc, nói vô ích, tham ác nhóm này sanh lên do có pháp hành và chúng sanh chế định làm cảnh.

    4. Vedanā: Nói theo thọ thì sát sanh, nói thô tục, sân ác đều câu sanh với khổ thọ. Tà dâm, tham ác, tà kiến ác thì câu sanh với lạc thọ. 4 bất thiện nghiệp đạo còn lại như trộm cắp, nói dối, nói đâm thọc, nói vô ích nhóm này câu sanh với lạc thọ, khổ thọ hay xã thọ cũng có.

    5. Mùla: Nói theo căn thì sát sanh, nói thô tục có sân và si căn. Tà dâm, tà kiến có tham và si căn. Trộm cắp, nói dối, nói đâm thọc, nói vô ích đôi khi có tham và si căn, đôi khi có sân và si căn. Tham ác và sân ác thì duy nhất chỉ có si căn.

    Việc trình bày phân tích theo căn như đã đề cập đây, là trình bày theo cách bao quát trong sớ giải Aññhasālinā.

    Còn đối với việc trình bày căn của bất thiện nghiệp đạo trong Thắng Pháp Tập Yếu Luận rằng: "Tesu pāṇātipāto pharusavācā byāpado ca dosamūlena jāyanti..." là trình bày theo cách riêng biệt không phổ biến để không nhầm lẫn nhau.

    Thích giải Pāli điều thứ 12 rằng: "Cittuppādavasena panetaṃ akusalaṃ sabbathāpi dvādasavidhaṃ hoti". "Bất thiện nghiệp nói theo mãnh lực tâm sanh lên thì cho dù bằng cách nào đi nữa cũng chỉ có 12".

    Thích giải: Trong điều Pāli này đã trình bày cho đến sự sanh lên liên quan đến thập bất thiện nghiệp đạo. Trong hành động ác hạnh sai biệt của tất cả mọi người nếu phân ra hành động của mỗi một người thì có 3 loại. Đôi khi hành động bằng thân gọi là hành động bất thiện làm cho người khác và tự mình nhận lấy khốn đốn. Đôi khi nói ra lời gọi là ngữ bất thiện làm cho người khác và mình bị tổn hại, ưu buồn. Đôi khi suy tính bằng tâm gọi là tư duy bất thiện làm cho tự mình tổn hại và nhiệt não.

    Nếu phân tích theo loại của hành động đó nữa thì có 10 loại như: Hành động bất thiện có 3 loại, nói bất thiện có 4 loại, suy nghĩ bất thiện có 3 loại.

    Còn nếu tính theo chi tiết thì có 30 hoặc 40 như đã trình bày ở phần đầu. Các nhóm này là trình bày số lượng ác hạnh theo ngôn từ hiện hữu trong thế gian. Nhưng các ác hạnh này nếu nói theo thực tánh chơn đế thì pháp làm nhân sanh khởi chỉ có 12 tâm mà thôi. Tức 8 tâm tham gọi là tâm tham căn; 2 tâm sân gọi là tâm sân căn; 2 tâm si gọi là tâm si căn gom lại thành 12 tâm bất thiện. Tâm bất thiện câu sanh với 27 sở hữu là chi pháp các hành động bất thiện của tất cả chúng sanh, dù cho bất cứ loại bất thiện nào đi nữa cũng không vượt khỏi 12 tâm bất thiện như đã trình bày trên.

    Kết thúc phần thích giải về bất thiện nghiệp.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.