* Manussa-deva: Người như chư-thiên như thế nào?
Người như chư-thiên nghĩa là người ấy có thân người và tâm như chư-thiên.
Tâm chư-thiên có 5 pháp là:
1- Saddhā: đức-tin: Người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo; tin nghiệp và quả của nghiệp, tin chỉ có nghiệp là của riêng mình thật sự mà thôi.
2- Sīla: giới-đức: Người có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn tuỳ theo địa vị của mỗi người.
3- Suta: nghe nhiều hiểu rộng: Người thường học hỏi trong chánh-pháp của Đức-Phật, thường gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, rồi thực-hành theo chánh-pháp của bậc thiện-trí.
4- Cāga: phước-thiện bố-thí: Người không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản của mình, bởi vì người ấy suy xét đúng đắn rằng:
“Tất cả mọi thứ của cải trong đời này không hẳn là của riêng ta, chỉ có nghiệp mới thật sự là của riêng ta mà thôi. Vì vậy, ta nên biết sử dụng phần tiền của mà ta đang tạm thời sở hữu, đem ra tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, bố-thí đến cho người khác, để trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí vĩnh viễn là của riêng ta trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Do suy xét như vậy, nên người ấy đem tiền của ra tạo phước-thiện bố-thí đến người khác.
5- Paññā: trí-tuệ: Người có trí-tuệ học hỏi hiểu biết rõ về pháp-học Phật-giáo, rồi thực- hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Nếu người nào có đầy đủ 5 pháp chư-thiên ấy thì người ấy được gọi là người như chư-thiên nghĩa là người ấy có thân người và tâm như chư-thiên.
Trong kiếp hiện-tại, nếu người ấy chưa chứng đắc bậc thiền nào và chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì sau khi người ấy chết, đại- thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.
* Manussa-tiracchāna: người như loài súc-sinh như thế nào?
Người như loài súc-sinh nghĩa là người ấy có thân người và tâm như loài súc-sinh.
Tâm loài súc-sinh là bất-thiện-tâm (ác-tâm) không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội- lỗi. Loài súc-sinh thường hành động do năng lực của mọi phiền-não, tạo mọi ác-nghiệp. Nếu khi tham-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo tham-tâm, nếu khi sân-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo sân-tâm, nếu khi si-tâm phát sinh thì loài súc-sinh hành động theo si-tâm, loài súc-sinh không biết chế ngự phiền- não, nên tạo mọi ác-nghiệp.
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, hành động theo năng lực của mọi phiền-não sai khiến, tạo mọi ác-nghiệp. Nếu khi tham-tâm phát sinh thì hành động theo tham- tâm, nếu khi sân-tâm phát sinh thì hành động theo sân-tâm, nếu khi si-tâm phát sinh thì hành động theo si-tâm. Người ấy không biết chế ngự được mọi phiền-não sai khiến, nên tạo mọi ác- nghiệp, tự làm khổ mình, làm khổ người, chúng- sinh khác.
Nếu người nào hành động do năng lực của mọi phiền-não, tạo mọi ác-nghiệp như vậy, thì người ấy bị gọi là người như loài súc-sinh, nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài súc-sinh.
Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp, mới thoát ra khỏi loài súc-sinh ấy.
* Manussa-peta: người như loài ngạ-quỷ như thế nào?
Người như loài ngạ-quỷ nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.
Tâm loài ngạ-quỷ là tham-tâm thèm muốn, khao khát, bởi vì đói khát, lạnh lẽo không sao chịu đựng nổi, không có nơi nương nhờ, v.v...
Người nào có cuộc sống đói khổ, lạnh lẽo, thiếu thốn mọi thứ, nên tham-tâm thường phát sinh thèm muốn, khao khát do ăn không được no, mặc không được ấm, không có nơi nương nhờ, v.v....
Như vậy, người ấy bị gọi là người như loài ngạ-quỷ, nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.
Tuy nhiên nếu người nào có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản của mình, không muốn đem tiền của ra tạo phước-thiện bố-thí đến cho người nghèo khổ khác, thậm chí còn phát sinh tham-tâm vơ vét của người khác đem về làm của riêng mình nữa, do năng lực của tham-tâm tham muốn không biết đủ, người ấy cũng bị gọi là người như loài ngạ-quỷ, nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như loài ngạ-quỷ.
Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp, mới thoát ra khỏi kiếp ngạ- quỷ ấy.
* Manussa-nerayika: người như chúng-sinh trong cõi địa-ngục như thế nào?
Người nào có ác-tâm cướp của giết người, chiếm đoạt của cải tài-sản của công hoặc của người khác một cách phi pháp, hoặc làm những việc phạm pháp, nên người ấy bị bắt, bị đánh đập hành hạ tra khảo, cuối cùng phải chịu tội trước cơ quan pháp luật. Người ấy bị tù đày trong ngục tù, bị hành hạ khổ sai phải chịu bao nỗi khổ cực, bởi vì tội ác của mình.
Người ấy bị giam cầm trong nhà tù, bị hành hạ khổ sai, không được tự do theo ý muốn của mình như vậy, nên người ấy bị gọi là người như chúng-sinh địa-ngục nghĩa là người ấy có thân người mà tâm như chúng-sinh địa-ngục.
Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm chúng- sinh trong cõi địa-ngục.
Trích Cõi Giới Chúng sinh (Bhūmi), Quyển Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống, Soạn giả Tỳ Khưu Hộ Pháp
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.